Văn 3

- LẠ, MÀ … KHÔNG LẠ!

- LUÂN VỀ THĂM LẠI QUÊ XƯA…

- CÔ “MƯỜI BA” VÀ ANH CHỊ KHÓA MỘT, HAI, BA…

- CHIẾC HUY HIỆU LƯU LẠC…

- THẦY THÂN TRỌNG HƯNG BỆNH NẶNG …

- NHƯ CÓ PHÉP NHIỆM MẦU

LẠ, MÀ … KHÔNG LẠ!

Đặng Vũ Giang

Tại kỳ trại Thẳng Tiến IX, tôi là trại sinh “mồ côi đơn vị” nên tha hồ chọn lựa chương trình tham dự. Tiếng đàn hát bên ánh lửa trại bập bùng của đơn vị bạn, khiến tôi nôn nao nhớ những bài ca sinh hoạt Hướng Đạo nên dự tính tham gia. Nhưng anh Gà Lôi - Tô Văn Phước, cùng phu nhân Oanh Oanh Hùng Khí - Minh Trang (chi nhánh Đức) nhiệt tình rủ tôi:

- Hoàng Mai đi dự lễ trao đẳng cấp Đại Bàng cho các HĐS với anh chị. Ở Việt Nam không có nghi thức này, em nên đi xem cho biết …

Hướng Đạo Đại Bàng (Eagle Scout), là đẳng cấp cao nhất của nam HĐS Hoa Kỳ (đẳng cấp cao nhất của nữ HĐS Hoa Kỳ là Gold Award). Trước ngày sinh nhật thứ mười tám, các em phải vượt qua được một chương trình huấn luyện gắt gao, với nhiều cấp độ khác nhau về chuyên môn lẫn khả năng hoạt động cộng đồng, mới được công nhận danh hiệu HĐ Đại Bàng. Được trao đẳng cấp Đại Bàng, đồng nghĩa với việc các em trở thành một “công dân kiểu mẫu” Hoa Kỳ. Đây là một trong những tiêu chuẩn đắt giá, để các em dự tuyển vào các Hàn lâm viện quân sự, hoặc các trường đại học nổi tiếng khác của Hoa Kỳ. Trên toàn nước Mỹ, chỉ có khoảng 3% Hướng Đạo sinh đạt đến đẳng cấp Hướng Đạo Đại Bàng. Tương đương với đẳng hiệu này, là đẳng hiệu Hướng Đạo hạng Nhất của Hội Hướng Đạo Việt Nam trước năm 1975.

Lẫn trong đám đông khách chờ dự lễ, vang lên một giọng nói là lạ, nhưng tôi lại cảm thấy… quen quen. Đưa mắt nhìn quanh, tôi tìm thấy người có giọng nói khá đặc biệt này:

- Em là Đặng Vũ Giang, người Biên Hòa phải không?

Bên ngoài khu vực làm lễ, ánh sáng không đủ để Giang dễ dàng nhìn rõ khuôn mặt người quen. Không để đôi mắt “kèm nhèm” của Giang vất vả lâu hơn, tôi nhắc em đầy đủ tên họ của mình:

- Chị Diệp Hoàng Mai nè, mi nhớ chưa?

Giang bất chợt nhẩy cẩng lên, ôm chầm lấy tôi reo vui mừng rỡ. Khách mời dự lễ, biết tôi và Giang tình cờ gặp lại nhau sau hơn 30 năm bặt vô âm tín, cũng bất ngờ và chia vui với hai chị em. Giang nguyên là thiếu sinh Ba Đình (đạo Bửu Long), và là CHS.NQ sau tôi một khóa học. Giang đến từ chi nhánh HĐ nước Úc, chung tiểu trại Trưởng Niên với tôi. Lều trại của tôi chỉ cách lều trại của em chừng năm mươi mét, vậy mà mấy ngày qua hai chị em không hay biết gì về nhau. Nếu anh Phước chị Trang không rủ tôi dự buổi lễ này, thì đã không có cuộc tương phùng hi hữu của hai chị em. Cảm ơn anh Phước chị Trang, cảm ơn cả giọng nói độc đáo… hỏng đụng hàng của Giang nữa. Chính nhờ giọng nói lạ của em, tôi mới nhận ra em giữa đám đông người trong đêm nhạt nhòa ánh sáng. Háo hức quá chừng nhưng hai chị em phải nén lòng, đợi kết thúc buổi lễ mới tuôn trào niềm vui hội ngộ. Tôi gọi anh Tuyến, anh Vinh cùng ghé quán café ven đường nhắc nhớ chuyện xưa. Câu chuyện càng lúc càng sôi nổi, chợt một giọng nói ngái ngủ từ lều trại cạnh đó vọng ra:

- Ai là người Biên Hòa đó? Tui cũng người Biên Hòa đây!...

Ồ! Lại tình cờ có thêm một đồng hương Biên Hòa nữa. Anh Võ Minh Phước, bạn cùng lớp anh Ngô Thanh Quang (CHS.NQ K.10) đưa con đi dự trại. Anh Phước gia nhập Hướng Đạo sau khi anh vượt biển đến đảo bình yên. Tình đồng hương Biên Hòa sâu nặng, đã “lôi” anh Phước bước ra khỏi giấc ngủ ngon. Quán café ven đường của đơn vị bạn, đã trở thành điểm họp mặt của anh chị em Hướng Đạo Biên Hòa. Vui hơn nữa, là chúng tôi được “chủ quán” hào phóng… không tính tiền, lý do có “họ hàng” với trại sinh trong đơn vị.

“Báu vật” HĐ của Giang.

Giang với vợ chồng anh Trâu Từ Ái-Nguyễn Tường Linh

Hai năm sau ngày tôi tình cờ gặp lại Giang tại trại Thẳng Tiến IX, tôi có dịp sang Úc thăm gia đình em. Giang nằng nặc không cho tôi tá túc nhà ai khác ở Melbourne: “Chị cần đi thăm ai, em chở chị đi rồi về nhà em ở…” Giang có niềm đam mê Hướng Đạo rất lạ lùng. Và may mắn em có điều kiện giữ lửa, để niềm đam mê ấy cháy mãi trong trái tim em. Ngày Giang đính ước với cô dâu Lê Phương Khanh, em “buộc” bà xã tương lai phải hứa cùng em… đi Hướng Đạo. Giữ đúng lời hứa với Giang, Phương Khanh gia nhập Hướng Đạo ngay khi sang Úc. Hiện Khanh đã qua lớp Bằng Rừng ngành Thiếu, và luôn sát cánh cùng Giang trong mọi hoạt động của Thiếu đoàn Bạch Đằng.

Gold Award Queen’s Scout

Hai vợ chồng cùng chí hướng, đã lôi kéo cả ba đứa con cùng “cháy” với ba mẹ trong mọi hoạt động của phong trào. Cháu Đặng Tường Vi (Bê), con đầu lòng của Giang-Khanh đang vượt những thử thách cuối cùng để đạt đẳng thứ Queen’s Scout (tương đương Gold Award của Mỹ). Cháu Đặng Quỳnh (Tơ) một thanh sinh rất tháo vác và năng nổ trong mọi hoạt động của phong trào Hướng Đạo tại Melbourne. Cậu út Đặng Vũ Khang (Nghé) của vợ chồng Giang, cũng là một thiếu sinh nhiệt tình y hệt ba mẹ. Các cháu rất thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ “bác Mai” trong những ngày tôi tá túc tại gia đình các cháu. Ngoài tình thân Hướng Đạo với vợ chồng Giang, điều tôi cảm thấy dễ chịu nhất khi đến thăm gia đình Hướng Đạo này là, cả ba cháu Vi (Bê), Quỳnh (Tơ), Khang ( Nghé ) đều… nghe và nói rành tiếng Việt.

Mai và gia đình HĐ của Giang.

(từ trái qua): Đặng Quỳnh, Đặng Vũ Giang, Đặng Vũ Khang, Lê Phương Khanh, Đặng Tường Vi.

Tháng 07/2012

Diệp Hoàng Mai

LUÂN VỀ THĂM LẠI QUÊ XƯA…

Phạm Kim Luân và bạn học cũ Ngô Quyền.

Trở về Biên Hòa sau ba mươi ba năm xa xứ, Phạm Kim Luân mới có dịp quây quần bên nhóm bạn cũ thân xưa. Dự định ban đầu của tôi, chỉ rủ vài người bạn 9/6 có mặt trong tấm hình cũ kỹ Luân gửi cho tôi. Nhưng Nguyễn Mạnh Dũng đã nhiệt tình, “xả” tin nhắn họp mặt tới hai mươi mốt đứa bạn cũ của Luân trước đó. Dũng bảo, lỡ có đứa “bị ngộ độc… rượu không đến được để bảo vệ môi trường” thì sao?” Phải trừ hao chứ!...

Lớp 9/6 ngày xưa (Từ trái sang phải): - Phan Thêm (đứng), Nguyễn Xuân Cường, Phan Văn Chánh ( ngồi xe) - Nguyễn Văn Thành, Trần Thanh Châu, Giang Ngàn, Sàn Văn Thôn ( ngồi trên thềm lớp) - Nguyễn Trần Hiệp, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Trung Nghĩa (Mập), Lâm Giang Thành, Phạm Kim Luân, không nhớ tên ( đứng trên thềm lớp)

Tôi đưa Luân ghé quán café Hải Âu đợi các bạn. Hoàng hôn bên sông Đồng Nai hôm ấy thật tuyệt vời. Từng sợi nắng chiều dịu dàng sóng sánh trên sông, cùng làn gió nhẹ hiền hòa mơn man nước biếc. Khác với những cánh lục bình, từ bỏ nơi sinh trôi ra biển lớn, là không bao giờ quay trở lại. Bạn Luân của tôi trôi dạt đến xứ Hà Lan hơn nửa đời người, mà vẫn đau đáu nỗi nhớ về ngôi trường cũ, dòng nước biếc bên bến sông xưa. Không chỉ riêng Luân, mà rất nhiều người con xứ Bưởi xa quê, cũng có nỗi nhớ nhung giống như Luân vậy. Tôi chọn điểm hẹn bên sông, để ngày hội ngộ của Luân với những người bạn học cũ có thêm ý nghĩa…

Vũ Hùng ở xa nhất nhưng đến sớm nhất. Sau giờ làm việc ở Sài Gòn, bạn chạy vội về Biên Hòa cũng chỉ để vui với Luân và đám bạn. Hùng còn tự nguyện “tha” Luân trở về Sài Gòn ngay trong buổi tối hôm đó, bởi Luân có nghĩa vụ tham gia chương trình chung với “bầu đàn thê tử” của Luân vào sáng sớm hôm sau. Đám bạn của tôi dễ thương vậy đó, lúc nào cũng hết lòng quan tâm lo lắng cho nhau. Bạn bè lần lượt kéo đến, tay bắt mặt mừng với Phạm Kim Luân. Câu chuyện hàn huyên của những người bạn học cũ bên sông, cứ lan man nối dài không dứt…

Hùng và Luân bên sông Đồng Nai.

Đồng Nai quán (Tân Hiệp quán ngày xưa) là nơi chúng tôi nâng ly thù tạc. Và thật tình cờ, buổi họp mặt dành cho Luân hôm đó có đại diện khá nhiều lớp chín cùng khối năm xưa. Xem nào, lớp 9/5 có nguyên trưởng lớp Thái Đình Cư cùng các bạn: Phan Minh Thành, Trương Phước Đông, Trần Quang Chính. Bên 9/2 có nguyên trưởng lớp Diệp Hoàng Mai. Lớp 9/3 có bạn Phùng Thị Ngọc Dung, và 9/7 là bạn Nguyễn Mạnh Dũng. Hùng hậu nhất, vẫn là các bạn cùng lớp 9/6 với Luân: Chung Vũ Hùng, Nguyễn Văn Liệt, Giang Ngàn, Nguyễn Trung Nghĩa (Mập), Huỳnh Kim Ngọc, Trần Minh Trí, Đinh Thiên Tùng.

"Dô!" Chúc mừng hội ngộ.

Không còn ranh giới lớp chín / hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy… gì nữa cả. Mọi người cùng nâng ly chúc mừng ngày hội ngộ với Luân. Có men bia trợ giúp, các “ông lão lão” đã bạc đầu mà vẫn ồn ào còn hơn ve sầu mùa hạ. Chuyện xưa đứa nào cũng giấu kỹ như mèo giấu… của quí, bây giờ bị đám bạn già “tàn nhẫn” khai sạch sành sanh. Tôi nhìn đám bạn sôi nổi nói cười, khuôn mặt nhiều nếp nhăn của đứa nào cũng rạng ngời hạnh phúc. Hạnh phúc lắm, bởi Luân về chúng tôi có thêm “lý do” họp mặt. Và để được sống lại niềm vui tuổi học trò, như lời Mạnh Dũng: “Vui hồn nhiên, thân thiết vô tư, và… không thèm cảnh giác”.

Luân và bạn học cũ Ngô Quyền.

Ngày thứ bảy cuối tháng bảy tại quán café Một Thuở, tôi dành cho Luân và nhóm bạn Sài Gòn một bất ngờ thú vị. Vì Luân là dân nhà Kiến, nên tôi nằng nặc mời hai anh Kiến nổi tiếng café cuối tuần với nhóm bạn tôi. Đó là KTS. Khương Văn Mười và KTS. Nguyễn Văn Tất, cựu học sinh Ngô Quyền thuộc lứa đàn anh. Tôi không nói trước, nên anh Tất rất bất ngờ khi gặp lại Luân. Ngày xưa hai anh em đã cùng làm báo, và từng đi… bán báo chung. Hậu quả là, hai anh em không giữ được ngôi đầu bảng như những năm học trước đó nữa. Dun rủi thế nào, mà bây giờ hai anh em lại cùng ngành kiến trúc mới hay. Anh Khương Văn Mười đang dự hội thảo về “Quy hoạch và phát triển không gian ngầm đô thị”, cũng cố gắng thu xếp để đến với đàn em. Anh Mười là em ruột của cô Khương Thị Bàn, giáo sư môn Toán năm đệ thất của chúng tôi. Tôi chỉ tiếc, hôm đó bạn Dũng bận nên không đi cùng tôi đến Một Thuở. Có thêm KTS. Nguyễn Mạnh Dũng, thì buổi họp mặt sẽ có đủ một “chùm” Kiến Ngô Quyền bao gồm: Kiến Anh, Kiến Em, Kiến Bạn xúm xít bên nhau.

Phát, Hùng, Mai, Luân, anh Mười, Chánh. Hùng, Phát, Luân, Mai, anh Tất, Định, Sơn Tây

(chủ quán cafe Một Thuở), Chánh.

Điều thú vị cuối cùng, đó là chủ quán café Một Thuở cũng là dân nhà Kiến - KTS. Sơn Tây - từng là học trò của anh Nguyễn Văn Tất ở trường Đại học kiến trúc. Ngạc nhiên chưa, hỡi các bạn già thân thiết của tôi?...

Tháng 07/2012

Diệp Hoàng Mai

"Những khuôn mặt bạn bè của Luân" ("Tác phẩm" của Nguyễn Mạnh Dũng)

CÔ “MƯỜI BA” VÀ ANH CHỊ KHÓA MỘT, HAI, BA…

Nhận cuộc gọi của anh Huỳnh Văn Diệp (CHS.NQ K1), rủ tôi ngày chủ nhật về quê của anh chơi, tôi đồng ý ngay mà không quan tâm hỏi anh mục đích chuyến đi. Với tôi mỗi chuyến đi đều có ích cho vốn hiểu biết của mình, mà đi với ông anh Hướng Đạo kỳ cựu của Biên Hòa, chắc chắn tôi sẽ thu nhặt được nhiều điều lý thú. Chỉ đến lúc có mặt tại địa điểm theo ngày giờ đã hẹn, tôi mới hay các anh chị khóa “một, hai, ba” tổ chức họp mặt thường niên. Không tính những cuộc họp ngẫu hứng trước đó, các anh chị đã luân phiên tổ chức 19 lần họp mặt rất… chuyên nghiệp, kể từ năm 1994 trở đi. Buổi họp mặt lần này, được tổ chức tại nhà anh chị Nguyễn Ngọc Trai ở xã Tân Mỹ, gần bến đò Bà Miêu (Huyện Tân Uyên – Tỉnh Bình Dương).

Buổi sáng hôm đó trời mưa nhẹ. Các anh chu đáo thuê xe chở các “bạn gái”… không còn trẻ của mình, để các chị không phải lo lắng… đường xa ướt mưa. Tôi thích đi xe máy, nên đi chung với anh Đoàn Văn Trọng. Suốt quãng đường đi, Anh Trọng kể tôi nghe nhiều kỷ niệm xa xưa của các anh chị khóa một. Anh cho tôi biết, năm 1956 trường Ngô Quyền chỉ tuyển 100 học sinh nam và 50 học sinh nữ cho khóa học đầu tiên. Đệ Thất B1 là lớp nữ sinh duy nhất, hai lớp đệ Thất B2 và đệ Thất B3 dành cho nam sinh. Thời đó trường chưa xây dựng, nên trung học Ngô Quyền có ba lớp học… lưu vong. Năm đệ thất, các anh chị học “ké” trường tiểu học Nguyễn Du. Năm đệ lục, các anh chị… di tản sang trường Nữ Tiểu học. Hai năm đệ ngũ đệ tứ, các anh chị tá túc trường Nữ công gia chánh. Đến năm đệ tam các anh chị mới chính thức chuyển về “ngôi nhà mới” Ngô Quyền, xây dựng hoàn thành vào năm 1960.

Hơi lạc lõng trong lần đầu đến với các anh chị, tôi chọn bàn tiệc chay để được ngồi… chầu rìa. Nhân dịp này anh Diệp đưa tôi gặp anh Trầm Hữu Tình, người cùng anh Diệp dự trại họp bạn Hướng Đạo thế giới lần thứ 10, được tổ chức tại Phi Luật Tân vào năm 1959. Anh Tình và tôi “bắt tay trái” nhận anh em và chụp hình chung, tôi cẩn thận ghi lại e-mail của anh Tình để liên lạc. Vậy là tôi có thêm địa chỉ dự phòng kiếm cơm độ nhựt, nếu như sang Mỹ tôi bị lạc đường. Khi tôi giới thiệu mình học Ngô Quyền khóa 13, các anh ngồi cùng bàn gọi tôi “cô mười ba” luôn. Tôi cảm thấy vui vui, khi nghe các anh í ới: “Cô mười ba ơi! Cô mười ba!....” Các anh đâu biết, nhờ chị Võ Thị Ngọc Dung tôi mới hay mình học khóa 13, chỉ mới vài hôm trước đó.


Sắp bước vào hàng thất thập, mà phần lớn đã được thăng chức ông bà…Cố - Nội -Ngoại, nhưng các anh chị vẫn vui rất hồn nhiên. Chỉ có điều, phong cách của các chị chuẩn mực hơn lứa chúng tôi rất nhiều. Đi đứng, nói năng, ăn uống… các chị khá nhẹ nhàng từ tốn, nhưng vẫn nhiệt tình “góp vốn” cho không khí họp mặt bằng nhiều… nụ cười hùn! Các anh sôi nổi hơn, sau những tiếng hô “dô, dô!...” là những câu chuyện tiếu lâm cười đau ruột. Trong e-mail mới nhất gửi tôi, anh Phạm Phú Hòa – định cư ở Úc – cũng nhắc khá nhiều về kỷ niệm học trò, về những người bạn cùng khóa với anh: “Anh Lâm Vi Hậu thì anh không thể quên được, vì chơi rất thân với anh từ những ngày còn mặc quần 'xà-lỏn' đi chân đất đến trường. Ngoài ra nhà ông ngoại của anh sát bên nhà Lâm Vi Hậu. Dì Sáu, mẹ anh Hậu rất thương lũ bạn của anh ấy, dĩ nhiên trong đó có cả anh. Anh Đoàn Văn Trọng thì không phải một mình anh nhớ, mà nhiều khóa NQ chắc cũng không quên, vì là nhân vật sáng thứ Hai nào cũng đánh nhịp cho cả trường hát quốc ca trong lúc thượng kỳ. Anh Huỳnh Văn Diệp thì khỏi nói, dân HĐ “phá phách” nên vô vàn kỷ niệm. Đáng nhớ nhứt là cái đêm cắm trại, anh Diệp rủ mọi người đi 'cuỗm' rượu lễ của mấy 'cha' đem về uống …” Anh Hòa cũng nhắc đến anh Nguyễn Khải Hoàn, học sau anh một khóa nhưng anh vẫn nhớ, vì : “Hoàn khá nổi tiếng ở NQ, với anh thì những hình ảnh biểu diễn múa của Hoàn với Phi (em anh Phong Lý) chẳng bao giờ phai mờ trong kí ức. Ngoài ra Hoàn còn là tay kể chuyện tiếu lâm cực kỳ hấp dẫn, không biết bây giờ Hoàn còn giữ được những năng khiếu đó hay không? …” Nhờ có cuộc họp mặt tình cờ với các anh chị khóa một hai ba, mà “cô mười ba” có nhiều thông tin về bạn bè khóa một, để thỉnh thoảng cung cấp cho anh Hòa đỡ nhớ bạn xưa.

Trên chuyến phà trở lại Biên Hòa, chị Châu hỏi nhỏ tôi:

- Cô Mai, tại sao mấy ổng gọi cô là “cô mười ba” vậy?

Nghe tôi giải thích, các chị cùng “À, ra vậy!...” Thì ra các chị thắc mắc suốt buổi họp, nhưng chưa tiện hỏi ai về nhân vật xuất hiện lần đầu này. Kết thúc buổi họp, đã kịp làm thân nên các chị hỏi tôi cho ra lẽ. Sau lần họp mặt này, cô em “mười ba” đã trở thành “người nhà” của các anh chị khóa một, hai, ba. Thân thiết nhất là chị Cúc, anh Châu, chị Phượng, anh Xương, anh Trọng, anh Văn, anh Khiến, anh On, anh Hoàng, chị Bửu Châu ... Hễ có dịp họp mặt, các anh chị lại rủ ren... cô mười ba. Lần gặp gỡ gần đây nhất, khi anh Trần Văn Châu về lo việc tang sự cho cha. Trước khi trở lại nước Mỹ, anh Châu mời bạn bè đến quán ven sông dùng cơm tạm biệt. Nhân dịp này, các anh chị đã cung cấp cho tôi danh sách ba lớp đệ thất khóa một của trường trung học Ngô Quyền. Anh Nguyễn Háo Văn, anh Nguyễn Kiêm Hoàng, chị Nguyễn Bửu Châu gần như thuộc nằm lòng danh sách lớp. Phần còn lại, các anh chị của cả ba lớp bổ sung qua lại cho nhau. Anh Nguyễn Đức Khiến, anh Trịnh Văn On chỉ “ráp” được danh sách lớp Đệ Thất B3 khóa hai của các anh thôi.

Xem ra tôi cũng có duyên với vùng đất “địa linh nhân kiệt” Tân Uyên, bởi lần nào đến nơi đây, tôi cũng khám phá được những điều hay vui bổ lạ… Chuyến đi lần này cũng vậy, đã vun quén cho tôi một thân tình mới với các lớp đàn anh đàn chị khóa một hai ba. Khá nhiều anh chị không sử dụng internet, nên cô em “mười ba” tình nguyện nối lại nhịp cầu, để các anh chị ở khắp nơi thỉnh thoảng “gặp” lại nhau trên sân “ngo-quyen.org” của CHS.NQ Biên Hòa cho … đỡ nhớ nhau.

Tháng 08/2012

Diệp Hoàng Mai

Một số hình ảnh Khóa 1, 2, 3:

Nữ sinh lớp Đệ Thất B1 khóa 1 đi dã ngoại núi Bửu Long (từ trái sang): Ngọc Ánh, Bửu Châu, Nguyễn Thị Huê, Tuyết Mai, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Phụng, cô giáo Tuyến, Lê Thị Tám, Hồng Yến, Nguyễn Thị Liễu (sau H. Yến), Phan Thị Thể, Trần Thị Nỉ, Võ Thị Nguyệt, Huyền, Đinh Thị Thảo, Lê Thị Thân.

Nam sinh Lớp Đệ Tứ B3 khóa 2 (ảnh chụp tại cột cờ trường Ngô Quyền năm 1961)

Lớp Đệ Tứ B3 khóa 2 ( ảnh chụp năm 1961) từ trái sang: Trần Văn Xưỡng, Đỗ Nguyên Long, Việt, Tống Văn Quang, Phạm Chí Thiệp, Nguyễn Văn Nhì, Quãng Văn Ron, Thành, Nhân, Tùng, Lê Văn Nhơn (hàng đứng)/ Nguyễn Đức Khiến, Lê Bích Vân, Nguyễn Văn Xuân ( hàng ngồi).

Lớp Đệ Thất B2 khóa 1 trung học Ngô Quyền (ảnh chụp năm 1956) với các Thầy (từ trái sang): Trần Minh Đức, Hồ Văn Vinh, Trần Văn Lộc, Phạm Văn Tiếng, Hồ Văn Tam, Bùi Quang Huệ, Đinh Văn Sái.

Lớp Đệ Thất B1 khóa 1 trung học Ngô Quyền ( ảnh chụp năm 1956) với các Thầy (từ trái sang): Trần Minh Đức, Hồ Văn Vinh, Bùi Quang Huệ, Phạm Văn Tiếng, Hồ Văn Tam, Đinh Văn Sái, Trần Văn Lộc.

Lớp Đệ Thất B3 CHS.NQ niên khóa 1956-1957

Thăm Dưỡng Trí Viện Biên Hòa (từ trái sang): Nguyễn Thị Liễu, Trần Thị Nỉ, Lê Thị Tám, Bùi Thị Phước, Vũ Tuyết Mai, Nguyễn Thị Châu, Phan Thị Thể, Võ Thị Nguyệt, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Phụng , Lê Thị Thân, Huyền, Ngọc Ánh, Hồng Yến, Đinh Thị Thảo (sau H.Yến), Bửu Châu, Nguyễn Thị Đỗi, cô giáo Tuyến, Huê.

* Anh Đỗ Hữu Phát và bạn học cũ NQ:

* Anh Nguyễn Thanh Nhàn và bạn cũ NQ:

* Anh Trần Văn Châu và bạn học cũ NQ:

CHIẾC HUY HIỆU LƯU LẠC…

Cựu HĐS. NQ&BH ở Canberra.

Những ngày tôi rong rêu trên xứ sở chuột túi, anh chị em cựu HĐS Trấn Biên - Bửu Long đã dành cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc. Các anh chị sẵn lòng tặng tôi những chuỗi cười dòn tan bất cứ lúc nào. Vui, nhưng tâm tư tôi luôn trăn trở giấc mơ tìm kiếm chiếc huy hiệu Đạo Bửu Long:

- Những ngày ở trại Thẳng Tiến IX, mỗi bận ghé khu trưng bày em lại chạnh lòng. Dù chung quanh có nhiều huy hiệu của đơn vị bạn, nhưng em vẫn cảm thấy huy hiệu Trấn Biên có vẻ… lẻ loi, bởi thiếu vắng chiếc huy hiệu Đạo Bửu Long cật ruột. Em đã cố gắng tìm kiếm, nhưng chưa được…

Các anh chị gợi ý cho tôi:

- Em thử hỏi anh Ánh xem sao?

- Em hỏi rồi, nhưng anh Ánh bảo không còn gì cả.

Anh Trần Ngọc Ánh là con trai của cố Đạo trưởng Bửu Long Trần Quang Ngọc. Sau năm 1975, những tư liệu Hướng Đạo của gia đình anh bị mất mát. Tôi đã “quấy rối” bác Google khá nhiều, và cũng tìm nát nước trên các trang website HĐVN rồi. Kết quả? Vẫn… bằng không.

Rồi cũng đến lúc tôi thu xếp hành trang giã từ nước Úc. Anh Huy chở tôi từ Canberra về Sidney, để… bàn giao tôi cho anh Nhân. Sáng sớm hôm sau, anh Nhân sẽ đưa tôi ra sân bay Sidney, để từ đó tôi trở lại quê nhà.

Hoàng Mai và anh Huy ở Sydney Hoàng Mai và anh Huy ở Canberry

Trên quãng đường dài ba trăm cây số, anh Huy không cần mở nhạc… chống càn. Tôi… líu lo suốt chuyến đi, nên anh Huy mất cơ hội… ngủ gục. Tiếng tôi hát tuy không thánh thót như Sơn Ca, nhưng chắc cũng không đến nỗi tệ như chim Quạ:

- Chim Sáo nha anh Huy!...

- Biết rồi! Khổ lắm, hót mãi nghe… điếc ráy.

Hai anh em cười đùa suốt chuyến đi. Biết đến bao giờ, anh em tôi mới có dịp rong chơi thú vị như thế này? Lái xe quá nữa đoạn đường, anh Huy mở cóp xe lấy chiếc hộp gói giấy hoa thật đẹp đưa tôi:

- Gì vậy anh Huy?

- Quà!...

- Cho em hả?

- Ừ!...

- Cảm ơn anh Huy nha.

- Ừ!..

Anh Trịnh Quốc Huy, cựu kha sinh Biên Giang (Đạo Bửu Long) Thăm mẹ của anh Huy.

Chạy tiếp một đỗi, anh Huy lại đưa tiếp cho tôi … món khác. Lần này là một chiếc túi vải nhỏ màu rêu, xấu… ình ình:

- Nè, cất đi!..

- Cái gì đây anh?

- Nó đó! Thứ em đang tìm…

Tôi mở chiếc túi, và… niềm vui vỡ òa trong trái tim tôi. Trời đất ơi! Trên tay tôi là chiếc huy hiệu Đạo Bửu Long, mà bấy lâu nay tôi nhọc công tìm kiếm. Trong chiếc túi vải anh Huy đưa cho tôi, còn những huy hiệu và hình ảnh HĐ khác, toàn những “cổ vật” quí hiếm của anh em chúng tôi.

Anh Huy kể, đây là những vật lưu niệm do anh Dương Văn Lắm – cựu kha sinh Biên Giang - sưu tầm trong các kỳ trại họp bạn toàn quốc. Anh Huy là người “nhận ký gửi”, trước khi anh Lắm rời Biên Hòa tìm kế mưu sinh. Khi quyết định dong thuyền ra biển, anh Huy đã mang theo chiếc “túi kỹ vật” bên mình. Từng trãi qua không biết bao nhiêu biến động cuộc đời, trôi dạt từ Na-Uy đến nước Úc, anh Huy vẫn nâng niu gìn giữ cẩn thận túi kỹ vật HĐ này. Để hơn ba mươi ba năm sau, anh Huy không chút ngại ngần trao hết lại cho tôi. Tôi cười, mà đôi mắt cay cay nhòe ngấn nước…

Tháng 04/ 2012, anh Huy về Biên Hòa thăm anh em bè bạn. Tôi mang “tặng” lại anh Huy chiếc “túi gia bảo HĐ”:

- Em rất quí món quà này, nhưng em không đành lòng giữ “nó” cho riêng em. Nó đã theo anh gần cả cuộc đời rồi, anh Huy đừng rời xa nó. Em đã “nhân bản” tất cả, và em có cách chia sẻ hạnh phúc này cho tất cả anh chị em mình, anh Huy… vui lòng nhận lại “chiếc túi gia bảo” này nghen.

Vậy là chiếc huy hiệu Đạo Bửu Long đã hội ngộ với anh chị em chúng tôi, sau chuỗi ngày dài phiêu linh lưu lạc. Tôi tiếp tục ươm giống vun trồng trên mảnh sân “Hướng Đạo NQ-BH” này, với niềm tin hai anh em “Trấn Biên – Bửu Long” nhất định song hành bên nhau tại Trại Thẳng Tiến X, sẽ được tổ chức vào năm 2014 tại Hoa Kỳ.

Mai bên huy hiệu Đạo Trấn Biên tại trại TT9

Tháng 09/ 2012

Diệp Hoàng Mai

THẦY THÂN TRỌNG HƯNG BỆNH NẶNG …

Thầy Thân Trọng Hưng gần như hôn mê khi chúng tôi ghé thăm. Gần một tháng nay, Thầy phát âm không ra tiếng, nói không thành lời. Chỉ còn được ánh mắt yếu ớt Thầy biểu lộ mừng vui, mỗi khi Thầy nhìn thấy học trò hay bạn hữu ghé thăm mình. Thầy Hưng bệnh rất nặng …

Thầy Thân Trọng Hưng bị bệnh viêm gan siêu vi B kéo dài đã nhiều năm, dẫn đến hậu quả khối gan của Thầy bị xơ cứng. Tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị bệnh, đã làm khô dần hai bán cầu não của Thầy. Thêm vào đó, di chứng của bốn cơn đột quỵ nặng nhẹ suốt mười năm qua, khiến Thầy Hưng không còn sức lực tự vực mình đứng dậy được nữa.

Tôi không có dịp học môn Văn với Thầy Thân Trọng Hưng, nhưng như lời bạn Phan Văn Chánh thì: “ Bất cứ Thầy Cô nào từng dạy trường Ngô Quyền trước năm 1975, đều là Thầy Cô của tụi mình. Thầy Cô giáo cũ của Ngô Quyền theo thời gian ngày một ít đi …” Với tấm lòng trân trọng Thầy Cô giáo cũ, bạn Chánh đã đề nghị với tôi, bất cứ lúc nào có tin tức không vui liên quan đến Thầy Cô giáo cũ, tôi báo tin ngay cho bạn biết.

Cùng cảm nhận với người bạn học cũ, tôi xin phép Cô được báo tin cho các cựu học sinh Ngô Quyền được biết, về tình hình sức khỏe hiện nay của Thầy Thân Trọng Hưng. Nếu có dịp về Sài Gòn, các anh chị và các bạn hãy ghé thăm Thầy, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để Thầy vượt qua thử thách, có thể là lần cuối trong cuộc đời Thầy…

Hiện Thầy Thân Trọng Hưng được cô và các con đưa về nhà riêng để tiện việc chăm sóc. Và đây là địa chỉ nhà Thầy:

Số nhà: 51/68/11 đường Cao Thắng, phường 3, quận 3, HCMC /

Điện thoại: 08 – 3832 5959

Tháng 09/ 2012

Diệp Hoàng Mai

Như có phép nhiệm mầu

Qua thông tin trên website Ngô Quyền về tình hình sức khỏe của thầy Thân Trọng Hưng, những học trò cũ ở Biên Hòa và Sài Gòn đã tìm đến thăm thầy. Thầy vẫn hôn mê, cô và các con của Thầy lo lắng từng ngày, vì bác sĩ đã cảnh báo tình hình rất xấu về sức khỏe của Thầy.

Khoảng mươi ngày gần đây, đột nhiên thầy cất tiếng gọi cô: “Bà ơi!...” Tiếng gọi yếu ớt, nhưng là dấu hiệu tốt lành của sự hồi sinh. Cô báo tin cho tôi qua điện thoại, và tôi cảm nhận đủ cung bậc của niềm hân hoan vô bờ trong giọng nói của cô. Không thể nào ngờ, sau một thời gian dài đổ bệnh và chìm sâu trong vô thức, Thầy Thân Trọng Hưng bất ngờ hồi phục như thể… có phép nhiệm mầu.

Ngày 30/10/2012 tôi và Phùng Thị Ngọc Dung đã đến thăm, trao tận tay Thầy Thân Trọng Hưng món quà tình nghĩa của những trò xưa. Món quà gồm 200 USD của Hội ái hữu CHS.NQBH, và 100USD của 1 học trò cũ của Thầy ở Mỹ gửi tặng. Trên đường đi, tôi nhận thêm tin nhắn của anh Lê Phong Quan “em chuyển giúp anh số tiền 500.000 đồng biếu Thầy”.

Phùng thị Ngọc Dung và Thầy Hưng

Tôi đành thất hẹn với KTS. Đỗ Thiện Tâm của khóa đàn anh, khi tức tốc chuyển món quà của Hội, của một học trò cũ, và anh Quan đến tận tay Thầy Hưng trong tình trạng… nóng hôi hổi. Trước đó hai anh em đã hẹn cùng đi thăm Thầy, anh Tâm còn bảo: “Đợi anh … rủ thằng con của anh đi nữa”.

Diệp Hoàng Mai và Thầy Hưng

Tôi và Dung đỡ Thầy Hưng ngồi dậy, hai đứa đã làm… đủ trò để ráng “chộp” nụ cười có chút nắng xuân của Thầy. Trong khi cô rớm nước mắt, nhờ tôi chuyển lời cảm ơn đến Hội, đến những học trò xưa nhiều tình nghĩa của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.

Thầy Cô Thân Trọng Hưng và DHMai

Ngày 30 tháng 10, 2012

Diệp Hoàng Mai