Bài 16: Lúc tận cùng của mọi sự ...

Câu hỏi hướng dẫn

  • Điều gì xảy ra lúc chấm dứt cuộc sống chúng ta? lúc tận thế?
  • Phải chăng đúng là linh hồn chúng ta lại hợp nhất với thân xác chúng ta sau khi tận thế?
  • Sự Phán Xét Riêng nhằm mục đích gì?
  • Kinh Thánh có nói đến Luyện Ngục hay không?
  • Vì sao cần phải có Sự Phán Xét Chung hay còn gọi là Sự Phán Xét Cuối Cùng (Sự Chung Thẩm)?
  • Sự vĩnh phúc Nước trời hệ tại điều gì?
  • Sự đau khổ nơi hỏa ngục hệ tại điều gì?
  • Mọi người sẽ sống lại vào ngày thế mạt phải không?
  • Những đặc tính của thân xác phục sinh là gì?

1. Sự chết

1.1 Cuộc sống nơi thế trần có hạn mức

Thánh Vịnh 90 có những lời sau:

5 Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,

như cỏ đồng trổi mọc ban mai,

6 nở hoa vươn mạnh sớm ngày,

chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn.

9 Chúa nổi xung, đời chúng con tàn tạ,

kiếp sống thoảng qua : một tiếng thở dài.

10 Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,

mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

12 Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,

ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL) mục 205 (xem thêm Giáo Lý Công Giáo [GLCG] mục 992-1004; 1016-1018) hỏi: "Khi chúng ta chết, điều gì sẽ xảy ra cho thân xác và linh hồn chúng ta?"

Lời đáp:

Khi chết, linh hồn và thân xác tách rời nhau; thân xác sẽ bị hủy hoại, trong khi linh hồn vì là bất tử, sẽ chịu sự phán xét của Thiên Chúa, và chờ đợi ngày kết hợp lại với thân xác khi thân xác được sống lại vào ngày Chúa quang lâm. Sự sống lại của thân xác diễn ra như thế nào là điều vượt quá mọi khả năng của trí tưởng tượng và tầm hiểu biết của chúng ta.

1.2 Nhưng có đời sống sau khi chết, đời sống vĩnh cửu

Sách GLYL (mục 207; xem thêm GLCG mục 1020,1051) dạy:

Đời sống vĩnh cửu là đời sống bắt đầu ngay sau khi chết. Đời sống này không có kết thúc. Khi bắt đầu bước vào đời sống vĩnh cửu, mỗi người phải chịu sự phán xét riêng do chính Đức Kitô, Đấng Xét Xử kẻ sống và kẻ chết. Sự phán xét riêng này sẽ được đóng ấn trong cuộc Phán Xét Chung.

1.3 Ý nghĩa về sự chết của Kitô hữu

Sách GLCG (mục 1013) dạy chúng ta cách nhìn nhận sự chết.

Chết là sự chấm dứt cuộc lữ hành của con người nơi trần thế, là sự chấm dứt thời gian của hồng ân và lòng nhân từ mà Thiên Chúa ban cho con người để con người sắp đặt đời sống thế trần của mình theo kế hoạch của Thiên Chúa, và quyết định về số phận sau cùng của mình. Khi "đường đời dương thế của chúng ta đã mãn" [lời trong Lumen Gentium, 48,3], chúng ta không trở lại một cuộc sống khác trên dương gian: "Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét". [Do Thái 9:27]. Không có sự đầu thai sau khi chết. (Lumen Gentium = Ánh Sáng Muôn Dân, hiến chế tín lý về Hội Thánh của Công Đồng Vatican II)

1.4 Giá trị của thời khắc hiện tại, vẻ phù vân của mọi sự thế gian, và Thiên Ý (God's will)

1.4.1 Hiện tại là thời khắc của ân sủng

Sách GLCG (mục 1007) dạy chúng ta rằng

luôn nhớ tới tính phải chết của loài người sẽ giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta chỉ có một thời hạn nhất định để đưa cuộc đời chúng ta tới sự viên mãn.

Bởi vì chúng ta không biết ngày giờ lâm chung nên chúng ta cần tận dụng từng KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI -- chúng ta trân trọng mỗi một giây phút hiện tại và không để lãng phí nó. Hãy lưu ý điểm này: khi nguyện Kinh Lạy Cha, chúng ta đọc: "Xin Cha cho chúng con LƯƠNG THỰC HẰNG NGÀY". Chúng ta không xin lương thực cho ngày mai, hoặc cho tuần tới, nhưng cho ngày hôm nay. Ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta luôn luôn là cho thời khắc hiện tại. Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta theo cách chúng ta sử dụng ân sủng đó. Trong Kinh Kính Mừng, chúng ta xin Đức Nữ Đồng Trinh Maria "cầu cho chúng con là kẻ có tội KHI NAY và TRONG GIỜ LÂM TỬ". Đó là hai khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta; và tại một thời điểm nào đó, hai khoảnh khắc này trùng hợp nhau. Một số người mãi sống với những vinh quang hoặc bĩ cực trong quá khứ; những người khác lại nương mình vào tương lai; tất cả đều không khôn ngoan. Quá khứ đã qua, tương lai thì chưa đến. Thời khắc duy nhất chúng ta có là LÚC NÀY ĐÂY.

Đức Kitô phán dạy các môn đệ của Ngài (Mátthêu 6:34):

34 "Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy."

1.4.2 Sự phù vân của quyền lực, thú vui, và của cải

Chúng ta biết rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải bỏ lại mọi tài sản, danh vọng, tiếng tăm và vui thú. Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng thật ngu dại khi đặt khát vọng của chúng ta vào những thứ có thể hư mất. Mọi thứ vật chất đều có thời hạn của chúng. Về lâu về dài, chúng sẽ tiêu tan (xem thêm Sách Giảng Viên 1:2). Suy tư về sự chết giúp chúng ta nâng cao TINH THẦN KHÔNG HAM MÊ mọi thứ thụ tạo (creatures). Chương 6 Sách Tin Mừng Thánh Mátthêu chép lời Đức Kitô phán dạy các tông đồ:

(19) "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. (20) Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. (21) Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó".

1.4.3 Mọi sự trong tay Chúa

Do biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết, nên chúng ta học cách không trở nên tự mãn, học cách PHÓ THÁC MỌI VIỆC CỦA CHÚNG TA CHO CHÚA, học cách TÌM HIỂU Ý ĐỊNH CỦA NGÀI trong mọi sự. Thánh Giacôbê viết nơi chương 4 trong thư của Ngài:

(13) Bây giờ, hãy nghe tôi, những kẻ nói: "Hôm nay hoặc ngày mai, chúng ta sẽ đi đến thành nọ thành kia, sẽ ở lại đó một năm và buôn bán kiếm lời". (14) Trong khi các người không biết cuộc đời mình ngày mai sẽ ra sao. Thật vậy, các người chỉ là màn sương mờ xuất hiện trong giây lát, rồi lại tan biến đi. (15) Thay vì thế, các người nên nói: " Nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ sống và làm điều nọ điều kia".

2. Sự phán xét riêng

Ngay sau khi linh hồn lìa khỏi xác, nó đối diện với Đấng Phán Xét. Sách GLYL (mục 208; xem thêm GLCG mục 1021-1022,1051) giải thích về sự phán xét riêng:

Đó là sự phán xét thưởng phạt tức khắc mà mỗi người ngay sau khi chết phải nhận lãnh từ Thiên Chúa nơi linh hồn bất tử của mình, liên quan tới đức tin và các việc làm của mình. Sự thưởng phạt này gồm có việc được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng tức khắc hay sau một cuộc thanh luyện thích hợp, hoặc là phải chịu phạt muôn đời trong hỏa ngục.

Thánh Phaolô khẳng định điều này trong thư thứ hai của Ngài gửi tín hữu Côrintô (5:10):

10 Vì tất cả chúng ta đều được đưa tới trước tòa Ðức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm khi còn ở trong thân xác.

Chương 9 Thư gửi tín hữu Do Thái nói rõ về sự phán xét SAU KHI chết.

27 Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.

Chương 16 Sách Tin Mừng Thánh Luca ghi lại dụ ngôn của Đức Giêsu nói về một người giàu có và Lazarô; mỗi người trong dụ ngôn này nhận phần thưởng và hình phạt tương ứng với bản thân NGAY SAU KHI chết.

19) "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là Lazarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. 23) "Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và thấy anh Lazarô trong lòng tổ phụ.

Trong cuộc đối thoại của Đức Giêsu với Người Trộm Lành (xem thêm Luca 23:42-43), Đức Giêsu hứa với anh ta phần thưởng thiên đàng vào cùng ngày Ngài chết.

42 Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" 43 Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng."

Salvador Canals (xem thêm Jesus as Friend [Đức Giêsu Như Bạn Hiền]) nói rằng khi đang sống nơi dương thế là chúng ta đang viết cuốn cách về đời minh. Khi chúng ta tạ thế, cuốn sách đó được đọc cho chúng ta trong cuộc phán xét riêng. Và trong cuộc Phán Xét Chung (sẽ trình bày dưới đây), cuốn sách đó được in ra cho mọi người đọc.

3. Thiên đàng

3.1 Thiên đàng là gì?

Sách GLCG (mục 1024) viết:

Thiên đàng là mục đích tối hậu và là sự viên mãn của những khát vọng tham sâu của con người; là tình trạng hạnh phúc tối thượng và vĩnh viễn.

Giáo Hoàng Benedict XVI, trong Thông Điệp Spe Salvi, mục 12, mô tả thiên đàng là

một sự gì đó tương tự như KHOẢNH KHẮC CỰC KỲ MÃN Ý, … tựa như gieo mình vào biển yêu thương mênh mông, một khoảnh khắc trong đó thời gian, tức là trước và sau, không còn tồn tại … trong đó chúng ta ngây ngất vì vui sướng. Đó là cách Đức Giêsu diễn tả về thiên đàng được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gioan: 'Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được'. (16:22)

Thiên đàng vượt xa mọi trí tưởng tượng; đơn giản vì trên thế gian không có gì tương tự nó. Thánh Thomas Aquinas nói rằng thiên đàng vượt quá mọi khát vọng, mọi kỳ vọng của con người. Nơi thiên đàng, chúng ta sẽ đi từ khám phá này sang phát hiện khác; từ ngạc nhiên này đến lạ lùng khác. Sống trên thiên đàng là sống với Thiên Chúa, Cha chúng ta, và vì Ngài là uyên nguyên của mọi tình phụ tử (xem thêm Êphêsô 3:15), nên Ngài rộng lượng vô biên và giàu trí tưởng tượng vô song trong những tặng phẩm Ngài ban; tặng phẩm của Ngài nhiều vô số kể, hơn tất cả tặng phẩm của mọi bậc cha và mẹ trên thế gian gộp lại. Thiên Chúa sắp sẵn mọi niềm hân hoan khiến chúng ta luôn mãi ngây ngất và không có khoảnh khắc nào buồn chán. (Xem thêm Everything You Wanted to Know About Heaven [Mọi Điều Chúng Ta cần Biết Về Thiên Đàng] của Peter Kreeft).

Sách GLCG (mục 1024) viết

Mầu nhiệm về sự hiệp thông thánh thiêng với Thiên Chúa và với tất cả những ai ở trong Đức Kitô vượt quá mọi trí hiểu và mọi sự diễn giải. Kinh Thánh nói về mầu nhiệm đó bằng hình ảnh: sự sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu của vương quốc, nhà của Chúa Cha, thành thánh Jerusalem, thiên đàng: "Ðiều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người". (Côrintô I, 2:9)

Đới với trẻ nhỏ, thiên đàng sẽ là chốn vui chơi bất tận. Mẹ của chúng sẽ không khi nào phải lên tiếng: "Các con ơi, đến giờ về nhà rồi".

Chúng ta chỉ có thể hình thành ý tưởng về thiên đàng một cách gián tiếp, chẳng hạn như xem lại gương của các thánh đã dốc tâm hy sinh nhiều như thế nào để đạt được phần thưởng thiên đàng. Dường như để đạt được thiên đàng, thì không giá nào là quá cao, không chi phí nào là quá lớn. Thánh Phaolô là một điển hình. Trong Thư gửi tín hữu Rôma (6:18), Ngài viết:

18 Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.

Khi suy tư về thiên đàng theo cách này, chúng ta sẽ thấy không thánh lễ nào là quá sớm, không kinh nguyện nào là quá lê thê, không tràng Kinh Mân Côi nào là chán ngắt, không sự hy sinh hãm mình nào là quá khó nhọc.

Kinh Thánh còn dùng một định nghĩa ẩn dụ về thiên đàng. Sách Ngôn Sứ Isaiah (25:8) và Sách Khải Huyền (21:4-5) đều viết với những ngôn từ như nhau:

8 Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Ðức Chúa là Chúa Thượng sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người. Ðức Chúa phán như vậy.

4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ biến mất". 5 Ðấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự". Rồi Người phán: "Ngươi hãy viết: Ðây là những lời đáng tin cậy và chân thật".

Nước mắt là những nỗi thất vọng, những suy sụp tinh thần, những đau đớn, những khổ sở, những muộn phiền … Tất cả sẽ chỉ là vấn đề trong quá khứ xa xưa.

3.2 Làm sao để được lên thiên đàng?

Sách GLCG (mục 1023) nêu lên một yêu cầu rất đơn giản:

Những ai chết trong ân sủng và tình thân với Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống muôn đời với Đức Kitô.

Có hai khía cạnh trong yêu cầu trên.

    • THỨ NHẤT, điều này hàm nghĩa rằng lúc lâm chung, người ta phải biết rõ MÌNH KHÔNG MẮC MỘT TỘI TRỌNG NÀO, vì tội trọng được xem như sự phản bác Thiên Chúa và mọi điều Ngài hứa ban cho chúng ta.
    • Ơn thánh hóa tựa như giấy thông hành vào thiên đàng. Bởi phạm tội trọng, chúng ta ném giấy thông hành đó đi. Chúng ta phải tìm lại nó thông qua Bí Tích Hòa Giải trước khi lên tiếng về quyền được vào thiên đàng.
    • THỨ HAI, điều này có nghĩa rằng chúng ta phải được THANH LUYỆN HOÀN TOÀN. Chúng ta được thanh luyện bằng cách nào? Chúng ta có sự chọn lựa nơi để được thanh luyện: ở đời này, NƠI THẾ GIAN, hoặc ở ĐỜI SAU. Nơi thế gian thì sự cầu nguyện, làm việc lành phúc đức, sự hy sinh hãm mình, những ân xá do Giáo Hội ban là những điều có thể giúp chúng ta tự thanh luyện. Ở đời sau, nơi thanh luyện là luyện ngục (sẽ được trình bày ở phần dưới đây)
    • Nhưng những hành vi tự thanh luyện của chính chúng ta (được gọi là SỰ THANH LUYỆN CHỦ ĐỘNG) vẫn chưa đủ. Chúng ta phải nhờ cậy ân sủng của Thiên Chúa, Đấng thanh tẩy chúng ta thông qua các Bí Tích, và là Đấng vận dụng những người quanh chúng ta, hoặc những tình huống trong đó chúng ta tự nhận thấy phải thanh luyện mình khỏi những dục vọng thấp hèn, (đây được gọi là SỰ THANH LUYỆN THỤ ĐỘNG), phải lánh xa bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, và lười biếng.

3.3 Ơn phúc kiến (Beatific Vision)

Sách GLCG (mục 1028) nói rõ rằng

Do siêu việt tính (transcendence) của Ngài, nên chúng ta không thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa đúng bản thể của Ngài, trừ trường hợp Thiên Chúa khai mở mầu nhiệm của Ngài trong sự chiêm niệm tức thời của con người và ban cho con người khả năng chiêm niệm này. Giáo Hội gọi sự chiêm ngưỡng Thiên nhan trong vinh quang siêu phàm của Ngài là ơn phúc kiến (còn gọi là sự hưởng kiến, sự chiêm nhan)

Chúng ta phân biệt bốn trình độ trong sự tìm hiểu Thiên Chúa:

    1. TRÌNH ĐỘ THỨ NHẤT là bằng ÁNH SÁNG CỦA LÝ TRÍ (xem lại Dẫn Nhập 1Bài 1 thuộc bộ giáo trình Khám Phá Đức Tin này). Cách tìm hiểu này về Thiên Chúa là cách gián tiếp, và dựa theo các loài thụ tạo của Thiên Chúa. Chúng ta biết Căn Nguyên thông qua Kết Quả.
    2. TRÌNH ĐỘ THỨ HAI. Thông qua ÁNH SÁNG CỦA ĐỨC TIN, Thiên Chúa ban cho tâm trí chúng khả năng lĩnh hội và biết những chân lý vượt ngoài lý trí của con người. (Xem lại Dẫn Nhập 1Bài 3). Đức Tin có thể ví như ống kính hồng ngoại tuyến giúp người sử dụng nó nhìn thấy những thứ mà người khác không nhìn thấy được trong đêm tối.
    3. Chúng ta còn nhận ra loại trình độ thứ ba trong việc tìm hiểu Thiên Chúa, đó là ƠN KHÔN NGOAN, một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần (xem thêm Bài 12).
    4. TRÌNH ĐỘ THỨ TƯ là ÁNH SÁNG VINH QUANG, hoặc ƠN PHÚC KIẾN, chỉ có được khi ở trên thiên đàng. Nhờ ơn này, chúng ta có thể trực tiếp chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Chúng ta cứ hình dung điều này tựa như chúng ta có loại mắt kính đặc biệt giúp chúng ta có thể nhìn thẳng vào mặt trời.

3.4 Luôn suy nghĩ về thiên đàng phải chăng là điều tốt đẹp?

Thánh Josemaría Escrivá viết trong cuốn The Way (Phương Thế, mục 753, 139 & 668)

Những gì thế gian này cho chúng ta luôn luôn chóng qua: niềm vui vừa khởi phát đã vội qua đi.

Khi gặp cám dỗ, hãy nghĩ đến Đấng Yêu Thương đang chờ đợi chúng ta nơi thiên đàng: hãy củng cố đức cậy; điều này hàm nghĩa là sự khoan dung độ lượng không bao giờ thiếu vắng.

Hãy vun đắp niềm hy vọng rạng ngời về Nước Trời.

Luôn suy nghĩ về thiên đàng là điều rất tốt đẹp vì đó chính là nghĩ đến Ngôi Thiên Chúa mà chúng ta hằng yêu mến. Một lý do nữa khiến chúng ta nên suy tư về thiên đàng là việc này sẽ cho chúng ta lý lẽ để phấn đấu hằng ngày. Thánh Phaolô viết trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (9:24-27):

(24) Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. (25) Phàm là tay đua, thì phải tiết chế đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. (26) Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi không đấm như người đấm vào không khí. (27) Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

Ngoài những luận điểm trên ra, một điều nữa chúng ta cần phải luôn luôn nhớ là Thiên Chúa mong mỏi gặp lại chúng ta nơi quê Trời!

4. Luyện ngục

4.1 Luyện ngục là gì? Kinh Thánh có nói về luyện ngục không?

Sách GLYL ( mục 210; xem thêm GLCG mục 1030-1031, 1054) dạy:

Luyện ngục là tình trạng của những người chết trong tình thân với Thiên Chúa, đã được bảo đảm ơn cứu độ vĩnh viễn, nhưng họ còn cần thanh luyện trước khi được hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Kinh Thánh không trực tiếp nói đến từ "Luyện Ngục" (purgatory). Kinh Thánh cũng không nói đến nhiều thuật ngữ Công Giáo quan trọng khác, chẳng hạn như "Blessed Trinity" (Ba Ngôi Cực Thánh), nhưng có nói đến tình trạng này.

Trong Thông Điệp Spe Salvi (mục 46), Giáo Hoàng Benedict vận dụng Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Côrintô để giảng giải về luyện ngục.

Thánh Phaolô bắt đầu bằng lời giảng rằng đời sống Kitô hữu được tạo lập trên một nền tảng chung, đó là Đức Giêsu Kitô. Nền tảng này mãi mãi vững bền. Nếu chúng ta bám chặt vào nên tảng này và tạo dựng cuộc sống của mình trên đó, chúng biết rằng không gì có thể lấy đi sự sống khỏi chúng ta, kể cả sự chết. Sau đó, Thánh Phaolô viết tiếp: ’ Người ta có thể dùng vàng bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa ‘. (Côrintô I, 3:12-15). Qua đoạn này, chúng ta nhận thấy rằng sự cứu rỗi của chúng ta có thể mang nhiều hình thức; rằng một số công trình được xây có thể bị thiêu hủy; rằng để được cứu rỗi, bản thân chúng ta phải trải qua lửa để được khai mở hoàn toàn hầu đón nhận Thiên Chúa và có thể ngồi vào chỗ của mình nơi bàn tiệc cưới muôn đời.

Nhiều người quan niệm rằng những người nơi Luyện Ngục có thể bị án phạt đày xuống hỏa ngục. Không có trường hợp như thế. Các linh hồn nơi Luyện Ngục đang chờ được vào thiên đàng. Thực ra, sự khác biệt chính giữa Luyện Ngục và hỏa ngục là sự khổ đau nơi Luyện Ngục là sự khổ đau tràn trề hy vọng. Sách GLCG (mục 1031) viết:

Giáo Hội dùng từ Luyện Ngục để gọi sự thanh luyện sau cùng của những kẻ được chọn; việc này khác với hình phạt dành cho những kẻ bị kết án đời đời. [xem thêm Công Đồng Florence (1439): DS 1304; Công Đồng Trent (1563): DS 1820; (1547): 1580; xem thêm Benedict XII, Benedictus Deus (1336): DS 1000]. Giáo Hội đưa ra tín lý về Luyện Ngục tại Công Đồng Florence và Công Đồng Trent. Viện dẫn nhiều đoạn trong Kinh Thánh, Thánh Truyền (tradition) của Hội Thánh nói về lửa thanh tẩy như sau: [xem thêm Côrintô I, 3:15; Phêrô I, 1:7]: Về một số tội nhe, chúng ta phải tin rằng trước cuộc Phán Xét Cuối Cùng có hình thức lửa thanh tẩy. Đấng là Sự Thật phán rằng những ai nói lời phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha cả ở đời này lẫn đời sau. Từ lời này, chúng ta hiểu rằng một số tội nào đó có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác được tha ở đời sau. [Gregory Thánh Cả, Dial. 4, 39: PL 77, 396; xem thêm Mátthêu 12:31].

4.2 Tại sao cần phải có Luyện Ngục?

Thư gửi tín hữu Do Thái có lời (12:14):

14 Anh em phải cố ăn ở hòa thuận với mọi người, phải gắng trở nên thánh thiện; vì không có sự thánh thiện, thì không ai sẽ được thấy Chúa.

Cùng một ý đó, Sách Khải Huyền viết (21:27):

27 Tất cả những gì ô uế cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và ăn gian nói dối, đều không được vào thành, mà chỉ có những người có tên ghi trong Sổ trường sinh của Con Chiên mới được vào.

Sự thanh luyện rất cần thiết để con người được hưởng phúc thiên đàng.

Chúng ta biết rằng sự xưng tội khiến tội được tha. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt hai điều này trong tội lỗi; đó là BẢN THÂN TỘI LỖI, và nghĩa vụ công bằng phải ĐỀN BÙ hoặc SỬA CHỮA cho những tổn hại đã gây nên. Khi xúc phạm một người anh em nào đó, chúng ta xin lỗi và người đó có thể nói:” Thôi không sao. Tôi bỏ qua cho anh “. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không cần phải làm bất cứ điều gì sau đó nữa. Chúng ta cần tỏ thiện chí bằng cách đền bù cho những gì chúng ta đã làm (hoặc đã không làm).

Khi phạm TỘI TRỌNG, chúng ta không những gây nên tội, mà còn chuốc lấy án phạt ĐỜI ĐỜI. Án phạt này được thi hành nơi HỎA NGỤC. Sự thành khẩn xưng ra tội trọng đó sẽ khiến tội được tha và thay đổi hình phạt đời đời thành hình phạt tạm.

TỘI NHẸ cũng gây nên tội và HÌNH PHẠT TẠM. Hình phạt tạm có thể xóa ở dương thế hoặc nơi luyện ngục.

Sự thanh luyện xóa các tội nhẹ mà có thể chúng ta đã không hối lỗi, và xóa hình phạt tạm, tức là chúng ta hàm ơn Thiên Chúa về sự đền tội.

4.3 Có cách nào tránh không phải vào Luyện Ngục hay không?

Như đã nói ở phần trên, sự thanh luyện có thể ở ĐỜI NÀY hoặc ở ĐỜI SAU. Hai hình thức này còn được gọi là SỰ THANH LUYỆN CHỦ ĐỘNG và SỰ THANH LUYỆN THỤ ĐỘNG.

    • Ở ĐỜI NÀY, chúng ta CHỦ ĐỘNG tự thanh luyện bằng những sự hy sinh hoặc HÃM MÌNH nho nhỏ mà chúng ta thực thi hằng ngày, bằng những hành vi giản dị như: không chiều theo những điều vốn luôn thu hút sở thích của chúng ta; tự hạn chế hoặc nói ” Không “ với những thứ mà bản thân chúng rất thú vị nhưng chúng ta nhất quyết không đoái hoài tới. Trong khi cần thiết phải có những sự hy sinh, hãm mình lớn lao như giữ chay tịnh và kiêng thịt, thì hằng ngày chúng ta cũng có nhiều cơ hội để dâng lên Thiên Chúa những hy sinh hãm mình nho nhỏ qua việc chu toàn bổn phận chúng ta trong công việc và trong đời sống gia đình với tất cả tâm tình, năng lực, siêng năng và hoàn hảo. Chính vì thế, người ta không nhất thiết phải tìm những phương cách lạ thường để thanh luyện bản thân. Cuộc sống thường nhật tạo cho người ta vô số cơ hội để tự thanh luyện.
    • Ở ĐỜI NÀY, chúng ta ĐƯỢC THANH LUYỆN nhờ Thiên Chúa (đây được gọi là SỰ THANH LUYỆN THỤ ĐỘNG) qua những đau khổ, sầu não mà Ngài gửi đến cho chúng ta. Những thử thách chúng ta trải qua chính là những món quà từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, vì qua đó, Ngài thanh tẩy chúng ta và giúp chúng ta nhanh chóng hưởng phúc thiên đàng. Khi được đón nhận trọn vẹn và với lòng tri ân, những thử thách này sẽ giảm bớt thời gian chúng ta phải trải qua nơi Luyện Ngục, hoặc xóa bỏ hoàn toàn cho chúng ta sự thanh tẩy nởi Luyện Ngục.
    • Ở ĐỜI NÀY, chúng ta còn có thể cậy nhờ các ÂN XÁ (xem thêm Bài 23).
    • Ở ĐỜI SAU, lửa yêu thương của Thiên Chúa thanh tẩy chúng ta nơi Luyện Ngục để chuẩn bị cho chúng ta dự Tiệc Vĩnh Hằng trên thiên đàng. Không có sự thanh luyện này, chúng ta phải rời bàn tiệc thánh Nước Trời.

4.4 Những người còn sống trên thế gian có thể giúp các linh hồn nơi Luyện Ngục được không?

Thông qua Tín Điều Các Thánh Thông Công (the Communion of Saints), chúng ta có thể giúp làm vơi bớt gánh nặng đau khổ của các linh hồn nơi Luyện Ngục. Sách GLCG trả lời câu hỏi trên như sau:

Lời dạy này dựa vào sự thực thi việc cầu nguyện cho kẻ chết đã được chép trong Kinh Thánh:” Ðó là lý do khiến ông Judas Maccabeus đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi “. (Sách Maccabê II, 12:46). Ngay từ thời kỳ đầu, Giáo Hội luông tưởng nhớ những tín hữu đã qua đời và dân lời cầu nguyện cho họ bằng các nghi thức phụng vụ, nhất là bằng Hy Lễ Thánh Thể (Eucharistic Sacrifice), để nhờ đó mà họ được thanh tẩy và được hưởng nhan thánh Chúa [xem thêm Công Đồng Lyons II (1274): DS 856]. Giáo Hội còn khuyên nên làm phúc bố thí, đón nhận những ơn đại xá, thực thi ăn năn sám hối và dành những ơn ích đó cho tín hữu đã qua đời. Chúng ta hãy giúp và nhớ đến họ. Nếu các con của Gióp được thanh luyện nhờ những hy sinh của người cha, thì tại sao chúng ta còn hoài nghi là những nguyện cầu của chúng ta cho những người đã chết có đem đến cho họ niềm an ủi hay không. Chúng ta đừng lưỡng lự trong việc giúp những người đã qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ [Lời Thánh John Chrysostom, Hom. trong 1 Cor. 41, 5: PG 61, 361; xem thêm Sách Gióp 1:5].

5. Hỏa ngục

5.1 Khi lời đáp "Không" trở thành đời đời kiếp kiếp

Tự do là một quyền năng đầy trọng trách. Đó là một quyền năng đầy trọng trách khi chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, khi nói ” Vâng “ với Ngài. Nhưng tự do cũng là một quyền năng đáng sợ. Đó là quyền năng đáng sợ vì có thể nói ” Không “ với Thiên Chúa. Tội trọng nào cũng là sự trở mặt đối với Thiên Chúa, và hướng về tạo vật. Đó là sự từ chối tình yêu của Thiên Chúa, là sự đóng chặt tâm hồn mình với Chúa. Điều sự chết làm là niêm phong tâm hồn đó mãi mãi. CS Lewis viết trong cuốn The Great Divorce (Sự Đại Phân Ly):

Sau cùng chỉ còn có hai loại người; đó là những người thưa với Thiên Chúa: "Ý của Chúa sẽ được thực hiện"; và những người nghe Thiên Chúa phán: "Rốt cuộc, ý của các ngươi sẽ được thực hiện".

Peter Kreeft thêm lời sau (trong cuốn Catholic Christianity, trg 149):

Ai xuống hỏa ngục đều có thể hát lên: "Tôi đã sống theo ý của tôi".

Có lẽ chúng ta không nên dùng từ "hát" ở đây, mà phải dùng từ "khóc than". Thực sự hỏa ngục được hình thành bởi sự lạm dụng tự do.

Sách GLCG (mục 1033) viết:

Chúng ta không thể kết hiệp với Thiên Chúa nếu chúng ta không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta cũng không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta phạm tội trọng đối với Ngài, đối với tha nhân hoặc đối với chính bản thân chúng ta: "Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó". [Gioan I, 3:14-15]. Đức Giêsu cảnh báo chúng ta rằng chúng ta sẽ lìa xa Ngài nếu chúng ta không chăm lo cho nhu cầu bức thiết của người nghèo và những kẻ bé mọn. (xem thêm Mátthêu 25:31-46). Chết khi mang trọng tội mà không sám hối và đón nhận tình yêu nhân từ của Thiên Chúa có nghĩa là mãi mãi lìa xa Chúa theo sự tự do chọn lựa của chính chúng ta. TÌNH TRẠNG TỰ Ý LOẠI MÌNH ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và với các Kitô hữu sống trong ơn thánh chính là "hỏa ngục".

Sách GLYL (mục 213; xem thêm GLCG mục 1036-1037) trình bày cách chúng ta biện giải về sự hiện hữu của hỏa ngục với lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa:

Thiên Chúa muốn cho ” mọi người ăn năn hối cải “ (Phêrô II, 3:9), nhưng vì Ngài tạo dựng con người có tự do và trách nhiệm nên Ngài tôn trọng các quyết định của họ. Vì thế, nếu cho đến lúc chết, con người vẫn còn mang tội trọng, từ chối tình yêu nhân từ của Thiên Chúa, thì chính họ tự ý loại mình ra khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa.

5.2 Đức Giêsu nói về Gehenna (Hỏa Ngục)

Hỏa ngục không phải là truyện thần tiên. Đức Giêsu luôn vảnh báo chúng ta về nó. Và Giáo Hội thường nhắc lại lời phán dạy của Ngài (xem thêm GLCG mục 1035). Sách GLCG (mục 1034) viết:

Đức Giêsu thường nói về 'Gehenna', nơi lửa không bao giờ tắt, dành cho những ai đến khi lìa đời vẫn cứng lòng tin và không hối cải; ở đó, linh hồn và thể xác bị thiêu đốt. [Xem thêm Mátthêu 5:22, 29; 10:28; 13:42, 50; Máccô 9:43-48]. Đức Giêsu nghiêm khắc nói rằng "Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng" [Mátthêu 13:41-42], và Ngài sẽ phán với những kẻ bị kết án: "Quân bị nguyền rủa kia, hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời" [Mátthêu 25:41]!

5.3 Sẽ rất đau khổ nơi hỏa ngục phải không?

Sách GLCG (mục 1035) viết:

Hình phạt chính yếu của hỏa ngục là vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa, mà chỉ nơi Thiên Chúa con người mới có sự sống và hạnh phúc vốn là những điều con người được sinh ra để hưởng và luôn khao khát.

Sự giải thích này nghe như thể hỏa ngục không là vấn đề gì lớn. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng những thứ làm chúng ta say mê, những thứ làm chúng ta mãn nguyện đều do Thiên Chúa. Hãy nghĩ về những điều đem đến thích thú cho các giác quan của chúng ta (thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác) hoặc cho cảm quan của chúng ta (trí nhớ, óc tưởng tượng). Không điều nào trong số đó có ở hỏa ngục vì chỉ Thiên Chúa mới đem lại mãn nguyện cho mọi giác quan và cảm quan của chúng ta.

Hãy nghĩ xa hơn nữa về những điều đem lại mãn nguyện cho tâm trí và lý trí của chúng ta. Chúng lại nhận thấy không điều nào như thế có được ở hỏa ngục vì chúng ta chỉ tìm thấy những điều đó nơi Thiên Chúa. Tâm trí chúng ta khao khát sự thật. Nơi hỏa ngục chỉ toàn là xảo trá. Lý trí chúng ta khao khát sự thiện hảo. Nơi hỏa ngục chỉ toàn là sự dữ.

5.4 Vì sao cần nói về hỏa ngục? Phải chăng đó là phương cách gây sợ hãi?

Sách GLCG (mục 1036) đưa ra hai lý do về việc giảng về hỏa ngục.

    • Những khẳng định của Kinh Thánh và lời dạy của Giáo Hội về đề tài hỏa ngục là sự lên tiếng về trách nhiệm của con người là hãy sử dụng tự do hướng theo số phận đời đời của mình.
    • Đồng thời, đó cũng là lời kêu gọi khẩn thiết: hãy hối cải. "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm lối ấy". [Mátthêu 7:13-14].

Vì chúng ta không biết ngày nào, giờ nào nên chúng ta cần noi theo lời dạy của Đức Giêsu, và luôn tỉnh thức để rồi khi đường đời dương thế chấm dứt, chúng ta xứng đáng cùng với Ngài đi vào dự tiệc cưới và được liệt vào số những người lành thánh, chứ không phải bị đuổi ra và bị tống vào lửa thiêu đốt đời đời như những đầy tớ ác tâm và lười biếng...

5.5 Phải chăng có một số người phải xuống hỏa ngục?

Sách GLCG (mục 1037) dạy:

Thiên Chúa không định trước cho ai phải vào hỏa ngục [xem thêm Công Đồng Orange II (529): DS 397; Công Đồng Trent (1547):1567] ... Trong phụng vụ Thánh Thể và trong những nguyện cầu hằng ngày cho các tín hữu, Giáo Hội nài van lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng không muốn cho "ai phải diệt vong, nhưng muốn mọi người đi đến chỗ ăn năn hối cải" (Phêrô II, 3:9): Lạy Cha, xin hãy nhận của lễ mà chúng con dâng. Xin ban cho chúng con bình an trong cuộc sống, xin cứu chúng con khỏi án phạt đời đời, và cho chúng con vào hàng ngũ những người Chúa chọn [Roman Missal, EP I (Roman Canon) 88].

6. Sự sống lại của thể xác

6.1 Thể xác sẽ lại hợp nhất với linh hồn

Trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô (15:12-14; xem thêm GLCG mục 990, 991), Thánh Phaolô viết rằng thân xác phải chết sẽ sống lại.

(12) Nhưng nếu chúng tôi rao giảng rằng Ðức Kitô đã từ cõi chết sống lại, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? (13) Nếu kẻ chết không sống lại, thì Ðức Kitô đã không phục sinh. (14) Mà nếu Ðức Kitô đã không phục sinh, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.

6.2 Sự sống lại của thể xác

6.2.1 Phải chăng điều này có nghĩa là chúng ta sẽ nhìn thấy những thi thể đi đứng?

Sách GLCG (mục 997) viết:

"Sự sống lại" là gì? Khi chết, linh hồn lìa khỏi xác; thân xác bị hủy hoại, còn linh hồn đến gặp Thiên Chúa trong khi chờ đợi sự hợp nhất lại với thân xác đã được vinh thăng. Với quyền năng tối thượng của mình, Thiên Chúa sẽ ban sự sống không thể hư mất cho thân xác chúng ta bằng cách cho chúng hợp nhất lại với linh hồn thông qua quyền năng Phục Sinh của Đức Giêsu.

6.2.2 Mọi người, kể cả người lành lẫn kẻ dữ, đều sẽ sống lại phải không?

Sách GLCG (mục 998) dạy:

Ai sẽ sống lại? Tất cả kẻ chết đều sống lại, " ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án “. [Gioan 5:29; xem thêm Sách Daniel 12:2]

6.2.3 Điều đó xảy ra như thế nào?

Hai mục trong Sách GLCG (999, 1000) giảng giải điều này.

Bằng cách nào? Đức Kitô đã sống lại với CHÍNH THÂN XÁC CỦA NGÀI: "Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!" (Luca 24:39); nhưng Ngài không trở lại cuộc sống thế trần. Vì thế, trong Ngài, "tất cả mọi người sẽ sống lại với chính thân xác mà họ đang mang hiện nay", nhưng Đức Kitô ”sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta trở nên giống thân xác vinh quang của Ngài, thành thân xác thiêng liêng [Công Đồng Latran IV (1215): DS 801; Philiphê 3:21; Côrintô II, 15:44]:

Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết chỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Ðồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái người gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. ... Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt. … những kẻ chết sẽ chỗi dậy mà không hư nát. … Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử. [Côrintô I, 15:35-37, 42, 52, 53].

Cách xác sống lại thế nào là điều vượt quá trí tưởng tượng và tầm hiểu biết của chúng ta; điều đó được tiếp nhận bằng đức tin. Tuy nhiên, sự dự phần vào Bí Tích Thánh Thể cho chúng ta mường tượng trước về việc Đức Kitô biến đổi thân xác chúng ta:

Như bánh mì xuất phát từ thế trần, nhưng sau khi có lời chúc phúc của Thiên Chúa, nó không còn là bánh mì thông thường nữa mà là Bánh Thánh được hình thành bởi hai phần: một từ thế trần và một từ thiên giới; thân xác chúng ta cũng như thế, khi rước Thánh Thể, thân xác không còn tội nhơ nhưng ấp ủ niềm hy vọng về sự sống lại [Thánh Irenaeus, Adv. haeres. 4, 18, 4-5: PG 7/1, 1028-1029].

Peter Kreeft (trong cuốn Catholic Christianity, trg 139) giảng giải cách thức thân xác của NHỮNG NGƯỜI CÔNG CHÍNH sẽ trở nên giống thân xác của Đức Kitô phục sinh.

Dữ liệu chính xác và duy nhất về những gì chúng ta biết liên quan tới vấn đề thân xác chúng ta ngày sau sống lại là từ những trình thuật trong Tin Mừng về Thân Xác Phục Sinh của Đức Kitô. Thân xác này được nhìn nhận là Đức Kitô; nó là sự liên tục của thân xác trước đó của Ngài. Thân xác đó chính là Ngài, không là một ai khác. Tuy nhiên, thân xác đó có đôi chút khác lạ. Chính vì đôi chút khác lạ này nên các môn đệ thoạt tiên không nhận ra Ngài, sau đó mới nhìn ra Ngài. (Luca 24:13-32; Gioan 20:11-16; 21:1-13). Thân xác đó có thể đi xuyên qua tường (Gioan 20:19) và lên trời (Tông Đồ Công Vụ 1:9-11). Nhưng đó là thân xác, không phải ma; vì thân xác này có thể ăn và sờ chạm được (Luca 24:36-43; Gioan 20:19-29; Mátthêu 28:9).

6.2.4 Khi nào?

Sách GLCG (mục 1001) viết:

Khi nào? Chính xác là ” vào ngày sau hết “; ” vào lúc thế mạt “ [Gioan 6: 39-40, 44, 54; 11:24; Lumen Gentium 48 # 3]. Thực ra, sự sống lại của kẻ chết gắn liền với Parousia (sự đến lần thứ hai) của Đức Kitô:

Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước tiên. [Thesalonica I, 4:16]

7. Sự phán xét cuối cùng (sự chung thẩm)

7.1 Sự phán xét này là gì?

The CCC (1038) reiterates the Scriptural teaching that the Last Judgement

Sách GLCG (mục 1038) lập lại lời Kinh Thánh nói rằng Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ là "giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án" (Gioan 5:28-29). Lúc bấy giờ Đức Kitô sẽ đến "trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu … Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. … Thế là họ sẽ ra đi, bọn này để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời". [Mátthêu 25:31, 32, 46].

Sách GLYL (mục 214) nói thêm rằng sau khi thân xác hợp nhất lại với linh hồn, nó cũng sẽ ĐƯỢC THƯỞNG hoặc CHỊU PHẠT:

Sau cuộc phán xét cuối cùng, thân xác sống lại sẽ tham dự vào sự thưởng phạt mà linh hồn đã lãnh nhận trong cuộc phán xét riêng.

7.2 Khi nào sự phán xét này xảy ra?

Sự phán xét này xảy ra vào ngày tận thế nhưng chỉ mình Thiên Chúa mới biết đó là ngày nào giờ nào. (xem thêm GLCG mục 1040 và GLYL mục 215).

7.3 Vì sao cần thiết phải có Sự Phán Xét Cuối Cùng?

Mục đích của Sự Phán Xét Cuối Cùng là để SỰ THẬT tỏ lộ cho tất cả mọi người. Đó là hệ quả của SỰ CÔNG BẰNG và LÒNG NHÂN HẬU vô biên của Thiên Chúa. Sách GLCG (mục 1039, 1040) viết:

Trước sự hiên diện của Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, sự thật về mối quan hệ của từng người với Thiên Chúa sẽ được tỏ lộ [xem thêm Gioan 12:49]. Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ tỏ lộ đến tột cùng NHỮNG VIỆC THIÊN MÀ TỪNG NGƯỜI ĐÃ LÀM HOẶC ĐÃ KHÔNG LÀM trong cuộc sống nơi dương thế.

Chúng ta sẽ biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình sáng tạo và của nhiệm cuộc cứu chuộc (economy of salvation), và thấu hiểu những phương thế diệu kỳ mà qua đó ĐẤNG QUAN PHÒNG đưa mọi sự đến cứu cánh sau cùng. Sự Phán Xét Cuối Cùng sẽ cho thấy SỰ CÔNG BẰNG CỦA THIÊN CHÚA chiến thắng mọi bất công mà các thụ tạo của Ngài phạm phải; và TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA mạnh mẽ hơn cái chết. (xem thêm Sách Diệu Ca 8:6)

8. Điều gì là mới liên quan tới Trời Mới và Đất Mới?

Thiên Chúa hứa sẽ đổi mới mọi sự, nhưng theo cách nào thì chúng ta chưa biết được. Trời Mới và Đất Mới (Phêrô II, 3:13; xem thêm Khải Huyền 21:1) sẽ có những đặc điểm sau (sách GLCG các mục 1042, 1043, 1044, 1045, 1047, 1048).

    • người công chính sẽ muôn đời cai trị cùng với Đức Kitô; được vinh thăng cả hồn và xác;
    • vũ trụ sẽ được đổi mới; thế giới được phục hồi nguyên trạng, không còn những cản trở nào nữa và được phục vụ bởi những người công chính;
    • Thiên Chúa sẽ ngự trị giữa loài người … (và Ngài) là nguồn suối mãi mãi tuôn chảy hạnh phúc, bình an, và sự hiệp thông;
    • sự hiện thực sau cùng về tính kết hiệp của nhân loại … (nhân loại) sẽ không còn bị đau thương bởi tội lỗi, bởi sự nhơ nhuốc đạo đức, bởi lòng tự ái, vốn là những thứ hủy hoại và gây đau thương cho cộng đồng nhân loại nơi thế trần;
    • là nơi ở mới và đất mới, tại đó những người công chính cư ngụ, tại đó hạnh phúc luôn ngập tràn, và làm thỏa mãn mọi khát vọng về sự bình an nảy sinh trong lòng mọi người.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không tham dự tích cực vào việc phát triển thế giới chúng ta đang sống. Sách GLCG (mục 1049) trích dẫn lời trong Gaudium et Spes (39 #2; Gaudium et Spes = Vui Mừng và Hy Vọng; Hiến chế mục vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay của Công Đồng Vatican II) nhằm khẳng định rằng:

"Thay vì làm giảm sự quan tâm của chúng ta đối với việc phát triển trái đất này, sự trông mong trời mới đất mới càng thôi thúc chúng ta về vấn đề đó, vì chính nơi trái đất này cơ thể của một gia đình nhân loại mới sẽ triển nở, báo trước về kỷ nguyên sắp tới. Bởi thế, mặc dù chúng ta cần thận trọng phân biệt sự tiến bộ thế trần với sự triển nở vương quốc Đức Kitô, nhưng những sự tiến bộ như thế là vấn đề cần thiết cho Nước Thiên Chúa xét theo khía cạnh là nó góp phần tạo sự ổn định tốt đẹp hơn cho xã hội loài người".

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 401-410
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2104-2109, 2244-2246, 2372

Websites