Tri Ân Thầy Cô 1

DƯ ÂM ĐÊM TRI ÂN

Sau gần ba tháng chuẩn bị, cuối cùng nhóm cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa chúng tôi đã có một món quà dễ thương tặng thầy cô giáo cũ của mình: Một đêm hội ngộ Thầy trò ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, sau khoảng thời gian xa cách gần năm mươi năm.

Chiều 25/11/2012 gần 100 cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa (CHS.NQBH) đã có mặt đông đủ tại café Một Thuở, nôn nao đợi chờ gặp lại những thầy cô giáo cũ của mình. Mỗi lần một thầy cô mới xuất hiện - với dấu hiệu phân biệt là bông hoa hồng trên ngực áo trái - là các chị khóa 9 trên lầu lại đồng loạt vỗ tay reo hò, cứ y như thầy cô mình là những … siêu sao:

- Hoan hô thầy cô! Hoan hô!...

Đến lúc thầy Phạm Đức Bảo xuất hiện trong khuôn viên café Một Thuở, thì những học trò già bỗng… hóa trẻ thơ. Các anh chị từ lầu túa xuống, từ các góc sân ùa đến chúc mừng thầy. Tiếng … la của tôi trở lên lạc lõng trong niềm hân hoan tột cùng của các anh chị:

- Các anh chị ơi! Chừa chỗ cho thầy cô mình… thở!...

Mặc dù dự liệu đủ mọi tình huống, nhưng tôi không thể tưởng tượng tình thương yêu thầy cô của các anh chị nồng nàn đến vậy. Cả một “đội ngũ kế thừa” của thầy Dương Hòa Huân- gồm các chị Dương Khánh Vân, Dương Thúy Phượng, Dương Thúy Nga - đều có mặt, nhưng hợp lực lại các chị cũng không thể … kế thừa chức vụ của người cha quá cố - và là Tổng giám thị trường Ngô Quyền năm 1966-1972 - đảm trách “trật tự học đường” trong thời điểm này. Rất cảm động với chân tình của các anh chị, nhưng chúng tôi lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe thầy cô giáo quá… cũ kỹ của chúng tôi. Vừa đề nghị trên micro, vừa liên tục… năn nỉ hồi lâu, trật tự khuôn viên café Một Thuở mới vãn hồi.

Phần khai mạc diễn ra ngắn gọn, chủ quán Một Thuở giới thiệu chủ đề tháng 11/2012 dành cho trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Đây là chương trình sinh hoạt lần thứ 28 tại “sân chơi học đường” café Một Thuở. Đại diện các trường trung học Sài Gòn, tặng hoa chúc mừng ngôi trường được giới thiệu trong tháng. Sau những lời cảm ơn chúc tụng lẫn nhau, chương trình Đêm Tri Ân Thầy Cô trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa thực sự bắt đầu.

KTS. Nguyễn Văn Tất thay mặt gần 100 CHS.NQBH có mặt tại đêm hội tri ân, tóm tắt lịch sử thành lập trường trung học Ngô Quyền, trân trọng giới thiệu từng thầy cô về dự. Với phong cách rất… Hướng Đạo, anh Tất đề nghị mọi người thực hiện băng reo “Nhớ Ơn Thầy Cô”. Từ mỗi góc sân, trên suốt tầng lâu, cả hai bên sân khấu… những học trò không còn… trẻ hào hứng hô vang ''CHÚNG EM NHỚ ƠN THẦY CÔ, CHÚNG EM NHỚ ƠN THẦY CÔ'' theo nhịp điều khiển của anh Tất. Sự hồn nhiên của các … ông bà lão, khiến cho khách café Một Thuở có mặt trong đêm hôm đó ngạc nhiên. Món quà hết sức đặc biệt - bức tranh sơn mài lưu giữ chữ ký của quí thầy cô – đã được trân trọng trao tận tay từng thầy cô, thay lời tri ân của nhóm cựu học sinh Ngô Quyền năm cũ.

Có 28 thầy cô – trong tổng số 35 thầy cô chúng tôi mời dự lần này – có tuổi thọ trên 70 năm. Cao niên nhất là thầy Phạm Đức Bảo 93 tuổi, và… trẻ tuổi nhất là thầy Lâm Tấn Văn, vừa tròn tuổi 70. Cô Phạm Kiều Tiên nhẹ trách tôi: “ Mai ơi, em ghi nhầm của cô …một tuổi” Tôi vội vàng giải thích: “ Em … tăng đều hết cô ơi! Vì là Mừng Thọ, nên tụi em tính luôn một năm tuổi thầy cô còn trong … bụng má”.

Thắp sáng những ngọn nến trên chiếc bánh kem trang trí hình quả đào tiên thật lớn, KTS. Khương Văn Mười thay mặt tất cả CHS.NQBH kính lời chúc Thọ, chúc sức khỏe đến quí thầy cô. Theo hiệu lệnh của anh Mười, những chiếc pháo hoa xinh xinh bùng sáng trong tay các anh chị, hòa vang tiếng hát reo vui chúc tụng, là những bông hoa tươi thắm nhất được trao tặng thầy cô.

Sau phần LỄ dành cho thầy cô, là phần HỘI của thầy và trò trường trung học Ngô Quyền. Trong ý nghĩa không gian Xưa, nhà báo Lưu Đình Triều đã giới thiệu nhạc phẩm “Gợi giấc mơ xưa”, nhạc phẩm duy nhất trong cuộc đời sáng tác của thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long. Nhạc phẩm đã có tuổi thọ trên 67 năm, nhưng vẫn rất… tươi mới qua tiếng hát của nhà báo Kim Ngân – út nữ của thầy. Đã từng đạt giải nhất cuộc thi tiếng hát với đàn organ của học sinh năm 1999, Lê Hoàng Kim Ngân hát khá hay “Gợi giấc mơ xưa” của bố. Thầy Lê Hoàng Long nhắm nghiền đôi mắt, thưởng thức tiếng hát đứa con gái yêu qua tác phẩm để đời duy nhất của mình.

Với lối kể chuyện duyên dáng dí dỏm, nhà văn Nguyễn Thái Hải nhắc lại những mẫu chuyện vui học trò liên quan đến nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên: “Tôi, nhà văn Nguyễn Thái Hải. Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên - tên thật Nguyễn Hoàng Hải - cả hai đứa tôi cùng Hải (Hên, không phải … Hãi – NV). Bạn tôi, Nguyễn Hoàng Hải mất ngày 03/08. Tôi, Nguyễn Thái Hải, sinh ngày 08/03…” Và những câu chuyện của đôi bạn xưa, nhân ngày vui thuộc loại … để đời này, mới được ông anh Thái Hải chân thành chia sẻ… Thơ, và những bài thơ phổ nhạc của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, đã được các nghệ sĩ “cây nhà lá vườn” Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Thái Hải trình bày minh họa, tưởng niệm một CHS.NQBH tài hoa bạc mệnh của trường mình.

Cuối cùng là những lời “Thầy Xưa nói với Trò Xưa”… Không còn phấn trắng, bàng đen, bục giảng … như xưa. Khoảng cách thầy trò đã xích lại gần, sau nửa thế kỷ đời người xa cách. Chúng tôi dành thời gian để thầy cô bày tỏ xúc cảm với đồng nghiệp cũ, với những học trò xưa, mà bây giờ mái tóc thầy và trò cùng một màu bạc như nhau. Thầy Nguyễn Thế Văn vẫn với giọng nói truyền cảm ngày nào, đã dẫn dắt mọi người trở về khung trời kỷ niệm xa xưa. Thầy Nguyễn Thành Dũng, Thầy Trần Văn An chân tình chia sẻ những cảm xúc dâng tràn trong Đêm tri ân với học trò xưa và đồng nghiệp cũ.

Phần văn nghệ Đêm Tri Ân thầy cô giáo Ngô Quyền thêm nồng nàn với ngón đàn tài hoa của nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chín, cùng tay guitar trẻ xuất sắc Nguyễn Hoàng Minh. KTS. Khương Văn Mười thay mặt trường, tặng hoa cảm ơn các nhạc sĩ – ca sĩ đã đến chia sẻ niềm vui với thầy trò trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Phần văn nghệ cây nhà lá vườn sôi nổi với “Chuyến đò quê hương” cùa anh Nguyễn Tấn Lộc (khóa 14); “Thuyền và Biển” của Nguyễn Trung Nghĩa (khóa 13); “ Em hiền như ma – seour” và “Mưa hồng” của nguyên Tổng thư ký BĐH học sinh Ngô Quyền (NK 72 – 73) Nguyễn Văn Tất; tiết mục “Con Yêu” của cặp song ca Kiến Mười – Kiến Tất … Và đặc biệt là tiết mục hợp ca “ Hè về” của nhóm CHS. NQBH khóa 9, mà câu hát kết “Em quên rồi thầy ơi!...” đã tạo nên những chuỗi cười tươi vui rộn rã.

Chương trình xoay chuyển liên tục trong vòng 120 phút, không … kịch bản – theo đề nghị của hai ông anh KTS – và do bốn CHS. NQBH: Khương Văn Mười, Nguyễn Văn Tất, Lưu Đình Triều, Nguyễn Thái Hải thay phiên nhau dẫn dắt. Trân trọng từng phút từng giây thầy trò hội ngộ, sau gần nửa thế kỷ không gặp gỡ nhau, các anh chị đã tận dụng không gian thời gian có thể để thăm hỏi và chụp ảnh chung với thầy cô. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường, quá ngỡ ngàng với đội ngũ gần…hai mươi tay máy không chuyên nghiệp, đã không xoay trở nổi để thực hiện đầy đủ những yêu cầu trước đó của tôi. Nhưng không sao, với mục đích tạo điều kiện để “ Thầy xưa thăm lại Thầy xưa, và Trò xưa thăm lại Thầy xưa” Đêm Tri Ân thầy cô giáo của nhóm CHS.NQBH, đã thành công ngoài sự mong đợi. Một chút thiếu sót nếu có, sẽ khiến mọi người mong mong nhớ nhớ để luyến tiếc hẹn gặp lần sau…

Cuối tháng 11/2012

Diệp Hoàng Mai

Xin bấm vào các link dưới đây để xem thêm hình ảnh Đêm Tri Ân

Hình Ảnh ĐÊM TRI ÂN THẦY CÔ tại SG ngày 25-11-2012

TRƯỜNG XƯA - THẦY XƯA

Phụ Đính:

CẢM NHẬN VỀ "MỘT THUỞ TRƯỜNG XƯA"

Một buổi sáng ngày đầu tuần tháng 11, khi uống cà-phê sáng, anh Nguyễn Thanh Tùng có nói với tôi:

- Có ông chủ hội quán cà-phê ở Sài Gòn, có cảm tình với thầy trò trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa, có nhã ý sẽ tổ chức sinh hoạt về trường mình ở hội quán ông ta vào chủ nhật cuối tháng 11. Nếu Luận muốn dự thì liên lạc bạn Diệp Hoàng Mai.

Tôi nghĩ, sau những lần tham dự họp mặt khóa, đi đám cưới con bạn Mão, bạn Hòa, đi dự đám giỗ mẹ bạn Quan ở Mộc Hóa, tôi cảm thấy hơi "oải". Buổi sinh hoạt lại tổ chức ở Sài Gòn, thời điểm chiều tối, nên tôi hơi "ngán ngẩm". Tôi trả lời, có lẽ sẽ không dự. Đến chiều tối thứ bảy, 17/11/2012, mở trang web Ngô Quyền để xem sinh hoạt cuối tuần, tôi chú ý đến bài MỘT THUỞ TRƯỜNG XƯA của bạn Diệp Hoàng Mai, giới thiệu về buổi sinh hoạt dự kiến diễn ra ở hôi quán MỘT THUỞ vào tối ngày chủ nhật, 25/11/2012. Chương trình tổ chức có bài bản, công phu, do một số anh chị em CHS NQ các khóa tổ chức, đa phần con nhà họ Kiến.

Một đêm trăn trở, suy tư.

Sáng hôm sau, tôi gọi điện hỏi thăm anh Tùng. Anh bảo đăng ký nơi bạn Phùng Thị Ngọc Dung. Tôi điện cho bạn Đinh Thiên Thọ, Trần Văn Thông, để rủ cùng dự. Thông trả lời, không có đăng ký dự, nhưng nghe nói K.9 NQ tham gia đông, khoảng 20 cô nàng.

Tôi lấy làm lạ, sao anh chàng nầy nắm rõ thông tin đến dữ vậy? Tôi quên rằng phu nhân Bạch Tuyết của Thông là CHS K.9 NQ.

Tôi phân vân, theo thông tin của Diệp Hoàng Mai, hạn chót đăng ký tham dự là ngày 15/11/2012, do số lượng khách mời khoảng 70 đến 80 người, mặt bằng có hạn. Tôi bấm điện thoại để đăng ký cầu âu nơi bạn Phùng thị Ngọc Dung.

- Dung ơi, cho anh đăng ký một vé, anh thấy chương trình tổ chức hay lắm, có bài bản.

- Tụi em đã lên danh sách để in bảng tên, thiệp mời. Em sẽ trả lời anh sau.

Hơi buồn buồn một tí.

Trưa hôm sau, Dung điện thoại cho tôi.

- Anh Luận ơi, em đã lên danh sách cho anh, nhưng anh đừng rủ thêm ai nữa nhé. Sẽ tập họp ở nhà thầy Dũng, anh Tâm ở Hãng Dầu lúc 16 giờ chiều chủ nhật, có xe đưa đón.

Nỗi buồn, âu lo được giải tỏa.

Trước buổi họp mặt mấy hôm, tôi có chuyển tiếp cho anh Đặng Văn Hùng K.5 NQ và bè bạn một mail của thầy Huỳnh Bá Hạnh, trường Minh Tân, một bài viết có ý nghĩa nhân văn. Anh Hùng gửi mail cho tôi, anh Đỗ Thiện Tâm nhà cũng ở cách trường Minh Tân không xa, dự định sẽ tổ chức buổi họp mặt bạn bè có học ở trường Minh Tân. Hồi trước, ngoài phần dạy các lớp chính khóa, các thầy của trường Minh Tân cũng có mở nhiều lớp luyện thi tú tài. Đa phần các học sinh NQ có dự học, với hi vọng được nhận tấm giấy chứng nhận tốt nghiệp tú tài trên tay. Anh Đỗ Thiện Tâm gọi anh Đỗ Hữu Nam là chú. Hôm anh Nam mất, tôi có biết thông tin, nhưng hôm sau tôi đã phải tham gia tour du lịch Thái Lan. Những ngày cận Tết Nhâm Thìn, khi cùng một số đàn anh học sinh trường Minh Tân gặp gỡ thầy Hạnh, tôi có biết anh Nam. Trong số đó, tôi là người nhỏ tuổi nhất. Tứ hải giai huynh đệ.

15 giờ 30 phút của ngày hẹn hò, tôi đến điểm hẹn. Vợ chồng thầy Nguyễn Văn Có đến một lượt với tôi. Thầy Nguyễn Thành Dũng mời cả 3 người bước vào "tệ xá". Một căn nhà bề thế trên mãnh đất hơn trăm mét vuông. Ngoài sau có hồ bơi bán nguyệt, có vườn hoa, vòi nước tưới tự xoay, nhà thủy tạ. Phía sau cơ ngơi là sông Cái, nhánh sông Đồng Nai, bên kia là xóm Bình Tự của cù lao Hiệp Hòa. Một đàn bốn, năm chú chó sủa inh ỏi khi có khách lạ. Một cơ ngơi đáng để nương thân cho những người về hưu trước khi từ tạ mọi người để về cùng trời đất. Thầy Dũng giới thiệu.

- Căn nhà sát bên phải là nhà của thầy Mai Kiến Phúc, đã bán.Nhà sát bên trái là của anh Đỗ Thiện Tâm.

Anh Tâm có 2 người con, một gái, một trai, đều là KTS. Cháu trai chuẩn bị tốt nghiệp cao học, hơn con trai tôi 4 tuổi. Anh Nam cũng là KTS, con nhà họ Kiến.

Thầy Dũng lúc trước cũng có mở lớp luyện thi tại gia, bạn bè tôi như Đặng Thị Kim Nguyên, Nguyễn Kim Quan... có đến học. Hôm Quan về nước, có điện thoại mời thầy dự giỗ, thầy bận việc không đi được.

Thầy có nhắc những đồng nghiệp của trường NQ dạy về toán, lý, hóa. Thầy Lê Văn Túy dạy toán. Thầy Lê Quí Thể dạy hóa.Thầy Mai Kiến Phúc dạy lý. Thầy Tôn Thất Để dạy toán hình học.

- Hồi đó thầy Thể là giáo sư cố vấn thể thao của chúng em. Thầy Để dạy có phong cách ấn tượng. Thầy ngầu lắm, rất thương em, kêu là thằng Luận.

- Thầy Để có nhị đẳng Judo.

Ở nhà thầy Dũng, tôi gặp lại thầy Trần Văn An, CHS khóa 1,2,3 NQ. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy về dạy toán ở Tân Uyên. Năm 1973, chuyển về dạy toán ở trường Ngô Quyền. Sau năm 1975, thầy chuyển về dạy toán ở trường cấp 2 chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP/ BH. Năm 2001, tôi biết thầy khi thầy dạy môn đại số lớp 7 của con trai tôi nơi ngôi trường đó.

- Năm đó, Đỗ Công Lý giỏi toán lắm, đứng đầu đội toán.

- Bây giờ cháu cũng thuộc họ nhà Kiến, thưa thầy.

Thầy An cũng là thông gia với bạn Khương Văn Hoằng, K.7 NQ.

- Hôm qua đám giỗ má anh sui trai.

Mẹ anh Hoằng mất ngày 11/10 Â.L. Sáng rằm tháng 10 đưa tang mẹ anh, chiều hôm đó mẹ tôi qua đời. Mốc thời gian dễ nhớ.

Một chiếc xe 25 chỗ đến đón đoàn. Thầy cô, bạn bè tham dự đã tề tựu đông đủ. Tôi sang nhà chào hỏi anh chị Đỗ Thiện Tâm. Văn kỳ thanh tại văn kỳ ảnh. Lần đầu biết nhau, một cái bắt tay xin chào.

Hơn 16 giờ, xe lăn bánh, bỏ Biên Hòa ở lại sau lưng. Ngày chủ nhật cuối tháng, xa lộ không kẹt xe. Hơn 17 giờ, xe từ từ tấp vào trước hội sở ngân hàng Sacombank, bên kia đường là cà-phê MỘT THUỞ. Ngày xưa, người Sài Gòn có câu nói với nhau. "Ở Sài Gòn, Công Lý chỉ có một chiều ". Bây giờ, đường Công Lý đã đổi tên thành Nam Kỳ khởi nghĩa, mở rộng gấp đôi, thành đường hai chiều, cửa ngõ ra vào phi trường Tân Sơn Nhất.

Hội quán nằm cách mặt đường 10 mét, trong con hẽm rộng 2 mét. Hai bên tường trước cổng vào là 2 tấm bảng đá. Một tấm trưng bày hình ảnh, bài viết về lịch sử các trường trung học ở Sài Gòn, phía Nam. Chị em, Trưng Vương khung cửa mùa Thu và Võ Trường Toản, nằm sánh đôi nhau cạnh Sở thú Sài Gòn. Trường nữ Lê Văn Duyệt và nam Hồ Ngọc Cẩn ở Bà Chiểu. Trường nam Petrus-Ký, và nữ Gia Long áo tím một thời. Trường Chu Văn An ở cạnh Đại học xá Minh Mạng, một thời hứng khói đạn cay cay tầm mắt... Tấm bảng bên kia trưng bày hình ảnh các thầy cô, trường lớp, học trò Ngô Quyền của MỘT THUỞ, từ 56 năm về sau. Chủ đề của đêm hội ngộ hôm nay là:

TRUNG HỌC NGÔ QUYỀN BIÊN HÒA

NỬA THẾ KỶ TRI ÂN THẦY CÔ GIÁO CŨ.

Một chiếc phù hiệu để đính trên áo ngực trái, mỗi khi vào trường lớp, với 2 chữ NGÔ QUYỀN đỏ thấm, được thiết kế to lớn, treo trên cao trang trọng, để nhắc chúng em MỘT THỜI ÁO TRẮNG MỘNG MƠ. Thương nhớ quá. Trên xe, có bạn nhắc lại.

- Hồi đó mình dán bằng hồ. Vô cổng trường, dán lại. Ra khỏi cổng trường, gở ra.

Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò.

Vừa bước vào cổng hội quán, một tấm bảng trắng có đính hình ảnh một số thầy cô, dành để đại biểu ký tên lưu niệm. Có người cẩn thận, ghi tên khóa để nhận ra nhau. Thầy cô cũ, trò xưa, bè bạn gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ôm choàng nhau. Đàn em khóa 9 đến từ Biên Hòa bằng xe 16 chỗ. Tôi nhận ra Châu Thị Huệ, Trần Bích Liên, Lương thị Bạch Tuyết, Đặng thị Thanh Nhàn...

Chị Ao thị Lan, K.4 NQ, tôi nhận ra qua bộ quần áo Phật Tử, tu tại gia, mà cuối năm rồi tôi có gặp, đến từ Bình Thung, Dĩ An. Tôi có hỏi thăm về hai anh Ao Văn Thân, Ao Văn Thinh.

Tôi gặp 3 chị em, con của thầy Tổng Giám Thị Dương Hòa Huân, các chị Dương Thúy Vân, Dương Thúy Phượng, Dương Thúy Nga. Tôi hỏi thăm, bạn Hà Thu Thủy không đi dự được vì cháu bệnh. Lúc thầy Huân mất, ngay tại BH, tôi cũng không hay biết để thắp cho thầy một nén nhang. Sau đó, vợ thầy, cô hai của nhà anh em Võ Hà Mỹ, mất, tôi cũng chẳng hay biết. Vô tình quá. Thôi đành xin tạ lỗi với bạn bè.

Thầy cô Nguyễn Ngọc Ẩn và Đào Thị Nga, cô Khương thị Bàn, chị bảy của anh Khương Văn Mười, từ BH đến bằng xe riêng.

Thầy (anh) Diệp Cẩm Thu, K.7 NQ, năm 1973, sau khi tốt nghiệp Sư Phạm toán cũng về dạy ở Trường Ngô Quyền. Họp mặt cuối năm vừa qua, thầy Lê Văn Túy nói với tôi, sau 1975, Thu là đồng nghiệp của thầy. Giờ anh là phó hiệu trưởng của trường Đại học Lạc Hồng, ngôi trường mới có tiếng tăm sau 3 năm có thành tích về cuộc thi Robot Com, vừa kỷ niệm 15 năm thành lập.

Xe của BTC đi đón các thầy cô ở Sài Gòn. Mọi người hân hoan chào đón, chim đầu đàn, thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo. Đi cùng thầy có chị Lan là con gái, và thầy Phạm Thăng Long, là em trai. Thầy Bảo nay đã 93 tuổi, đi đứng hơi khó khăn, phải có người dìu, nhưng thầy vẫn cố gắng đến với đồng nghiệp, học trò xưa. Nhiều tràng vỗ tay hoan hô vang lên. Phút giây cảm động. Tôi nhớ, năm lớp Tứ 1, thầy phụ trách môn công dân giáo dục. Có lần, vài bạn nam bị bắt nằm xấp xuống bục giảng, thầy "đét" cho mỗi bạn 3 roi, vì cái tội quên mang cen-tua-rờ

(dây nịt).

- Cháu ông Huân, thầy đánh mạnh hơn.

Tôi rời trường NQ năm 1970 để khởi đầu vào môi trường đại học. Thời gian 42 năm sau tôi mới gặp lại thầy hiệu trưởng của ngôi trường trung học mà 7 năm tôi đã gắn bó.

Mỗi khách mời khi vào cổng, đến bàn tiếp tân nhận phiếu bảng tên đính trên áo ngực để mọi người nhận ra nhau. Đồng thời cũng nhận phiếu thức ăn, nước uống để sau đó BTC thanh toán lại với hội quán. Tổ chức cũng có khoa học đấy chứ.

Sau khi mọi người đến dự đã đông đủ, yên vị, BTC bắt đầu khai mạc buổi họp mặt, giới thiệu tên tuổi những thầy cô đến dự để học trò tri ân. Mỗi lần giới thiệu là một tràng vỗ tay. KTS Nguyễn Sơn Tây, chủ hội quán, cũng nói rõ lý do tổ chức buổi sinh hoạt. Xuất phát từ tình cảm với đàn anh, cũng là đồng nghiệp, là 2 anh KTS Khương Văn Mười và KTS Nguyễn Văn Tất, cũng như ngôi trường trung học Ngô Quyền BH có bề dầy truyền thống, đã khơi nguồn cho buổi sinh hoạt hôm nay. Hồ bán nguyệt giữa hội quán, anh thiết kế những cọc tre nhọn vươn lên, biểu tượng cho cọc nhọn Bạch Đằng giang đâm thủng chiến thuyền quân Nam Hán.

Bạn Nguyễn Văn Tất, CHS K.11 NQ, thay mặt học trò xưa ngõ lời tri ân thầy cô, nhắc nhở kỷ niệm xưa với ngôi trường đã là bệ phóng cho anh vào con đường khoa cử, để có vinh danh như ngày hôm nay. Anh Khương Văn Mười xướng tên thầy cô đã trên 70 tuổi có mặt ngày hôm nay để học trò tri ân. Một chiếc bánh kem được thắp sáng bằng lớp đèn cầy bao quanh. Mỗi CHS tay cằm pháo hoa đốt sáng, vươn cao theo 3 lần tiếng hô vang, NHỚ ƠN THẦY CÔ. Không khí trang nghiêm và xúc động dưới sáng mờ tỏ. Có lẽ cũng có những giọt nước mắt đâu đó lăn dài trên má của những trái tim già nua nhưng còn bầu máu nóng, dành cho thầy cô một đời trên bục giảng, khai tâm cho những con thuyền bé nhỏ chèo chống ra khơi trước phong ba, sóng gió cuộc đời.

Xen giữa chương trình là những bản nhạc được con gái thầy Lê Hoàng Long gửi cho thầy trò trường NQ, trong đó có bài GỢI GIẤC MƠ XƯA, sáng tác duy nhất của thầy Long, nhắc nhở về mối tình tan vỡ của thầy. Tôi chợt nhớ đến người thầy trẻ trung, tóc dài,tay kéo violon, dạy nhạc lý lớp chúng tôi thời trung học học đệ nhất cấp. Cũng như thầy dạy vẽ Phạm Minh Mẫn, ốm, cao, đen, xuất thân từ trường mỹ nghệ. Đó là 2 môn học giúp chúng tôi giảm tress. Trưa nay, tôi nhận được mail của chị Võ thị Bạch Tuyết, bạn học với chị Bé Nhỏ, chị thứ năm của tôi, hỏi tôi về thầy dạy nhạc lý Nguyễn Văn A, hồi xưa dẫn dắt các chị đến rạp hát Biên Hùng để biểu diễn bản nhạc Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương. Tôi trả lời chị, tên thầy thì em vẫn nhớ, nhưng thầy ở đâu em đành chịu. Cũng như khi tôi về sinh hoạt với trang nhà NQ, tôi đã tìm hỏi về thầy Lê Quí Thể, nhưng chưa có câu trả lời. Chỉ biết thầy đã định cư xứ người, lúc đầu có sinh hoạt với thầy trò NQ, nhưng giờ bặt âm tin tức. Thầy ơi!

Các bạn Nguyễn Văn Tất, Lưu Đình Triều thay nhau dẫn dắt chương trình.

Khi tôi ngồi cùng bàn với các anh K.1 và K.5, có chị Võ Kim Lang đến ngồi cùng và hỏi chuyện. Chị nói, anh Võ Hải Dương, garage Võ Thành, bảo với chị là trong tháng 11 sẽ về VN, không biết là anh có dự họp mặt hôm nay không? Chị không có học ở trường NQ, chỉ học ở trường Minh Tân và Trần Thượng Xuyên, nhưng có học luyện thi với thầy Nguyễn Thành Dũng. Chị muốn gặp thầy Dũng sau thời gian dài không gặp, vì chị định cư ở Pháp. Gặp chị, tôi nhận ta ngay.

- Hôm mùng mấy Tết Nhâm Thìn, chị có gặp thầy Hạnh ở cà-phê Lộc Vừng ?

- Sao anh biết?

- Hôm đó có tôi. Anh Hoàng, chủ quán, cũng là học trò thầy Hạnh.

- Vậy hôm nào anh uống cà-phê ở đó, nhờ hỏi anh Hoàng về anh Dương dùm tôi. Tôi đang ở Sài Gòn. Anh lưu số cell phone của tôi.Sau đó, về bển mấy lần mà tôi mail cho thầy Hạnh không được.

Điều tôi muốn nói lên là tâm huyết của học trò, dù ở phương xa, vẫn nhớ nhớ về ân sư của mình. Chị còn nói có gặp gia đình Hồng Đức, em Hồng Trọng, bạn chung lớp tôi, ở Úc.

- Em nó trẻ trung, dễ thương, cười má lún đồng tiền.

- Nó khoe với tôi là đã có cháu nội. Khi đọc bài viết của tôi trên trang nhà, cuối bài tôi có ghi số điện thoại, nó gọi tôi ngay để hỏi thăm.

Dù ở phương xa, những trái tim nóng vẫn tìm đến nhau.

Anh Nguyễn Sử Trọng Quốc, CHS K.5 NQ, đại diện bạn bè cùng lớp ngõ lời tri ân với thầy cô, đọc thư của bạn bè phương xa gửi đến thầy cô, đồng môn có mặt hôm nay. Tình cảm thầy trò, không đại dương nào ngăn cách nổi. Có vài anh tôi biết tên, có liên lạc. Anh Đặng Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Ẩn E, Trần Văn Việt, Ma Thành Tâm, Võ Hà Phi... Anh cũng giúp vui với mọi người một bản nhạc. Anh Hùng nói với tôi, anh Quốc học chung với anh hồi lớp ba tiểu học Nguyễn Du, ca vọng cổ, tân nhạc thì anh ấy hạng nhất. Anh Hùng ơi, không biết chừng nào trường tiểu học Nguyễn Du của anh và trường tiểu học Bửu Hòa của tôi tổ chức họp mặt thế nầy? Thầy cô còn được bao nhiêu người ?

Anh Nguyễn Thái Hải, nhà văn Khôi Vũ, cũng là dược sĩ, nhiều nghề lắm tài, CHS K.6 NQ, cũng lên nói về quảng đời thăng trầm của mình, bước đường để có ngày hôm nay. Anh nhắc kỷ niệm với mọi người, một đồng môn đã thành danh, xuất thân từ trường NQ, nhà thơ lận đận Nguyễn Tất Nhiên, tên khai sanh Nguyễn Hoàng Hải. Bạn bè cùng hát với nhau bản nhạc phổ từ bài thơ đã đưa anh lên danh vọng, THÀ NHƯ GIỌT MƯA. Những bài thơ về mối tình học trò thời lận đận, trắng tay. Khoảng tháng 7-8/1972, khi tôi ở quân trường Thủ Đức, đêm sinh hoạt đại đội, dưới trời mưa lất phất, anh quản ca đại đội Nguyễn Văn Tiên cất vang tiếng hát bản nhạc nầy, cả đại đội im phăng phắt, có lẽ để chia sẽ nỗi buồn cùng Nguyễn Tất Nhiên. Bạn mình Lê Thành Tươi, CHS K.7 NQ, còn nhớ hay quên ?

Rồi nhóm ca của CHS K.9 NQ, có lẽ là khóa học sinh có số lượng tham dự họp mặt đông nhất hôm nay, khoảng 20 cô nàng, thông tin mà tôi nắm được, xin đóng góp với thầy cô, đồng môn, bản nhạc vui tươi, HÈ VỀ, của nhạc sĩ Hùng Lân.

Trời hồng hồng, nắng trong trong...

Trông các cô nàng trẻ trung quá.

Sau đó, quý thầy Nguyễn Thành Dũng và Trần văn An có lời phát biểu với đồng nghiệp, thầy xưa, trò cũ cảm tưởng của bản thân và nhận bó hoa cùng quà kỷ niệm của BTC.

Kim đồng hồ chỉ hơn 20 giờ, cuộc vui nào rồi cũng chia tay. Các học trò già lần lượt tiễn đưa thầy cô không còn trẻ hơn mình ra cổng để nhà xe đưa về tư gia. Tôi đến chào, nắm tay thầy Đinh Hữu Quyến.

- Thầy còn nhớ em không?

- Tôi nhớ cậu chứ ! Hôm họp mặt cuối năm ở BH, tôi gặp cậu. Hôm tháng 4, họp lớp 11 B4 cũng có cậu.

- Dạ, em là người của công chúng.

Thầy trò cười vui vẻ, dù tôi không học Pháp Văn một buổi nào với thầy. Cám ơn bề trên giúp cho thầy tôi còn trí nhớ tốt.

Tôi cũng đến chào thầy Lâm Tấn Văn, thầy giáo dạy môn sinh vật lớp 12 A1 của chúng tôi. Vẫn câu nói.

- Em nào học lớp A là có học với thầy.

Tôi đến nắm đôi tay nhăn nheo của cô Đinh Thị Hòa.

- Em kính chúc cô mạnh khỏe. Lúc nầy cô đã về ở hẳn Sài Gòn ?

- Cô đã về ở Sài Gòn, cám ơn em. Cô chúc em mạnh khỏe.

Năm tôi học lớp đệ lục, 1964-1965, cô phụ trách lớp chúng tôi môn Pháp văn. Tôi nhớ có lần bạn bè đã dẫn tôi đến nhà cô ở xóm Mã Tù, nhà bằng cây, mái ngói. 48 năm rồi, không biết trí nhớ của tôi có lẫn lộn không ?

Từng chiếc xe đến rước thầy cô, học trò. Nhiều cái vẩy tay chào tạm biệt, hẹn gặp lần sau, có lẽ là cuối năm Dương Lịch, ở Biên Hòa.

Chiếc xe 25 chỗ ngồi của đoàn chúng tôi lăn bánh hơn 21 giờ. Buổi tối, đường xá thoáng đãng. Tôi ngồi cạnh em Hà Huy Đức, em của chị Hà Thị Nhung, CHS K.5 NQ, cũng là cô giáo đã từng dạy học ở trường NQ.

- Em là em của chị Nhung ? Anh là Luận.

- Anh có biết chị em ? Em có đọc bài viết của anh trên trang nhà.

- Gặp mặt thì anh chưa có diện kiến. Nhưng bạn anh, Ngô Hồng Tâm, em chị Ngô Thị Xuân, kể lại lúc sang Cali có gặp chị Nhung. Chị có dẫn nó thăm trường đại học nào đó ở Cali, lớn lắm. Nó tấm tắc khen hoài.

- Hai chị là bạn thân nhau, gọi điện nói chuyện nhau thường.

Hơn 22 giờ đêm, xe đưa đoàn về đến BH, dừng đậu dọc đường để đưa từng người xuống chỗ gần nhà nhất. Chiếc xe về đến điểm khởi đầu, để mọi người lấy xe máy về nhà. Thêm những cái bắt tay chia tay. Gió từ sông Đồng Nai lành lạnh, thổi lên hướng cầu Gành. Ô hay, trời đã vào Đông gần tháng nay. Còn 5 tuần lễ nữa tờ lịch cuối cùng sẽ rơi, rồi Tết dân tộc sẽ đến hơn tháng sau. Thời gian trôi nhanh quá, cũng như tôi xa trường lớp, thầy cô bè bạn ở trung học Ngô Quyền BH đã 42 năm. Về nhà, thay quần áo, soi gương, thấy mái tóc mình bạc thêm. Ôi, giọt đắng thời gian có dừng lại được chút nào không khi trái đất vẫn quay đều trên quỷ đạo.

Biên Hòa, ngày 27/11/2012.

Đỗ Công Luận.

Một số hình ảnh trong Đêm Tri Ân:

Xin bấm vào link để xem Slide Show hình ảnh:

TRƯỜNG XƯA - THẦY XƯA

Hình Ảnh ĐÊM TRI ÂN THẦY CÔ tại SG ngày 25-11-2012

BÀI THƠ TẶNG THẦY

(Bài này tặng tất cả những học trò có cùng .. hoàn cảnh, và riêng tặng một người Thầy mà đọc rồi mới hiểu- Nhờ Hoàng Mai chuyển dùm đến Thầy)

Cả lớp im phăng phắc,

Thầy xuất hiện cửa vào

Dáng Thầy to làm sao,

Lấp đầy khung cửa nhỏ!

***

Thầy nghe đám trò nhỏ

Quậy phá chẳng học hành,

Cả lớp phải khai rành

Không, ăn đòn hết thảy!

***

Lớp vẫn im phăng phắc,

Chỉ còn mấy anh ruồi,

Bay lượn tới lượn lui:

Đoàn kết hay là ...chết!

***

Giờ tự giác đã hết,

"Lên lớp" chẳng ăn nhằm

Thầy áp dụng phương châm:

Đánh đau là... nhớ nhất!

***

Lần lượt đứng xếp hàng,

5 đứa lên bảng đen,

Xoay lưng Thầy đét đít

Chúng nó im thin thít!

***

Đang đánh, Thầy bật cười,

Nghe tiếng kêu đánh "bộp"

Cuốn vở rớt ra ngoài

Từ ...nơi mông "trò nhỏ"!

***

Sức Thầy trông khỏe thế,

Đánh một lúc mệt nhoài!

Năm mươi mấy quần chai

Hẹn mai... Thầy đánh tiếp!

NMDũng 12B3

Hội Ngộ Sài Gòn

Mến gửi Diệp Hoàng Mai,

những ngày xuôi ngược Sài gòn- Biên hòa

với MỘT THUỞ NGÔ QUYỀN

em đếm ngược thời gian, chờ hẹn

ngực căng từng nhịp đập con tim

người không đến, và người sẽ đến

lỡ làng nhau, mai biết đâu tìm?

thiệp mời tôi, em tô mầu tím

tím mầu hoa, mầu mực học trò

tím cả hồn tôi đầy kỷ niệm

bỗng buồn như thuở mới làm thơ

Sài gòn mùa này, đã nắng chưa?

hay buổi chiều trời vẫn gió mưa

đường về Biên Trấn, em có ướt?

ướt dốc Ngô Quyền, trên lối xưa…

tôi từ lưu lạc đời cô lữ

chí lớn chưa đầy một nắm tay

trường lớp, thầy cô, bè bạn cũ

một khối tình không thuở nào phai

dẫu cánh chim trời chưa biết mỏi

người đi cũng sẽ trở về tìm

giữa phố Sài Gòn, đêm mở hội

mai tôi về, mai về! MAI, nhé em?!

NGUYỄN NGỌC XUÂN

( tháng 11 / 2012 )

Č