Bài 35: Những đền thờ bằng đất sét

Câu hỏi hướng dẫn

  • Con người có được dựng nên để yêu không?
  • Nhân đức tiết độ là gì?
  • Tội nguyên tổ có ảnh hưởng tới sự thèm muốn lạc thú không?
  • Khiết tịnh, trong sạch, nết na, đồng trinh, độc thân là gì?
  • Các nhân đức này có tương quan thế nào với tình yêu?
  • Nếu có ai nói chúng ta phải sống theo tự nhiên và theo các khuynh hướng tự nhiên của mình trong lãnh vực tình dục, bạn sẽ trả lời thế nào?
  • Tình dục là cá nhân hay xã hội?
  • Mục đích của tình dục con người là gì?
  • Giáo dục giới tính là gì?
  • Trẻ em có quyền được giáo dục về giới tính không? Nếu có, ai có nghĩa vụ lo việc giáo dục này và ở đâu?
  • Vợ chồng có phải sống trong sạch và khiết tịnh không? Nếu có, tại sao?
  • Tại sao Hội Thánh luôn luôn nói rằng gia đình đông con là một phước lành?
  • Vợ chồng có quyền sinh con không?
  • Độc thân có trái với tự nhiên không?
  • Các cặp vợ chồng Công Giáo có nên có nhiều con nếu sức khoẻ họ cho phép không?
  • Nhục dục là gì và có những hậu quả gì?
  • Các tội trong lãnh vực này thường là tội nặng hay tội nhẹ?
  • Khiêu dâm có trái đạo đức không? Tại sao?
  • Giáo hội dạy gì về các hành vi thủ dâm, tà dâm, quan hệ tình dục trước hôn nhân, ngừa thai, kế hoạch hoá gia đình bằng phương pháp tự nhiên, ngoại tình, ly dị, đa thê, đồng tính luyến ái?
  • Có được phép sử dụng bao cao su để phòng ngừa AIDS không?
  • Khuynh hướng đồng tính tự nó có phải là tội không?
  • Những người đồng tính có quyền lợi gì không?
  • Hôn nhân đồng tính có được phép không? Nếu có thì tại sao, nếu không thì tại sao?
  • Chúng ta có nên phân biệt đối xử với những người đồng tính không?
  • Có những phương thế nào để thực hành đức trong sạch và khiết tịnh?
  • Sống khiết tịnh có hại cho sức khoẻ không?

1. Thiên Chúa dựng nên loài người có nam có nữ

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,

Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa,

Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. (St 1:27)

Sách Giáo Lý Yếu Lược của Hội Thánh Công Giáo (GLYL số 487; x. GLCG 2331-2336, 2392-2393) nhắc lại giáo huấn này của sách Sáng Thế và dạy chúng ta:

Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, có cùng một phẩm giá nhân bản. Ngài đã khắc ghi ơn gọi yêu thương và hiệp thông nơi mỗi người. Mỗi người phải chấp nhận phái tính riêng của mình và nhận ra tầm quan trọng của nó đối với toàn thể con người, tính đặc thù của mỗi phái tính và việc hai phái tính bổ túc cho nhau.

bài 6 chúng ta đã thấy Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài. Chúng ta cũng đã thấy chúng ta giống Thiên Chúa về những phương diện sau đây:

    1. LINH HỒN là một hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Thiêng Liêng.
    2. TRÍ KHÔN hay LÝ TRÍ (khả năng nhận thức và hiểu biết) và Ý CHÍ (khả năng muốn, chọn lựa, yêu mến) phản ánh sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Vì có lý trí và ý chí, chúng ta có TỰ DO.
    3. Thiên Chúa cũng cho chúng ta làm CHỦ và CHÚA trên toàn thể thế giới vật chất, nghĩa là được chia sẻ quyền làm chủ trên muôn loài thụ tạo.
    4. 4. Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tiếp nối việc tạo dựng, TRUYỀN SINH, nhờ sự khác biệt về giới tính—nam và nữ. Như vậy chúng ta được chia sẻ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Bằng cách này, không chỉ linh hồn mà cả THÂN XÁC chúng ta cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Hơn nữa, khi một người được chịu phép Rửa Tội, thân xác họ trở thành một phần của thân thể Đức Kitô, và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Trong Thư 1 gửi tín hữu Corinthô (6:15-17.19-20), Thánh Phaolô hỏi:
      1. (15) Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là PHẦN THÂN THỂ của Ðức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Ðức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! (16) Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. (17) Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người.
      2. (19) Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

Các số 2333-2334 của sách GLCG cung cấp cho chúng ta thêm một số giải thích sâu hơn, có thể tóm tắt như sau:

    • Khác biệt giữa nam và nữ không tạo nên bất bình đẳng. Người nam và người nữ đều BÌNH ĐẲNG VỀ NHÂN PHẨM. Cả nam và nữ đều được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, mặc dù họ phản ánh Thiên Chúa theo những cách khác nhau.
    • Những khác biệt thể lý, tinh thần và thiêng liêng giữa người nam và người nữ có mục đích BỔ SUNG và GIÚP ĐỠ cho nhau để đạt những mục tiêu của hôn nhân và đời sống gia đình.

2. Nhân đức khiết tịnh

2.1 Sự kết hợp và sự toàn vẹn

Khi nói về đức khiết tịnh, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLCG) và sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL) dung các từ “kết hợp” và “toàn vẹn” — “kết hợp giới tính với nhân vị,” kết hợp giới tính “vào mối tương quan giữa người với người,” “sự toàn vẹn của việc trao ban” (GLCG 2337), “sự toàn vẹn của các khả năng sống và yêu” (GLCG 2338), “hợp nhất tích cực giới tính trong con người,” kết hợp đúng đắn giới tính “vào mối tương quan giữa người với người” (GLYL 488). Hội Thánh nói thế có nghĩa là gì?

TÍNH TOÀN VẸN là chỉ về trạng thái toàn thể, hoàn toàn, hay không cắt xén.

KẾT HỢP có nghĩa là hợp chung lại, thống nhất, phối hợp, hay hội nhập (các phần) thành một toàn thể.

Khiết tịnh là nhân đức giúp cho một người không chỉ hiến dâng một phần của mình, nhưng là TOÀN THỂ con người mình cho một ai khác, dù đó là một con người hay là chính Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao sách GLCG số 2337 nói:

Castitas igitur virtus integritatem implicat personae et totalitatem doni. — Như vậy nhân đức khiết tịnh gồm sự toàn vẹn của con người và sự toàn vẹn của việc hiến dâng.

Đức khiết tịnh làm cho người ta hiểu ra rằng “không ai trong chúng ta sống cho mình, cũng không ai chết cho mình” (Rm 14:7). Nó làm chúng ta hiểu ra rằng khi yêu, người ta không chỉ hiến dâng thân xác, nhưng hiến dâng chính con người mình, TOÀN THỂ CON NGƯỜI MÌNH—tất cả và không cắt xén—và TẤT CẢ NHỮNG GÌ MÌNH CÓ (thời giờ, sự chú ý, của cải, v.v…). Điều này không chỉ áp dụng cho những người đã kết hôn, nhưng cả cho những người gọi là độc thân. Khiết tịnh là lời đáp của chúng ta cho Chúa Giêsu Kitô, “Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2:20). Chính Thiên Chúa là “Đấng đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4:19). Sách GLCG (2346) nói:

Đức ái là mô hình của tất cả mọi nhân đức. Dưới ảnh hưởng của đức ái, đức khiết tịnh được coi là trường dạy của sự hiến dâng bản thân. Sự làm chủ bản thân hướng về sự hiến dâng bản thân.

Chính vì thế Thánh Josemaria Escriva nói rằng khiết tịnh hay đức trong sạch thánh là “một sự khẳng định hân hoan” của tình yêu. Trong bài suy niệm “Vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa” (trong quyển Bạn hữu của Thiên Chúa số 182), ngài viết:

Chúng ta đáp lại bằng một lời khẳng định hân hoan, và dâng hiến mình cho Người một cách tự do và vui vẻ. Chỉ đơn thuần chạy trốn những sa ngã và những dịp tội thì không đủ. Bạn không được để mình cư xử một cách tiêu cực lạnh lùng và đầy tính toán. Bạn có tin chắc rằng khiết tịnh là một nhân đức và vì thế nó phải lớn lên và trở nên hoàn thiện không? Rồi, tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng chỉ giữ tiết độ theo bậc sống của mình mà thôi thì không đủ. Chúng ta phải thực hành, phải sống đức khiết tịnh, thậm chí tới mức anh hùng. Thái độ này đòi hỏi một hành vi tích cực nhờ đó chúng ta vui vẻ chấp nhận tiếng gọi của Thiên Chúa khi Người nói: Praebe, fili mi, cor tuum mihi et oculi tui vias meas custodiant, ‘Con ơi, hãy hiến dâng tim con cho Cha, và hãy hướng mắt dõi theo những con đường bình an của Cha.’

2.2 Học làm chủ bản thân

Khiết tịnh đòi hỏi sự trao ban toàn thể con người mình. Nhưng trước khi có thể trao ban cái gì, tôi phải có nó hay mua nó đã. Món quà này trước hết phải THUỘC VỀ TÔI, nó phải là CỦA TÔI trước đã. Nói khác đi, tôi chỉ có thể trao ban mình làm món quà cho một người khác nếu tôi đã SỞ HỮU và LÀM CHỦ bản thân tôi, nếu tôi đã HOÀN TOÀN LÀM CHỦ mình. Nếu không, sự trao ban chính mình của tôi sẽ chỉ là lời nói dối vì tôi chẳng có gì để cho cả. Sách GLCG (số 2339) nói:

Đức khiết tịnh đòi phải có sự THỰC TẬP LÀM CHỦ BẢN THÂN: đó là một KHOA SƯ PHẠM VỀ TỰ DO CON NGƯỜI. Sự chọn lựa thật rõ ràng: hoặc con người TRUYỀN KHIẾN ĐƯỢC CÁC ĐAM MÊ CỦA MÌNH và đạt được sự bình an, hoặc con người để mình trở thành nô lệ của các đam mê và như vậy sẽ bất hạnh [xem Huấn Ca 1:22]. “Vậy phẩm giá của con người đòi họ phải hành động theo sự chọn lựa Ý THỨC và TỰ DO, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và hướng dẫn tự bên trong, chứ KHÔNG do BẢN NĂNG MÙ QUÁNG hay CƯỠNG CHẾ HOÀN TOÀN BÊN NGOÀI. Con người sẽ đạt tới phẩm giá ấy một khi nhờ tự giải thoát khỏi mọi kiềm toả của đam mê, con người theo đuổi cùng đích của mình trong sự tự do chọn lấy điều thiện và khôn khéo thực sự tạo cho mình những phương tiện thích hợp.” [Vaticanô II, Gaudium et Spes, 17]

Cuộc chiến đấu này đôi khi có thể đòi hỏi những cố gắng anh hùng. Như Thánh Josemaria nói ở điểm số 143 trong cuốn Con Đường,

Để bảo vệ đức khiết tịnh của mình, Thánh Phanxicô Assisi thường lăn mình trên tuyết, Thánh Biển Đức lao mình vào bụi gai, Thánh Bênnađô nhảy xuống một hồ nước lạnh giá... Còn bạn, …. bạn đã làm gì?

Có những phương thế nào giúp sống đức khiết tịnh?

Thánh Josemaria cho chúng ta một ít lời khuyên rất thực tiễn về cách sống đức trong sạch thánh thiện (cũng xem GLYL số 490; GLCG 2340-2347).

    • HÃY LUÔN LUÔN BẬN RỘN với các công việc bổn phận hằng ngày của bạn. “Chúng ta cũng phải đổ đầy tất cả thời giờ của mình bằng công việc nghiêm túc và có trách nhiệm, trong đó chúng ta tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa, vì chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta đã được mua chuộc bằng một cái giá rất đắt và chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần.” (“Vi họ sẽ được thấy Thiên Chúa,” trong quyển Bạn hữu của Thiên Chúa 186).
    • TRÁNH XA CÁM DỖ. “Kiểu hạnh kiểm siêu nhiên ấy là một chiến thuật quân sự thực sự. Bạn lâm trận—những cuộc chiến hằng ngày của nội tâm bạn—ở cách xa những tường luỹ chính của pháo đài của bạn. Và quân địch gặp bạn ở đó: trong các việc hãm mình nho nhỏ của bạn, kinh nguyện hằng ngày, làm việc có phương pháp, kế hoạch đời sống của bạn: và quân địch sẽ khó có thể đến gần những lỗ châu mai của pháo đài. Mà dù nó có đến gần được, nó cũng kiệt sức rồi.” (Con Đường 307). “Bạn cũng phải có thói quen kéo trận chiến tới những vùng cách xa những bức tường chính của pháo đài. Chúng ta không thể cứ đi lại thơ thẩn ngay trước biên giới của sự dữ. Chúng ta phải kiên quyết tránh xa những hành vi cố ý gián tiếp. Chúng ta phải chống cự lại cả những hành vi nhỏ bé nhất phạm đến tình yêu Chúa, và chúng ta phải cố gắng phát triển một hoạt động tông đồ Kitô giáo thường xuyên và hiệu quả, với lòng trong sạch thánh làm nền tảng cần thiết cũng như là một trong những kết quả đặc trưng nhất của nó.” (“Vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa”, trong Bạn hữu của Thiên Chúa 186).
    • KHÔNG TÌM KIẾM CÁM DỖ. Hãy kiểm soát các giác quan: mắt, tai, tưởng tượng, trí nhớ. “Bạn chơi đùa với cám dỗ, bạn đặt mình vào nguy hiểm, bạn đùa cợt bằng cái nhìn và trí tưởng tượng, và bạn tán gẫu… về những chuyện nhảm nhí. Thế rồi bạn lo lắng vì những hoài nghi, bối rối, hoang mang, buồn phiền và thất vọng, chúng có thể tấn công bạn. Bạn phải nhìn nhận là mình không nhất quán lắm.” (Luống cày 132).
    • CHẠY TRỐN. Khi gặp cám dỗ, cách tốt nhất là chạy trốn chứ đừng tìm cách đánh lại nó. “Đừng tỏ ra hèn nhát bằng hành vi ‘can đảm’; hãy chạy cho thật nhanh!” (Con Đường 132).
    • KHÔNG NÓI NHỮNG ĐIỀU TỤC TĨU. “Không bao giờ nói những điều ô uế hay những sự kiện tục tĩu, cũng đừng than vãn về nó. Nên nhớ rằng những điều đó dính hơn là nhựa đường. Hãy đổi đề tài nói chuyện, hay nếu không thể, cứ tiếp tục đề tài, nhưng hãy nói về sự cần thiết và vẻ đẹp của đức trong sạch—nhân đức của những con người biết giá trị của linh hồn mình.” (Con Đường 131)
    • CẦU NGUYỆN VÀ HÃM MÌNH. Chúng ta cần phải sử dụng không chỉ những phương tiện nhân loại, nhưng cả những vũ khí siêu nhiên nữa. “‘Phép lạ’ của đức trong sạch có hai điểm tựa là cầu nguyện và hãm mình.” (Luống cày 832)
    • XƯNG TỘI THƯỜNG XUYÊN. “Nếu lỡ sa ngã, ta phải đứng ngay dậy. Với ơn Chúa giúp, là điều không bao giờ thiếu nếu ta biết sử dụng đúng phương tiện, ta phải tìm cách ăn năn sám hối càng nhanh càng tốt, tỏ ra khiêm tốn và thành thật, và sửa mình để sự thất bại nhất thời được biến đổi thành một chiến thắng vinh quang cho Chúa Giêsu Kitô.” (“Vì họ sẽ được thấy Thiên Chúa,” trong Bạn hữu của Thiên Chúa 186).
    • RƯỚC LỄ THƯỜNG XUYÊN, HẰNG NGÀY NẾU CÓ THỂ. “Đi rước lễ. Đó không phải là sự thiếu cung kính. Hãy đi rước lễ ngay chính hôm bạn vừa vượt qua cái ‘vết nhơ rắc rối ấy.’ Bạn đã quên lời Chúa Giêsu nói: ‘Không phải những người khoẻ mạnh, nhưng những người bệnh tật mới cần đến thầy thuốc’ sao?” (Con Đường 536)
    • CẦU XIN THÁNH GIUSE. “Lạy Thánh Giuse, là Cha và Thầy của chúng con: đấng vô cùng trong sạch, vô cùng khiết tịnh. Ngài đã được xét là xứng đáng bế Hài Nhi Giêsu trong tay, tắm rửa Người, ôm hôn Người. Xin dạy chúng con biết Thiên Chúa, sống trong sạch, xứng đáng là những Đức Kitô khác. Xin giúp chúng con biết làm và dạy như Đức Kitô đã làm và dạy. Xin giúp chúng con mở ra những con đường của Thiên Chúa ở trần gian, vừa kín ẩn vừa sáng sủa; và xin giúp chúng con chỉ cho loài người biết những con đường ấy, nói cho đồng loại chúng con biết rằng cuộc đời của họ ở trần gian có thể mang lại kết quả siêu nhiên kỳ diệu.” (The Forge 553)
    • HÃY ĐẾN VỚI ĐỨC MẸ. Và đương nhiên, chúng ta không được quên lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria Cực Thánh. “Tôi có thể cho bạn vài lời khuyên để bạn đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày không? Khi bạn cảm thấy nổi lên trong lòng những ước vọng thấp hèn ấy, bạn hãy chậm rãi thưa với Đức Maria Vô Nhiễm: ‘Xin thương nhìn đến con, xin đừng rời bỏ con, lạy Mẹ của con!’ Và hãy khuyên người khác đọc câu kinh này.” (Furrow 849)

2.3 Mọi người đều được kêu gọi sống khiết tịnh

Sách GLYL số 491 (xem GLCG 2348-2359.2394) dạy chúng ta:

Người Kitô hữu luôn nhìn Ðức Kitô là khuôn mẫu đời sống khiết tịnh; họ được mời gọi sống khiết tịnh tuỳ theo bậc sống của mình:

    • những người sống bậc ĐỒNG TRINH hay ĐỘC THÂN của ĐỜI THÁNH HIẾN, là cách sống trổi vượt để sẵn sàng hiến mình cho Thiên Chúa với trọn tâm hồn;
    • những nguời LẬP GIA ĐÌNH được mời gọi sống khiết tịnh theo bậc vợ chồng;
    • những người KHÔNG LẬP GIA ĐÌNH cũng được mời gọi sống khiết tịnh bằng cách tiết dục.

Những người đính hôn có phải sống khiết tịnh không?

Họ cũng phải sống khiết tịnh. Sách GLCG số 2350 nói:

Những người đã đính hôn phải giữ đức khiết tịnh trong sự tiết dục. Họ nên coi sự thử thách này là dịp khám phá ra sự tôn trọng nhau, tập giữ sự trung thành và hi vọng sẽ nhận được nhau từ nơi Thiên Chúa. Họ sẽ dành những bày tỏ âu yếm của tình yêu vợ chồng cho thời gian của hôn nhân. Họ sẽ giúp nhau lớn lên trong sự khiết tịnh.

Còn đối với những người có khuynh hướng đồng tính?

Sách GLCG số 2359 cũng khuyên họ sống khiết tịnh giống như bất cứ ai khác.

Những người đồng tính luyến ái được kêu gọi giữ sự khiết tịnh. Nhờ những nhân đức của sự làm chủ bản thân mình, tức những nhân đức dạy họ sự tự do nội tâm, và đôi khi nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi, nhờ lời cầu nguyện và ân sủng các bí tích, họ có thể và phải dần dần và cương quyết tới gần sự trọn hảo Kitô giáo.

2.4 Những tội chính phạm đến đức khiết tịnh là những tội gì?

Những tội chống lại đức khiết tịnh được liệt vào loại tội dâm ô. Trong mỗi thứ tội này, đối tượng của thú vui sắc dục được coi như là một ‘sự vật’ chứ không phải một ‘con người’ có phẩm giá. Sách GLCG số 2351 định nghĩa như sau:

Dâm ô là một ước muốn hỗn loạn, hoặc một thú vui sắc dục sai trái. Thú vui sắc dục sẽ bị coi là hỗn loạn khi người ta tìm cách hưởng nó ngoài các mục đích truyền sinh và kết hợp.

Nói thế có nghĩa là thú vui sắc dục, khi được thụ hưởng trong lúc giao hợp bởi một cặp vợ chồng vì mục đích truyền sinh, thì là điều tốt và thậm chí có thể được dâng hiến cho Thiên Chúa và được thánh hoá. Hoạt động tính dục như thế là một điều thánh, vì trong mọi hành vi tính dục đều có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Sách GLYL (số 492; xem GLCG số 2351-2359.2396) liệt kê các tội này như sau:

Những tội nặng phạm đến đức khiết tịnh, tùy theo bản chất của từng đối tượng, đó là

    • ngoại tình,
    • thủ dâm (“hành vi cố tình kích thích bộ phận sinh dục để thoả mãn tình dục” – GLCG 2352),
    • tà dâm (“quan hệ xác thịt giữa một người nam và một người nữ ngoài hôn nhân... một gương xấu nặng nề khi có sự làm hư thanh thiếu niên” – GLCG 2353),
    • khiêu dâm,
    • mại dâm,
    • hiếp dâm, (“dùng bạo lực cưỡng bức người ta quan hệ xác thịt với mình” – GLCG 2356)
    • các hành vi đồng tính luyến ái.

Các tội này là biểu hiện của đam mê dâm đãng. Nếu phạm các tội này với các trẻ vị thành niên, thì sẽ xúc phạm cách nặng nề hơn vào sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các em.

Cũng cần nhắc lại rằng nhìn người khác với cái nhìn không trong sạch cũng có tội. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu dạy (Mt 5:27-30):

(27) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (29) Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. (30) Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục.

2.5 Chính quyền dân sự có trách nhiệm gì về đức khiết tịnh?

Sách GLYL số 494 (xem GLCG số 2354) dạy:

Chính quyền có trách nhiệm cổ võ sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng có trách nhiệm góp phần tạo ra một môi truờng xã hội thuận lợi cho đức khiết tịnh. Nhờ những luật lệ thích hợp, chính quyền phải ngăn chận việc bành trướng các trọng tội nghịch đức khiết tịnh đã kể trên, đặc biệt để bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người yếu đuối.

3. Tình yêu trong hôn nhân

Thánh Josemaria Escriva viết trong “Hôn Nhân: Một ơn gọi Kitô giáo” (Đức Kitô đi ngang qua 23):

Vợ và chồng được kêu gọi thánh hoá đời sống hôn nhân của mình và thánh hoá bản thân trong đời sống ấy. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu họ loại bỏ sự phát triển thiêng liêng ra khỏi đời sống gia đình của mình. Sự kết hợp trong hôn nhân, chăm lo và giáo dục con cái, cố gắng đáp ứng các nhu cầu của gia đình cũng như sự an toàn và phát triển của gia đình, các mối quan hệ với những người sống trong cộng đồng, tất cả đều là những hoàn cảnh bình thường của con người mà các đôi vợ chồng Kitô giáo được kêu gọi thánh hoá.

Họ sẽ đạt được mục tiêu này bằng cách thực hành đức tin và đức cậy, thanh thản đối diện với những vấn đề lớn nhỏ mà mọi gia đình phải đối phó, và kiên trì trong tình yêu thương và phấn khởi trong khi chu toàn nghĩa vụ của mình. Bằng cách này, họ thực hành đức ái trong mọi sự. Họ học biết mỉm cười và quên mình để lưu tâm tới người khác. Vợ chồng cần nghe nhau và nghe con cái, chỉ cho chúng biết chúng thực sự được yêu và được hiểu. Họ cần biết quên đi những va chạm vặt vãnh thường ngày mà tính ích kỷ có thể làm thành to chuyện. Họ sẽ làm các hành vi phục vụ nho nhỏ trong đời sống chung hằng ngày với tình yêu mến.

Mục đích là: thánh hoá đời sống gia đình, đồng thời xây dựng một bầu khí gia đình đích thực. Nhiều nhân đức Kitô giáo cần có để thánh hoá đời sống hằng ngày của mỗi người. Trước hết là các nhân đức hướng thần, rồi tất cả các nhân đức khác: khôn ngoan, trung thành, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, vui vẻ... Nhưng khi nói về hôn nhân và đời sống gia đình, chúng ta phải bắt đầu nói một cách rõ ràng về tình yêu vợ chồng dành cho nhau.

3.1 Hành vi vợ chồng

Đức Thánh Cha Piô XII khi đề cập đến hành vi vợ chồng trong bài Diễn từ ngày 29-10-1951 (trích trong GLCG 2362) đã nói như sau:

Chính Đấng Tạo Hoá... đã định rằng trong chức năng [sinh sản],vợ chồng được trải nghiệm sự VUI THÚ của thể xác và tinh thần. Vì vậy vợ chồng KHÔNG CÓ GÌ SAI TRÁI khi tìm kiếm sự vui thú này. Họ chấp nhận những gì Tạo Hoá đã có ý dành cho họ. Đồng thời, vợ chồng phải biết giữ mình trong giới hạn của sự ĐIỀU ĐỘ

Trong sách Tôbia (8:4-9; trích trong GLCG 2361), chúng ta đọc thấy:

4 … Tô-bi-a ngồi dậy, ra khỏi giường và nói với Xa-ra: "Ðứng lên, em! Chúng ta hãy cầu nguyện, nài xin Ðức Chúa để Người xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng ta!" 5 Cô đứng lên, rồi cả hai bắt đầu cầu nguyện và nài xin cho mình được cứu độ. Tô-bi-a bắt đầu như sau: "Lạy Thiên Chúa của tổ tiên chúng con. Xin chúc tụng Chúa… 6 Chính Chúa đã dựng nên ông A-đam, dựng nên cho ông một người trợ thủ và nâng đỡ là bà E-và, vợ ông. Và dòng dõi loài người đã sinh ra từ hai ông bà. Chính Chúa đã nói: ‘Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ thủ giống như nó.’ 7 Giờ đây, không phải vì lòng dục, mà con lấy em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương con và em con cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già." 8 Rồi họ đồng thanh nói: "A-men! A-men!" 9 Sau đó, họ ngủ luôn cho đến sáng.

Sách GLCG (số 2363) dạy rằng hôn nhân có hai MỤC ĐÍCH:

    1. Lợi ích của đôi VỢ CHỒNG, và
    2. Việc TRUYỀN SINH.

Hai mục đích này mang theo các NGHĨA VỤ sau đây. Sách GLYL số 495 (xem GLCG 2360-2361.2397-2398) dạy chúng ta:

Ðối với những người đã được rửa tội, tình yêu hôn nhân được thánh hoá bằng bí tích Hôn Phối, có những điều tốt lành sau đây:

    1. SỰ DUY NHẤT [một nam, một nữ]
    2. SỰ CHUNG THUỶ,
    3. TÍNH BẤT KHẢ PHÂN LY, và
    4. SẴN SÀNG đối với việc TRUYỀN SINH.

3.2 Sự chung thuỷ vợ chồng

Khi vợ chồng kết hợp với nhau trong hôn nhân, Thiên Chúa đóng ấn cho sợi dây liên kết của họ. Vì vậy, có ba bên tham dự trong hôn nhân và sợi dây liên kết này không thể bị cắt đứt bởi hai trong ba bên. Điều này đã được dạy rất rõ trong Sách Thánh (Mc 10:9; xem Mt 19:1-12; 1 Cr 7:10-11)

Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly.

Một người đã kết hôn có thể vi phạm sự duy nhất, chung thuỷ và/hay bất khả phân ly của hôn nhân bằng những cách nào?

Đây là những hành vi chống lại sự chung thuỷ vợ chồng:

    • NGOẠI TÌNH. Là một “tội kép” vì nó không chỉ chống lại đức khiết tịnh, mà còn chống lại đức công bằng. Sách GLCG số 2380 định nghĩa về tội ngoại tình như sau:
      • Khi hai người nam nữ có quan hệ tính dục với nhau, dù là nhất thời mà trong đó có ít nhất một người đã kết hôn thì cả hai phạm tội ngoại tình. Ðức Ki-tô lên án tội này ngay cả khi chỉ là mộtước muốn (x. Mt 5,27-28). Ðiều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm tội ngoại tình (x. Mt 5,32; 19,6; Mc 10,11; 1Cr 6,9-10).
    • LY HÔN. Bộ Giáo Luật (số 1141) khẳng định:
    • Một cuộc hôn nhân thành sự [ratified] và hoàn hợp [consummated] không thể bị tiêu huỷ bởi bất cứ quyền bính loài người hay bất cứ lý do gì ngoại trừ cái chết.
    • ĐA HÔN. Sách GLCG (số 2387) nói:
    • Chúng ta hiểu được bi kịch của một người, vì muốn hoán cải theo Tin Mừng buộc phải từ bỏ một hoặc nhiều người vợ đã chung sống nhiều năm. Tuy nhiên, đa thê không phù hợp với luật luân lý, tuyệt đối nghịch lại với sự hiệp thông giữa vợchồng: trực tiếp chối bỏ kế hoạch của Thiên Chúa đã được mặ)c khải cho ta từ buổi đầu, nghịch với phẩm giá bình đẳng của người nữ và người nam, cả hai hiến thân cho nhau trong một tình yêu trọn vẹn, duy nhất và độc hữu (x. FC 19; GS 47,2). Theođức công bình, người đa thê khi trở thành ki-tô hữu phải chu toàn những trách vụ tài trợcho các bà vợ trước và con cái của mình.
    • LOẠN LUÂN. Sách GLCG số 2388 cắt nghĩa về tội này như sau:
    • Tội loạn luân là quan hệ tính dục giữa những người họ hàng cùng huyết tộc hoặc hôn thuộc, mà luật cấm kết hôn với nhau (x. Lv 18,7-20). Thánh Phao-lô lên án trọng tội này: "Ði đâu cũng chỉ nghe nói đến chuyện dâm ô xảy ra giữa anh em... có kẻ ănở với thê thiếp của cha mình! ... Nhân danh Chúa Giê-su, chúng ta phải nộp con người đó cho Xa-tanđể xác thịt nó bị hủy diệt" (x. 1 Cr 5,1.4-5)...Tội loạn luân phá vỡ quan hệ gia đình và cho thấy một sự thoái hóa trở về thú tính.
    • XÂM PHẠM TÌNH DỤC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN. Đây không chỉ là một vi phạm duy nhất vì nó không chỉ chống lại đức KHIẾT TỊNH, mà còn chống lại đức BÁC ÁI (tội gây gương mù) và đức CÔNG BẰNG.
    • Có thể gọi là loạn luân, những lạm dụng tính dục do những người trưởng thành đối với trẻ con hoặc thiếu niên đã được ủy thác cho họ. Người phạm tội này phải chịu trách nhiệm gấp đôi: một mặt vì gây gương xấu xâm phạmđến sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các người trẻ, và để lại hậu quả tai hại suốt đời, mặt khác vì họ lỗi trách nhiệm giáo dục của mình.
    • TỰ DO SỐNG CHUNG. Sách GLCG số 2390 nói:
    • “Tự do sống chung” là khi một người nam và một người nữ sống như vợ chồng nhưng không chịu tiến hành hôn nhân chính thức theo luật.
    • Kiểu nói “tự do sống chung” là dối trá, vì có nghĩa gì một sự kết hợp trong đó hai con người không cam kết với nhau và do đó cũng chứng tỏ rằng họ không tín nhiệm nơi người kia, nơi chính mình, hoặc ở tương lai?
    • Kiểu nói này chỉ nhiều hoàn cảnh khác nhau: ăn ởvới nhau không cưới xin, từ chối kết hôn theo đúng tính chất của hôn nhân, không thể ràng buộc nhau bằng những cam kết dài lâu (x. Familiaris Consortio 81). Tất cả những trường hợp này xúc phạm phẩm giá của hôn nhân, phá hủy ý niệm về gia đình, làm suy giảm cảm thức về lòng thủy chung. Chúng nghịch với luật luân lý: hành vi tính dục chỉ được chấp nhận trong hôn nhân; ngoài hôn nhân, luôn luôn đó là một tội trọng và khôngđược hiệp thông các bí tích.
    • HÔN NHÂN THỬ. Sách GLCG số 2391 lưu ý:
    • Ngày nay, nhiều người đòi hỏi "quyền thử nghiệm hôn nhân", khi có ý định kết hôn. Dù những người quan hệ tính dục tiền hôn nhân có quyết tâm kết hôn, cũng không thể bảo đảm quan hệ liên vị giữa họ là chân thật và thủy chung, và nhất là giữ cho quan hệ này khỏi những ý muốn ngông cuồng và nông nổi (xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Persona Humana, 7). Về phương diện luân lý, sự kết hợp xác thịt chỉ hợp pháp khi đã chính thức kết hôn. Tình yêu không chấp nhận thử nghiệm; nhưng đòi hỏi hiến thân cho nhau trọn vẹn và dứt khoát (x. Familiaris Consortio 80).

Vợ chồng có được phép ly thân không?

Sách GLCG (số 2383) nói tình trạng ly thân vẫn có thể duy trì dây liên kết hôn nhân trong một số trường hợp đã được Giáo Luật dự liệu (xem Bộ Giáo Luật các điều 1151-1155).

Trường hợp tại quốc gia bạn, quyền được chăm sóc con cái và bảo vệ quyền thừa kế trong các vụ ly hôn chỉ được bảo đảm qua thủ tục ly hôn DÂN SỰ mà thôi thì sao?

Sách GLCG ở cùng số trên đây nói rằng có thể nhân nhượng chuyện này và không có tội.

Nếu một người phải chấp nhận ly hôn dân sự mà không do lỗi của mình, người đó có phạm tội không?

Sách GLCG (số 2386) nói là không có tội. Và cắt nghĩa thêm:

Nếu một trong đôi vợ chồng là nạn nhân vô tội của phán quyết ly dị do tòa án dân sự, người này không vi phạm luật luân lý. Có sự phân biệt rõ ràng giữa người phối ngẫu thành thật cố gắng trung thành với bí tích Hôn Phối và bị ruồng bỏ bất công, với người phá hủy hôn nhân thành sự theo Giáo Luật (x. Familiaris Consortio 84) do phạm lỗi nặng.

3.3 Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, và là kết quả của Tình Yêu

Chúng ta phải quan niệm con cái là gì?

Sách GLYL (số 500; xem GLCG số 2378) dạy:

Con cái là một quà tặng của Thiên Chúa, quà tặng tuyệt hảo nhất của hôn nhân. Có con KHÔNG phải là một QUYỀN LỢI (nghĩa là, bắt buộc phải có con). Nhưng đứa con có quyền là kết quả của hành vi hôn nhân của cha mẹ em, cũng như có quyền được tôn trọng như là một nhân vị ngay từ lúc em được thụ thai.

Khi coi con cái như là quà tặng của Chúa, cha mẹ cần phải có ba thái độ này đối với việc sinh con:

    1. Họ phải SẴN SÀNG với khả năng Thiên Chúa sẽ ban cho họ có con cái, nhưng cũng phải chấp tình trạng Thiên Chúa có thể không cho họ có con.
    2. Nếu Thiên Chúa BAN con cái cho họ, cha mẹ phải CHẤP NHẬN món quà này, và tạ ơn Chúa vì Người tin tưởng họ. Họ phải nhớ rằng con cái trước tiên là con cái của Thiên Chúa, Người sẽ ban đủ sự nâng đỡ cần thiết để chúng có thể lớn lên như là những người con của Người.
    3. Nếu Thiên Chúa KHÔNG BAN con cái cho họ, cha mẹ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP sử dụng các PHƯƠNG TIỆN NHÂN TẠO (ví dụ, thụ tinh trong ống nghiệm) để có con. Con cái không phải là những con vật nuôi mà người ta có thể mua trong một tiệm bán thú nuôi. (Ở đây chúng ta không bàn sâu vào chi tiết về điểm này.)

Khi nào việc điều hòa sinh sản là phù hợp với luân lý?

Việc điều hòa sinh sản là một trong những phương diện của trách nhiệm làm cha làm mẹ. Việc làm này phù hợp cách khách quan với luật luân lý,

    1. khi được chính đôi vợ chồng thực hiện, mà KHÔNG BỊ MỘT ÁP LỰC BÊN NGOÀI;
    2. cũng KHÔNG DO ÍCH KỶ, nhưng vì những lý do chính đáng
    3. và bằng những PHƯƠNG PHÁP phù hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luân lý, nghĩa là nhờ việc tiết dục định kỳ và sử dụng những thời kỳ không thể thụ thai.

(GLYL 497; x. GLCG 2368-2369. 2399)

Ðâu là những phương pháp điều hòa sinh sản không phù hợp với luân lý?

Những hoạt động sau đây phải coi là không phù hợp với luân lý, đó là trực tiếp triệt sản hoặc ngừa thai, được thực hiện trước hoặc trong khi giao hợp, hoặc trong quá trình dẫn đến kết quả tự nhiên của việc giao hợp, nhằm mục đích hay tạo phương thế để ngăn cản sự truyền sinh. (GLYL 498; x. GLCG 2370-2372)

Ðôi vợ chồng có thể làm gì nếu không thể có con?

Nếu không được Thiên Chúa ban tặng con cái, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, đôi vợ chồng có thể sống quảng đại qua việc bảo trợ hay nhận con nuôi, hay tham gia những công tác phục vụ tha nhân. Như vậy họ thực hiện một sự sinh sản quý giá về mặt thiêng liêng. (GLYL 501; x. GLCG 2379)

Tại sao thụ tinh và thụ thai nhân tạo không hợp với luân lý?

Thụ tinh và thụ thai nhân tạo không thể chấp nhận về mặt luân lý, vì tách rời việc sinh sản với sự giao hợp, trong hành động này đôi vợ chồng trao hiến cho nhau, và như vậy, đặt kỹ thuật lên trên nguồn gốc và vận mệnh của con người. Hơn nữa, việc thụ tinh và thụ thai do người khác, tức là có một người thứ ba can thiệp vào hành vi vợ chồng nhờ qua kỹ thuật; hành động này vi phạm quyền của đứa bé được sinh ra từ người cha và người mẹ của nó, hai người được liên kết với nhau bằng hôn nhân và có độc quyền là chỉ nhờ nhau mà cả hai mới được làm cha, làm mẹ. (GLYL 499; x. GLCG 2373-2377)

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 487-502.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2331-2400.

Websites

v. 2011-06

Peter Thuan