Bài 18: Được Tái Sinh – Sống Trong Trời Đất Mới

Câu hỏi gợi ý

    • Các bí tích khai tâm Kitô giáo là những bí tích nào?
    • Các bí tích này có tuân theo nghi thức nào không?
    • Chất thể (matter) và mô thể (form) của bí tích Rửa Tội là gì?
    • Có thể lãnh nhận bí tích Rửa Tội bằng hình thức nhúng chìm người trong nước hay không?
    • Những hiệu quả của bí tích Rửa Tội là gì?
    • Phải chăng trẻ nên được rửa tội ngay sau khi vừa mới chào đời?
    • Những ai được rửa tội? Cần có những điều kiện nào để được nhận bí tích Rửa Tội?
    • Thừa tác viên của bí tích Rửa Tội là ai – Ai được phép ban bí tích Rửa Tội?
    • Phải chăng phép thanh tẩy của Chúa Thánh Thần là một bí tích mới?
    • Chất thể và mô thể của bí tích Thêm Sức là gì?
    • Những hiệu quả của bí tích Thêm Sức là gì?
    • Ai được chịu Phép Thêm Sức? Những điều kiện để được nhận bí tích Thêm Sức là gì?
    • Thùa tác viên của bí tích Thêm Sức là ai – Ai được phép ban bí tích Thêm Sức?
    • Bí tích Thêm Sức được Đức Giêsu lập khi nào?

Sự khai tâm Kitô giáo là gì và việc này được thực hiện như thế nào?

Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL) mục 251 (xem thêm Giáo Lý Công Giáo – GLCG mục 1212 & 1275) giảng giải như sau:

Việc khai tâm Kitô giáo được thực hiện qua ba bí tích đặt NỀN TẢNG cho đời sống Kitô hữu. Các tín hữu [1] được tái sinh nhờ bí tích Rửa Tội, [2] được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức, và [3] được nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể.

(Hãy lưu ý thứ tự của ba bí tích trên.)

1. Bí Tích Rửa Tội

Bí tích này được biết dưới một vài tên gọi sau (GLYL mục 252; xem thêm GLCG mục 1213-1216; 1276-1277):

Ðầu tiên, người ta gọi bí tích này là Rửa Tội dựa theo nghi thức chính yếu của việc cử hành. Rửa Tội muốn nói việc "dìm xuống” nước. Người được Rửa Tội được dìm vào trong sự chết của Ðức Kitô và sống lại với Người như một "thụ tạo” mới (2 Thư Côrintô 5,17). Người ta còn gọi bí tích này là "tắm tái sinh và đổi mới trong Chúa Thánh Thần" (Thư Titô 3,5), hoặc gọi là "ơn soi sáng” vì người được rửa tội trở thành "con cái sự sáng” (Thư Êphêsô 5, 8).

Trong Cựu Ước, chúng ta tìm thấy nhiều HÌNH ẢNH biểu trưng cho bí tích Rửa Tội trong Tân Ước. Mục 253 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1217-1222) viết:

Trong Cựu Ước, người ta gặp nhiều hình ảnh tượng trưng khác nhau về bí tích Rửa Tội:[1] NƯỚC, được coi như nguồn gốc của sự sống và sự chết;[2] TÀU NÔE cứu thoát con người nhờ nước;[3] CUỘC VƯỢT QUA BIỂN ĐỎ giải phóng dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập; [4] VIỆC BĂNG QUA SÔNG GIOĐAN tiến vào đất hứa, là hình ảnh của sự sống đời đời.

Khi Đức Giêsu LẬP bí tích Rửa Tội, Ngài hoàn thành những biểu tượng chép trong Cựu Ước. Sách GLYL mục 254 (xem thêm GLCG mục 1223-1224) viết:

Những hình ảnh tượng trưng trong Cựu Ước được hoàn thành trong Ðức Giêsu Kitô. [1] Ngay lúc khởi đầu đời sống nhập thế, ĐỨC GIÊSU đã để cho Thánh Gioan Tẩy Giả LÀM PHÉP RỬA cho mình tại sông Giođan. [2] Trên thập giá, từ cạnh sườn của Người bị đâm thâu, MÁU và NƯỚC đã tuôn trào, là dấu chỉ của bí tích RỬA TỘI và THÁNH THỂ. [3] Sau khi phục sinh, Người đã ủy thác cho các tông đồ SỨ VỤ sau đây: "Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mátthêu 28,19-20).

Chúng ta cũng biết rằng ngay sau khi được sai đi, khởi đầu từ ngày LỄ NGŨ TUẦN, các Tông Đồ cử hành nghi thức bí tích Rửa Tội cho bất cứ ai sẵn lòng lãnh nhận nó, cho bất cứ ai tin nơi Đức Giêsu Kitô. (xem thêm mục 255 GLYL ; mục 1226-1228 GLCG)

1.1 Những yếu tố thiết yếu

Nghi thức CHÍNH YẾU của bí tích Rửa Tội gồm những gì?

Khi nói một yếu tố nào đó là thiết yếu, là chính yếu thì hẳn nhiên là nếu không có yếu tố đó, nghi thức sẽ CHƯA HOÀN THÀNH, và bởi thế, bí tích KHÔNG THÀNH SỰ. Sách GLYL (mục 256; xem thêm GLCG mục 1229-1245, 1278) viết:

Nghi thức chính yếu của bí tích này gồm việc DÌM ứng viên xuống nước hay ĐỔ NƯỚC trên đầu họ trong khi NGUYỆN CẦU: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

1.1.1 Chất thể (Matter)

Sách GLCG mục 1239 diễn giải về chất thể như sau:

    1. CHẤT THỂ XA (Remote Matter) (chất thể được sử dụng): NƯỚC thường.
    2. CHẤT THỂ GẦN (Proximate Matter) (hành động thực hiện với chất thể): ĐỔ NƯỚC ba lần hoặc ba lần DÌM XUỐNG NƯỚC RỦA TỘI (để tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi). Việc đổ nước lên đầu chủ thể được rủa tội đã có từ xa xưa.

1.1.2 Mô Thể (Form)

Mục 1240 Sách GLCG trình bày về mô thể của phép Rửa Tội trong phụng vụ của Giáo Hội Latin và Giáo Hội Đông Phương như sau:

[1] Trong Giáo Hội LATIN, việc đổ nước ba lần được kèm theo lời đọc của thừa tác viên: "N., ta rửa con, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần."

[2] Trong Giáo Hội ĐÔNG PHƯƠNG, người dự tòng hướng về phía đông và linh mục đọc:“Tôi tớ của Thiên Chúa, là N., được rửa tội, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Mỗi lần kêu cầu từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh, linh mục dìm người dự tòng xuống nước rồi kéo lên.

1.2 Thừa tác viên. Ai có thể ban bí tích Rửa Tội?

Sách GLYL (mục 260; xem thêm GLCG mục 1256, 1284) viết:

Thừa tác viên THÔNG THƯỜNG của bí tích Rửa Tội là các GIÁM MỤC và LINH MỤC; trong Giáo Hội Latinh còn có cả các PHÓ TẾ.

Trong trường hợp cần thiết, NGƯỜI NÀO cũng có thể ban bí tích Rửa Tội, miễn là họ CÓ Ý làm điều Hội Thánh làm.

Người ban bí tích Rửa Tội ĐỔ NƯỚC trên đầu ứng viên và đọc CÔNG THỨC XƯNG TỤNG CHÚA BA NGÔI (Trinitarian Formula) khi rửa tội: "Tôi rửa tội cho [...] nhân danh Cha và Con và Thánh Thần."

1.3 Chủ thể nhận bí tích Rửa Tội. Ai có thể lãnh nhận bí tích này?

Sách GLYL (mục 257; xem thêm GLCG mục 1246-1252) dạy:

Những ai chưa được rửa tội đều có thể lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, những người này trở thành tín hữu Công Giáo MÃI MÃI. Kể cả trong trường hợp họ từ bỏ Hội Thánh, họ vẫn là người Công Giáo. Tại sao vậy? Vì bí tích Rửa Tội là một trong ba bí tích ghi khắc vĩnh viễn dấu ấn thiêng liêng trong linh hồn (dấu ấn còn được gọi là “ấn tich”).

Những Kitô hữu CHƯA HIỆP THÔNG VỚI HỘI THÁNH CÔNG GIÁO là những người đã LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI MỘT CÁCH HỢP THỨC (tức là chịu Phép Rửa với chất thể và mô thể sử dụng trong Hội Thánh Công Giáo) và mong muốn được HIỆP THÔNG TRỌN VẸN với Hội Thánh Công Giáo sẽ tham dự một buổi lễ TIẾP NHẬN vào Hội Thánh Công Giáo mà không cần chịu Phép Rửa lần nữa.

1.3.1 Tại sao Hội Thánh rửa tội cho các em bé?

Mục 258 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1250) giải thích:

Bởi vì các em bé được sinh ra trong tội nguyên tổ, nên cần được giải thoát khỏi quyền lực Ác thần và đưa dẫn vào vương quốc của sự tự do, nơi dành cho con cái Thiên Chúa.

Mục 1250 và 1251 Sách GLCG nói rõ thêm:

TÍNH CÁCH HOÀN TOÀN NHƯNG KHÔNG của ơn cứu độ được biểu lộ cách đặc biệt trong bí tích Rửa Tội cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, Hội Thánh và cha mẹ của trẻ, nếu không cho trẻ được rửa tội ít lâu sau khi trẻ ra đời, thì làm cho trẻ bị thiệt mất ÂN SỦNG VÔ GIÁ, đó là được trở nên con cái Thiên Chúa. [xem thêm Bộ Giáo Luật, điều 867; Bộ Giáo Luật Giáo Hội Đông Phương, điều 681, 686, I ]

Các cha mẹ Kitô giáo nhận biết rằng việc thực hiện này đi đôi với nhiệm vụ của họ là những người dưỡng nuôi sự sống; nhiệm vụ này được Thiên Chúa ủy thác cho họ.[xem thêm Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân), là Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh của Công Đồng Vatican II; Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), là Hiến Chế Mục Vụ về Hội Thánh Trong Thế Giới Hôm Nay của Công Đồng Vatican II; Bộ Giáo Luật, điều 868].

Bổn phận của cha mẹ là cung cấp cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Và điếu tốt đẹp nhất mà con người cấn có chính là đời sống siêu nhiên, là trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Một số người phản bác việc rửa tội cho trẻ sơ sinh; họ quan niệm rằng cha mẹ hãy đợi cho trẻ lớn khôn và để chúng tự do chọn lựa nên rửa tội hay không. Nếu theo lập luận này, thì cha mẹ không cần chọn thức ăn thích hợp cho con nhỏ của mình mà cứ để khi nào chúng lớn lên rồi chúng chọn thức ăn phù hợp với chúng!

Nhưng trong Giáo Hội sơ khai, phài chăng chỉ người lớn mới được rửa tội?

Vào THỜI KỲ ĐẦU của Hội Thánh, nhiều người trưởng thành đã cải đạo và được rửa tội. Họ không có cơ hội được rửa tội lúc còn thơ ấu vì khi đó chưa có Hội Thánh. Sau đó, những người này đều cho con cái mình chịu Phép Rửa. Mục 1252 Sách GLCG viết:

Việc rửa tội cho trẻ là truyền thống xa xưa của Hội Thánh. Có những bằng chứng rõ ràng về truyền thống này từ thế kỷ thứ hai, nhưng cũng có thể đã có trước đó, từ lúc các tông đồ bắt đầu rao giảng, đã có nhiều gia đình mà cả nhà đều chịu Phép Rửa. [xem thêm Công Vụ 16: 15,33; 18:8; Thư Côrintô I, 1:16; Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huấn Thị Pastoralis actio: AAS 72 (1980) 1137-1156]

Thánh Josemaria Escriva viết trong tác phẩm Christ is Passing By 78 (Bài giảng "Interior Struggle") như sau:

Nhiều người không chút đắn đo, áy náy khi quyết định trì hoãn việc rửa tội cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi làm điều này, họ đã đi ngược lại với đức công bình và đức ái vì đã tước đi của trẻ ân sủng đức tin, lấy đi của chúng kho báu vô cùng quí giá là sự hiện diện của Ba Ngôi Chí Thánh trong linh hồn của chúng, một linh hồn mắc nhiễm tội nguyên tổ khi đến thế trần này.

Họ cũng làm thay đổi bản chất của bí tích Thêm Sức vốn được truyền thống xem là bí tích trợ lực cho đời sống thiêng liêng. Qua việc đem thêm nhiều sức mạnh siêu nhiên cho linh hồn nhờ sự tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần một cách lặng lẽ nhưng đầy hiệu quả, bí tích Thêm Sức giúp Kitô hữu chiến đấu như một chiến binh của Đức Kitô trong cuộc chiến sát sườn của họ là chống lại tính ích kỷ hại nhân và các loại dục vọng thế trần.

1.3.2 Người trưởng thành

Trong Hội Thánh sơ khai, nhiều người trưởng thành được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Trước khi lãnh nhận, họ phải qua một giai đoạn gọi là “thời kỳ dự tòng”. Trong thời kỳ này, họ học hỏi về đức tin Kitô giáo, và được dẫn dắt để sống theo đức tin. Như thế, vào lúc họ được rửa tội, họ đã sống đức tin Kitô giáo trong nhiều lãnh vực cuộc sống và đã tham dự những buổi lễ phụng vụ.. (xem thêm GLCG mục 1247, 1248)

Hội Thánh đòi hỏi gì nơi người sắp nhận bí tích Rửa Tội?

Sách GLYL mục 259 (xem thêm GLCG mục 1253-1255) giải đáp:

Hội Thánh đòi hỏi người sắp nhận bí tích Rửa Tội phải TUYÊN XUNG ĐỨC TIN; trong trường hợp là một người trưởng thành thì việc tuyên xưng này phải do chính bản thân họ, nhưng nếu là một em bé, thì việc tuyên xưng do cha mẹ và Hội Thánh. Cha mẹ đỡ đầu và cả cộng đoàn giáo hội đều có trách nhiệm phần nào trong việc chuẩn bị bí tích Rửa Tội (cho người dự tòng) cũng như trong việc phát triển và giữ vũng đức tin cùng ân sủng của bí tích Rửa Tội.

Cha mẹ đỡ đầu “phải là những người vũng mạnh về đức tin, có đầy đủ khả năng và sẵn lòng giúp đỡ người mới chịu phép Rửa Tội – trẻ em hoặc người lớn – trên con đường sống đời sống Kitô hữu.” (GLCG mục 1255)

1.4 Hiệu quả. Bí tích Rửa Tội đem lại điều gì?

Mục 263 Sách GLYL (xem thêm các mục 1262-1274, 1279-1280 Sách GLCG) tóm lược về những hiệu quả của bí tích Rửa Tội như sau:

Bí tích Rửa Tội [1] tha thứ TỘI NGUYÊN TỔ, MỌI TỘI CÁ NHÂN và các HÌNH PHẠT bởi tội. [2] Bí tích Rửa Tội cho THAM DỰ VÀO ĐỜI SỐNG THẦN TÍNH của Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ ơn thánh hóa, nhờ ơn công chính hóa [3] giúp chúng ta hòa nhập vào Ðức Kitô và Hội Thánh Người. Bí tích này cho chúng taTHAM DỰ VÀO CHỨC TƯ TẾ CỦA ĐỨC KITÔ và TẠO NỀN TẢNG CHO SỰ HIỆP THÔNG mọi Kitô hữu. [4] Bí tích này trao ban CÁC NHÂN ĐỨC ĐỐI THẦN và CÁC HỒNG ÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN. Người lãnh nhận bí tích Rửa Tội THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ MÃI MÃI. Họ được đóng ấn không thể xóa được của Ðức Kitô (ẤN TÍN).

1.4.1 Sự tha tội nguyên tổ, các tội cá nhân và các hình phạt bởi tội

Trong tội lỗi có hai yếu tố: SỰ PHẠM TỘI và “NỢ” do tội đó gây ra; do đó, cần phải “đền bù; bồi thường”. Việc này giống như trường hợp chúng ta xúc phạm một người bạn nào đó rồi sau đó, chúng ta xin anh ta tha thứ. Kể cả khi anh ta sẵn lòng tha thứ, chúng ta vẫn mong muốn đền bù cho sự xúc phạm của chúng ta. Bí tích Rửa Tội có quyền năng rất mạnh, đó là xóa sạch cả tội lẫn nợ bởi tội mà ra. Mục 1263 Sách GLCG khẳng định điều này:

Nơi những người đã được tái sinh, không còn gì ngăn cản họ bước vào Nước Thiên Chúa, dù là tội nguyên tổ, hoặc tội của bản thân, dù là những hậu quả của tội, kể cả hậu quả nghiêm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người ta sẽ trở nên miễn nhiễm với tội sau khi nhận bí tích Rửa Tội. Mục 1264 Sách GLCG giải thích:

Tuy nhiên, một số HẬU QUẢ TẠM THỜI của tội vẫn còn nơi người đã nhận bí tích Rửa Tội, như đau khổ, bệnh tật, sụ chết và những yếu hèn vốn có trong cuộc sống, chẳng hạn như tính nhu nhược, dễ sa đà vào tội lỗi mà Truyền Thống gọi là SỰ HAM MÊ THÚ VUI TRẦN TỤC (concupiscence), hay nói theo cách ẩn dụ là "mồi lửa tội lỗi" (fomes peccati). Sự ham mê thú vui trần tục“còn để lại để chúng ta đấu tranh với nó; nó không thể làm hại những người nhất quyết không chiều theo nó mà còn mạnh mẽ chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô.”[Công Đồng Trent (1546): DS 1515]. Hơn nữa,“người tham dự điền kinh không thể được trao giải nếu không thi đấu theo luật lệ.” [Thư Timôthê II, 2:5]

(*formes peccati = mồi lửa tội lỗi. Thuật ngữ này thường được phái kinh viện dùng để chỉ tội nguyên tổ phụ trợ dục vọng con người.)

(Xem thêm Bài 7.)

1.4.2 Ơn thánh hóa

Ơn thánh hóa đem lại điều gì? Sách GLCG (mục 1266) giảng giải:

Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người lãnh bí tích Rửa Tội ơn thánh hóa và ơn công chính hóa:

    • làm cho người đó TIN nơi Thiên Chúa; TRÔNG CẬY Ngài; và YÊU MẾN Ngài nhờ các nhân đức đối thần;
    • đem cho người đó năng lực sống và hành động sự tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các HỒNG ÂN CỦA CHÚA THÁNH THẦN;
    • giúp người đó lớn mạnh trong thiện hảo nhờ CÁC NHÂN ĐỨC LUÂN LÝ (khôn ngoan, công bằng, dũng cảm, và tiết độ) cùng các nhân đức liên quan.

Như vậy, toàn bộ cơ cấu của đời sống siêu nhiên của Kitô hữu đều khởi nguồn từ bí tích Rửa Tội.

(Xem thêm Bài 28.)

1.4.3 Sự sáp nhập vào Hội Thánh

Các mục từ 1267 tới 1270 trình bày chi tiết về thành quả của sự sáp nhập của chúng ta vào Nhiệm Thể Đức Kitô (Hội Thánh). Nhờ bí tích Rửa Tội:

    • chúng ta trở nên CHI THỂ CỦA NHIỆM THỂ ĐỨC KITÔ, và là “PHẦN THÂN THỂ CỦA NHAU” (Thư Êphêsô 4:25), vượt lên trên mọi ranh giới tự nhiên hoặc nhân văn về dân tộc, văn hóa, chủng tộc hoặc giới tính;
    • chúng ta được tham dự vào sứ vụ TƯ TẾ, TIÊN TRI, và VƯƠNG ĐẾ của Đức Kitô (xem thêm Bài 13.)
    • chúng ta lãnh nhận những TRÁCH NHIỆM và BỔN PHẬN, đồng thời cũng được hưởng những QUYỀN LỢI trong lòng Hội Thánh, chẳng hạn như sẽ được tăng thêm sức mạnh nhờ các bí tích khác và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa.
    • Những điều trên giúp chúng ta THAM DỰ VÀO SỨ MỆNH CỦA HỘI THÁNH.

Còn trường hợp các Kitô hữu đã chịu phép Rửa Tội hợp thức nhưng chưa hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo thì sao?

Mục 1271 Sách GLCG giải thích như sau:

Bí tích Rửa Tội đặt nền tảng cho sự hiệp thông giữa tất cả các Kitô hữu, kể cả những người CHƯA HOÀN TOÀN HIỆP THÔNG với Hội Thánh Công Giáo:“Những người tin vào Đức Kitô và đã chịu Phép Rửa đúng nghi thức vẫn hiệp thông một cách nào đó với Hội Thánh Công Giáo, tuy là sự hiệp thông chưa trọn vẹn. Đã được công chính hóa nhờ đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, những người đó đã được hòa nhập vào Đức Kitô, vì vậy, họ có quyền mang danh Kitô hữu và được con cái của Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa.” [Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio của Công Đồng Vatican II].“Bí tích Rửa Tội tạo nên mối dây bí tích của sự hợp nhất giữa tất cả những người đã được tái sinh nhờ bí tích đó.” [Sắc Lệnh nói trên].

1.4.4 Ấn tín: Dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa

Tương tự như bí tích Thêm Sức và bí tích Truyền Chức Thánh, bí tích Rửa Tội khắc ghi dấu ấn nơi linh hồn người lãnh nhận. Tội lỗi không thể xóa dấu ấn này; tội chỉ cản ngăn người đã chịu Phép Rửa sinh hoa trái thiêng liêng. Vậy, dấu ấn này giúp gì cho người lãnh nhận bí tích Rửa Tội? Sách GLCG (mục 1272-1274) giảng giải như sau:

    • Ấn tín này làm cho người chịu phép rửa TRỞ NÊN ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG với Đức Kitô; trở nên HÌNH ẢNH của Ngôi Con Yêu Dấu.
    • Ấn tín này THÁNH HIẾN họ để họ thực hiện phụng tự Kitô giáo; giúp họ THAM DỰ SỐNG ĐỘNG vào PHỤNG VỤ thánh của Hội Thánh.
    • Ấn tín này là dấu ấn của ĐỜI SỐNG VĨNH HẰNG. Một điều cần nhấn mạnh là Kitô hữu có nghĩa vụ là phải trung thành với những đòi buộc của bí tích Rửa Tội cho đến cùng để được phần thưởng vĩnh cửu.

1.5 Chúng ta có thể vào nước Trời mà không cần chịu Phép Rửa được không?

Sách GLYL (mục 261; xem thêm GLCG mục 1257) giảng:

Bí tích Rửa Tội cần thiết cho ơn cứu độ đối với những người đã được nghe rao giảng Tin Mừng và những người có khả năng xin lãnh nhận bí tích này.

Sách GLYL (mục 262; xem thêm GLCG mục 1258-1261, 1281-1283) giảng giải cho chúng ta về CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT:

    1. Vì Đức Kitô đã chết để cứu độ tất cả mọi người, nên những người sau đây có thể được cứu độ dù chưa lãnh nhận bí tích Rửa Tội: người chết vì đức tin (RỬA TỘI BẰNG MÁU).
    2. Những người dự tòng và những người chưa biết Đức Kitô và Hội Thánh của Ngài, nhưng dưới tác động của ân sủng đã luôn thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và ra sức thực hiện thánh ý Ngài (RỬA TỘI BẰNG KHÁT VỌNG).
    3. Hội Thánh trong Phụng Vụ của mình luôn phó thác NHỮNG TRẺ EM CHẾT MÀ CHƯA ĐƯỢC RỬA TỘI cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.

1.6 Các yếu tố của nghi thức ban bí tích Rửa Tội là gì?

Các mục 1235-1245 Sách GLCG khái quát về nghi thức này như sau::

    1. Dấu Thánh Giá
    2. Công bố lời Chúa
    3. Đọc lời nguyện trừ tà, xức dầu thánh hoặc thừa tác viên đặt tay lên người chịu Phép Rửa; đọc lời quyết tâm từ bỏ ma quỉ
    4. Thánh hiến nước rửa tội
    5. Nghi thức chính yếu: dìm úng viên xuống nước ba lần, hoặc đổ nước lên đầu họ ba lần; vừa làm như trên vùa đọc công thức Rửa Tội (xem ở phần trên)
    6. Xức dầu thánh (trong Giáo Hội Đông Phương, sự xức dầu thánh được thay bằng bí tích Thêm Sức)
    7. Mặc áo trắng
    8. Thắp sáng nến bằng lửa lấy từ nến Phục Sinh
    9. Rước lễ lần đầu ( theo Nghi Thức của Giáo Hội Đông Phương, Thánh Thể được ban cho tất cả những người vừa được rửa tội, kể cả các trẻ em chưa đến tuổi khôn)
    10. Phép lành trọng thể và ban phép lành cho người mẹ của trẻ rửa tội.

2. Bí Tích Thêm Sức

Vì sao phải cần đến bí tích Thêm Sức?

Mục 265 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1285-1288, 1315) giảng giải:

Trong Giao Ước cũ, các tiên tri đã loan báo việc tuôn đổ Thánh Thần của Chúa trên Ðấng Mêsia đang được mong đợi, và trên toàn dân của Ðấng Mêsia. Trọn đời sống và sứ vụ của Ðức Kitô diễn ra trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần. Các Tông đồ nhận lãnh Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần và loan báo "những kỳ công của Thiên Chúa” (Công Vụ 2, 11). Qua việc đặt tay, các ngài trao ban cho các người mới lãnh nhận bí tích Rửa Tội hồng ân của chính Chúa Thánh Thần. Qua bao thế kỷ, Hội Thánh liên tục sống nhờ Chúa Thánh Thần và thông ban Chúa Thánh Thần cho con cái mình.

Trong Sách Tin Mừng, chúng ta không thấy có đoạn nào nói về việc Đức Giêsu LẬP bí tích Thêm Sức. Tuy nhiên, chương 8 Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại việc cử hành bí tích Rửa Tội và bí tích Thêm Sức trong Giáo Hội sơ khai. Từ trình thuật này, chúng ta biết Đức Giêsu đã lập bí tích Thêm Sức.

(14) Các Tông Ðồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. (15) Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh thần. (16) Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. (17) Bấy giờ HAI ÔNG ĐẬT TAY TRÊN HỌ, và họ nhận được Thánh Thần.

Chương 19 Sách Tông Đồ Công Vụ có đoạn sau:

(1) Trong khi ông Arôlô ở Côrintô thì ông Phaolô đi qua miền thượng du đến Êphêxô. Ông Phaolô gặp một số môn đệ (2) và hỏi họ: "Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ trả lời: "Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” (3) Ông hỏi: "Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?” Họ đáp: "Phép rửa của ông Gioan.” (4) Ông Phaolô nói: "Ông Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Ðấng đến sau ông, tức là Ðức Giêsu”. (5) Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. (6) Và KHI PHAO LÔ ĐẶT TAY TRÊN HỌ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.

Trong Tông Hiến Divinae consortium naturae (mục 659), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết (đoạn này được trích dẫn ở mục 1288 Sách GLCG; xem thêm Tông Đồ Công Vụ 8:15-17; Thư Do Thái 6:2):

Từ đó, thực hiện ý muốn của Đức Kitô, các tông đồ đã đặt tay ban hồng ân Thánh Thần cho những người vừa chịu Phép Rửa Tội để kiện toàn ân sủng của bí tích này. Chính vì vậy, trong Thư gửi tín hữu Do Thái, giáo thuyết về bí tích Rửa Tội và việc đặt tay được kể vào số các yếu tố đầu tiên của huấn giáo Kitô giáo. Truyền thống Công Giáo chính thức công nhận VIỆC ĐẶT TAY là nguồn gốc bí tích Thêm Sức, và nhìn theo một cách khác, bí tích này làm cho ân sủng ngày Lễ Ngũ Tuần luôn tồn tại trong Hội Thánh.

Vì sao bí tích này được gọi là “bí tích Thêm Sức” hoặc “bí tích Dầu Thánh”?

Mục 266 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1289) giải đáp:

Người ta gọi bí tích này là bí tích Dầu Thánh (trong các Giáo Hội Đông Phương: Chrismation là việc xức bằng dầu myron, nghĩa là Dầu thánh), bởi vì nghi thức chính yếu của bí tích này là việc xức dầu. Người ta gọi bí tích này là bí tích Thêm Sức, vì bí tích này giúp kiện toàn và củng cố ân sủng của bí tích Rửa Tội.

2.1 Những yếu tố chính yếu

Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức gồm những gì?

Sách GLYL (mục 267; xem thêm GLCG mục 1290-1301, 1318, 1320-1321) viết:

Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là việc XỨC DẦU THÁNH (DẦU pha HƯƠNG LIỆU đã được giám mục THÁNH HIẾN), kèm theo việc ĐẶT TAY CỦA THỪA TÁC VIÊN, ngài sẽ đọc LỜI thuộc bí tích dành riêng cho nghi thức. Ở HỘI THÁNH TÂY PHƯƠNG, việc xức dầu được ghi trên trán của những người đã được Rửa Tội, kèm theo lời này: "Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần.”

Trong các GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG theo nghi thức Byzantin, việc xức dầu còn ghi trên nhiều phần thân thể, với lời đọc sau: "Tôi ghi dấu cho anh bằng hồng ân của Chúa Thánh Thần."

2.1.1 Chất thể

    1. Chất thể XA (Remote Matter): dầu thánh
    2. Chất thể GẦN (Proximate Matter): xức dầu thánh và đặt tay

Sách GLCG (mục 1289) giảng giải về nghi thức này:

Từ rất xa xưa, để biểu thị rõ hơn hồng ân của Chúa Thánh Thần, việc xức dầu thơm được kết hợp với việc đặt tay của thừa tác viên lên người sẽ nhận bí tích Thêm Sức. Việc xức dầu này làm sáng tỏ danh xưng “KITÔ HỮU” (Christian), vì Christian có nghĩa là “NGƯỜI ĐƯỢC XỨC DẦU THÁNH”, và bắt nguồn từ danh xưng của chính Đức Kitô (Christus), Đấng được Thiên Chúa dùng Thánh Thần xức dầu tấn phong.” [Công Vụ 10:38]

Vì sao lại cần dầu? Cần hương liệu? Chúng có ý nghĩa gì?

Sách GLCG (mục 1293) giảng giải ý nghĩa của việc xức dầu TRONG KINH THÁNH:

Việc xức dầu, theo ý nghĩa biểu tượng của Kinh Thánh và văn hóa cổ đại, mang rất nhiều ý nghĩa: dầu là dấu chỉ sự sung mãn và niềm vui [xem thêm Đệ Nhị Luật 11:14; Thánh Vịnh 23:5; 104:15]; dầu dùng để thanh tẩy (xức dầu trước và sau khi tắm) và làm cho dẻo dai, bền sức (xức dầu cho vận động viên và võ sĩ đô vật); dầu là dấu chỉ chữa lành vì nó làm giảm đau các vết bầm, các vết thương [xem thêm Isaiah 1:6; Luca 10:34]; dầu là tỏa rạng vẻ đẹp, sức khỏe và sự tráng kiện.

Mục này của sách nói trên diễn giải ý nghĩa của việc xức dầu trong BÍ TÍCH THÊM SỨC:

Trong nghi thức của BÍ TÍCH THÊM SỨC, phải lưu ý đến dấu chỉ xức dầu và điều mà việc xức dầu thể hiện và ghi dấu; đó là ẤN TÍN THIÊNG LIÊNG.

Ấn tín thiêng liêng nói lên điều gì?

Các mục 1295 và 1296 Sách GLCG giảng giải ý nghĩa của ấn tín này như sau:

Nhờ việc xức dầu này, người lãnh nhận bí tích Thêm Sức nhận một“dấu ấn”, là ấn tín của Chúa Thánh Thần. Ấn tín là biểu tượng của một nhân vật, là dấu chỉ quyền uy của người đó, hoặc dấu chỉ quyền sở hữu đối với một đối tượng nào đó [xem thêm Sách Sáng Thế 38:18; 41:42; Đệ Nhị Luật 32:34; Sách Diệu Ca 8:6]. Bởi vậy, thời xa xưa, các binh lính được ghi dấu bằng ấn tín của chủ tướng; các nô lệ cũng được ghi dấu bằng ấn tín của chủ nhân. Ấn tín chứng thực một sắc lệnh hoặc một văn kiện pháp lý, hoặc niêm phong làm cho văn kiện đó trở thành tài liệu mật [xem thêm Sách Các Vua I, 21:8; Jeremiah 32:10; Isaiah 29:11].

Chính Đức Kitô tuyên bố Ngài được ghi dấu bằng ấn tín của Thiên Chúa Cha [Gioan 6:27]. Kitô hữu cũng được ghi dấu bằng một ấn tín:“Chính Thiên Chúa là Đấng tạo lập chúng tôi cùng với anh em trong Đức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta. Ngài đã đóng ấn tín của Ngài lên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.” [Côrintô II, 1:21-22; Ephêsô 1:13; 4, 30]. Ấn tín này của Chúa Thánh Thần xác nhận chúng ta hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, mãi mãi phục vụ Ngài; ấn tín đó còn là lời hứa được Thiên Chúa che chở trong cuộc đại thử thách thời cánh chung [xem thêm Sách Khải Huyền 7:2-3; 9:4; Ezekiel 9:4-6].

Thực ra, việc xức dầu cũng được thực hiện trong các BÍ TÍCH KHÁC. Sách GLCG (mục 1294) giảng giải:

Tất cả ý nghĩa của việc xức dầu đều được gặp lại trong đời sống bí tích. VIỆC XỨC DẦU DỰ TÒNG TRƯỚC BÍ TÍCH RỬA TỘI có ý nghĩa thanh tẩy và tăng sức; VIỆC XỨC DẦU BỆNH NHÂN diễn tả sự chữa lành và an ủi. Việc xức dầu thánh SAU RỬA TỘI trong BÍ TÍCH THÊM SỨC và BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH là dấu chỉ sự thánh hiến. Nhờ bí tích Thêm Sức, các Kitô hữu, tức là những người đã được xức dầu tham dự nhiều hơn vào sứ vụ của Đức Giêsu Kitô và nhận lãnh tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần như Ngài lãnh nhận để cả cuộc đời họ tỏa ngát“hương thơm của Đức Kitô.” [Côrintô II, 2:15]

2.1.2 Mô thể

    1. Nghi thức của Giáo Hội LATIN: trong lúc xức dầu thánh lên trán ứng viên, thừa tác viên đọc: "Accipe signaculum doni Spiritus Sancti" ["Hãy lãnh nhận ấn tín Ơn Chúa Thánh Thần."] [Xem thêm Tông Hiến Divinae consortium naturae, 663 của Giáo Hoàng Phaolô VI]
    2. Nghi thức của các Giáo Hội ĐÔNG PHƯƠNG: trong lúc xức dầu thánh lên trán, mắt, môi, ngực, lưng, bàn tay, bàn chân của ứng viên, thừa tác viên đọc:"Signaculum doni Spiritus Sancti" ["Ấn tín hồng ân của Chúa Thánh Thần."] [Xem thêm Rituale per le Chiese orientali di rito bizantino in lingua greca, Pars Prima. Libreria editrice Vaticana, 1954. 36]

2.2 Thừa tác viên. Ai có thể ban bí tích Thêm Sức?

Sách GLYL (mục 270; xem thêm GLCG mục 1312-1314) viết:

THÙA TÁC VIÊN NGUYÊN THỦY của bí tích Thêm Sức là GIÁM MỤC. Ðây là cách làm nổi bật sự liên kết giữa người được Thêm Sức với Hội Thánh trong CƠ CẤU TÔNG TRUYỀN. Khi LINH MỤC trao ban bí tích này - điều này thông thường ở Ðông Phương và trong những hoàn cảnh đặc biệt ở Tây Phương - mối dây liên kết với giám mục và với Hội Thánh được biểu lộ qua linh mục, là cộng sự viên của giám mục, và qua Dầu Thánh được chính giám mục thánh hiến.

LINH MỤC nào cũng có thể ban bí tích Thêm Sức khi Kitô hữu đó ĐANG HẤP HỐI. Hội Thánh không muốn bất kỳ con cái nào của mình qua đời mà chưa được lành thánh nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần. (xem thêm mục 1314 Sách GLCG)

2.3 Chủ thể nhận bí tích Thêm Sức. Ai có thể chịu Phép Thêm Sức?

Sách GLYL (mục 269; xem thêm GLCG mục 1306-1311, 1319) viết:

Tất cả những ai ĐÃ NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI đều có thể và phải nhận bí tích Thêm Sức và chỉ một lần duy nhất. Ðể lãnh nhận bí tích Thêm Sức MỘT CÁCH HỮU HIỆU, ứng viên phải ở trong TÌNH TRẠNG ÂN SỦNG.

Tuổi nào phù hợp để lãnh nhận bí tích Thêm Sức?

Sách GLCG (mục 1307 và 1308) trình bày:

Từ nhiều thế kỷ, tập tục của Giáo Hội Latin lấy TUỔI BIẾT PHÂN BIỆT TỐT XẤU là thời điểm qui chiếu để lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Tuy nhiên, TRONG TRƯỜNG HỢP NGUY TỬ, trẻ em PHẢI được cho chịu phép Thêm Sức dù chúng chưa tới tuổi nói trên. [xem thêm Bộ Giáo Luật, điều 891; 883.3].

Bí tích Thêm Sức cũng được gọi là“bí tích của sự trưởng thành Kitô giáo”, nhưng chúng ta không nên lẫn lộn giữa TUỔI TRƯỞNG THÀNH VỀ ĐỨC TIN với tuổi trưởng thành tự nhiên; cũng đừng quên rằng ân sủng của bí tích Rửa Tội là ân sủng của sự tuyển chọn nhưng không (của Thiên Chúa) và không do công trạng (của chúng ta); bí tích này không cần“sự chứng thực” để trở thành có hiệu lực. Thánh Tôma nhắc nhở như sau:

Tuổi tác phần xác không ấn định tuổi phần hồn. Trong tuổi thơ, con người cũng có thể đạt được sự chững chạc tinh thần, như lời trong Sách Khôn Ngoan:“Tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không phải bởi con số lớn năm tháng.” Nhiều trẻ em, nhờ sức mạnh của Chúa Thần mà chúng lãnh nhận, đã đấu tranh ngoan cường vì Đức Kitô, kể cả có phải đổ máu vì việc đó. [Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae (Tổng Luận Thần Học) III q72 a8 ad2; xem thêm Sách Khôn Ngoan 4:8].

Cha mẹ đỡ đầu là những người như thế nào?

Mục 1311 Sách GLCG khuyến nghị nên chọn cha mẹ đỡ đầu Rửa Tội làm cha mẹ đỡ đầu Thêm Sức để thể hiện sự liên kết giữa hai bí tích này.

2.4 Hiệu quả của bí tích Thêm Sức

Sách GLYL (mục 268; xem thêm GLCG các mục 1302-1305, 1316-1317) tóm lược các hiệu quả của bí tích này như sau:

Hiệu quả của bí tích Thêm Sức là việc đổ tràn ơn Chúa Thánh Thần cách đặc biệt, như trong ngày lễ Ngũ Tuần. Việc đổ tràn này[1] ghi một ẤN TÍN KHÔNG THỂ XÓA trong linh hồn người lãnh nhận, và [2] GIA TĂNG ÂN SỦNG của bí tích Rửa Tội. Việc tuôn tràn ơn Thánh Thần [3] giúp chúng ta TIẾN SÂU HƠN VÀO ƠN LÀM CON CÁI THIÊN CHÚA, [4]KẾT HỢP chúng ta CHẶT CHẼ HƠN với ĐỨC KITÔ và với HỘI THÁNH của Người. Bí tích này [5] TĂNG CƯỜNG CÁC HỒNG ÂN của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn chúng ta, và [6] trao ban cho chúng ta một SỨC MẠNH ĐẶC BIỆT để làm chứng cho đức tin Kitô giáo.

2.5 Bí tích Thêm Sức cần thiết ra sao?

Mục 1306 Sách GLCG nhắc lại những điều của Giáo Luật nói về vấn đề này:

Mọi người đã được rửa tội nhưng chưa chịu phép Thêm Sức đều có thể và phải nhận lãnh bí tích Thêm Sức[Điều 889,1 Bộ Giáo Luật]. Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể tạo thành một thể thống nhất, nên“các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức vào thời gian thích hợp.”(Điều 890 Bộ Giáo Luật), vì nếu không có bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, thì tuy bí tích Rửa Tội vẫn thành sự và hữu hiệu, nhưng việc khai tâm Kitô giáo chưa được toàn vẹn.

    • Compendium of the Catechism of the Catholic Church, 251-270
    • Catechism of the Catholic Church, 1212-1321

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 251-270. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1212-1321. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996

Websites

v. 2012-08

Peter Thuan