Bài 15: Thiên Chúa và Caesar

Câu hỏi hướng dẫn

  • Mục đích của Nhà Nước là gì?
  • Mục đích của Giáo Hội là gì?
  • Giáo Hội dùng những phương thế gì để đạt mục đích của mình?
  • Đoạn Kinh Thánh nào trình bày tính cách của mối quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước?
  • Những gì là nét đặc trưng của mối tương quan Giáo Hội – Nhà Nước?
  • Khi theo đuổi mục đích siêu nhiên của mình, Giáo Hội có giúp ích gì cho xã hội hay không?
  • Concordat là gì?
  • Giáo Hội và Nhà Nước cần hợp tác đặc biệt với nhau về những lãnh vực nào?
  • Giáo Hội có thể đưa ra những tuyên ngôn về gia cư, về chăm sóc y tế, về sòng bạc, … được không? Nếu có, thì vì sao được quyền như thế?
  • Tín hữu Công Giáo có những quyền gì về chính trị?
  • Một người là tín hữu Công Giáo có thể tự nhận mình là ứng viên của Công Giáo hay không?
  • Nếu một chính khách Công Giáo phản bác những đạo luật về phá thai, về ly dị, về nghiên cứu tế bào gốc, phải chăng chính trị gia đó đang áp đặt quan điểm và tôn giáo của mình lên người khác?
  • Đối với tín hữu Công Giáo, tham gia chính trường có phải là vấn đề trọng yếu hay không?

1. Vì sao cần thiết phải có giáo huấn Công Giáo về xã hội?

1.1 Vì sao Giáo Hội liên quan tới những vấn đề không thuộc tâm linh?

    • Đức Kitô xuống thế để cứu chuộc loài người. Giáo Hội là sự kế tục công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô. Công cuộc cứu chuộc này không chỉ hướng về phần tâm linh mà còn hướng đến CON NGƯỜI TRỌN VẸN. Giáo Hội hoạt động nhằm đến sự phát triển con người TOÀN VẸN.
    • Tin Mừng cần được gắn kết với HÀNH VI của con người, không những về khía cạnh CÁ THỂ mà còn về những ảnh hưởng của hành vi đó ĐỐI VỚI XÃ HỘI.
    • Giáo Hội ở GIỮA THẾ TRẦN nên phát sinh mối quan hệ với thế giới, một mối quan hệ mà đặc điểm nổi bật là sự hòa hợp và tôn trọng hỗ tương. Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội xác định các thông số chi phối mối tương quan giữa Giáo Hội với thế giới.

1.2 Sứ mệnh của Giáo Hội liên quan tới những vấn đề xã hội là gì?

Giáo Hội có SỨ MỆNH _ nghĩa vụ _ và QUYỀN gắn mình với những vấn đế xã hội; sứ mệnh và quyền này có thể tóm lược như sau:

    • Giáo Hội phải THỂ HIỆN chiều kích Tin Mừng của đời sống xã hội theo đúng sự thật về con người trọn vẹn.
    • Giáo Hội phải GIẢNG DẠY HÀNH VI tôn trọng sự thật về con người.
    • Giáo Hội phải CỔ VŨ mọi người THỰC THI giáo huấn đó.

1.3 Phạm vi của giáo huấn này là gì?

Giáo huấn của Giáo Hội về xã hội nhằm mục đích là SỰ RÈN LUYỆN LƯƠNG TÂM (formation of consciences). Giáo Hội không đi sâu vào các khía cạnh kỹ thuật của vấn đề; cũng không ra sức thúc đẩy hoặc cổ xúy cho hệ thống tổ chức xã hội đặc biệt nào. Giáo Hội đón nhận bất kỳ hệ thống xã hội nào tôn trọng phẩm giá con người.

1.4 Điều gì đi ngược với học thuyết xã hội của Giáo Hội?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL 512; xem thêm GLCG 2424 - 2425) trả lời:

Đi ngược với học thuyết xã hội của Giáo Hội là các hệ thống kinh tế và xã hội chủ trương hy sinh những quyền lợi căn bản của con người hay coi lợi nhuận là qui luật tuyệt đối hoặc mục đích tối hậu. Vì lẽ đó, Giáo Hội phản bác các ý thức hệ trong thời đại mới gắn kết với hình thức vô thần hoặc chuyên chế. Ngoài ra, trong thực trạng của chủ nghĩa tư bản, Giáo Hội phản bác chủ nghĩa cá nhân và quan điểm xem qui luật thị trường có vị trí tuyệt đối trên lao động của con người.

2. Những quan hệ giữa Giáo Hội và Nhà Nước: Sự Hòa Hợp và Sự Đa Dạng về Cứu Cánh

Đức Giêsu phán dạy các Tông Đồ không những tôn trọng quyền hành trong Giáo Hội mà còn phải tôn trọng quyền bính dân chính nữa. Ngài tóm tắt lời dạy đó trong câu sau: "Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa". (Mátthêu 22:21)

Người ta có thể hỏi: "Phải chăng thực sự cần phải có quyền bính trong xã hội?" Sách GLYL (405; xem thêm GLCG 1897-1902; 1918-1920) trả lời như sau:

Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính hợp pháp để bảo đảm trật tự và góp phần vào việc phục vụ công ích. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người vì phù hợp với trật tự được Thiên Chúa thiết lập.

"Công ích" nghĩa là gì? Sách GLYL (408; xem thêm GLCG 1907-1909; 1925) giải thích:

Công ích bao gồm: sự tôn trọng và phát huy các quyền lợi căn bản của con người, sự phát triển những lợi ích tinh thần và vật chất của con người cũng như của xã hội, hòa bình và an ninh cho tất cả mọi người.

Đặc điểm của mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước là sự khác biệt, không phải là sự cách biệt. Mối tương quan này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp khi ba nguyên tắc sau được thực thi:

    • ĐẠO ĐỨC đi trước và dẫn hướng chính trị.
    • Tôn giáo và chính trị KHÁC nhau về bản chất, nguồn gốc, cứu cánh và phương thế.
    • SỰ CỘNG TÁC giữa Giáo Hội và Nhà Nước cần phải được thường xuyên củng cố.

2.1 Đạo đức và chính trị

Có hai sai lầm đối nghịch nhau mà chúng ta cần phải tránh:

    • SAI LẦM 1: "Nhà Nước phải qui định hành vi đạo đức của công dân". Vì sao suy nghĩ theo cách này là sai? Cách suy nghĩ này thường dẫn đến chủ nghĩa độc tài, chế độ chuyên chế. Vai trò của Nhà Nước không phải là ấn định thiện/ác, hoặc chi phối lương tâm. Nghĩa vụ của Nhà Nước là mưu tìm và phát huy công ích. Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, Nhà Nước cần ban hành những sắc luật phù hợp với Luật Tự Nhiên.
    • SAI LẦM 2: "Nhà Nước nên giữ vị thế trung lập đối với các vấn đề đạo đức". Suy nghĩ này có gì sai? Bởi vì cần mưu tìm và phát huy công ích, Nhà Nước phải hướng hành vi của công dân phù hợp với các nguyên tắc đạo đức vì những nguyên tắc này là điều thiết yếu cho sự phát triển con người toàn vẹn. Nếu Nhà Nước giữ vị thế trung lập, Nhà Nước không thể giúp cho các công dân đạt được sự phát triển toàn vẹn.

2.2 Khác biệt về bản chất, nguồn gốc, cứu cánh và phương thế

2.3 Sự hòa hợp, không đối nghịch

* Quyền tự trị của Nhà Nước đối với các luật Giáo Hội được gọi là TÍNH THẾ TỤC (secularity; đối lập với thánh thiêng, đạo); khác với CHỦ NGHĨA THẾ TỤC (secularism) chủ trương (1) mưu tìm sự tự trị về chính trị tách biệt khỏi trật tự đạo đức và kiểu mẫu tôn giáo; và (2) hạn định tôn giáo vào phạm vi riêng biệt của tôn giáo. Qua đó, chúng ta có thể hiểu đặc điểm của chủ nghĩa thế tục là: (1) cách ly tôn giáo khỏi các lãnh vực hoạt động của Nhà Nước, nhất là lãnh vực giáo dục; và (2) phủ nhận đức tin, khước từ mọi giá trị tôn giáo và tâm linh. Về vấn đề thứ hai, thật ngây ngô và sai lầm khi bắt buộc các tín hữu hành xử về chính trị ” như thể Thiên Chúa không hiện hữu “. Điều đó ngây ngô vì mọi người hành xử trên nền tảng những xác tín mang tính văn hóa của họ (xác tín về tôn giáo, triết học, chính trị, …) cho dù những xác tín đó có phát xuất từ tín ngưỡng hay không. Vì thế, những xác tín đó hẳn nhiên ảnh hưởng đến hành vi xã hội của các công dân. Hơn nữa, điều đó sai lầm vì những người không Công Giáo có thể sẽ lạm dụng những tín điều của chính họ, bất kể những tín điều đó xuất phát từ đâu.

3. Những phương cách khác qui định mối tương quan pháp lý giữa Giáo Hội và Nhà Nước

Mối tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước thay đổi tùy theo hoàn cảnh; chẳng hạn như ở các nước có truyền thống Công Giáo thì sự tương quan này sẽ khác so với những nước mà tín hữu Công Giáo chỉ là thiểu số. Tuy nhiên, quyền tự do tín ngưỡng phải luôn được bảo đảm; quyền tự do của xã hội và dân sự về những vấn đề tôn giáo là nguồn gốc và sự tổng hợp tất cả các quyền của con người (xem thêm John Paul II, Centesimus Annus, 1 May 1991, 47).

3.1 Thông qua hiến pháp

Tại nhiều quốc gia, Hiến Pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của công dân và quyền tự do của các nhóm/ hội đoàn/ tổ chức tôn giáo.

3.2 Concordats (Hiệp Ước Giữa Giáo Hội Và Nhà Nước)

Concordat là hiệp ước giữa Giáo Hội và Nhà Nước trong đó cả hai bên đồng thuận những giải pháp cụ thể về các vấn đề như quyền tự do và tư cách pháp nhân của Giáo Hội trong việc thực thi sứ mệnh, về giáo dục, về hôn nhân của các tín hữu Công Giáo, về trợ cấp tài chính, về việc cử hành những ngày lễ tôn giáo, v.v …

4. Những vấn đề hỗn hợp

4.1 Vấn đề hôn nhân

4.1.1 Phía Giáo Hội

Giáo Hội có quyền qui định về sự kết hôn của tín hữu Công Giáo, kể cả trong trường hợp một trong hai bên ký hôn ước là người Công Giáo. Vì hôn phối là một bí tích nên Giáo Hội đưa ra những luật định về sự thành sự (validity) và tính hợp giáo luật (licitude) của bí tích này. Còn Nhà Nước qui định về tính hiệu lực của hôn nhân trong phạm vi dân luật (Bộ Giáo Luật, Điều 1059).

Trong một số hiệp ước giữa Giáo Hội và Nhà Nước, Giáo Hội có một số quyền công nhận nào đó trên bình diện dân chính đối với luật hôn nhân của Nhà Nước.

Trong một số trường hợp nào đó, Giáo Hội có thể khoan dung (nhưng không bao giờ chấp thuận) cho một vài trong số các quyền của Giáo Hội về vấn đề này không được công nhận bởi dân luật (chẳng hạn như tính bất khả phân ly của hôn nhân Công Giáo; tính đơn nhất trong hôn nhân [một vợ một chồng]) nếu điều đó không nguy hại gì cho uy lực của thiên luật (divine law = luật Thiên Chúa) và luật tự nhiên.

4.1.2 Phía Nhà Nước

Hôn nhân là một hợp đồng tự nhiên. Vì thế, Nhà Nước qui định về tính hiệu lực của hôn phối theo luật dân chính. Trách nhiệm của Nhà Nước là công nhận quyền của các tín hữu Cống Giáo được ký hôn ước theo giáo luật, và chấp thuận hôn ước đó hợp thức theo luật dân chính mà không buộc họ phải qua nghi thức hôn phối dân sự nữa vì họ đã chính thức kết hôn rồi.

4.2 Giáo dục

Giáo dục (bao gồm cả sự dưỡng dục tôn giáo) chủ yếu là quyền và trách nhiệm của cha mẹ. Họ là những người quyết định loại hình giáo dục nào mà con cái họ sẽ nhận được, và chọn lựa các phương cách để đạt được mục đích đó. Khi năng lực của bậc cha mẹ hoặc các nhóm xã hội không đáp ứng đủ, Nhà Nước nên xây dựng trường lớp theo cách thức trợ cấp, nhưng vẫn phải luôn luôn tôn trọng quyền của các bậc cha mẹ là định hướng giáo dục cho con cái của họ.

Quyền và trách nhiệm của cha mẹ trong lãnh vực giáo dục cũng bao hàm quyền được xây dựng và quản trị trường lớp trong đó con cái của họ có thể nhận được một nền học vấn thích hợp. Những trường này đóng góp vào lợi ích chung nên Nhà Nước cần công nhận, hỗ trợ và trợ cấp (xem thêm John Paul II, Familiaris consortio, 22 November 1981, 36). Trẻ em, dù học ở trường nào chăng nữa, đều có quyền nhận được một nền học vấn phù hợp với tín ngưỡng của chúng. (xem thêm GLCG 2229).

4.2.1 Phía Giáo Hội

Giáo Hội cần khẳng định và giám sát mọi thứ liên quan tới việc giảng dạy và truyền bá đức tin như: chương trình học, nội dung giảng dạy, sách vở, khả năng phù hợp của giáo viên. Đây là một khía cạnh của Huấn Quyền (Magisterium) vốn thuộc Hàng Giáo Phẩm, và là quyền của Giáo Hội nhằm bảo vệ và giữ gìn bản sắc cùng sự nhất thống của giáo lý. Không ai được giảng dạy giáo lý Công Giáo nếu chưa được sự chuẩn thuận bởi giáo quyền. (xem thêm Bộ Giáo Luật, Điều 804-805).

Giáo Hội cũng có thể thiết lập các trung tâm giảng huấn của mình, và được công nhận cũng như có thể nhận trợ giúp của Nhà Nước theo những điều kiện như các trường tư thục khác nhưng không đánh mất triết lý giáo dục Công Giáo và sự phụ thuộc vào thẩm quyền Giáo Hội (xem thêm Bộ Giáo Luật, Điều 800).

Giáo Hội cũng có thể phát huy những sáng kiến xã hội phù hợp với sứ mệnh tôn giáo (bệnh viện, các phương tiện truyền thông, nhà trẻ mồ côi, mái ấm tình thương) với các điều kiện tương tự như điều kiện của những sáng kiến thuộc loại này (chẳng hạn: giảm thuế, sự chứng nhận nhân viên, sự trợ cấp, sự cộng tác của những tình nguyện viên, khả năng quyên góp tài lực vật lực).

4.2.2 Phía Nhà Nước

Nhà Nước đề ra luật giáo dục cần thiết cho sự lợi ích chung (về trình độ, cấp lớp, quyền tiếp cận của mọi người với giáo dục, nội dung giảng dạy, sự công nhận bằng cấp). Nhà Nước cũng cần tôn trọng nguyên tắc phân bố thẩm quyền, tôn trọng quyền của bậc cha mẹ là giám sát sự định hướng giáo dục cho con cái của họ.

Nhà Nước sẽ trở nên chuyên chế nếu ra sức duy trì sự độc quyền trong lãnh vực giáo dục, cho dù dưới hình thức gián tiếp như xiết chặt các khoản trợ giúp.

5. Quyền và bổn phận của tín hữu Công Giáo trong đời sống xã hội

5.1 Hành xử phù hợp với đức tin

Xã hội nên hiểu rằng quyền và nghĩa vụ của tín hữu Công Giáo phải hành xử theo đức tin trong môi trường chính trị nếu môi trường này tôn trọng phẩm giá con người không có nghĩa là chính trị qui phục tôn giáo. Ý nghĩa của điều này là chính trị nhằm phục vụ con người, vì vậy, cần phải tôn trọng đạo lý. Điều này cũng tương tự như nói rằng mọi người cần tôn trọng và giúp phát triển phẩm giá của từng cá nhân. Hơn nữa, tham gia hoạt động chính trị vì những lý do vượt ngoài những lý do vật chất và thế tục; hay nói cách khác là vì những thôi thúc siêu việt (transcendental motives), hoàn toàn ngang với sự phát triển toàn vẹn về nhân tính.

5.2 Quyền tự do trong các vấn đề thế sự

Tinh thần thì hợp nhất, vật chất thì phân rẽ. Luôn xuất hiện khả năng có nhiều lập trường, nhiều quan niệm, tính đa dạng trong các vấn đề thế tục. Không lập trường nào có thể tự nhận là thứ thay thế duy nhất cho tất cả. Giáo Hội phải công nhận tính độc lập hợp pháp của giáo dân trong việc điều hành công việc thế tục của họ miễn sao họ hành xử đúng theo giáo lý Công Giáo. Hơn nữa, điều này còn hàm nghĩa rằng họ đảm nhận trách nhiệm riêng của họ; họ không lôi kéo Giáo Hội vảo những quyết định cá nhân và hành vi xã hội của họ; đồng thời luôn bảo đảm không đưa ra những giải pháp cá nhân với danh nghĩa đó CHÍNH LÀ giải pháp của Giáo Hội.

THUYẾT ĐA NGUYÊN (Pluralism) không hẳn là một thuyết tệ hại, nó cũng là một yếu tố tích cực. Thuyết này bắt rễ nơi sự tự do của con người. Thật hay khi chấp nhận sự đa dạng quan điểm về những vấn đề thế tục hơn là đạt được sự đồng nhất với cái giá phải trả là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta không nên lầm lẫn thuyết đa nguyên với THUYẾT TƯƠNG ĐỐI ĐẠO LÝ (Ethical Relativism). Khác hẳn với thuyết đa nguyên đích thực, Thuyết Tương Đối Đạo Lý không chú trọng đến các nguyên tắc đạo đức, phớt lờ Nhiên Luật (Natural Law = Luật Tự Nhiên), trật tự công cộng, và những quyền cơ bản của con người.

5.3 Sự thực thi các quyền dân sự và sự chu toàn bổn phận

Sách GLYL (519; xem thêm GLCG 2442) hỏi: "Các Kitô hữu tham gia vào đời sống chính trị và xã hội như thế nào?" Lời đáp như sau:

Các Kitô hữu giáo dân trực tiếp tham gia vào đời sống chính trị và xã hội bằng cách làm cho tinh thần Kitô giáo thấm nhập vào các thực tại trần thế, cộng tác với mọi người với tư cách là những chứng nhân đích thực của Tin Mừng, và là những người kiến tạo hòa bình và công lý.

Thánh Josemaría Escrivá viết trong Forge (715):

Chúng ta, những con cái của Thiên Chúa, và là những công dân có vị thế ngang hàng với mọi công dân khác, cần phải hiên ngang tham gia vào các hoạt động và tổ chức chân chính của nhân loại; để qua đó, Đức Kitô đến hiện diện nơi họ.

Thiên Chúa chúng ta sẽ nghiêm khắc buộc từng người trong chúng ta phải trình thuật nếu như do thờ ơ hoặc do yêu chuộng cuộc sống an nhàn mà chúng ta không hết lòng hy sinh dự phần vào công cuộc phát triển nhân loại và những quyết định chi phối hiện tại và tương lai của xã hội.

Tín hữu Công Giáo cần học hỏi để biết thực thi các quyền dân chính và chu toàn nghĩa vụ của mình trong xã hội. Qua sự thấm đượm mọi hoạt động của mình bằng sự kính mến Thiên Chúa và yêu thương người, tín hữu Công Giáo thánh hóa xã hội từ bên trong; họ làm xã hội trở nên thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế, họ cần nêu cao tinh thần sáng tạo và trách nhiệm. Họ không thể thoái thác tham gia vào những nỗ lực hoạt động của con người, kể cả chính trị. Tất cả những việc này có thể được thanh tẩy khỏi sự bất toàn của con người, được nâng lên bậc siêu nhiên, được thánh hóa và được biến đổi thành phương cách đưa các linh hồn tiếp cận Thiên Chúa và đưa Thiên Chúa đến với mọi linh hồn.

5.4 Đức ái trên hết

Sách GLYL (404; xem thêm GLCG 1886-1889, 1895-1896) hỏi: "Còn điều gì khác nữa đòi buộc đối với xã hội nhân loại đích thực?"

Xã hội nhân loại đích thực đòi buộc phải tôn trọng sự công bằng, một bậc thang giá trị đúng đắn; các chiều kích thể lý và bản năng phải phụ thuộc các chiều kích nội tâm và tinh thần. Đặc biệt, nơi nào tội lỗi làm băng hoại môi trường xã hội, nhất thiết phải kêu gọi sám hối tâm hồn và kêu cầu ân sủng của Thiên Chúa để có thể thay đổi xã hội hầu thực sự phục vụ cho tất cả mọi người và cho từng cá nhân. Đức ái là giới răn cao cả nhất mang tính xã hội vì đức ái đòi buộc sự công bằng và giúp thực hiện lẽ công bằng.

Như Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã dạy trong Tông Huấn Caritas in Veritate (nos 1 & 2):

Đức ái đích thực ... là động lực chính ẩn sau sự phát triển đích thực cùa từng người và của cả nhân loại. … Đức ái là trung tâm của giáo thuyết xã hội của Hội Thánh.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 401-410
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2104-2109, 2244-2246, 2372

Websites