Bài 07: Vì Sao Có Sự Dữ?

Câu Hỏi Hướng Dẫn

  • Sự thể như thế nào lúc khởi thủy?
  • Trạng thái công chính nguyên thủy nghĩa là gì ?
  • Thiên Chúa đã ban cho Adam và Eva những hồng ân gì nơi Vườn Địa Đàng?
  • Chúng ta đã làm gì sai lầm?
  • Sự dữ từ đâu đến?
  • Tội nguyên tổ đã gây nên những hậu quả gì cho Adam và cho chúng ta?
  • Phải chăng lao động là một hình phạt?
  • Vì sao Thánh Augustine gọi tội nguyên tổ là "tội hồng phúc" ?

1. Con đường chúng ta đã đi qua

Trong bài trước chúng ta đã biết Thiên Chúa dựng nên trời đất và con người như thế nào, và đã biết Thiên Chúa "nhận thấy… điều đó là tốt đẹp". (Sách Sáng Thế 1:31). Thế nhưng, vì lẽ nào lại có sự dữ trên thế gian? Sự dữ từ đâu đến? Một số nhà tư tưởng cho rằng ngoài Thiên Chúa ra, còn có một cội nguồn sự dữ, cũng mạnh mẽ không kém, đã đem đến sự dữ cho thế gian này.

Câu trả lời khởi đầu cho câu hỏi vì sao có sự dữ mà chúng ta đã trình bày trong bài trước là những gì Thiên Chúa tạo dựng đều tốt đẹp; tuy nhiên, Thiên Chúa muốn con người dự phần vào việc hoàn thiện công trình sáng tạo. Trong bài này chúng ta sẽ bổ túc lời giải đáp cho câu hỏi vì sao có sự dữ trên thế gian.

Nhưng trước hết, chúng ta cùng nhau xem lại Thiên Chúa đã ban cho con người những gì ngoài những ơn huệ tự nhiên mà Thiên Chúa đã phú cho họ. Lý do của sự xem lại này là chính sự mất đi những hồng ân khác đó đã mở cửa cho sự dữ vào thế gian.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL), mục 72 (xem thêm sách Giáo Lý Công Giáo [GLCG] mục 374-375) dạy chúng ta như sau:

Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã cho họ dự phần vào đời sống thần thánh của Ngài trong sự thiện hảo và công chính. Trong chương trình của Thiên Chúa, con người sẽ không phải chịu đau khổ hoặc phải chết. Thêm vào đó, một sự hòa hợp hoàn hảo ngự trị trong bản thân con người, sự hòa hợp giữa thụ tạo và Đấng Tạo Hóa, giữa nam và nữ, cũng như giữa đôi vợ chồng đầu tiên của loài người với mọi loài thụ tạo khác.

Ngoài những ơn tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho Adam và Eva như linh hồn thiêng liêng, trí năng, ý chí tự do, quyền chủ tể đối với mọi loài thụ tạo, sự dự phần vào công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa qua hôn nhân, Thiên Chúa còn ban cho họ những ơn "siêu nhiên" và những ơn "siêu phàm".

    • Chữ SIÊU NHIÊN ở đây hàm nghĩa là một sự gì đó không nằm trong tầm ảnh hưởng của tự nhiên và không thể có bởi tự nhiên.
    • Chữ SIÊU PHÀM ở đây hàm nghĩa là một sự gì đó không nằm trong tầm tác động của nhân tính nhưng không vượt ra ngoài thụ tạo tính nào đó (chẳng hạn như thiên thần tính).

Làm sao chúng ta biết rằng có những hồng ân như thế lúc khởi thủy ?

Sách Sáng Thế đã không kể tên những ơn siêu nhiên và siêu phàm khi tổ tông chúng ta đón nhận chúng, nhưng chúng ta biết về những hồng ân đó một cách gián tiếp thông qua những hậu quả của tội nguyên tổ. Tội này đã tước khỏi chúng ta các ơn siêu nhiên và siêu phàm mà tổ tông loài người đã nhận được tử Thiên Chúa. Khi Adam và Eva không chịu tuân phục Thiên Chúa thì đồng thời họ cũng khước từ những ơn siêu nhiên và siêu phàm mà họ đã được ban cho. Thêm vào đó, các ơn tự nhiên của họ cũng suy giảm. Các đoạn chính trong Thánh Kinh nói về chủ đề này là những đoạn sau: 2:15-17; 3:1-24 của Sách Sáng Thế; và 5:12-19 trong thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma. Chúng ta cùng nhau tham khảo những đoạn đó.

  • Sách Sáng Thế 2:15-17
    • 15 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Êđen để cày cấy và canh giữ đất đai. 16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : "Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; 17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết".
  • Sách Sáng Thế 3:1-24
    • 1 Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà:” Có thật Thiên Chúa bảo:’ Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? ‘ 2 Người đàn bà nói với con rắn:” Trái các cây trong vườn thì chúng tôi được ăn. 3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo:’ Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết ‘. 4 Rắn nói với người đàn bà:” Chẳng chết chóc gì đâu! “ 5 Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó. mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác “. 6 Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quí vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn; rồi đưa cho cả chồng đang ở đó một mình; ông cũng ăn. 7 Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng; họ mới kết lá và làm khố che thân.
    • 8 Nghe thấy tiếng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa. 9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa gọi con người và hỏi:” Ngươi ở đâu? “ 10 Con người thưa:” Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn. 11 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi:” Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không? “ 12 Con người thưa:” Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn. “ 13 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa hỏi người đàn bà:” Ngươi đã làm gì thế? “ Người đàn bà thưa:” Con rắn đã lừa dối con , nên con ăn. “ 14 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán với con rắn:” Mi đã làm điều đó nên ngươi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. 15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ rình cắn vào gót nó. “ 16 Với người đàn bà, Chúa phán:” Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Mọi ước vọng của người đều hướng về chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi. “ 17 Với con người, Chúa phán:” Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng:’ Ngươi đừng ăn nó ‘ nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. 17 Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. 19 Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn cho đến khi trở về đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất.
    • 20 Con người đặt tên cho vợ là Eva, vì bà là mẹ chủa chúng sinh. 21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. 22 ĐỨC CHÚA lá Thiên Chúa nói:” Này con người đã trở thành một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác. Bây giờ, đừng để nó giơ tay hái cả trái cây trường sinh mà ăn và được sống mãi. “ 23 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Êđen để cày cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. 24 Người trục xuất con người, và ở phía đông vườn Êđen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng loáng để canh giữ đường đến cây trường sinh.
  • Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 5:12-19
    • 12 Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗ gây nên sự chết; như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. 13 Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. 14 Thế mà, từ thời Adam tới thời Môsê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như Adam đã phạm. Adam là hình ảnh Đấng sẽ tới. 15 Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. 16 Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. 17 Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị. 18 Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. 19 Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.

1.1 Sự thánh thiện nguyên thủy: ơn thánh hóa, một ơn siêu nhiên

Ơn quan trọng nhất mà Thiên Chúa từng ban cho tổ tông chúng ta là được chia sẻ cuộc sống nội tại của Ngài. Nói cách khác, cuộc sống con người không chỉ là sự sống nhân linh mà còn là thần linh. Sự chia sẻ vào cuộc sống của Thiên Chúa được gọi là ƠN THÁNH HÓA. Ơn thánh hóa giúp tổ tông chúng ta sống trong tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Sách GLCG, mục 2000, giải thích về ơn thánh hóa như sau:

Ơn thánh hóa là một ơn thường sủng ("habitual grace") một ơn siêu nhiên bền vững làm hoàn thiện linh hồn và giúp linh hồn có thể sống với Thiên Chúa, hành động nhờ tình yêu của Ngài. Ơn thường sủng là trạng thái thường xuyên sống và hành động hợp theo tiếng Thiên Chúa gọi.

Ơn thánh hóa giúp chúng ta làm đẹp lòng Thiên Chúa. Nó giúp chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và cho chúng ta quyền thừa hưởng nước trời.

Phần này của Sách GLCG cho chúng ta biết thêm là ngoài ơn thánh hóa, còn có một hồng ân khác, đó là ƠN HIỆN SỦNG ("actual grace").

… Ơn thường sủng, trạng thái sống và hành động theo tiếng Thiên Chúa gọi, khác với ơn hiện sủng là sự tác động của Thiên Chúa lúc khởi sự hoán cải hoặc trong quá trình thánh hóa.

Phần kế tiếp trong Sách GLCG (mục 2001) giảng giải sự tác động của ơn hiện sủng trong linh hồn chúng ta như sau:

Sự chuẩn bị của con người để đón nhận ân sủng đã là một tác động của ân sủng. Tác động của ân sủng là điều cần thiết để khơi dậy và duy trì sự cộng tác của chúng ta vào lẽ công chính thông qua đức tin, và vào sự thánh hóa thông qua nhân đức. Để tạo sự hoàn thiện trong con người chúng ta, Thiên Chúa đem đến những gì Ngài đã khởi sự, ” vì Ngài, Đấng hoàn tất công cuộc của mình bằng sự kết hợp với ý chí của chúng ta, đã khởi sự bằng việc làm, nên chúng ta có ý chí thực hiện công việc. “ (Thánh Augustine, De gratia et libero arbitrio, 17: PL 44, 901]

Thực ra, chúng ta cũng làm việc nhưng mới chỉ cộng tác với Thiên Chúa là Đấng thực hiện, vì lòng nhân từ của Chúa đi trước chúng ta. Lòng nhân từ của Chúa đi bước trước để chúng ta được chữa lành, và đi theo chúng ta để một khi chúng ta được chữa lành, chúng ta được tái sinh; lòng nhân từ của Chúa đi bước trước để chúng ta được mời gọi, và đi theo chúng ta để chúng ta được vinh quang. Lòng nhân từ của Thiên Chúa đi trước chúng ta để chúng ta sống đạo đức, và đi theo chúng ta để chúng ta luôn luôn sống với Thiên Chúa, vì nếu không có Ngài, chúng ta không thể làm được gì. (Thánh Augustine, De natura et gratia, 31: PL 44, 264]

Trước khi một ai đó nhận được ơn thánh hóa thì Thiên Chúa đã ban cho người ấy nhiều ơn hiện sủng để giúp người ấy đáp ứng lời Chúa mời gọi. Trước khi một ai đó cải hóa thì Thiên Chúa đã trợ giúp người ấy, soi sáng, dẫn dắt người ấy nhưng vẫn tôn trọng tự do của người ấy. Thiên Chúa thiện hảo và nhân từ biết bao! Ngài thực sự như một người cha nâng đỡ đứa con bé bỏng chập chững những bước đi đầu tiên.

1.2 Sự công chính nguyên thủy: những ơn siêu phàm

Ngoài hồng ân được chia sẻ đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa, tổ tông của chúng ta còn được ban nhiều ân sủng khác nữa. Mục 376 và 377 của Sách GLCG giảng giải cho chúng ta về những ơn siêu phàm này, và chúng hình thành những gì được gọi là ” trạng thái công chính nguyên thủy “. Các ơn siêu phàm này là những ơn sau đây:

    • ƠN CHÍNH TRỰC. Ơn này tăng cường ơn tự nhiên là ý chí tự do của con người. Sức mạnh của ý chí giúp chúng ta có sự tự chủ. Điều này dẫn tới sự hòa hợp nội tại nơi bản thân con người, sự hòa hợp giữa nam và nữ, sự hòa hợp giữa cặp vợ chồng đầu tiên cùa loài người với muôn thụ tạo khác. Ơn này còn đem lại sự giải thoát khỏi những điều mà Thánh Gioan mô tả trong thư thứ nhất của Người là ba sự ham muốn trần tục (xem Thư thứ nhất của Thánh Gioan 2:16), đó là: sự ham muốn của mắt (tính tham lam; lòng ham muốn vô độ đối với của cải thế gian); sự ham muốn của xác thịt (nỗi mê đắm khoái cảm); và sự tự kiêu.
    • ƠN HIỂU BIẾT NHỮNG ĐIỀU TRUYỀN DẠY. Tâm trí của tổ tông chúng ta không mông muội, nó chất chứa những tri thức do Thiên Chúa truyền dạy, không kể những tri thức mà tổ tông chúng ta thu thập được thông qua giác quan và suy luận. Theo các nhà thần học, có ba lãnh vực hiểu biết Thiên Chúa truyền dạy cho tổ tông chúng ta, đó là: Thiên Chúa và những thuộc tính của Ngài; đạo lý hay mối quan hệ của con người đối với Thiên Chúa; và thế giới vật chất cùng thế giới tâm linh. Sự hiểu biết này không bao gồm những mầu nhiệm siêu nhiên, là những điều mà chỉ có sự hưởng kiến trực diện mới có thể đem lại.
    • ƠN BẤT TỬ. Điều này có nghĩa là tổ tông chúng ta không phải chết. Sau khi sa ngã, con người phải trở về bụi đất mà từ đó con người được tạo dựng.
    • ƠN KHÔNG BIẾT ĐAU KHỔ. Tổ tông chúng ta không phải chịu đau khổ. Sự lao động đối với họ là niềm vui. Chỉ sau khi sa ngã, sự lao động mới trở nên vất vả và khó nhọc. (Xem Sách Sáng Thế 3:18-19).

2. Sự sa ngã

2.1 Sự sa ngã của thiên thần

Eva bị con rắn cám dỗ (xem Sách Sáng Thế 3:1-2). Kinh Thánh dùng ngôn ngữ biểu tượng (khu vườn, cây, con rắn) để trình bày một sự thật quan trọng, đó là do bị ma quỉ cám dỗ, con người đã không vâng lệnh Thiên Chúa. Con rắn từ đâu đến? Sách GLYL (mục 74, xem thêm GLCG mục 391-395, 414) dạy chúng ta rằng cụm từ "sự sa ngã của các thiên thần":

… ý nói là Satan và các quỉ khác mà theo Thánh Kinh và Thánh Truyền của Giáo Hội thì đó là những thiên thần được Thiên Chúa tạo nên. Nhưng các thiên thần này biến chất từ thiện sang ác vì với sự chọn lựa tự ý và không thể hủy, họ đã phản kháng Thiên Chúa cùng Thiên Quốc của Ngài; và đồng thời hình thành nên hỏa ngục. Quỉ dữ ra sức lôi kéo con người vào cuộc chống đối Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Kitô một chiến thắng mạnh mẽ của Ngài đối với Satan.

Chúng ta không biết được các thiên thần sa ngã bị xét xử như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng hậu quả của việc đó là sự khước từ của Thiên Chúa đối với một số đẳng thiên thần.

2.2 Tội của tổ tông chúng ta

Không thể phủ nhận sự hiện hữu của sự dữ vì chúng ta cảm nghiệm nó trong chính cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết vì sao sự dữ hiện hữu nếu những gì xảy ra lúc khởi đầu lịch sử loài người không bộc lộ cho chúng ta. (xem thêm GLCG mục 386-387).

Trước khi đi sâu thêm vào vấn đề, chúng ta cùng nhau phân biệt ba loại sự dữ:

    • SỰ DỮ THỂ LÝ (physical evil). Sự dữ này bao gồm sự tổn thương thể xác (bệnh tật, tai nạn, chết chóc…) hoặc sự đau khổ tinh thần (lo âu, thất vọng, ân hận…), hoặc đau khổ bắt nguồn từ sự bất toàn của xã hội (nghèo túng, đàn áp, xung đột xã hội…).
    • SỰ DỮ LUÂN LÝ (moral evil). Sự dữ này gây ra bởi sự vi phạm luân thường đạo lý. Tội lỗi chính là sự dữ tinh thần.
    • SỰ DỮ SIÊU HÌNH (metaphysical evil). Thế giới tự nhiên bao gồm nhiều thành tố. Các thành tố này tác động lẫn nhau, và như thế chúng hạn chế khả năng đạt sự hoàn thiện của vật thể khác. Điều này xảy ra không phải vì sự hạn định của Tạo Hóa mà vì những giới hạn của thụ tạo. Sự dữ siêu hình có trước khi tội của tổ tông chúng ta nảy sinh.

Hãy đọc lại phần trình bày của chương 3 Sách Sáng Thế. Chương đó nói về tội nguyên tổ, vốn là một tín lý cốt yếu (Sách GLCG mục 388-389). Sách GLYL mục 75 (xem thêm GLCG mục 396-403; 415-417) tóm lược những gì xảy ra với tội của tổ tông chúng ta:

… Với sự bất tuân phục của mình, họ muốn trở nên ” như Thiên Chúa “ mà không cần Thiên Chúa và không hòa hợp với Thiên Chúa (Sách Sáng Thế 3:5). Do đó, Adam và Eva liền sau đó đã đánh mất cho mình và cho tất cả con cháu mình ơn thánh thiện và công chính nguyên thủy.

Thực sự tội nguyên tổ là gì?

Mục 76 của Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 409, 419) giảng cho chúng ta mhư sau:

Mọi người đều sinh ra trong nguyện tội. Nguyên tội là tình trạng thiếu vắng sự thánh thiện và công chính nguyên thủy. Đó là một tội mà chúng ta (con cháu của Adam và Eva) "vướng mắc" chứ không do chúng ta "phạm"; đó là tình trạng lúc chào đời chứ không phải là một hành vi cá nhân. Do sự thống nhất của toàn thể loài người mà tội này truyền cho con cháu của Adam trong bản tính loài người, "không phải do bắt chước nhưng là qua sự truyền sinh". Sự truyền tội tổ tông là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu thấu đáo được.

Ngoài việc bị tước mất ơn thánh thiện và công chính nguyên thủy, tổ tông chúng ta phải chịu những hậu quả khác không?

Tổ tông chúng ta phải chịu nhiều hậu quả khác nữa, không những bị mất những ơn siêu nhiên và ơn siêu phàm mà còn gây tổn hại cho nhân tính nữa. Mục 77 của Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 405-409, 418) trình bày cho chúng ta như sau:

Do hậu quả của tội nguyên tổ, bản tính con người, mặc dù không bị hư hỏng hoàn toàn, nhưng bị tổn thương về sức mạnh tự nhiên của nó. Nó phải chịu sự mê muội, sự đau khổ và sự thống trị của cái chết; nó mang xu hướng tội lỗi. Xu hướng này được gọi là sự ham muốn thú trần tục ("concupiscence").

Xem bảng tóm tắt ở dưới.

2.3 Hậu quả đối với Adam và Eva

Cha John Hardon giảng giải:

Hai nhóm hồng ân đã bị Adam và Eva đánh mất, những ơn siêu phàm bị mất thể hiện qua sự mất ơn chính trực (Sách Sáng Thế 3:7,10,21) như chúng ta đã xem ở đoạn trước; mất ơn bất tử (SST 3:19),” ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất “; đối với Eva, mất ơn không biết đau khổ (SST 3:16),” Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con “, và đối với Adam (SST 3:17-19),” Đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi; ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn “. Những ơn khác mất đi cùng với sự bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng.

Mặc dù Sách Sáng Thế không nói trực tiếp về sự mất ơn thánh hóa, nhưng sự mất ơn này được thể hiện rõ trong Tân Ước. Theo đó, nhiều lần Adam được nói tới là đã bị mất những gì Đức Kitô khôi phục; và vì Đức Kitô khôi phục ơn thánh hóa nên ơn này chính là điều Adam đánh mất bởi tội của mình. Hơn nữa, nếu con cháu Adam bị tước mất ơn thánh hóa vì sự sa ngã của Adam, thì hẳn là chính Adam đã đánh mất ơn đó.

Hậu quả của sự sa ngã có thể tóm tắt trong bảng sau đây:

2.4 Hậu quả đối với nhân loại

Sau khi tổ tông chúng ta mất đi những ơn này, con cháu không còn cách nào có lại các ơn đó. Hiểu theo nghĩa này, tội nguyên tổ ” được truyền lại “ cho chúng ta tương tự như món nợ từ cha mẹ để lại cho con cái (xem thêm Sách GLCG mục 404). Adam và Eva đã truyền lại cho các thế hệ con cháu một nhân tính đầy thương tích _ không phải một nhân tính hư hỏng như Martin Luther từng nói. Nhân tính bị thương tích còn có thể chữa lành, nhưng nhân tính hư hỏng thì không.

Như thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (5:12, 19) viết:

Bởi sự bất tuân phục của một người mà nhiều người thành tội nhân… Tội lỗi đã xâm nhập trần gian qua một người và sự chết xâm nhập qua tội lỗi, và như thế sự chết đã lan tràn tới mọi người bởi vì mọi người đã phạm tội.

Sự dữ có thể truy nguyên từ quyết định của tổ tông chúng ta muốn trở nên "như Thiên Chúa".

Sự mất mát lớn nhất là mất ơn thánh hóa, vì sự mất ơn này tước khỏi tổ tông và con cháu của họ quyền thừa hưởng nước trời, quyền hưởng hạnh phúc mà lòng họ luôn khát khao. Nhờ Ơn NhậpThể của Đức Giêsu Kitô, chúng ta mới có lại quyền này, mới nhận lại được nước trời.

2.5 Chiến đấu để thắng trận

Sự thể của tội nguyên tổ giải thích vì sao cả cuộc đời con người là một trận chiến, một cuộc chiến liên tục chống lại xu hướng tội lỗi mà chúng ta nhiễm phải do tội nguyên tổ. Không những phải chiến đấu chống ma quỉ, thế gian và xác thịt; mà còn phải chống kẻ thù bên trong chúng ta. Thánh Phaolô viết nơi chương 9 trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô:

24* Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. 25* Phàm là tay đua, thì phải tiết chế đủ điều. Họ làm như vậy để đoạt phần thưởng có thể hư mất; trái lại, chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư mất. 26* Vậy, tôi không chạy mà không xác tín; tôi không đấm như người đấm vào không khí. 27* Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.

Hơn nữa, chúng ta không được quên rằng chúng ta cần sự trợ giúp của Thiên Chúa. Bởi thế, chúng ta phải luôn luôn tìm sự giúp đỡ của Ngài thông qua những cách sau:

    • Cầu nguyện;
    • Sự hãm mình;
    • Năng chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể;
    • Làm việc thiện;
    • Siêng năng học những lời Chúa Giêsu truyền dạy thông qua Hội Thánh.

3. Lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Cứu Chuộc

Bất chấp lòng dạ hay thay đổi và tính kiêu ngạo của con người, Thiên Chúa không bao giờ ngừng quan tâm và thương xót con người. Tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu không thể lay chuyển, là tình yêu vững bền. Vì thế, sau khi tổ tông chúng ta phạm tội, Thiên Chúa đã lập chương trình cứu chuộc.

Trong Sách Sáng Thế (3), Thiên Chúa phán với con rắn:

15 Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ rình cắn vào gót nó.

Đoạn này được mệnh danh là "Tin Mừng Tiên Khởi" (Protoevangelium). Sách GLCG (mục 410) giải thích:

Đoạn này trong Sách Sáng Thế được mệnh danh là "Tin Mừng Tiên Khởi": sự loan báo đầu tiên về Đấng Messiah và Đấng Cứu Chuộc, về trận chiến giữa con rắn và người nữ, và về chiến thắng sau cùng của hậu duệ người nữ.

Sách GLYL (mục 78) ( xem thêm GLCG mục 410-412, 420) cho chúng ta biết như sau:

Sau tội nguyên tổ, thế gian bị tội lỗi tràn ngập nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người rơi vào quyền lực của sự chết. Trái lại, Ngài nói trước trong Tin Mừng Tiên Khởi (Sách SángThế 3:15) rằng sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sẽ được nâng dậy khỏi sự sa ngã của mình. Đây là sự loan báo đầu tiên về Đấng Messiah và Đấng Cứu Chuộc. Vì thế, sự sa ngã này được gọi là "tội hồng phúc" vì nó "đem lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao cả". ("Liturgy of the Easter Vigil" = Phụng Vụ Đêm Vọng Phục Sinh).

Vì sao Thiên Chúa không ngăn con người khỏi phạm tội?

Sách GLCG (mục 412) trình bày cho chúng ta như sau:

Leo Thánh Cả giải đáp: "Ân huệ vô vàn của Chúa Giêsu đem lại cho chúng ta nhiều phúc lành hơn những gì mà sự ghen tức của ma quỉ lấy khỏi chúng ta" (Leo Thánh Cả, Sermo, 73, 4: PL 54,396). Còn Thánh Thomas Aquinas thì viết: "Không có gì ngăn bản tính con người khỏi sự thăng hoa lên bậc cao hơn, kể cả sau khi mắc tội; Thiên Chúa cho phép sự dữ xuất hiện để nhằm đưa tới điều thiện hảo hơn. Vì thế, Thánh Phaolô đã nói:’ Nơi nào tội lỗi thêm nhiều thì hồng ân Thiên Chúa càng dồi dào cho tất cả ‘. Và lời khúc hoan ca (Exultet): 'Hỡi tội hồng phúc,… đã mang cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc cao cả!'" (Thánh Thomas Aquinas, Summa Theologiae III q1 a 1 ad 3 ; xem thêm Thư Rôma 5:20). ("Summa Theologiae"/"Summa Theologica" = Tổng Luận Thần Học)

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 72-78.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 374-421.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Three: Dogmatic Theology, Chapters 26-33. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 193-242.

Websites