Bài 29: Theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi

Câu hỏi hướng dẫn

    • Con người tự bẩm sinh có tính xã hội không?
    • Nền tảng của phẩm giá con người là gì?
    • Xã hội là gì?
    • Nguyên tắc hỗ trợ là gì?
    • Quyền cai quản xã hội được ủy thác cho ai?
    • Tại sao đạo đức và luân lý nghề nghiệp là quan trọng?
    • Quyền bính có cần thiết không? Tại sao?
    • Dân chủ có luôn luôn là hệ thống cai trị tốt nhất theo quan điểm của Hội Thánh không?
    • Các chính quyền dân chủ có luôn luôn tôn trọng quyền của con người không (ví dụ các thai nhi)?
    • Khái niệm công ích nghĩa là gì?
    • Chỉ có công bằng mà thôi có giải quyết được mọi vấn đề của xã hội không?
    • Các công dân cổ vũ cho công ích bằng cách nào?
    • Quyền bính trong một xã hội dân chủ có bắt nguồn từ nhân dân không?

1. Nhân vị: Cùng đích và Phẩm giá

Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLCG 1701) nhắc nhở chúng ta:

"Khi mặc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, Ðức Ki-tô đã cho con người biết rõ về chính bản chất của họ và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ" (x. GS 22,1). Trong Ðức Ki-tô "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15) (x. 2Cr 4,4), con người được tạo dựng "theo hình ảnh và giống" Ðấng Sáng Tạo. Hình ảnh này đã bị nguyên tội làm biến dạng, nay được phục hồi vẻ đẹp nguyên thủy trong Ðức Ki-tô. Ðấng Cứu Chuộc và Cứu Ðộ, và còn được ân sủng Thiên Chúa làm tăng thêm vẻ rực rỡ (x. GS, 2 ).

Cuộc đời Chúa Giêsu là một ví dụ và gương mẫu cho chúng ta thấy Con Thiên Chúa có nghĩa là gì, Con Yêu Dấu của Thiên Chúa có nghĩa là gì.

1.1 Thụ tạo đặc biệt

Trong Bài 6, số 6, chúng ta thấy Thiên Chúa đã rộng ban cho con người nhiều đặc ân và tiền định cho họ một đời sống hạnh phúc vĩnh cửu. Vì vậy, con người có một phẩm giá đặc biệt.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 358; xem GLCG 1699-1715) cắt nghĩa về nguồn gốc của phẩm giá này.

Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Ðược phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.

1.2 Bị thương tổn bởi tội

Chúng ta cũng đã thấy (trong Bài 7) tội của tổ tông loài người đã làm tổn thương và suy yếu bản tính loài người chúng ta. Chúng ta phải lưu ý đến điều này trong bài này.

2. Bản tính xã hội của con người

2.1 Bản tính Ba Ngôi nơi Thiên Chúa và tình huynh đệ nơi loài người

Vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, nên bản tính của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản chiếu nơi con người. Vì thế sách GLCG (1878) khẳng định:

Tất cả mọi người đều được mời gọi tiến đến cùng đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương đồng nào đó giữa sự hiệp nhất Ba Ngôi Thiên Chúa và tình huynh đệ mà loài người phải kiến tạo cho nhau trong chân lý và tình yêu. Yêu người không thể tách rời khỏi mến Chúa.

2.2 Có thực là chúng ta cần phải sống chung với người khác không?

Hội Thánh dạy rằng sống với người khác là một đòi hỏi nội tại của bản tính con người. Xã hội không phải là một cái gì do người ta thêm thắt vào và có hay không cũng được. Do bản tính, con người không phải chỉ là loài có lý trí, mà cũng là loài có xã hội tính. Vì thế sách GLCG (số 1879) dạy rằng:

Con người cần đến đời sống xã hội. Ðời sống này không phải là một cái gì được thêm vào nhưng là một đòi hỏi của bản tính con người. Nhờ trao đổi với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, con người phát triển các tiềm năng; nhờ đó họ đáp lại ơn gọi của mình [xem Gaudium et Spes 25 # 1]

Một số nhà tư tưởng như Thomas Hobbes (1651), John Locke (1689) và Jean-Jacques Rousseau (1762) đã mô tả xã hội và quyền bính như là kết quả của một khế ước xã hội. Ngược lại, Hội Thánh dạy rằng xã hội và quyền bính cai quản xã hội đều là những đòi hỏi của bản tính con người.

Thiên Chúa muốn loài người cần đến nhau. Vì thế các số 1936 và 1937 của sách GLCG nói:

Khi chào đời, con người không có sẵn trong tay tất cả những gì cần thiết để phát triển đời sống thể xác và tinh thần của mình. Con người cần đến tha nhân. Con người khác nhau về tuổi tác, thể lực, những năng lực trí tuệ và tinh thần, những cơ hội mỗi người có được và của cải được phân phối. Thiên Chúa không trao cho mỗi người số "nén bạc " như nhau.

Những dị biệt này nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn mỗi người đón nhận điều mình cần từ người khác. Ai lãnh được những "nén bạc" đặc biệt, phải biết thông truyền những lợi ích của các tài năng đó cho những ai cần đến. Các dị biệt khuyến khích và thường đòi buộc mọi người sống độ lượng, hảo tâm và chia sẻ, kích thích các nền văn hóa trao đổi, làm phong phú cho nhau:

"Ta không ban cho mọi người các đức tính như nhau, nhưng kẻ này được đức tính này, kẻ khác được đức tính khác... Ta ban cho người này đức ái, kẻ khác được đức công chính, sự khiêm nhường hay đức tin sống động... Còn về những điều cần thiết cho đời sống con người, Ta đã không phân phối đồng đều, không muốn mỗi người có đủ mọi sự, để buộc họ phải thực thi đức ái. Ta muốn họ cần đến nhau và trở thành những thừa tác viên của Ta để phân phát những ân sủng và mọi thứ Ta đã quảng đại ban cho họ" (T. Ca-ta-ri-na thành Si-ên-na, 1,7).

3. Xã hội

3.1 Chúng ta hiểu xã hội là gì?

Sách GLCG (số 1880) định nghĩa xã hội như sau:

Xã hội là tập thể những người sống liên kết với nhau cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất, vượt lên trên từng cá nhân. Là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, xã hội tồn tại mãi: tiếp nhận dĩ vãng và chuẩn bị tương lai. Nhờ xã hội, mỗi người trở thành "người thừa tự", lãnh nhận các "nén bạc" để làm giàu căn tính mình và phải phát triển các "nén bạc" ấy (xem Lc 19.13.15). Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích.

3.2 Con người có địa vị gì trong xã hội?

Sách GLYL (số 402; xem GLCG 1881-1882, 1892-1893) cắt nghĩa khá rõ rằng

Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là và phải là con người. Một số cộng đồng, chẳng hạn như gia đình và tập thể dân sự, rất cần thiết cho con người. Các hiệp hội khác cũng hữu ích cho con người, cả trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc HỖ TRỢ...

3.3 Nhưng nguyên tắc hỗ trợ là gì?

Theo sách GLYL (số 403; GLCG 1883-1885, 1894):

Nguyên tắc này có nghĩa là một cộng đồng ở cấp độ cao hơn không được thâu tóm các phận vụ thuộc cộng đồng ở cấp độ thấp hơn, đến độ cướp mất thẩm quyền của cộng đồng cấp thấp này. Ðúng hơn, cộng đồng cấp cao phải nâng đỡ cộng đồng cấp thấp trong trường hợp cần thiết.

MẪU MỰC cho việc thực hành nguyên tắc hỗ trợ là chính Thiên Chúa. Sách GLCG số 1884 nói rõ:

Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thực thi mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ nó có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Xã hội loài người phải bắt chước cách lãnh đạo này. Cách Thiên Chúa cai trị thế giới cho thấy Người rất tôn trọng quyền tự do của con người. Ðó phải là đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những thừa tác viên của Chúa quan phòng.

3.4 Nguyên tắc liên đới là gì?

3.4.1 Ý nghĩa thực sự của nguyên tắc này

Nguyên tắc liên đới, cũng gọi là nguyên tắc tình bạn hay bác ái xã hội, là một nguyên tắc bổ sung cho nguyên tắc hỗ trợ. Nó đòi hỏi mọi người cùng nhau làm việc, hợp tác với nhau để mưu cầu công ích. Sách GLYL (số 414; xem GLCG 1939-1942, 1948) cắt nghĩa nguyên tắc này hoạt động như thế nào.

Xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo, tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối hợp lý các của cải, trong việc trả lương lao động một cách công bằng và trong việc dấn thân cho một trật tự xã hội công bằng hơn. Nhân đức liên đới được thực hiện qua việc chia sẻ các của cải tinh thần của đức tin, điều này còn quan trọng hơn là các của cải vật chất.

3.4.2 Tham gia vào đời sống xã hội. Xã hội hóa.

Các số 1882 và 1915 của sách GLCG khuyến khích mọi người tham gia vào nhiều loại quan hệ xã hội, gồm sự tham gia vào đời sống công cộng và đời sống chính trị.

"Có những mối liên hệ xã hội đáp ứng trực tiếp được bản tính sâu xa của con người, đó là gia đình và nhà nước" (x. Gaudium et Spes 25,2). Chúng cần thiết cho con người. Ðể đa số có thể tham gia đời sống xã hội, nên khuyến khích thành lập các hiệp hội và những tổ chức "nhằm các mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, giải trí, nghề nghiệp, chính trị...trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế" (x. MM:Thông điệp Mẹ và Thầy. 60). Công cuộc "xã hội hóa" này đặt nền tảng trên xu hướng tự nhiên thúc đẩy con người hợp tác với nhau, để đạt tới những mục tiêu vượt quá khả năng của từng người. Công cuộc này giúp phát triển các đức tính của con người, nhất là óc sáng kiến và tinh thần trách nhiệm, cũng như giúp bảo đảm các quyền của con người (x. Gadium et S 25 #2; Centesimus Annus 12).

Các công dân phải tích cực tham gia càng nhiều càng tốt vào đời sống xã hội. Các phương thức tham gia có thể thay đổi tùy từng nước, từng nền văn hóa.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, khi một người Công Giáo tham gia vào các hoạt động trần thế, họ không đại diện cho Hội Thánh. Họ phải hành động với tự do và trách nhiệm cá nhân của mình, sử dụng các tiêu chuẩn Kitô giáo, đặc biệt công bằng và bác ái, trong mọi hành động của họ. Các lời của Thánh Josemaría Escrivá (Bài giảng Si Mê Thế Giới) rất có giá trị về điểm này.

Nhưng không bao giờ có chuyện một người Kitô hữu như thế lại nghĩ hay nói rằng họ đang từ trên đền thờ đi xuống thế gian để đại diện cho Hội Thánh, hay các giải pháp của họ là các giải pháp công giáo cho các vấn đề. Không thể chấp nhận được chuyện ấy. Đó sẽ là chủ nghĩa giáo sĩ, chủ nghĩa công giáo nghi thức, hay bất cứ tên gọi nào bạn muốn. Bất luận thế nào, đó đúng là gượng ép bản chất của sự việc. Điều các con phải làm là nuôi dưỡng một não trạng giáo dân thực sự, dẫn đến ba kết luận sau:

― đủ tự trọng để gánh vác trách nhiệm riêng của mình;

― đủ là người Kitô hữu để tôn trọng các anh chị em trong đức tin của mình khi họ đề nghị những giải pháp khác với của bạn trong các cuộc tranh luận tự do; và,

― đủ là người Công Giáo để không lợi dụng Mẹ Hội Thánh làm công cụ của mình và lôi kéo Hội Thánh vào các phe phái nhân loại.

Rõ ràng là, trong lãnh vực này cũng như mọi lãnh vực khác, các con sẽ không thể nào thực hiện chương trình thánh hóa đời sống hằng ngày này của các con nếu các con không được hưởng mọi sự tự do phát xuất từ nhân phẩm của các con với tư cách là những con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, và là sự tự do mà Hội Thánh sẵn sàng nhìn nhận. Tự do cá nhân là điều cốt yếu cho đời sống Kitô giáo. Nhưng, các con thân mến, đừng quên rằng cha luôn luôn nói đến một thứ tự do có trách nhiệm. Vì vậy, hãy hiểu đúng những lời cha nói: một ơn gọi thực thi các quyền lợi của các con mọi ngày, chứ không chỉ những lúc cấp bách.

Một ơn gọi chu toàn một cách xứng đáng các cam kết của các con trong tư các là công dân trong mọi lãnh vực ― chính trị và tài chánh, ở đại học cũng như trong công việc của các con―chấp nhận mọi hậu quả của các quyết định tự do của các con và đảm nhận sự độc lập cá nhân của các con. Một cách hành xử giáo dân Kitô loại này sẽ giúp các con tránh được mọi sự thiếu độ lượng, mọi hành vi cuồng tín. Nói một cách tích cực, nó sẽ giúp các con sống an bình với mọi công dân đồng bào của các con, và cổ võ sự hiểu biết và hòa hợp trong các lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Cách hành xử này của người Kitô hữu giáo dân tuân theo nguyên tắc hỗ trợ đã cắt nghĩa ở trên.

3.5 Tình liên đới và hỗ trợ đòi hỏi sự hoán cải cá nhân và việc thực hành Đức Ái

Xã hội là do các cá nhân hợp thành. Các khả năng vật chất, luân lý và thiêng liêng không thể được phát triển bởi luật pháp đơn thuần, nhưng phải có sự hoán cải và sự thánh thiện cá nhân. Vì thế sách GLCG (số 1888) quả quyết:

Ðể đạt được những cải tổ giúp xã hội thực sự phục vụ con người, chúng ta cần nhờ đến các khả năng tinh thần và luân lý của con người và việc thường xuyên hoán cải nội tâm. Việc hoán cải nội tâm chiếm vị trí ưu tiên. Ðiều này không loại trừ, mà trái lại, càng củng cố trách nhiệm phải lành mạnh hóa các cơ chế và điều kiện sống khi chúng gây nên dịp tội, để chúng phù hợp với tiêu chuẩn của công bình và giúp phát huy điều thiện thay vì ngăn trở (xem Lumen Gentium 36).

Hơn nữa, cần nhấn mạnh nhu cầu ân sủng của Thiên Chúa đề có thể sống nhân đức cao trọng nhất: Đức Ái. Nhân đức này bao trùm mọi nhân đức khác, vì như Cha John Hardon từng nói:

Đức ái là thực hành mọi nhân đức vì yêu thương.

Vì thế sách GLCG (số 1889) nói:

Không có ân sủng trợ lực, con người không thể "khám phá ra con đường thường là nhỏ hẹp, giữa việc hèn nhát nhượng bộ sự dữ và việc dùng bạo lực để đấu tranh nhưng lại làm cho sự dữ thêm trầm trọng (x. CA 25)". Ðó là con đường đức mến, yêu Chúa và yêu người. Ðức mến là điều răn mang tính xã hội cao nhất. Ðức mến tôn trọng tha nhân và các quyền lợi của họ, đòi buộc thực thi công bình mà chỉ có đức mến mới giúp ta thực hiện được. Ðức mến thúc đẩy chúng ta sống dấn thân: "Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống" (Lc 17, 33). [Centesimus Annus 48 # 4; xem Pius XI, Quadragesimo anno I, 184-186]

3.6 Các mục tử có nên dính líu vào đời sống công cộng không?

Sách GLCG (số 2442) nói khá rõ về điểm này:

Các mục tử của Hội Thánh không có trách nhiệm nhúng tay trực tiếp vào cơ cấu chính trị cũng như việc tổ chức đời sống xã hội. Trách nhiệm này là ơn gọi của)giáo dân; họ cộng tác với đồng bào theo sáng kiến riêng mình. Có nhiều đường lối cụ thể rộng mở cho việc tham gia chính trị của họ; nhưng phải luôn nhắm tới công ích và thích ứng với sứ điệp Tin Mừng cũng như giáo huấn Hội Thánh. Người tín hữu có bổn phận "tham gia vào lãnh vực trần thế với sự nhiệt tình của người Ki-tô hữu và sống như những người kiến tạo hòa bình và công lý" (xem Sollicitudo Rei Socialis 47 # 6; xem SRS 42).

4. Quyền bính

4.1 Tại sao quyền bính là cần thiết?

Các số 1897 và 1898 của sách GLCG cắt nghĩa lý do cần có quyền bính:

"Xã hội loài người sẽ không có trật tự và phồn vinh nếu thiếu những người cầm quyền hợp pháp để bảo tồn các định chế và phục vụ công ích một cách đầy đủ" (xem Pacem in Terris 46)

"Quyền bính" là đặc tính của những con người, hay định chế, nhờ đó, họ ban hành lề luật và mệnh lệnh cho con người, và buộc phải tuân phục.

Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần có một quyền bính để quản trị nó (x. T.Lê-ô XIII thông điệp "Immortale Dei", thông điệp "Diuturnum illud"). Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người. Quyền bính cần thiết để tạo ra sự thống nhất cho cộng đoàn. Vai trò của nó là bảo đảm tối đa cho công ích xã hội.

4.2 Vậy phải chăng chúng ta phải vâng phục mọi quyền bính hợp pháp?

Sách GLCG khẳng định bổn phận phải vâng phục mọi quyền bính được thiết lập hợp pháp. Ở các số 1899 và 1900, sách GLCG nói:

Quyền bính, theo trật tự luân lý đòi hỏi, phát xuất từ Thiên Chúa:"Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt" (Rm 13,1-2) (x. 1Pr 2, 13-17).

Bổn phận vâng phục đòi buộc mọi người phải tôn trọng quyền bính cho xứng hợp; đối với những người đang thi hành công vụ, phải tôn trọng và tùy công trạng của họ mà tỏ lòng biết ơn và quí mến.

Hội Thánh còn giữ được bản kinh của thánh Giáo Hoàng Clê-men-tê thành Rô-ma cầu cho chính quyền (x. 1Tm 2,1-2): "Lạy Chúa, xin ban cho họ sức khỏe, bình an, hòa thuận và ổn định, để họ thực thi đúng đắn quyền hành Chúa đã trao cho họ. Lạy Chúa là Chủ tể, là Vua trời vĩnh cửu, chính Chúa ban cho con cái loài người vinh quang, danh dự và quyền lực trên mọi vật trần thế. Xin Chúa hướng dẫn những dự định của họ theo điều thiện hảo, theo những gì hợp ý Ngài, để khi thi hành nhiệm vụ mà Ngài đã trao cho, với lòng đạo đức, trong an bình và quảng đại, họ nhận được ơn Ngài phù hộ" (Clémente de Rome, Cor 61,1-2).

4.3 Người cầm quyền do ai chọn?

Sách GLCG số 1901 nói:

Có quyền bính là "do Thiên Chúa an bài, nhưng việc định đoạt những thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền, vẫn là quyền tự do của mọi công dân" (Gaudium et Spes 74,3).

Về mặt luân lý, các thể chế chính trị có thể khác nhau, miễn sao các thể chế này mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đoàn đã thừa nhận chúng. Các thể chế có bản chất trái ngược với luật tự nhiên, với trật tự công cộng và các quyền căn bản của con người, thì không thể đem lại công ích cho những quốc gia đang theo thể chế đó.

4.4 Chúng ta có phải vâng phục mọi luật pháp không?

Sách GLCG cắt nghĩa về điểm này trong hai số: 1902 và 1903:

Về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động cho công ích vì quyền bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm" (x. GS 74,2):

"Luật pháp của loài người chỉ là luật khi phù hợp với lẽ phải; có hiệu lực là nhờ "luật vĩnh cữu"; khi xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa, nhưng là một sự bất công, thậm chí chỉ là một hình thức bạo lực (T.Tô-ma A-qui-nô, Tổng Luận Thần Học 1-2,93,3.2).

Quyền bính chỉ được hành xử hợp pháp khi mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích ấy bằng các phương thế mà luân lý cho phép. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, lương tâm không buộc phải tuân theo. "Trong trường hợp này, quyền bính không còn là quyền bính nữa mà thoái hóa thành áp bức (x. Pacem in Terris 51)."

5. Công Ích―Lợi ích của từng người và lợi ích của mọi người

5.1 Công ích bao gồm những gì?

Sách GLYL (số 408; xem GLCG số 1907-1909, 1925) nói:

Công ích bao gồm: sự tôn trọng và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người, việc phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của con người cũng như của xã hội, hoà bình và an ninh cho tất cả mọi người.

5.2 Ở đâu công ích được thực hiện một cách đầy đủ nhất?

Sách GLYL số 409 (xem GLCG số 1910-1912, 1927) nói:

Công ích được thực hiện cách đầy đủ nhất trong các cộng đồng chính trị nào biết bảo vệ và cổ võ thiện ích cho các công dân và các tổ chức trung gian, mà không quên thiện ích phổ quát của gia đình nhân loại.

5.3 Chúng ta tham gia thể hiện công ích như thế nào?

Sách GLYL (số 410; xem GLCG số 1913-1917, 1926) khuyên chúng ta:

Tuỳ theo địa vị và vai trò đảm nhận, mỗi người phải góp phần vào việc cổ võ công ích: bằng việc tôn trọng các luật công bằng, và dấn thân vào những lãnh vực mà cá nhân họ có trách nhiệm, như chăm sóc gia đình và dấn thân trong công việc của mình. Trong khả năng của mình, các công dân cũng phải tích cực tham gia vào đời sống công cộng.

Khi cố gắng làm công việc của mình một cách hoàn hảo nhất, mỗi người chúng ta thực sự góp phần thể hiện công ích. Vì thế Thánh Josemaría viết trong Con Đường (356):

Cha không hiểu làm thế nào con có thể xưng mình là Kitô hữu mà lại sống một đời sống biếng nhác, vô tích sự như thế. Con đã quên cuộc đời cực nhọc của Chúa Kitô rồi sao?

Đó là lý do tại sao ngài dạy rằng mỗi người phải kiên trì trong việc mình đang làm, chu toàn mọi nhiệm vụ một cách tốt đẹp nhất mà không nghĩ quá nhiều rằng mình có thể có ích nếu làm một việc gì đó ở một nơi khác. Ngài viết trong Con Đường (số 832):

Người ta thường quá bận tâm tới những việc không phải bổn phận của mình. Thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu mỗi cái xương và mỗi cơ bắp của thân thể con người đều muốn chiếm một vị trí khác với vị trí riêng của nó.

Con ơi, hãy ở yên trong vị trí của con... hãy suy nghĩ xem con có thể làm được việc gì để thiết lập Vương Quốc đích thực của Chúa chúng ta hay không.

Làm việc một cách chuyên nghiệp như thế cũng huấn luyện chúng ta để có thể nói thuyết phục hơn về Đức Tin của mình. Ở điểm 371 của cùng cuốn sách, ngài nói:

Khi các con thấy những người khả năng chuyên môn không bảo đảm mà dẫn dắt các việc phục vụ tôn giáo, hẳn con phải cảm thấy mình buộc phải nói thầm vào tai họ: Làm ơn cho, ông hay bà có thể bớt phô trương là công giáo một chút được không?

5.4 Công ích bao trùm cả trái đất

Sách GLCG (số 1911) còn đưa công ích vượt qua mọi biên giới quốc gia.

Con người trên địa cầu ngày càng lệ thuộc lẫn nhau. Gia đình nhân loại gồm những con người có phẩm giá bình đẳng, một nền công ích toàn cầu. Nền công ích này cần có một tổ chức hiệp nhất và liên quốc gia, "có khả năng đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lãnh vực xã hội (như thực phẩm, sức khỏe, giáo dục...) cũng như để đối phó với bao hoàn cảnh đặc biệt có thể xảy ra nơi này nơi khác (Cứu trợ những người tị nạn, giúp đỡ cho những người di dân và gia đình họ...)" (x. Gaudium et Spes 84,2).

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 401-414.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 1877-1948.

Websites