Bài 05: Một Thiên Chúa, Ba Ngôi Vị

Câu hỏi hướng dẫn

  • Thuật ngữ "mầu nhiệm" mang ý nghĩa gì trong Thần Học Công Giáo?
  • Mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu là gì?
  • Mầu nhiệm này có thực sự quan trọng như thế không?
  • Chúng ta có thể tìm thấy mầu nhiệm đó ở nơi nào trong Kinh Thánh?
  • Các Kitô hữu tiên khởi có tin mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?
  • Chúng ta có thể dùng lý trí để hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi hay không?
  • Sự sai phái của Thiên Chúa (Divine Missions) là gì? Sự đó quan trọng thế nào đối với đời sống tâm linh?
  • Ba Ngôi có hành xử như ba Thiên Chúa hay không?
  • Chúng ta gắn bó thế nào với Ba Ngôi Thiên Chúa?

1. Mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh

Mầu nhiệm là gì? Trong Thần Học, thuật ngữ "mầu nhiệm " nói đến những chân lý do Thiên Chúa mạc khải vượt quá khả năng lĩnh hội của lý trí thuần túy. Mầu nhiệm là những chân lý mà lý trí con người không thể hiểu thấu; chỉ bằng đức tin, con ngưởi chấp nhận những gì Thiên Chúa phán dạy.

Phải chăng "mầu nhiệm" cũng giống như "một điều gì đó mà chúng ta không biết được"? Không phải. Có nhiều điều trí óc chúng ta biết được, hiểu được, nhưng vì những lý do nào đó, chúng ta không biết được. Những điều này là điều không biết một cách ngẫu nhiên. Nói cách khác, làm sao chúng ta biết được những sự việc trong tương lai; những sự việc ở cách xa chúng ta; hoặc những điều được che đậy, giấu kín đối với chúng ta. Nhưng trí óc chúng ta có thể hiểu những điều đó khi tiếp cận chúng, hoặc khi nghe ai kể.

Phải chăng "mầu nhiệm" là "điều chúng ta không thể lĩnh hội hoặc thấu hiểu"? Theo ngôn ngữ thần học thì câu trả lời là "không". Vì chúng ta không thể hiểu hoàn toàn ngay cả những điều mà chúng ta biết được bằng lý trí thuần túy (không nhờ vào đức tin). Thậm chí cho đến ngày nay, chúng ta vẫn chưa hiểu hết được về các thành phần vô cơ cấu tạo nên thế giới vật chất. Khoa học vẫn tiếp tục giải mã "những mầu nhiệm" về các hạt trong nguyên tử, các hạt dưới nguyên tử, về chất liệu gien, về khí hậu thế giới,…

1.1 Mầu nhiệm này nói gì?

Chúng ta tin rằng chỉ có một Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Ngôi Cha là Thiên Chúa, Ngôi Con là Thiên Chúa, và Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa. Nhưng Ngôi Cha không là Ngôi Con cũng không là Ngôi Thánh Thần. Ngôi Con không là Ngôi Cha cũng không là Ngôi Thánh Thần. Ngôi Thánh Thần không là Ngôi Cha cũng không là Ngôi Con; cả ba Ngôi Vị riêng biệt. Nhưng không phải là ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Mầu nhiệm nằm ở điều này.

Vì sao đó lại là mầu nhiệm? Chúng ta hãy xem thí dụ sau. Có 3 người: Joe, John và James. Joe là một người; John là một người; và James là một người. Như thế là 3 người; và là 3 đàn ông. Trong trường hợp Ba Ngôi Cực Thánh thì không phải như thế. Ngôi Cha là Thiên Chúa, Ngôi Con là Thiên Chúa, Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa. Đó là ba Ngôi Vị. Nhưng ba Ngôi Vị này không là ba Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm, là chân lý mà chúng ta không thể biết, không thể hiểu thấu nếu Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta.

1.2 Mầu nhiệm này quan trọng như thế nào đối với các tín hữu chúng ta?

Giáo Lý Công Giáo (GLCG), mục 234 viết:

Mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đó là mầu nhiệm về chính Thiên Chúa. Vì thế, mầu nhiệm này là khởi nguyên của tất cả mầu nhiệm đức tin khác; là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm đó. Mầu nhiệm này là lời dạy căn bản nhất và thiết yếu nhất trong "bậc thang chân lý đức tin" (hierachy of the truths of faith) [Hướng Dẫn Giáo Lý Chung, 43]. Toàn bộ lịch sử cứu chuộc tương đồng với lịch sử về cách thức và phương thế mà qua đó Thiên Chúa thật và duy nhất có ba ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con, Và Ngôi Thánh Thần tỏ lộ chính Ngài cho con người,"và giải hòa và kết hiệp với Ngài tất cả những ai xa lánh tội lỗi". [Hướng Dẫn Giáo Lý Chung, 47].

Có hai điểm cần lưu tâm:

    1. Đây là trung tâm của mọi chân lý đức tin. Mầu nhiệm này là mầu nhiệm trọng yếu đối với chúng ta vì nó liên quan tới đời sống nội tâm của Thiên Chúa. Không điều nào quan trọng hơn thế nữa. Tất cả những mầu nhiệm khác là phụ so với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. (Mầu nhiệm quan trọng bậc nhì là mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể. Chúng ta sẽ khảo cứu trong bài khác).
    2. Mầu nhiệm này cũng là trung tâm của lịch sử cứu chuộc. Không những Đức Tin của chúng ta mà cả lịch sử cứu chuộc đều xoay quanh mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Lịch sử về cách con người được cứu độ thể hiện hoạt động của Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần trong lịch sử loài người. Chúng ta nhận ra hoạt động của Chúa Cha trong Cựu Ước, của Chúa Con trong Tin Mừng, và của Chúa Thánh Thần từ Ngày Lễ Ngũ Tuần cho tới nay. Hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng Ba Ngôi Thiên Chúa đều liên quan trong công cuộc cứu độ và thánh hóa mọi người.

Về sự liên quan của Thiên Chúa Ba Ngôi trong công cuộc cứu độ và thánh hóa chúng ta, chúng ta có thể dùng phép suy diễn tương đồng như sau. Sự việc chúng ta trở nên thành phần trong nhà của Thiên Chúa ở nước Trời giống như một dự án lớn. Sự kiện chúng ta được biến đổi từ tội nhân trở thành thánh nhân là một dự án cao vọng nhất từng có trong lịch sử loài người. Mỗi Ngôi giữ một vai trò trong đại dự án này.

    1. Dự án nào cũng cần có kế hoạch. Ngôi Cha, Đấng "đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi " (Khôn Ngoan 11.20) là Đấng hoạch định dự án đó.
    2. Dự án nào cũng cần tài chính. Đức Giêsu Kitô đã thanh toán mọi phí tổn bằng chính mạng sống của Ngài, mặc dù kế hoạch của Ngôi Cha kêu gọi sự đóng góp nhỏ nhoi của chúng ta: "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh " (Côlôsê 1:24). Dự án nào cũng cần mô hình mẫu để xác định thành quả. Đức Giêsu Kitô đóng vai trò này. Ngài là khuôn mẫu sống về cách thức mà một người con đích thực của Thiên Chúa, một vị thánh phải như thế nào. Chúng ta muốn nên thánh ư? Hãy suy ngẫm về cuộc đời Đức Kitô. Hãy noi gương Ngài. Bởi thế, Đức Giêsu đã nói với chúng ta:"Hãy học nơi Ta " (Mátthêu 11:29).
    3. Dự án nào cũng cần có người thực hiện. Đây là vai trò mà Ngôi Thánh Thần thể hiện. Ngài hoạt động trong linh hồn chúng ta để hun đúc, tạo lập chúng ta theo hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá. "Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa " (Rôma 8:14).

Kết quả thực tiễn của sự suy diễn trên là nơi thế trần này, chúng ta cần tôn kính từng Ngôi Thánh sao cho chúng ta có thể đạt đến điều mà Giáo Hoàng Benedict XVI gọi là "khoảnh khắc viên mãn… trong đó chúng ta ngây ngất với niềm hân hoan". (Spe Salvi, 12).

2. Chúng ta tìm chỗ nào trong Kinh Thánh nói về Thiên Chúa Ba Ngôi

2.1 Các bản văn Cựu Ước nói về Thiên Chúa Ba Ngôi

Trong Cựu Ước không có sự tỏ lộ rõ ràng nào về Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ này mà Do Thái giáo hiện nay vẫn chưa tin Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, cũng có một số gợi ý về Ba Ngôi Thiên Chúa mà chúng ta có thể đọc thấy trong Cựu Ước. Chúng ta có thể đọc thấy trong những đoạn nói về Con Thiên Chúa. Thánh Vịnh 2:7 viết: "Ngươi là con Ta. Hôm nay Ta đã sinh con". Cũng có những đoạn nói về Đức Khôn Ngoan (Divine Wisdom), về Ngôi Lời, và về Thần khí của Thiên Chúa. (Xem thêm Sách Cách Ngôn 8:22‑31; Sách Khôn Ngoan 7:25‑27; 9:17).

Chúng ta có thể nhận ra sự ám chỉ về Thiên Chúa Ba Ngôi trong cách dùng ngôn từ ở hình thức số nhiều. ("Chúng ta hãy tạo dựng con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta ..." Sáng Thế Ký 1:26, xem thêm Sáng Thế Ký 3:22 và 11:7), và cách dùng hình thức số nhiều trong tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ) để nói về danh xưng của Thiên Chúa, Elohim "Đấng Tối Cao" nhưng với nghĩa số ít.

2.2 Những bản văn Tân Ước nói về Thiên Chúa Ba Ngôi

Chính Đức Giêsu phán dạy chúng ta về Thiên Chúa Ba Ngôi bằng những lời lẽ rất rõ ràng. G.H Joyce viết trong Catholic Encyclopedia (Bách Khoa Công Giáo):

Trước tiên, Ngài dạy chúng ta nhận ra chính Ngài là Con Thiên Chúa Hằng Hữu. Khi sứ mệnh của Ngài sắp kết thúc, Ngài hứa rằng Chúa Cha sẽ phái một Ngôi Thiên Chúa khác, là Chúa Thánh Thần, đến thay thế Ngài. Cuối cùng, sau khi phục sinh, Ngài trình bày giáo lý này bằng những từ ngữ minh bạch; Ngài sai các Tông Đồ "hãy đi và giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần" (Mátthêu 28:18). Sức mạnh của đoạn này rất rõ. "Ngôi Cha", "Ngôi Con" là những Ngôi riêng biệt, và theo sau từng từ riêng biệt. Sự nói đến Chúa Thánh Thần trong cùng câu văn, các danh xưng được kết nối lần lượt bằng liên từ "và … và" chính là bằng chứng rằng chúng ta có Ngôi Ba Thiên Chúa kết hợp với Ngôi Cha và Ngôi Con; đồng thời loại bỏ giả thuyết cho rằng các Tông Đồ đã hiểu Thánh Thần không phải là Ngôi vị riêng biệt, mà hiểu là chính Thiên Chúa tỏ lộ trong hoạt động của Ngài nơi thụ tạo.

Có nhiều đoạn nói về từng Ngôi riêng biệt; và cũng có những đoạn nói về cả ba Ngôi. Chúng ta có thể trích dẫn một số đoạn sau:

    • Luca 1:35 :"Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa ".
    • Mátthêu 28:19. "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ".
    • II Côrintô 13:13. "Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa (Chúa Cha), và ơn hiệp thông của Thánh Thần ".
    • I Gioan 5:7. "Có ba chứng nhân trên nước Trời: Ngôi Cha, Ngôi Lời, và Ngôi Thánh Thần; cả ba Ngôi là một ".

2.3 Thiên Chúa Ba Ngôi trong Kinh Tin Kính

Tất cả sự Tuyên Tín (sự tuyên xưng Đức Tin) từ thời Giáo Hội tiên khởi cho tới thời đại chúng ta đều tuyên xưng sự tin kính Ba Ngôi và một Thiên Chúa duy nhất.

"Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng … Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Kitô … Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần … "

Chúng ta cũng nhận ra Thiên Chúa Ba Ngôi trong đa số những kinh nguyện căn bản, chẳng hạn như Dấu Thánh Giá, Kinh Sáng Danh.

"Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Amen". (Lưu ý là chúng ta không đọc: "Nhân các danh của Chúa Cha, của Chúa Con, và của Chúa Thánh Thần ", mả chỉ đọc:"Nhân danh … " [chỉ một danh]. Điều này chứng tỏ chúng ta nguyện cầu nhân danh một Thiên Chúa duy nhất).

"Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần …"

Một trong những Kinh Tin Kính đầy đủ nhất, và cực kỳ hữu ích cho sự thảo luận của chúng ta là Kinh Tin Kính Atanasiô (Athanasian Creed). Tương truyền rằng Kinh này do Thánh Athanasius trước tác vào thế kỷ 4 hoặc 5. Bản kinh này rất dài, chủ yếu tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể.

3. Áp dụng lý trí (triết học) vào Thần Học

3.1 Những nền tảng Kinh Thánh cho các luận bàn triết học

Tài liệu tham khảo quan trọng nhất cho sự luận bàn triết học về Thiên Chúa Ba Ngôi nằm trong cuốn Summa Theologiae (Tổng Luận Thần Học) của Thánh Thomas Aquinas (phần I, các câu hỏi từ 27 tới 43).

Thuật ngữ nhiệm xuất (procession) được Thánh Thomas trích dẫn từ Tin Mừng Thánh Gioan (8:42) chép lời Đức Giêsu Kitô nói: "Tôi phát xuất từ Thiên Chúa và từ Thiên Chúa mà đến ". (Xem thêm Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 27, mục 1)

Thuật ngữ nhiệm sinh (generation) cũng áp dụng cho Ngôi Con, và Thánh Thomas dùng các từ ngữ trong Thánh Vịnh (2:7) "Hôm nay Ta đã sinh con ". (Xem thêm Summa Theologiae, phần I, câu hỏi, mục 2)

Ngoài sự nhiệm sinh, còn có một sự nhiệm xuất khác. Thánh Thomas viết trong Summa Theologiae (phần I, câu hỏi 27, mục 3):

Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha (Gioan 15:26); và Ngài khác với Chúa Con, theo như lời sau: "Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi ". (Gioan 14:16). Vì thế, từ Thiên Chúa, ngoài sự nhiệm xuất Ngôi Lời, còn hiện hữu một sự nhiệm xuất khác nữa.

Sau đó, Thánh Thomas trình bày luận điểm rằng sự nhiệm xuất thứ nhất (sự nhiệm xuất Ngôi Con) là bằng trí hiểu; sự nhiệm xuất thứ hai (sự nhiệm xuất Ngôi Thánh Thần) là bằng yêu thương:

Sự nhiệm xuất Ngôi Lời là bằng hoạt động trí hiểu. Hoạt động của ý chí trong chúng ta cũng liên quan tới một sự phát xuất khác nữa; đó là sự phát xuất yêu thương; theo đó, đối tượng được yêu thương ở trong chủ thể yêu thương; tương tự như thế, theo khái niệm về ngôn từ, đối tượng được nói tới, được thấu hiểu nằm trong chủ thể hiểu biết. Vì thế, từ Thiên Chúa, ngoài sự nhiệm xuất Ngôi Lời, còn hiện hữu một sự nhiệm xuất khác mang danh là sự nhiệm xuất yêu thương.

Chi tiết về vấn đề này sẽ được trình bày sau đây.

3.2 Những sự nhiệm xuất từ trí hiểu và yêu thương

Thế nào là sự nhiệm xuất Chúa Con từ Chúa Cha bằng hoạt động trí hiểu?

Để hiểu về sự nhiệm xuất Chúa Con từ Chúa Cha, chúng ta cần tìm hiểu bằng cách nào con người chúng ta biết điều này điều kia. Khi ai đó giải thích một điều mới mẻ đối với chúng ta, thì sau khi giải thích xong, người đó thường hỏi xem chúng ta có hình thành một ý tưởng hoặc khái niệm về điều mà người đó nói hay không. Ý tưởng hoặc khái niệm nằm trong trí chúng ta, và nó giống i tạc điều đã được giải thích cho chúng ta.

Khi chúng ta nhận biết mọi thứ chung quanh mình, thì theo thời gian, chúng ta cũng nhận biết về chính chúng ta; chúng ta bắt đầu hình thành một ý niệm về bản thân mình. Và chúng ta mong rằng ý niệm đó trong trí chúng ta giống hệt con người thực của mình. Theo thời gian, ý niệm này trở nên phong phú hơn nhờ kinh nghiệm của chúng ta và nhờ sự phản hồi từ tha nhân. Thánh Thomas Aquinas gọi ý tưởng hoặc khái niệm nội tâm này là "lời". Đây là một trong ba ý nghĩa của chữ "lời" trong Tổng Luận Thần Học của Thánh Thomas. (xem thêm Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 34, mục 1). Để tránh lầm lẫn, chúng ta dùng thuật ngữ "lời trí tuệ" (mental word; verbum mentis) để chỉ ý niệm này.

Thiên Chúa (Đấng ban cho chúng ta trí tuệ) cũng hiểu về chính Ngài; Thiên Chúa có ý niệm về chính Ngài. Khác với chúng ta là những người có ý niệm chưa hoàn thiện về bản thân mình, Thiên Chúa hiểu trọn vẹn về chính Ngài. Ý niệm xuất phát từ sự hiểu này là điều mà chúng ta gọi là "Ngôi Lời". Ngôi Lời toàn hảo như Chúa Cha. Ngôi Lời là chân, thiện, mỹ, và hằng hữu như Chúa Cha. Ngôi Lời là Thiên Chúa.

Bởi thế, Thánh Gioan đã nói với chúng ta trong chương thứ nhất sách Tin Mừng của Ngài:

(1) Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời.

Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa,

và Ngôi Lời là Thiên Chúa.

(2) Lúc khởi đầu, Người ở nơi Thiên Chúa.

(3) Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành. …

(14) Ngôi Lời đã trở nên người phàm

và cư ngụ giữa chúng ta.

Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người,

vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người,

là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Thế nào là sự nhiệm xuất Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con bằng yêu thương?

Ngoài trí năng, chúng ta còn có ý chí. Khi chúng ta nhận thức một điều nào đó là hay, là tốt đẹp, chúng ta bị thu hút bởi điều đó; và rồi chúng ta yêu thích nó. Trong trường hợp của Thiên Chúa, như chúng ta vừa trình bày ở trên, Chúa Con là sự phản ánh toàn hảo của Chúa Cha. Sự cực tốt cực lành của Chúa Cha được phản ánh nơi Chúa Con. Tình yêu phát sinh. Thánh Thomas trích dẫn lời của Thánh Augustine: "Chúa Thánh Thần là Đấng mà từ Đấng này Đấng Được Sinh Ra yêu mến Đấng Sinh Ra và cũng được Đấng Sinh Ra yêu mến (De Trinitate, vi, 5)." (Xem Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 37). Chúa Thánh Thần là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con.

3.3 Hai sự nhiệm xuất, bốn sự liên hệ tương quan, và Ba Ngôi nơi Thiên Chúa

Để dùng trí óc nhằm hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi, điều quan trọng là chúng ta phải nắm vững các thuật ngữ chúng ta sử dụng. Các thuật ngữ này được Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) giải thích rõ ràng. GLCG dạy:

251 Để giải thích rõ về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội đã đưa ra thuật ngữ riêng với sự trợ nghĩa của một số khái niệm triết học:"bản thể" (substance), "ngôi" (person) hoặc "ngôi vị" (hypostasis),… Làm điều này, Giáo Hội không để tín lý được hiểu theo trí khôn của loài người, nhưng đã tạo cho các thuật ngữ đó một ý nghĩa mới chưa từng có; và từ đó trở đi, chúng được dùng để nói về mầu nhiệm cực trọng,"hoàn toàn vượt xa mọi điều mà con người chúng ta hiểu được". [Paul VI, Sự Tuyên Tín Long Trọng: Tín Lý Của Dân Thiên Chúa, số 2].

252 Giáo Hội dùng (I) thuật ngữ "bản thể" để nói về bản tính Thiên Chúa (divine being) với nghĩa đồng nhất của từ đó; (II) thuật ngữ "ngôi" hoặc "ngôi vị" để nói về Ngôi Cha, Ngôi Con, và Ngôi Thánh Thần với danh xưng riêng biệt, và (III) thuật ngữ "sự liên hệ tương quan" (relation) để chỉ rõ rằng sự riêng biệt đó nằm trong mối tương quan của từng Ngôi đối với nhau.

    • hai sự nhiệm xuất (processions) từ Thiên Chúa: sự nhiệm sinh và sự nhiệm xuất từ yêu thương (spiration).
    • Từ hai sự nhiệm xuất này phát sinh bốn sự liên hệ tương quan: cương vị người cha (paternity); địa vị người con (filiation); sự yêu thương; và phát xuất từ yêu thương. (Mối quan hệ đích thực thường có các thành tố sau đây: (i) chủ thể, mà từ đó mối quan hệ được hình thành; (ii) mục đích tối hậu (terminus), mà chủ thể gắn kết; (iii) nền tảng của mối quan hệ; và (iv) bản thân mối quan hệ ).
      • Sự nhiệm sinh (generation) là thuật ngữ nói về cách Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha.
      • Từ sự nhiệm sinh hình thành sự liên hệ tương quan giữa hai cương vị con và cha.
      • Sự nhiệm xuất từ yêu thương (spiration of love) (nói theo lời của Thánh Thomas) là thuật ngữ nói về cách Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con bởi tình yêu giữa hai Ngôi Thiên Chúa này.
      • Từ sự nhiệm xuất từ yêu thương nảy sinh mối quan hệ giữa sự yêu thương (active spiration) và sự phát xuất từ yêu thương (passive spiration).
    • Nếu xem xét từng mối quan hệ này, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cương vị người cha làm cho Chúa Cha khác với Chúa Con và khác với Chúa Thánh Thần; địa vị làm con làm cho Chúa Con khác với Chúa Cha và khác với Chúa Thánh Thần; sự nhiệm xuất từ yêu thương làm cho Chúa Thánh Thần khác với Chúa Cha và Chúa Con. Ba sự liên hệ tương quan này được gọi là sự đối hệ (relations of opposition).
    • Có mấy Ngôi nơi Thiên Chúa thì có bấy nhiêu sự đối hệ. Sự đối hệ là những quan hệ phân định rõ Ngôi này đối với hai Ngôi kia. Trong bốn sự liên hệ tương quan thì chỉ có ba đối hệ: đó là cương vị người Cha (paternity); địa vị người con (filiation); và sự phát xuất từ yêu thương. Vì sao sự yêu thương không là sự đối hệ? Vì, mặc dù nó phân biệt Chúa Cha và Chúa Con với Chúa Thánh Thần, nhưng không phân biệt Chúa Cha với Chúa Con.
    • Sự đối hệ là điều tạo nên các Ngôi Vị. Đối hệ của cương vị người cha là Ngôi Cha; của địa vị người con là Ngôi Con; và của sự phát xuất từ yêu thương là Ngôi Thánh Thần.
    • Chúng ta có thể khái quát như sau: sự nhiệm xuất --> sự liên hệ tương quan ---> Ngôi Vị.

GLCG (255) viết:

Các Ngôi Thiên Chúa tương quan với nhau. Điều này không phân chia duy nhất tính của Thiên Chúa nên sự phân biệt thực sự giữa các Ngôi Vị chỉ nằm trong sự liên hệ tương quan giữa các Ngôi với nhau: "Xét theo danh vị tương quan của các Ngôi, thì Ngôi Cha tương quan với Ngôi Con, Ngôi Con tương quan với Ngôi Cha, và Ngôi Thánh Thần tương quan với cả Ngôi Cha và Ngôi Con. … Thực ra, "mọi sự nơi Ba Ngôi là một và không có sự khác biệt về những sự tương quan". [Công Đồng Florence (1442): DS 1330]. "Vì duy nhất tính của Thiên Chúa nên Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, và hoàn toàn trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hoàn toàn trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha và hoàn toàn trong Chúa Con". [Công Đồng Florence (1442): DS 1331]

4. Sự sai phái của Thiên Chúa (divine mission)

Chữ "mission" xuất phát từ chữ Latin có nghĩa là "sai đến; phái đến". Nơi đến của sự sai phái này là những người hưởng hồng ân thánh hóa. Thánh Thomas Aquinas giảng giải (Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 43, mục 6):

Theo Thánh Augustine (De Trinitate, iii, 4; xv, 27), sự sai phái thiêng liêng là sự sai đến vì ơn thánh hóa của loài thụ tạo. Bây giờ mọi thụ tạo có ân sủng đã được thánh hóa nên sự sai phái thiêng liêng hướng đến từng thụ tạo như thế.

Chúng ta biết rằng Thiên Chúa hiện hữu trong mọi thụ tạo qua việc Ngài tác tạo chúng. Nhưng sự sai đến là hình thức hiện hữu mới của Thiên Chúa trong linh hồn của người lãnh nhận hồng ân.

Sự sai phái tiếp theo sau sự nhiệm xuất: Chúa Con phát xuất từ Chúa Cha, và được Chúa Cha sai phái đến với loài người; Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, và được Chúa Cha và Chúa Con sai phái đến với loài người. Nghiên cứu kỹ về Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy Chúa Con được Chúa Cha sai đến, và Chúa Thánh Thần được sai đến bởi Chúa Cha và Chúa Con.

4.1 Chúa Con được sai đến.

    • Mátthêu 15:24. Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi".
    • Gioan 8:42. Ðức Giêsu bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi".

4.2 Chúa Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con sai đến.

    • Gioan 15:26. "Khi Ðấng Bảo Trợ đến, Ðấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy…"
    • Gioan 14:26. "Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em".

4.3 Còn Đức Chúa Cha?

Chúa Cha có được sai đến hay không? Lời của Thánh Augustine qua sự trích dẫn của Thánh Thomas trong Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 43, mục 4: "Chỉ riêng Chúa Cha chưa hề được mô tả là Đấng được sai phái". (De Trinitate, ii, 3)

5. Ba Ngôi là một Thiên Chúa

GLCG (253) dạy:

Ba Ngôi là Một Thiên Chúa. Chúng ta không tuyên xưng ba Thiên Chúa, nhưng tuyên xưng một Thiên Chúa có Ba Ngôi,"Ba Ngôi đồng bản thể" [Công Đồng Constantinople II (553): DS 421]. Các Ngôi Thiên Chúa không chia sẻ thiên tính duy nhất giữa họ, nhưng mỗi Ngôi đều là Thiên Chúa: "Ngôi Cha là Thiên Chúa như Ngôi Con; Ngôi Con là Thiên Chúa như Ngôi Cha; Ngôi Cha và Ngôi Con là Thiên Chúa như Ngôi Thánh Thần; tức là, theo bản tính, là một Thiên Chúa". [Công Đồng Toledo XI (675): DS 530:26]. Nói theo ngôn từ của Công Đồng Lateran IV (1215): "Mỗi Ngôi là hữu thể tối cao, tức là bản thể, yếu tính hoặc bản tính Thiên Chúa". [Công đồng Lateran IV (1215); DS 804].

GLCG (258) cũng dạy chúng ta:

Toàn bộ nhiệm cuộc là công việc chung của cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì Ba Ngôi có cùng một bản thể nên có cùng một hoạt động:"Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là ba căn nguyên tạo tác mà chỉ là một căn nguyên ". [Công Đồng Florence (1442): DS 1331; tham khảo thêm Công Đồng Constantinople II (553): DS 421]. Tuy nhiên, mỗi Ngôi thực hiện công việc chung này tùy theo thuộc tính riêng của từng Ngôi. Vì vậy, dựa theo Tân Ước, Giáo Hội tuyên xưng "một Thiên Chúa, và Đức Chúa Cha mà từ Người muôn vật hiện hữu, và Đức Chúa Giêsu Kitô mà nhờ Người muôn vật hiện hữu, và Đức Chúa Thánh Thần mà trong Người muôn vật hiện hữu ". [Công Đồng Constantinople II: DS 421]. Chính sứ mệnh Nhập Thể của Chúa Con, và ân điển của Chúa Thánh Thần thể hiện rõ các thuộc tính của Ba Ngôi Thiên Chúa.

* (Nhiệm cuộc [economy] là hoạt động cứu độ của Thiên Chúa nơi trần gian)

GLCG nhắc lại điểm này ở mục 267:

Không thể phân chia về bản thể, Ba Ngôi Thiên Chúa cũng không thể phân chia trong hoạt động. Tuy nhiên, khi hoạt động, mỗi Ngôi thể hiện thuộc tính riêng trong Thiên Chúa Ba Ngôi, rõ ràng nhất là sứ mệnh Nhập Thể của Ngôi Con, và ân điển của Ngôi Thánh Thần.

6. Đời sống siêu nhiên là sự dự phần vào đời sống Thiên Chúa

Vậy thì Kitô hữu sẽ làm gì sau khi học hỏi về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi? GLCG dạy như sau (mục 259 và 260):

Vừa có tính chung vừa có tính riêng, toàn bộ nhiệm cuộc tỏ lộ thuộc tính riêng của từng Ngôi Thiên Chúa và một bản thể duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, toàn bộ cuộc sống Kitô hữu là sự hiệp thông với từng Ngôi Thiên Chúa, nhưng không phân biệt. Ai vinh danh Chúa Cha sẽ làm điều đó nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Ai theo Đức Kitô sẽ làm điều đó vì Chúa Cha lôi kéo họ và Chúa Thánh Thần tác động họ. (Xem thêm Gioan 6:44; Thư Rôma 8:14).

Mục đích tối hậu của toàn bộ nhiệm cuộc là sự hòa nhập của thụ tạo bởi Thiên Chúa vào sự hiệp nhất toàn thiện của Thiên Chúa Ba Ngôi. (Xem thêm Gioan 17:21-23). Ngay cả lúc này chúng ta luôn được mời gọi trở nên nơi ngự của Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh:" Ðức Giêsu đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Gioan 14:23)

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi con kính thờ, xin giúp con biết hy sinh chính mình để dâng cuộc sống con trong tay Chúa, kiên tâm và bình an như thể linh hồn con được ở chốn hằng phúc. Xin đừng để sự gì phá tan sự bình an này của con hoặc làm cho con lìa xa Chúa. Lạy Chúa, xin hãy để từng phút giây đưa con thấm sâu mầu nhiệm của Chúa. Xin ban bình an cho linh hồn con. Hãy biến đổi linh hồn con thành thiên cung, thành nơi ngự và nghỉ ngơi yêu thích của Chúa. Xin đừng để con xa lánh Chúa, nhưng xin cho con luôn ở đó trọn vẹn và hoàn toàn, luôn canh thức với lòng kính tin, luôn thờ phượng và phó thác nơi sự tác tạo của Chúa. (Kinh nguyện cầu Thiên Chúa Ba Ngôi của Elizabeth Thánh Thiện).

Điều này đem lại cho chúng ta những gì khi chúng ta tham dự Hy Lễ Thánh nơi bàn thờ? Thánh Josemaría giảng giải:

Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta sẽ biết cách khắc sâu tình thân của chúng ta với từng Ngôi trong Ban Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha sinh Chúa Con; Chúa Con được sinh bởi Chúa Cha; Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Khi chúng ta đến gần với bất cứ Ngôi nào trong Ba Ngôi Thiên Chúa là chúng ta đền gần với một Thiên Chúa duy nhất. Và khi chúng ta đến gần với cả Ba Ngôi – Cha, Con, và Thánh Thần, chúng ta hòa nhập vào sự hiện hữu của duy nhất một Thiên Chúa thật. Này các con, hãy yêu mến Thánh Lễ. Và khao khát đón nhận sự hiệp thông với Thiên Chúa. dù lòng còn nguội lạnh, dù cảm xúc chưa tương ứng với niềm khát khao. Hãy đón nhận sự hiệp thông bằng đức tin, đức cậy và đức mến nồng cháy. (Trích từ "The Eucharist, Mystery of Faith and Love" [Bí Tích Thánh Thể, Mầu Nhiệm Đức Tin Và Đức Mến] trong Christ is Passing By, mục 91, của Thánh Josemaría Escrivá).

Ngài cũng giảng về cách mà chúng ta phát hiện chân trời mới trong sự cầu nguyện của chúng ta.

Lúc này lòng trí chúng ta cần phân biệt và tôn thờ từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Như đã từng làm, linh hồn chúng ta thực hiện sự khám phá đời sống siêu nhiên tựa như trẻ nhỏ mở mắt ra nhìn thế giới quanh mình. Với lòng kính yêu, linh hồn dành mọi thời khắc cho Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, và sẵn sàng vâng theo công cuộc của Đấng An Ủi (Paraclete) ban sự sống, Đấng ban chính Ngài cho chúng ta trong khi chúng ta không có chút công trạng gì, đồng thời ban cho chúng ta những ơn của Ngài cùng các nhân đức siêu nhiên! (Trích từ Towards Holiness [Về Sự Nên Thánh], trong Friends of God [Bạn Hữu Của Thiên Chúa], mục 306, của Thánh Josemaría Escrivá).

Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng, và bây giờ, và hằng có, và đời đời chẳng cùng. Amen.

Đọc Thêm

    • Compendium of the Catechism of the Catholic Church, nos. 44-49.
    • Catechism of the Catholic Church, nos. 232-267.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Three: Dogmatic Theology, Chapters 24-25. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 173-190.

Websites

    • Giáo Lý Công Giáo (GLCG) (Catechism of the Catholic Church)
    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL) (Compendium of the Catechism of the Catholic Church) (Taiwan Site) (US Site)
    • The Blessed Trinity (Catholic Encyclopedia)