Bài 04: Thiên Chúa là Đấng nào?

Câu hỏi hướng dẫn

  • Thiên Chúa là Đấng nào?
  • Thiên Chúa có những sự tốt lành nào?
  • Người có những khuyết điểm gì không?
  • Làm thế nào để mô tả hay cắt nghĩa về Thiên Chúa?
  • Hằng hữu (Vĩnh cửu) có nghĩa là gì?
  • Chúng ta có thể hiểu được Thiên Chúa không?
  • Ngôn ngữ của chúng ta khiếm khuyết, làm thế nào chúng ta có thể nói về Thiên Chúa?
  • “Làm con cái Thiên Chúa” có nghĩa là gì?

1.Thiên Chúa là Đấng hằng hữu

Yếu tính của một vật là cái tạo bản chất riêng cho vật ấy, và phân biệt nó với các loài hiện hữu khác. Yếu tính của Thiên Chúa là hiện hữu (latinh, esse), bản tính của ngài là chính hiện hữu. Trái lại, yếu tính của mọi vật khác là một loại hiện hữu nào đó. Yếu tính của con bò là con bò, của hoa hồng là hoa hồng, v.v... Nhưng yếu tính của Thiên Chúa là hiện hữu thuần tuý. Hiện hữu là cái làm cho Thiên Chúa là Thiên Chúa, và làm cho Thiên Chúa khác với mọi hữu thể khác. (Trong ngôn ngữ hằng ngày, chúng ta có thể dùng hai từ “hiện hữu” và “thực tại” như là đồng nghĩa. Trong bài này, khi bạn cảm thấy khó hiểu với các từ “hiện hữu” hay “hữu thể”, bạn cứ việc thay nó bằng “cái có thực” hay “thực tại”. Các từ này đồng nghĩa với nhau.)

Hiện hữu là hành vi cơ bản nhất trong mọi hành vi, là sự hoàn hảo cơ bản nhất trong mọi sự hoàn hảo. Không có hiện hữu thì không thể có cái gì khác, không thể có cái gì tồn tại, không thể có cái gì là thực tại.

1.1 Tên của Thiên Chúa

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL) nhắc chúng ta nhớ rằng trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải tên của Người cho ông Môsê (cũng xem sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) 205-207, 230-231). Trong sách Xuất hành (3:13-15), chúng ta đọc thấy:

13 Ông Mô-sê thưa với Thiên Chúa: "Bây giờ, con đến gặp con cái Ít-ra-en và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Ðấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?" 14 Thiên Chúa phán với ông Mô-sê: "Ta là Ðấng Hiện Hữu." Người phán: "Ngươi nói với con cái Ít-ra-en thế này: "Ðấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em." 15 Thiên Chúa lại phán với ông Mô-sê: "Ngươi sẽ nói với con cái Ít-ra-en thế này: Ðức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp, sai tôi đến với anh em. Ðó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia."

Vì người Do Thái không dám gọi đích danh tên cực thánh của Thiên Chúa, nên mỗi khi gặp chữ YHWH trong Sách Thánh, họ thường đọc thành ‘Adonai’ (tiếng Hi lạp là ‘Kyrios’), có nghĩa là ‘ĐỨC CHÚA’ (GLCG 209). (Trong bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh và một số bản tiếng Việt, khi từ ‘ĐỨC CHÚA’ viết chữ in hoa, có nghĩa là nguyên bản tiếng Hípri dùng từ YHWH. Khi viết bằng chữ thường, có nghĩa là nguyên bản tiếng Hípri dùng từ ‘Adonai’’. . .).

Tên gọi dùng để chỉ một người hay một vật là gì. Vì vậy khi chúng ta muốn hỏi ‘Thiên Chúa là Đấng nào?’ câu trả lời sẽ là: Thiên Chúa là Hiện Hữu, thuần tuý và đơn nhất. Tên gọi YHWH (‘Giavê’)—Đấng Hằng Hữu—chỉ về sự hằng hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn hiện hữu, Người luôn luôn có, Người đã hiện hữu thế nào trước kia thì cũng sẽ hiện hữu như vậy trong tương lai giống như Người đang hiện hữu bây giờ. Bất cứ cái gì hiện hữu đều phát xuất từ Người. Mọi vật hiện hữu nhờ nhận được sự hiện hữu từ Thiên Chúa. Chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều này bằng cách xem lại Bài 1 về sự hiện hữu của Thiên Chúa.

1.2 Tại sao mặc khải Danh Thiên Chúa là điều quan trọng?

Sách GLYL (số 40) trả lời:

Khi mặc khải Danh của Người, Thiên Chúa cho chúng ta biết sự phong phú chứa đựng trong mầu nhiệm khôn tả của hữu thể của Người. Một mình Người là Đấng hiện hữu từ muôn thuở đến muôn thuở. Người là Đấng dựng nên trời và đất. Người là vị Thiên Chúa trung thành, luôn luôn gần gũi Dân của Người, để cứu rỗi họ. Người là Đấng Thánh tuyệt đối, ‘giàu lòng thương xót’ (Ep 2:4), luôn sẵn sàng tha thứ. Người là Đấng duy nhất, thiêng liêng, siêu việt, toàn năng, hằng hữu, cá vị, và hoàn hảo. Người là sự thật và tình thương.

Nói khác đi, nhờ biết được tên của Thiên Chúa, chúng ta có thể biết được các thuộc tính và các khả năng của Người.

2. Các Ưu Phẩm của Thiên Chúa: Thiên Chúa là Đấng nào?

2.1 Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất

Duy nhất ở đây có hai nghĩa: thứ nhất, Thiên Chúa không có sự phân chia nơi chính Người (tính đơn nhất); và thứ hai, chỉ có một Thiên Chúa mà thôi (như đã nói trên). Để hiểu rõ hơn, chúng ta phải nhớ lại rằng Thiên Chúa là Hiện thể thuần tuý của Hữu thể.

2.1.1 Tính đơn nhất của Thiên Chúa: không phân chia—không có thành phần cấu tạo, vì Người là Tinh thần thuần tuý (phủ nhận sự phân chia)

Thánh Gioan (4:24) viết:

Thiên Chúa là Thần Khí. . .

Để hiểu tính đơn nhất của Thiên Chúa, chúng ta phải nhớ lại 5 cách chứng minh về Thiên Chúa của Thánh Tôma, đặc biệt chứng minh thứ nhất (cách thứ nhất). Chứng minh này kết luận rằng Thiên Chúa là Hiện Thể thuần tuý. Nếu ghép chứng minh này vào với chứng minh thứ ba, chúng ta có thể nói Thiên Chúa là Hiện thể thuần tuý của Hữu thể. Khi nói Thiên Chúa là đơn nhất, chúng ta muốn nói rằng Người không được cấu tạo bởi một số nguyên tắc hay yếu tố. (Chúng ta phải luôn nhớ đến định nghĩa này về từ “đơn nhất’ khi thảo luận ở đây.) Người là Hiện thể của Hữu thể, thuần tuý và đơn nhất.

Vậy, khi nói Thiên Chúa là Hiện thể thuần tuý, chúng ta muốn nói rằng không có tiềm thể nơi Người. (Cần nhớ rằng “tiềm thể” có nghĩa là có khả năng để là cái gì hay làm cái gì trên thực tế. Khi một vật có một “tiềm thể” để là một cái gì đó—trong ngôn ngữ thông thường chúng ta nói nó có tiềm năng là một cái gì đó—nghĩa là hiện nó chưa là cái đó, hay chưa đạt đến cái đó. Một sinh viên trẻ có thể có tiềm thể hay tiềm năng để trở thành một bác sĩ nhưng trên thực tế chưa là bác sĩ.) Hiện thể có nghĩa là sự hoàn hảo, còn tiềm thể luôn luôn có nghĩa là một khiếm khuyết: có nghĩa là một vật chưa đạt được một sự hoàn hảo nào đó. Nơi Thiên Chúa không có gì là tiềm thể—tất cả đều là hiện thể, là một thực tại rồi.

Đem so sánh với các tạo vật. Tất cả các vật đã được dựng nên đều đã nhận được hữu thể của nó từ một vật khác. Hữu thể là một hiện thể. Những vật đã nhận được hữu thể, những vật đã được dựng nên, thì trước tiên chúng cần phải có tiềm năng (khả năng thực sự) để nhận hiện thể của hữu thể. Vì vậy mọi tạo vật tự bản chất của chúng đều được cấu tạo bởi tiềm thể hiện hữu (potentia essendi) và hiện thể hiện hữu (actus essendi). Các tạo vật đều có bản tính phức hợp, và sự cấu tạo của potentia essendi và actus essendi là loại kết cấu cơ bản nhất nơi các tạo vật.

Còn nữa. Ở cấp các tạo vật thuần thiêng liêng (các thiên thần), còn có các yếu tố khác: khả năng hiểu biết (trí tuệ) và khả năng ước muốn (ý chí) tạo nên một kết cấu phức tạp hơn. Vì vậy các thiên thần mặc dù là tinh thần thuần tuý nhưng không đơn nhất giống như Thiên Chúa.

Nơi con người, sự cấu tạo còn phức tạp hơn: tiềm thể hiện hữu và hiện thể hiện hữu, trí tuệ và ý chí, thân xác và linh hồn. . . Và cũng giống như các loài vật không có linh hồn giống như con người, thân xác con người được cấu thành bởi nhiều phần. Vì vậy con người không đơn nhất. Một vật càng có nhiều phần cấu tạo thì càng ít hoàn hảo.

2.1.2 Tính duy nhất của Thiên Chúa: Thiên Chúa là duy nhất, Ngài là Thiên Chúa độc nhất (không có đa thần)

Có hữu thể nào khác ‘hiện hữu’ (nghĩa là ‘tồn tại’) một cách đơn thuần giống như Thiên Chúa không? Sách GLYL (số 39) nói:

Vì các tạo vật nhận được mọi sự chúng có từ Thiên Chúa, nên chỉ một mình Thiên Chúa là sự hiện hữu tròn đầy và có mọi sự hoàn hảo nơi mình. Chúa Giêsu cũng mặc khải rằng ngài mang tên ‘Ta là Đấng hằng hữu’ (Ga 8:28).

Vậy chỉ có một Thiên Chúa mà thôi sao? Có thể có nhiều thần nào khác không?

Trong sách Đệ Nhị Luật (4:35), chúng ta đọc thấy:

35 Chính anh em đã được cho thấy những điều đó, để biết rằng Ðức Chúa là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa.

Leo Trese nói trong The Faith Explained (tr. 19):

Chúng ta diễn tả khái niệm này về Thiên Chúa, như là nguồn mạch mọi hữu thể, vượt trên tất cả những gì hiện hữu, bằng cách nói rằng Người là Hữu Thể tối thượng. Do đó chỉ có thể có một Thiên Chúa mà thôi. Nói rằng có hai (hay nhiều) hữu thể tối thượng là mâu thuẫn. Chính từ “tối thượng” có nghĩa là vượt trên mọi cái gì khác. Nếu cũng có hai Thiên Chúa có quyền năng bằng nhau bên cạnh nhau, thì chẳng Thiên Chúa nào có thể là tối thượng. Chẳng Thiên Chúa nào có thể có quyền năng vô hạn theo như bản chất của Thiên Chúa phải có. Quyền năng “vô biên” của một vị Thiên Chúa này sẽ loại trừ quyền năng vô biên của vị Thiên Chúa kia. Mỗi vị sẽ bị giới hạn bởi vị kia. Như thánh Athanasiô nói, “Nói rằng có nhiều Thiên Chúa có quyền năng như nhau thì cũng giống như nói rằng có nhiều Thiên Chúa bất lực như nhau.”

Nếu chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, điều ấy có nghĩa gì đối với chúng ta? Sách GLCG dạy chúng ta rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, vì vậy:

    • Không có một vị nào khác ngang bằng với Ngài, vì vậy chúng ta phải đặt Ngài và chỉ một mình Ngài ở địa vị trên hết (xem số 223);
    • Chúng ta là gì và có gì thì cũng đều phát xuất từ Ngài, vì vậy chúng ta phải sống trong sự biết ơn Ngài (xem số 224);
    • Chúng ta hiểu rõ hơn tính duy nhất và nhân phẩm đích thực của mọi người vì họ được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (xem số 225);
    • Chúng ta phải đối xử với tạo vật như là tạo vật, không được coi chúng như là các thần để tôn thờ chúng (xem số 226), và chúng ta hãy cầu nguyện như Thành Nicholas of Flue:
      • Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, xin lấy đi tất cả những gì làm con xa Chúa.
      • Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, xin cho con tất cả những gì đưa con đến gần Chúa.
      • Lạy Chúa và Thiên Chúa của con, xin kéo con ra khỏi bản thân con để dâng hiến mọi sự của con cho Chúa.
    • Chúng ta phải tin cậy vào Chúa lúc vui cũng như lúc buồn (xem GLCG 227), như lời Thánh Têrêxa Avila khuyên:
      • Đừng để gì làm xáo trộn bạn, đừng để gì làm bạn sợ,
      • Mọi sự đều đến rồi đi, một mình Thiên Chúa không bao giờ thay đổi,
      • Kiên nhẫn cho ta mọi sự,
      • Ai có Chúa thì chẳng cần gì hơn,
      • Một mình Chúa là tất cả.

2.2 Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo vô biên

Từ ‘vô biên’, ‘vô hạn’ có hai nghĩa. Có hai khái niệm về sự vô hạn: (a) không có giới hạn hay ranh giới; hay (b) vô giới hạn, nhiều vô cùng.

Sách GLCG (số 202) nói:

Chúng ta tin vững vàng và tuyên xưng không dè dặt rằng chỉ có một Thiên Chúa đích thực, bao la và bất biến, không thể hiểu được, toàn năng và không thể diễn tả, là Cha, Con và Thánh Thần: Ba Ngôi nhưng một yếu tính, một bản thể tức một bản tính tuyệt đối đơn giản.

Trong hai nghĩa của ‘vô biên’ ở trên, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa vô biên trong sự hoàn hảo của Người.

    1. Người vô biên, không bị giới hạn hay ràng buộc bởi một cái gì. Ngược lại, Người bao trùm mọi sự.
    2. Người vô biên, sự hoàn hảo của Người không cạn, như mạch suối trào vọt nước không bao giờ cạn.

2.2.1 Bao la—vô hạn

Từ latinh “immensus” (“bao la”) có nghĩa là không thể đo nổi. Đó là vì Thiên Chúa là Đấng vô hạn, Người không bị một cái gì giới hạn hay ràng buộc Người. Ngược lại, Thiên Chúa là Đấng đo lường mọi sự. Người là thước đo của mọi sự!

23 Phải chăng Ta chỉ là Thiên Chúa khi ở gần, chứ không phải Thiên Chúa khi ở xa? Sấm ngôn của Ðức Chúa. 24 Có ai ẩn mình trong nơi bí mật mà Ta lại không thấy. Sấm ngôn của Ðức Chúa. Ta lại không làm cho trời đất đầy tràn hay sao? Sấm ngôn của Ðức Chúa.

2.2.2 Ở khắp mọi nơi — Thiên Chúa hiện diện trong mọi sự

Trên đây chúng ta đã thấy không gì có thể giới hạn Thiên Chúa. Vậy, nơi chốn là một thứ ranh giới hạn chế một người hay một vật vào một chỗ. Vì không gì có thể giới hạn Thiên Chúa, nên Thiên Chúa không thể bị giới hạn vào một nơi. Người ở khắp mọi nơi.

(13) Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ðấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ. (Dt 4:13; xem Gr 23:23-24 ở trên)

    1. Vì Thiên Chúa thông ban hữu thể cho các tạo vật, nên Người hiện diện trong tạo vật vì hữu thể này. Giống như sự hiện diện của người hoạ sĩ trong bức tranh của họ.
    2. Vì Thiên Chúa có quyền trên mọi tạo vật, nên Người cũng hiện diện trong chúng. Giống như sự hiện diện của vua chúa nơi thần dân của họ.
    3. Vì Thiên Chúa thấy và biết mọi tạo vật, nên Người cũng hiện diện theo cách thứ ba này.

2.2.3 Bất biến, không thay đổi

(17) Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Ðấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. (Gc 1:17)

8 Vì chúng sẽ như chiếc áo bị mối ăn, như tấm vải len bị rận cắn; còn đức công chính của Ta sẽ trường tồn mãi mãi, và ơn cứu độ của Ta sẽ vạn đại thiên thu. (Is 51:8)

Thay đổi là chuyển từ tiềm thể sang hiện thể. Nhưng Thiên Chúa là Hiện thể thuần tuý. Người không bao giờ đi từ tiềm thể sang hiện thể (hay ngược lại). Vì vậy nơi Thiên Chúa không có thay đổi. Người là gì thì Người luôn luôn là thế, trước kia, bây giờ và sau này. Không gì khác có thể thêm vào sự hoàn hảo của Người, và Người không thể mất bất cứ sự hoàn hảo nào vì các sự hoàn hảo ấy được đồng hoá với Người.

2.2.4 Vĩnh cửu — không lệ thuộc thời gian

33 Ông Áp-ra-ham trồng một cây liễu bách tại Bơ-e Se-va, ở đó ông kêu cầu danh Ðức Chúa, Thiên Chúa vĩnh cửu. (St 21:33)

28 Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao? Ðức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Ðấng sáng tạo toàn cõi đất. Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu. (Is 40:28)

Thời gian là thước đo của sự thay đổi về cái trước và cái sau. Như đã thấy ở trên, thay đổi diễn ra khi một tiềm thể trở thành hiện thể. Nhưng nơi Thiên Chúa không co gì là tiềm thể để trở thành hiện thể. Vì thế không có thay đổi nơi Người. Và vì không có thay đổi, nên cũng không có cái trước và cái sau. Thiên Chúa không bị ràng buộc bởi thời gian. Chỉ có cái bây giờ không bao giờ kết thúc. Vì vậy chúng ta hiểu rõ hơn tại sao tên của Thiên Chúa là YAHWEH—Đấng Hằng Hữu.

Anicius Manlius Severinus Boethius (480-524), một triết gia Kitô giáo ở thế kỷ 6, định nghĩa vĩnh cửu là sự sở hữu toàn thể, đồng thời và hoàn hảo của sự sống không có kết thúc (tota, simul et perfecta possessio interminabilis vitae). Bạn hãy tưởng tượng có mọi sự tốt lành mà cuộc đời có thể cống hiến vào một lúc duy nhất và không bao giờ kết thúc.

Trong Thông điệp Spe Salvi (số 12), Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI cắt nghĩa điều này như sau:

Vĩnh cửu không phải là một sự tiếp nối không kết thúc các ngày trong lịch, nhưng là một cái gì giống như là một lúc thoả mãn tột độ. . . Nó giống như chìm ngập trong biển tình yêu vô biên, một lúc mà thời gian—trước và sau—không còn tồn tại nữa.

2.2.5 Toàn năng — Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng

Thiên Chúa không thể bị đo lường hay giới hạn bởi bất cứ loài thụ tạo nào. Không có gì vượt quá quyền năng của Người (Xem GLCG 268-274). Kinh Thánh nói về quyền năng này của Người từ sách Sáng thế cho tới hết sách Khải huyền.

2.2.6 Không thể hiểu thấu và không thể tả nổi

Vì Thiên Chúa vượt quá mọi giới hạn, Người cũng vượt quá mọi giới hạn của trí khôn loài người hèn kém của chúng ta. Phải, chúng ta có thể biết Thiên Chúa, nhưng không hoàn toàn, không giống như Người biết về chính Người. Đó là ý nghĩa chúng ta muốn hiểu khi chúng ta nói Người là Đấng không thể hiểu thấu.

Các từ ngữ chúng ta dùng là các biểu tượng của tư tưởng chúng ta. Nhưng vì các tư tưởng của chúng ta về Thiên Chúa—sự hiểu biết của chúng ta về Người—thì có giới hạn, nên các từ ngữ của chúng ta không thể đủ để mô tả về Người. Thiên Chúa là Đấng không thể tả nổi. Khi phải nói về Thiên Chúa, các lời nói của chúng ta không thể nào diễn tả được.

Các từ ngữ chúng ta dùng để nói về Thiên Chúa là những lời nói của loài người lấy từ kinh nghiệm của chúng ta về các tạo vật. Chúng ta có thể dùng các từ mà chúng ta nói về các tạo vật (“một”, “đơn giản”, “tốt lành”, “công bằng”, “thương xót”, v.v...) để nói về Thiên Chúa. Chúng ta có thể dùng các từ này của ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta một cách loại suy. Việc sử dụng ngôn ngữ loài người một cách loại suy để nói về các sự việc thần linh có thể được tóm tắt như sau:

    1. Cách Khẳng định. Chúng ta có thể nói: “Thiên Chúa khôn ngoan.” “Thiên Chúa tốt lành.” “Thiên Chúa xinh đẹp.”
    2. Cách Phủ định. Nhưng sự khôn ngoan trần gian không giống như sự khôn ngoan của Thiên Chúa, không thể bằng được sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Sự tốt lành trần gian, vẻ đẹp trần gian cũng thế, v.v...
    3. Cách Trổi vượt. Thật vậy, sự khôn ngoan của Thiên Chúa vượt xa sự khôn ngoan của trần gian—Thiên Chúa là chính sự Khôn ngoan. Sự tốt lành của Người vượt xa sự tốt lành trần gian—Người là chính sự Tốt lành. Vẻ đẹp của Người vượt xa vẻ đẹp trần gian—Người là chính Cái Đẹp.

Chúng ta có thể nói như thế về tất cả các sự hoàn hảo khác của Thiên Chúa.

2.3 Sự Thật tuyệt đối

Một vật là thật khi nó tồn tại và trí khôn chúng ta có thể biết về nó. Vì vậy sự thật gắn liền với hiện hữu, với thực tại. Chúng ta có thể nói bất cứ cái gì hiện hữu thì đều là thật. Sự thật và hiện hữu thì giống nhau, nhưng xét dưới một góc nhìn hay một quan điểm. Sự thật là hiện hữu khi hiện hữu có thể biết được và hiểu được.

Vậy, một vật càng thật thì chúng ta càng có thể biết nhiều hơn về nó. Nhưng Thiên Chúa là hữu thể thật hơn mọi hữu thể; chắc chắn Người là chính Hữu Thể. Vì vậy Người phải được biết rõ hơn mọi hữu thể.

Trên đây chúng ta đã nói cái gì hiện hữu thì có thật. Cho nên, vì Thiên Chúa hiện hữu, nên Thiên Chúa là Thật.

Chúng ta có thể đi xa thêm bước nữa: vì Thiên Chúa là Hữu Thể, nên Người là chính Sự Thật.

2.4 Sự Thiện tuyệt đối

Một vật là tốt khi nó tồn tại và đáng được ước muốn. Sự tốt lành, vì vậy, gắn liền với hiện hữu, với thực tại. Chúng ta có thể nói bất cứ cái gì tồn tại (hay hiện hữu) thì đều tốt lành. Sự thiện và hiện hữu thì giống nhau, nhưng xét dưới một góc nhìn hay một quan điểm. Sự thiện là hữu thể khi hữu thể có thể được ước muốn và yêu mến.

Vậy, một vật càng có thật bao nhiêu thì chúng ta càng có thể ước muốn nó nhiều bấy nhiêu. Nhưng Thiên Chúa là Đấng có thật hơn hết mọi hữu thể; chắc chắn Người là chính Hữu Thể. Vì vậy Người phải đáng được ước muốn hơn mọi hữu thể. Người đáng được ước muốn vô cùng và tuyệt đối.

Trên đây chúng ta đã nói cái gì hiện hữu thì tốt lành. Vậy, vì Thiên Chúa hiện hữu, nên Thiên Chúa tốt lành.

Chúng ta có thể đi xa thêm một bước nữa: Vì Thiên Chúa là Hiện hữu, Thiên Chúa là chính sự Thiện.

2.5 Cái Đẹp tuyệt đối

Thánh Tôma định nghĩa cái đẹp là id quod visum placet: cái làm chúng ta thích thú khi nhìn thấy nó (hay nghe hay hiểu về nó). Đương nhiên, cái gì không hiện hữu, cái gì không có hữu thể, thì không thể được nhận thức hay hiểu. Do đó nó không thể làm ta thích thú và không thể được nói là đẹp. Vì vậy cũng giống như sự thật và sự tốt lành, cái đẹp cũng liên hệ mật thiết với hữu thể. Tuy nhiên mối liên hệ này không thật sự rõ rệt như với sự thật và sự tốt lành. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về điểm này.

Thánh Tôma Aquinô còn nói cái đẹp được xác định bởi ba yếu tố: sự toàn vẹn, sự cân xứng hay hài hoà, và sự sáng láng hay sáng sủa (Summa Theologiae, I, q39 a8 c.).

Đây là ba yếu tố bắt buộc để có cái đẹp: thứ nhất, sự toàn vẹn hay hoàn hảo, vì những vật gì kém hơn đều xấu; thứ hai, sự cân xứng hay hài hoà; và thứ ba, sự sáng láng—vì vậy những vật gì có màu sáng thì được nói là đẹp.

    1. Sự toàn vẹn hay hoàn hảo có nghĩa là một vật có đầy đủ các yếu tố hay thành phần nó phải có. Chúng ta đã thấy Thiên Chúa có mọi sự hoàn hảo.
    2. Tỷ lệ cân xứng hay sự hài hoà chỉ về các thành phần. Nhưng vì Thiên Chúa là đơn nhất, nên không có thành phần nào mất cân xứng. Vì thế Thiên Chúa có đầy đủ sự cân xứng trong sự đơn nhất của Người.
    3. Sự sáng láng hay rõ ràng có nghĩa là vật ấy phải có thể được nhận thấy. Bởi vì khi một vật gì không thể được thấy rõ rệt (như một tấm ảnh mờ), thì không thể nói rằng nó đẹp. Nhưng vì Thiên Chúa là tất cả Sự Thật, nên Người được nhận biết và có thể được nhận biết rõ ràng nhất. Không thể nào có cái gì rõ ràng Sự Thật của Thiên Chúa.

Vì vậy chúng ta có thể nói Thiên Chúa không chỉ đẹp, nhưng Người còn là chính Cái Đẹp. Chính vì thế các thánh luôn khao khát nhìn thấy Người. Cũng vì thế mà vẻ đẹp của thiên nhiên dễ dẫn chúng ta đến với chính Thiên Chúa. Như Robert Augros viết trong “Cái Đẹp Hữu hình và Thần linh” (trong The Aquinas Review, quyển II, 2004) như sau:

Người hoạ sĩ, nhà sinh vật học, nhà hoá học và nhà vật lý, tất cả gặp cái đẹp của cỏ cây ở những mức khác nhau. Cái đẹp của thiên nhiên không chỉ ở ngoài mặt, nó ngấm vào tận xương tuỷ. Trong mọi vật tự nhiên, các sinh vật cũng như các vật vô tri, và ở mọi bình diện của mỗi vật, từ cây cỏ ngoài đồng cho tới các điện tử electron, proton và neutron, vẻ đẹp thấm nhuần toàn thể thiên nhiên. Vẻ đẹp dồi dào như thế của vô số loại và vô số mức độ không bao giờ có thể là do ngẫu nhiên. Cái đẹp có đầy trong thiên nhiên, nó không thể do ngẫu nhiên mà có; phải có một lý do nào đó. Nhưng lý do ấy phải có nhiều chọn lựa, vì không có một sự tất yếu tuyệt đối nào bắt buộc các loài động vật, thực vật và khoáng vật tỏ lộ vẻ đẹp của chúng trước tiên. Vì vậy, cái đẹp chúng ta nhìn thấy trong thiên nhiên bắt nguồn từ một nguyên nhân không tất yếu nhưng có một lý do để hành động. Một nguyên nhân như thế là một trí tuệ. Vì vậy, một trí tuệ là nguyên nhân cho cái đẹp của các vật trong thiên nhiên. Trí tuệ ấy đứng đàng sau thiên nhiên và điều khiển thiên nhiên tới cái đẹp, trí tuệ ấy mọi người gọi là Thiên Chúa.

3. Hoạt động của Thiên Chúa: Trí tuệ và Ý muốn

Thiên Chúa có một trí tuệ và một ý muốn trong hành vi biết và yêu thương vô hạn và vĩnh cửu. Thiên Chúa biết chính mình và Người là Ý muốn và Yêu thương. Sự hiểu biết của Người đồng nhất với bản tính của Người là hiện hữu; vì vậy Người luôn luôn biết. Cũng vậy, ý muốn của Người không khác với bản tính của Người là hiện hữu; vì vậy Người luôn luôn muốn và yêu.

Hơn nữa, khi biết và yêu chính mình, Người cũng biết và yêu mọi tạo vật trong chính Người.

3.1 Thiên Chúa biết

Chúng ta đọc thấy rất rõ điều này trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (11:33-36):

(33) Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào!

Quyết định của Người, ai dò cho thấu!

Ðường lối của Người, ai theo dõi được!

(34) Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa?

Ai đã làm cố vấn cho Người?

(35) Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?

(36) Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người tồn tại và quy hướng về Người.

Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen.

Chúng ta đã nói rằng Thiên Chúa hoàn hảo vô cùng. Một trong các sự hoàn hảo của Người là sự hiểu biết. Hơn nữa, chúng ta cũng nói Người không bị giới hạn hay đo lường bởi một vật gì. Như vậy, sự hiểu biết của Người cũng vô hạn. Người thậm chí biết mọi tư tưởng và mọi khát vọng thâm sâu nhất tận đáy lòng chúng ta. Người biết mọi sự. Người là toàn tri.

3.2 Thiên Chúa yêu thương

Dùng triết học, triết gia Aristốt đã có thể kết luận rằng có một Động cơ Đệ nhất là Hiện Thể thuần tuý, nhưng ông không đi xa được đến chỗ nói là “Hiện thể thuần tuý của Hiện hữu.” ông chỉ biết Thượng Đế là Hiện thể thuần tuý của sự hiểu biết. Đối với Aristốt, Động cơ Đệ Nhất cũng được chuyển động bởi lực hấp dẫn. Mặc dù Aristốt không nói ra, nhưng có vẻ như kết luận tất nhiên của ông là Động cơ Đệ nhất không có khả năng yêu thương.

Ngược lại, Kinh Thánh đầy những đoạn nói với chúng ta và nhắc chúng ta nhớ về tình thương yêu của Thiên Chúa. Ví dụ, sách Khôn Ngoan (11:20-26) nói:

20 . . . Nhưng Chúa đã sắp xếp có chừng có mực,

đã tính toán và cân nhắc cả rồi.

Lý do khiến Chúa nương tay

21 Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại,

ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài?

22 Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ

ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất.

23 Nhưng Chúa xót thương hết mọi người,

vì Chúa làm được hết mọi sự.

Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người,

để họ còn ăn năn hối cải.

24 Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu,

không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra,

vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.

25 Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi?

Nếu như Ngài không cho hiện hữu,

làm sao nó có thể được duy trì?

26 Lạy Chúa Tể là Ðấng yêu sự sống,

Chúa xử khoan dung với mọi loài,

vì mọi loài đều là của Chúa.

Trong chương 8 của thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma, chúng ta đọc thấy:

(31) Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?

(32) Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?

(33) Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Ðấng làm cho nên công chính?

(34) Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?

(35) Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?

(36) Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh.

(37) Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Ðấng đã yêu mến chúng ta.

(38) Ðúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,

(39) chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.

3.3 Các Hoạt động của Thiên Chúa

Có hai loại hoạt động: một loại kết thúc nơi những vật khác ở ngoài, còn một loại kết thúc trong chính Thiên Chúa. Loại thứ nhất gọi là loại hoạt động ad extra (bên ngoài), loại thứ hai là hoạt động ad intra (bên trong).

    1. Hoạt động bên ngoài
        • Tạo dựng (sẽ học ở một bài khác)
        • Quan phòng ((sẽ học ở một bài khác)
        • Nhập Thể (sẽ học ở một bài khác)
    2. Hoạt động bên trong Các sự sinh ra (sẽ học ở một bài khác)

3.4 Tình phụ tử

Mặc dù tình phụ tử của Thiên Chúa sẽ được mặc khải đầy đủ bởi Chúa Giêsu, nhưng Kinh Thánh Cựu Ước không ngừng khẳng định sự kiện này. Mộg đoạn quan trọng chúng ta đọc được là ở chương 49 của Ngôn sứ Isaia:

14 Xi-on từng nói: "Ðức Chúa đã bỏ tôi,

Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!"

15 Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình,

hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau?

Cho dù nó có quên đi nữa,

thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.

16 Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta,

thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt.

Cũng có đoạn ở chương 29 của Ngôn sứ Giêrêmia:

10 Quả thế, Ðức Chúa phán như sau: Khi mãn bảy mươi năm dành cho Ba-by-lon, Ta sẽ thăm viếng các ngươi và sẽ thực hiện lời báo phúc cho các ngươi là đưa các ngươi trở lại chốn này. 11 Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi - sấm ngôn của Ðức Chúa -, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng. 12 Bấy giờ các ngươi kêu cầu Ta, các ngươi đến cầu nguyện với Ta, Ta sẽ nhận lời các ngươi. 13 Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, 14 Ta sẽ cho các ngươi được gặp - sấm ngôn của Ðức Chúa. Ta sẽ đổi vận mạng của các ngươi và sẽ thu họp các ngươi về từ khắp các dân, từ mọi nơi Ta đã xua các ngươi đến - sấm ngôn của Ðức Chúa -, Ta sẽ dẫn các ngươi trở về nơi Ta đã bắt các ngươi phải rời xa để đi đày.

Ở chương 6 Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu nói với các môn đệ:

(9) "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

"Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

(10) triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

(11) Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

(12) xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

(13) xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (GLYL), số 25-32.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG), số 142-182.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Section Three: Dogmatic Theology, Chapter 23. Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 161-170.

Websites