Bài 37: Chỉ Có Sự Thật

Câu hỏi Hướng dẫn

    • Chúng ta có tương quan thế nào với sự thật? Tại sao điều này quan trọng?
    • Nhân đức thành thật là gì?
    • Nói dối là gì?
    • Tội nói dối nghiêm trọng như thế nào?
    • Nói dối có thể là tội trọng không?
    • Người ta có quyền có danh thơm tiếng tốt không?
    • Xét đoán hồ đồ là gì? Nói xấu, gièm pha, vu khống là gì?
    • Nếu làm hại thanh danh của ai, ta có phải đền bù thiệt hại thì mới được tha khi xưng tội không?
    • Phạm đến đức bác ái trong tư tưởng bằng những phán đoán, phê bình, tư tưởng tiêu cực, nóng nảy, độc ác có thể là tội không?
    • Các nhà báo có quyền biết và viết bất cứ điều gì một cách vô điều kiện không?
    • Người Công Giáo có cần phải là người biết giữ các bí mật không? Nếu có thì tại sao?
    • Những người làm truyền thông có phải là những người có trách nhiệm lớn hơn trong lãnh vực sự thật không?

1. Sống trong sự thật, làm chứng cho sự thật, tôn trọng sự thật

Sự thật là gì?

Thánh Tôma định nghĩa: Veritas est adequatio REI et INTELLECTUS. Sự Thật (hay Chân Lý) là sự hoà hợp, phù hợp hay tương ứng giữa một SỰ VẬT với TRÍ KHÔN. Dựa trên định nghĩa này, chúng ta có thể phân biệt ba 'loại' hay ba mức độ sự thật: sự thật siêu hình (hay hữu thể), sự thật luận lý (lôgích), và sự thật luân lý (hay đạo đức).

    1. SỰ THẬT SIÊU HÌNH là sự phù hợp giữa trí khôn của người làm ra sự vật và sự vật mà người ấy làm ra. Ý nghĩa này trước tiên được áp dụng cho sự phù hợp giữa các TẠO VẬT với TRÍ KHÔN CỦA TẠO HOÁ. Nếu những sự vật ấy tồn tại, chúng là thật (về mặt hữu thể). Theo một nghĩa thứ hai, đó cũng là sự phù hợp giữa những sự vật do con người làm ra với những người làm ra chúng, ví dụ, bài thơ phù hợp với thi sĩ, bài hát với người soạn nhạc, toà nhà với kiến trúc sư.
    2. SỰ THẬT LUẬN LÝ là sự phù hợp giữa TRÍ KHÔN THỤ TẠO với THỰC TẠI xung quanh. Khi chúng ta phán đoán đúng về thế giới xung quanh, thì có sự thật trong phán đoán của chúng ta. Ví dụ, khi chúng ta nói bông hồng chúng ta đang cầm trong tay màu đỏ, và trên thực tế nó màu đỏ, thì phán đoán của chúng ta là đúng sự thật.
    3. SỰ THẬT LUÂN LÝ hay SỰ CHÂN THẬT là sự tương ứng giữa PHÁT BIỂU BỀ NGOÀI của tư tưởng với điều mà người nói thực sự BIẾT hay TIN về một điều gì. Lưu ý rằng "phát biểu bề ngoài" có thể là một lời nói bằng miệng hay một từ được viết ra, hay một hành động. Vì vậy ở đây chúng ta đang nói rằng sự thật không chỉ có trong lời nói hay chữ viết, nhưng còn có trong hành động. Trong bài này, chúng ta quan tâm tới loại sự thật thứ ba này. Đây là điều Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo mô tả ở số 2468.
      1. Khi chân lý được thể hiện trong hành động và lời nói, chúng ta gọi là chân chính, thành thật hoặc thẳng thắn. Chân lý hoặc chân thật là nhân đức giúp con người thành thật trong các hành vi và lời nói, không gian dối, giả vờ, đạo đức giả.

1.1 Sống trong sự thật

Sách GLCG (x. số 2465-2467, 2469) cho chúng ta những lý do tại sao phải sống trong sự thật.

    • Vì Thiên Chúa là nguồn mọi HỮU THỂ, nên Người là nguồn mạch mọi CHÂN LÝ. Mọi hữu thể đều phù hợp với lệnh truyền sáng tạo của Người. Trong Cựu Ước, thành ngữ Dabar-Yahweh có nghĩa nôm na là 'Lời Thiên Chúa'. Nhưng không chỉ có nghĩa là lời nói, mà thực sự là HÀNH ĐỘNG. Ngay cả trong Tân Ước, "dabar" co nghĩa là một sự kiện được cắt nghĩa bởi những lời nói. Khi Thiên Chúa nói, Người cũng làm điều Người nói. Người trung thành với lời Người. Vì vậy, trong Tông Huấn Verbum Domini, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cắt nghĩa:
      • Mối liên hệ giữa lời nói và cử chỉ bí tích là cách diễn tả phụng vụ về hoạt động Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ qua tính chất THỂ HIỆN của chính lời nói. Trong lịch sử cứu độ, không có sự phân cách giữa những điều Thiên Chúa NÓI và những việc Người LÀM. Lời của Người SỐNG ĐỘNG và HOẠT ĐỘNG (x. Dt 4:12), như chính từ DABAR của thư Do Thái cho thấy rõ. Trong hoạt động phụng vụ cũng thế, chúng ta gặp lời của Người thực hiện điều mà lời ấy nói ra.
    • Hơn nữa, ĐỨC GIÊSU KITÔ chính là SỰ THẬT (Ga 1:14; 8:12; x. 14:6). Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta là môn đệ của Sự Thật. Người dạy chúng ta sống chân thật: "Có thì phải nói có, không thì phải nói không" (Mt 5:37)
    • CON NGƯỜI tự nhiên hướng về sự thật. Như Thánh Augustinô nhận xét, chúng ta có thể thấy nhiều người xung quanh không muốn đánh lừa người khác, nhưng tuyệt đối không một ai muốn bị người khác đánh lừa−MỌI NGƯỜI ĐỀU TÌM KIẾM SỰ THẬT.
    • Mọi khía cạnh của đời sống con người liên quan đến việc CƯ XỬ VỚI NGƯỜI KHÁC đều đòi hỏi sự chân thật. Nếu mọi người đều giả dối, sẽ không có sự tin tưởng. Mà không có tin tưởng thì không thể có sự tương tác với nhau.

1.2 Người Kitô hữu có thể làm chứng cho sự thật bằng cách nào?

Sách Giáo Lý Yếu Lược số 522 (xem GLCG 2471-2474, 2505-2506) dạy:

Người Kitô hữu phải làm chứng cho chân lý Tin Mừng trong MỌI LÃNH VỰC của hoạt động CÔNG KHAI và RIÊNG TƯ, dù phải hy sinh mạng sống mình, nếu cần thiết. TỬ ĐẠO là chứng từ cao cả nhất cho chân lý đức tin.

1.3 Tôn trọng sự thật. Điều răn thứ 8 đòi buộc điều gì?

Sách Giáo Lý Yếu Lược (số 524; x. GLCG 2488-2492, 2510-2511) dạy:

Ðiều răn thứ tám đòi buộc chúng ta phải tôn trọng sự thật, kèm theo sự tế nhị của ĐỨC ÁI: trong lãnh vực TRUYỀN THÔNG và THÔNG TIN, phải biết đánh giá LỢI ÍCH RIÊNG và lợi ích CHUNG, bảo vệ ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ, TRÁNH GÂY GƯƠNG XẤU. Phải luôn bảo vệ các BÍ MẬT NGHỀ NGHIỆP, trừ những trường hợp ngoại lệ, và vì những lý do nghiêm trọng và cân xứng. Cũng phải tôn trọng những chuyện TÂM SỰ mà chúng ta đã hứa giữ bí mật.

    • Không ai có quyền tuyệt đối về sự thật. GLCG (2492) nói đến điều này liên quan tới đời sống riêng tư và việc truyền thông:
      • Chúng ta phải tôn trọng bí mật đời tư của người khác. Ai có trách nhiệm về các phương tiện thông tin khi phục vụ công ích vẫn phải tôn trọng cách tương xứng các quyền lợi của cá nhân. Phải lên án việc ngành thông tin xen vào đòi tưcủa những người hoạt động chính trị hoặc được công chúng biết đến, nếu xâm phạm đến cuộc sống riêng tư và sự tự do của họ.
    • Không được vi phạm bí mật của bí tích hoà giải. Giáo luật điều 983, đoạn 1 nói rõ:
      • Ấn tín bí tích là bất khả xâm phạm; vì vậy, cha giải tội sẽ phạm tội trọng nếu bằng bất cứ cách nào phản bội một hối nhân bằng lời nói hay bất cứ cách nào khác hay vì bất cứ lý do gì.
    • Đối với các chuyện tâm sự, GLCG (2491) nói thêm chi tiết:
      • Những bí mật nghề nghiệp - ví dụ của các nhà chính trị, quân nhân, y sĩ, luật gia -hoặc chuyện tâm sự được yêu cầu giữ kín, phải được giữ bí mật trừ trường hợp ngoại lệ nếu việc giữ bí mật sẽ gây ra cho người đã nói ra, hoặc cho người đã tiếp nhận hoặc cho một đệ tam nhân, những thiệt hại nặng nề và chỉ có thể tránh được khi nói sự thật. Dù không buộc phải giữ kín, không được tiết lộ những chuyện riêng tư có thể gây tổn hại cho tha nhân, trừ khi có lý do hệ trọng và tương xứng.

1.4 Sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội

Khi nói về các phương tiện truyền thông, GLCG (2493-2495) trước tiên nhấn mạnh sự đóng góp của nó cho xã hội. Các phương tiện truyền thông

    • đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc cung cấp THÔNG TIN, nhưng cả trong việc CỔ VŨ VĂN HOÁ và ĐÀO TẠO cho CÔNG LUẬN cũng như các CÁ NHÂN trong xã hội. Vai trò này còn được đẩy mạnh bởi tiến bộ công nghệ (x. GLCG 2493);
    • phục vụ công ích khi những gì nó truyền thông (nghĩa là NỘI DUNG) là ĐÚNG và ĐẦY ĐỦ (trong phạm vi CÔNG BẰNG và BÁC ÁI), và nó làm việc này với sự TRUNG THỰC và THÍCH HỢP (nghĩa là CÁCH THỨC). Nhờ đó nó góp phần xây dựng TÌNH LIÊN ĐỚI. (x. GLCG 2494-2495)

Sau đó GLCG lưu ý chúng ta về một số bổn phận đạo đức (luân lý) trong các phương tiện truyền thông.

    • Liên quan đến những NGƯỜI SỬ DỤNG phương tiện truyền thông, số 2496 của GLCG nhắc nhở họ phải cảnh giác và giản dị trong việc sử dụng các phương tiện hiện đại này. Việc cung cấp tràn lan những hình ảnh và thông tin có thể làm cho người ta trở thành ù lỳ và thụ động. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người trẻ nào liên tục phơi mình trước làn sóng hình ảnh (truyền hình, game vi tính, phim ảnh, v.v...) có khuynh hướng suy giảm khả năng thể hiện trí óc hơn những bạn đồng lứa tuổi mà không sử dụng nhiều như thế. Vì vậy điều luôn luôn quan trọng là đào tạo các lương tâm và mọi người để kháng cự lại những ảnh hưởng không lành mạnh này.
    • Đối với các nhà báo (x. GLCG 2497), các đòi hỏi của nghề nghiệp đôi khi có thể cám dỗ họ bỏ qua sự thật hay bác ái trong việc phát tán các thông tin hay diễn tả các quan điểm của họ.
    • Các NHÀ CHỨC TRÁCH (x. GLCG 2498) cần cảnh giác để bảo đảm rằng:
      • có tự do thực sự và công bằng về thông tin;
      • luân lý công cộng và tiến bộ xã hội không gặp nguy hiểm;
      • đời sống riêng tư được bảo vệ;
      • tự do của cá nhân hay tập thể không bị tổn hại;
      • không xuyên tạc sự thật hay đàn áp dư luận.
  • Về điểm cuối cùng này, GLCG 2499 nói rất mạnh:
    • Luân lý kết án các nhà nước độc tài xuyên tạc chân lý một cách có hệ thống, dùng các phương tiện truyền thông để khống chế dư luận về chính trị, "giật dây" những bị cáo và nhân chứng trong các vụ án công khai, tưởng rằng có thể củng cố ách chuyên chế bằng cách ngăn chặn và đàn áp những người "bất đồng quan điểm".

1.5 Sự thật và cái đẹp tương quan với nhau thế nào?

Sách GLYL (526; x. GLCG 2500-2503, 2513) nói:

Chân lý tự bản chất là đẹp. Chân lý bao gồm sự huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần. Ngoài lời nói, còn có nhiều cách diễn tả chân lý, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật. Chúng là hoa trái của một tài năng được Thiên Chúa trao ban, và cố gắng của con người. Mỹ thuật thánh được xem là chân thật và đẹp đẽ, phải gợi lên và tôn vinh mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Ðức Kitô, phải dẫn đến tình yêu của Thiên Chúa và thờ lạy Ngài là Ðấng Sáng Tạo và Cứu Ðộ, là Vẻ Đẹp tối cao của Chân lý và Tình yêu.

Theo một số người, người ta nhận thức được vẻ đẹp qua con đường sự thật. Cái đẹp không cần chứng minh lôgích, không cần biện minh. Trong một số trường hợp, người ta sẵn sàng chấp nhận cái đẹp một cách dễ dàng hơn chấp nhận sự tốt lành hay sự thật. Vẻ đẹp thiên nhiên dẫn đưa nhiều người đến với Thiên Chúa. Những người khác được dẫn tới Thiên Chúa qua các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc hay âm nhạc thánh. Như Hồng Y Giuse Ratzinger, nay là Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, nói trong cuộc gặp gỡ của Giáo Hội với Communion and Liberation (Hiệp Thông và Giải Phóng) được tổ chức tại Rimini, nước Ý, vào tháng 8 năm 2002:

Không gì có thể đưa chúng ta tiếp xúc gần gũi với vẻ đẹp của chính Đức Kitô cho bằng thế giới của cái đẹp được tạo nên bởi đức tin và ánh sáng chiếu ra từ khuôn mặt của các thánh, qua các ngài mà ánh sáng của chính Đức Kitô được nhìn thấy rõ ràng.

2. Các sự xúc phạm sự thật

Sách GLYL số 523 nói như sau:

Ðiều răn thứ tám cấm:

    • làm chứng dối, thề thốt và dối trá; mức độ nặng nhẹ căn cứ trên sự sai lệch của sự thật, trên những hoàn cảnh, trên những ý hướng của kẻ nói dối và mức độ thiệt hại mà các nạn nhân phải gánh chịu;
    • phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, bôi nhọ, là những tội làm giảm hay phá hoại uy tín và danh dự mà mỗi người có quyền hưởng.
    • nịnh hót, tâng bốc và xu nịnh, nhất là khi nhằm mục đích phạm tội trọng hay thủ lợi bất chính.

Tất cả tội phạm nghịch với sự thật buộc phải đền bù lại nếu gây tai hại cho kẻ khác.

2.1 Các lời nói xúc phạm sự thật

    • NÓI DỐI. Trong tác phẩm De mendacio ("về nói dối"), thánh Augustinô định nghĩa nói dối là "nói ra một điều sai lạc với ý lừa dối." Trong Gioan 8:44, Chúa Giêsu gọi ma quỉ là nguồn mạch mọi sự dối trá: "Cha các ngươi là ma quỉ... sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối." (x. GLCG 2482)
    • LÀM CHỨNG DỐI VÀ THỀ GIAN. Một lời nói dối công khai thường là nghiêm trọng. Khi nói dối trước toà án, nó trở thành CHỨNG DỐI. Nói dối kèm theo lời thề thì gọi là THỀ GIAN. Số 2476 của Sách GLCG thêm rằng những lời nói dối loại này "làm sai lệch công lý cách nghiêm trọng và ảnh hưởng tai hại đến sự công bằng trong các phán quyết của các thẩm phán."

Tội nói dối nặng nề thế nào?

Sách GLCG (2484) nói:

Tội nói dối nặng hay nhẹ tùy theo (1) mức độ LÀM SAI LẠC CHÂN LÝ, (2) các HOÀN CẢNH và (3) Ý ĐỊNH của kẻ nói dối, và (4) tùy theo những THIỆT HẠI mà nạn nhân của nó phải hứng chịu.

Ngay cả khi LỜI NÓI DỐI tự nó chỉ là TỘI NHẸ, cũng trở thành TỘI TRỌNG nếu VI PHẠM NẶNG NỀ đến công bằng và bác ái.

2.2 Các hành vi chống lại sự thật và bác ái

Có một số hành vi không chỉ vi phạm sự thật mà còn xúc phạm đến đức ái. Đó là (x. GLCG 2477):

    • PHÁN ĐOÁN HỒ ĐỒ. Đây là một tội trong tư tưởng, qua đó một người dù chỉ nghĩ trong lòng và không có đủ cơ sở mà cho rằng một người khác đã phạm một lỗi đạo đức
    • NÓI XẤU. Đây là tội của người "không có lý do khách quan vững chắc mà tiết lộ những lỗi lầm của một người cho những người không biết các lỗi ấy" (x. Huấn Ca 21:28). Trong trường hợp này, người ấy nói SỰ THẬT, nhưng như ta đã nói ở trên, không phải ai ai cũng có quyền nghe sự thật, và mặt khác, mọi người đều có QUYỀN GIỮ THANH DANH CỦA MÌNH.
    • VU KHỐNG. Khi một người nói xấu làm hại thanh danh của người khác và gây cớ cho những phán đoán sai lạc về họ. Sự khác biệt giữa nói xấu và vu khống là ở chỗ vu khống là một lời dối trá, sai sự thật.

2.3 Các tội khác

Ngoài các tội kể trên, Sách GLCG (2480-2481) còn kể thêm một số tội khác xúc phạm đến giới răn thứ 8.

    • Điều răn thứ 8 cấm mọi lời nói hay thái độ như NỊNH HÓT, TÂNG BỐC, hay LẤY LÒNG để khuyến khích và thúc đẩy người khác LÀM ĐIỀU XẤU hay ĂN Ở ĐỒI BẠI
        • Tâng bốc là TỘI NẶNG nếu nó khiến người ta đồng loã với các nết xấu hay tội nặng. Ước muốn giúp đỡ hay tình bạn không thể biện minh cho những lời nói giả dối.
        • Tâng bốc là TỘI NHẸ khi nó chỉ tìm cách làm vừa lòng, tránh điều xấu, đáp ứng một nhu cầu, hay để được một số lợi lộc hợp pháp.
    • TỰ PHỤ hay KHOE KHOANG là một xúc phạm chống lại sự thật. MỈA MAI cũng thế khi nó hạ giá một người bằng cách cố ý châm biếm hay giễu cợt một khía cạnh nào đó trong hành vi người ấy.

2.4 Bổn phận đền bù

Đây là một nguyên tắc thường bị lãng quên liên quan đến sự dối trá, đặc biệt nếu nó gây thiệt hại cho những người khác. Sách GLCG (2487) dạy:

Ai lỗi phạm đến công bằng và chân lý, đều phải đền bù, DÙ ĐÃ ĐƯỢC THỨ THA.

    • Ai lỗi phạm đến công bằng và chân lý, đều phải đền bù, DÙ ĐÃ ĐƯỢC THỨ THA.
    • Nếu không thể đền bù cách TRỰC TIẾP cho người bị hại, thì phải ĐỀN BÙ VỀ TINH THẦN vì đức bác ái.
    • Ai lỗi phạm đến THANH DANH kẻ khác, cũng phải đền bù như thế.
    • Phải đền bù tinh thần và đôi khi về mặt vật chất, tương xứng với thiệt hại đã gây ra. Ðây là NGHĨA VỤ LƯƠNG TÂM.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 521-526.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2464-2513.

Websites

v. 2011-11-24

Peter Thuan