Phi long quyền

Khái quát

Tuổi thơ của tôi tiếp xúc với nhiều trò chơi điện tử trên máy Nintendō Famicom/NES, và tôi đặc biệt thích những trò đấu võ. Trong số đó có một trò đấu võ mà thuở còn bé (quanh quẩn năm 1990) tôi không đủ can đảm chơi mà chỉ dám đứng nhìn mấy ông hàng xóm lớn tuổi hơn chơi mà thôi, vì cách chơi rất khác lạ và có vẻ khó so với nhiều trò khác cùng thời. 

Lúc đó, ở chỗ tôi gọi băng trò chơi điện tử này là "Song kiếm" vì trong phần đầu trùm, các nhân vật thường sử dụng vũ khí là song kiếm. Và cũng vì thời đó, chẳng mấy ai biết tới tên thật của trò chơi điện tử nên thường "Việt hóa" cho dễ gọi. Đến khoảng năm 1995, tình cờ gặp được một băng trò chơi điện tử cho máy Super Famicom/SNES thì tôi nhận ra ngay đây chính là phiên bản khác của trò "Song kiếm" mình từng gặp lúc nhỏ. 

Vào thời đó, các hàng trò chơi điện tử đều gọi hậu bản này là "Phi long quyền", và cũng là lúc tôi biết rằng trò chơi này có hẳn một series chứ không chỉ là một bản Famicom duy nhất. Với một ít vốn liếng ngoại ngữ, lúc này tôi biết rằng "Phi long quyền" (飛龍の拳/Hiryū no ken) là tên đúng chứ không phải là cái tên chế cháo như nhiều băng Famicom/NES trước đó. 


Hình ảnh trò chơi "Song kiếm" mà tôi biết lúc nhỏ (khoảng năm 1990)

Sau năm 2000, nhờ mạng Internet bắt đầu được phổ cập tại Việt Nam mà tôi tìm hiểu được rằng series game này gồm nhiều phần, trải dài qua các hệ máy chơi game khác nhau mà khởi thủy là phiên bản Arcade năm 1985, sau đó là 4 phiên bản trên máy Nintendō Famicom, rồi tới 2 phiên bản Nintendō Super Famicom, 5 phiên bản cho dòng máy Nintendō Gameboy, 1 phiên bản trên máy Sony PlayStation và 2 phiên bản cho Nintendō N64. Phiên bản đầu tiên trên máy Arcade là game đối kháng thuần túy, nhưng các phiên bản Famicom, Super Famicom và Gameboy thì ngoài phần đối kháng còn có phần đi cảnh (side-scrolling). Các phiên bản PlayStation và N64 thì trở lại với hình thức đối kháng thuần túy. 

Tất cả các phiên bản đều được hãng Culture Brain (đến nay vẫn còn tồn tại, từ 2016 đổi tên thành Culture Brain Excel) phát triển. Phiên bản đầu tiên ra đời năm 1985 trên hệ máy Arcade là một game đối kháng thuần túy nhưng có một điểm khác biệt so với các game đối kháng khác là hệ thống "tâm nhãn". Năm 1987, Culture Brain phát triển thêm yếu tố đi cảnh (side scrolling) trong khi vẫn giữ lại hệ thống chiến đấu "tâm nhãn" của bản Arcade, nhưng lần này là phát hành trên hệ máy Famicom. Cốt cách của Phi long quyền ở các bản Famicom sau đó dần trở nên rõ nét hơn, được định hình tốt hơn, yếu tố cân bằng khá tốt nên được đón nhận tương đối tốt ở thị trường Nhật Bản. Đến năm 1992, Culture Brain phát hành phiên bản cho máy Super Famicom với đồ họa, âm thanh được nâng cấp theo phần cứng, nhưng vì lỗi lập trình cũng như thiết kế game thiếu cân bằng nên nó không còn được đón nhận tốt như các phiên bản Famicom trước đó. Đến thời PlayStation và N64, Culture Brain định hướng series đi theo lối đối kháng thuần túy, không còn hệ thống "tâm nhãn" đặc trưng, cũng như không còn tuyệt kỹ Phi long quyền nữa trong khi lối chơi của nó không có gì đặc sắc so với nhiều tên tuổi khác như Street Fighter, nên không còn nhiều người quan tâm tới series này nữa. Thực tế là Culture Brain cũng thừa nhận rằng họ đã ngừng phát triển 11 phiên bản cho các hệ máy khác nhau, và phiên bản trên máy Gameboy vào năm 2000 là phiên bản cuối cùng của dòng này. Từ đó trở đi, không thấy thêm phiên bản nào nữa. 

Khi nói tới Phi long quyền, người hâm mộ vẫn nhớ đến phiên bản thứ 3 trên máy Famicom như một đỉnh cao của cả series này. Đáng tiếc là phiên bản Golden Fighter trên máy Super Famicom tuy có nhiều cải tiến nhưng lại mắc nhiều lỗi thiết kế và lập trình, đánh dấu cho sự đi xuống của dòng game này.

Dù có nhiều phiên bản như vậy nhưng hầu hết các phiên bản trong series đều có 2 đặc điểm chung là "tâm nhãn" và "Phi long quyền". Tâm nhãn (心眼/shingan) là một hệ thống chiếu đấu độc đáo của riêng series game này, và là một yếu tố hết sức mới lạ vào thời điểm nó ra đời. Tâm nhãn là hệ thống phòng vệ của quyền pháp Thiếu Lâm tự, theo đó thì trên cơ thể của nhân vật (người chơi) và đối thủ sẽ xuất hiện ngẫu nhiên những dấu hiệu thể hiện điểm yếu ở 3 vị trí: thượng đoạn (đầu), trung đoạn (thân), hạ đoạn (chân). Khi dấu hiệu này xuất hiện ở vị trí nào của nhân vật thì đối thủ sẽ nhằm vào đó mà tấn công. Nếu nhấn nút phương hướng ứng với vị trí xuất hiện của dấu hiệu này thì nhân vật đỡ được đòn tấn công của địch, còn nếu không nhấn đúng nút thì sẽ trúng đòn. Ngược lại, khi trên thân thể địch xuất hiện những dấu hiệu này thì người chơi phải tấn công vào đúng vị trí mà dấu hiệu xuất hiện mới có thể đánh trúng địch. Có các loại dấu hiệu là dấu ○ đỏ thể hiện vị trí tấn công của đòn đánh thông thường, còn khi dấu ○ xanh xuất hiện, nếu đánh trúng vị trí đó sẽ gây tổn thương gấp đôi. Ngoài ra còn có dấu chữ "R" (Rush) mà nếu đánh trúng thì sau đó có thể tung ra một chuỗi liên hoàn quyền cước, gây tổn thương cực lớn. Còn dấu ☆ thể hiện vị trí đánh nhất kích tất sát, chỉ cần trúng một đòn là kết liễu được đối phương bất kể thể lực (máu) ít nhiều thế nào đi nữa. Có thể nói điểm hấp dẫn nhất của Phi long quyền chính là hệ thống tâm nhãn này. Vì thế mà các phiên bản PlayStation, N64 khi trở thành game đối kháng truyên thống giống như Street Fighter hay Tekken, bỏ mất hệ thống tâm nhãn này thì không còn được người hâm mộ đón nhận như trước nữa. 

Điểm nhấn thứ hai là "Phi long quyền" (飛龍の拳/Hiryū no ken), một tuyệt kỹ môn ngoại bất xuất của võ phái Thiếu Lâm. Người sử chiêu này tung mình lên không như một con rồng bay lên cao rồi lao vút xuống đối thủ cùng cú đá mãnh liệt, gây tổn thương nặng nề. Vốn đây là tuyệt kỹ của Thiếu Lâm nhưng theo cốt truyện ở phiên bản Famicom đầu tiên thì tuyệt kỹ này bị thế lực hắc ám là Long Nha (nanh rồng) cướp mất, nên nhiều đối thủ bên địch cũng sử dụng được tuyệt chiêu này. Thật nực cười là tuyệt kỹ này là một cú đá nhưng lại có tên là "Phi long quyền". Nhiều người hâm mộ cho rằng nên đổi tên thành "Phi long cước" sẽ hợp lý hơn. Điều kiện để thi triển tuyệt chiêu này là khi thanh KO của nhân vật đã đầy. Sau khi sử dụng 3 lần Phi long quyền hoặc pháp lực, hoặc khi bị đối thủ đánh trúng thì thanh KO sẽ giảm xuống. Từ phiên bản Phi long quyền III trở đi thì thanh KO chỉ được tích tụ sau khi đỡ đòn thành công, còn ở các phiên bản trước đó thì thanh này dần đầy lên khi đỡ đòn hoặc tấn công trúng đối thủ.

Băng đĩa các phiên bản Phi long quyền từ Famicom, Super Famicom cho tới PlayStation, N64

Phiên bản Arcade

Bản Arcade ra đời năm 1985 có tên là "Bắc phái Thiếu lâm: Phi long quyền" (北派少林 飛龍の拳 /Hokuha Shōrin Hiryū no ken) chỉ gồm phần chơi đối kháng với hệ thống "tâm nhãn" như đã đề cập. Nội dung của game có cũng như không, chẳng ai để tâm. Người chơi vào vai một nhân vật đại diện cho phái Thiếu Lâm tham dự đại hội võ thuật quy tụ các môn võ lớn trên toàn Thế giới.

Tại thị trường Nhật Bản, game được hãng Taito phát hành, còn tại thị trường Mỹ thì Culture Brain nhượng quyền sản xuất cho Data East USA phát hành với cái tên "Shanghai Kid" (Thượng Hải tiểu tử). Phiên bản Bắc Mỹ vẫn giữ nguyên lối chơi của bản Nhật, nhưng Âu hóa một vài yếu tố đồ họa cho phù hợp với văn hóa Tây phương.

Các phiên bản Famicom/NES

Phi long quyền: Áo nghĩa thư (飛龍の拳 奥義の書/Hiryū no ken Ōgi no sho)

Phiên bản này được phát hành năm 1987 với giá 5,500 En Nhật (khoảng 55 USD tại thời điểm đó) cho băng vật lý có dung lượng 1 Megabit + 64Kbit Ram. Nội dung ở phiên bản này được định hình rõ nét với sự xuất hiện của nhân vật chính Long Phi (Ryūhi), và cũng là nhân vật chính xuyên suốt các phiên bản sau đó. Ngoài phần đấu võ với hệ thống tâm nhãn kế thừa từ "Thiếu Lâm Bắc phái", ở phiên bản này còn có thêm yếu tố đi cảnh (side scrolling) giống như Contra hay Mario. Nội dung bản này kể về câu chuyện của chàng thiếu niên Long Phi (quốc tịch Trung Quốc) đang tu luyện võ nghệ trên đỉnh Long Phi thì một ngày nọ, Thọ An lão sư, người nuôi nấng và truyền thụ võ nghệ cho Long Phi bị tổ chức bí mật Long Nha (nanh rồng) ám sát, cướp mất áo nghĩa thư (sách ghi tuyệt học võ công) "Phi long quyền". Áo nghĩa thư này được chia thành nhiều quyển, Thọ An lão sư chỉ giành lại được một quyển trong số đó là "Tâm nhãn thư", trao cho Long Phi với lời trăn trối "hãy đem nó tới chỗ sư trụ trì Thiếu Lâm tự là Nguyên Nhai". Thế là Long Phi xuất phát đến Thiếu Lâm tự, bắt đầu rèn luyện võ nghệ tại đây. Sau khi được truyền thụ tuyệt học tâm nhãn, Long Phi tham dự đại hội võ thuật quy tụ các cao thủ từ nhiều võ phái khác nhằm giành lại áo nghĩa thư đã mất. Qua nhiều trận đấu, Long Phi nhận ra rằng tổ chức Long Nha đang lợi dụng đại hội võ thuật này để chinh phạt Thế giới, và kẻ đứng đằng sau đó là Long ma vương Fuzufu. Cũng trong đại hội võ thuật này, Long Phi đụng độ Hayato và Minmin, hai nhân vật trở thành bạn đồng hành với Long Phi trong tất cả các phiên bản về sau. Mỗi khi tấn công hay phòng thủ thành công, thanh KO sẽ tăng dần, và đến khi đầy thì nhân vật có thể thi triển bí chiêu Phi Long quyền.

Phiên bản Bắc Mỹ cho hệ máy NES ra đời sau đó 1 năm (1988) với tựa đề "FLYNG DRAGON The Secret Scroll", ngoại trừ tựa đề thì hầu như không có gì khác biệt so với phiên bản Nhật.

Băng Famicom và lối chơi của Phi long quyền: Áo nghĩa thư

Phi long quyền II: đôi cánh rồng (飛龍の拳II ドラゴンの翼 /Hiryū no ken II: Doragon no tsubasa)

Phiên bản này được phát hành năm 1988 với giá bán 5,500 En (khoảng 55 USD), dung lượng băng lên đến 2 Megabit. Ở phiên bản này, Culture Brain đã có nhiều cải tiến đáng kể. Đầu tiên là yếu tố biến thân và "pháp lực". Lúc này người chơi có thể điều khiển được 5 nhân vật gồm: Long Phi, Hayato, Willer, Thăng Long (Shōryū) và Minmin. 

Khi tiến trình game đến một mức nhất định, khi đấu trùm, người chơi có thể biến thân thành vị anh hùng của Thiên giới, và có thể bắn chưởng (trong game gọi là "pháp lực") với uy lực mạnh hơn. Thiết kế của những bộ giáp sau khi nhân vật biến thân được mô phỏng theo tượng cổ 12 vị thần tướng ở chùa Dược Sư ở Nhật, và khi nhân vật sử dụng pháp lực cũng đọc một loại thần chú mô phỏng theo những câu chân ngôn của Phật giáo Mật tông. 

Một điểm mới mẻ nữa của Phi long quyền II là việc nó cho phép người chơi di chuyển theo cả hai chiều trong phần chơi đi cảnh, chứ không chỉ cố định một chiều như ở phiên bản trước. Ngoài ra, ở phiên bản này còn xuất hiện nhiều hơi hướm RPG như hệ thống Item, yếu tố Level up cũng như chế độ chơi kiểu Anime RPG. Ở chế độ này, trong phần đấu trùm thì người chơi không còn điểu khiển nhân vật như kiểu truyền thống, mà sẽ điều khiển gián tiếp qua các lệnh tấn công và phòng thủ, giống như lối chơi của các phiên bản Final Fanatasy đời đầu. Người chơi có thể thay đổi nhân vật giữa những trận đấu boss, nhưng cả 5 nhân vật đều có chung thanh thể lực nên việc đổi nhân vật không có nhiều ý nghĩa.

Nội dung của phiên bản này kể về cuộc chiến giữa hai thế lực là bóng tối và ánh sáng từ ngày xưa. Lúc đó, Đại ma thần của Minh giới chỉ huy binh đoàn mặc giáp đen khơi mào cuộc chiến nhằm chinh phục Thiên giới. Bấy giờ có vị anh hùng Long Thiên đại thánh của Thiên giới chống lại thế lực tà ác, cuối cùng giành thắng lợi, cứu được Thiên giới. Đại ma thần bị phong ấn dưới sức mạnh của Mạn đà la, nhưng cũng để lại lời dự ngôn rằng khi có hung tinh màu đỏ xuất hiện, hắn sẽ hồi sinh. Long Thiên đại thánh ở Thiên giới đã phái 5 vị Long chiến sĩ xuống trần gian nhằm ngăn chặn Đại ma thần hồi sinh. Và nhóm Ngũ long chiến sĩ đó là hóa thân của thiếu niên Long Phi đang tu luyện võ nghệ ở Trung Quốc cùng 4 bằng hữu khác.

Phiên bản Bắc Mỹ được phát hành vào năm 1990 với tựa đề "FLYING WARRIORS". Đồ họa của bản Bắc Mỹ được chỉnh sửa khác rất nhiều so với bản Nhật Bản. Tên nhân vật được Âu hóa, và thiết kế của những bộ giáp không còn theo motif tượng hộ pháp của Đông phương, mà chuyển thành kiểu siêu anh hùng trong truyện tranh (comic) Âu Mỹ. Lối chơi của phiên bản Bắc Mỹ cũng có điểm dị biệt là có thêm nhiều hầm hố hơn, quân địch di chuyển nhanh hơn.

Hình ảnh trong game và băng vật lý Phi long quyền II 

Phi long quyền III: Ngũ long chiến sỹ (飛龍の拳III 五人の龍戦士/Hiryū no ken III Gonin no Ryū senshi) 

Phiên bản này ra đời năm 1990 với giá bán 6,300 En (khoảng 63 USD) với dung lượng 2 Megabit cho băng vật lý. Phiên bản này đánh dấu cho sự thay đổi trong thiết kế nhân vật, và trở thành hình mẫu cố định cho những phiên bản sau. Tuyệt chiêu Phi long quyền và pháp lực của các nhân vật giờ đây có thêm hiệu ứng mang đậm dấu ấn của từng cá nhân. Yếu tố Level up ở bản trước đã bị bãi bỏ. Người chơi vẫn có thể thay đổi nhân vật trong trận đấu boss nhưng thể lực của từng nhân vật giờ đây tách biệt với nhau, làm tăng thêm tính chiến thuật cho game. Tuyệt chiêu trước khi biến thân của nhân vật cũng khác biệt giữa các nhân vật với nhau, và sau khi biến thân thì nhân vật sử dụng vũ khí (côn/song kiếm) chứ không còn đánh quyền cước như trước. Nhìn chung về mọi mặt, Phi long quyền III là tập đại thành của cả series, có nhiều yếu tố trở thành chuẩn mực cho những phiên bản sau.

Về nội dung, phiên bản này tiếp nối phần trước khi hung tinh màu đỏ xuất hiện, báo hiệu rằng Đại ma thần sắp phục sinh. Lúc này, nhóm Ngũ long chiến sỹ được Thiên giới phái cử đi ngăn chặn âm mưu hồi sinh Đại ma thần của nhóm Nguyệt Quang chúng và tổ chức Long Nha do Long ma vương Fuzufu cầm đầu. Sau khi đánh bại nhóm cường địch, tưởng chừng hòa bình đã lặp lại nhưng hung tinh màu đỏ đã xuất hiện, khắp các nơi trên Thế giới đều xảy ra những vụ mất tích với số lượng lớn khiến các thành phố trở thành đô thị ma. 

Vào thời điểm Phi long quyền III được phát hành thì hãng Nintendō chuẩn bị bán ra thế hệ console tiếp theo là Super Famicom, nên Culture Brain không có ý định sản xuất phiên bản Âu hóa cho thị trường Bắc Mỹ như đã làm với phiên bản trước.

Hình ảnh trong Phi long quyền III

Phi long quyền Special Fighting Wars (飛龍の拳スペシャル ファイティングウォーズ)

Phiên bản này được phát hành năm 1991 với giá bán 6,300 En (khoảng 63 USD), được xếp vào phân loại ngoại truyện. Nội dung của phiên bản này xoay quanh đại hội võ thuật mà các Long chiến sỹ (ngoại trừ Minmin) tỷ thí với các võ phái khác, nên lối chơi chỉ có mỗi phần đấu võ với hệ thống tâm nhãn chứ không còn màn đi cảnh như trước. Các yếu tố như pháp lực, biến thân cũng không còn. Sau mỗi trận đấu thắng lợi, người chơi có thể "luyện tập" bằng cách nhấp nút A thật nhanh, đủ số lần quy định trước khi hết thời gian. Nếu thành công thì sẽ được thưởng một số điểm để phân bổ vào các chỉ số của nhân vật. Trong phiên bản này, người chơi có thể lựa chọn bất cứ nhân vật nào để giành chức vô địch trong hội tỷ võ.

Hình ảnh trong Special Fighting Wars

Các phiên bản Super Famicom

Phi long quyền S Golden Fighter (飛龍の拳S ゴールデンファイター)

Culture Brain phát hành phiên bản này năm 1992 với giá bán 9,700 En và dung lượng băng lên tới 12 Megabit. Do phần cứng tiến bộ hơn nên phiên bản này có nhiều bước tiến về mặt đồ họa, âm thanh trong khi vẫn giữ lại lối chơi với hệ thống tâm nhãn truyền thống. Mặc dù phần cứng đã chuyển đổi từ Famicom sang Super Famicom nhưng cách lập trình của nhà sản xuất vẫn không đổi so với thời Famicom, dẫn đến nhịp game khá chậm, không được lòng người chơi. Trong thiết kế game cũng mắc phải nhiều lỗi về tính cân bằng, chẳng hạn như đòn đánh gây sát thương quá thấp khiến thời gian cần thiết để đánh bại một đối thủ tốn nhiều hơn so với thời gian giới hạn trên võ đài. Vì vậy mà phiên bản này chỉ tồn tại vỏn vẹn 4 tháng, để rồi được nhà sản xuất thay thế bằng phiên bản Hyper version.

Nội dung ở bản này xoay quanh đợt báo thù của Long ma vương Fuzufu sau khi bị nhóm Ngũ long đánh bại ở phiên bản trước. Giờ đây hắn hồi sinh, bắt đầu tập kích ám sát hết các nhân vật trong Thiếu Lâm tự.

Phiên bản Bắc Mỹ được phát hành năm 1993 với tựa đề "ULTIMATE FIGHTER". Nội dung và lối chơi cũng không đổi so với bản Nhật, nhưng về mặt hình ảnh và tên nhân vật, thiết kế nhân vật được Âu hóa sang kiểu siêu anh hùng trong truyện tranh Tây phương. Nhà sản xuất cũng đã từng làm điều tương tự trước đây như khi Âu hóa Phi long quyền II thành FLYING WARRIORS.


Phi long quyền S Hyper version (飛龍の拳S ハイパーバージョン)

Phiên bản này được phát hành vào năm 1992, 4 tháng sau khi Golden Fighter ra đời nhằm thay thế cho Golden Fighter vốn bị chỉ trích nặng nề về tốc độ cũng như tính cân bằng. Mặc dù nhịp game ở bản cải tiến này có khá hơn nhưng nhìn chung vẫn còn chậm chạp do phần lập trình cốt lõi vẫn dựa trên code của bản Famicom. Về nội dung thì hoàn toàn không có gì khác biệt so với Golden Fighter.

So sánh màn hình của Golden Fighter với Hyper version

■ SD Phi long quyền (SD飛龍の拳)

Đây là lần đầu tiên trong series, nhân vật được thiết kế với kiểu SD (đầu to hơn mình). Bản này được phát hành năm 1994 với giá 9,800 En và dung lượng lên tới 16 Megabit. SD Phi long quyền trở thành game đối kháng thuần túy như Street Fighter hay Mortal Kombat, không còn màn đi cảnh và cũng không còn hệ thống tâm nhãn nữa. Thay vào đó, game sử dụng khái niệm "Super Defence" cho phép người chơi quật ngã đối thủ ngay khi đối phương vừa tấn công như một kiểu phản đòn. Ngoài ra, game còn có khái niệm "side step" cho phép nhân vật lẻn ra sau lưng đối thủ trong thời gian thực. Và vì là game đối kháng thuần túy nên nội dung của phiên bản này có cũng như không, chỉ là vài câu thoại của nhân vật trước mỗi trận đấu.

Hình ảnh trong SD Phi long quyền


Các phiên bản Gameboy

Phi long quyền ngoại truyện (飛龍の拳外伝/Hiryū no ken Gaiden)

Ra đời năm 1990 với giá bán 3,500 En (khoảng 35 USD tại thời điểm đó) với dung lượng băng 4 Megabit. Đồ họa của bản này dựa trên Phi long quyền III: Ngũ long chiến sỹ. Lối chơi vẫn giữ hệ thống tâm nhãn truyền thống. Ở bản này, nhân vật có biến thân nhưng không có "đấu khí" và pháp lực, và vũ khí chỉ là song kiếm chứ không có trường côn. Do dung lượng hạn chế nên người chơi chỉ có thể điều khiển một nhân vật duy nhất là Long Phi.

Nội dung bản này xoay quanh cuộc chiến của Long Phi với nhóm cường địch mới là Dark Dragon nhằm tranh đoạt bảo vật mề đay Phi long đang say ngủ ở đỉnh núi Long phi.

SD Phi long quyền ngoại truyện (SD飛龍の拳外伝)

Phiên bản này được phát hành năm 1995 với giá 4,700 En, dung lượng băng 8 Megabit. Thực chất đây là bản port của SD Phi long quyền từ máy Super Famicom sang Gameboy.

SD Phi long quyền ngoại truyện 2 (SD飛龍の拳外伝2)

Phiên bản này được phát hành năm 1996 với giá 4,200 En, dung lượng băng 8 Megabit. Nội dung hầu như không khác so với bản trước, chỉ có thêm một số nhân vật mới.

SD Phi long quyền EX (SD 飛龍の拳EX)

Được phát hành năm 1999 với giá 4,500 En, dung lượng băng 16 Megabit. Đây là phiên bản cải tiến của SD Phi long quyền ngoại truyện 2. Phiên bản này được phát hành cho máy Gameboy Color nên hình ảnh trong game không còn đơn sắc. Ngoài phần hình ảnh ra thì game còn được cải tiến ở mặt điều khiển, giúp trận đấu trở nên trơn tru hơn, có tốc độ hơn.

Phi long quyền Liệt truyện GB (飛龍の拳烈伝GB)

Đây là phiên bản cuối cùng của dòng Phi long quyền, được phát hành năm 2000 với giá 3,800 En, dung lượng băng 16 Megabit. Nội dung của bản này giống hệt bản Phi long quyền ngoại truyện năm 1990, chỉ khác là hình ảnh có thêm màu sắc do phần cứng lúc này là Gameboy Color, và nội dung cũng thay đổi một chút. Giống như bản ngoại truyện, người chơi chỉ có thể điều khiển một nhân vật Long Phi. Trong trận đấu trùm, sau khi biến thân thành Long chiến sỹ cũng không sử dụng được pháp lực.

Các phiên bản Gameboy, Gameboy Color

Phiên bản PlayStation

■ Virtual Hiryū no ken (バーチャル飛龍の拳)

Phiên bản đấu võ đối kháng với nhân vật được thiết kế hình khối 3D này ra đời năm 1997 trên máy Sony PlayStation với giá bán 5,800 En. Bản này có thêm một số nhân vật mới, và hệ thống tâm nhãn đã không còn chỗ đứng trong phiên bản này. Tính năng của các nhân vật cũng chênh lệch nhau quá nhiều, đánh dấu cho sự thất bại của một game đối kháng 3D.


Phiên bản NINTENDO64

Hiryū no ken Twin (飛龍の拳ツイン)

Được phát hành cùng năm với Virtual Hiryū no ken (1997) với giá bán 6,980 En, dung lượng băng 128 Megabit. Phiên bản này gồm 2 phần. Phần đầu là phiên bản cải tiến của Virtual Hiryū no ken, khắc phục các nhược điểm trong cách điều khiển của bản PlayStation, nhưng do dung lượng băng của N64 kém hơn dung lượng CD-Rom của PlayStation nên số lượng nhân vật xuất hiện trong phiên bản này cũng bị cắt đi nhiều. Phần thứ hai của phiên bản này là SD Phi long quyền nhưng tập trung nhiều vào yếu tố thu thập Item và nâng cấp nhân vật.

SD Hiryū no ken Densetsu (SD飛龍の拳伝説)

Đây là phần sau của phiên bản SD trong Twin, được phát hành năm 1999 với giá bán 6,480 En, dung lượng 256 Megabit. Số lượng nhân vật ở bản này tăng lên đáng kể (54 nhân vật) do sự góp mặt của các nhân vật từ series Super Chinese, một dòng game đấu võ khác của Culture Brain.

Ngoài các phiên bản đã được phát hành như kể trên thì Culture Brain còn công bố 11 phiên bản khác, rải rác qua nhiều hệ máy như Super Famicom, 64DD, Dreamcast, Gameboy, PlayStation nhưng rốt cuộc đều bị ngừng phát triển nửa chừng.


Các nhân vật chính trong series

Có mặt trong suốt series Phi long quyền, ngoại trừ phiên bản đầu tiên trên máy Arcade, là nhóm Ngũ long chiến sỹ và phe cường địch là tổ chức bí mật Long Nha (nanh rồng) do Long ma vương Fuzufu cầm đầu. Nhóm Ngũ long chiến sỹ là 5 chiến binh được Thiên long Đại thánh của Thiên giới phái xuống trần gian để ngăn chặn Đại ma thần phục sinh. Từ Phi long quyền II trở đi thì nhóm Ngũ long chiến sỹ mới được định hình một cách rõ ràng về mặt hình ảnh thiết kế, cũng như câu chuyện của họ. Từ bản II trở đi thì những nhân vật này có thể biến thân, mình mặc giáp Thiên giới, có thể sử dụng pháp lực. Từ Phi long quyền III trở đi thì nhóm chiến sỹ này còn có thêm vũ khí (song kiếm/côn) sau khi biến thân.

Long Phi (âm Nhật: Ryūhi)

Chàng thanh niên người Trung Quốc này là nhân vật chính xuyên suốt series Phi long quyền, từng luyện quyền pháp bên cạnh lão sư Thọ An trên đỉnh núi Long Phi, một vùng hẻo lánh bí mật ở Trung Quốc. Thanh niên này thành thạo tuyệt kỹ môn ngoại bất xuất là Phi Long quyền. Sau khi lão sư bị ám sát thì Long Phi theo di ngôn của sư phụ mà tìm đến trụ trì Thiếu Lâm tự là Nguyên Nhai, cũng là bạn thân của lão sư. Long Phi là thủ lãnh của nhóm Ngũ long chiến sỹ, là hóa thân của Hoàng kim long. Từ bản Phi long quyền II: đôi cánh rồng trở đi thì có thể biến thân, sử dụng pháp lực hệ thiên. Từ bản Phi long quyền III: Ngũ long chiến sỹ trở đi thì dùng vũ khí là song kiếm sau khi biến thân. Long Phi là nhân vật có mọi chỉ số đều trên mức trung bình.

Minnin

Bông hồng duy nhất trong nhóm Ngũ long chiến sỹ, là hóa thân của kỳ lân. Minmin xuất hiện lần đầu ở Phi long quyền: Áo nghĩa thư, nhưng lúc này trong vai trò đối thủ giao chiến với Long Phi. Từ Phi long quyền II trở đi thì có thể biến thân, sử dụng pháp lực hệ hỏa. Từ Phi long quyền III trở đi thì dùng vũ khí là song kiếm sau khi biến thân. Minmin thường hành động với Thăng Long. Trong bản Hyper version (Super Famicom) thì Minmin bị thương nặng nên không thể biến thân. Minmin xuất thân từ Hương Cảng, được giới quyền pháp ca tụng là thiếu nữ thiên tài. Minmin là nhân vật có các chỉ số yếu nhất trong nhóm Ngũ long chiến sỹ, và không phù hợp để chiến đấu.

Hayato

Tên đầy đủ là Gō Hayato, quốc tịch Nhật Bản, một mình trui rèn Karate và võ cổ truyền, tự sáng tạo ra lưu phái của riêng mình. Trong Phi long quyền: Áo nghĩa thư thì Hayato là đối thủ trên võ đài của Long Phi, nhưng sau nhận thức được sứ mệnh Long chiến sỹ của mình nên từ bản Phi long quyền II trở đi trở thành bạn đồng hành với Long Phi. Cũng từ bản này, Hayato có thể biến thân, từ Phi long quyền III trở đi thì sử dụng trường côn sau khi biến thân. Hayato là hóa thân của Phụng hoàng, sử dụng pháp lực hệ phong. Các chỉ số của Hayato đều xấp xỉ Long Phi.

Willer

Là nhân vật lớn tuổi nhất và to con nhất trong số Ngũ long chiến sỹ. Willer là hóa thân của Sư tử, quốc tịch Mỹ và trực thuộc CIA. Khác với các nhân vật còn lại, Willer không chiến đấu bằng võ thuật cổ truyền mà thành thạo thuật chiến đấu của quân đội hiện đại. Willer là nhân vật có chỉ số thể lực và sức mạnh cao nhất trong số Ngũ long chiến sỹ. Willer xuất hiện từ bản Phi long quyền II, là người sống sót duy nhất của đội điều tra sở nghiên cứu vũ khí sinh học. Sau nhận thức được sứ mệnh Long chiến sỹ của mình thì sát cánh cùng Long Phi. Willer sử dụng pháp lực hệ lôi. Từ Phi long quyền III trở đi, Willer sử dụng vũ khí là trường côn sau khi biến thân.

Thăng Long (âm Nhật: Shōryū)

Là nhân vật nhỏ tuổi nhất trong nhóm Ngũ long chiến sỹ, mang quốc tịch Mỹ và là hóa thân của Bạch kim long. Thăng Long xuất hiện lần đầu ở Phi long quyền II trong vai trò tổng soái của nhóm "Chinh ma đoàn", một tổ chức chuyên giải mã những hiện tượng siêu nhiên. Thăng Long sử dụng pháp lực hệ quang, có chỉ số chiến đấu không cao, nhưng có siêu năng lực phi phàm, và là nhân vật có pháp lực mạnh nhất nhóm Ngũ long chiến sỹ. Từ Phi long quyền III trở đi, Thăng Long sử dụng vũ khí là song kiếm sau khi biến thân.

Long Thiên Đại Thánh

Là vị anh hùng của Thiên giới, năm xưa từng chiến thắng Đại ma thần rồi phong ấn giam giữ hắn trong Mạn Đà La. Trong Phi long quyền II và Phi Long quyền III thì Long Thiên Đại Thánh xuất hiện qua lời kể chuyện, và cũng là hình tượng hợp thể của Ngũ long chiến sỹ vào lúc nguy cấp. Nhân vật này sử dụng vũ khí là song kiếm (Nhật luân kiếm).

Hình tượng Long Thiên Đại Thánh (Ryūten Taisei) trong Phi long quyền II: đôi cánh rồng và Phi long quyền III: Ngũ long chiến sỹ


Âm nhạc

Nếu như nói hệ thống tâm nhãn trong cách chiến đấu là điểm nhấn của series Phi long quyền thì phải thừa nhận rằng âm nhạc cũng chính là một điểm sáng rất lớn khiến người chơi nhớ đến nó. Mặc dù khả năng trình diễn âm thanh của phần cứng của Famicom rất hạn chế, nhưng kể từ phiên bản Famicom đầu tiên là "Áo nghĩa thư", Phi long quyền đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng bởi nhạc nền của nó. Không những chất lượng âm thanh được trau chuốt rất kỹ, mà từng giai điệu cũng có đặc trưng rất riêng biệt, không thể lẫn với bất kỳ game nào khác cùng thời trên thị trường. Đến Phi long quyền II: đôi cánh rồng thì nhạc nền được nâng lên một tầm cao mới, xác lập những giai điệu trở thành thương hiệu của cả series. Mỗi màn chơi, mỗi phân đoạn, từng phân cảnh đều có nhạc nền riêng, phù hợp nhất với phân cảnh đó. Đặc biệt nhất là những giai điệu trên võ đài luôn sôi nổi cuồng nhiệt, luôn khơi dậy đấu hồn của người chơi một cách mãnh liệt. Tuy sôi nổi cuồng nhiệt nhưng nó lại không ồn ào nặng nề như dòng metal rock, mà vẫn rất du dương êm tai. Âm nhạc của Phi long quyền là một thứ gì đó rất đặc biệt mà đến tận ngày nay, sau hơn 20 năm ngừng phát hành, người ta vẫn luôn nhớ về nó.


Hình tượng thiết kế

Phi long quyền II: đôi cánh rồng chính là phiên bản đánh một dấu ấn lớn trong mảng thiết kế hình ảnh. Dàn nhân vật chính giờ đây đã quy tụ đủ 5 người, với thiết lập là các chiến binh của Thiên giới. Và bắt đầu từ phiên bản này, các nhân vật có thể "biến thân" thành dạng chiến binh mình mặc giáp, có thể sử dụng chiêu thức đặc biệt là "pháp lực". Nhìn vào tấm poster quảng bá cho ngày phát hành của Phi long quyền II thì thấy được ý tưởng trong thiết kế nhân vật có nhiều điểm tương đồng với các tượng cổ Thần tướng hộ pháp trong Phật giáo.

Trên một bìa sách hướng dẫn chơi Phi long quyền II do Culture Brain phát hành, ta thấy được hình tượng thiết kế một cách rõ ràng hơn, bộ giáp của nhân vật Willer (cầm phướng) không khác mấy so với những pho tượng Thiên vương thường thấy ở chùa chiền. Phía sau là hình tượng Đại Nhật Như Lai với bàn tay bắt ấn "trí quyền". Thiết kế này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh game, khi những nhân vật này là hóa thân của các vị Thiên tướng. Sau khi biến thân, nhân vật có thể sử dụng "pháp lực", một kiểu "bắn chưởng" khiến đối thủ không thể tránh né. Trước khi tung ra "pháp lực" thì nhân vật đọc những câu Chân ngôn phiên âm từ tiếng Phạn. Có thể hiểu nôm na Chân ngôn (Mantra) là những câu thần chú của các vị Phật trong thế giới quan Phật giáo, được đọc theo âm tiếng Phạn, tức tiếng Ấn Độ cổ.

Thiết kế với bối cảnh này có thể khiến nhiều người nghĩ rằng Phi long quyền nhái theo ý tưởng của series Anime "Thiên không chiến ký Shurato" (天空戦記シュラト/Tenkū senki Shurato). Điểm nhấn của bộ Anime này là thế giới quan Phật giáo Mật tông, các nhân vật đều có khả năng biến thân thành các hóa thân của nhiều nhân vật trong điển tích Phật giáo như A-tu-la, kim súy điểu Ca-lâu-la, Khổng tước vương,.... Thiết kế y giáp trong bộ Anime này cũng dựa trên hình tượng những pho tượng cổ về 12 vị Thần tướng Dược Sư của người Nhật. Và trước khi tung tuyệt chiêu, nhân vật trong Anime này cũng đọc những câu Chân ngôn. Tuy nhiên, bộ Anime này ra đời vào năm 1989, trong khi Phi long quyền II: đôi cánh rồng ra đời từ năm 1998 nên không thể nói là Phi long quyền nhái ý tưởng từ "Thiên không chiến ký Shurato".

Hình tượng nhân vật trong "Thiên không chiến ký Shurato"

Thập niên 1980 ~ 1990 là giai đoạn bùng nổ những sản phẩm văn hóa với sự có mặt của những anh hùng biến thân trong văn hóa đại chúng ở Nhật Bản. Có thể kể tới vài cái tên như Ultraman với đề tài người ngoài Địa cầu, dòng Super Sentai với đề tài Robot, hay Saint Seiya với đề tài thần thoại Hy Lạp và nhiều series khác nữa. Nếu mà nói thiết kế của Phi long quyền chịu ảnh hưởng từ một trong những series này thì có lẽ Saint Seiya là hợp lý nhất, bởi series đã xuất hiện từ năm 1986. Chỉ khác ở chỗ, ý tưởng của Saint Seiya là thần thoại Hy Lạp còn ý tưởng thiết kế trong Phi long quyền lại đậm chất Phật giáo, đậm chất Á Đông.

Cũng chính vì series Phi long quyền mang đậm màu sắc Phật giáo nên nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc phát hành ở thị trường Âu Mỹ, bởi Phật giáo không phải là tôn giáo được biết đến rộng rãi ở bên ngoài Á châu, và văn hóa Phật giáo lại càng xa lạ, ngay cả đối với những quốc gia Á châu được coi là theo tôn giáo này. Chính vì vậy nên Culture Brain đã sửa lại hết thiết kế hình tượng, Âu hóa hết dàn nhân vật thành các siêu anh hùng như trong truyện tranh Âu Mỹ. Và dĩ nhiên là cũng không còn pháp lực hay Chân ngôn gì hết. Thanh song kiếm của nhân vật trong bản Nhật đã biến thành kiếm laser trong bản Mỹ.

Thiết kế nhân vật trong Phi long quyền II: bên trái là bản gốc (Nhật), bên phải là bản Mỹ

Thiết kế nhân vật trong Phi long quyền S Golden Fighter và Ultimate Fighter


Tổng kết 

Mặc dù phiên bản đầu tiên trên máy Arcade hoàn toàn không có liên hệ gì với series về mặt nội dung, nhưng "Bắc phái Thiếu lâm: Phi long quyền" đã ghi một cột mốc trong lịch sử game đối kháng với hệ thống tâm nhãn mới lạ. Đến Phi long quyền II: đôi cánh rồng, nội dung và bối cảnh game được xác lập một cách chắc chắn. Còn Phi long quyền III: Ngũ long chiến sỹ là phiên bản hoàn hảo nhất về mọi mặt trong 4 phiên bản Famicom, nếu không muốn nói là hoàn hảo nhất trong series. Phiên bản Golden Fighter và Hyper version trên Super Famicom thì mắc phải lỗi lập trình đáng tiếc, khiến nó không trở thành dấu ấn đáng nhớ trong series. Còn các phiên bản ngoại truyện trên Gameboy thì nội dung cũng khá thú vị, nhưng mang nhược điểm phần cứng kém cỏi của hệ máy này nên hình ảnh không được tốt. Các phiên bản đời sau trên PlayStation và N64 lại phá bỏ truyền thống tâm nhãn của series, đi vào con đường game đối kháng thuần túy như bao game khác cùng thể loại, khiến nó không còn được ai nhớ tới nữa. Và cũng từ đó, Culture Brain hoàn toàn bỏ lơ series này, đặt dấu chấm hết cho huyền thoại một thời của thế hệ 8X, 9X.