Bài 17 : Sự Chúc Phúc của Thiên Chúa là Con Đường Hai Chiều

Chúng ta đã qua PHẦN THỨ NHẤT của khóa tìm hiểu và khám phá đức tin (gồm từ Bài 1 tới Bài 16), là phần học hỏi về KINH TIN KÍNH, bản tóm lược những điều Thiên Chúa phán dạy chúng ta về chính Ngài, về chính chúng ta và về thế trần. Nay chúng ta bước sang PHẦN THỨ HAI (gồm từ Bài 17 tới Bài 25), là phần tìm hiểu về SỰ GIAO TIẾP thánh thiêng giữa Thiên Chúa và loài người, hay nói rõ hơn là chúng ta cùng tìm hiểu về PHỤNG VỤ và CÁC PHÉP BÍ TÍCH.

Câu Hỏi Dẫn Ý

    • Ý nghĩa của chữ ” phụng vụ là gì?
    • Phải chăng phụng vụ là những nghi thức hoặc hệ thống nghi lễ?
    • Bí tích là gì?
    • Những hiệu quả thiêng liêng của bí tích là gì?
    • Ơn thánh hóa là gì?
    • Ân sủng bí tích (tích sủng) là gì?
    • Chất thể (matter) và mô thể (form) của bí tích là gì?
    • Ấn tích là gì?
    • Các phép bí tích có cần thiết không, về phương diện nào?
    • Các phép bí tích đem đến ân sủng bằng cách nào?
    • Tín hữu luôn nhận được ân sủng khi chịu phép bí tích phải không?
    • Á bí tích là gì?
    • Vai trò của tiếng Latin trong Giáo Hội Công Giáo?

1. Phụng Vụ

1.1 Ý nghĩa của chữ "phụng vụ"?

Chữ liturgy (phụng vụ) xuất phát từ chữ leitourgia trong tiềng Hy Lạp; chữ này có nghĩa là một nghĩa vụ, một bổn phận, một công việc, hoặc sự phục vụ được qui định công khai và hợp thức mà công dần phải thực hiện đối với nhà nước. Từ chữ leitourgia phát sinh ra chữ leitourgos, có nghĩa là công bộc, công chức, tức là người thực hiện việc nói trên. Trong bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp (còn gọi là Septuagint), chữ leitourgia được dùng để chỉ sự phục vụ chung mà vị tư tế của Lề Luật Cũ thực hiện trong đền thờ. (Xem thêm trong Sách Xuất Hành). (Septuagint là Bản Bảy Mươi, hoặc Bản LXX, là bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước từ tiếng Hebrew sang tiếng Hy Lạp do 72 bậc trưởng lão Do Thái thực hiện trong vòng 70 ngày vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước CN).

Ý nghĩa này cũng được đưa vào Kinh Thánh Tân Ước. Điển hình là Tin Mừng Thánh Luca (1:23) viết rằng ông Dacaria trở về nhà khi "thời gian phục vụ ở Ðền Thờ" (ai hemarai tes leitourgias autou) đã mãn. Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái (gọi tắt là Thư Do Thái) (8:6) Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế trong Lề Luật Mới, "đã có được một leitourgias (tác vụ) cao đẹp hơn" (ở đây, chữ leitourgias được dịch sang tiếng Latin là ministerium và sang tiếng Anh là ministry, tiếng Việt là tác vụ, thừa tác vụ) – Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế trong Lề Luật Mới, đã thực hiện một hình thức phụng tự công khai cao đẹp hơn sự phục vụ ở Đền Thờ.

Vì thế, trong Kitô giáo, phụng vụ có nghĩa là sự phụng tự công khai và chính thức của Giáo Hội (tức Lề Luật Mới hoặc Giao Ước Mới) tương ứng với nghi thức hoặc nghi lễ chính thức nơi Đền Thờ trong Lề Luật Cũ. Qua việc cử hành phụng vụ, công cuộc cứu chuộc (được thực hiện thông qua Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết, Sự Phục Sinh và Lên Trời của Đức Giêsu Kitô – còn gọi là MẦU NHIỆM VƯỢT QUA hoặc MẦU NHIỆM PHỤC SINH) được

    • loan báo,
    • cử hành, và
    • hoàn thành (hay nói cách khác là hoa trái của phụng vụ được ban phát).

Sự ban phát hoa trái của công cuộc cứu chuộc sẽ ban SỰ SỐNG cho các tín hữu để họ LÀM CHỨNG về Cuộc Đời, Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết, Sự Phục Sinh và Lên Trời của Đức Kitô cho mọi người nơi thế trần, cho mọi người nơi họ sống và làm việc. (xem thêm Giáo Lý Công Giáo [GLCG] mục 1068). Phụng vụ không chỉ là sự tuyên xưng, cũng không đơn thuần là cử hành mầu nhiệm Phục Sinh. Khi được hiểu thấu đáo và cử hành một cách đúng mực, phụng vụ sẽ đem lại SỰ BIẾN ĐỔI nơi từng người tham dự việc cử hành đó. Phụng vụ có sức mạnh làm biến đổi từng người tham dự trở nên hình ảnh Đức Kitô, mà dấu chỉ quan trọng nhất của sự biến đổi này là ĐỨC ÁI.

1.2 Những ai liên quan trong phụng vụ?

Thiên Chúa – Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần – và con người cùng liên quan trong phụng vụ. Phụng vụ không phải là một bữa tiệc mà chúng ta hời hợt tổ chức cho có, tổ chức một cách chiếu lệ theo ý riêng của mình, và tùy tiện thay đổi nghi thức, trình tự. Phụng vụ là một hành động thánh thiêng trong đó Thiên Chúa chúc phúc cho con người, và để đáp lại, con người chúc tụng Thiên Chúa.

Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô (1:3-6):

CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Ðức Kitô, từ cõi trời, Người đã THI ÂN GIÁNG PHÚC CHO CHÚNG TA muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Ðức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã đặt chúng ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.

Đoạn trên được trích lại ở mục 1077 Sách GLCG và đã trình bày cho chúng ta chữ bless với một nghĩa dùng cho Thiên Chúa ("chúc phúc"), và một nghĩa dùng cho con người ("chúc tụng"). Mục kế tiếp (1078) Sách GLCG giải thích thêm:

Chúc phúc ("blessing") là hành động THÁNH THIÊNG ban sự sống, và nguồn gốc của hành động này là Chúa Cha; sự chúc phúc của Ngài vừa là lời nói vừa là hồng ân [tiếng Hy Lạp là eu-logia; tiếng Latin là bene-dictio].

Khi áp dụng cho con người, "blessing" (benedictio) mang nghĩa là chúc tụng, nghĩa là tôn thờ và tạ ơn Đấng Tạo Hóa.

Một câu rất hay trong sách Youth Catechism (Giáo Lý Cho Giới Trẻ) giảng về sự chúc phúc của Thiên Chúa như sau (câu này là lời chú giải viết bên cạnh mục 170 của sách):

Thiên Chúa, là Chúa Cha và là Đấng Sáng Tạo mọi hữu thể, đã phán:"Ngươi hiện hữu, đó thật là điều tốt đẹp. Và điều tuyệt mỹ là hiện thể của ngươi".

Một hành động hai chiều, một giao tiếp thánh thiêng diễn tiến trong phụng vụ: từ Thiên Chúa hướng đến con người, và từ con người hướng lên Thiên Chúa. Đấng làm trung gian trong hành động hai chiều này chính là Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế. Trong từng việc cử hành phụng vụ, Thiên Chúa luôn sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, nhưng chúng ta cần phải tự hỏi:"Mình đã thực sự sẵn sàng cho việc cử hành phụng vụ chưa?"

    1. Từ Thiên Chúa hướng đến con người (GLCG mục 1082)
      1. Trong phụng vụ của Hội Thánh, lời chúc phúc của Thiên Chúa được mạc khải và truyền thông cách sung mãn. CHÚA CHA được nhận biết và được tôn thờ là uyên nguyên và cùng đích của mọi chúc lành trong công trình tạo dựng và cứu độ. Nơi NGÔI LỜI của Ngài, Đấng đã nhập thể, chịu chết và phục sinh vì chúng ta, Chúa Cha đổ tràn trên chúng ta những lời chúc phúc của Ngài. Nhờ Ngôi Lời, Ngài tuôn đổ vào lòng chúng ta Hồng Ân chứa đựng mọi hồng ân, đó là CHÚA THÁNH THẦN.
    2. Từ con người hướng lên Thiên Chúa (GLCG mục 1083)
      1. Như vậy, chúng ta hiểu được là chiều kích kép của phụng vụ Kitô giáo xét như lời đáp lại của đức tin và tình yêu đối với những lời chúc phúc thiêng liêng mà Chúa Cha ban cho chúng ta. Một mặt, được kết hợp với Thiên Chúa và "trong Thánh Thần"[Luca 10:21], Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha "vì phúc lộc khôn tả Ngài ban"[II Côrintô 9:15] bằng việc tôn thờ, ca tụng và tạ ơn. Mặt khác, cho tới khi kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn tất, Hội Thánh không ngừng dâng lên Chúa Cha lễ vật là những hồng ân Ngài ban và cầu khẩn Ngài ban Thánh Thần xuống trên lễ vật này, trên chính Hội Thánh, trên các tín hữu, và trên toàn thế gian, để nhờ hiệp thông vào sự chết và sự phục sinh của Đức Kitô Thượng Tế và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, những lời chúc phúc của Thiên Chúa sẽ đem lại hoa trái sự sống "để chúng ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời của Thiên Chúa" [Thư Êphêsô 1:6]

Đức Kitô, Đấng Trung Gian, hoạt động trong phụng vụ. Mục 1070 Sách GLCG viết:

Việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi bởi Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô, nghĩa là bởi Đấng là Đầu cùng các chi thể của Ngài.

Do đó, mọi cử hành phụng vụ, vì là công cuộc của Đức Kitô tư tế và của Thân Thể Ngài là Hội Thánh, đều là HÀNH ĐỘNG THÁNH THIÊNG VƯỢT XA MỌI VIỆC LÀM KHÁC.

Không hoạt động nào khác của Hội Thánh hữu hiệu bằng việc cử hành phụng vụ, xét cả về danh hiệu lẫn tầm mức. [Vatican II, Sacrosanctum Concilium 7 #2-3]. (Sacrosanctum Concilium là Hiến Chế về phụng vụ của Công Đồng Vatican II)

Mục này cũng giảng giải về sự tham dự phụng vụ của các tín hữu đã chịu phép Rửa.

Trong cử hành phụng vụ, Hội Thánh là người phục vụ theo hình ảnh Chúa của mình, là Đấng duy nhất "lo việc tế tự" [xem thêm Thư Do Thái 8:2, 6]; Hội Thánh tham dự vào CHỨC TƯ TẾ (phụng tự), TIÊN TRI (loan báo) và VƯƠNG ĐẾ (phục vụ bác ái) của Đức Kitô. [xem thêm Bài 13, mục 3.2]

1.3 Hội Thánh ở trần gian cử hành phụng vụ như thế nào?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL) mục 235 (xem thêm GLCG mục 1140-1144, 1188) giảng giải:

Hội Thánh ở trần gian cử hành Phụng Vụ với tư cách là dân tư tế, trong đó mỗi người hoạt động TÙY THEO PHẬN VỤ RIÊNG CỦA MÌNH trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. [1] CÁC NGƯỜI ĐÃ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI hiến dâng chính mình trong hy lễ thiêng liêng; [2] CÁC THỪA TÁC VIÊN CÓ CHỨC THÁNH cử hành theo Thánh Chức mà họ đã lãnh nhận để phục vụ tất cả các chi thể của Hội Thánh; các giám mục và linh mục hoạt động trong cương vị Đức Kitô là Đầu của Hội Thánh.

Phụng vụ nơi thế trần là sự phán ánh những gì thực hiện trong phụng vụ trên trời. Mục 234 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1138-1139) hỏi:"Ai cử hành phụng vụ trên trời?" Và lời đáp là:

Phụng vụ trên trời được cử hành do các thiên thần, các thánh của Cựu Ước và Tân Ước, đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa, các thánh Tông Đồ, các thánh Tử Đạo, và "một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi thuộc mọi nước, mọi dân, mọi chi tộc, và mọi ngôn ngữ" (Khải Huyền 7:9). Khi cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các bí tích, chúng ta dự phần vào phụng vụ vĩnh cửu này.

Nơi thiên đường, Đức Kitô là Đấng chủ trì trong phụng vụ. Ngài là Đấng "dâng lễ vật và được dâng lễ vật, là Đấng ban phát và lãnh nhận". (xem thêm Khải Huyền 5:6; Sách Phụng Vụ của Thánh Gioan Kim Khẩu; Kinh Nguyện Thánh Thể; Gioan 1:29; thư Do Thái 4:14-15; 10:19-20; và đặc biệt là cuốn The Lamb’s Supper của Scott Hahn).

1.4 Vì sao cần phải có các dấu chỉ và biểu tượng bên ngoài? Vì sao thờ phượng Chúa trong lòng vẫn là chưa trọn vẹn?

Con người có thể xác và tinh thần (linh hồn). Con người không phải là một xác thân giam hãm tinh thần như quan điểm của một số triết gia. Thân xác là phần thuộc hữu thể của con người. Vì thế, trong mọi việc con người làm đều có sự liên quan của thể xác, cho dù việc đó thuộc thực tại CẢM NHẬN ở bên ngoài bản thân con người (tức là những tác động từ ngoài vào), hoặc việc đó DIỄN TẢ cảm xúc và ý tưởng của con người (tức là những biểu lộ từ nội tâm). Mục 1146 Sách GLCG giải thích:

[1] Là một hữu thể có THỂ XÁC và TINH THẦN, con người DIỄN TẢ VÀ CẢM NHẬN các thực tại tinh thần nhờ các dấu chỉ và biểu tượng thể lý.

[2] Là một hữu thể CÓ TÍNH XÃ HỘI, con người cần những dấu chỉ và biểu tượng để GIAO TIẾP với tha nhân thông qua ngôn ngữ, cử chỉ và hành động. Sự tương quan của con người với Thiên Chúa cũng như thế.

Hai mục kế tiếp (1147 và 1148) trong sách trên trình bày thêm như sau:

[3] Thiên Chúa nói với con người qua thụ tạo hữu hình. Vũ trụ vật chất phô diễn trước trí tuệ con người để con người đọc được nơi vũ trụ những dấu vết về Đấng Sáng Tạo [xem thêm Sách Khôn Ngoan 13:1; Thư Rôma 1:19f; Tông Đồ Công Vụ 14:17]. Ánh sáng và bóng tối, gió và lửa, nước và đất, cây cối và hoa trái đều nói về Thiên Chúa, và là biểu tượng thể hiện sự cao cả và gần gũi của Thiên Chúa.

Vì được Thiên Chúa tạo dựng, những thực tại khả giác này có thể trở thành PHƯƠNG TIỆN DIỄN TẢ [a] công cuộc của THIÊN CHÚA ĐẤNG THÁNH HÓA LOÀI NGƯỜI, và (diễn tả) [b] việc làm của CON NGƯỜI LÀ NHỮNG KẺ THỜ PHƯỢNG THIÊN CHÚA. Các dấu chỉ và biểu tượng trong xã hội con người cũng tương tự như thế: rửa tay và xức dầu, bẻ bánh và chia sẻ chén nước đều có thể diễn tả sự hiện diện thánh thiêng của Thiên Chúa, và lòng cảm tạ của con người đối với Đấng Tạo Hóa.

Trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã viết về hình ảnh của một biểu tượng thể hiện sự tôn thờ của con người đối với Thiên Chúa, đó là sự bái quì. Trong cuốn The Spirit of the Liturgy (Tinh Thần của Phụng Vụ, trg 190-191, 194), Ngài viết:

Cử chỉ của cơ thể tự nó là phương cách truyền tải ý nghĩa thiêng liêng, hay nói chính xác hơn là ý nghĩa của sự thờ phượng. Không có sự thờ phượng, cử chỉ của cơ thể sẽ vô nghĩa, vì do bản chất của hành vi thiêng liêng và bởi sự hợp nhất giữa tinh thần và thể xác nơi con người, hành vi thiêng liêng phải được thể hiện bằng cử chỉ của cơ thể … Khi sự bái quì chỉ là hình thức, chỉ là hành vi thể lý, nó trở nên vô nghĩa. Tuy nhiên, khi người ta cố sức đưa sự thờ phượng vào lãnh vực thuần túy thiêng liêng nhưng không khoác cho nó một cử chỉ xác thể, thì hành vi thờ phượng cũng tiêu tan, vì những gì thuần túy thiêng liêng thì không tương hợp với bản tính con người. Thờ phượng là một trong những hành vi căn bản tác động tới toàn bộ bản thân con người. Bởi vậy, bái quì trước sự hiện diện của Thiên Chúa Hằng Sống là hành vi mà chúng ta không thể bỏ qua.

... Nơi nào đã bỏ đi sự bái quì, thì nơi đó cần nhanh chóng khôi phục hành vi này để khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta được hiệp thông với các thánh tông đồ cùng các thánh tử đạo; được hiệp thông với toàn thể vũ trụ, và nhất là được hiệp nhất với chính Đức Giêsu Kitô.

Những tiêu chuẩn nào áp dụng cho ca hát và âm nhạc trong cử hành phụng vụ?

Sách GLYL (mục 239; xem thêm GLCG mục 1156-1158, 1191) trả lời:

Bài ca và âm nhạc liên kết chặt chẽ với hành vi phụng vụ nên phải tôn trọng các tiêu chuẩn sau. [1] Các bản văn phải PHÙ HỢP VỚI GIÁO LÝ CÔNG GIÁO, ưu tiên rút từ Thánh Kinh và các nguồn phụng vụ. [2] Phải mang vẻ đẹp diễn cảm của LỜI CẦU NGUYỆN. [3] PHẨM CHẤT ÂM NHẠC CAO. [4] Bài hát và nhạc phải THÔI THÚC SỰ THAM GIA của cộng đoàn phụng vụ. [5] Phải THỂ HIỆN ĐƯỢC SỰ PHONG PHÚ VỀ VĂN HÓA của dân Thiên Chúa và ĐẶC ĐIỂM THÁNH THIÊNG, TRANG TRỌNG của việc cử hành phụng vụ."Hát là cầu nguyện hai lần" (Thánh Augustine).

Mục đích của các ảnh tượng thánh là gì?

Sách GLYL (mục 240; xem thêm GLCG mục 1159-1161; 1192) viết:

Ảnh tượng Đức Kitô là ảnh tượng phụng vụ cách tuyệt hảo. Các ảnh tượng thánh khác trình bày Đức Mẹ và các Thánh biểu lộ Đức Kitô được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này CÔNG BỐ CHÍNH SỨ ĐIỆP TIN MỪNG mà Thánh Kinh chuyển đạt bằng lời, và góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.

1.5 Phụng vụ được cử hành khi nào? Phụng vụ có những thời điểm và mùa nào đặc biệt không?

1.5.1 Phụng Vụ trong năm

Lễ Phục Sinh là lễ quan trọng bậc nhất của năm phụng vụ. Mục 1169 Sách GLCG viết:

Lễ Phục Sinh không đơn thuần là một ngày lễ giữa bao lễ khác, nó chính là ”Ngày Lễ của các lễ“, là "Lễ Trọng của các lễ trọng", cũng như Thánh Thể là"Bí Tích của các bí tích“ (Bí Tích Cực Trọng).

Ý nghĩa của năm Phụng Vụ là gì?

Sách GLYL (mục 242; xem thêm GLCG mục 1168-1173; 1194-1195) giảng giải:

Trong năm phụng vụ Hội Thánh [1] cử hành toàn thể mầu nhiệm Đức Kitô, từ lúc Người nhập thể cho đến ngày Người lại đến trong vinh quang. Trong một số ngày đã định, Hội Thánh [2] tôn kính Đức Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Mẹ Thiên Chúa, với lòng yêu mến đặc biệt. Hội Thánh cũng [3] kính nhớ các thánh là những người đã sống cho Đức Kitô, đã chịu đau khổ với Người, và hiện đang ở với Người trong vinh quang.

1.5.2 Phụng vụ hằng tuần

Sách GLCG (mục 1193) dạy:

Chủ nhật, "Ngày của Chúa", là ngày chính yếu để cử hành bí tích Thánh Thể vì đó là ngày của mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là ngày đặc biệt để qui tụ cộng đoàn phụng vụ, ngày của gia đình Kitô giáo, ngày của niềm vui và là ngày nghỉ việc. Ngày Chủ nhật là "nền tảng và cốt lõi của cả năm phụng vụ" (Vatican II, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium 106).

1.5.3 Phụng vụ hằng ngày

Trong đời sống của Kitô hữu, thời giờ trong ngày được đánh dấu bằng những khoảnh khắc riêng dành cho việc cầu nguyện. Mỗi người có kế hoạch riêng cho đời sống thiêng liêng của mình sao cho từng ngày đều có một chu trình cầu nguyện. Hội Thánh cũng ban hành những thời khắc cụ thể dành cho kinh nguyện. Đó được gọi là "Giờ Kinh Phụng Vụ" hoặc "Kinh Thần Vụ" (Divine Office). Sách GLYL (mục 243; xem thêm GLCG mục 1174-1178, 1196) giải thích ngắn gọn như sau:

Các Giờ Kinh Phụng Vụ - kinh nguyện công khai và thường xuyên của Hội Thánh – là lời cầu nguyện của Đức Kitô cùng với thân thể của Người là Hội Thánh. Nhờ các Giờ Kinh Phụng Vụ, mầu nhiệm của Đức Kitô mà chúng ta cử hành trong phụng vụ Thánh Thể sẽ thánh hóa và biến đổi thời gian của mỗi ngày. Giờ Kinh Phụng Vụ được kết thành chủ yếu từ các Thánh Vịnh, các bản văn khác của Thánh Kinh, và những bài đọc của các Giáo Phụ cùng các tôn sư linh đạo.

Giờ Kinh Phụng Vụ được chia làm nhiều phần để đọc nguyện vào những giờ khác nhau trong ngày. Khi đọc Kinh Thần Vụ, tín hữu cầu nguyện cùng với cả Hội Thánh, cầu nguyện cùng với Đức Kitô. Đối với linh mục và tu sĩ, việc thực hiện Giờ Kinh Phụng Vụ là một nghĩa vụ quan trọng.

1.6 Phụng vụ được cử hành ở đâu? Chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào được không?

Được. Chúng ta có thể và nên cầu nguyện, đọc kinh ở bất cứ đâu thuận tiện. Tuy nhiên, việc cử hành phụng vụ cần phải có nơi xúng đáng, nơi dành riêng chọ mục đích đó. Sách GLYL (mục 244; xem thêm GLCG mục 1179-1181, 1197-1198) giảng giải:

Việc thờ phượng "trong Thần Khí và sự thật" (Gioan 4:24) của Giao Ước Mới không bị lệ thuộc vào riêng một nơi nào vì Đức Kitô là đền thờ đích thực của Thiên Chúa. Nhờ Người, các Kitô hữu và toàn thể Hội Thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, dân Thiên Chúa trong hoàn cảnh trần thế cần những nơi chốn để cộng đoàn có thể qui tụ cử hành phụng vụ.

Bởi vậy, Hội Thánh cần đến những nơi thánh thiêng, những thánh đường. Sách GLYL (mục 245; xem thêm GLCG mục 1181, 1198-1199) viết:

Đó là những ngôi nhà của Thiên Chúa, biểu tượng của Hội Thánh đang sống tại đó cũng như biểu tượng của thành thánh Jerusalem trên trời. Quan trọng hơn hết, đó là những nơi cầu nguyện trong đó Hội Thánh cử hành phụng vụ Thánh Thể và tôn thờ Đức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.

Có một số nơi thiết yếu bên trong thánh đường (xem thêm GLYL mục 246; và GLCG mục 1182-1186). Đó là:

    1. giảng đài, nơi truyền giảng Lời Chúa;
    2. bàn thánh, nơi dâng hy lễ;
    3. nhà tạm, nơi giữ Mình Thánh Chúa;
    4. nơi cất giữ các loại dầu thánh;
    5. ngai của giám mục (ở các nhà thờ chính tòa) hoặc ghế ngồi của linh mục;
    6. giếng rửa tội;
    7. tòa giải tội.

Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, là nơi dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa. Chính vì thế, cách thiết kế và xây cất nhà thờ phải gợi lên trong tâm trí tín hữu rằng đây là nơi cầu nguyện. Cách kiến trúc thánh đường và sự sắp đặt mọi thứ trong nơi này phải giúp cho tín hữu tập trung lòng trí hướng về Đấng mà họ thờ phượng.

Nhà thờ là nơi thiêng liêng nên vật dụng dùng để xây cất nhà thờ phải là những vật dụng quí đẹp, không rẻ tiền; phải là những vật dụng xứng đáng với Chúa Tể đất trời. Chúng ta có thể đọc lại lời của Thiên Chúa phán dạy Môsê về việc dựng xây Nhà Tạm cho Ngài (Sách Xuất Hành 25:1-9):

1 ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê rằng: 2 "Hãy bảo con cái Israel là phải đóng góp vào việc thờ phượng Ta. Các ngươi hãy nhận phần đóng góp nơi những người nhiệt tâm. 3 Ðây là phần đóng góp các ngươi sẽ nhận của họ: vàng, bạc và đồng, 4 vải đỏ tía, vải điều, vải đỏ thẫm, vải gai mịn và lông dê, 5 da cừu nhuộm đỏ, da cá heo và gỗ keo, 6 dầu thắp đèn, hương liệu để chế dầu tấn phong và làm hương thơm, 7 hồng mã não và ngọc quý để nhận vào áo ê-phốt và túi đeo trước ngực. 8 Chúng sẽ dựng cho Ta một nơi thánh để Ta ngự ở giữa chúng. 9 Theo như các mẫu chính Ta sẽ chỉ cho ngươi: Nhà Tạm và mọi đồ dùng, các ngươi sẽ làm như vậy.

Nhà thờ là nơi thánh thiêng nên mọi thứ ở trong nó phải được giữ tinh tuyền và ngăn nắp. Khăn bàn thờ, vật dụng dùng trong thánh lễ, sách thánh, lễ phục, tường và nền nhà thờ phải là những dấu chỉ hiển hiện để mọi tín hữu hiểu rằng sự chăm sóc cực độ như thế là để tỏ lòng tôn kính hết mực, và sự tôn vinh hết lòng đối với Thiên Chúa. Chúng ta đọc lại một đoạn trong Sách Xuất Hành (28:2-39) ghi chép lời Thiên Chúa phán dạy riêng về phẩm phục của các vị tư tế khi thi hành chức vụ tư tế phục vụ Thiên Chúa:

Ngươi sẽ may cho A-ha-ron, anh ngươi, những lễ phục để ông được vẻ uy nghi rực rỡ. 3 Chính ngươi sẽ bảo tất cả những thợ giỏi, đã được Ta ban tràn đầy tài năng khôn khéo, may áo tế cho A-ha-ron, để ông được thánh hiến mà thi hành chức tư tế phục vụ Ta. 4 Ðây là các phẩm phục họ sẽ may: túi đeo trước ngực, áo ê-phốt, áo khoác, áo dài thêu, mũ tế và đai lưng. Họ sẽ may lễ phục cho A-ha-ron, anh ngươi, và cho con cái ông, để ông thi hành chức tư tế phục vụ Ta. 5 Còn họ, họ sẽ lấy vàng, vải tía, vải điều, vải đỏ thẫm và vải gai mịn, mà làm. 6 "Họ sẽ làm áo ê-phốt bằng chỉ vàng, chỉ đỏ tía, chỉ điều, chỉ đỏ thẫm và sợi gai mịn xe. 7 Sẽ có hai cầu vai nối liền với hai đầu áo ê-phốt, và như vậy hai thân áo sẽ nối liền với nhau. 8 Băng chéo đeo trên áo ê-phốt để giữ áo thì sẽ làm cùng một kiểu và đính liền vào đó; băng chéo ấy sẽ bằng chỉ vàng, chỉ đỏ tía, chỉ điều, chỉ đỏ thẫm, và sợi gai mịn xe. 9 Ngươi sẽ lấy hai viên mã não và sẽ khắc trên đó tên con cái Israel: 10 trên viên thứ nhất có ghi sáu tên, và trên viên thứ hai, sáu tên còn lại, theo thứ tự trước sau. 11 Ngươi sẽ khắc tên con cái Israel vào hai viên ngọc đó theo kiểu thợ chạm khắc dấu ấn; ngươi sẽ nhận những viên ngọc đó vào những ổ bằng vàng. 12 Ngươi sẽ đặt hai viên ngọc đó trên cầu vai của áo ê-phốt để làm kỷ vật tưởng nhớ con cái Israel; A-ha-ron sẽ mang tên của chúng trên hai vai, trước nhan Ðức Chúa, để làm kỷ vật. 13 Ngươi sẽ làm những ổ bằng vàng 14 và hai dây chuyền bằng vàng ròng; ngươi sẽ làm hai dây chuyền đó theo kiểu khoen lật để làm như dải buộc; ngươi sẽ đặt hai dây chuyền khoen lật đó vào ổ hột. 15"Ngươi sẽ làm một túi đeo trước ngực rất mỹ thuật đựng thẻ xăm cho biết phán quyết của Thiên Chúa. Ngươi sẽ làm túi đó theo kiểu áo ê-phốt: bằng chỉ vàng, chỉ đỏ tía, chỉ điều, chỉ đỏ thẫm và sợi gai mịn xe. 16 Túi đó hình vuông, may kép, dài một gang, rộng một gang. 17 Ngươi sẽ nhận vào đó bốn hàng ngọc: ở hàng thứ nhất có nhận xích não, hoàng ngọc và bích ngọc; 18 ở hàng thứ hai có nhận hồng ngọc, lam ngọc và kim cương; 19 ở hàng thứ ba có nhận miêu nhãn thạch, mã não và tử ngọc; 20 ở hàng thứ tư có nhận kim lục thạch, mã não có vân và vân thạch. Những viên ngọc đó sẽ được nhận vào những ổ bằng vàng. 21 Các viên ngọc sẽ mang tên con cái Israel: mười hai viên ngọc mang mười hai tên của chúng khắc theo kiểu dấu ấn, mỗi viên ngọc mang tên của một trong mười hai chi tộc. 22 Ngươi sẽ làm cho túi đeo trước ngực những dây chuyền khoen lật bằng vàng ròng để làm dải buộc. 23 Ngươi sẽ làm cho túi đó hai vòng bằng vàng, và ngươi sẽ đính hai vòng đó vào hai góc túi. 24 Ngươi sẽ xâu hai dây chuyền khoen lật bằng vàng đó vào hai vòng đặt ở góc túi. 25 Ngươi sẽ đặt hai đầu dây chuyền khoen lật vào hai ổ, rồi đặt lên cầu vai của áo ê-phốt, mặt phải. 26 Ngươi sẽ làm hai vòng bằng vàng, rồi gắn vào hai đầu túi ở mép trong, mặt trái áp áo ê-phốt. 27 Ngươi sẽ làm hai vòng bằng vàng, rồi đính vào hai cầu vai của áo ê-phốt bên dưới, mặt phải, gần chỗ buộc, bên trên băng chéo của áo ê-phốt. 28 Người ta sẽ lấy một dải vải đỏ tía mà buộc các vòng của túi đeo trước ngực vào các vòng của áo ê-phốt, để túi đó nằm trên băng chéo của áo ê-phốt: như thế, túi sẽ không xê dịch được trên áo ê-phốt. 29 Khi vào nơi thánh, A-ha-ron sẽ mang trên ngực tên con cái Ít-ra-en, làm kỷ vật vĩnh viễn trước nhan ĐỨC CHÚA, được ghi vào túi đeo trước ngực, chỗ đựng thẻ xăm phán quyết. 30 Ngươi sẽ đặt các thẻ xăm phán quyết u-rim và tum-mim vào túi đeo trước ngực; những vật này sẽ nằm trên ngực A-ha-ron, khi ông đến trước nhan ĐỨC CHÚA. Như thế, trước nhan ĐỨC CHÚA, A-ha-ron sẽ luôn mang trên ngực phương tiện cho biết phán quyết của Thiên Chúa về con cái Israel. 31 "Ngươi sẽ làm áo khoác toàn bằng sợi đỏ tía, để mặc dưới áo ê-phốt. 32 Ở giữa, sẽ khoét cổ để chui đầu vào; chung quanh cổ áo, sẽ có một đường viền: đó là công trình của thợ dệt; cổ đó sẽ giống như cổ áo giáp, không sao rách được. 33 Ngươi sẽ làm ở vòng quanh gấu dưới những quả lựu bằng chỉ đỏ tía, chỉ điều, chỉ đỏ thẫm; những lục lạc bằng vàng xen kẽ với những quả lựu, và ngươi sẽ làm như thế cho hết vòng: 34 một lục lạc bằng vàng rồi một quả lựu, một lục lạc bằng vàng rồi một quả lựu, vòng quanh gấu dưới áo khoác. 35 A-ha-ron sẽ mặc áo đó khi hành lễ. Người ta sẽ nghe tiếng lục lạc, khi ông đến nơi thánh, trước nhan ĐỨC CHÚA, và khi ông bước ra: như vậy, ông sẽ khỏi phải chết. 36 "Ngươi sẽ làm một huy hiệu bằng vàng ròng. Ngươi sẽ khắc trên đó những chữ sau đây, theo kiểu khắc dấu ấn: "Thánh hiến cho ĐỨC CHÚA." 37 Ngươi sẽ đính huy hiệu đó trên một dây bằng chỉ đỏ tía buộc vào mũ tế; huy hiệu đó sẽ ở mặt trước mũ tế. 38 Huy hiệu đó sẽ ở trên trán A-ha-ron. Như vậy, A-ha-ron sẽ mang lấy những lỗi lầm con cái Israel đã phạm liên quan đến những của thánh, khi chúng thánh hiến những lễ vật thánh. Huy hiệu đó sẽ luôn luôn ở trên trán ông, để ĐỨC CHÚA đoái nhận những của lễ ấy. 39 Ngươi sẽ dệt một áo dài bằng sợi gai mịn, và làm một mũ tế cũng bằng sợi gai mịn. Ngươi sẽ làm một đai lưng: đó là công trình của thợ thêu.

2. Các Phép Bí Tích

Qua PHỤNG VỤ, công cuộc cứu chuộc được loan truyền, cử hành và hoàn thành. Phụng vụ được đan quanh bảy dấu chỉ quan trọng. Bảy dấu chỉ thiêng liêng này được Chúa trao ban – do chính Đức Giêsu thiết lập. Thông qua bảy dấu chỉ thiêng liêng này, Thiên Chúa ban cho con người [1] sức sống cho linh hồn, [2] sự sáng cho tâm trí, và [3] sức mạnh cho ý chí. Những dấu chỉ này được gọi là các PHÉP BÍ TÍCH.

2.1 Phép bí tích là gì?

Chúng ta đọc định nghĩa về phép bí tích trong Sách GLCG (mục 1131) rồi sau đó phân tích.

Các bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng, do Đức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh; qua các bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Các nghi thức khả giác được dùng để cử hành bí tích sẽ biểu thị và làm hiển hiện ân sủng riêng của từng bí tích. Các bí tích mang lại hoa trái nơi những người lãnh nhận có sự chuẩn bị nội tâm cần thiết.

    • Các phép bí tích là những DẤU CHỈ, tức là có thể xem thấy những dấu đó. Chúng chính là những minh chứng rằng Thiên Chúa thực sự ban ân sủng khi các dấu chỉ này thể hiện. Các phép bí tích tựa như ẤN TÍN CỦA THIÊN CHÚA, tựa như GIẤY CHỨNG NHẬN về tình trạng được thánh hóa của chúng ta. Theo truyền thống, các dấu chỉ này được phân loại như sau:
        1. CHẤT THỂ XA (Remote Matter): CHẤT THỂ được dùng trong cử hành bí tích, như nước, dầu xức, bánh, rượu.
        2. CHẤT THỂ GẦN (Proximate Matter): ĐỘNG TÁC thực hiện với chất thể nói trên, như đổ, rưới, xức trên cơ thể, v.v….
        3. 3. MÔ THỂ (Form): những LỜI ĐỌC hoặc CÔNG THỨC (Formula) được thừa tác viên dùng khi cử hành bí tích.
    • Các phép bí tích là những DẤU CHỈ HỮU HIỆU, tức là chúng HẲN NHIÊN và THỰC SỰ thể hiện trong linh hồn chúng ta những đặc tính riêng của chúng. Thí dụ, trong bí tích rửa tội, nước được rưới trên trán người lãnh nhận bí tích này. Khi linh mục đọc công thức rửa tội, bí tích này THỰC SỰ tẩy sạch linh hồn khỏi tội nguyên tổ.
    • Các phép bí tích ĐƯỢC ĐỨC KITÔ THIẾT LẬP. Điều này bao hàm hai ý nghĩa: [a] không có bí tích mới nào được lập sau khi Chúa chúng ta về trời – không người nào, kể cả Hội Thánh, có quyền ban quyền năng cho những biểu tượng nào đó để chúng đem ân sủng cho người lãnh nhận; và [b] con số các bí tích là bất biến cho tới khi Đức Giêsu Kitô quang lâm – không thế lực nào, kể cả Hội Thánh, có quyền tước bỏ bất kỳ bí tích nào mà Đức Giêsu Kitô đã lập. (xem thêm GLCG mục 1125). Dĩ nhiên, chúng ta có thể đặt vấn đề là phải chăng mọi yếu tố trong cử hành phụng vụ các bí tích đều không được thay đổi. Lời đáp trong Sách GLYL (mục 249; xem thêm GLCG mục 1205-1206):
      • Trong phụng vụ, nhất là trong phụng vụ các bí tích, có những yếu tố bất biến vì thuộc thể chế thiên định. Hội Thánh kiên định gìn giữ những yếu tố này. Ngoài ra, cũng có những yếu tố có thể thay đổi mà Hội Thánh có quyền và đôi khi có bổn phận tạo cho chúng thích nghi với những nền văn hóa của các dân tộc khác nhau.
    • Các phép bí tích được ỦY THÁC CHO HỘI THÁNH, tương tự như Kho Tàng Đức Tin (the Deposit of Faith, còn gọi là Kho Tàng Tín Lý Mạc Khải) mà chúng ta đã tìm hiểu trong Bài 2.
    • Các phép bí tích trao ban cho chúng ta SỰ SỐNG THẦN LINH để LÀM CHO CHÚNG TA NÊN THÁNH. Qua sự trao ban sự sống thần linh, các phép bí tích làm cho từng chi thể của Hội Thánh lớn mạnh, và như thế sẽ góp phần VÀO SỰ LỚN MẠNH CỦA CẢ HỘI THÁNH. Sự sống thần linh truyền cho chúng ta thông qua ƠN THÁNH HÓA.
        1. 1. Đối với những người chưa nhận lãnh ơn thánh hóa, ơn này sẽ được trao ban trong BÍ TÍCH RỬA TỘI, và BÍ TÍCH GIẢI TỘI (còn gọi là BÍ TÍCH GIAO HÒA). Các bí tích này được gọi là BÍ TÍCH KẺ CHẾT (Sacraments of the Dead) vì chúng sẽ đem lại sự sống siêu nhiên cho người đã chết vì tội nguyên tổ hoặc tội trọng.
        2. 2. Đối với những người có ơn thánh hóa, BÍ TÍCH THÊM SỨC, BÍ TÍCH THÁNH THỂ, BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH, BÍ TÍCH HÔN PHỐI và BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN sẽ tăng cường ơn thánh hóa nơi họ. Các bí tích này được gọi là BÍ TÍCH KẺ SỐNG (Sacraments of the Living) vì chỉ những ai đang mang sức sống siêu nhiên (tức là đang có ơn thánh hóa) mới lãnh nhận các bí tích này với đầy đủ hiệu quả thiêng liêng.
    • Sự phân loại mới đây nhất về các phép bí tích được trình bày trong Sách GLYL (mục 250; xem thêm GLCG mục 1210-1211) như sau:
      • Các phép bí tích được phân loại như sau:
          1. các bí tích KHAI TÂM KITÔ GIÁO (Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể);
          2. các bí tích CHỮA LÀNH (Giải Tội, và Xức Dầu Bệnh Nhân); và
          3. các bí tích PHỤC VỤ CHO SỰ HIỆP THÔNG VÀ SỨ VỤ (Truyền Chức Thánh và Hôn Phối).
      • Các bí tích liên quan đến những thời điểm quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu. Tất cả các bí tích đều hướng về bí tích Thánh Thể "như hướng về cứu cánh" (Thánh Thomas Aquinas)
    • Ngoài những yếu tố nói trên, chúng ta có thể nói thêm rằng một mục đích khác nữa của phép bí tích là PHỤNG THỜ THIÊN CHÚA. Như đã trình bày ở trên, phụng vụ là con đường hai chiều. Thiên Chúa chúc phúc chúng ta, và để đáp lại, chúng ta tôn thờ, chúc tụng Ngài. Hơn nữa, các phép bí tích còn GIÁO HUẤN chúng ta.
      • Mục đích của các bí tích là thánh hóa con người, tạo dựng Thân Thể Đức Kitô, và sau cùng là dâng sự tôn thờ lên Thiên Chúa. Các bí tích là những dấu chỉ nên chúng cũng có mục đích giáo huấn nữa. Các bí tích không những bao hàm đức tin mà còn nuôi dưỡng, củng cố, và thể hiện đức tin bằng các lời đọc và nghi thức. Bởi thế, chúng được gọi là "các bí tích của đức tin". (Vatican II, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, 59, được trích lại trong Sách GLCG mục 1123)

2.3 Các bí tích đem đến những hiệu quả thiêng liêng nào?

2.3.1 Ơn thánh hóa

Ơn thánh hóa là ơn Thiên Chúa ban nhưng không cho chúng ta; qua ơn này, Thiên Chúa cho chúng ta dự phần vào thiên tính của Ngài và ban cho chúng ta quyền được vào Nước Trời. Ơn thánh hóa đem lại cho con người một chức phận cao hơn bản tính của mình. (Xem thêm Bài 28, phần nói về ân sủng).

2.3.2 Ân sủng bí tích (tích sủng)

Ngoài ơn thánh hóa, các phép bí tích còn trao ban ân sủng bí tích. Sách GLYL (mục 231; xem thêm GLCG mục 1129, 1131, 1134, 2003) dạy:

Ân sủng bí tích là ân sủng của Chúa Thánh Thần được Đức Kitô trao ban và TƯƠNG HỢP VỚI TỪNG BÍ TÍCH. Ân sủng này giúp tín hữu trên bước đường nên thánh và đồng thời giúp Hội Thánh lớn mạnh trong đức ái và trong sứ vụ chứng nhân nơi thế trần.

2.3.3 Ấn tín bí tích (Ấn tích)

Ba bí tích sau: BÍ TÍCH RỬA TỘI, BÍ TÍCH THÊM SỨC và BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH khắc ghi vào linh hồn người lãnh nhận một dấu ấn thiêng liêng không bao giờ xóa bỏ được; dấu ấn này được gọi là ẤN TÍN BÍ TÍCH (Ấn Tích). Vì ấn tích không thể xóa bỏ được nên các bí tích ghi khắc ấn tích không thể lập lại, tức là lãnh nhận hai lần. Khi chịu phép bí tích rửa tội, chúng ta trở nên Kitô hữu suốt đời. Khi được truyền chức linh mục, người đó là linh mục suốt đời. Sách GLYL (mục 227; GLCG mục 1121) viết:

Đó là dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức, và bí tich Truyền Chức Thánh. Ấn tích này là lời hứa và sự đoan chắc về sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ ấn tích, Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, được tham dự vào chức tư tế của Người theo nhiều cách, và đảm nhận vai trò của mình trong Hội Thánh tùy theo bậc sống và chức năng của mình. Như thế, ơn gọi của họ là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh. Vì ấn tích không thể xóa đi được, nên ba bí tích trao ban ấn tích chỉ được nhận một lần trong đời.

2.4 Ex opere operato

Sách GLYL (mục 229; xem thêm GLCG mục 1127-1128, 1131) giảng giải:

Các bí tích hữu hiệu ex opere operato (do chính sự cử hành nghi thức). Thực vậy, CHÍNH ĐỨC KITÔ HOẠT ĐỘNG trong các bí tích và thông ban ân sủng mà các bí tích biểu lộ. Sự hữu hiệu của các phép bí tích không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên. Tuy nhiên, các hoa trái của bí tích tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận.

Đọc câu cuối, chúng ta nhớ lại châm ngôn Latin sau: "Quidquid recipitur ad modum recipientis recipitur" – Những gì được lãnh nhận sẽ được nhận lãnh tùy theo thái độ của người đón nhận. Nếu chuẩn bị nội tâm sốt sắng để lãnh nhận bí tích thì người đó sẽ nhận được nhiều ân sủng hơn người thiếu sốt sắng. Chúng ta có thể hình dung như sau: hai người hứng nước ở cùng một vòi nước; người có bình đựng lớn hơn sẽ THỰC SỰ hứng được nhiều nước hơn, mặc dù về nguyên tắc, cả hai đều CÓ KHẢ NĂNG hứng được lượng nước bằng nhau.

2.5 Tại sao các bí tích cần thiết cho ơn cứu độ? Không nhờ đến các bí tích, con người có thể được cứu rỗi hay không?

Sách GLYL (mục 230; xem thêm GLCG mục 1129) đáp:

Mặc dù không phải tất cả các bí tích đều được ban cho từng người Kitô hữu, các bí tích đều cần thiết cho những ai tin vào Ðức Kitô, bởi vì chúng trao ban các ân sủng bí tích, ơn tha thứ tội lỗi, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô và ơn được thuộc về Hội Thánh. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai lãnh nhận các bí tích.

Chúng ta hãy nhớ lại lời của Đức Giêsu được chép trong Phúc Âm Thánh Gioan (Gioan 15):

4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho lìa cây và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.

Chúng ta là cành nho gắn liền với cây nho là Đức Kitô nhờ CÁC PHÉP BÍ TÍCH và SỰ CẦU NGUYỆN. Người Kitô hữu mong ước được cứu rỗi cần phải cầu nguyện và lãnh nhận các phép bí tích. Người Kitô hữu khát khao nên thánh cần phải SIÊNG NĂNG cầu nguyện và THƯỜNG XUYÊN chịu các phép bí tích.

2.6 Các á bí tích

Các á bí tích là gì?

Mục 351 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 1667-1672; 1677-1678) giảng giải:

Ðó là những dấu chỉ thánh thiêng DO HỘI THÁNH THIẾT LẬP để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các á bí tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và những dấu chỉ khác. Trong số các á bí tích, quan trọng nhất là làm phép lành. Sự làm phép lành là một lời ca ngợi Thiên Chúa và là lời khẩn nguyện để kêu xin những hồng ân của Thiên Chúa; ngoài ra, còn có những việc thánh hiến con người cũng như các đồ vật được dùng vào việc thờ phượng Thiên Chúa.

Hiệu quả thiêng liêng không do chính các á bí tích đem lại (điều này khác với các bí tích) nhưng do đức tin và tâm tình của người sử dụng chúng. Á bí tích không ban ân sủng do chính sự cử hành nghi thức (ex opere operato) nhưng do lời nguyện xin và tâm tình của người thực hiện (ex opere operantis).

Nghi thức trừ tà là gì?

Lời đáp trong Sách GLYL (mục 352; xem thêm GLCG mục 1673):

Người ta gọi là nghi thức trừ tà, khi Hội Thánh, với thẩm quyền của mình, nhân danh Chúa Giêsu, kêu xin để một người hay một vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó. Trong cử hành bí tích Rửa Tội, có một nghi thức trừ tà đơn giản. Nghi thức trừ tà trọng thể chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của giám mục.

Những hình thức nào của tinh thần đạo đức dân gian đồng hành với đời sống bí tích của Hội Thánh?

Theo lời của Sách GLYL (mục 353; xem thêm GLCG mục 1674-1676, 1679):

Cảm thức tôn giáo của Kitô hữu trong mọi thời đại đều có những cách diễn tả lòng đạo đức của mình qua nhiều hình thức khác nhau luôn đi kèm theo đời sống Bí tích của Hội Thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, kinh Mân Côi. Dưới ánh sáng đức tin, Hội Thánh soi sáng và cổ vũ những hình thức chính đáng của tinh thần đạo đức dân gian ("popular piety").

Vì đây là các á bí tích nên chúng không ban ân sủng do chính sự cử hành nghi thức (ex opere operato). Tham dự cuộc rước kiệu, người ta không mặc nhiên được lãnh nhận ân sủng. Chính lòng tin và sự chuẩn bị nội tâm mới là điều cần thiết để họ nhận được ân sủng. Tình trạng nội tâm và động lực thôi thúc quan trọng nhất chính là sự thánh thiện của cá nhân và sự vinh quang của Thiên Chúa.

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 218-250. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1066-1211. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002

Websites

v. 2012-01-03

Joseph Nguyen