Cảm tưởng về Elden Ring sau 30 giờ chơi

Vâng, có lẽ bạn cũng đoán được là tôi đang nói một kiệt tác vừa được From Software cho ra mắt vào 25/02/2022 vừa qua mà người người nhà nhà ngành ngành khắp nơi trên các diễn đàn về game, các mạng xã hội đều bàn tán. Elden Ring được From Software phát triển và phát hành tại Nhật. Còn đối với thị trường bên ngoài Nhật Bản, game được Bandai Namco phát hành. Trong bài hôm nay, tôi sẽ đề cập đến cảm tưởng của mình sau khi chơi được 30 giờ. Mặc dù chưa hoàn thành game nhưng với thời lượng này, tôi cũng có thể nói một cách khái quát về nó và tôi nghĩ nhận xét của mình cũng không phải là không có cơ sở.

Nhưng trước hết, dành cho những ai chưa biết thì Elden Ring là tác phẩm mới nhất của From Software và là tác phẩm có quy mô vĩ đại nhất mà hãng này từng phát triển. Elden Ring thuộc thể loại game ăn hành, ăn đòn, khổ dâm hay bất cứ tên gọi gì khác mà bạn có thể nghĩ ra, cùng thể loại với những tác phẩm trước đây của From Software. Thể loại game ăn hành này được chính From Software khai sinh và dưỡng dục từ hơn một thập niên qua. Game được phát hành cho nhiều hệ máy như PS4/PS5, Xbox One/Xbox Series XS, PC (Steam) với catch-copy là "hãy trở thành vị vua" (王となれ).

Đạo diễn của Elden Ring là Miyazaki Hidetaka, người từng bắt tay vào những kiệt tác trước đây của From Software như Demon Souls, Dark Souls I, Dark Souls III, Bloodborne và Sekiro. Cái tên Miyazaki, ông tổ của thể loại game ăn hành, là một sự bảo chứng không thể lay chuyển cho chất lượng của một tựa game. Vậy thì Elden Ring có gì thú vị, có gì khác biệt so với những tựa game trước đây của From Software?

Sau khi chơi được 30 giờ, tôi nói luôn kết luận: thứ nhất, Elden Ring là một kiệt tác vĩ đại. Thứ hai, Elden Ring là một bản Dark Souls mới mà không mới. Có thể gọi nó là Dark Souls IV một cách khiên cưỡng, nhưng đó chỉ là cái vỏ chứ cái hồn của Dark Souls thì đã không còn. Thứ ba, Elden Ring cũng đã trở nên dễ dàng tiếp cận với đại chúng hơn, đúng như lời đạo diễn Miyazaki từng hứa hẹn trước khi game được phát hành. Nhưng cũng đừng mong đợi là độ khó của game giảm xuống mức những game casual đang tràn ngập thị trường hiện nay.

Bây giờ hãy phân tích vì sao tôi nói vậy.

Thế giới quan vĩ đại

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng Elden Ring là tập đại thành của From Software. Nó mang trong mình hầu hết mọi tinh hoa của dòng Dark Souls, Bloodborne và gần đây là Sekiro. Nếu như thế giới trong Dark Souls, Bloodborne và Sekiro khá rộng lớn thì thế giới trong Elden Ring còn rộng lớn hơn gấp nhiều lần. Bởi Elden Ring giờ đây đã là game thế giới mở, một xu thế tất yếu của thời đại. Tôi có cảm giác Elden Ring giống như một phiên bản lai giữa bối cảnh fantasy của Dark Souls với yếu tố phiêu lưu trong thế giới mở của Zelda: Breath of the Wild. Nhà phát triển Zelda Botw nói rằng bản đồ trong thế giới của game này rộng tương đương với thủ đô Tōkyō của nước Nhật. Tôi chưa chơi hết Elden Ring, chưa khai mở hết các vùng trên bản đồ nên không biết thế giới trong game rộng đến mức nào, nhưng chắc chắn rằng nó không hề thua kém Zelda Botw. Các khu vực trong Elden Ring được liên kết liền mạch với nhau khiến người chơi không nhận ra một đường biên giới nào giữa chúng. Hơn nữa, thế giới trong Elden Ring được chia thành hai phần là thế giới trên bề mặt và thế giới dưới lòng đất. Bản đồ của hai phần này không liên quan tới nhau. Bạn có thể phiêu lưu tìm tòi thế giới dưới lòng đất sau khi đã quá quen với thế giới bề mặt, hoặc khám phá song song cả hai cùng lúc. Sự rộng lớn của bản đồ khiến số lượng boss trong Elden Ring cũng gia tăng một cách đáng kể. Tôi có cảm giác như lượng boss chính, boss phụ, boss ẩn trong game bằng cả số lượng boss ở các phiên bản Dark Souls cộng lại. Tôi nghĩ nếu chỉ tính thời gian đánh hết tất cả boss trong Elden Ring thì ngồi cả ngày cũng chưa chắc đã xong được. Chính vì thế mà tôi nói Elden Ring là một game vĩ đại. Với số lượng boss đồ sộ như vậy, một vài trận đấu boss tuy lặp lại nhưng nhìn chung khâu thiết kế boss của From Software vẫn uy tín như ngày nào. Ah, bạn không cần phải khám phá hết các khu vực hay đánh hết tất cả boss mới phá đảo được. Có những sự kiện chính mà bạn bắt buộc phải tham gia để hoàn thành game, nhưng cũng có rất nhiều khu vực, nhiều sự kiện phụ không bắt buộc. Bản thân tôi chỉ mới chơi được khoảng 30 tiếng nên chưa rõ thời lượng game là bao nhiêu, nhưng nghe có người nói cần khoảng 90 tiếng để phá đảo, cũng không ít hơn các game RPG.

Sự vĩ đại của Elden Ring không chỉ ở mặt bản đồ rộng lớn mà còn ở nhiều mặt khác nữa. Chẳng hạn như đồ họa cực kỳ choáng ngợp. Khi tôi nói đến "đồ họa" là nói đến đồng thời cả hai yếu tố: kỹ thuật và mỹ thuật. Về mặt mỹ thuật thì bất kỳ tựa game ăn hành nào của From Software từ trước đến nay đều thuộc dạng đỉnh của đỉnh cả. From Software rất lành nghề trong việc thiết kế mô hình kiến trúc, nhân vật. Những tòa lâu đài hùng vĩ, những khung cảnh u ám quỷ mị là đặc sản không thể thiếu của dòng game ăn đòn của hãng này. Nếu như bạn đã từng cảm thấy choáng ngợp với kiến trúc Gothic, kiến trúc Victoria ở những bản game trước thì lần này bạn sẽ được choáng ngợp thêm một lần nữa. Chỉ khác là sự choáng ngợp lần này kéo dài hơn, bởi số lượng lâu đài thành quách cùng những kiến tạo vật khác trong Elden Ring là rất nhiều, nhiều hơn các phiên bản Dark Souls, Bloodborne trước đây. Điều này cũng dễ hiểu, bởi với một thế giới mở thì số lượng thành quách nhiều lên cũng là chuyện đương nhiên. Tôi phải thừa nhận là trong mảng thiết kế kiến trúc cho game thì con mắt thẩm mỹ của From Software là vô thượng. Và đây cũng là điều tôi thích nhất ở dòng game ăn đòn của hãng này. Món Item bất ly thân của tôi trong các tựa game trước đây của hãng này chính là cái ống nhòm. Và nó cũng xuất hiện trong Elden Ring lần này. Với nó, tôi có thể lang thang khắp nơi, ngắm cảnh cả ngày không biết chán. Cảnh núi non, vực thẳm, lâu đài thành quách, hết thảy đều có thể gói gọn trong một từ: hùng vĩ! Nếu để tóm tắt khía cạnh mỹ thuật trong mảng đồ họa của Elden Ring bằng một câu thì tôi sẽ nói: mọi nơi, mọi khoảnh khắc trong game đều khiến bạn muốn chụp lại cảnh vật để làm ảnh nền điện thoại hay máy tính. Còn về khía cạnh kỹ thuật của mảng đồ họa, Elden Ring đã có cải tiến so với các tựa game trước đây dù không nhiều lắm. Ở ở các bản game trước đây, khi zoom cảnh vật với ống nhòm thì bạn sẽ hình ảnh bị vỡ, nhòe đi. Nhưng trong Elden Ring thì khi zoom thì hình ảnh vẫn giữ được độ nét. Thỉnh thoảng trên đường, bạn sẽ gặp một vài ống kính viễn vọng cố định với tầm zoom tốt hơn cả ống nhòm mà bạn mang theo. Tóm lại ở mảng đồ họa, có thể Elden Ring không sánh được với một số tên tuổi lớn nếu xét về mặt kỹ thuật, nhưng xét về mặt thẩm mỹ thì phải nói đây là một điểm cộng rất rất lớn để tôi chấm mảng đồ họa của Elden Ring được trọn điểm.

Đã nói về đồ họa thì phải nói về âm thanh. Cũng tương tự như mảng đồ họa, khi tôi nói đến âm thanh là nói đến hai yếu tố: âm chất và giai điệu. Và thật là thừa thãi khi bàn về âm chất của phần cứng đương đại. Chất âm của máy chơi game, PC ngày nay tốt hơn rất nhiều so với thời đại âm thanh 8 bit hay 16 bit của mấy chục năm trước, nên tôi sẽ không đề cập đến nó ở đây. Vì vậy nên đối với đại đa số game ngày nay, khi bàn đến âm thanh thì chủ yếu người ta bàn đến giai điệu mà thôi. Và thật đáng tiếc là giai điệu của Elden Ring không có gì đặc sắc. Dù chưa chơi hết game nhưng tôi đã nghe hết sound-track bán kèm với game và nhận định là giai điệu của Elden Ring hầu hết là những khoảng lặng, bình bình phù hợp với việc cưỡi ngựa chu du khắp thế giới. Nhạc nền trong Elden Ring thiếu vắng cảm giác tha thiết, u buồn hay cảm giác thần bí như nhạc nền của các bản Dark Souls. Những bản nhạc nền cho cảnh chiến đấu cũng không toát lên được tính chất máu lửa như nhạc nền của Bloodborne. Kết lại mảng nhạc nền, có thể nói là Elden Ring cũng không tệ, nhưng cũng không để lại ấn tượng gì đối với tôi. Cá nhân tôi cảm thấy chất nhạc của Elden Ring khá giống với tựa game liền trước đó là Sekiro, cũng bình lặng không điểm nhấn. Hoặc giả là tay nghề chọn nhạc của From Software đang đi xuống?

Elden Ring là Dark Souls IV?

Thứ hai, vì sao tôi nói Elden Ring là một phiên bản Dark Souls mới mà không mới? Những ai từng chơi qua dòng Dark Souls trước đây đều dễ dàng nhận ra những điểm mới lạ của Elden Ring so với Dark Souls cũng như điểm chung giữa chúng. Đầu tiên hãy nói đến điểm khác biệt. Thế giới mở rộng lớn cùng khái niệm thời tiết, thời gian là một trong những điểm mới mẻ mà Elden Ring học tập từ Zeldan Botw. Việc đưa khái niệm thời gian vào game đồng nghĩa với việc bạn chỉ có thể gặp được một số loại quái hay boss vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như ban đêm. Một điểm khác biệt nữa của Elden Ring là con linh mã, thú cưỡi mà người chơi có thể chiêu hồi sau khi đạt đến một event trong game. Có thể sự ra đời của linh mã chỉ là để phù hợp với thế giới mở của game. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng cưỡi ngựa là một trong những trải nghiệm thú vị của Elden Ring. Việc cưỡi linh mã sẽ khiến bạn thấy dễ dàng hơn trong một số trận đánh cũng như vượt qua được một số rào cản địa hình. Nhân vật giờ đây đã có thể nhảy trong Elden Ring sau bao năm tháng chỉ biết chạy bộ. Nút nhảy cũng khiến hệ thống combat có thêm chiều sâu, cũng như giúp khai mở ra nhiều khu vực mới để phiêu lưu khám phá. Cách chiến đấu cũng tương tự như các bản Dark Souls hay Bloodborne nhưng có thêm nhiều yếu tố mới như Guard Counter cho phép phản công nhanh sau khi đỡ đòn. Nhân vật giờ đây có thể cúi khom người để phù hợp với lối chơi ẩn mật, vốn đã khai sinh từ Sekiro. Bạn cũng có thể nâng cấp vũ khí, thêm thuộc tính cho vũ khí giống như ở các tựa game trước. Nhưng ở Elden Ring còn có thêm tính năng mới là "tro chiến" (戦灰 /ash of war) cho phép người chơi gán chiến kỹ (skill) của loại vũ khí này sang vũ khí khác. Bạn cũng có thể chiêu hồi các linh thể trợ lực trong những cuộc loạn chiến, một điểm mới mẻ khác mà các tựa game trước đây không có. Số lượng linh thể khá nhiều, và chúng tỏ ra khá hữu dụng trong nhiều trận đấu boss. Một điểm mới nữa là bạn có thể chế Item mới từ những món Item có sẵn. Đây lại là một yếu tố học hỏi khác từ Zelda. Elden Ring cũng học tập nhiều yếu tố khác của Zelda như hệ thống đánh dấu trên bản đồ, nhặt nhạnh bản đồ của từng khu vực để khai mở nó trên hệ thống hiển thị. Giờ đây người chơi có thể di chuyển cấp tốc từ địa điểm này sang địa điểm khác mà không cần phải qua trạm trung chuyển giống như trong Demon Souls, Dark Souls, Bloodborne hay Sekiro. Thế giới của Elden Ring không chỉ có 3 loại chúng sinh là ta, địch và NPC như các tựa game trước đây, mà bây giờ nó còn có thêm một loại chúng sinh mới là động vật, thú rừng. Bạn có thể săn lợn rừng, gấu, thỏ, chim chóc và nhiều loại động vật khác lang thang trên bản đồ. Mỗi vùng đất lại có những loài động vật, thực vật đặc trưng. Bạn cũng có thể nhặt nhạnh cây trái khắp nơi để làm nguyên liệu tạo ra những Item mới. Đây cũng là một yếu tố học hỏi từ Zelda Botw. Theo tôi thì phần săn bắn hái lượm không đặc sắc lắm, có lẽ nó được thêm vào chỉ để người chơi cảm thấy bớt trống trải trong cái thế giới to lớn ấy mà thôi. Nói về điểm thay đổi so với các tựa game trước đây thì tôi để ý đến một điểm mà có lẽ nhiều người không để ý. Đó là giờ đây, nhân vật đã có thể mở miệng trong những đoạn hội thoại chứ không còn câm nín như trước đây.

Elden Ring còn khá nhiều điểm mới mẻ khác so với các tựa game trước mà tôi không đề cập ở đây. Tuy nhiên, nếu đã từng chơi qua Dark Souls thì bạn sẽ dễ dàng nhận thấy là From Software đã xây dựng Elden Ring dựa trên mã nguồn của Dark Souls 3. Mô hình nhân vật, animation chuyển động, mô hình cảnh vật, vũ khí, binh giáp, những con boss to như cái nhà cùng vô số thứ khác đều mang dáng dấp của những gì từng xuất hiện trong tựa game trước. Có một điểm đặc trưng trong khả năng lập trình của From Software đó là làm cho những cái xác luôn phập phù phất phới như muốn tung bay. Xác chết trong Elden Ring cũng vẫn còn đặc tính này, nhưng đã giảm đi đáng kể so với trước. Ngoài ra, trong Elden Ring còn xuất hiện một nhân vật đại diện cho cả series Dark Souls, đó là nhân vật đầu trọc chuyên lừa thầy phản bạn, kẻ không do dự khi sẵn sàng đạp bạn ngã xuống vực sâu. Ah, trong Elden Ring bạn cũng gặp một cái chum to xác mà từ điệu bộ cho tới ngữ khí đều khiến bạn liên tưởng tới chàng hiệp sĩ củ hành với tính cách lập dị trong Dark Souls.

Nhìn bề ngoài thì bất cứ ai cũng dễ dàng nhận ra vô số nét tương đồng giữa Elden Ring với các bản Dark Souls trước. Chính vì vậy nên một số người nhận xét rằng Elden Ring chính là Dark Souls IV. Cái ruột bên trong thì vẫn vậy, chỉ cần thay đổi tên gọi thôi là đủ. Chẳng hạn, thay vì gọi là "soul" thì nay ta gọi là "rune" là đủ trở thành một bản game mới. Tôi hoàn toàn có thể hiểu được vì sao có người cho rằng Elden Ring chính là Dark Souls IV. Ở đây không xét về sự liên kết trong nội dung giữa Dark Souls với Elden Ring, bởi vì lối kể chuyện của Miyazaki trong tất cả các bản game ăn hành của ông này đều mập mờ không rõ ràng, để lại rất nhiều dư địa cho người chơi tự suy diễn, phỏng đoán và xây dựng nên câu chuyện mà họ muốn. Những chi tiết nhỏ nhặt hé lộ nội dung câu chuyện, xuất thân của nhân vật,... đều nằm rải rá đó đây qua những con chữ mô tả Item, trong đoạn hội thoại chóng vánh với nhân vật nào đó. Lối kể chuyện gián tiếp này cũng là một nét đặc sắc trong dòng game ăn hành của vị Miyazaki.

Còn đối với tôi, sau khi chơi được 30 giờ thì tôi nhận định rằng dù Elden Ring vẫn mang dáng dấp của Dark Souls, nhưng từ bên trong nó đã không còn là Dark Souls. Yếu tố quan trọng nhất chính là bầu không khí trong các phiên bản Dark Souls, nay đã không còn hiện diện ở Elden Ring. Nếu như bầu không khí trong các bản Dark Souls là sự u ám, tăm tối, huyền bí, mờ ảo, quỷ mị cùng cảm giác lạnh lẽo cô độc của những tòa lâu đài cao hun hút thì những cảm giác này đã không còn xuất hiện ở Elden Ring. Nếu màu sắc chủ đạo trong Dark Souls là màu xám của tàn tro thì tông màu chủ đạo trong Elden Ring lại là màu vàng rực rỡ của cây hoàng kim. Vì thế nên bầu không khí trong Elden Ring trở nên nhẹ nhàng và tươi sáng hơn Dark Souls rất nhiều. Trong Elden Ring có những khu vực ghê rợn, nhưng nó chỉ mang lại cảm giác kinh tởm, sởn tóc gáy chứ không mang lại cảm giác ma mị như trong Dark Souls hay Bloodborne. Nếu dùng hai tựa game khác để so sánh giữa Dark Souls với Elden Ring thì tôi cho rằng Dark Souls tương đương với Silent Hill, còn Elden Ring tương đương với Biohazard mặc dù chúng đều được xếp chung thể loại là kinh dị. Trong Elden Ring, tôi cũng đã chết rất nhiều, cũng giống như trong Dark Souls nhưng cảm giác khi chết lại rất bình thường, không hồi hộp không sợ hãi không run rẩy như khi chết trong Dark Souls. Cho tới giờ, vẫn chưa có con boss nào trong Elden Ring khiến tôi có cảm giác cay cú hay cảm giác vừa đánh vừa run sợ như những con boss trong Dark Souls. Trong Elden Ring cũng không thiếu những tòa lâu đài đồ sộ trụ trên những bờ vực thẳm sâu hun hút không thấy đáy, nhưng chúng vẫn không mang lại cảm giác cô độc lạnh lẽo như những tòa lâu đài trong Dark Souls. Cái thần thái, cái khí chất là thứ gì đó rất khó diễn tả bằng lời mà chỉ có thể cảm nhận. Và tôi chỉ có thể nói rằng cái chất thần thái huyền bí quỷ mị, cô độc lạnh lẽo của Dark Souls đã không còn trong Elden Ring. Cho nên nói Elden Ring là Dark Souls IV cũng có phần khiên cưỡng. Cũng không khó để lý giải điều này, bởi Elden Ring không còn là tác phẩm của mỗi mình Miyazaki Hidetaka, mà còn có sự góp phần của George Raymond Martin, tác giả của bộ trường thiên tiểu thuyết fantasy là "Băng hỏa ca" (A song of Fire and Ice), vốn được biết tới qua series phim truyền hình "Game of Thrones". Có lẽ Miyazaki đã cố tình bẻ lái thần thái của game sang một hướng khác cho phù hợp với thế giới mở, để phù hợp với người cộng sự mới trong việc thiết lập thế giới quan cho Elden Ring. Kết lại phần này, tôi nhận định là Elden Ring bằng một câu là "bình cũ rượu mới" chứ không phải "bình mới rượu cũ" như một số vị Tro tàn (灰の方 /Ashen One) nhận định.

Thân thiện với người chơi mới

Trước khi game ra mắt, Miyazaki từng hứa hẹn rằng Elden Ring sẽ là một tựa game thân thiện với người chơi mới. Và sau khi chơi được 30 tiếng thì tôi cũng thừa nhận rằng ông đạo diễn đã không nói sai. Elden Ring có khá nhiều điểm mới so với Dark Souls hay Bloodborne, mà hầu hết đều là những điểm khiến game dễ hơn so với trước. Cưỡi linh mã là một trong những yếu tố đó. Bạn có thể chạy thoát khỏi vòng vây dễ dàng với linh mã. Nhiều trận đụng độ cũng trở nên dễ dàng hơn khi cưỡi trên mình ngựa. Trong Elden Ring, bạn có thể nhảy từ một độ cao mà không hề hấn gì, trong khi nếu ở Dark Souls thì bạn không chết cũng què khi nhảy từ độ cao tương đương. Khi đấu mãi không thắng boss thì bạn có thêm lựa chọn đi lang thang khám phá thế giới cho tới khi đủ mạnh, tìm được món vũ khí đủ uy lực để hạ con boss. Trong trận đánh, nếu như parry là kỹ thuật thượng thừa dành cho những tay lão luyện, đi kèm với rủi ro ăn hành ngập mặt nếu canh sai thời điểm thì trong Elden Ring, bạn có thêm lựa chọn khác an toàn hơn. Đó chính là Guard counter, chức năng phản đòn ngay sau khi dùng khiên đỡ đòn tấn công của địch. Trong Dark Souls, bạn chỉ có thể di chuyển nhanh từ vùng này sang vùng khác khi ở điểm trung chuyển. Còn trong Elden Ring, bạn cũng có một điểm trung chuyển gọi là Hội bàn tròn, tương tự như Lửa trại (篝火 /Bonfire) trong Dark Souls nhưng còn có thêm rất nhiều save point khác nằm rải rác trên bản đồ. Việc này cũng phù hợp với bối cảnh thế giới mở của game. Một điểm mới nữa khiến người chơi cảm thấy dễ thở hơn khi đấu boss, đó là sự xuất hiện của những bức tượng Marika. Nếu quanh khu vực đấu boss mà có tượng này thì nếu chết, bạn sẽ bắt đầu lại từ chỗ bức tượng chứ không phải cuốc bộ từ save point đến chỗ con boss như trong Dark Souls. Một điểm dễ dàng khác nữa là hầu như tôi chưa từng gặp cảnh hụt hơi, hết stamina trong Elden Ring. Không rõ là nhà phát triển đã giảm mức tiêu thụ stamina của mỗi hành động xuống, hay tăng giới hạn stamina lên nhưng rõ ràng là tôi chưa từng gặp vấn đề gì với thanh stamina như từng gặp rất nhiều lần trong Dark Souls. Và còn một điểm nho nhỏ khác mà có lẽ không nhiều người để ý đến. Đó là khi chiến đấu ở nơi chật hẹp, vũ khí của bạn không còn bị hất tung ra khi chém vào tường. Những bức tường trong Elden Ring giờ đây cứ như là làm bằng bông chứ không phải tường đá trong Dark Souls. Ai từng chơi qua Dark Souls thì ắt không thể quên được món đặc sản có phần khó chịu này: vũ khí bị bật ra khi chạm tường, tạo sơ hở chí mạng cho đòn tấn công của địch.

Tuy có khá nhiều điểm dễ dàng, thân thiện với người mới nhưng cũng đừng vì thế mà lầm tưởng rằng đây là game casual, nơi mà bạn phang boss hùng hục không ngừng nghỉ. Về bản chất, Elden Ring vẫn là một game ăn hành. Nó vẫn là một con quỷ bất trị với nụ cười thân thiện mà thôi. Elden Ring vẫn là một game để bạn làm quen với cái chết, nếm trải cái chết và vui vẻ tận hưởng nỗng thống khoái mà nó mang lại. 

Elden Ring có một điểm rất dở là AI. Chẳng hạn như khi có một đám lính đứng cạnh nhau, bạn vẫn có thể thoải mái đâm chém một tên trong khi những tên còn lại vẫn đực mặt ra nếu chúng không thấy bạn. Có vẻ như quân địch chỉ có mỗi thị giác chứ không có giác quan nào khác. 

Trên đây là những cảm tưởng của tôi sau 30 giờ chơi Elden Ring. Nhìn chung, Elden Ring là một kiệt tác, một hiện tượng trong ngành game năm 2022. Một tác phẩm bắt buộc phải chơi đối với fan của Miyazaki Hidetaka, một tựa game AAA thân thiện đáng để thử đối với dân ngoại đạo. Thử cho biết rồi phán game quá tệ vì khiến người chơi phải chết liên tục cũng không muộn.

Cuối cùng, tôi đề cập một chút đến cái tên của game. Elden Ring, hiểu là chiếc nhẫn xứ Elde, tộc Elde,... Elde là tên riêng chỉ cái gì thì tôi chưa rõ, vì chưa chơi hết game. Không rõ vì sao mà ngoài kia lại có lắm Kẻ nhạt nhòa (褪せ人 /The Tarnished) lại nghĩ rằng đây là chiếc nhẫn của bậc trưởng thượng, của người già cả. Chắc hẳn họ quên mất rằng Elden khác với Elder.