Khái quát về Super Famicom kỳ #2

Trong kỳ 1, tôi có đề cập đến việc máy Super Famicom có nhiều phiên bản tên gọi khác nhau ở các thị trường khác nhau, mặc dù cấu tạo bên trong thì chúng hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, phiên bản gốc tại thị trường Nhật có tên là Super Famicom (SFC/Sūfami) trong khi phiên bản Bắc Mỹ có tên Là Super Nintendo Entertainment System (SNES), hay phiên bản Âu châu là Super Nintendo, phiên bản Đại Hàn là Super Comboy. Hầu hết người dùng máy lâu năm, chịu để ý quan sát tìm tòi một chút đều biết điều này.

Tuy nhiên, bản thân từng phiên bản ở các thị trường cũng có nhiều đời máy khác nhau. Việc này không phải ai cũng biết. Đối tượng được đề cập đến trong bài viết này là các phiên bản (đời) khác nhau của hệ máy Super Famicom (SFC), nhưng hầu hết kiến thức trong này cũng đúng với các phiên bản ở thị trường khác như SNES hay Super Nintendo.

Dưới đây là video về chủ đề kỳ này cho những ai lười đọc.

Vào khoảng thời gian cuối vòng đời của hệ console này, hãng Nintendō đã tung ra một phiên bản "mini" của nó là Super Famicom Junior/SNES Junior với nhiều chi tiết phần cứng bị cắt giảm để hạ giá thành, cũng như một số tính năng được nâng cao như khả năng hiển thị đồ họa, âm thanh. Tuy nhiên, máy SFC Junior/SNES Junior có khá nhiều điểm khác biệt so với máy SFC/SNES truyền thống nên không được đề cập trong bài này. Ở đây tôi chỉ nói đến các phiên bản khác nhau của máy SFC/SNES truyền thống.

Cụ thể, máy SFC/SNES truyền thống có 3 phiên bản (đời) chính:

■ Đời sơ kỳ (đời đầu): được sản xuất từ năm 1990~1992

Đời trung kỳ (đời giữa): được sản xuất từ 1993~1995

Đời hậu kỳ (đời cuối): được sản xuất từ 1995 trở về sau

Dĩ nhiên đây không phải là tên gọi chính thức của chúng, mà chỉ là do fan tự đặt dựa trên thời kỳ sản xuất của chúng. Bản thân Nintendō cũng không công bố chính thức việc này.

Từ trái qua phải là các phiên bản SFC: sơ kỳ, trung kỳ, hậu kỳ. Nhìn bề ngoài gần như không phân biệt được.

Nếu chỉ dựa vào bề ngoài thì hầu như không thể phân biệt được các phiên bản với nhau, vì chúng gần như giống hệt nhau. Đây cũng là một đặc điểm thường thấy trong hệ sản phẩm của Nintendō. Nếu như các đời console của Sony luôn có những điểm thay đổi đáng kể ở bề ngoài thì các đời sản phẩm của Nintendō hầu như chẳng có gì thay đổi đáng kể. Với trường hợp của máy SFC thì yếu tố bề ngoài để phân biệt chúng với nhau lại nằm ở mặt đáy.

Qua ảnh trên thì có thể thấy là máy đời sơ kỳ có màu ám vàng nặng nề, trong khi hai phiên bản còn lại thì không. Điều này cũng dễ hiểu, bởi máy sơ kỳ được sản xuất sớm nhất, trải qua nhiều năm tháng hơn so với hai phiên bản còn lại nên trông nó cũ kỹ hơn cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, khi lật mặt đáy của chúng lên thì sẽ thấy một vài điểm dị biệt như dưới đây.

■ Chân đế cao su: máy đời sơ kỳ có 4 chân, trong khi máy trung kỳ và hậu kỳ chỉ có 2 chân

Dòng chữ "Made in Japan": luôn xuất hiện ở máy sơ kỳ và trung kỳ, còn ở máy hậu kỳ thì sẽ có một tỷ lệ nhất định mang dòng chữ "Made in China". Bởi vào thời kỳ cuối, Nintendō bắt đầu đặt nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Trong thời kỳ cuối, trên thị trường tồn tại song song 2 loại máy: loại được sản xuất ở Nhật và loại được sản xuất ở Trung Quốc. Cho nên, nếu mặt đáy của máy nào mang dòng chữ "Made in China" thì chắc chắn đó là máy đời hậu kỳ.

Dấu cảnh báo nguy hiểm: chỉ có ở phiên bản hậu kỳ thì dòng chữ cảnh báo nguy hiểm mới được đưa vào trong khung hình tam giác. Hai phiên bản trước đó không có dấu hiệu tam giác này.

Dòng chữ "SHVC-JPN-1": chỉ xuất hiện ở máy hậu kỳ

Số serial: ở máy sơ kỳ và trung kỳ, dãy số này gồm ký tự S + 8 con số. Dãy số này cho biết máy được sản xuất tại Nhật. Ở máy đời hậu kỳ thì phân làm hai trường hợp. Nếu máy được sản xuất tại Nhật thì có số serial là S + 8 con số, còn với máy được sản xuất tại Trung Quốc thì dãy số sẽ là SM + 8 con số.

Ngoài ra còn có một điểm khác biệt rõ rệt giữa máy sơ kỳ với hai đời còn lại, đó là nó nặng hơn nhiều. Bởi vì ở máy sơ kỳ, module âm thanh (bộ loa phát tiếng) là dạng rời, được gắn trên bản mạch, khá cồng kềnh. Ở hai phiên bản sau, module âm thanh được cải tiến nhỏ gọn, tích hợp vào bản mạch chủ.

Module âm thanh rời bên trong máy SFC đời đầu.

Thật ra việc phân biệt 3 đời máy SFC/SNES không nhằm gì khác ngoài việc tìm kiếm phiên bản đặc biệt của nó, chỉ xuất hiện ở đời cuối. Đó là phiên bản SFC/SNES 1chip với tỷ lệ xuất hiện khá hiếm trong số các máy đời hậu kỳ. Phiên bản 1chip có các ưu điểm sau: cho âm thanh trong hơn, hình ảnh rõ ràng hơn, độ sáng cao hơn, ít bị hiện tượng nhòe màu hơn phiên bản thường. Ở phiên bản đặc biệt này, 2 chip PPU (Picture Processing Unit) ở bản thường đã được tổng hợp thành 1, trở nên gọn nhẹ hơn nên nó mới có tên gọi "1chip".

Chính vì độ hiếm cũng như chất lượng hình ảnh tốt hơn của nó mà SFC/SNES 1chip trở thành đối tượng săn lùng của giới sưu tập. Bản thân người viết cũng đã mua hơn chục máy SFC trong nhiều năm, cuối cùng mới có được máy 1chip nên cũng sẽ kiểm chứng xem chất lượng hình ảnh của nó có thật sự vượt trội như lời đồn hay không.

Người viết đã mua hơn 10 máy, kết quả chỉ được 01 máy 1chip.

Cũng cần nói thêm là có tới 3 phiên bản 1chip: 1chip 01, 1chip 02 và 1chip 03. Những cái tên này được cộng đồng fan gọi dựa trên ký tự được in trên bản mạch chủ. Trong đó, máy 1chip 03 được cho là xuất hình ảnh đẹp nhất, và cũng là máy hiếm nhất nhưng không có chức năng đồng bộ CSYNC mà tất cả các phiên bản khác đều có. Còn máy 1chip 02 được cho là máy dễ hỏng nhất, nhưng thực hư thế nào không rõ. Bản thân người viết chỉ có máy 1chip 01 nên ở đây chỉ so sánh chất lượng hình ảnh của nó với 2 phiên bản thường.

Ngoài ra, cũng cần biết rằng chất lượng hình ảnh phụ thuộc vào nguồn phát (máy SFC) và chất lượng hiển thị của Tivi, cũng như loại kết nối giữa nguồn với Tivi. Ở đây tôi chọn Tivi PVM-14N5U của hãng Sony, vốn là dòng monitor được dòng trong các đài truyền hình vào những năm 1990, thời thống trị của TV CRT. Tivi này có độ phân giải 500 TV Line, cho hình ảnh sắc nét hơn đại đa số các dòng TV dân dụng. Nó cũng có 2 cổng kết nối là RCA (cổng vàng, đỏ, trắng) và cổng S-video cho chất lượng cao hơn. Máy SFC/SNES có 3 mức độ xuất tín hiệu hình ảnh/âm thanh qua 4 cổng là: RF, RCA, S-video và RGB. Trong đó, tín hiệu RF có chất lượng kém nhất, còn RCA (hay còn gọi là cổng composite) ở mức trùng bình nhưng là cổng tín hiệu đại trà nhất, còn cổng S-video cho chất lượng khá, cổng RGB cho chất lượng cao nhất nhưng cũng là cổng kết nối khó tìm nhất.

Tivi Sony PVM-14N5U

Đầu kết nối S-video

Kết quả thử lần lượt với các đời máy: sơ kỳ, trung kỳ, 1chip (hậu kỳ) lần lượt qua các cổng kết nối S-video và RCA như dưới đây.

Tivi CRT có nhược điểm là rất khó để quay phim/chụp ảnh với máy quay/điện thoại hiện đại. Bởi vì tần số quét của chúng khác với tần số màn trập của thiết bị ngày nay. Nhìn bằng mắt thường, tôi có thể thấy với cùng cổng kết nối của cùng Tivi thì chất lượng hình ảnh của máy sơ kỳ và trung kỳ hầu như không có khác biệt nào. Tuy nhiên, mắt thường có thể dễ dàng nhận ra rằng hình ảnh ở máy 1chip đời hậu kỳ sắc nét hơn, rõ hơn, sáng hơn và ít chảy màu hơn 2 phiên bản kia. Sự khác biệt không nhiều lắm, khoảng 10% (nhận định cảm tính), và cũng đủ để phân biệt được qua ảnh chụp.

Tất cả những hình ảnh trên đều được chụp từ cùng một thiết bị (điện thoại Samsung Note 10+), trong cùng điều kiện ánh sáng và cùng thiết lập (mặc định) của TV. Ngoài ra. ở đây cũng có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong chất lượng hình ảnh của 2 loại cổng kết nối trên cùng Tivi. Cổng kết nối S-video có màu ám xanh nhưng sáng hơn, rõ hơn. Cổng RCA (composite) có màu ám đỏ, tối hơn và bị bết màu nhiều hơn.

Tiếp theo là những hình ảnh kiểm chứng chất lượng của 3 đời máy SFC trên Tivi dân dụng Sony KV-HF14M80. Đây là dòng Tivi đại trà, giá cả bình dân nên chất lượng hình ảnh không thể bằng dòng PVM. Nó chỉ có 01 cổng kết nối duy nhất, là cổng RCA (composite).

Qua lần kiểm chứng thứ hai, tôi kết luận những điểm dưới đây.

■ Chất lượng hình ảnh của bản 1chip có tốt hơn bản thường, nhưng không nhiều lắm.

■ Sự khác biệt kể trên chỉ có thể được nhận thấy qua một màn hình Tivi chất lượng tốt, cổng kết nối tín hiệu tốt.

Sự khác biệt giữa các phiên bản console không quan trọng bằng chất lượng, thương hiệu của Tivi cũng như của cổng kết nối.

■ Thay vì đầu tư thời gian, tiền bạc vào việc tìm kiếm máy 1chip thì nên đầu tư vào việc tìm kiếm một chiếc Tivi phù hợp.

Mặc dù qua ảnh chụp, ta thấy chất lượng ảnh xuất ra Tivi KV-HF14M80 93 rất tệ, nhưng trong thực tế thì hình ảnh của nó không tệ như vậy, vẫn ở mức chấp nhận được. Trường hợp Tivi tệ nhất mà tôi từng thử là Tivi TLC, dù qua cổng S-video hay cổng RCA thì cũng đều tệ như nhau.

Ngày nay, có nhiều người thích chơi game retro (Famicom, Super Famicom, PlayStation, Megadrive,...) qua các loại máy cầm tay hay kết nối với màn hình di động của đầu đĩa DVD mini. Hầu hết các máy cầm tay chơi game retro ngày nay đều là máy giả lập, chất lượng màn hình LCD của chúng không được tốt. Các loại đầu đĩa di động cũng có màn hình không khá hơn. Bản thân người viết cũng đã từng sở hữu các loại thiết bị vừa kể, và có nhận xét rằng chất lượng hình ảnh của chúng khá tệ, chỉ tương đương với các loại Tivi CRT rẻ tiền như TCL ở trên.

Một số người khác lại thích chơi game retro bằng phần mềm giả lập trên các dòng máy cầm tay chính hãng như Sony PS Vita, Nintendō 3DS, Switch,... Những dòng máy này có màn hình khá hơn những loại vừa kể, và có thể nói là chúng rất đẹp khi chơi những game được thiết kế riêng cho chúng. Tuy nhiên, khi chơi game retro thì những loại màn hình LCD, OLED này cũng không thể sánh được với màn hình CRT chất lượng tốt. Lý do nằm ở cơ chế hiển thị hình ảnh của những loại màn hình này.

Các dòng máy chơi game retro ngày xưa có nguyên lý xuất hình ảnh phù hợp với loại Tivi đương thời là CRT, nên khi chơi bằng màn hình CRT vẫn cho chất lượng hình ảnh tốt nhất. Chi tiết cụ thể được trình bày ở bài viết này (click).

Các loại màn hình LCD, OLED của PS Vita hay N3DS, NSwitch thoạt nhìn có vẻ nịnh mắt, nhưng nhìn kỹ thì thấy chúng khá trơ và lạnh, không có độ ấm và sáng như màn hình phosphor của CRT.

Nếu so sánh trực tiếp trong thực tế thì sẽ thấy những dòng scanline của Tivi CRT có tác dụng khử răng cưa, cho hình ảnh ấm, sáng và rõ nét hơn so với hình ảnh mà các loại giả lập trên các máy game cầm tay kia.

Để chốt lại bài này, dưới đây tôi nêu ra hai cách để phân biệt máy 1chip với phiên bản thông thường của SFC. Do máy 1chip rất hiếm gặp nên nếu là người chủ có hiểu biết, họ sẽ rao bán với giá cắt cổ. Cho nên tốt nhất là tự trang bị cho mình kiến thức để tìm ra máy 1chip trong vựa đồ cũ với mức giá hợp lý.

Cách chắc chắn nhất để tìm máy 1chip là mở nó ra. Nếu trên bản mạch chủ có ghi dòng chữ "1CHIP" như hình trên thì chắc chắn là nó. Nhưng cách này không khả thi nếu như mua hàng online, hoặc chủ vựa đồ cũ khó tính, không cho mở ra. Khi đó ta có thể áp dụng những kiến thức phân biệt đời máy ở phần trước và quan sát khe hở phía sau tấm đậy cổng kết nối với Satellaview ở mặt đáy của máy. Nếu thấy duy nhất 01 lỗ tròn màu bạc thì đó là máy 1chip, còn nếu thấy nhiều hơn 01 lỗ tròn bạc thì đó là phiên bản thường.

Ngoài ra, cũng còn cách khác là phân biệt qua số serial. Tuy nhiên cách này chỉ mang tính tương đối vì không phải máy 1chip nào cũng có số serial như mô tả. Cụ thể như trong video.

Cũng có website hải ngoại nói rằng có thể tìm được máy 1chip bằng một số game đặc biệt. Ở những game này, sau khi bấm một dãy nút đặc biệt để vào Debug room, phần mềm sẽ cho ta biết phiên bản CPU và PPU của máy. Tôi đã thử và kết luận là cách này vô giá trị, hoàn toàn không thể dùng nó để tìm ra máy 1chip.