Tạp học

Trang ghi lại những chuyện vặt vãnh Đông Tây cổ kim, cốt mua vui cho được một vài trống canh.

Chè Nhật Bản



Ông sếp người Nhật ở cơ quan tôi rất thích ăn đồ Việt Nam, trong đó ông đặc biệt thích món chè. Hỏi ra thì biết trong truyền thống ẩm thực của người Nhật cũng có món đồ ngọt tương tợ chè của Việt Nam, nhưng nó không phong phú đa dạng như chè Việt vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ lấy đậu đỏ làm nguyên liệu chính. Trong tiếng Nhật, món tương tợ chè này được gọi là "Zenzai" (善哉) và thật là bất ngờ khi biết âm Hán Việt của hai chữ này là "thiện tài".


Hồi nhỏ đọc Tây Du, xem Tây Du thì cứ thắc mắc thầy Huyền Trang cứ luôn mồm "thiện tài thiện tài" mà chẳng hiểu nghĩa làm sao.

Lớn lên, tìm hiểu thì biết người Tàu dùng 2 chữ Hán 善哉 (thiện tài) để phiên âm từ tiếng Phạn "sadhu", nghĩa là tốt đẹp, cát tường lắm, tốt lắm thay!

Đây là từ ngữ xuất điển từ Phật giáo.

Thuở Phật còn tại thế, để tán thán những việc làm thiện lành của đồ chúng, tín chúng hay bất cứ ai, Đức Phật thường phán: "Sadhu!", như một lời khích lệ, tán dương, chứng minh công đức vậy. 

Về sau, các vị sư trưởng thường thốt lên để tán thán đồ đệ của họ khi vị đồ đệ đạt được thành tựu nào đó. 

Trong kinh sách Phật giáo tiếng Việt thường dịch là "lành thay".

Và người Nhật, vốn cũng dùng chữ Hán, lại đọc 2 chữ Hán 善哉 theo âm Hán-Nhật là "zenzai" (tương đương với "thiện tài").

Nhưng ngoài âm Hán-Nhật này ra thì họ còn có thể đọc theo âm thuần Nhật là "yoki kana" (よきかな) (tương đương với "lành thay", "tốt thay").


Âm "yoki" là một kiểu phát âm của của âm "yoi" trong tiếng Nhật hiện đại, thường được gán với những chữ Hán mang nghĩa tốt lành như chữ "lương" (良) hay "hảo" (好). Còn âm "kana" được gán cho chữ Hán 哉 (tài), được dùng như một thán từ cuối câu. Ta thường thấy thán từ này xuất hiện nhiều ở cuối bài thơ Haiku.


Vậy thì món "chè" Nhật Bản thì có liên quan gì tới "thiện tài"?

Nhiều sách vở của người Nhật chép rằng, lần nọ vị Thiền sư Nhất Hưu Tông Thuần (Ikkyū Sōjun) được để tử nấu cho món ăn từ đậu trộn với đường. Lần đầu được ăn món ngon ngọt như vậy, Nhất Hưu không khỏi thốt lên:

- Yoki kana! Yoki kana! 

(Lành thay! Lành thay!)


Chính là 2 chữ Hán 善哉, mà sau này người Nhật đọc theo cách Hán-Nhật là "zenzai", rồi từ đó gán luôn cho món ăn này cái tên là "zenzai" (thiện tài).

Như vậy, có thể gọi món chè của người Nhật là món "lành thay".

Nên nhớ, Thiền sư Nhất Hưu sống vào thế kỷ 15, lúc đó vị ngọt của đường chưa phổ biến như bây giờ, và là một trân vị mà chỉ có giới quyền quý mới được thưởng thức. Thời đó, kẻ bình dân chỉ biết vị ngọt phổ biến qua trái cây với mật ong. Mà trong thư tịch Việt Nam cũng thấy có nhắc tới chuyện khách quý lắm đến thăm phủ chúa mới được mời món chè.


Câu cảm thán "yoki kana" trong tiếng Nhật hầu như không còn được sử dụng trong đời sống hiện tại nữa. Chỉ một số người già còn biết tới nó, và trong thời của Nhất Hưu Thiền sư, nó còn có nghĩa là: ngon quá, đã quá!