Tạp khảo

Một trong những sở thích của tôi là thích suy nghĩ, thích quan sát, thích quán chiếu. Trang này là nơi lưu trữ những suy nghĩ linh tinh về mọi chuyện trong cuộc sống. Có những suy nghĩ là thường hằng, có những suy nghĩ sinh sinh diệt diệt trong sát na. 

Nghĩ về lòng ái quốc

Hôm rồi tình cờ xem được một đoạn video trên mạng xã hội quay cảnh một cậu bé người Mỹ đi ngang nhà nọ, thấy lá quốc kỳ bị rơi trên đất nên cậu ta dừng chân, nhặt lên định cắm lại cho ngay ngắn. Đúng lúc đó thì chủ nhà đi ra, cả hai trò chuyện một lúc thì ông chủ nhà dạy cậu bé gấp quốc kỳ cho ngay ngắn rồi đưa cho cậu, còn cậu bé thì giơ tay chào ông chủ nhà như kiểu nhà binh. Hầu hết người xem video đều comment rằng mình xúc động trước hình ảnh kính cẩn của cậu bé đối với lá quốc kỳ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, nhưng từ đây cũng thấy được một điều rằng sở dĩ nhiều người xúc động trước một hành động hiển nhiên như vậy là vì nó quá hiếm hoi trong cái thời đại nhân tâm loạn lạc như bây giờ. Một hành động tử tế thiện lương đúng nghĩa thì chẳng bao giờ đáng để khen, vì hiển nhiên nó cần phải vậy, là điều hết sức bình thường thì sao cần phải khen. Khi người ta mở miệng khen những điều tử tế thiện lương thì ta biết rằng ở quanh mình, trong bối cảnh thời đại mà ta đang sống thì cái tử tế thiện lương đang leo lắt như ngọn nến trước gió.

Bất kỳ một người nào sống trên đời này cũng đều cần có một thái độ đối với lá quốc kỳ của mình, hay rộng hơn là quốc gia dân tộc mình như cậu bé người Mỹ kia. Đó là điều mà một con người bình thường sinh ra ở đời đều nên có, phải có. Trong Phật giáo có dạy về tứ trọng ân, tức 4 cái ơn lớn mà con người cần có. Trong đó có ơn quốc gia, ơn người đứng đầu bờ cõi vì nhờ có họ mà mình được sống thảnh thơi an nhàn, không rơi vào cảnh binh đao chết chóc. Tuy nhiên, nhìn sao cho đúng với bản chất của cái ơn này vốn không dễ. Rất khó để ta nhìn sự vật sự việc như nó vốn là, vốn có mà không bị nhuốm sang màu tà kiến, tức cái nhìn lệch lạc không còn đúng bản chất của sự việc. 

Hầu hết con người ngày nay đều được dạy về lòng yêu nước ngay từ nhỏ, và hầu hết lòng yêu nước của nhân loại xưa nay đều gắn liền với ý thức hệ chính trị. Yêu nước yêu dân tộc phải là yêu một thể chế cụ thể, phải là căm ghét một chế độ cụ thể. Vậy thì trước khi thể chế đó ra đời thì chúng ta yêu và ghét cái gì? Nếu nói là yêu ghét những thể chế trước đó thì lòng yêu nước chẳng phải là thứ tuyệt đối, mà là thứ mong manh dễ vỡ như thủy tinh. Vậy yêu nước là yêu dân tộc mình và ghét dân tộc kia ư? Khái niệm "quốc gia dân tộc" cũng mang tính tương đối, chỉ mới được đề cập nhiều từ vài trăm năm trở lại đây. Trong thời cổ thì khái niệm này rất mong manh. Vậy thì lúc đó ta ghét cái gì? Dĩ nhiên là yêu điều thiện, ghét điều ác rồi. Tức là chúng ta yêu tính nhân bản (humanity). Như vậy thì có thể thấy rằng tính nhân bản mới là thứ được ưu tiên vượt trên cả quốc gia dân tộc. Trước khi hình thành nên quốc gia hay dân tộc thì chúng ta đều đã và đang là những con người. Đây mới là bản chất của câu chuyện. Chẳng qua là con người với con người trong cùng khu vực sống, cùng ngôn ngữ thì dễ sống, dễ phát huy nhân tính hơn đối với kẻ khác tiếng nói, khác văn hóa mà thôi. Nhưng dần dà, người ta càng nhìn nhận sai về sự thật đơn giản này.

Chốt lại, quốc gia dân tộc là thứ đứng sau tính con người. Cứ xử thế đối nhân đúng mực trong vai trò một con người thì tự khắc sẽ có được lòng ái quốc đúng bản chất của nó. Nhưng để nhìn thấu bản chất của câu chuyện vốn không dễ. Ta cũng thấy được nhiều chuyện ở các quốc gia trên đời, nơi mà cái rộng lớn như tính nhân bản bị lợi dụng để tuyên truyền cho mục đích tiêu diệt láng giềng, thâu tóm lãnh thổ của họ. Nhưng nhìn kỹ thì biết đó không phải là tính nhân bản thật sự, mà là thứ giả cầy. Lúc này, cái nhỏ hơn là lòng yêu nước cục bộ cũng là một công cụ để đá phá cái lớn giả cầy kia, nhưng rồi sau đó người ta lại sa đà vào cái nhỏ, cho rằng đó là chân lý. Một vòng lẩn quẩn không hồi kết.

Nghĩ về "bình đẳng giới tính"

Hôm rồi vào nhà vệ sinh nam trong siêu thị bỗng giật mình vì ngoài khoảng chục tay đàn ông đang giải quyết nỗi sầu, còn có một bà cô lao công đang dọn dẹp những giữa chốn không người. Giật mình là bởi đã quen với cảnh lao công dọn nhà vệ sinh không không có người. Nhưng ở nơi đông đúc như siêu thị thì làm gì có lúc nào trống người.  Nghĩ thế nó lại hợp lý. Mà các vị khách mày râu kia cũng chẳng ai phàn nàn gì. Ai làm việc người nấy, nước sông không phạm nước giếng.

Thử đặt tình huống ngược lại xem. Một ông già lao công quét dọn nhà vệ sinh nữ trong lúc quý bà quý cô vẫn có mặt thì sao. Dĩ nhiên là trong thực tế sẽ chẳng bao giờ có chuyện đó xảy ra. Đó là một điều hợp tự nhiên, và là một sự bất bình đẳng giới tính.

Ngày nay, nhiều người ra rả chống bất bình đẳng giới. OK tốt thôi. Nhưng họ không phân biệt đượcn sự bình đẳng giới và sự công bằng giới. Bất bình đẳng giới tính là điều hoàn toàn tự nhiên, chẳng cần phải chống lại nó. Trời sinh ra đã có sự bất bình đẳng trong cấu tạo sinh học giữa nam và nữ. Sức vóc, sức phán đoán, sự tập trung, tư duy logic thường là nam hơn. Vậy chống bất bình đẳng là chống cái gì? Chống lại những lẽ tự nhiên đó à?

Ngược lại, người nữ làm được những việc mà không đàn ông nào làm được. Đó là sinh con đẻ cái, duy trì nòi giống. Thành ra người ta ưu ái cho nữ giới trong nhiều tình huống là bởi lẽ đó. Chẳng hạ như khi có thảm họa, chiến tranh thì phụ nữ được nhường đường thoát thân để bảo đảm sự sống còn cho nhân loại. Đó là sự công bằng giới tính, không phải sự bình đằng. 


Nghĩ về thời gian

Mỗi khi có thì giờ rỗi, tôi thường suy niệm về bản chất của thời gian. Phải chăng mọi chúng sinh đều bị câu thúc, giam cầm trong dòng chảy của thời gian? 

Mà thời gian có thật sự chảy? Chẳng phải là không gian thì đứng yên còn chúng ta thì có thể chủ động di chuyển tự do tự tại trong không gian đó sao. Nếu vậy thì phải chăng thời gian cũng đứng yên, còn chúng ta thì đang di chuyển một cách thụ động bên trong nó. Nói vậy thì tất cả chúng ta đều bị ràng buộc, lệ thuộc vào thì gian mà không nhận ra thôi.


Già

Dấu hiệu của tuổi già không phải là tóc bạc, không phải lưng còng mà cũng không phải là gối mỏi.

Ta biết mình đã già khi thường thấy chướng với giới trẻ.


Đời

Cuộc đời là một vở hài kịch, nhưng là vở hài kịch buồn. Mọi toan tính dù có nghiêm túc đến đâu cũng đều có thể kết thúc như một trò đùa. Cái buồn cười và cái buồn luôn cùng tồn tại trong mọi diễn biến của cuộc đời.


Lòng lương thiện

Đừng nên đề cao sự hiền lành hay lòng lương thiện của một con kiến đen, của một con nai. Bởi chúng không có nọc độc hay nanh vuốt để làm hại kẻ khác, nên sự hiền lành hay lương thiện đó cũng chỉ là miễn cưỡng. Không ai biết được một khi chúng có nọc độc hay nanh vuốt thì sẽ như thế nào. 

Hãy ca ngợi sự hiền lành hay lòng lương thiện của một con kiến lửa, của một con sư tử. Bởi chúng hoàn toàn có khả năng cắn xé kẻ khác, nhưng chúng không làm thì đó là lòng lương thiện, sự hiền lành chân thật vậy. Hãy đề cao sự lương thiện của những kẻ có thừa khả năng làm chuyện ác, nhưng quyết không làm.


Tuổi đẹp nhất để học

Ta thường nghe những người vừa chớm tuổi 30 than phiền rằng tuổi này rất khó để học những cái mới. Nhưng thật ra chỉ cần nhìn kỹ một tí thì thấy rõ không phải vậy. Độ tuổi đẹp nhất để con người học tập chính là độ tuổi từ khoảng 30 cho tới 60 tuổi. Bởi vì khả năng học tập của con người phụ thuộc vào những yếu tố: khả năng ghi nhớ và khả năng suy lập, lập luận, tổng hợp/quy nạp, diễn dịch/phân tích. 

Trong đó khả năng ghi nhớ chỉ đóng vai trò thứ yếu và chỉ thật sự cần thiết cho những môn học cần nhiều trí nhớ như lịch sử mà thôi. Năng lực ghi nhớ thì tăng dần từ khi con người chào đời, đạt tới đỉnh thì bắt đầu suy giảm theo thời gian. Còn khả năng phân tích, suy luận chính là cốt lõi của quá trình học tập. Nó là thứ đưa ta đến với bản chất, cốt lõi của câu chuyện, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì đây là "năng lực nhìn ra thực tướng của các pháp". Người nào có năng lực nhìn thấu bản chất của vấn đề thì người đó học gì cũng nhanh. Năng lực nhìn thấu thực tướng này nếu không phải là bẩm sinh (có căn cơ, có ngộ tính) thì sẽ tăng trưởng dần theo thời gian và không bị suy giảm ở giai đoạn sau đó, nếu vẫn duy trì điều kiện mài dũa nó.

Ở độ tuổi loắt choắt dưới 30, con người thường thiên về trí nhớ hơn là phân tích suy luận để nhìn thấu bản chất của đối tượng quán sát. Chuyện học ở tuổi này thì 3 phần là hiểu, còn 7 phần là ghi nhớ. Điều này giải thích cho việc khi trưởng thành, người ta thường thấy cách bọn trẻ học thật buồn cười. Độ tuổi này có một số lợi điểm cho việc học như trí nhớ tốt, có thể dành toàn thời gian cho việc học nhưng lại thiếu đi năng lực quan trọng nhất, là năng lực nhìn thấu bản chất của sự việc.

Ở tuổi ngoài 60, mặc dù năng lực nhìn thấu bản chất không hề suy giảm, nhưng trí nhớ đã lung lay đáng kể, cộng thêm tác động của vấn đề sức khỏe do tuổi tác nên khả năng học tập bị ảnh hưởng đáng kể. Tuổi này có lợi điểm là không còn bị gò bó thời gian trong chuyện mưu sinh, nhưng lại vướng phải một giới hạn khác: thời gian còn lại trên đời. Nếu người ở độ tuổi này không mắc phải những vấn đề về sức khỏe thì cũng là một điều kiện tuyệt vời để học tập.

Độ tuổi đẹp nhất cho việc học của cả đời người nằm ở giai đoạn từ 30 ~ 60. Tuổi này có được năng lực quan trọng nhất cho việc học, là khả năng suy luận, phân tích để nhìn thấu bản chất sự việc. Khả năng ghi nhớ ở tuổi này bắt đầu suy giảm đôi chút, nhưng không đáng kể lắm. Độ tuổi này cũng chưa gặp phải những vấn đề sức khỏe như ngoài 60, nên cực kỳ thích hợp cho việc học. Nhược điểm duy nhất ở độ tuổi này là vướng mắc khá nhiều vào chuyện gia đình, công việc nên thời lượng dành cho sự học bị ảnh hưởng đáng kể.

Và mặc dù độ tuổi 30 ~ 60 là giai đoạn rực rỡ để học tập, tiếp thu cái mới nhưng không có nghĩa là phải đợi tới 30 mới bắt đầu học. Nói cho cùng thì khả năng tổng hợp, phân tích, suy luận để nhìn ra bản chất sự việc cũng là do quá trình tích lũy lâu ngày mà thành cả. Nói theo ngôn ngữ của Thiền gia là bản chất của "đốn ngộ" chính là do sự tích lũy của "tiệm ngộ". Một cái cây không thể tự hình thành từ hư vô. Nó phải trả qua đầy đủ các giai đoạn từ hạt mầm, lên chồi, ra lá, trưởng thành.

* Đốn ngộ: chỉ sự ngộ (nhận ra bản chất/thực tướng của sự việc) trong khoảnh khắc, trong tích tắc. Giống như khoảnh khắc Archimede phát hiện ra lực đẩy của nước mà kêu Eureka!

* Tiệm ngộ: chỉ sự ngộ (nhận ra bản chất/thực tướng của sự việc) trải qua quá trình lâu dài, lớp lang tầng tầng lớp lớp, cái trước cái sau tuần tự. Giống như việc học sinh đi học từ tiểu học tới Đại học, tích lũy kiến thức dần dần. Hay giống như Archimede đã có một chuỗi dài những ngày ngồi trong bồn tắm trước khi thốt lên được câu Eureka!