Sách dịch

Trang ghi lại những mảnh ký ức về mấy cuốn sách đã được xuất bản do tôi biên dịch Việt văn.

Thời niên thiếu


Nói về sự đời thì có thể nói là tôi đi trước người khác khoảng 10 năm. Tuổi 20, tôi đã biết cách "nhi lập", đến tuổi 30 thì đã "bất hoặc" chứ chẳng cần đến tuổi 40, rồi sau đó chẳng mấy chốc mà đến giai đoạn "nhĩ thuận". Ở cái tuổi "nhi lập" thì tôi đã nhận ra rằng mình có nhiều thú đam mê, và một trong những cái thú đó là văn chương chữ nghĩa. Thật ra thì ngay từ thời vừa biết đọc biết viết, tôi cũng nhận ra rằng mình có một mối linh cảm đặc biệt với chữ nghĩa. Ở cái thời mà chúng bạn còn ham chơi hơn ham học, còn mê đánh đu đánh đáo thì tôi lại có mối bận tâm đặc biệt với chữ nghĩa. Vẫn còn nhớ, thời mới biết cách viết chữ thì tôi ưa viết linh tinh lên mọi chỗ có thể viết được, từ trang sách, trang tập cho tới tường nhà, nền nhà. Và cũng trong thời kỳ đó, tôi thường nghiền ngẫm đọc bất cứ thứ gì trong tầm mắt. Từ các bảng hiệu trên đường phố cho tới sách báo, tạo chí ở bất cứ nơi nào tôi đến. Một trong những cuốn tạp chí mà tôi rất thích lúc bấy giờ là "Kiến thức ngày nay" với đủ chuyện Đông Tây kim cổ, với bao câu chuyện lý thú của hai máy Google sống thời bấy giờ là cụ An Chi/Huệ Thiên. Thế nhưng niềm đam mê bất tận với chữ nghĩa và chuyện Đông chuyện Tây bên trong tôi thật ra lại bắt đầu từ một bức tranh trong một cuốn sách mà tôi đọc được thuở mới học đánh vần xong. Đó là bức tranh Flammarion engraving được in trong cuốn "Biển - cái nôi của sự sống", một cuốn sách của tác giả Lý Thái Thuận và được xếp cùng họ với "Kiến thức ngày nay".

Bức tranh vẽ cảnh một người thò đầu ra khỏi Địa cầu, vẫy tay chào trăng sao. Chỉ là một bức vẽ như vậy nhưng nó đã gợi cho tôi vô số câu hỏi, khiến tôi bắt đầu quan tâm tới Vũ trụ, tới tinh tú từ khi học lớp 1, và có lẽ nó cũng là nhân tố khiến tôi yêu thích thiên văn học ở giai đoạn sau này. Và kể từ khi đọc xong cuốn sách này thì tôi bỗng nhiên đâm ra nghiện đọc mọi thể loại sách báo, từ tiểu thuyết cho tới sách khoa học.

Sau này ngẫm lại thì lấy làm lạ, chứ đang trong cái tuổi đó thì tôi lại không thấy bản thân mình kỳ lạ. Lên lớp hai, tôi bắt đầu đọc Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Tôi đọc bộ này suốt mấy năm tiểu học, và sau đó thì không bao giờ đọc lại nữa nhưng vẫn nhớ khá nhiều chi tiết nên vẫn đối đáp khá tốt với mấy ông bạn già sau này vào mỗi khi bàn chuyện Tam Quốc những lúc trà dư tửu hậu. Và cũng trong giai đoạn tiểu học, tôi cũng đọc hết hai bộ còn lại trong Tứ đại kỳ thư là Tây Du và Thủy Hử. Trong thời kỳ này, tôi cũng mê mệt với bộ Thần thoại Hy Lạp do Nguyễn Văn Khỏa dịch.

Học hết cấp một, lên cấp hai là tôi bắt đầu đọc sang Đông Chu liệt quốc. Và cũng trong giai đoạn này, tôi bắt đầu đọc khá nhiều tiểu thuyết, văn chương Tây phương như Sherlock Holmes, các tác phẩm của Victor Hugo, Jules Verne, Alexandre Dumas,... Lúc này tôi cũng đặc biệt có hứng thú với các tác giả Việt Nam như nhóm Tự Lực Văn Đoàn, với Nguyễn Tuân, với Tô Hoài.

Cũng trong giai đoạn cấp hai, tôi bắt đầu có hứng thú đặc biệt với tiếng Việt. Thời đó, bên cạnh thú chơi điện tử như bao đứa trẻ khác thì tôi còn có thú đọc từ điển tiếng Việt của Thanh Nghị và từ điển Hán Việt của Thiều Chửu. Tôi đọc từng trang từng trang mục, hết mục từ này tới mục từ nọ, đọc không sót một câu giải nghĩa hay một câu ví dụ nào về cách dùng của từ đó. Có lẽ cũng nhờ vậy mà sau này tôi nhận ra rằng số lượng từ ngữ tiếng Việt mình biết được nhiều hơn khá nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Và tôi cũng có cùng hứng thú như thế với từ điển tiếng Anh, cũng đọc từng trang, từng mục từ một. Tôi cũng đọc như thế với sách khoa học như cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của Giáo sư Đỗ Tất Lợi. Có thể nói, đây là giai đoạn mà tôi đọc nhiều chủng loại sách nhất trong đời. Thời đó, mỗi khi đi thư viện đọc sách là tôi lại mang theo một con dao lam mà nhiều người không hiểu là để làm gì. Thư viện có khá nhiều sách cũ thời bao cấp, cái thời giấy in cực xấu và nhiều trang dính chùm vào nhau nên phải dùng dao lam mà rọc ra.

Lên cấp ba, mối quan tâm của tôi lại chuyển sang một hướng mới, là văn chương Nhật Bản. Dường như thời gian trống của tôi trong khoảng thời gian đó chỉ dành vào hai việc: nếu không chơi điện tử thì cũng nghiền ngẫm trong thư viện để đọc Kawabata Yasunari, Mishima Yukio, Tanizaki Jun-ichirō,...

Và thời cấp ba cũng khép lại thời kỳ ưa đọc sách Việt văn của tôi, để mở ra một thời kỳ mới...

Thời kỳ sinh viên


Bắt đầu lên Đại học, gần như tôi không còn đọc sách Việt văn nữa. Lúc này tôi đã đọc mọi sách báo bằng tiếng Anh và tiếng Nhật. Tôi tìm thấy mọi thứ mình cần ở hai ngôn ngữ này, trong đó có khá nhiều kiến thức không thể tiếp nhận được bằng tiếng Việt. Nếu thời cấp ba trở về trước đã định hình nên nền tảng tiếng Việt trong tôi thì thời kỳ Đại học là giai đoạn định hình nên toàn bộ suy nghĩ luận lý về chuyện viết lách. Nếu giai đoạn trước đó tuyđọc nhiều nhưng chẳng viết gì thì bắt đầu ở giai đoạn này, tôi bắt đầu viết song song với đọc. Nếu đem tất cả những thứ mà tôi từng viết, từng dịch, từ các bản game cho tới các loại tiểu thuyết, sách khảo cứu từ trước đến giờ mà in trên giấy A4, cỡ chữ 12 thì ước tính số sách cũng chất cao hơn đầu. Và tất cả đều bắt nguồn từ bản dịch một cuốn sách được xuất bản năm 2007. Đó là cuốn "Kōdan Miyamoto Musashi" của diễn giả Itō Ryōchō.

Kōdan (講談-giảng đàm) là một loại hình kể chuyện dân gian của người Nhật. Diễn giả ngồi trước thính giả mà kể các chuyện xưa tích cũ, có phần thêm thắt, lại thêm phần sắp xếp câu chữ trau chuốt để lôi cuốn người nghe. Cuốn sách này do Sun Mark xuất bản, ghi lại những lời kể của diễn giả Itō Ryōchō kể bằng cổ ngữ thời Edo, về cuộc đời kiếm khách Miyamoto Musashi từ thuở thơ ấu cho tới khi đánh bại cừu địch Sasaki Kojirō, toại đường công danh. Cuốn sách này không có giá trị về mặt lịch sử nhưng có giá trị lớn ở tính giải trí do kết cấu lôi cuốn, cộng với ngôn từ chọn lọc, từng câu từng chữ đều đắt giá. Tôi mua cuốn sách này từ một thư điếm của người Nhật Bản, và ban đầu cũng chỉ đăng bản dịch lên blog cá nhân (Yahoo 360). Thế rồi người của một công ty xuất bản nọ đọc được và đề nghị xuất bản bản dịch của cuốn sách này. Cái duyên với chuyện dịch thuật, viết lách đến với tôi qua một cuốn sách như thế. Và nghe nói, đó là một trong những cuốn sách bán chạy nhất năm 2007.

Chỉ vài tháng sau, phía công ty xuất bản lại gửi đề nghị xuất bản tiếp một cuốn sách mang tựa đề "Kiếm khách liệt truyện", gồm các truyện ngắn trong các tập tiểu thuyết thời đại (時代小説- jidai shōsetsu) của hai tác giả: Ikenami Shōtarō và Shibaryō Tarō.

Từ trái qua phải: Kiếm khách quần tượng (Kenkyaku gunzō) của Ikenami Shōtarō, Chân thuyết Miyamoto Musashi (Shinsetsu Miyamoto Musashi) và Sát thủ Izō (Hitokiri Izō) của Shibaryō Tarō. Nội dung của 3 cuốn này được tổng hợp trong "Kiếm khách liệt truyện"


So với "Kōdan Miyamoto Musashi" thì "Kiếm khách liệt truyện" là cuốn khó đọc hơn rất nhiều. Đề tài của tiểu thuyết thời đại thường là các nhân vật lịch sử, kiếm khách trong lịch sử Nhật Bản nhưng được khai thác ở nhiều góc độ khác nhau, và do cần một khối lượng kiến thức về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử Nhật Bản nên nó khá khó đọc đối với người ngoại quốc. Chính vì vậy nà bản dịch "Kiếm khách liệt truyện" thất bại về mặt doanh số.

Và đó cũng là cuốn sách khép lại hoạt động dịch thuật trong đời sinh viên của tôi để mở ra một thời kỳ mới: dịch game. Một ngày nọ vào cuối thời sinh viên, tôi bỗng nảy ra ý muốn xem lại lời thoại của những game RPG mà ngày trước từng chơi, nhưng không muốn chơi lại. Và thế là tôi tìm tới những kỹ thuật Rom hacking để phục vụ mục đích này. Nhưng rồi không lâu sau đó, tôi nhận ra rằng mình trở nên đam mê luận lý, đam mê logic từ lúc nào không hay. Và đó cũng là động lực để tôi ngày ngày đọc cổ ngữ của máy tính trong suốt hàng chục năm, bên cạnh thú vui tiếng Nhật cổ và tiếng Phạn cổ.

Đọc cổ ngữ của máy tính là thú vui hằng ngày của tôi qua nhiều năm

Thời kỳ Covid

Bẵng đi nhiều năm không còn liên hệ gì với giới xuất bản, mặc dù vẫn duy trì thói quen viết lách/dịch thuật đều đặn qua nhiều hình thức khác nhau, thì một lần nọ, vào năm thứ 3 trước đại dịch Covid, tôi nhận được liên lạc từ một bên xuất bản khác. Họ tìm được manh mối qua những đầu dây mối nhợ với bên cũ. Và dĩ nhiên là tôi biết, khi họ tìm tới mình có nghĩa rằng họ đang cần giải quyết một chuyện nan giải mà người khác không giải quyết giúp họ được. Đó là cuốn "Thiên hoàng Meiji" của tác giả Donald Keene, học giả người Mỹ chuyên nghiên cứu về lịch sử Nhật Bản. 

Trong cuốn này, ông Keene tổng hợp rất nhiều sử liệu Nhật Bản để tái hiện lại chân dung của vị Thiên hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ông Keene viết bằng tiếng Anh, sau được dịch giả Kakuchi Yukio chuyển ngữ sang tiếng Nhật. Bản tiếng Việt được dịch từ bản tiếng Nhật của Kakuchi Yukio, mất gần một năm để hoàn thành vì khối lượng tài liệu trích dẫn khá nhiều, và hầu hết được viết bằng cổ ngữ. Trong sách cũng trích dẫn khá nhiều bài thi ca cổ kim trong cung đình Nhật Bản, nên việc chuyển ngữ cũng không dễ dàng.

Có một điều khá ngạc nhiên về cuốn sách này. Đó là, mặc dù là thể loại lịch sử khô khan nhưng lại được khá nhiều người quan tâm. Cũng có thể đó là một ân huệ của Internet, khi mà người ta dễ dàng tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, trở nên quen thuộc hơn với những nhân vật, sự kiện lịch sử Nhật Bản mà cách đó chỉ chục năm trước thôi thì hầu hết người Việt đều còn thấy xa lạ.


Sau khi bản dịch "Thiên hoàng Meiji" được xuất bản thì phía xuất bản lại nêu một đề nghị mới. Đó là cuốn "Khuyến học" của nhà cải cách Fukuzawa Yukichi. Ông này là nhân vật xuất hiện trên tờ tiền Nhật Bản có mệnh giá lớn nhất, là tờ 10.000 En. Mặc dù thời đại của Fukuzuzawa Yukichi cách chúng ta khá xa, nhưng những tư tưởng mà ông đưa ra trong cuốn "Khuyến học" luôn tỏ ra mới mẻ và thiết thực đối với bất kỳ ai, trong bất kỳ thời đại nào. Trong "Khuyến học", Fukuzawa đi sâu vào cốt lõi, bản chất của sự học, đả phá những thứ hời hợt bề mặt kéo chân sự phát triển của xã hội.

Có một điều tôi vẫn không hiểu về cuốn sách này. Trước đó đã có một bản dịch tiếng Việt của dịch giả khác, nhưng không hiểu sao họ vẫn đề nghị tôi dịch lại cuốn này. Bản dịch tiếng Việt được dịch từ nguyên ngữ cổ văn thời Edo của chính tác giả, được hoàn thành trước khi dịch Covid bùng nổ một thời gian.