Khái quát về Super Famicom kỳ #1

"Super Famicom" (tiếng Nhật: スーパーファミコン) là tên gọi của hệ máy chơi game gia đình thuộc thế hệ thứ 4 do hãng Nintendō phát hành cho thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hương Cảng. Hệ máy này được chính thức phát hành vào ngày 21 tháng 11 năm 1990 ở thị trường Nhật Bản và ngừng sản xuất vào năm 2003. Tại Nhật, "Super Famicom" thường được gọi tắt là "Sūfami" (スーファミ) hoặc "SFC".

Tại thị trường Bắc Mỹ, Âu châu, Úc châu và thị trường Ba Tây, hệ máy này được gọi tên là "Super Nintendo Entertainment System" hay gọi tắt là "SNES". Đôi khi nó còn được gọi là "Super Nintendo" hay "Super NES".

Tại Đại Hàn, hệ máy này được gọi là "Super Comboy" (スーパーコンボイ). Phiên bản Bắc Mỹ và phiên bản cho các thị trường khác được phát hành muộn hơn phiên bản SFC cho thị trường Nhật Bản một thời gian. Để cho gọn, trong bài này dùng "SFC" để chỉ phiên bản cho thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hương Cảng và dùng "SNES" để chỉ phiên bản Âu châu, Bắc Mỹ, Ba Tây, Úc châu.

Vào thập niên 1990 tại Việt Nam, hệ máy chơi game này thường được thấy ở các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử. Thời gian đầu thường thấy phiên bản Bắc Mỹ (SNES), nhưng thời gian sau còn thấy xuất hiện nhiều máy SFC. Tuy nhiên, đương thời không mấy người biết chính xác tên gọi của hệ máy chơi game này, mà người ta thường gọi chúng bằng cái tên máy/đầu "điện tử đĩa vuông" hoặc "điện tử đĩa mềm" mặc dù nhu liệu khởi động máy này được bán chính thức dưới dạng băng Cartridge. Lý do vì sao có tên gọi này sẽ được đề cập ở phần sau.

SFC/SNES là phiên bản 16 bit kế tục của hệ máy "Family Computer" (FC) hay còn gọi là "Nintendo Entertainment System" (NES) 8 bit ra đời vào năm 1983. Nintendō bán ra chiếc máy SFC với giá 25,000 En ở thị trường Nhật, còn SNES có giá 199 USD. Và đây cũng là hệ máy có doanh số cao nhất trong các loại máy chơi game thuộc thế hệ thứ 4 (gồm có PC Engine và TurboGrafx16 của NEC, Neogeo của SNK, Mega Drive hay còn gọi là Genesis của Sega và SFC/SNES của Nintendō).

Hình ảnh tái hiện khung cảnh quán điện tử đĩa mềm ở Việt Nam vào thập niên 1990. 

Dưới đây là một số nét khái quát về hệ máy này.

■CPU: sử dụng CPU 5A22 của hãng Ricoh có xung nhịp 3.58MHz. Đây là CPU 16 bit được tùy chỉnh dựa trên bộ vi xử lý WDC65816 của hãng Western Design Center. Đây là dòng vi xử lý kế tục vi xử lý 6502 cũng của Western Design Center, vốn được dùng trong máy FC/NES nên về mặt lý thuyết thì nhu liệu FC/NES hoàn toàn có thể chạy được trên máy SFC/SNES.

ROM Cassette: Mask ROM chứa trong vỏ Cartridge nhựa. Tùy từng game mà băng Cartridge này còn có thêm pin để giữ dữ liệu save. Một số băng game còn có thêm chip đặc biệt giúp hỗ trợ tính năng của CPU như giúp tính toán nhanh hơn, giúp xử lý hình ảnh 3D,... Nhu liệu game có dung lượng từ 0.5MB đến mức tối đa là 8MB. Từ năm 1997 trở đi, Nintendō còn bán ra một băng Cartridge có tên là "SF Memory Cassette" đi kèm với dịch vụ "NINTENDO POWER" ghi nhu liệu game lên băng này với một khoảng phí rẻ hơn so với việc mua băng Cartridge truyền thống. Có thể hình dung "SF Memory Cassette" như một chiếc USB có thể ghi, xóa nhiều lần.

Controller (tay cầm): máy đi kèm với 2 tay cầm kết nối có dây. Mỗi tay cầm gồm nút chữ thập để khiển phương hướng giống tay cầm của FC/NES. Điểm mới của tay cầm SFC/SNES là ngoài 2 nút A, B ra còn có thêm 2 nút X, Y và 2 nút L, R trên 2 bên phần vai của tay cầm. Ngoài ra thì 2 nút Start và Select cũng được giữ nguyên như tay cầm FC/NES.

Cổng kết nối: ngoài chuẩn kết nối RF giống như FC/NES thì SFC/SNES còn có thêm cổng kết nối Multi-out. Nghĩa là đầu kết nối này có thể xuất tín hiệu ở nhiều dạng khác nhau ra Tivi. Trong đó, chuẩn xuất tín hiệu Avi (chuẩn composite gồm 3 dây: vàng, đỏ, trắng) cho chất lượng hình ảnh cao hơn chuẩn RF, chuẩn S-video cho chất lượng hình ảnh đẹp hơn Avi, chuẩn xuất tín hiệu RGB cho chất lượng hình ảnh cao nhất. Đương thời, không có nhiều loại Tivi có cổng S-video hay cổng RGB nên cổng Avi là cổng phổ biến nhất, nhưng chất lượng hình ảnh của nó chỉ ở mức trung bình.

Máy SFC/SNES còn có chức chơi online thông qua thiết bị ngoại vi gọi là Satellaview. Mục chơi online bằng Satellaview sẽ được đề cập kỹ hơn ở kỳ sau. Từ 1990~2000, có 1,447 game được phát hành chính thức cho hệ máy này. Một số game có doanh thu cao nhất: Super Mario World (hơn 20 triệu bản trên toàn cầu), Super Mario Cart (3.8 triệu bản ở Nhật). Ngày nay, một số game của hệ máy này còn được phân phối qua dịch vụ Virtual Console trên máy Wii, 3DS và dịch vụ Nintendo Switch Online trên máy Switch.

Băng Fire Emblem Seisen no Keifu cho máy SFC có giá 7,500 En Nhật vào năm 1996. 

Các phiên bản SFC/SFC không có khác biệt về tính năng của phần cứng, mà chỉ có khác biệt về mặt thiết kế thẩm mỹ bên ngoài. Về ngoại hình thì máy SNES cho thị trường Âu châu, máy Super Comboy cho thị trường Đại Hàn và máy SFC cho thị trường Nhật Bản có ngoại hình tương đồng nhau. Trong khi đó thì phiên bản SNES cho thị trường Bắc Mỹ lại có thiết kế khác hẳn. Băng Cartridge chứa nhu liệu để chạy trên các hệ máy này cũng có hình dạng khác nhau, dẫn đến việc băng của hệ máy này không cắm vào hệ máy kia được, dù về mặt lý thuyết thì nhu liệu (ROM) chứa trong băng của hệ này vẫn có thể chạy được trên hệ máy kia. Khía cạnh này sẽ được đề cập kỹ hơn ở phần sau.

Phiên bản Bắc Mỹ (SNES, hệ màu NTSC) (trái) có thiết kế khác với SFC. Phiên bản Nhật (SFC, hệ màu NTSC) (phải) và phiên bản Âu châu (SNES, hệ màu PAL) (giữa) có ngoại hình khá tương đồng. 

Dưới đây là một vài nét chính trong lịch sử phát triển của SFC/SNES.

■Ngày 09/09/1987, Giám đốc Nintendō đương thời là ông Yamauchi Hiroshi lần đầu tiên đề cập đến SFC trên tờ báo Kyōto Shimbun.

Ngày 21/11/1988, Nintendō tiết lộ về máy SFC phiên bản thử nghiệm, đồng thời cũng công bố rằng đến tháng 7/1989 sẽ chính thức bán ra. Lúc bấy giờ họ cũng công bố bán ra 2 game cùng lúc với phần cứng máy là "Super Mario Brothers 4" và "Dragon Quest V".

Đến 28/07/1989, Nintendō công bố cấu hình của máy và việc dời hạn phát hành thêm 1 năm. Lý do là vì việc sản xuất đại trà máy NES và Gameboy khiến cho nguồn cung chất bản dẫn không đủ cầu, và cũng do thị trường FC lúc này hãy còn sôi động.

Ngày 21/06/1990, Nintendō công bố sẽ chính thức bán máy SFC vào ngày 21 tháng 11 cùng năm. Có 3 đầu game được bán ra đồng thời là "Super Mario World", "F-Zero" và "Pilotwings". Trong đó, "F-Zero" là game đua xe tận dụng được tính năng phóng to, thu nhỏ hay xoay hình ảnh mà các máy chơi game khác không có.

Tháng 12 năm 1990, hãng Sharp bán ra chiếc Tivi CRT có tên mã là "SF1" có chức năng vừa là Tivi, vừa chứa máy SFC bên trong. Máy có 2 kích cỡ là 14 inch (giá 100,000 En) và 21 inch (giá 13,3000 En). Mặt trước của chiếc Tivi này có 2 cổng cắm controller của SFC, bên trên là cổng cắm băng Cartridge. Bản thân chiếc Tivi này đã chứa máy SFC bên trong nên chỉ cần sở hữu Tivi là có thể chơi được game SFC.

SF1, chiếc TV CRT của hãng Sharp được tích hợp máy Super Famicom bên trong. Chỉ cần cắm băng lên đầu TV rồi bật màn hình là có thể chơi game được luôn.

Ngày 09/01/1992, Nintendō công bố họ đã được hãng Philips cấp phép để tung ra "Super Famicom CD-ROM Adapter", một thiết bị ngoại vi dùng CD-ROM để mở rộng dung lượng ROM. Thiết bị này được dự định bán ra vào tháng 1 năm 1993 nhưng sau đó bị hủy bỏ. Vụ việc này liên quan tới sự hợp tác giữa Nintendō và hãng Sony rồi dẫn tới mối quan hệ rạn nứt giữa đôi bên kéo dài đến tận ngày nay. Phần này sẽ được đề cập chi tiết ở kỳ sau.

Ngày 18/03/1993, Nintendō công bố sẽ bắt đầu triển khai dịch vụ liên kết Super Famicom với truyền hình vệ tinh từ tháng 04 năm 1994 thông qua việc đầu tư 782 triệu En vào mảng truyền hình qua vệ tinh.

Ngày 14/06/1994, Nintendō chính thức bán ra thiết bị ngoại vi có tên "Super Gameboy", một adapter cho phép nhu liệu của máy chơi game cầm tay Gameboy chơi trên Tivi thông qua máy SFC. Người chơi cắm băng Gameboy vào adapter này, sau đó cắm adapter vào máy SFC là có thể chơi được băng Gameboy qua màn hình Tivi kết nối với máy SFC.

Ngày 01/04/1995, Nintendō kết hợp với cục phát thanh St. Giga bắt đầu thử nghiệm nội dung phát sóng qua vệ tinh, truyền nội dung game đến máy SFC thông qua thiết bị ngoại vi Satellaview. Đây là lần phát sóng nội dung số đầu tiên trên Thế giới.


Satellaview (bên dưới) là thiết bị ngoại biên kết nối với máy Super Famicom, cho phép tải game được phát sóng qua vệ tinh. Đây là một trong những hình thức online đầu tiên của ngành game.

Ngày 14/12/1995, Nintendō chính thức phát biểu rằng từ ngày 01/02/1996 trở đi, họ sẽ hạ mức giá trần cho các tựa game do chính Nintendō phát triển, cũng như hạ mức phí bản quyền đối với game của các bên thứ ba xuống nếu như game đó nhận được một số đánh giá nhất định từ Super Mario Club, một cơ quan chuyên đánh giá về nhu liệu game. Đây là một động thái nhằm hạ giá thành của nhu liệu game xuống. Đương thời (giai đoạn 1990), giá một băng game SFC dao động từ 6,000 đến hơn 7,000 En. Các tựa game AAA ngày nay (2017~2022) trên PS4 hay Nintendō Switch cũng chỉ quanh quẩn mức giá này.

Tháng 4 năm 1996, hãng Catapult Entertainment bán ra thiết bị "XBAND" cho phép người chơi SFC/SNES đối chiến với nhau thông qua kết nối đường điện thoại.

Ngày 26/09/1997, Nintendō bắt đầu thử nghiệm dịch vụ "NINTENDO POWER" cho phép ghi nội dung game lên băng SF Memory Cassette theo nguyện vọng của người dùng. Dịch vụ này được thử nghiệm đầu tiên ở Tōkyō, sau đó lan rộng khắp nước Nhật. Dịch vụ này kết thúc vào tháng 02/2007.

Ngày 30/01/1998, "Super Gameboy 2" được bán ra. Đây là phiên bản nâng cấp của Super Gameboy, có thêm chức năng kết nối do Nintendō nhận thấy dòng Pokemon vốn chỉ xuất hiện trên Gameboy nhận được nhiều ái mộ.

Ngày 27/03/1998, Nintendō bán ra máy Super Famicom Junior. Đây là phiên bản giá thành rẻ của SFC, bị cắt bỏ các chuẩn kết nối RF, S-video và RGB mà chỉ còn giữ lại mỗi chuẩn kết nối Avi. Tuy nhiên, phần cứng bên trong cũng được thiết kế lại, các module xử lý đồ họa và âm thanh được quy về 1 chip, cho chất lượng hình ảnh tốt hơn cùng chuẩn kết nối Avi của SFC. Tuy Nintendō đã loại bỏ các cổng kết nối khác ngoại trừ cổng Avi, nhưng người dùng vẫn có thể mod máy để bổ sung các chuẩn kết nối này. Cũng giống như SFC, Super Famicom Junior cũng có phiên bản cho thị trường Bắc Mỹ với cùng tính năng, nhưng lần này thì thiết kế lại tương đồng mà chỉ khác mỗi màu sắc. Ngoài ra, Super Famicom Junior hay SNES Junior cũng bị lược bỏ cổng kết nối với Satellaview nên không thể chơi được nội dung phát sóng qua vệ tinh.

Super Famicom Junior và SNES Junior có ngoại hình khá giống nhau. Chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt hơn các phiên bản trước nhưng bị cắt giảm khá nhiều thứ trong phần cứng, gồm cả cổng kết nối Satellaview.

Từ 31/03/1999, Nintendō rút lui khỏi mảng kinh doanh phát sóng qua vệ tinh. Từ tháng 4 cùng năm, các nội dung số dành cho Satellaview vẫn được phía cục phát sóng St.Giga đơn độc cung cấp. Dịch vụ này kéo dài đến ngày 30/06/2000 thì chính thức chấm dứt.

Ngày 30/09/2003, Nintendō tuyên bố chấm dứt sản xuất SFC/SNES với lý do khó khăn trong nguồn cung linh kiện. Trong suốt vòng đời từ 1990 đến 2003, Nintendō bán được hơn 49 triệu máy SFC/SNES, trong đó doanh số cho thị trường Nhật Bản là khoảng 17 triệu máy, còn thị trường Mỹ khoảng 23 triệu máy.

Tháng 06/2012, hãng chính thức chấm dứt hỗ trợ sửa chữa máy Super Famicom Junior.

Ngày 05/10/2017, Nintendō bán ra phiên bản Nintendo Classic Mini Super Famicom với ngoại hình của chiếc máy SFC năm 1990 nhưng với kích cỡ nhỏ gọn hơn nhiều. Thực chất, đây không phải là phiên bản thu nhỏ của máy SFC mà chỉ là một chiếc vỏ bọc mang dáng dấp của máy SFC, còn kiến trúc bên trong thì hoàn toàn không giống máy SFC mà chỉ là một bảng mạch với chức năng giả lập SFC. Phiên bản Bắc Mỹ là Super NES Classic Edition được tung ra trước đó, vào 29/09/2017. Các phiên bản mini này đi kèm với một số game sẵn có trong máy. Người dùng không thể chơi trực tiếp băng SFC/SNES trên các phiên bản mini này mà không thông qua thiết bị ngoại vi trung gian. Do bản chất đây là các thiết bị giả lập nên nó có thêm nhiều chức năng mà máy SFC/SNES nguyên bản không có, chẳng hạn như khả năng xuất hình ảnh ở độ phân giải HD cho phù hợp với Tivi hiện đại, hay khả năng save-state/load-state thường thấy ở các phần mềm giả lập.

Trên đây là những nét khái quát về lịch sử phát triển của SFC/SNES. Những khía cạnh khác như tính năng phần cứng, lập trình phần mềm cùng những câu chuyên xoay quanh nó sẽ được đề cập đến trong những kỳ sau.9