Văn 8

GẤU HÌ – NGUYỄN VĂN THUYẾT

Say mê hoạt động cộng đồng từ thủa nhỏ, năm lên 10 tuổi anh Nguyễn Văn Thuyết xin phép cha gia nhập sói con. Cha của anh không đồng ý, khuyên anh nhủ anh: “Con nên chuyên tâm học hành, hơn là tham gia sinh hoạt đoàn Hướng Đạo. Anh Thuyết năn nỉ hoài, nhưng cha của anh nhất định không ký tên vào đơn xin gia nhập hội của con.

Năm 18 tuổi Thuyết mới có thể tự mình ký tên vào đơn xin gia nhập hội HĐVN – mà không nhất thiết phải có chữ ký của người giám hộ – để thỏa niềm đam mê tuổi trẻ. Anh say mê rèn luyện những kỷ năng “mưu sinh thoát hiểm” giúp ích cho hướng đạo sinh. Từ việc vẽ bản đồ, định phương hướng, truyền tin, cắm trại và ca hát … môn nào anh cũng học hành thông thạo. Trong công việc của một giáo viên tiểu học sau này, anh Thuyết thường xuyên ứng dụng tất cả những kỷ năng, kiến thức hướng đạo để dạy dỗ học trò.

Thời đó, đám học trò nhỏ rất mê thầy giáo Thuyết. Anh dạy bọn trẻ múa hát, hướng dẫn các em trò chơi rèn luyện trí thể lực. Sự đam mê của anh Thuyết bền bĩ cho đến lúc lập gia đình, anh khuyến khích tất cả các con gia nhập hướng đạo. Các con của anh Thuyết, hầu hết trở thành thủ lĩnh trong phong trào hướng đạo ở Biên Hòa. Đó là các cựu hướng đạo sinh đạo Trấn Biên:

- Thiếu trưởng Nguyễn Thị Chẩn, thiếu đoàn Triệu Thị Chinh;

- Hạc trắng Nguyễn Thị Tất, ấu đoàn Bạch Phượng;

- Akela Nguyễn Thị Thanh, ấu đoàn Trịnh Hoài Đức.

- Các đội trưởng : Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Giác, Nguyễn Văn Không.

- Và đặc biệt là chú sói con “út ít” Nguyễn Văn Đăng, tham gia sinh hoạt hướng đạo từ lúc chưa đủ tuổi vào trường … mẫu giáo.

Trong những buổi sinh hoạt trại ngày xưa, mỗi lần giới thiệu đạo trưởng Nguyễn Văn Thuyết, tất cả trại sinh đầu hào hứng vỗ tay theo nhịp điệu: “ Mập, mập mà … lùn.! Mà lùn! Mà lùn! Mà lùn!...” Cái dáng thấp đậm mập mạp của anh Thuyết, không thể lẫn vào đâu được. Anh thường dẫn đầu bầy sói con trong điệu múa trăn, ngoằn ngoèo uốn lượn theo lời bài hát:

Đầu trăn lồm ngồm, khúc trăn quanh co.

Mình trăn uốn khúc, trăn phun phì phì.

Chồm lên chồm chồm, khúc trăn lô nhô.

Mình trăn uốn khúc, trăn lăn tròn dó.

Đầu đuôi không rời, nhấp nhô tời bời.

Trăn uốn quanh bên mình đắm say …

Múa Trăn

Tinh chất hướng đạo, gần như thấm đẫm trong máu trong tim của Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết. Suốt cả cuộc đời, anh không ngừng nghỉ xây dựng và phát triển phong trào hướng đạo ở tỉnh Biên Hòa. Từ cội rễ Trấn Biên, nhiều nhánh rẽ đã nẩy lộc đâm chồi và lan tỏa khắp nơi. Các liên đoàn hướng đạo Phước Tuy, Long Thành, Bà Rịa, Công Thanh, Dĩ An, Công Thanh, công ty Đường Biên Hòa … đã lần lượt hình thành.

Ngôi nhà mà gia đình anh Nguyễn Văn Thuyết hiện cư ngụ, là điểm hẹn của các hướng đạo sinh Biên Hòa. Gia đình anh dành hẳn một gian nhà, dùng làm kho chứa “đồ nghề” đi trại cho cả đơn vị. Bên cạnh ngôi biệt thự, là căn nhà sàn nhỏ mà gia đình anh cho hướng đạo sử dụng làm đạo quán Trấn Biên. Bao ngày bao tháng trôi qua, ngôi nhà của gia đình anh Thuyết vẫn còn là điểm hẹn cho những cựu hướng đạo sinh xa xứ tìm về.

"Đạo quán Trấn Biên năm 1972"

Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết lìa rừng Trấn Biên vào ngày 20/07/2000, sau một thời gian dài điều trị bệnh. Những ngày cuối đời, anh vẫn lạc quan với những bài ca hướng đạo : “ Một hoa sáng, cài trên nón, một câu hát yêu đời ở môi …” Mặc dù đã yên vui về cùng cát bụi từ lâu, nhưng hình ảnh Gấu Hì – Nguyễn Văn Thuyết hiền lành, vui tính vẫn không phai nhòa trong ký ức của anh chị em cựu hướng đạo Biên Hòa.

Tháng 10/2013

Diệp Hoàng Mai

NHỚ VỀ ANH

Tôi – một hướng đạo sinh 16 tuổi – từng ngưỡng mộ và xem anh Nguyễn Văn Thuyết, đạo trưởng Trấn Biên như thần tượng. Tôi còn nhớ sau những đêm lửa trại, anh Thuyết thường tổ chức những buổi tĩnh tâm cho hướng đạo sinh. Trong không gian tĩnh lặng về đêm, giọng nói trầm ấm của anh lôi cuốn tôi vào những bài giảng bài đạo lý vô cùng sinh động. Càng lúc tôi càng say mê anh, khi phát hiện anh có cả một kho tàng kiến thức.

Thế là đêm đêm, tôi đạp chiếc xe cọc cạnh đi tìm anh. Căn nhà sàn nơi anh tiếp tôi, chất chứa khá nhiều sách báo, kinh sách, tập san… Lần nào cũng vậy, anh chìa bàn tay trái múp míp bắt tay trái của tôi. Bàn tay của anh mềm mại và ấm áp, nắm chặt tay tôi như muốn truyền hơi ấm tình thương cho người em vong niên bé nhỏ của anh.

Anh châm cho tôi một ly nước lọc, rồi bắt đầu kể tôi nghe những câu chuyện về tôn giáo về triết học, và những ứng dụng vào việc rèn luyện nhân cách con người. Anh say sưa giải thích, tôi chăm chú lắng nghe … Thường thì đến hơn mười giờ đêm tôi mới về nhà. Anh chính là người đã khai sáng, và giúp tôi dần khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của thế giới Triết học và Phật học.

Anh thừa kế rất nhiều Kinh Sách Pháp ngữ do cha của anh – bác sĩ Nguyễn Văn Hoài – cất công sưu tập. Trong kho tàng sách báo của gia đình anh, có những tài liệu quý hiếm phải đặt mua từ bên Pháp. Chính tôi đã giới thiệu Thạc sĩ Trần Ngọc Anh mượn của anh quyển Le Lotus de la bonne loi (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – ngày nay đã có bản PDF trên mạng), để nghiên cứu thêm về chuyên ngữ Phật học. Dịch giả Trúc Thiên, Nguyễn Ngu Ý, thi sĩ Bùi Giáng, thi sĩ Hoài Khanh đều có giao lưu trao đổi sách với anh.

Có thời gian tôi không thể đến với anh, nghe anh chuyện trò như trước. Nhưng anh vẫn nhiệt tình “chuyền mồi” cho tôi, bằng cách tự tay cột những chồng kinh sách mang đến nhà cho tôi đọc. Những bộ Pháp Hoa, Đại Niết Bàn, Hoa Nghiêm, cùng nhiều quyển sách giá trị khác …, anh thường xuyên cung cấp cho nhu cầu khát khao đọc sách của tôi. Đang ở chiến trường Quảng Trị, tôi cũng thư về nhờ anh mua dùm tôi quyển Tự do đầu tiên và cuối cùng (The first and last freedom của Krisnamurti) ngay khi sách mới “ra lò”, để gởi ra Bến Hải làm “ bạn đồng hành” cùng tôi những ngày chinh chiến.

Năm 1972 tôi bỏ ngũ, trở lại Biên Hòa. Anh cho tôi biết: “Liên đoàn Dĩ An hiện không có trưởng, anh nhờ em phụ trách …” Thế là từ đó, tôi tập tành nghề làm Trưởng. Thời đó có trưởng Ngân, trưởng Huệ đang coi thiếu đoàn nữ. Anh Tuyến, anh Việt cùng với tôi thường xuyên hổ trợ cho các sinh hoạt của liên đoàn. Sau kỳ trại họp bạn Giữ Vững ở Suối Tiên, tôi lại phải xa anh và liên đoàn, để tìm cách… né tránh chiến trường miền Trung đỏ lửa.

Sau năm 1975 tôi hội ngộ cùng anh. Phong trào hướng đạo không còn, anh chuyển sang sinh hoạt với hội Chữ Thập Đỏ (Hồng Thập Tự). Hôm nào rảnh rỗi, anh rủ tôi và thầy giáo Sự cùng đạp xe lên Trị An chơi. Ba người gồm hai già một trẻ, cùng nhau dong ruỗi đường dài trên ba “con ngựa sắt” cũ kỹ. Ở trạm dừng chân nào, anh cũng cũng hồn nhiên ca hát. Đám trẻ con miền quê tò mò “ bu” quanh lắng nghe, càng khiến anh thêm phấn khích. Anh thuộc rất nhiều bài hát thiếu nhi, và anh miệt mài hát cho bọn trẻ nghe hoài không biết mệt.

Một lần khác chúng tôi đạp xe lên Tân Ba, vòng qua Bình Dương thăm viếng những ngôi chùa, là những nơi thầy giáo Sự từng làm công quả. Thầy giáo Sự không phải là hướng đạo sinh, nhưng tôi cũng gọi là “ Anh” luôn vì hai lẽ: Thứ nhất là không tạo ra khoảng cách, giữa hai ông cùng nghiệp… giáo già. Thứ hai bởi giữa tôi và anh Sự có một niềm cảm thông sâu sắc vượt qua tuổi tác. Anh Sự đã từng tô, vẽ, đắp tượng công quả cho rất nhiều ngôi chùa. Cho nên đến thăm chùa nào, nhóm chúng tôi cũng được tiếp đón như người nhà. Đương kim trụ trì chùa Tây Tạng ở Bình Dương lúc bấy giờ là Thầy Tịch Chiếu – cũng là huynh đệ đồng môn với anh Sự – đã đích thân đón tiếp chúng tôi. Đó là hạnh đạo không phải đệ tử nào cũng có cơ duyên đón nhận.

Tôi nhớ hoài câu nói của Thầy Tịch Chiếu “Đại sư Suzuki, trong tác phẩm Thiền Luận, Ngài chưa hiểu về Thiền. Mãi đến cuối đời, Ngài mới thấy được ánh sáng Chân Lý qua tác phẩm Sáu cửa vào động Thiếu Thất…”

Trong chuyến hành hương “ba cây số nhất bái” lần này, anh Thuyết của tôi không thuyết pháp cũng như không hát ca gì cả. Anh bảo, ghé chốn trang nghiêm mà ca hát ồn ào là không phải phép.

Những năm cuối đời, anh Thuyết luôn mặc đồ đẹp như đi ăn cưới, dẫu chỉ loanh quanh trong nhà. Anh bảo “Để dành đồ mới làm chi, không mang ra mặc thì nay mai chết đi cũng đem đốt bỏ mà thôi!...”

Bài hát anh yêu thích nhất, là bài ca tráng sinh “Một hoa sáng cài trên nón, một câu hát yêu đời ở môi, con tim vui tươi và luôn tín thành. Và không ước gì hơn thế, lòng hăng hái yêu đời tráng sinh, dư sức đi xa luôn dù đến chân trời….”

Cứ như thế, anh Thuyết lạc quan cho đến phút cuối cuộc đời…

Lê Viết Chung (Học)

BẰNG RỪNG

Tác giả: Lê Tường-Vi

"Tôi qua US lúc 14 tuổi. Cả gia đình còn kẹt lại VN vào lúc đó. Tôi bảo lãnh cha mẹ sau khi ổn định và chúng tôi đoàn tụ năm 1995." Lê Tường Vi tự sơ lược tiểu sử như trên, và trở thành tác giả hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2005. Và giải Việt Bút năm đầu tiên 2007, dành cho tác giả đã "vượt được chính mình." Sau đây là bài viết mới nhất.

Mới hơn 8 giờ sáng tia nắng mặt trời đã bắt đầu gay gắt chiều xuống nông trại Alegre trong lúc chúng tôi đứng nghiêm chào cờ. Tôi cảm thấy mồ hôi rỉ dài từ bả vai xuống lưng. Liếc nhìn quanh liên đội Tùng Nguyên VII gần trăm thầy trò cùng đứng dưới cái mặt trời chói chang kia, tôi tự hỏi tại sao chúng tôi bỏ 7 ngày thời gian quý báu để tới cái trại nóng cháy da trong vùng rừng núi này?

Bằng Rừng có thể quyến rũ chúng tôi đến vậy sao?

Dường như tôi có duyên với Hướng đạo. Ngày còn bé ở VN, thấy các anh lớn trong gia đình mặc đồng phục hướng đạo thật oai, tôi thắc mắc hỏi hai anh thay đồ đi đâu, làm gì nhưng không anh nào trả câu hỏi thỏa ý con bé.

Khi các anh sửa soạn đi cắm trại xa nhà, tôi đòi đi theo nhưng Bố tôi nói hướng đạo chỉ có con trai thôi, con gái không được đi. Tôi giận dỗi xịu mặt xuống thì ông dỗ:

- Thôi thôi để lát nữa Bố chở con lên thăm hai anh, đừng giận nữa!

Thế là tôi vội vàng đi thay đồ ngồi chờ được chở đi. Bố đèo tôi sau chiếc xe gắn máy, chạy vòng vèo qua đèo Rù Rì ra khỏi thành phố tới một khu rừng nhỏ nơi các hướng đạo sinh đang cắm trại. Những túp lều xanh được căng đều dài theo con suối trông rất gọn gàng và tươm tất. Chúng tôi tới nơi đang lúc các anh đang lúi húi lo bữa cơm trưa, mấy lon thịt hộp Bố tôi mang theo được chiếu cố tận tình. Bữa cơm trưa đạm bạc nhưng ngon miệng lạ lùng.

Sau buổi trưa, Bố đưa tôi đi bộ dọc theo con suối lên gần nguồn nước. Ông chỉ cho tôi những khóm lan rừng mọc bên mấy gốc cây cổ thụ, tiếng nước róc rách, rừng xanh thăm thẳm văng vẳng tiếng hát của các anh vang vang làm tôi có cảm tưởng mình đang đi lạc vô một thế giới khác, một thế giới đẹp hơn thực tế tôi đang sống hàng ngày. Những đoạn đường vướng mắc dây leo dại Bố nắm tay kéo hoặc nhấc bổng tôi qua. Xa xa thỉnh thoảng vang lên tiếng vượn kêu chí chóe gây lên cảm giác rờn rợn nhưng tôi cảm thấy an toàn khi có Bố tôi bên cạnh. Cái cảm giác rờn rợn đầy thích thú khám phá mê hoặc làm tôi gần như không biết mệt, mãi miết bước theo vết chân của Bố tôi.

Chuyến đi đó để lại ấn tượng mạnh trong tâm con bé. Nguồn đam mê đi bộ trong rừng, leo đồi lội suối bắt đầu từ thuở ấy. Trong vòng trời thiên nhiên tôi cảm thấy như mình thoát khỏi đời sống thực tại dù chỉ trong vài phút.

Về sau cuộc chiến VN ngày càng gắt gao hơn, các anh tôi không còn dịp đi cắm trại trong rừng nữa vì không còn an toàn nữa. Má tôi không cho các anh đi sinh hoạt xa nhà, bà đang cố gắng che chở các con trong cơn bão sắp tới cho vận mệnh quốc gia.

Rồi gia đình tôi cũng bay xoáy như triệu triệu gia đình VN trong cơn lốc 75. Tôi rời xa khỏi vòng tay cha mẹ sớm hơn dự định, xa thành phố biển và xa cánh rừng xanh. Tất cả lùi vô trong quá khứ để bôn ba cho cuộc sống hiện tại, tương lai.

Cho tới khi tôi bất ngờ gặp lại màu áo đồng phục hướng đạo ngày xưa.

Lúc đó tôi đang dạy tiếng Việt trong trường Việt Ngữ Văn Lang. Thường thường tôi ra về ngay sau buổi học, nhưng hôm ấy thầy cô có hẹn đi ăn trưa nên tôi nấn ná ở lại chờ đi chung.

Những cánh áo đồng phục ấy trong một thoáng đã đưa tôi về cánh rừng xanh với dòng suối có hoa lan dại ngày xưa. Lòng tôi chao đi với kỷ niệm đẹp ngày thơ ấu. Thời gian như đọng lại trong giây phút ấy.

Hỏi thăm mới biết đó là đoàn Vạn Kiếp của San Diego. Các anh Trưởng đang xây dựng lại với mục đích cho con em người Việt vùng San Diego có nơi sinh hoạt lành mạnh theo chương trình Hướng đạo. Đoàn Vạn Kiếp mượn sân trường sau giờ học làm điểm hẹn sinh hoạt.

Tôi mang hai đứa cháu mới ở VN xin gia nhập đoàn. Thằng cháu trai từ ngày vô đoàn đã thay đổi đến nỗi ai gặp cháu cũng mừng cho tánh tình ngày càng vững hơn của nó. Trưởng Khánh tận tụy thức tới 2 giờ sáng kèm cặp cho nó học thuộc bài trong đêm Tuyên Hứa. Nhìn vẻ mặt hân hoan của nó hôm sau Lễ Tuyên Hứa tôi rất cảm động với nhiệt tình của các anh trưởng đoàn.

Tôi tập tễnh phụ hướng dẫn các em đoàn Ấu. Tới khi chị trưởng đoàn bận rộn với nhu cầu gia đình chị trao lại Ấu đoàn cho tôi. Tôi lãnh trách nhiệm cho đến khi anh Mỹ - anh cả của đoàn- bảo tôi ghi danh đi học Bằng Rừng.

Tôi thắc mắc:

- Bằng Rừng là gì hả anh?

Trưởng Mỹ nháy mắt:

- Ồ, Bằng Rừng rất có thanh thế. Hay lắm!! Hồi trước 75 chỉ có vài Hướng Đạo VN có được Bằng Rừng thôi.

Anh bồi thêm:

- Hồi ở VN phải được tiến cử mới được đi học Bằng Rừng đó nhen. Học ở VN khó khăn hơn ở đây rất nhiều.

Anh hiểu tâm lý của tôi. Nghe chữ "Rừng" là tôi chú ý ngay. Thêm vào đó chữ "khó khăn" làm tôi tò mò thêm.

Càng tìm hiểu về cái Bằng Rừng càng gây nhiều thắc mắc. Vả lại, còn những mấy tháng nữa mới tới ngày nhập khóa, tôi ghi danh, tự nhủ sẽ còn thời gian tìm hiểu thêm, lo gì.

Cho tới ngày lên đường tôi cũng chưa thấu hiểu về Bằng Rừng mấy, chỉ loáng thoáng hiểu đó là một chuyến đi thử thách.

Và bây giờ dưới ánh nắng gắt gao, dưới sự hướng dẫn của anh đội trưởng, với những thôi thúc của công tác đội, công tác cá nhân, tôi tự hỏi tai sao mình đứng đây? Tôi có thể xử dụng 7 ngày vacation này hưởng thụ ở Haiwaii hay một nơi lý tưởng du lịch nào đó, cớ chi tôi chui vô cái rừng bụi bặm, ở chung với hơn 10 người khác trong cái cabin hạn hẹp.

Có hôm lại mang ba lô đèo thêm lều, túi ngủ để nằm ngoài trời, mặc bộ đồng phục 7 ngày không giặt giũ này? Tôi có thể bước ra khỏi trại bất cứ lúc nào, nguyên do gì giử chân tôi ở cái trại nóng nực hâm hấp này?

Giờ giấc của chúng tôi được chia ra chặt chẻ, giây phút ăn uống tận dụng tối đa, cà kê là trể giờ, có lúc tôi muốn ba gai, đổ lỳ nhưng nghĩ tới các bạn đồng đội tôi ép mình vô kỷ luật để không vướng bận cho cả đội.

Bây giờ tôi thuộc làu 10 điều Luật Hướng đạo Việt Nam. Điều khó nhất cho tôi vượt qua là điều số 4: Hướng đạo sinh là bạn của mọi người.

Làm bạn với người tốt dễ thôi, làm bạn với kẻ xấu thật không dễ tí nào.

Sau biến cố 75, tôi gần mất đi sự tin tưởng với những ai có uy quyền.

Tinh thần cao cả của các trưởng hướng đạo giúp phục hồi phần nào niềm tin này và đây cũng là yếu tố giữ chân tôi trong tập đoàn.

Sự hăng hái của các trưởng ban tham mưu và ban giảng dạy làm liên đội Tùng Nguyên VII chúng tôi rất khâm phục. Mệt mõi dưới cơn nóng oi ả, chúng tôi ngồi gật gù nghe giảng trong khi các anh chị giảng viên làm đủ mọi cách gây hứng thú giúp chúng tôi chống con ma ngủ mà gật.

Có lúc anh Trưởng Đệ hỏi:

- Ngồi trong nhà sao các anh chị mang mắt kiếng đen làm chi?

Trời ạ, anh vờ ngây thơ không biết chúng tôi ngủ gật nên phải mang mắt kiếng đen hay sao?

Tôi tự hỏi họ có phải uống thuốc caffeine hay sao lúc nào họ cũng "on" thế?

Ngày cuối cùng chúng tôi được đi phép 3 giờ đồng hồ ra biển. Thoát vòng kỷ luật nên chúng tôi ca hát đùa giỡn ồn ào trên xe bus. Liếc qua hàng ghế trên, tôi thấy anh đôi trưởng nhất Hoành tựa đầu vào khung cửa sổ nhắm mắt ngủ gật. Nét mệt nhọc hằn lên khuôn mặt anh.

Trách nhiệm của anh là bao lo tổng quát tất cả chi tiết điều hành cho cả đoàn. Bất cứ vấn đề gì anh đội trưởng không giải quyết đều được giao lên cho đôi trưởng nhất nên lúc nào anh cũng phải tỉnh táo chu toàn trả lời thắc mắc của mọi người.

Trong thoáng giây, tôi cảm động ướt mắt nhiệt tình chất ngất của anh.

Tôi cảm phục tinh thần của anh chị trưởng trong ban tham mưu và giảng dạy. Họ tình nguyện bỏ ra biết bao nhiêu thời gian tâm huyết để hướng dẫn, trao lại kinh nghiệm cho chúng tôi, cho ngọn đuốc thiêng hướng đạo Việt Nam bùng cháy mãi mãi.

Người sáng lập hướng đạo - Ông Baden-Powell- có hoài bảo rằng hòa bình sẽ đạt được trên thế giới nếu tinh thần hướng đạo lan tràn trong tâm hồn mọi người.

Tôi chợt hiểu nguyên nhân thúc đẩy chúng tôi cùng nhau đứng dưới ánh nắng như thiêu này.

Chúng tôi đang chứng kiến và nhận được món quà quý giá từ các anh chị Trưởng.

Đó là cái đẹp của tình thương yêu.

Luật tự nhiên của cái đẹp là sự truyền bá.

Truyền bá tình thương yêu là ảnh đích của tinh thần Hướng Đạo.

I got it!

Lê Tường-Vi

BẰNG RỪNG LÀ GÌ?

Huy hiệu Rừng hay Bằng Rừng (Wood Badge) là một đẳng cấp cao nhất dành cho một huynh trưởng Hướng đạo sau một thời gian sinh hoạt, tham dự các khóa huấn luyện cơ bản, dự bị... và khóa huấn luyện Huy hiệu Rừng. Sau đó tự mình lập nên luận đề và làm việc với luận đề đó trong một thời hạn nhất định. Nếu thành công trong việc trình luận đề với ban huấn luyện, người trưởng Hướng đạo tham dự khóa huấn luyện sẽ được chính thức công nhận hoàn tất và được cấp phát Huy hiệu Rừng. Bằng Rừng được tượng trưng bởi khăn quàng "Liên đoàn Đệ nhất Gilwell" và một vòng dây da đeo cổ có hai mẩu gỗ.

Lịch sử

Ngay sau khi thành lập Hướng đạo, Robert Baden-Powell nhận thấy nhu cầu huấn luyện huynh trưởng. Các trại huấn luyện huynh trưởng Hướng đạo đầu tiên được tổ chức tại London năm 1910, và tại Yorkshire năm 1911. Baden-Powell muốn sự huấn luyện phải thực tế như có thể, và điều đó có nghĩa là tổ chức nó ngoài trời trong các khu cắm trại. Đệ nhất Thế chiến đã làm trì hoản việc phát triển huấn luyện trưởng, vì vậy khóa Bằng Rừng chính thức đầu tiên không thực hiện được. Cho đến năm 1919, Công viên Gilwell ở ngoại ô London được mua để làm nơi huấn luyện Bằng Rừng, được khánh thành vào ngày 2 tháng 6 năm 1919.

Francis Gidney, Trưởng trại Huấn luyện đầu tiên ở Công viên Gilwell, thực hiện khóa huấn luyện Bằng Rừng đầu tiên tại đó từ ngày 8 tháng 9 đến ngày 19 tháng 9 năm 1919. Chương trình trại huấn luyện được soạn thảo bởi Percy Everett, Ủy viên Huấn luyện, và chính Baden-Powell giảng lý thuyết. Khóa học được tham dự bởi 18 học viên và các thuyết trình viên khác. Sau khóa huấn luyện đầu tiên, việc huấn luyện Bằng Rừng tiếp tục tại Công viên Gilwell, và trở thành nơi huấn luyện trưởng của phong trào Hướng đạo.

Ban đầu các khóa Bằng Rừng chỉ tổ chức ở Gilwell, về sau số trại sinh từ các nơi xin theo học quá đông nên Trại trưởng (Camp Chief) đề cử một số trưởng có Bằng Rừng có khả năng, đại diện cho mình để mở các khóa Bằng Rừng tại các quốc gia có Hướng Đạo, từ đó mới có đẳng cấp phó Trại trưởng (Deduty Camp Chief) trong ngành Huấn luyện.

Khóa huấn luyện Bằng Rừng đầu tiên ở Công viên Gilwell (Anh quốc)

Chương trình

Chương trình huấn luyện Bằng Rừng là dành cho trưởng Hướng đạo từ 18 tuổi trở lên. Các lớp học của Bằng Rừng nhắm mục đích là làm cho các trưởng Hướng đạo trở thành các người lãnh đạo tốt hơn bằng việc huấn luyện các kỹ năng lãnh đạo cao cấp.

Thông thường một khóa huấn luyện Bằng Rừng gồm có học lý thuyết và thực hành ngoài trời và một luận đề Bằng Rừng. Các lớp học lý thuyết và thực hành ngoài trời thường được kết hợp và dạy chung với nhau khoảng hơn một hoặc vài tuần. Để hoàn tất một phần của khóa học, các tham dự viên phải viết luận đề của mình.

Huấn luyện bao gồm học hỏi về thực hành và lý thuyết. Tất cả mọi học viên sẽ được giới thiệu về Liên đoàn Hướng đạo đệ nhất Gilwell, và được xếp đặt vào một trong các đội Bằng Rừng truyền thống. Huấn luyện viên đưa ra chỉ huấn để luyện tập đội hình cho vững mạnh. Các học viên sẽ làm việc trực tiếp với một người hướng dẫn được chỉ định giúp cho mỗi học viên suy nghĩ những gì mình đã học để chuẩn bị luận đề của mình tốt hơn.

Các mẫu gỗ phụ trên Bằng Rừng

Biểu hiệu chính của Bằng Rừng là một dây da đeo cổ với 2 mẫu gỗ phỏng theo mẫu ở xâu chuỗi của Vua Dinizulu. Các mẫu gỗ phụ được thêm vào dây da của các trưởng có Bằng Rừng tham gia vào ban huấn luyện Bằng Rừng như sau: một mẫu gỗ phụ thêm vào là cho phụ tá của Trưởng trại huấn luyện, hai mẫu gỗ phụ thêm vào là cho Trưởng trại huấn luyện. Tổng cộng là 4 mẫu gỗ cho Trưởng trại và 3 cho Phụ tá Trưởng trại.

Mẫu gỗ trên Bằng Rừng

Khăn quàng “Liên đoàn Hướng Đạo đệ nhất Gilwell''

Các Trưởng đã qua các Khóa huấn luyện Bằng Rừng, dù bất cứ ở đâu, cũng được mang khăn quàng của "Liên đoàn Đệ nhất Gilwell", đó là khăn quàng màu xám ửng hồng đằng sau có đính một mảnh vải sọc Scotland hình chữ nhật để tưởng nhớ đến ông William De Bois Maclaren, Uỷ viên Hướng đạo Scotland, người đã biếu tiền cho Hướng đạo Anh Quốc để mua Công viên Gilwell. Khăn quàng này chỉ mang khi không còn sinh hoạt với một đơn vị nào, hoặc khi tham dự huấn luyện hoặc Trại Họp bạn Hướng đạo. Còn khi sinh hoạt với đơn vị thì mang khăn quàng của đơn vị với dây đeo cổ Bằng Rừng.

Bằng Rừng

Tháng 07/2013

Diệp Hoàng Mai

(Trích tư liệu)

CÔ GIÁO LỚP NHỨT B

(Tưởng nhớ cô Phan Thị Lệ Hoa)

Cô Phan Thị Lệ Hoa (2013)

Năm cuối cấp tiểu học, tôi và chị Nguyễn Thị Kim Hồng – chị em cô cậu với tôi – được học chung lớp Nhứt B của cô Phan Thị Lệ Hoa. Học được chừng hai tuần lễ, má của tôi sinh em bé. Một trong hai chị em tôi phải xin chuyển lớp, đứa học sáng đứa học chiều để đỡ đần việc nhà, và phụ chăm em bé với má tôi. Vậy là tôi rời lớp Nhứt B của cô Phan Thị Lệ Hoa, chuyển sang học lớp Nhứt C buổi chiều với cô Bùi Thị Như Lan.

Học lớp Nhứt C cũng chừng… hai tuần lễ, tôi nằng nặc đòi chuyển về học lớp Nhứt B của cô Lệ Hoa. Có thể lúc đó do tôi chưa thích nghi với lớp học mới, nhưng lý do quan trọng nhất mà tôi muốn trở lại học lớp Nhứt B là do… tin đồn: “Chỉ học lớp Nhứt B của cô Lệ Hoa, mới chắc chắn thi đậu vào trường Ngô Quyền”. Mặc dù gia đình rất khó khăn, nhưng vì tôi khóc quá: “Không học lớp của cô Lệ Hoa, là con không thi đậu vô trường Ngô Quyền được …”, ba má tôi đành… muối mặt dẫn tôi tới trường, xin cô Lệ Hoa và cô hiệu trưởng cho con chuyển lớp trở lại.

Tất nhiên là nguyện vọng trẻ con của tôi… bất thành. Tôi nhớ hoài, dù từ chối nhưng cả cô Ngọc Anh và cô Lệ Hoa đều nhẹ nhàng dỗ dành: “Không sao đâu em, học lớp cô Như Lan em cũng thi đậu đệ Thất Ngô Quyền mà!...” Thì ra do sự chơn chất của Má tôi, hai cô biết nguyên nhân tôi đòi chuyển lớp. Câu nói cuối cùng cô Lệ Hoa nói với Má của tôi, đến giờ tôi vẫn nhớ: “Chuyển lại cũng được, nhưng như vậy cô Như Lan sẽ buồn …” Dịu dàng với học trò, tế nhị với đồng nghiệp, là dấu ấn đẹp trong lòng tôi đối với cô Phan Thị Lệ Hoa.

Lúc biết tin cô Lệ Hoa định cư ở Hoa Kỳ, tôi từng mơ có dịp được gặp lại cô, rồi kể cô nghe kỹ niệm “nho nhỏ, vui vui” thời học trò trường Nữ Tỉnh Lỵ Biên Hòa của tôi. Chắc chắn cô Lệ Hoa không thể nào nhớ tôi, đứa học trò ngồi học lớp Nhứt B của cô chỉ được mươi ngày. Nhưng tôi tin, nếu tôi nhắc lại kỷ niệm này cô Lệ Hoa sẽ rất vui. Tôi vẫn hay mơ “kỳ kỳ” như vậy, bởi ước mơ đâu có… tốn kém, tội gì tôi không nuôi nấng ước mơ?

Bây giờ thì, tôi không thể gặp lại cô Phan Thị Lệ Hoa nơi cõi tạm nữa rồi. Bởi cô đã vội đi về bến vĩnh hằng, trước khi tôi và cô có duyên cơ hạnh ngộ. Dẫu biết qui luật sinh tử đời người rồi ai cũng trãi, nhưng tôi vẫn nao nao buồn đọc đi đọc lại mẫu tin ngắn ngủi về cô. Cô ơi, có những ước mơ không bao giờ trở thành sự thực. Được gặp lại cô, là giấc mơ mãi mãi xa vời trong cuộc đời em…

Tháng 06/2013

Diệp Hoàng Mai

Phụ Đính:

Học sinh trường Nữ Tiểu học Biên Hòa.

Cô Trần Ngọc Anh, cựu hiệu trưởng trường Nữ Tiểu học Biên Hòa. Chứng chỉ học trình cho học sinh cuối cấp tiểu học Biên Hòa

Cô Lệ Hoa và học trò cũ trong dịp họp mặt Tất niên Hội Biên Hòa tại Nam CA - tháng Giêng/ 2013