Review FE Engage

Fire Emblem Engage (ファイアーエムブレム エンゲージ) là phiên bản mới nhất trong series Fire Emblem (từ đây gọi tắt là "FE") do Intelligent Systems phát triển, Nintendō phát hành vào ngày 20/01/2023 trên hệ máy Nintendō Switch. Đây là phiên bản thứ 18 trong series nếu không tính mấy phiên bản spin-off. Bài viết này tổng hợp một số điểm đáng chú ý về tựa game này, coi như một bài tham khảo để củng cố quyết định lựa chọn trước khi mua game. Đây cũng là tựa game FE thứ 2 trong series có tựa đề gốc hoàn toàn là tiếng Anh kể từ sau FE IF (hệ máy Nintendō 3DS, năm 2015).

Khái quát

Trong những năm gần đây, cái tên Fire Emblem được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng người chơi toàn Thế giới, nhờ vào những nỗ lực marketing cũng như nỗ lực chuyển ngữ của Nintendō. Tại Việt Nam, dòng game này còn được gọi là "Mộc đế" hay "Mộc đế chiến ký", "Mộc đế chiến kỷ". Lý do vì sao có tên gọi này sẽ được giải thích trong một bài viết khác. Tuy dòng FE chỉ mới nổi tiếng trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây, nhưng lịch sử của nó đã hình thành từ hơn 30 năm trước tại Nhật Bản. Đây cũng là một trong những series game được biết đến nhiều nhất tại Nhật. Phiên bản FE đầu tiên ra đời vào năm 1990 trên máy Famicom (NES) của Nintendō, lúc đó phiên bản này có tên là "Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng" (Ankoku-ryū to Hikari no tsurugi) và là một game "độc lạ" lúc bấy giờ. Sự độc lạ của nó đến từ lối chơi kết hợp giữa trò cờ tướng, cờ vua với yếu tố RPG. Người chơi và phe đối lập thay phiên nhau theo lượt duy chuyển các nhân vật (quân cờ) trên bản đồ được chia thành nhiều ô vuông, chọn vị trí thuận lợi nhất để tấn công quân cờ của đối thủ. Mục đích chính của màn chơi là giết được tướng địch hay chiếm được thành trì địch. Lối chơi này cũng gần như trò đánh cờ. Còn yếu tố RPG là thứ mà ngày nay hầu hết người chơi game đều rất quen thuộc, là yếu tố mà dòng game Dragon Quest của hãng Enix đã gây dựng nên. Theo đó, khi nhân vật lên Level thì các chỉ số cũng sẽ gia tăng ngẫu nhiên, giúp cho nhân vật ra đòn uy lực hơn, chịu đòn lâu hơn, trở nên nhanh nhẹn hơn,... Cả hai yếu tố: đánh cờ và RPG luôn được giữ nhất quán xuyên suốt series trong hơn 30 năm qua. 

Phiên bản trên máy Famicom này đã gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng game bấy giờ, và tự nó đã trở thành một thể loại game riêng biệt mà người Nhật gọi là Simulation RPG (SRPG). Thành công của FE "Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng" đóng góp rất lớn vào sự ra đời của những phiên bản sau, cống hiến cho sự phổ cập của các hệ máy console của Nintendō.

Nói về Engage

Đầu tiên là nói về nội dung. Bối cảnh của FE Engage là ở đại lục Eleos, nơi mà con người và loài rồng (Long tộc) chung sống với nhau. Cũng giống như nhiều phiên bản FE khác, đề của FE Engage xoay quanh cuộc chiến giữa Thần long và Tà long. Hơn 1000 năm trước, Thần long đánh bại Tà long, giành lại hòa bình cho đại lục này. Sau khi phong ấn Tà long thì Thần long rơi vào giấc ngủ. Nghìn năm sau, sức mạnh phong ấn suy giảm khiến Tà long phục sinh, cũng là lúc Thần long tỉnh giấc. Người chơi được chọn một trong hai nhân vật chính là nam hoặc nữ chiến sĩ Thần long, người từng đánh bại Tà long trước kia. Nhưng giờ đây, sức mạnh của Thần long không đủ để đối đầu với Tà long nên phải lên đường tìm đủ 12 chiếc nhẫn để đánh bại hắn. Trong 12 chiếc nhẫn này chứa đựng sức mạnh của 12 nhân vật chính trong các phiên bản FE trước, và đây cũng là một yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến gameplay như đề cập ở phần sau. Trên đường phiêu lưu, nhân vật chính (Thần long) còn được sự hỗ trợ từ hơn 30 nhân vật khác đến từ những đất nước khác nhau trên đại lục Eleos. 

Nội dung cơ bản của FE Engage là như vậy, và có vẻ như là nội dung tuyến tính chứ không có sự rẽ nhánh. Đến tận chương cuối (chương 24) thì vẫn không thấy có lựa chọn phân nhánh về nội dung hay màn chơi. Qua lời thoại của FE Engage cũng không có vẻ gì cho thấy đây là game có sự phân nhánh trong nội dung. Lối dẫn chuyện của FE Engage khá chậm, lời thoại giữa các nhân vật rất nhiều nhưng đa phần là những câu rườm rà không mang ý nghĩa gì lớn ngoài mục đích câu giờ. Các phiên bản FE luôn có khối lượng câu thoại đồ sộ, nhưng những người đã quen thuộc với lối triển khai câu chuyện ngắn gọn súc tích thời của những tượng đài thời 16 bit như trong "Bí ẩn dấu ấn lửa" (Monshō no Nazo) hay "Hệ phả Thánh chiến" (Seisen no Keifu) thì hẳn sẽ khó lòng mong đợi điều gì ở nội dung của FE Engage. Mạch truyện của FE Engage vốn đã chậm chạp, lại không có điểm nhấn gì gây xúc động mạnh, sống mãi trong ký ức của người chơi giống như cảnh đội quân của Sigurd bị thiêu rụi dưới ngọn lửa Fala của Arvis trong "Hệ phả Thánh chiến". Theo cảm nhận cá nhân, nội dung của FE Engage ở mức bình thường, không có điểm đặc sắc. Khá nhiều đoạn diễn xuất dài dòng lê thê, mang đậm chất cải lương.

Một điểm đáng chú ý ở FE Engage là có sự xuất hiện của nhân vật lại cái/pê-đê/gay và nhân vật da màu, có thể là do ảnh hưởng của bối cảnh thời đại mà chúng ta đang sống. Thiết lập lại cái cho nhân vật này hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới nội dung hay gameplay nên việc nhà sản xuất để nhân vật này xuất hiện là một điều khó hiểu nếu không giải thích theo hướng xu thế của thời đại, hay nói cách khác là "bắt trend".

FE Engage là một game "bắt trend" ở khá nhiều khía cạnh, mà rõ rệt nhất là mặt hình ảnh. Xét về mặt mỹ thuật (art style) thì đây là phiên bản "dội" nhất mà người viết từng gặp trong dòng FE. Hai nhân vật chính, một nam một nữ, được thiết kế là thanh niên nữ tú với đầu tóc nhuộm 2 màu đối chọi nhau: xanh và đỏ. Hai màu sắc này còn được thể hiện qua màu mắc và trang phục của họ, khiến nhiều người liên tưởng tới lon Pepsi Cola. Có thể thấy đây là một quyết định táo bạo của nhà sản xuất khi đưa yếu tố văn hóa "quá đại chúng" vào một phiên bản FE chính thống như thế này.

Dòng FE ban đầu có thiết kế nhân vật theo lối Anime/Manga hồi thập niên 1990, rồi dần thay đổi theo thời gian, không phiên bản nào giống phiên bản nào. Người chơi xuyên suốt series game này hẳn đã quá quen với việc thay đổi phong cách thiết kế nhân vật, nhưng qua các mạng xã hội ở Nhật thì có thể thấy hầu hết đều cảm thấy "dội" trước thiết kế nhân vật lần này. Bản thân người viết cũng cho đây là một điểm trừ trong khâu thiết kế nhân vật. Nhưng thật ra cái xấu nhất, nhức mắt nhất chỉ nằm ở hai nhân vật chính, còn những nhân vật khác thì không đến nỗi tệ, dù phong cách vẽ này chẳng có gì để khen được. Một phần lớn nhân vật trong FE Engage là nhân vật cũ từng xuất hiện trong các phiên bản trước, mặt thẩm mỹ của những nhân vật đó đều do các phiên bản trước tạo dựng nên, được thể hiện qua nét vẽ của họa sĩ lần này nên nói "các nhân vật khác cũng không tệ" cũng là điều đương nhiên.

Ở mảng đồ họa, nếu tôi chê mảng thẩm mỹ thì lại khen cho mảng kỹ thuật. Hình ảnh trong FE Engage rõ nét, sáng sủa, hiệu ứng tốt. Mà thật ra việc khen ngợi tính kỹ thuật trong mảng đồ họa của một game chạy trên máy chơi game đương đại cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Người viết là người đến tận ngày nay vẫn còn thấy đồ họa trên các hệ máy 8 bit, 16 bit mấy chục năm trước vẫn đẹp nên việc thấy hình ảnh game này trên Switch là đẹp (về kỹ thuật, còn thẩm mỹ thì ngược lại) là chuyện đương nhiên.

Nói về âm thanh thì cũng tương tự như mặt hình ảnh. Chất lượng âm thanh của một hệ máy đương đại như Switch dĩ nhiên là tốt rồi, nhưng thật sự là FE Engage không có bản nhạc nào nổi bật, gây cảm xúc đê mê. Mặc dù FE Engage có một số bản nhạc cổ điển làm nên thương hiệu của dòng FE, vốn xuất hiện từ những phiên bản trước, nhưng qua lối hòa âm của phiên bản hiện tại thì không còn cảm nhận được nét hào hùng hay bi thống vốn có của những giai điệu đó. Như bao game đương đại khác, FE Engage có âm thanh tốt nhưng âm nhạc thì không đáng bận tâm. Nhiều người cho rằng nhân vật chính trong Engage giờ đây được lồng tiếng là một điểm cộng, người viết cũng đồng ý như vậy nhưng đây cũng không phải là điều gì đó to tát lắm. Giá trị chân chính của một bản game  không nằm ở những yếu tố điểm xuyết đó.

Tiếp theo là nói về hệ thống combat. Cá nhân người viết cho đây là điểm thú vị nhất của phiên bản thứ 18 này. Cái tên kỳ lạ của phiên bản này cũng chính là chủ đề của game, đồng thời cũng là một điểm rất mới so với các phiên bản trước. Điểm nhấn của phiên bản lần này là sự xuất hiện của các nhân vật chính của nhiều phiên bản trước, như Marusu/Mars/Marth trong "Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng", Sigurd trong "Hệ phả Thánh chiến" (Seisen no Keifu), Roy trong "Thanh gươm phong ấn" (Fūin no tsurugi) hay Byleth trong "Phong hoa tuyết nguyệt" (Fū-ka-setsu-getsu),... Tuy nhiên, người chơi không trực tiếp điều khiển được những nhân vật từ quá khứ này, mà họ chỉ là những nhân vật hỗ trợ trong trận đấu khi nhân vật chính được trang bị chiếc nhẫn Emblem. Engage là thuật ngữ chỉ trạng thái hợp thể của nhân vật trong game với các nhân vật anh hùng từ quá khứ. Khi một nhân vật chính trang bị nhẫn của một vị anh hùng trong quá khứ thì nhân vật đó ở trạng thái đồng bộ với vị anh hùng từ quá khứ, được thừa hưởng skill cố định và skill thụ động của vị anh hùng đó. Chẳng hạn như khi đồng bộ với Marusu/Mars/Marth trong "Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng" thì nhân vật sẽ được thừa hưởng skill thụ động khiến cho quân địch khó đánh trúng ta khi phản đòn, còn nếu đồng bộ với Sigurd trong "Hệ phả Thánh chiến" thì sẽ được thừa hưởng skill thụ động là được thêm một lượt di chuyển sau khi tấn công, nếu đồng bộ với Micaya/Micaiah trong "Nữ thần bình minh" (Akatsuki no Megami) thì bất kỳ binh chủng nào cũng đều sử dụng được gậy phép,...

Từ trạng thái đồng bộ, nếu nhân vật hợp thể (Engage) với nhân vật từ quá khứ thì có thể sử dụng vũ khí đặc biệt của vị anh hùng đó. Chẳng hạn, nếu hợp thể với Sigurd thì có thể sử dụng mũi lao Knight Killer chuyên trị kỵ binh của nhân vật này, hay khi kết hợp với Lyn trong "Liệt hỏa kiếm" (Rekka no ken) thì có thể sử dụng Killer Bow với xác suất tất sát rất cao của nhân vật này. Ngoài việc sử dụng được vũ khí đặc biệt của các nhân vật anh hùng từ quá khứ thì ở trạng thái hợp thể, nhân vật còn có thể sử dụng được 2 skill đặc biệt của vị anh hùng đó. Chẳng hạn khi hợp thể với Kamui trong FE IF thì có thể sử ra skill "Long xuyên pháo" bắn nước thành đường thẳng về phía trước, xuyên qua 3 đối thủ hay skill "trói buộc" khiến quân địch chung quanh không thể di chuyển trong một lượt đi.

Một khuôn mặt quen thuộc trong FE Engage

Như vậy thì có thể thấy Engage là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tính chiến thuật của game, và cũng là yếu tố khiến những trận đấu trong phiên bản này trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Chỉ cần trang bị nhẫn Engage là nhân vật có thể đồng bộ, hợp thể với các vị anh hùng từ quá khứ, nên việc cho nhân vật nào trang bị nhẫn nào sẽ định hình nên phong cách chơi của từng người, không ai giống ai. Theo mặc định ban đầu, game có cả thảy 12 nhân vật anh hùng từ quá khứ, và Nintendō còn dự định bổ sung thêm nhiều nhân vật khác trong tương lai qua hình thức DLC trả phí.

Thật ra, việc cho các nhân vật từ quá khứ xuất hiện lại để hỗ trợ các nhân vật chính trong phiên bản hiện tại đã xuất hiện từ FE "Giác tỉnh" (Kakusei) trên máy 3DS năm 2012. Tuy nhiên, ở "Giác tỉnh" thì các nhân vật từ quá khứ là yếu tố vô thưởng vô phạt, không ảnh hưởng gì tới gameplay trong khi ở FE Engage này, sự xuất hiện của các nhân vật quá khứ này tác động rất lớn tới tính chiến thuật, phong cách chơi của từng người.

Một điểm mới mà không mới cần nói đến là yếu tố bao búa kéo trong hệ thống vũ khí. Kiếm có ưu thế so với rìu, rìu có ưu thế so với thương, thương chiếm thượng phong so với kiếm. Yếu tố bao-búa-kéo này xuất hiện lần đầu ở "Hệ phả Thánh chiến" năm 1996, và bị loại ở các phiên bản gần đây như "Phong hoa tuyết nguyệt". Sự trở lại của yếu tố bao-búa-kéo trong hệ thống vũ khí ở FE Engage lần này là một điểm cộng đối với người hâm mộ lâu năm. Ngoài ra, yếu tố này còn có một điểm cách tân là khái niệm "break". Khi tấn công đối thủ bằng vũ khí chiếm thế thượng phong thì đối thủ sẽ rơi vào trạng thái "break", không thể phản công cho tới khi kết thúc trận đấu tiếp theo. Yếu tố này kết hợp với skill hợp thể của một số nhân vật cũng mang lại tính chiến thuật sâu hơn cho game. Và ở phiên bản này, vũ khí không còn khái niệm độ bền như các phiên bản truyền thống. Nghĩa là ta có thể tấn công thoải mái mà không cần phải lo nghĩ, tính toán chuyện khi nào thì gãy kiếm, mẻ cung. Tuy nhiên, khái niệm độ bền vẫn tồn tại ở gậy phép. Việc bỏ đi khái niệm độ bền của vũ khí là một trong những nỗ lực của nhà sản xuất nhằm đưa FE đến với đại chúng, dễ tiếp cận với số đông hơn.

FE Engage còn rất nhiều yếu tố khác làm cho game dễ hơn các phiên bản truyền thống. Chẳng hạn như cho phép người chơi quay ngược thời gian sau khi đi một nước sai lầm. Hay chức năng hiển thị cảnh báo nguy hiểm khi bước vào tầm ngắm của quân địch. Hay một yếu tố "bắt trend" khác là cứ điểm Solanel. Cứ điểm này giống quãng trường giữ lửa trong các game Dark Souls. Tại đây, người chơi có thể trò chuyện với nhiều nhân vật khác, tham gia các mini game để nhận Item hay gia tăng chỉ số cho nhân vật. Những hoạt động này khiến game trở nên dễ thở hơn, nhưng nhìn ở góc khác thì cũng chính là yếu tố gây loãng game. Mà dù sao thì độ loãng cũng đã được giảm bớt rất nhiều so với các hoạt động trong học viện ở phiên bản "Phong hoa tuyết nguyệt" trước đây.

FE Engage có 2 chế độ chơi là "Classic" và "Casual". Classic chính là chế độ chơi như các phiên bản truyền thống, khi một nhân vật quân ta "chết" đi là chết hẳn, không có chuyện quay lại. Còn ở chế độ Casual thì nhân vật chỉ "tạm chết" mà thôi, sau đó vẫn tồn tại như chưa từng bị giết.

Về độ khó thì FE Engage cho phép người chơi lựa chọn một trong ba cấp độ khó: Normal, Hard và Lunatic. Đây cũng là một truyền thống được gìn giữ kể từ các phiên bản DS trở về sau.

Tổng kết

FE Engage có nhiều yếu tố mới trong khi vẫn giữ được rất nhiều yếu tố truyền thống, đặc thù của dòng FE. Nói ngắn gọn thì hệ thống combat hay, chiến thuật có chiều sâu là yếu tố đỡ lại cho mảng thiết kế nhân vật nhức mắt, nội dung bình bình bậc trung và nhiều chỗ lê thê, âm nhạc không có gì nổi trội. Các nhân vật chính từ những bản game trước tụ hội trong FE Engage là một yếu tố fan service nhằm lôi kéo người chơi cũ, và là một điểm đặc sắc. Nên chơi FE Engage vì combat, và đừng trông đợi gì ở những mặt khác.

Phụ lục

Các phiên bản chính trong dòng FE được mô tả như dưới đây.

■FE Ankoku ryū to Hikari no tsurugi (ファイアーエムブレム 暗黒竜と光の剣): ra đời năm 1990 trên máy Famicom. Được gọi là "Shadow Dragon and the Blade of Light" hay "Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng" trong các bản dịch của fan. Đây là thủy tổ của dòng game FE, và cũng là bản được remake nhiều nhất, có nhân vật chính xuất hiện nhiều nhất.

■FE Gaiden (ファイアーエムブレム外伝): ra đời năm 1991 trên máy Famicom, là phần ngoại truyện (gaiden) của phiên bản trước. Được remake vào năm 2017 cho máy 3DS.

■FE Monshō no nazo (ファイアーエムブレム 紋章の謎): ra đời năm 1994 trên máy Super Famicom. Được gọi là "Mystery of the Emblem" hay "Bí ẩn dấu ấn lửa" trong các bản dịch của fan. Đây cũng là bản remake của phiên bản đầu tiên năm 1990, nhưng nội dung có thêm phần hậu truyện mang đậm tính sử thi thần thoại.

■FE Seisen no Keifu (ファイアーエムブレム 聖戦の系譜): ra đời năm 1996 trên máy Super Famicom. Được gọi là "Genealogy of the Holy War" hay "Hệ phả Thánh chiến" trong các bản dịch của fan. Đại đa số fan lâu năm đều đánh giá đây là bản FE có nội dung hay nhất, để lại ấn tượng sâu đậm nhất, và cũng là phiên bản có nhiều điểm cách tân mà các bản sau học theo. 

■FE Thracia 776 (ファイアーエムブレム トラキア776): ra đời năm 1999 trên máy Super Famicom. Về nội dung thì đây là phần ngoại truyện của phiên bản Seisen no Keifu năm 1996, kế thừa hệ thống của phiên bản trước. Đây cũng là băng game cuối cùng mà Nintendō phát hành cho máy Super Famicom nên dân sưu tập phải trả một cái giá cao không tưởng để sở hữu nó.

■FE Fūin no tsurugi (ファイアーエムブレム 封印の剣): ra đời năm 2002 trên máy Gameboy Advance, là 1 trong bộ 3 FE trên máy này. Được gọi là "The Binding Blade" hay "Thanh kiếm phong ấn" trong các bản dịch của fan.

■FE Rekka no ken (ファイアーエムブレム 烈火の剣): ra đời năm 2003 trên máy Gameboy Advance, là 1 trong bộ 3 FE trên máy này. Được gọi là "The Blazing Blade" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Tên tiếng Việt tham khảo: Liệt hỏa kiếm.

■FE Seima Kōseki (ファイアーエムブレム 聖魔の光石): ra đời năm 2003 trên máy Gameboy Advance, là 1 trong bộ 3 FE trên máy này. Được gọi là "The Sacred Stones" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Tên tiếng Việt tham khảo: Thánh ma quang thạch.

■FE Sōen no Kiseki (ファイアーエムブレム 蒼炎の軌跡): ra đời năm 2005 trên máy Gamecube. Được gọi là "Path of Radiance" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Tên tiếng Việt tham khảo: kỳ tích ngọn lửa xanh.

■FE Akatsuki no Megami (ファイアーエムブレム 暁の女神): ra đời năm 2007 trên máy Wii. Được gọi là "Radiant Dawn" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Tên tiếng Việt tham khảo: Nữ thần bình minh.

■FE Shin Ankoku ryū ro Hikari no tsurugi (ファイアーエムブレム 新・暗黒竜と光の剣):  ra đời năm 2008 trên máy DS. Được gọi là "Shadow Dragon" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Đây là bản remake của Ankoku ryū ro Hikari no tsurugi năm 1990. Tên tiếng Việt tham khảo: tân Hắc ám long và thanh kiếm ánh sáng.

■FE Shin Monshō no Nazo: Hikari to Kage no eiyū (ファイアーエムブレム 新・紋章の謎 〜光と影の英雄〜):  ra đời năm 2010 trên máy DS. Được gọi chung là "Shadow Dragon" trong bản dịch Anh ngữ của fan, không có bản dịch chính thức. Đây là bản remake phần sau của Monshō no Nazo năm 1994. Tên tiếng Việt tham khảo: tân Bí ẩn dấu ấn lửa: anh hùng ánh sáng và bóng tối.

■FE Kakusei (ファイアーエムブレム 覚醒): ra đời năm 2012 trên máy 3DS. Được gọi là "Awakening" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Đây là bản FE kéo dòng game này thoát khỏi bờ vực phá sản. Tên tiếng Việt tham khảo: Giác tỉnh.

■FE IF (ファイアーエムブレムif): ra đời năm 2016 trên máy 3DS. Được gọi là "Fates" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Bản này gây được tiếng vang khá tốt.

■FE Heroes (ファイアーエムブレム ヒーローズ): bản game miễn phí trên Smartphone từ năm 2017.

■FE Echoes Mō hitori no Eiyū-ō (ファイアーエムブレム Echoes もうひとりの英雄王): ra đời năm 2017 trên máy 3DS. Được gọi là "Echoes: Shadows of Valentia" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Đây là bản remake của Gaiden năm 1991

■FE Fū-ka-setsu-getsu (ファイアーエムブレム 風花雪月): ra đời năm 2019 trên máy Switch. Được gọi là "Three Houses" trong bản dịch Anh ngữ chính thức. Một phiên bản khá dị với đề tài học viện sĩ quan. Tên tiếng Việt tham khảo: Phong hoa tuyết nguyệt.

■FE Engage (ファイアーエムブレム エンゲージ): phiên bản được giới thiệu trong bài này. Được phát hành năm 2023 trên máy Switch và được cộng đồng game Việt gọi bằng cái tên thân thương là "Mộc đế Pepsi".