Bài 12:Tình Yêu Tự Hữu (Tình yêu tự Thiên Chúa trao ban) Và Hiền Thê của Đức Kitô

Câu Hỏi Hướng Dẫn

    • Chúa Thánh Thần là ai? Có thể tìm kiếm Ngài ở đâư?
    • Vai trò của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh là gì?
    • Những ơn của Chúa Thánh Thần là những ơn gì?
    • Hoa trái của Thánh Thần là gì?
    • Hội Thánh thường dùng những danh xưng và hình ảnh nào để mô tả chính mình?
    • Danh xưng nào được sử dụng nhiều hơn trong Công Đồng Vatican II?
    • Căn nguyên và sứ mệnh của Hội Thánh là gì?
    • Theo cách nào mà Hội Thánh được hiểu là một bí tích?
    • Giải thích các thuật ngữ: duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền.
    • Người ngoài Công Giáo có thể vào Nước Trời không? Nếu có, thì bằng cách nào?
    • Mục đích của Hội Thánh là gì?

CHÚA THÁNH THẦN

1. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

Chúng ta cùng xem lại sự tương đồng mà chúng ta trình bày trong bài 5 về sự liên quan của Thiên Chúa Ba Ngôi trong công cuộc cứu độ và thánh hóa chúng ta. Việc chúng ta trở nên thành phần của gia đình Thiên Chúa trên thiên đàng tương tự như một dự án lớn. Thực ra, việc chúng ta biến đổi từ những tội nhân thành các vị thánh đúng là một dự án đầy tham vọng nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Mỗi Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa nắm giữ một vai trò trong dự án lớn này.

    1. Dự án nào cũng cần có KẾ HOẠCH. Chúa Cha, Đấng "đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi" (Sách Khôn Ngoan 11:20), là người thảo ra kế hoạch đó.
    2. Dự án nào cũng cần NGUỒN TÀI CHÍNH. Đức Giêsu Kitô đã trả hầu hết mọi chi phí bằng chính sự sống của Ngài, mặc dù kế hoạch của Chúa Cha đòi hỏi sự đóng góp đôi chút của chúng ta: "Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Côlôsê 1:24). Dự án nào cũng cần mô hình để phác họa kết quả. Đức Giêsu Kitô cũng giữ vai trò này. Ngài là MÔ HÌNH SỐNG về cách mà một người con thực sự của Thiên Chúa, một bậc thánh phải như thế nào mới xứng đáng. Chúng ta muốn thánh thiện chăng? Hãy suy gẫm về cuộc đời của Đức Kitô. Hãy noi gương Ngài. Bởi vậy, Đức Giêsu dạy chúng ta: "Hãy học nơi Thầy" (Máthêu 11:29).
    3. Dự án nào cũng cần người THỰC HIỆN. Đây là công đoạn nơi Chúa Thánh Thần đến và thể hiện. Ngài tác động nơi linh hồn chúng ta để hun đúc, định hình và tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Đức Kitô hy sinh trên thánh giá. "Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa" (Rôma 8:14).

Để hiểu Chúa Thánh Thần làm gì cho chúng ta, chúng ta cần xem lại bài 6. Qua bài đó, chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, ban cho con người LINH HỒN thiêng liêng với TRÍ TUỆ và Ý CHÍ. Chúa Thánh Thần tác động nơi linh hồn và nơi hai năng lực trên: Ngài ban sự sống cho linh hồn, ánh sáng cho trí tuệ, và sức mạnh cho ý chí.

    • SỨC SỐNG CHO LINH HỒN. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là "Thiên Chúa và là Đấng Ban Sự Sống". Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài "thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh thể" (Sách Sáng Thế 2:7). Tương tự như thế, theo trình tự siêu nhiên, Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống siêu nhiên, tức là ơn thánh hóa, thông qua Thần Khí. Nhưng ngoài ơn thụ tạo này ra, chính Chúa Thánh Thần ngự trong linh hồn của những người sống trong ơn thánh hóa. Điều này được gọi là ơn phi tạo (uncreated grace, Thiên Chúa tự trao ban chính mình).
    • ÁNH SÁNG CHO TRÍ TUỆ. Đức Giêsu hứa với các tông đồ "Ðấng Bảo Trợ, là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em"(Gioan 14:26).
    • SỨC MẠNH CHO Ý CHÍ. Đức Giêsu cũng hứa với các tông đồ rằng họ " sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất". (Công Vụ 1:8).

1.1 Ngôi Ba Thiên Chúa

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 136; xem thêm CCC 683-686) hỏi: "Hội Thánh hàm ý gì khi tuyên xưng: 'Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần'?" Câu trả lời từ sách đó:

Tin Đức Chúa Thánh Thần là tuyên xưng sự tin Ngôi Ba trong Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, Đấng bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, "được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con".Thánh Thần đến ngự trong lòng chúng ta để chúng ta nhận được đời sống mới là con cái Thiên Chúa.

1.2 Những danh xưng và hình ảnh của Chúa Thánh Thần

1.2.1 Những danh xưng nào dành cho Chúa Thánh Thần?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 138; xem thêm CCC 691-693) viết:

"Chúa Thánh Thần" là tên riêng của Ngôi Ba Thiên Chúa. Đức Giêsu gọi Ngài là Đấng An Ủi, Đấng Bào Chữa, và Thần Chân Lý. Kinh ThánhTân Ước gọi Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô, của Chúa Cha, của Thiên Chúa; Thần Vinh Hiển và Thần do Chúa Hứa Ban.

Vì sao Ngôi Ba Thiên Chúa cần nhiều danh xưng như vậy? Chúa Thánh Thần có nhiều danh xưng và được miêu tả bằng nhiều biểu tượng vì những từ ngữ chúng ta dùng để định danh hoặc mô tả Ngài đều hạn hẹp về ngữ nghĩa. Thí dụ, nghĩa của chữ Thần Khí không bao hàm nghĩa của chữ Lửa. Vì thế, chúng ta cần nhiều từ ngữ để hiểu rõ hơn bản tính và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong linh hồn chúng ta.

1.2.2 Những biểu tượng nào thường được dùng để miêu tả Chúa Thánh Thần?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 139; xem thêm CCC 694-701) giải thích:

Có nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần:

    • NƯỚC HẰNG SỐNG chảy từ trài tim thương tích của Đức Giêsu Kitô, và làm tiêu tan cơn khát của những người đã chịu Phép Rửa;
    • SỰ XỨC DẦU THÁNH, một dấu chỉ của Bí Tích Thêm Sức;
    • LỬA làm biến đổi những gì nó chạm đến;
    • MÂY, xám hoặc sáng rực. trong đó tỏ lộ vinh quang của Thiên Chúa;
    • NGHI THỨC ĐẶT TAY trao ban Thánh Thần;
    • CHIM BỒ CÂU đáp xuống trên Đức Kitô khi Ngài chịu phép rửa, và ở lại cùng Ngài.

2. Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần

2.1 Sứ mệnh trong sáng tạo

Sách Giáo Lý Công Giáo (703) khẳng định rằng "ngay từ khởi thủy" không phải chỉ có Ngôi Cha tạo dựng mọi sự mà cả Ngôi Hai và Ngôi Ba cùng làm với Ngài.

Ngôi Lời và Thần Khí của Thiên Chúa có ngay từ khởi nguồn của sự hiện hữu và đời sống của mọi thụ tạo.

Dưới đây là hai trích dẫn quan trọng từ Kinh Thánh minh chứng rằng cả Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần đều hiện hữu vào thời khắc sáng tạo.

(1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. (2) Lúc khởi đầu, Người ở nơi Thiên Chúa. (3) Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. (Gioan 1:1-3)

1 Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. 2 Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. (Sách Sáng Thế 1:1-2)

2.2 Sứ mệnh trong việc đến của Đấng Messiah

2.2.1 Mẹ Maria và Chúa Thánh Thần

Công việc của Chúa Thánh Thần thể hiện rõ nhất nơi Đức Maria Đồng Trinh. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 142; xem thêm CCC 721-726,744) giải thích:

Chúa Thánh Thần thể hiện nơi Mẹ Maria sự ứng nghiệm Kinh Thánh Cựu Ước về sự trông đợi và chuẩn bị cho sự đến của Đức Kitô.

    • Bằng một cách lạ thường, Ngài đổ tràn ân sủng cho Đức Maria và giữ cho Mẹ luôn trinh khiết vẹn tuyền để Mẹ sinh hạ Con Thiên Chúa mặc lấy xác phàm.
    • Ngài làm cho Đức Maria là Mẹ của "trọn vẹn Đức Kitô", tức là Đức Giêsu là đầu và Hội Thánh là cơ thể của Ngài.
    • Mẹ Maria hiện diện cùng nhóm mười hai trong ngày Lễ Ngũ Tuần khi Chúa Thánh Thần khai mở "những ngày sau cùng" bằng sự xuất hiện của Hội Thánh.

2.2.2 Đức Kitô và Chúa Thánh Thần

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 143; xem thêm CCC 727-730,745-746) dạy chúng ta rằng qua sự xức dầu thánh cùa Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô

được thánh hiến nơi nhân tính của Ngài là Đấng Messiah nhờ sự xức dầu thánh của Chúa Thánh Thần. Ngài mạc khải về Chúa Thánh Thần trong những lời dạy của Ngài, chu toàn những lời hứa với các Tổ Phụ, và ban Thánh Thần trên Hội Thánh sơ khai khi Ngài thở hơi trên các tông đồ sau sự Phục Sinh của Ngài.

2.3 Những gì xảy ra vào Ngày Lễ Ngũ Tuần?

Hội Thánh được khai sinh vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chương 2 Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại:

(1) Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, (2) bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. (3) Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.

Tại sao lại là lửa? Kinh Thánh không nói vì sao Thiên Chúa chọn hình ảnh này, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu ý nghĩa trong nó. Lửa biểu tượng hai điều: ánh sáng và sức nóng. Điều này nhắc chúng ta về những gì Thánh Thần tác động trong linh hồn chúng ta. Ngài soi sáng tâm trí chúng ta, thêm sức cho ý chí chúng ta. Khi tâm trí chúng ta sáng suốt, và ý chí chúng ta mạnh mẽ, khả năng thực hiện sự chọn lựa thông minh và am tường của chúng ta (tức là tự do của chúng ta) tăng cao. Bởi thế, sự hiện diện của Thánh Thần trong chúng ta sẽ làm cho chúng ta tự do hơn. Như Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Roma (8:15;21):

15) Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: "Ápba! Cha ơi!"… (21) vì muôn loài thụ tạo sẽ được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, và được hưởng sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.

Sự xuất hiện của Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần là sự khai sinh Hội Thánh. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 144; xem thêm CCC 731-732,738) viết:

Năm mươi ngày sau biến cố Phục Sinh, vào ngày lễ Ngũ Tuần, Đức Giêsu Kitô vinh hiển đổ tràn đầy Thần Khí và tỏ lộ Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa để Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải trọn vẹn. Sứ mệnh của Đức Kitô và của Thánh Thần trở thành sứ mệnh của Hội Thánh; sứ mệnh này là ra đi công bố và loan truyền mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi.

3. Những việc làm của Thánh Thần nơi Hội Thánh

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 145; xem thêm CCC 733-741,747) dạy chúng ta:

Thánh Thần tạo dựng, ban sức sống và thánh hóa Hội Thánh.

Là Thánh Thần Tình Yêu, Ngài khôi phục cho những người đã chịu Phép Rửa sự giống hình ảnh Thiên Chúa mà trước đó đã mất đi do tội lỗi; và giúp họ sống trong Đức Kitô đúng cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngài phái họ đi làm chứng nhân cho Chân Lý của Đức Kitô, và sắp đặt họ theo từng chức năng để tất cả cùng mang "hoa trái của Thần Khí" (Galát 5:22).

Như vậy, chúng ta có thể tìm thấy Thánh Thần ở đâu?

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 688) viết:

Hội Thánh, một cộng đoàn sống trong đức tin của các tông đồ mà Hội Thánh rao giảng, là nơi chúng ta hiểu biết về Thánh Thần:

    • trong KINH THÁNH mà Ngài đã truyền linh hứng;
    • trong THÁNH TRUYỀN mà các Giáo Phụ luôn luôn là những chứng tá;
    • trong HUẤN QUYỀN của Hội Thánh mà Ngài trợ giúp;
    • trong PHỤNG VỤ Bí Tích, qua ngôn từ và biểu tượng, Thánh Thần đưa chúng ta đến sự hiệp thông với Đức Kitô;
    • trong SỰ CẦU NGUYỆN, trong đó Ngài nói giúp cho chúng ta;
    • trong những ƠN ĐẶC SỦNG và SỨ VỤ mả bởi đó Hội Thánh được củng cố;
    • trong những dấu chỉ của ĐỜI SỐNG TÔNG TRUYỀN và TRUYỀN GIÁO;
    • trong CHỨNG NGÔN CỦA CÁC THÁNH; qua các đấng thánh, Ngài tỏ lộ sự chí thánh của Ngài và tiếp tục công cuộc cứu độ.

4. Chúa Thánh Thần và con cái Thiên Chúa

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 146; xem thêm CCC 738-741) hỏi: "Đức Kitô và Thần Khí của Ngài tác động nơi lòng các tín hữu như thế nào?", và lời đáp từ sách đó:

Đức Kitô ban Thần Khí của Ngài và ân sủng của Chúa Cha cho tất cả mọi thành viên của Hội Thánh thông qua các phép bí tích; như thế, các tín hữu mang hoa trái của cuộc sống mới có Thần Khí. Chúa Thánh Thần còn là Thầy dạy nguyện cầu.

Bởi vậy, người nào muốn lãnh nhận Thần Khí cần phải sống một cuộc sống siêng năng cầu nguyện và chịu các phép bí tích. Người đó phải năng chịu các phép bí tích, nhất là bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể, và cầu nguyện luôn.

4.1 Những ơn của Chúa Thánh Thần

Sách Tiên Tri Isaiah (11:2) kể ra cho chúng ta những ơn của Chúa Thánh Thần mà Đấng Messiah sẽ lãnh nhận:

2 Thần khí của THIÊN CHÚA sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ THIÊN CHÚA. 3 Niềm vui của người đó nằm trong sự kính sợ THIÊN CHÚA.

Lưu ý rằng "sự kính sợ Thiên Chúa" được nói tới hai lần. Trong các bản Kinh Thánh lâu đời hơn, một trong hai lần trên được chép là "ơn đạo đức". (Xem giải thích dưới đây).

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 1831) dạy chúng ta rằng bảy ơn của Chúa Thánh Thần

bổ sung và hoàn thiện các nhân đức của những người nhận lãnh ơn Thánh Thần.

Sự khác biệt giữa ơn của Chúa Thánh Thần và nhân đức siêu nhiên là gì?

Trước hết, chúng tương tự nhau ở điểm là cả hai đều là ơn thường sủng (habits); nói cách khác, chúng là những tùy thể (accidents) của cá nhân. Sự khác biệt chính là các nhân đức siêu nhiên thúc đẩy chúng ta bằng cách trợ giúp trí tuệ suy xét thận trọng (thông qua đức khôn ngoan, một trong những nhân đức căn bản; và đức tin, một trong các nhân đức đối thần) để trí tuệ có thể thúc đấy ý chí hành động; còn ơn của Chúa Thánh Thần (theo giải thích của Thánh Thomas Aquinas; xem S Th II-II q52 a2) không cần trí tuệ xen vào. Thánh Thần đưa ra một kết luận minh nhiên, không cần trí tuệ suy xét. Nhưng Thánh Thần vẫn tôn trọng ý chí của chúng ta. Vẫn cần có sự đồng thuận từ chúng ta cho dù đã lướt qua phần suy xét cẩn trọng. (Điều này tựa như trong giờ thi, giáo viên nói nhỏ lời giải cho học sinh. Việc duy nhất học sinh này cần làm là lấy bút ghi lại lời giải đó, không suy tính gì nữa. Trong trường hợp của nhân đức, thì điều này tựa như trong giờ thi, giáo viên đưa ra cho học sinh lời gợi ý, hoặc một ly cà phê để học sinh đó tỉnh táo làm bài. Ngoài ra, không giúp gì thêm nữa).

Mỗi ơn giúp chúng ta như thế nào? Một lần nữa, chúng ta nhận thấy Thánh Thần soi sáng tâm trí chúng ta hoặc thêm sức mạnh cho ý chí chúng ta như thế nào.

    • ƠN KHÔN NGOAN: tác động vào trí tuệ để chúng ta cảm nghiệm Thiên Chúa và nhận ra rằng Ngài vô cùng thiện hảo và trên cùng mọi khát vọng: "hãy nếm thử và hãy nhìn xem cho biết Chúa thiện hảo dường bao" (Thánh Vịnh 34:9).
    • ƠN HIỂU BIẾT: tác động vào trí tuệ để chúng ta đào sâu hiểu biết về chân lý và mầu nhiệm Đức Tin; như thế, chúng ta hiểu những điều đó tường tận hơn và có thể truyền đạt chúng cho những người khác tùy theo năng lực tiếp nhận của từng người.
    • ƠN THÔNG MINH: tác động vào trí tuệ để giúp chúng ta có sự hiểu biết và nhận định đúng về giá trị tương đối của loài thụ tạo; từ đó, chúng ta ít nhờ cậy nơi chúng và nhờ cậy thật nhiều nơi Thiên Chúa.
    • ƠN BIẾT LO LIỆU: tác động vào trí tuệ để giúp chúng ta có những phán đoán đúng để rồi chúng ta suy nghĩ, nói và làm theo kế hoạch của Thiên Chúa Cha, noi gương Đức Giêsu Kitô.
    • ƠN SỨC MẠNH: tác động vào ý chí để giúp chúng ta chịu đựng những khó nhọc và trấn át sợ hãi.
    • ƠN ĐẠO ĐỨC: tác động vào ý chí trong những việc liên quan tới thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta; giúp chúng ta phó thác mình vào bàn tay thiện hảo và đầy quyền năng của Chúa Cha.
    • ƠN KÍNH SỢ THIÊN CHÚA: tác động vào ý chí để giúp chúng ta sợ làm mất lòng Thiên Chúa, giúp chúng ta căm ghét và lánh xa những gì phạm đến sự chí thiện của Thiên Chúa.

4.2 Hoa trái của Thánh Thần

Trong thư gửi tín hữu Galát (5:22-23), Thánh Phaolô kể ra những hoa trái của Thánh Thần như sau:

Còn hoa trái của Thánh Thần là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 1832) kể ra 12 hoa trái (12 ơn Chúa Thánh Thần):

Hoa trái của Thần Khí là sự toàn thiện mà Thánh Thần hình thành trong chúng ta như những hoa trái đầu mùa của sự vinh quang vĩnh hằng. Thánh Truyền kể ra 12 hoa trái như sau: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, quảng đại, bao dung, hiền hòa, trung tín, khiêm cung, tiết độ, và khiết tịnh. [Theo bản Kinh Thánh Vulgate].

GIÁO HỘI DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN (I)

5. Những danh xưng và loại hình giáo hội

5.1 "Giáo Hội"

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC 751) giải thích:

"Ecclesia" (tiếng La Tinh), và ekklesia (tiếng Hy Lạp) có nghĩa là sự tề tựu, hoặc cộng đoàn; và một nghĩa khác là nhà thờ. Từ này ám chỉ những sự tụ họp của dân chúng, thường là vì mục đích tôn giáo (xem thêm Công Vụ 19:39). Chữ ekklesia thường được dùng trong bản Kinh Thánh Cựu Ước tiếng Hy Lạp để chỉ sự tề tựu của Dân Được Chúa Chọn trước mặt Thiên Chúa, đặc biệt là để chỉ sự tề tựu trên Núi Sinai, nơi dân Israel đón nhận Lề Luật, và được Thiên Chúa lập thành dân thánh của Ngài (xem thêm Sách Xuất Hành 19). Tự gọi là "Church" (Giáo Hội; Hội Thánh), cộng đoàn tín hữu Kitô giáo sơ khai nhận mình là người kế tục cộng đoàn dân thánh đó. Trong Giáo Hội, Thiên Chúa "đang kêu gọi tụ họp" dân của Ngài từ khắp mọi miền trên thế giới. Một từ Hy Lạp khác tương đương với từ trên là "Kyriake"; chữ Church (tiếng Anh) bắt nguồn từ chữ này. Kyriake nguyên nghĩa là: nhà của Thiên Chúa; sự thuộc về Thiên Chúa.

5.2 Các biểu tượng của Giáo Hội

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 148; xem thêm CCC 753-757) hỏi: "Có những danh xưng và hình ảnh nào khác mà Kinh Thánh thường dùng để nói về Giáo Hội hay không?" Lời đáp từ sách này:

Trong Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy nhiều hình ảnh nói lên các khía cạnh khác của mầu nhiệm Hội Thánh. Cựu Ước hay dùng những hình ảnh gắn liền với dân Thiên Chúa. Tân Ước nêu lên hình ảnh Đức Kitô là Đầu, và dân của Ngài là chi thể. Những hình ảnh khác rút ra từ đời sống du mục (đàn chiên; bầy cừu); từ canh nông (đồng lúa; rừng ô liu; vườn nho); từ xây dựng (nơi cư ngụ; đá tảng; đền thờ); từ đời sống gia đình (người phối ngẫu; mẹ; gia đình).

5.3 Dân Thiên Chúa, Nhiệm Thể Của Đức Kitô, Phối Ngẫu Của Đức Kitô, Đền Thờ Của Chúa Thánh Thần

5.3.1 Dân Thiên Chúa

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 153; xem thêm CCC 781,802-804) hỏi: "Vì sao Giáo Hội là 'dân Thiên Chúa'?"

Giáo Hội là dân Thiên Chúa vì điều làm đẹp lòng Thiên Chúa là thánh hóa và cứu độ con người, không phải bằng cách riêng lẻ, nhưng bằng cách qui tụ họ thành một dân riêng theo sự hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Những đặc tính của dân Thiên Chúa là gì?Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 154; xem thêm CCC 782,804) giải thích:

Người ta trở nên thành viên của dân này nhờ tin theo Đức Kitô và nhờ Phép Rửa. Người dân này

    • về NGUỒN GỐC, có Thiên Chúa là Cha;
    • có NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU là Đức Giêsu Kitô;
    • có ĐẶC ĐIỂM TIÊU BIỂU là phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa;
    • về LỀ LUẬT, có giới răn mới là giới răn yêu thương;
    • về SỨ MỆNH, là muối của đất và là ánh sáng cho thế gian; và
    • có VẬN MỆNH là Vương Quốc Thiên Chúa, đã khởi sự nơi trần thế.

5.3.2 Nhiệm thể của Đức Kitô

Vì sao chúng ta nói Giáo Hội là nhiệm thể của Đức Kitô?

Trong thư gửi tín hữu Êphêsô (1:22-23), Thánh Phaolô viết:

(22) Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; (23) mà Hội Thánh là thân thể Ðức Kitô, là sự viên mãn của Người, Ðấng làm cho tất cả được viên mãn.

Thánh Phaolô nhắc lại cùng ý tưởng đó trong thư gửi tin hữu Côlôsê (1:24):

(24) Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 156; xem thêm CCC 787-791,805-806) giải thích:

Đức Kitô Phục Sinh kết hiệp những người trung tín với chính Ngài nhờ Thánh Thần. Bằng cách này, những người tin theo Đức Kitô cũng như những người kết hiệp với Ngài qua bí tích Thánh Thể, tất cả được kết hiệp trong tình yêu của Thiên Chúa. Họ làm nên một cơ thể, đó là Hội Thánh; và sự nhất thống của Hội Thánh được cảm nghiệm trong sự đa dạng về các thành viên và chức năng.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 157; xem thêm CCC 792-795,807) còn giải thích thêm rằng cơ thể này không có đầu nào khác ngoài chính Đức Kitô.

Đức Kitô là "Đầu của cơ thể, tức Hội Thánh" (Côlôsê 1:18). Giáo Hội sống nhờ Ngài, trong Ngài và cho Ngài. Đức Kitô và Giáo Hội làm nên "Đức Kitô toàn vẹn" (Thánh Augustine); "Đầu và các chi thể làm nên một con người huyền nhiệm duy nhất" (Thánh Thomas Aquinas).

5.3.3 Người phối ngẫu hoặc cô dâu của Đức Kitô

Giáo Hội còn được gọi là "Cô dâu của Đức Kitô". Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 158; xem thêm CCC 796,808) giải thích như sau:

Giáo Hội được gọi là "Cô dâu của Đức Kitô" vì chính Ngài tự nhận Ngài là "chàng rể" của Giáo Hội (theo Tin Mừng Thánh Máccô 2:19). Đức Kitô yêu Hội Thánh và kết hiệp Hội Thánh với chính Ngài trong giao ước vĩnh cửu. Ngài dâng chính Ngài cho Hội Thánh để thanh tẩy và "thánh hóa" Hội Thánh (Êphêsô 5:26), làm cho Hội Thánh thành người mẹ của tất cả con cái Thiên Chúa. Thuật ngữ "CƠ THỂ" diễn đạt sự kết hiệp giữa "đầu" với các chi thể; còn thuật ngữ "CÔ DÂU" nhấn mạnh SỰ KHÁC BIỆT của cả hai trong mối quan hệ con người.

5.3.4 Đền thờ của Chúa Thánh Thần

Giáo Hội còn được gọi là "Đền Thờ Của Chúa Thánh Thần" vì, theo Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 159; xem thêm CCC 797-798,809-810):

Chúa Thánh Thần ngự trong cơ thể là Giáo Hội, trong Đấng là Đầu của Giáo Hội và trong các chi thể. Ngài củng cố Giáo Hội trong đức ái bằng Lời Của Chúa, các phép bí tích, nhân đức, và ơn đặc sủng.

Ơn đặc sủng là gì?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 160; xem thêm CCC 799-801) giải thích ơn đặc sủng là

những ơn đặc biệt của Chúa Thánh Thần ban cho một số người để tạo sự thiện hảo nơi những người khác, hoặc vì nhu cầu của thế trần, và nhất là để củng cố Giáo Hội. Sự nhận định về ơn đặc sủng là trọng trách của Huấn Quyền Hội Thánh.

6. Sự thành lập giáo hội

Giáo Hội đã được hình thành như thế nào?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 149; xem thêm CCC 758-766,778) tóm tắt cho chúng ta như sau:

    • Giáo Hội nhận ra căn nguyên của mình và sự thực thi kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa. Giáo Hội được chuẩn bị cho sự tuyển chọn dân Israel theo Giao Ước Cũ; đây là dấu hiệu về sự tề tựu sau này của tất cả các nước,
    • Được hình thành bởi lời dạy và công cuộc của Đức Giêsu Kitô; hoàn tất bởi cái chết cứu chuộc và Sự Phục Sinh của Ngài,
    • Giáo Hội được biểu thị là mầu nhiệm cứu chuộc bởi sự tuôn đổ ơn Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần.
    • Giáo Hội sẽ được hoàn thiện trong vinh quang Nước Trời dưới hình thức là cộng đoàn những người thế gian đã được cứu chuộc.

7. Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền

7.1 Duy nhất

Giáo Hội duy nhất nghĩa là gì?

Qua sự khẳng định này, chúng ta muốn nói hai điều: thứ nhất, Giáo Hội hiệp nhất; thứ hai, Giáo Hội duy nhất. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 161; xem thêm CCC 813-815,866) cho chúng ta biết có ba lý lẽ giải thích về duy nhất tính của Giáo Hội:

Giáo Hội là duy nhất vì Giáo Hội có sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất là nguồn cội và là khuôn mẫu. Là Đấng Sáng Lập và là Đầu của Giáo Hội, Đức Kitô tái lập sự hiệp nhất mọi người trong một cơ thể. Là linh hồn của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần kết hiệp mọi tín hữu trong sự hiệp thông với Đức Kitô.

Điểm này cũng giải thích thêm về các khía cạnh minh chứng tính duy nhất của Giáo Hội:

Giáo Hội chỉ có một đức tin, một đời sống bí tích, một sự tông truyền, một hy vọng chung, và duy nhất một tình yêu của Thiên Chúa.

Phải chăng Giáo Hội do Đức Kitô tạo lập là duy nhất? Nếu như thế, chúng ta tìm điều này ở đâu?

Giáo Hội trình bày câu hỏi này theo cách khác: "Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô tồn tại ở đâu?"

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 162; xem thêm CCC 816,870) khẳng định

Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô, dưới hình thức một xã hội được thiết lập và tổ chức nơi trần thế, tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, được điều hành bởi Đấng kế vị Thánh Phêrô và các giám mục thông hiệp với vị này. Chỉ qua Giáo Hội này người ta mới nhận được sự viên mãn của phương thế cứu chuộc vì Thiên Chúa trao phó mọi ơn lành của Giao Ước Mới cho cộng đoàn các tông đồ mà người đúng đầu là Phêrô.

Còn những Kitô hữu không thuộc Giáo Hội Công Giáo thì sao?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 163; xem thêm CCC 817-819,870) viết:

Nơi các hội thánh và giáo đoàn tách khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo vẫn có nhiều yếu tố về sự thánh hóa và chân lý. Mọi ơn lành này đều từ Đức Kitô và dẫn đến sự hiệp nhất Giáo Hội Công Giáo. Tín hữu của những hội thánh và giáo đoàn này kết hợp với Đức Kitô nhờ Phép Rửa; vì thế, chúng ta xem họ là anh em.

Điều này không có nghĩa là người Công Giáo chúng ta theo chính sách "sống và để mọi người sống theo ý họ". Sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo luôn là điều khao khát của chúng ta, vì chính Đức Kitô đòi hỏi và cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Tin Mừng Thánh Gioan (15:5 và 17:11) chép rằng Đức Kitô phán:

(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.

(11) … Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta..

Mọi tín hữu Công Giáo nên hoạt động cho sự hiệp nhất các Kitô hữu (CCCC 164; CCC 820-822,866) thông qua

sự hoán cải tâm hồn, cầu nguyện, sự thông hiểu nhau trên tinh thần tương thân tương ái, và đối thoại thần học.

7.2 Thánh thiện

Vì sao Giáo Hôi xưng là thánh thiện?Sách Giáo Lý Công Giáo (CCCC 165; xem thêm CCC 823-829,867) giải thích như sau:

Giáo Hội thánh thiện vì

    • Thiên Chúa Chí Thánh là Đấng tạo lập Giáo Hội.
    • Đức Kitô hiến mình cho Giáo Hội để thánh hóa Giáo Hội và biến Giáo Hội nên nguồn ơn thánh hóa.
    • Chúa Thánh Thần ban tình yêu Thiên Chúa vào đời sống của Giáo Hội.
    • Trong Giáo Hội, con người tìm được sự viên mãn của phương thế cứu chuộc.
    • Sự thánh thiện là thiên hướng của từng tin hữu của Giáo Hội, và là mục đích của mọi hoạt động Giáo Hội.
    • Giáo Hội xem Đức Trinh Nữ Maria và các thánh là thành viên của Giáo Hội; những Đấng này là gương mẫu và là những người cầu thay nguyện giúp cho Giáo Hội.

Sự thánh thiện của Giáo Hội là nguồn suối ơn thánh hóa cho con cái của Giáo Hội, những người nơi trần thế này nhận thấy mình là kẻ tội lỗi và hằng mong được ơn hoán cải và thanh tẩy.

7.3 Công giáo và phổ quát

Vì sao Giáo Hội được gọi là "Công Giáo"?Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 166; xem thêm CCC 830-831,868) trả lời:

Giáo Hội là công giáo, tức là phổ quát, vì Đức Kitô hiên diện trong Giáo Hội: "Nơi nào có Đức Giêsu Kitô, nơi đó có Giáo Hội Công Giáo" (Thánh Ignatius thành Antioch).

    • Giáo Hội tuyên xưng sự toàn vẹn và đầy đủ của tín lý;
    • Giáo Hội lãnh nhận và ban phát sự viên mãn của phương thế cứu chuộc;
    • Giáo Hội được Đức Kitô sai đi thực hiện sứ mệnh cho toàn thể nhân loại.

Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận người Do Thái và những tôn giáo không phải Kitô giáo như thế nào?Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 169-170; xem thêm CCC 839-840,841-845) nói về thái độ của Giáo Hội đối với những đối tượng đó như sau:

Giáo Hội công nhận mối liên kết đặc biệt với dân Do Thái vì Thiên Chúa đã chọn họ là dân tộc nhận lãnh Lời của Ngài trước các dân tộc khác … Tín lý của người Do Thái, khác với các tôn giáo không phải Kitô giáo, là sự đáp ứng lời mạc khải của Thiên Chúa trong Giao Ước Cũ.

Có sự kiên kết giữa các dân tộc xuất thân từ một cội nguồn chung và cứu cánh chung của nhân loại. Giáo Hội Công Giáo công nhận rằng những điều tốt hoặc đúng ở các tôn giáo khác đều từ Thiên Chúa mà ra, và là sự phản ánh chân lý của Ngài. Vì thế, điều này có thể chuẩn bị cho sự đón nhận Tin Mừng, và tác động như sự thúc đẩy việc hiệp nhất nhân loại trong Giáo Hội của Đức Kitô.

Người ngoài Giáo Hội có thể được cứu rỗi không? Vì sao một số người nói: "Không có ơn cứu độ ở ngoài Giáo Hội"?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 171; xem thêm CCC 846-848) giải thích:

Điều này có nghĩa là ơn cứu độ đến từ Đức Kitô, là Đầu, thông qua Giáo Hội là chi thể. Vì thế

    • Người không được cứu độ là người biết Giáo Hội được Đức Kitô tạo lập và là nơi cần thiết để có ơn cứu độ nhưng từ chối vào Giáo Hội hoặc ở lại trong Giáo Hội.
    • Đồng thời, nhờ Đức Kitô và Hội thánh của Ngài, những người thanh sạch không biết Tin Mừng của Đức Kitô và Hội Thánh của Ngài, nhưng chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, và nhờ ân sủng, họ luôn gắng hết sức theo đúng tiếng nói của lương tâm, đều có thể nhận lãnh ơn cứu độ muôn đời.

Vì thế Giáo Hội có nghĩa vụ truyền giảng những lời dạy của mình phải không?

Đúng. Các Kitô hữu phải sẵn sàng hy sinh, thậm chí cả sự sống của mình vì nghĩa vụ đó; mỗi Kitô hữu là một nhà truyền giáo (xem thêm CCCC 173; CCC 852-856). Đức Giêsu Kitô không những động viên, thúc đẩy, khích lệ các tông đồ đi và rao giảng Tin Mừng; Ngài còn truyền cho họ phải làm ciệc đó. (xem thêm CCCC 172; CCC 849-851).

Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Máthêu 28:19).

(3) Ðó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng ta, (4) Ðấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. (Timôthê I, 2:3-4)

7.4 Tông truyền

Vì sao chúng ta nói rằng Giáo Hội tông truyền?

Có ba lý do. Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 174; xem thêm CCC 857,869) dạy:

    • Giáo Hội có tính tông truyền nơi CĂN NGUYÊN của Giáo Hội " bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Ðồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Giêsu Kitô" (Êphêsô 2:20).
    • Giáo Hội có tính tông truyền nơi SỰ RAO GIẢNG của Giáo Hội vốn tương tự như sự rao giảng của cácTông Đồ.
    • Giáo Hội tông truyền bởi cơ cấu của Giáo Hội, vì Giáo Hội được dạy, được thánh hóa, được dẫn dắt bởi các Tông Đồ cho tới ngày Đức Giêsu quang lâm, thông qua những người kế vị là các giám mục hiệp thông với Giáo Hoàng là Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Sự kế nhiệm tông truyền (apostolic succession) là gì?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 176; xem thêm CCC 861-865) nói sự kế nhiệm tông truyền là

sự truyền giao sứ mệnh và quyền hành của các Tông Đồ cho những người kế nhiệm, tức các giám mục, thông qua bí tích Truyền Chức Thánh. Nhờ sự truyền giao này, Giáo Hội vẫn luôn hiệp thông về đức tin và đời sống với cội nguồn của mình trong khi tiến hành hoạt động tông đồ suốt nhiều thế kỷ qua là rao giảng về Vương Quốc Đức Kitô nơi thế trần.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 136-176.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), nos 683-865.

Websites