Bài 02: Thiên Chúa Phán Dạy Chúng Ta

Câu Hỏi Hướng Dẫn

    • Chúng ta tìm những lời giảng dạy của Đức Giêsu Kitô ở đâu? Phải chăng duy nhất chỉ có trong Kinh Thánh?
    • Những từ này mang nghĩa gì: mạc khải; tín lý; mầu nhiệm; Huấn Quyền; Thánh Kinh; Thánh Truyền; Kho Tàng Đức Tin (Kho Tàng Tín Lý Mạc Khải)?
    • Sự mạc khải tự nhiên là gì?
    • Sự mạc khải siêu nhiên là gì?
    • Sự mạc khải có thể thay đổi không?
    • Chúng ta có thể tiến xa trong sự hiểu mạc khải hay không?
    • Phải chăng đọc Kinh Thánh là đã đủ để hiểu những lời dạy của Chúa Giêsu?
    • Đối với tín hữu Công Giáo, "Thánh Truyền" là gì?
    • Cơ bản thuyết là gì?

1. Sự mạc khải là gì?

1.1 Sự mạc khải tự nhiên

Chúng ta đã học ở bài trước là chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí. Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta qua những việc Ngài sáng tạo, tựa như họa sĩ truyền đạt ý tưởng và cảm xúc của mình qua tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết nhiều hơn nữa do những hạn chế của tri thức. Chúng ta có thể biết là có họa sĩ là tác giả của họa phẩm mà chúng ta đang thưởng ngoạn. Qua tác phẩm, chúng ta cũng có thể biết được sự đam mê hoặc khuynh hướng sáng tác của họa sĩ, nhưng còn nhiều điều chúng ta có thể biết về họa sĩ đó với tư cách là một con người mà những điều này không thể tìm thấy trong tác phẩm của ông.

1.2 Sự mạc khải siêu nhiên

Sự mạc khải siêu nhiên được giải thích rõ cho chúng ta trong Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái (1:1- 4), bắt đầu bằng những dòng như sau:

(1) Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; (2) nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. (3) Người là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Ðấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Ðấng Cao Cả trên trời. (4) Danh hiệu Người được thừa hưởng, cao cả hơn danh hiệu các thiên thần bao nhiêu, thì Người lại trổi hơn họ bấy nhiêu.

Mạc khải là lời Thiên Chúa phán dạy chúng ta. Cả người Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo đều đưa ra lời tuyên bố hùng hồn sau: Thiên Chúa phán dạy chúng tôi! Như Thư gửi tín hữu Do Thái viết: trước tiên Thiên Chúa phán dạy qua các ngôn sứ. Người Do Thái và Thiên Chúa giáo chấp nhận chân lý này.

Nhưng Thư gửi tín hữu Do Thái còn cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa cũng phán dạy chúng ta qua Ngôi Con là Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa phán dạy chúng ta nơi "Con Người". Đây là điều các Kitô hữu tin. Điều biết này là một đặc ân cao cả và cũng bao hàm trách nhiệm lớn lao.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 6) viết:

Thiên Chúa tỏ mình trong sự khôn ngoan và thánh thiện của Ngài. Bằng công việc và lời truyền dạy, Thiên Chúa tỏ lộ mìnhi và chương trình thánh thiện yêu thương của Thiên Chúa đã được ấn định nơi Đức Kitô từ trước muôn đời. Theo chương trình này, tất cả mọi người, nhờ ơn Thánh Linh, sẽ được dự phần vào đời sống thiên tính nơi Con Thiên Chúa với tư cách là những nghĩa tử.

Thiên Chúa phán dạy chúng ta không phải một mà là nhiều lần.

    1. Thời kỳ thứ nhất: Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (7) dạy:
    2. Từ khởi thủy, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Adam và Evà, tổ tông loài người, và mời gọi họ hiệp thông với Ngài. Sau khi tổ tông loài người sa ngã, Thiên Chúa đã không ngưng mạc khải cho họ mà còn hứa ban ơn cứu độ cho con cháu của họ. Sau lụt Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa lập giao ước với ông Nôe, một giao ước giữa Thiên Chúa với loài người.
    3. Thời kỳ thứ hai: Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (8) giảng:
    4. Thiên Chúa chọn Ápram, kêu ông rời bỏ xứ sở, và phán với ông: "Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc". (Sách Sáng Thế 17:5); và hứa ban cho ông "mọi dân tộc trên mặt đất" (SST 12:3). Những người xuất thân từ Ápraham là những người được ủy thác giao ước mà thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ. Thiên Chúa lập dân Israel làm dân riêng của Ngài, giải phóng họ khỏi thân phận nô lệ ở Ai Cập, lập giao ước với họ trên núi Sinai, và thông qua Môsê, truyền dạy giới răn của Ngài. Các ngôn sứ loan báo về sự cứu chuộc dân Thiên Chúa và sự cứu rỗi cho mọi dân tộc trong giao ước mới và vính cửu. Từ dân Israel và từ dòng họ vua David sẽ sinh ra Đức Giêsu, Đấng Messiah.
    5. Thời kỳ ba: Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (9) dạy:
    6. Giai đoạn sau chót và sung mãn của sự mạc khải từ Thiên Chúa được hoàn thiện nơi Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian và làm viên mãn mạc khải. Ngài là Con Thiên Chúa sinh xuống làm người, là Ngôi Lời hoàn thiện và xác quyết của Chúa Cha. Qua sự phái Ngôi Con xuông thế làm người và ban ân sủng của Ngôi Thánh Thần, sự mạc khải nay đã vẹn toàn; mặc dù vậy, tín lý của giáo hội phải trải qua nhiều thế kỷ mới lĩnh hội được trọn vẹn ý nghĩa.
      1. "Khi ban cho chúng ta Con của Ngài, Ngôi Lời duy nhất và xác quyết, Thiên Chúa phán dạy chúng ta mọi sự nơi Ngôi Lời duy nhất này, và Thiên Chúa không cần phán dạy gì nữa". (Thánh Gioan Thánh Giá)

Không như các ngôn sứ khác, Đức Giêsu Kitô không những dạy chúng ta về sự thật, mà Ngài chính LÀ sự thật. Khác với các vua chúa và chủ chăn bình thường, Đức Kitô không những dẫn đường cho chúng ta, mà Ngài chính LÀ đường. Không như các tư tế khác (tư tế trong Cựu Ước, của Lề Luật cũ), Đức Giêsu không những ban cho chúng ta sự sống, mà chính Ngài LÀ sự sống. (Xem thêm Gioan 14: 6)

1.3 Sự mạc khải siêu nhiên có thực sự cần thiết không? Hữu ích ra sao?

Về phía Thiên Chúa, Ngài không nhất thiết phải phán dạy chúng ta về Ngài. Thiên Chúa là Đấng tự hữu, Ngài không cần bất cứ gì và bất cứ ai. Tuy nhiên, do lòng nhân từ vô biên, Ngài cho chúng ta, loài thụ tạo của Ngài, được biết về Ngài.

Nếu Thiên Chúa không làm như thế, chúng ta sẽ chỉ có đôi chút hiểu biết mơ hồ và lẫn lộn về Ngài. Trong thông điệp Humani generis, Giáo Hoàng Pius XII nhắc lại lời của thánh Thomas Aquinas (xem Summa Theologia [Tổng Luận Thần Học], phần I, câu 1, Mục 1) rằng chúng ta cần sự mạc khải siêu nhiên để không những biết các chân lý siêu nhiên mà còn biết những chân lý mà tự tâm trí chúng ta tìm hiểu được

để sao cho trong điều kiện hiện thời của nhân loại, những chân lý đó được mọi người hiểu biết dễ dàng, biết chính xác và không chút sai lạc.

Không có sự mạc khải siêu nhiên, con người không thể biết những chân lý siêu nhiên như Thiên Chúa Ba Ngôi, thánh ân, sự cần thiết của các phép Bí Tích, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong hội thánh, và sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.

Không có sự mạc khải siêu nhiên, chúng ta không thể biết những chân lý tự nhiên một cách chính xác, không lầm lẫn và trong khoảng thời gian vừa phải.

Khi trẻ học giáo lý, nó biết được những tín lý mà có thể mất nhiều năm nó mới tìm hiểu được. Khả năng tự mình nó tìm hiểu được những tín lý này bị giảm sút tương ứng với mức xói mòn đạo đức của xã hội. Một người 20 tuổi sẽ khó mà biết được tính bất khả phân ly của bí tích hôn phối nếu cha mẹ người này từng ly dị hai lần hoặc bản thân người này từng chứng kiến nhiều vụ ly dị trong xã hội.

2. Chúng ta có thể tìm lời giảng dạy của Chúa Giêsu ở đâu?

Như đã trình bày ở trên, Thiên Chúa mạc khải đầy đủ về Ngài qua sự nhập thể của Đức Giêsu Kitô. Trong một bài ở phần dẫn nhập, chúng ta biết rằng Đức Giêsu Kitô chọn những người kế tục công việc của Ngài là rao giảng tín lý mạc khải mọi ngày cho đến tận thế. Trải qua nhiều thế kỷ, những người kế tục này truyền giảng phần được gọi là Kho Tàng Tín Lý Mạc Khải (Deposit of Revelation). Được gọi là ” kho tàng “ vì cũng tựa như tiền gửi vào ngân hàng để được giữ gìn an toàn và sinh lợi thêm. Đức Giêsu Kitô giao phó các tín lý này cho các Tông Đồ và những người kế nhiệm để họ gìn giữ và truyền giảng (tức là làm triển nở). Các Tông Đồ và những người kế nhiệm (giám mục) có nghĩa vụ gìn giữ và giảng dạy những tín lý mạc khải đó. Nhiệm vụ này được gọi là Nhiệm Vụ Giáo Huấn (Teaching Officce) hoặc Huấn Quyền Của Giáo Hội (Magisterium). Toàn bộ tín lý mạc khải truyền cho hội thánh để lưu giữ và truyền dạy đã được truyền lại dưới dạng viết (Thánh Kinh [ Sacred Scripture] ), và dưới dạng truyền khẩu (Thánh Truyền [Sacred Tradition] ).

Một số người quan niệm rằng chỉ cần Kinh Thánh thôi là đủ để biết về Đức Kitô và giáo thuyết của Ngài. Đây là quan niệm "duy Kinh Thánh" (sola Scriptura). Nhưng chính Kinh Thánh không nói rằng Kinh Thánh hàm chứa đủ mọi điều. Chương cuối Tin Mừng Thánh Gioan cho chúng ta biết:

Còn có nhiều điều khác Ðức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra. (Gioan 21:25)

Chúng ta cũng nên nhớ lại là Chúa Giêsu sai các Tông Đồ đi rao giảng những điều họ nghe giảng dạy, chứ không phải chép lại những điều đó. Phần lớn những lời giảng dạy của Chúa Giêsu được truyền lại bằng ngôn ngữ nói trước khi các thế hệ sau ghi lại bằng chữ viết.

Thánh Phaolô khuyên tín hữu Thêsalonica (Thêsalonica II, 2:15) tuân theo những gì được viết ra và cả những điều họ nghe dạy. Những điều này thuộc phạm trù "Thánh Truyền":

Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC 12) định nghĩa "Thánh Truyền" hoặc "Tông Truyền" như sau:

Tông Truyền (Apostolic Tradition) là sự truyền lại sứ điệp của Đức Giêsu Kitô, khởi sự từ thời kỳ đầu của Kitô Giáo, bằng cách rao giảng, làm chứng tá, thành lập cộng đoàn, thờ phượng và những bài viết linh hứng. Các Tông Đồ truyền lại tất cả những gì họ nhận từ Đức Kitô và lĩnh hội từ Chúa Thánh Thần cho những người kế nhiệm, các giám mục, và qua những giám mục truyền tới các thế hệ sau liên tục cho tới tận thế.

2.1 Thánh Truyền & Kinh Thánh là những nguồn Tín Lý Mạc Khải nhất thống

Câu hỏi kế tiếp (số 13): "Sự Tông Truyền diễn tiến theo cách nào?" Lời giải thích:

Sự Tông Truyền diễn tiến theo 2 cách: thông qua sự truyền đạt sinh động lời của Thiên Chúa và qua Kinh Thánh, là sự rao giảng về ơn cứu độ ở hình thức văn viết.

Cả Thánh Truyền và Kinh Thánh đều xuất phát từ cùng một nguồn (xem Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược 14), cùng là lời của Đức Giêsu Kitô phán dạy cho các Tông Đồ rồi đến lượt các Tông Đồ truyền dạy cho Kitô hữu thời giáo hội sơ khai.

Một tài liệu quan trọng minh giải điều này là Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Công Đồng Vatican II (Dei Verbum).

2.1.1 Thánh Truyền

Thánh Truyền là gì?

Điều rất quan trọng là hiểu rõ người Công Giáo dùng chữ ” Thánh Truyền “ với ý nghĩa gì. Chữ này xuất phát từ chữ La Tinh "traditio", có nghĩa là "truyền lại". Thánh Truyền không hàm nghĩa là những tập tục đạo đức như đọc kinh Mân Côi, đi rước kiệu, đi hành hương. Những tập tục đạo đức vừa nói thuộc phạm trù truyền thống. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC mục 83) dạy:

Thánh Truyền được phân biệt với truyền thống đối thần (truyền thống hướng thần [theological tradition]), truyền thống khổ hạnh, phụng vụ hoặc sùng kính, nảy sinh ở những hội thánh địa phương từ lâu nay. Các truyền thống này là những hình thức đặc thù thích ứng với nhiều nơi khác nhau và nhiều thời đại khác nhau mà qua đó Thánh Truyền được thể hiện. Dưới ánh sáng của Thánh Truyền, các truyền thống này có thể được giữ gìn, bổ sung hoặc thậm chí bị loại bỏ theo sự chỉ dạy bởi Huấn Quyền của giáo hội.

Thánh Truyền là tổng tập giáo thuyết được truyền đạt bằng ngôn ngữ nói của các Tông Đồ Đức Kitô. Đức Giêsu Kitô phái các Tông Đồ đi rao giảng; và Thánh Truyền bao gồm mọi lời rao giảng đó. Vì giáo hội sơ khai không triển khai ngay việc chép lại lời giảng dạy của Chúa Giêsu, nên tín lý của Kitô hữu thời kỳ này được lĩnh hội từ những chứng cứ truyền khẩu. Xét theo thứ tự thời gian, thì trước tiên có Thánh Truyền rồi đến Kinh Thánh. Chính sự truyền giảng thời giáo hội sơ khai, tức Thánh Truyền, đã xác định văn liệu nào là thành phần của bộ Kinh Thánh.

Kinh Thánh chỉ được diễn giải đúng nếu dựa theo Thánh Truyền. Chúng ta biết Thánh Truyền bởi truyền thống hợp nhất của giáo hội (ở bất cứ đâu thì Thánh Kinh và Huấn Quyền cũng luôn dựa vàoThánh Truyền).

Phải chăng Thánh Truyền được chép lại ở bất cứ đâu?

Trong giáo hội sơ khai, chúng ta nhận thấy có một số người đã chép lại những lời truyền dạy này; nhiều người trong nhóm này là thánh. Đó là các Thánh Giáo Phụ và các tác giả Hội Thánh.

Cần phải có điều gì để là Giáo Phụ?

Có bốn yêu cầu:

    1. Chính thống : lời giảng dạy của người này phải đúng với Thánh Truyền, Kinh Thánh và Huấn Quyền.
    2. Người đời xưa : người này phải sống ờ những thế kỷ đầu của giáo hội.
    3. Sự công nhận của giáo hội: Giáo hội phải công nhận người này là Giáo Phụ.
    4. Thánh thiện.

Những tác giả cổ đại khác không đáp ứng các yêu cầu trên được gọi là tác giả hội thánh. Sự đóng góp của họ rất giá trị đối với Thánh Truyền.

Thánh Truyền còn có thể tìm thấy trong các sách và tập tục phụng vụ xưa. Những kinh nguyện chính thức của giáo hội phản ánh các tín lý của giáo hữu.

Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nhấn mạnh rằng Thánh Truyền không phải là một loại bản văn vô hồn nhưng là tín lý bừng sống. Ngài trình bày khái niệm về Thánh Truyền kỹ lưỡng hơn trong lần Biệt Kiến Chung (General Audience) ngày 26/4/2006:

Thánh Truyền là sự hiệp thông của các tín hữu quanh vị Chủ Chăn chính thức của họ trải qua suốt lịch sử, một sự hiệp thông được Chúa Thánh Thần phù trợ, khẳng định sự nối kết giữa cảm nghiệm về đức tin tông truyền, được sống trong cộng đoàn khởi thủy của các Tông Đồ với cảm nghiệm thực sự về Đức Kitô trong hội thánh của Ngài. Nói cách khác, Thánh Truyền là sự tiếp nối thực tế của giáo hội, Đền Thánh của Thiên Chúa Cha, được xây trên nền móng là các Tông Đồ và gắn kết với nhau nhờ tảng đá góc tường là Đức Kitô, thông qua sự ban sự sống của Thánh Thần.

Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Ðồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Ðức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Eph 2: 19-22).

Nhờ Thánh Truyền, khẳng định bởi sứ vụ của các Tông Đồ và những người kế nhiệm, nước hằng sống tuôn chảy từ cạnh sườn Đức Kitô và máu cứu chuộc tràn đến mọi nam nữ ở tất cả mọi thời. Như vậy, Thánh Truyền là sự hiện diện thường xuyên của Đấng Cứu Độ, Đấng đã đến gặp chúng ta, cứu chuộc và thánh hóa chúng ta trong Thánh Thần, và qua sứ vụ của giáo hội, đưa chúng ta đến vinh quang của Chúa Cha.

Nói một cách ngắn gọn, Thánh Truyền không phải là sự truyền đạt sự việc, lời nói; không phải là tổng tập những điều vô hồn. Thánh Truyền là dòng sông sự sống nối kết chúng ta với nguồn sống, là dòng sông sự sống nơi luôn có nguồn sống, dòng sông lớn đưa chúng ta tới cổng của chốn vĩnh hằng. Bởi thế, nơi dòng sông sự sống này, lời phán dạy của Chúa Giêsu mà ngay từ đầu chúng ta nghe từ môi người đọc sẽ không ngừng diễn ra: " Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế ".(Máthêu 28: 20).

2.1.2 Kinh Thánh

Công Đồng Vatican I (1869-70) công bố trong Hiến Chế Dei Filius rằng Kinh Thánh là bộ sách

được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần; những sách này có Thiên Chúa là tác giả, và vì thế, chúng gắn liền với giáo hội.

Thiên Chúa là tác giả chính của các sách linh ứng mạc khải. Con người là tác giả phụ. Bởi ơn linh hứng, Thiên Chúa thôi thúc tác giả Kinh Thánh viết những gì Ngài muốn họ viết ra, không hơn, không kém.

Những sách thuộc Kinh Thánh là những sách nào?

Danh mục những sách này được gọi là Thư Bộ Kinh Thánh (Canon). Danh mục này được ấn định bởi Giáo Hội Công Giáo. John Salza viết trong Scripture Catholic (Thánh Điển Công Giáo) :

Nhờ thẩm quyền do Thiên Chúa ban, Giáo Hội Công Giáo công nhận thư bộ Kinh Thánh (những sách thuộc bộ Kinh Thánh) vào cuối thế kỷ thứ tư. Vì thế, chúng ta tin vào Kinh Thánh dựa theo thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo. Rốt cuộc, không lời nào trong Kinh Thánh cho chúng ta biết Thánh Điển nào được linh ứng mạc khải, sách nào nằm trong bộ Kinh Thánh, hoặc nói rằng Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu về những vấn đề liên quan tới đức tin Kitô giáo. Thay vì thế, Kinh Thánh nói rằng Hội Thánh, chứ không phải Kinh Thánh, là cột trụ và điểm tựa của chân lý (Timotê I, 3:15), và là người phân xử sau cùng về các vấn đề tín lý Kitô giáo (Máthêu 18:17). Chính nhờ huấn quyền và Tông Truyền của giáo hội (Thêsalonica II, 2:15; 3:6; Côrintô I, 11:2) được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (Gioan 14:16,26; 16:13) mà chúng ta biết về sự linh hứng nơi Kinh Thánh và sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. (xem thêm Ephêsô 3:10)

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC, mục 120) dạy:

Chính nhờ Tông Truyền mà Giáo Hội nhận định rõ sách nào được ghi vào danh mục các thánh thư. (xem thêm DV 8 & 3). Danh mục đầy đủ này được gọi là Thư Bộ Kinh Thánh (canon). Thư bộ gồm 46 cuốn thuộc Cựu Ước (nếu tính Sách Jeremiah và Sách Ai Ca là một thì chỉ có 45 cuốn), và 27 cuốn thuộc Tân Ước (xem thêm DS 179; 1334-1336; 1501-1504).

Cựu Ước: Sách Sáng Thế, Sách Xuất Hành, Sách Lêvi, Sách Dân Số, Đệ Nhị Luật, Sách Giôsua, Sách thẩm Phán, Sách Rút, Samuel 1 và 2, Sách Các Vua 1 và 2), Sách Ký Sự 1 và 2, Sách Ngôn Sứ Etra và Nêhêmia, Sách Tôbia, Sách Giuđia, Sách Étte, Sách Macabêô 1 và 2, Sách Gióp, Thánh Vịnh, Sách Cách Ngôn, Sách Giảng Viên, Sách Diệu Ca, Sách Khôn Ngoan, Sách Sira (sách Huấn Ca), Sách Ngôn Sứ Isaiah, Sách Giêrêmia, Sách Ai Ca, Sách Barúc, Sách Êzêkien, Sách Đanien, Sách Hôsê, Sách Giôen, Sách Amốt,Sách Ôbađia, Sách Giôna, Sách Mica, Sách Nahum, Sách Habakkuk, Sách Sôphônia, Sách Hagai, Sách Giacaria và Sách Malakia. (46 cuốn)

Tân Ước: Tin Mừng theo Thánh Máthêu, Thánh Luca, Thánh Máccô, Thánh Giaon, Sách Tông Đồ Công Vụ, Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma, Côrintô 1 và 2, Galát, Êphêsô, Philippê, Côlôsê, Thêsalônica 1 và 2, Timôtê 1 và 2 , Titô, Philêmôn, Do Thái, Thư của thánh Giacôbê, Thư của Thánh Phêrô I, II, Thư của Thánh Gioan I,II, III, Giuđa, và Sách Khải Huyền. (27 cuốn)

Tiêu chí nào chúng ta cần lưu tâm khi đọc và diễn giải Kinh Thánh?

Công Đồng Vatican II (1962-65) đưa ra những hướng dẫn đưới đây mà sau đó Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC, mục 111-114) đã nhắc lại.

Công Đồng Vatican II ấn định 3 tiêu chí diễn giải Kinh Thánh đúng theo Thánh Thần linh ứng mạc khải.(xem thêm DV 12 § 4) (CCC 111)

    1. Đặc biệt chú trọng tới "nội dung và sự nhất thống của toàn bộ Kinh Thánh". Các sách có thể gồm nhiều phần khác nhau nhưng Kinh Thánh là một sự nhất thống do duy nhất tính của chương trình Thiên Chúa mà trong chương trình đó Đức Giêsu Kitô là trung tâm và trái tim, được khai mở từ sau cuộc Thương Khó của Ngài. (xem thêm Luca 24:25-27,44-46) (CCC 112).
    2. Cụm từ ” trái tim Đức Kitô “ có thể ám chỉ Kinh Thánh, là bộ sách nói cho mọi người biết đến trái tim của Ngài đã khép lại trước cuộc Thương Khó, vì Kinh Thánh chưa được hiểu rõ ràng. Tuy nhiên, Kinh Thánh được khai mở từ sau cuộc Thương Khó của Đức Giêsu; vì những ai từ đó trở đi từng hiểu Kinh Thánh đều xem xét và nhận thức rõ những lời ngôn sứ phải được diễn giải theo cách nào. (Thánh Thomas Aquinas, Expos in Ps. 21,11; xem thêm Thánh Vịnh 22:14)
    3. Đọc Kinh Thánh trong "Truyền Thống sống động của Giáo Hội". Theo lời của các Thánh Giáo Phụ, Thánh Kinh được ghi khắc trong tim của Giáo Hội, chứ không phải ghi chép trong các bản văn, các tư liệu, vì Giáo Hội mang trong Truyền Thống của mình ký ức sống động về Lời Của Thiên Chúa, và chính Chúa Thánh Thần ban cho Giáo Hội sự diễn giải thiêng liêng về Kinh Thánh ("… theo nghĩa thiêng liêng mà Thánh Thần ban cho Giáo Hội" -- Origen, Homilia in Lev. 5,5:PG 12,454D). (CCC 113)
    4. Chú trọng đến sự phù hợp với đức tin (xem Rôma 12:6).Qua cụm từ ” sự phù hợp với đức tin “, chúng ta muốn nói đến sự gắn kết các chân lý đức tin với nhau và trong toàn kế hoạch mạc khải. (CCC 114).

Những từ ngữ của Kinh Thánh có nhiều nghĩa không?

Cần nhớ rằng khi đọc Kinh Thánh, chúng ta nên xem xét một số ngữ nghĩa. Sự giải thích từ Sách Giáo Lý Công Giáo (mục 116-117) như sau:

    1. Nghĩa văn tự (nghĩa đen) là nghĩa chuyển tải bởi từ ngữ của Kinh Thánh, được đưa ra bởi sự chú giải Kinh Thánh, theo các qui tắc về sự chú giải đầy đủ:” Tất cả những nghĩa khác của Kinh Thánh đều dựa theo nghĩa văn tự “. (Thánh Thomas Aquinas, Tổng Luận Thần Học I, 1, 10, ad I)
    2. Nghĩa Thiêng Liêng. Nhờ duy nhất tính (unity) của chương trình Thiên Chúa, nên không những bản Kinh Thánh mà những thực tại và sự kiện mà Kinh Thánh nói đến đều có thể là những dấu hiệu.
      • Nghĩa ám dụ (allegorical sense). Chúng ta lĩnh hội sự hiểu biết sâu xa hơn về các sự kiện bằng cách nhận ra ý nghĩa của chúng nơi Đức Kitô; như thế, sự băng qua Biển Đỏ là dấu hiệu của sự chiến thắng của Đức Kitô và cũng là dấu hiệu của Phép Rửa Kitô giáo. (xem Côrintô I, 10:2)
      • Nghĩa luân lý (moral sense). Các sự kiện được thuật lại trong Kinh Thánh có thể chỉ dẫn chúng ta hành xử đúng mực. Như Thánh Phaolô nói, chúng được viết ” để răn dạy chúng ta “ (Côrintô I, 10:11; Do Thái 3:1, 4:11)
      • Nghĩa thần nghiệm (anagogical sense). Chúng ta có thể xem những thực tại và sự kiện theo ý nghĩa vĩnh hằng của chúng; điều này đưa chúng ta đến quê thật của chúng ta; như thế, Giáo Hội nơi trần gian là dấu hiệu của Jerusalem trên nước trời. (xem Khải Huyền 21:1, 22:5)

Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng Kitô giáo không phải là ” tôn giáo của kinh sách “ (khác với các tôn giáo khác) (CCC 118). Giáo lý Kitô giáo không phải là thuộc lòng Kinh Thánh. Giáo lý Kitô giáo là hiểu biết và yêu mến Ngôi Lời hằng sống là Đức Giêsu Kitô. Theo một cách nào đó, chúng ta có thể nói rằng đây là một ” sự sùng bái cá nhân “, vì Kitô giáo dẫn dắt người ta hiểu biết, yêu mến và noi gương một Con Người, đó là Đức Giêsu Kitô.

Những tính chất của Kinh Thánh là gì?

Kinh Thnáh xuất phát từ Thiên Chúa nên nó có những tính chất sau:

    1. Nhất thống về nội dung. Không có những mâu thuẫn trong Kinh Thánh.
    2. Trung thựckhông sai lầm
        • Trung thực có nghĩa là Kinh Thánh hàm chứa chân lý, sự thật.
        • Không sai lầm có nghĩa là Kinh Thánh không sai lầm trong giảng dạy sự thật, chân lý.
    3. Thánh thiêng
        • Về nguồn gốc: Thánh Kinh xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng cực thánh.
        • Về mục đích: sự cứu độ mọi người, và sự vinh danh Thiên Chúa.
        • Về giới luật: Thánh Kinh truyền dạy chúng ta nên thánh (không chỉ tốt lành thôi).

Phải chăng Kinh Thánh hàm chứa mọi điều mà chúng ta cần để được cứu rỗi?

Không phải. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết, chẳng hạn như,

    • ai là chó sói đội lốt cừu non;
    • hội Thánh Chúa Kitô đích thực là gì;
    • người đứng đầu Giáo Hội phải là người như thế nào và được bầu chọn ra sao;
    • nguyên bản đích thực của Kinh Thánh là những sách gì;
    • liệu bản dịch Kinh Thánh mà chúng ta có và sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào đó có đúng theo mọi cách hay không.

Kinh Thánh không phải là qui tắc tín lý duy nhất của chúng ta vì rõ ràng Kinh Thánh không chỉ cho chúng ta những điều trên.

2.2 Huấn Quyền (Magisterium) của giáo hội và Kho Tàng Đức Tin

Huấn Quyền (Magisterium) là gì?

Huấn Quyền (Magisterium) là quyền hoặc nhiệm vụ giáo huấn (teaching office) mà Đức Kitô ban cho Hội Thánh của Ngài, đồng thời làm phong phú nó bằng ơn bất khả ngộ (không thể sai lầm). Thông qua Huấn Quyền hoặc nhiệm vụ giáo huấn, Giáo Hội là người gìn giữ duy nhất và là người diễn giải xác thực sự thiên khải (sự mạc khải của Thiên Chúa). Huấn quyền phục vụ Lời Chúa (không phải vượt trên Lời Chúa). Huấn quyền gìn giữ và diễn giải Sự Mạc Khải một cách xác thực và không sai lầm.

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (mục 16) viết:

Nhiệm vụ đưa ra sự chú giải xác thực về kho tàng đức tin được giao phó cho quyền giáo huấn đang hiện hữu của Giáo Hội mà thôi, tức là giao phó cho người kế nhiệm Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng, và cho các giám mục hiệp thông với Ngài. Cũng thuộc về Huấn Quyền vốn được ơn đặc sủng về chân lý trong quá trình phục vụ Lời Chúa là nhiệm vụ minh định tín lý vốn là những sự trình bày chân lý ẩn tàng trong thiên khải. Huấn Quyền cũng vươn tới phạm vii những chân lý gắn kết mật thiết với thiên khải.

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC, 890) dạy rắng nhiệm vụ của Huấn Quyền là:

giữ gìn dân Thiên Chúa không sai đường và ly khai; và bảo đảm cho họ có khả năng tuyên xưng đức tin chân chính mà không mắc sai lầm. Do đó, bổn phận mục vụ của Giáo Quyền là chăm lo sao Dân Thiên Chúa tuân theo chân lý đã công bố. Để giúp hoàn thành nhiệm vụ náy, Đức Kitô ban cho các vị chủ chăn của Giáo Hội đặc ân bất khả ngộ (ơn không thể sai lầm) về những vấn đề tín lý và luân lý.

Ơn bất khả ngộ?

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC, 185) nói rõ rằng

Tính bất khả ngộ được thể hiện khi Đức Giáo Hoàng, với quyền của Vị Chủ Chăn Tối Cao của Giáo Hội, hoặc Hội Đồng Giám Mục, hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, nhất là khi kết hiệp trong một Công Đồng Chung, tuyên bố bằng sắc lệnh một vấn đề về đức tin hoặc luân lý. Tính bất khả ngộ cũng được thể hiện khi Đức Giáo Hoàng cùng các Giám Mục với Huấn Quyền bình thường của họ đều đồng thuận trong việc xác quyết một giáo huấn. Mọi tín hữu tôn trọng sự truyền dạy này bằng sự vâng phục tín lý.

Lưu ý rằng tính bất khả ngộ chỉ bao trùm một số hành vi và một số lời truyền dạy hoặc chân lý. Khi Đức Thánh Cha hoặc các giám mục nói về những vấn đề khác, tính bất khả ngộ không áp dụng vào đây.

Chúng ta có thể tìm tháy những lời dạy thuộc Huấn Quyền ở đâu?

Chúng ta biết được nội dung những lời dạy đó qua sự truyền dạy của giới có thẩm quyền của Giáo Hội vốn luôn luôn tiếp nối và tuân theo Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Thuyết cơ bản tách Kinh Thánh khỏi Thánh Truyền nhưng để sự diễn giải Kinh Thánh cho từng tín hữu, chủ yếu dựa theo nghĩa văn tự (nghĩa đen).

2.3 Kinh Thánh, Thánh Truyền và Huấn Quyền

Thánh Truyền, Kinh Thánh và Huấn Quyền liên quan với nhau ra sao?

Cả ba kết hợp chặt chẽ theo ý định của Thiên Chúa và sự phù trợ của Chúa Thánh Thần. Cả ba cùng xuất phát từ một căn nguyên và cùng hướng về một cứu cánh. Tin Lành giáo đưa sự thiên khải (sự mạc khải của Chúa) vào Kinh Thánh mà thôi. Nhưng thử hỏi có gia đình nào đặt ra các qui tắc rồi lại để con cái diễn giải chúng; có nước nào công bố hiến pháp rồi để cho công dân chú giải hiến pháp đó?

Nội dung Thiên Khải đã được đóng ân bởi sự chết của vị tông đồ sau cùng vì Đức Kitô mạc khải về Ngài cho các tông đồ theo cách thức đặc biệt. Không một chân lý mới nào có thể được thêm vào. Những sự mạc khải riêng, mặc dù được chấp thuận, không thuộc kho tàng tín lý mạc khải. Vai trò của những mạc khải riêng không phải là làm tốt đẹp hơn hay bổ sung cho sự mạc khải của Đức Kitô, nhưng giúp cho sự mạc khải này thể hiện trọn vẹn hơn trong một giai đoạn lịch sử nào đó.

Kho tàng tín lý mạc khải thì không thay đổi và chân lý mạc khải thì không biến dịch. Tất cả giáo lý mà Huấn Quyền truyền dạy đều chứa trong kho tàng tín lý mạc khải.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể tiến xa hơn trong sự hiểu biết và lĩnh hội chân lý mạc khải. Chúng ta có thể biết về những chân lý siêu nhiên với ánh sáng mới và sự thông hiểu sâu xa hơn.

2.4 Về mầu nhiệm và tín điều

Mầu nhiệm là gì?

Mầu nhiệm là những chân lý mạc khải vượt quá khả năng của lý trí chúng ta; những chân lý này liên quan đến trật tự siêu nhiên và chúng ta không thể biết được nếu Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta.

Còn về tín điều?

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC, 88) dạy:

Huấn Quyền của Giáo Hội thực thi quyền đã nắm giữ từ Đức Kitô ở mức độ đầy đủ nhất khi Huấn Quyền xác quyết những tín điều, tức là khi đưa ra những chân lý có trong Thiên Khải bằng một hình thức có tính bắt buộc mọi tín hữu Kitô giáo phải tuân theo triệt để; hoặc khi xác quyết những chân lý liên quan mật thiết với Thiên Khải.

Tín điều là những chân lý mạc khải liên quan tới trật tự tự nhiên hoặc siêu nhiên mà Giáo Hội minh định như thế, chẳng hạn như sự có Hỏa Ngục; tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội; tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC) viết thêm:

Có mối liên kết hữu cơ giữa đời sống tâm linh của chúng ta và tín lý (tín điều). Tín lý là ánh sáng trên con đường sống đức tin; chúng rọi sáng và tạo an toàn cho con đường này.Ngươc lại, nếu cuộc sống chúng ta chính trực, trí năng và lòng chúng ta sẽ đón nhận ánh sáng chiếu soi bởi tín lý. (xem Gioan 8:31-32)

Chúng ta có thể tìm bản tóm tắt những tín lý quan trọng nhất ở đâu?

Chúng ta tìm trong Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ (Apostles' Creed).

Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ bao gồm những tín điều mà các Tông Đồ và những Kitô hữu thời giáo hội sơ khai đã tin vì chính Chúa Giêsu phán truyền cho họ những điều này.

Phải chăng tin các tín lý này là đủ để được cứu rỗi?

Nếu tôi nói với mẹ tôi là tôi tin bà là mẹ tôi rồi không làm gì thêm nữa thì mẹ tôi hẳn sẽ rất bất hạnh. Tin chỉ là khởi đầu của cuộc hành trình. Nó tựa như có trước mặt chúng ta một tấm bản đồ chỉ rõ từng vùng đất.

Sống đời sống Kitô hữu có nghĩa là nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. Càng hiểu biết Thiên Chúa nhiều hơn, chúng ta càng thêm yêu mến và phụng sự Ngài. Lòng yêu mến làm rực lên trong chúng ta khát vọng tìm hiểu Thiên Chúa nhiều hơn nữa; chuẩn bị tinh thần chúng ta cho những suy niệm và nghiên cứu cần thiết, và tạo trong chúng ta niềm tôn kính Thánh Thần.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược, 6-24.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo, 50-142.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Two: Fundamental Dogmatic Theology, Chapters 15-21. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 59-143.
    • William G Most, Catholic Apologetics Today. Answers to Modern Critics, Chapter 17 "Protestant Scripture Alone". Illinois: Tan Books, 1986, pp 101-105.
    • John Salza, The Biblical Basis for the Catholic Faith, Chapter 1 "The Bible and the Problem of Sola Scriptura". Indiana: Our Sunday Visitor, 2005, pp 13-39.
    • Peter MJ Stravinskas, The Catholic Church And The Bible, Chapter 1 "The Word of the Lord" and Chapter 2 "The Church's Scriptures" San Francisco: Ignatius Press, 1987, pp 11-26, 27-56.

Websites

Back to Contents