Văn

- CỰU HƯỚNG ĐẠO SINH BIÊN HÒA, NGÀY VUI HỘI NGỘ

- ĐIỂM HẸN SÀIGÒN VÀ THẦY GIÁO CŨ

- GIỜ TRIẾT HỌC GIỮA SÂN TRƯỜNG

- GẶP NGƯỜI BIÊN HÒA XƯA TRÊN XỨ SỞ KANGAROO

- NHỚ BÓNG MAI XƯA

CỰU HƯỚNG ĐẠO SINH BIÊN HÒA, NGÀY VUI HỘI NGỘ

Sáng ngày 06/03/2011, tại quán café Cội Nguồn, thành phố Biên Hòa, trên 40 anh chị em cựu hướng đạo sinh (HĐS) Biên Hòa cùng tìm về nơi xưa chốn cũ thăm nhau. Không hề báo trước, nhưng hầu hết anh chị em đều mang theo những kỷ vật xưa, những tấm hình cũ “khi ta còn trẻ” tíu tít khoe nhau…

Anh Trần Ngọc Ánh (con của cố đạo trưởng Bửu Long Trần Quang Ngọc) khởi xướng bằng bài hát: “Cà phê bánh mì, một ly thì một bánh. Nàocố ăn hết, ăn hết xong ta lại ca…” Các anh Lê Phong Quan, Bế Mạnh Cường, Huỳnh Hoài Sơn và các chị Lê Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Tất, Nguyễn Thị Thanh, Mai Bích Ngọc… ngay tức thì vỗ tay hòa vang giọng hát. Vừa dứt bài hát, mọi người tiếp tục “Hết hát rồi lại… ăn hè! Là hụi là khoan, hô lá khoan ta cùng ăn…” Những tiếng cười vui rộn rã cả góc sân vườn...

Từ nước Đức về họp mặt, có Trưởng Lê Cảnh Từ. Đây là lần thứ hai, Trưởng Từ có cơ duyên gặp gỡ lại anh chị em trong đơn vị Trấn Biên năm cũ. Anh “cầm càng” cho mọi người cùng hát bài ca Tái ngộ: “Nào về đây ta họp mặt cùng nhau, cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi. Anh với tôi ta cùng sống vui trọn ngày, rồi mai này chúng ta lại gặp nhau…”

Trưởng Đỗ Quốc Tuyến “khuân” từ bên Mỹ về chiếc máy chụp hình khá… “xịn”, nên anh cứ khư khư o bế chiếc máy hơn cả o bế người tình tập thứ… “n” của anh (?!...) Trưởng Tuyến là HĐS duy nhất của Trấn Biên, vẫn còn gắn bó với phong trào Hướng Đạo đến tận bây giờ. Anh là một trong những Trưởng niên sôi nổi, nhiệt tình của làng HĐ Washington DC. Xa xứ lâu năm, nhưng hiện Trưởng Tuyến là người còn lưu giữ cổ vật của HĐ Biên Hòa nhiều nhất. Anh còn có ý tưởng xây dựng một bảo tàng… mini cho HĐ Trấn Biên nơi hải ngoại nữa. Về từ nước Mỹ còn có anh Lâm Thành Báu thuộc Kha đoàn Biên Giang, Đạo Bửu Long.

Anh Nguyễn Hữu Nhân, người tiên phong gây dựng Tráng đoàn Lam Sơn sau khi anh định cư ổn định ở nước Úc. Cùng sự góp sức các cựu HĐS Biên Hòa khác như Trưởng Phạm Phú Hòa, anh Đặng Vũ Giang và các con của nguyên Đạo trưởng Trấn Biên Nguyễn Văn Thuyết gồm anh Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Không, Nguyễn Văn Đăng... HĐViệt Nam trên xứ sở chuột túi được hồi sinh và cùng các đơn vị anh em phát triển phong trào. Anh Nhân chia sẻ với mọi người: “Vô cùng hạnh phúc, tôi từng mơ về ngày hội ngộ với anh chị em HĐS một thời là cật ruột của mình. Hôm nay giấc mơ ấy đã thành sự thật…”

Các “lão huynh” ở Biên Hòa dường như không còn khái niệm… tuổi tác, dù mái tóc các anh chị hầu hết hết đã pha sương. Sôi nổi nhất là lão huynh Đặng Ngọc Tới, anh liên tục bắt nhịp cho mọi người hát hết bài ca này đến bài ca khác.

Vào hàng “thất thập” còn có các anh Trầm Quốc Báu, Trầm Quốc Bửu, Huỳnh Văn Diệp, Nguyễn Văn Chánh… nguyên là những “thiếu sinh” của thiếu đoàn Lam Sơn, đơn vị hướng đạo đầu tiên củaTrấn Biên, được thành lập từ năm 1956. Năm 1959 hai anh Trầm Hữu Tình và Huỳnh Văn Diệp được chọn tham dự Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới lần thứ 10 tại Phi Luật Tân. Năm 1966 anh Diệp cũng là huynh trưởng đầu tiên được đạo trưởng Trấn Biên gửi đến Trại trường Tùng Nguyên Đà Lạt dự lớp Bằng Rừng.

Anh Nguyễn Văn Tất đến trễ, nhanh chóng hòa vào không khí rộn ràng ngày họp mặt. Là một kiến trúc sư nổi tiếng, từng đạt nhiều giải thưởng kiến trúc trong và ngoài nước, anh Tất không bất ngờ khi bị mọi người… ép làm “diễn giả” tại chỗ về chuyên đề kiến trúc. Anh Tất cũng là KTS Việt Nam đầu tiên thiết kế resort đẳng cấp sao quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Theo lời yêu cầu, lần lượt từng anh chị em tự giới thiệu về mình. Thời gian xa cách gần 40 năm, có khá nhiều anh chị cứ nhớ quên lẫn lộn. Lý do khác nữa, có những anh chị sinh hoạt ở Đạo Trần Biên nghỉ sinh hoạt sớm nên không biết hết lớp đàn em bên Đạo Bửu Long. Từng người giới thiệu, đều được anh “phó nháy” Đoàn Chấn Hưng chụp ảnh… chân dung. Anh Tuyến hào hứng chụp cảnh mọi người sinh hoạt. Ngoài hai tay máy chuyên nghiệp này, thì các tay máy nghiệp dư cũng ra tay “bấm” hình loạn xạ.

“Này em anh đã già, tuổi cao thiếu sức khỏe, cuộc sống với trái tim cằn khô. Này em anh đã về, thì xin nghe anh kể, chuyện mới cũ khóc vui tràn trề…” Lời bài hát Bình ca số 1 của Nhạc sĩ Phạm Duy hợp tình hợp cảnh với các “cụ” HĐS Biên Hòa lúc này hơn bao giờ hết. Bao nhiêu là chuyện buồn vui trong quá khứ của các cựu HĐS xứ Bưởi Biên Hòa, bất chợt vỡ òa rồi tuôn trào như thác lũ từ những con tim ngỡ đã khô cằn…

Ngày chủ nhật, quán café Cội Nguồn khá đông khách. Mọi người có vẻ tò mò pha lẫn ngạc nhiên, khi chứng kiến cảnh các “ông bà lão” hồn nhiên ca hát nô đùa. Dù tất cả cùng ước thời gian ngừng trôi, nhưng cũng đến giờ anh chị em phải hát bài ca tạm biệt: “Lúc thú vui này, lòng càng quyến luyến anh em chúng mình. Lúc thú vui này, lòng càng những muốn anh em thấu tình…” Dẫu lưu lạc nơi xứ mình hay xứ người, tất cả các cựu HĐS Biên Hòa sẽ không quên một thời chúng ta từng “là anh em một nhà, từng là con là cháu Baden Powell”. Và từ buổi hội ngộ hôm nay, chắc chắn các cựu HĐS Biên Hòa không để lạc mất nhau lần nữa….

Tháng 03/2011

Diệp Hoàng Mai

ĐIỂM HẸN SÀIGÒN VÀ THẦY GIÁO CŨ

Chúng tôi đến café Viễn Xưa, điểm hẹn của nhóm bạn Sài Gòn khá sớm. Những chiếc ghế còn lật ngữa, nằm chỏng chơ trên các mặt bàn. Theo yêu cầu của tôi, nhân viên phục vụ nhanh chóng xếp đặt chỗ họp mặt cho mấy thầy trò. Lần lượt các thầy đến điểm hẹn đúng giờ. Còn các bạn của tôi thì… đâu mất biệt. Tôi gọi ầm ĩ:

- Các bạn đâu rồi? Mình đã dặn các bạn “ở gần, đến sớm” đón tiếp thầy. Thầy đến rồi, các bạn ở đâu?

- Tới liền, tới liền!...

Các bạn nhận được tin nhắn, nhưng lại ngỡ tôi đùa… “Ai mà đùa kỳ cục vậy trời? Các bạn tới nhanh lên!...”. Hơi chệch choạc một chút đầu giờ, nhưng các bạn trong nhóm café Sài gòn của tôi gồm bạn: Phát, Dung, Hùng, Chánh, Định… nhanh chóng có mặt đầy đủ.

Vẫn biết thói quen dậy trễ sáng thứ bảy của người Sài Gòn, nhưng tôi hẹn giờ sớm để thuận tiện cho cả ba thầy: Lâm Tấn Văn, Nguyễn Thế Văn, Trịnh Hồng Hải cùng gặp mặt. Nhân dịp này tôi đã trao tận tay quí thầy Tuyển Tập Ngô Quyền 2011, là tặng phẩm của Hội Ái hữu CHS Ngô Quyền gửi về kính biếu.

Số lượng chỉ có ba quyển tặng thầy, vì vậy các bạn của tôi chỉ được… “coi ké” mà thôi. Qua từng trang báo xem vội… hình ảnh, thầy và trò trường Ngô năm cũ lại có những kỷ niệm vui buồn nhắc nhớ với nhau….

Tôi hỏi thầy Lâm Tấn Văn: “Thầy có nhớ cô học trò cũ được thầy đặt cho biệt danh là Giang Nhạn Dung?..” Thầy Văn: “Nhớ chứ! Là cô Võ Thị Ngọc Dung, hay đi với cô Nguyễn Thị Minh Thủy như cặp bài trùng chứ gì? Tôi đặt tên như vậy, là vì cô Dung này đặc biệt mê… tiểu thuyết Quỳnh Dao”. Thế là một cuộc điện thoại đường dài được kết nối, và ngay tức thì diễn ra cuộc chuyện trò sôi nổi giữa Thầy Lâm Tấn Văn với cô học trò Giang Nhạn Dung năm xưa.

Không có cơ hội được học với thầy Lâm Tấn Văn, nhưng tôi nghe các anh chị kể lại: “Thầy Văn một thời nổi tiếng như cồn!...” Thầy là một trong những giáo viên có lớp luyện thi Vạn Vật nhiều nhất tại trường công lập lẫn các trường tư thục. Thầy biên soạn và phát hành nhiều đầu sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên sư phạm tham khảo…. Điểm nổi bật nhất là thầy Văn “rất đẹp trai, rất sport…” khiến nhiều học sinh trung học ngưỡng mộ, xem thầy như thần tượng của mình. Nghe tôi nhắc lại, thầy cười: “Bây giờ cô thấy tôi còn đúng với lời mô tả của các anh chị ấy không?..” Các bạn của tôi: “Chỉ cần tân trang mái tóc là thầy sẽ phong độ như xưa, thậm chí còn phong độ … hơn xưa nữa thầy ơi!...”

Thầy Trịnh Hồng Hải chuyển về dạy tại trường trung học Ngô Quyền từ cuối năm 1973. Thầy nhanh chóng chiếm được tình cảm học trò bằng những bài giảng lôi cuốn và dễ hiểu. Thầy dẫn dắt học trò khám phá sự thú vị của môn học Vật Lý, để học trò dần say mê môn học này vì yêu khoa học nhiều hơn là yêu… điểm số. Mấy mươi năm thầy trò lưu lạc, để khi tìm gặp lại nhau, bọn học trò già chúng tôi vẫn thích thú được trao đổi với thầy đủ thứ chuyện trên đời… Dạy học với thầy Trịnh Hồng Hải bây giờ không chỉ là nghề, mà dường như đó còn là nghiệp. Ngày ngày, thầy vẫn bền bĩ đứng trên bục giảng, vẫn say sưa truyền lại những tri thức khoa học cho lớp lớp học trò…

Thầy Nguyễn Thế Văn đến với buổi họp mặt cùng nhà văn Thế Phong, một bạn văn nổi tiếng và thân thiết. Năm 1960, tình cờ đọc tập biên luận “Lược sử văn nghệ Việt Nam” của Thế Phong, Thế Văn gặp lại nhân vật “cô Minh” từng được bố của nàng hứa gã cho mình từ… mười năm trước. Duyên nợ không thành, nhưng Thế Văn vẫn nao nức hẹn gặp tác giả, bởi “chàng” rất tâm đắc chi tiết “cô Minh” trong tác phẩm của Thế Phong. Thế nhưng cuộc hẹn của thầy tôi với nhà văn Thế Phong kéo dài hơn ba… thế kỷ, vì mãi đến năm 1992, hai người mới có dịp gặp nhau.

Cũng như cuộc gặp gỡ hôm nay của tôi với thầy Nguyễn Thế Văn, đã trãi dài đúng… bốn mươi năm chẵn. Từ năm 1961 đến hết năm 1972, thầy Văn “độc quyền” làm giáo sư hướng dẫn lớp đệ tứ hai, sau này là lớp chín hai. Hằng năm, thầy chọn tên một loài chim đặt cho lớp: Họa Mi, Vành Khuyên, Anh Vũ, Sơn Ca… và lớp 9/2 chúng tôi có tên gọi Vàng Anh (niên học 1971-1972). Trong thư mời gửi thầy, tôi ghi hai câu thơ khi xưa thầy riêng tặng lớp Vàng Anh:

Không gặp cây ngô đồng thì không đậu,

Không gặp nước suối trong thì không uống…

“Đọc lại hai câu thơ này, tôi cảm thấy mình không thể nào không đến đây được. Và tôi nhất định rủ theo ông bạn văn già này, để ông cảm nhận chân tình học trò cũ trường Ngô…”. Thầy Văn nhẹ nhàng chia sẻ cảm xúc với mọi người như thế…

Mang nặng “kỷ niệm trường xưa” chất chứa trong hơn hai trăm trang TTNQ 2011, chúng tôi đã tròn nhiệm vụ trao tặng quí thầy. Tặng phẩm như lời tri ân thầy cô giáo cũ, của những cựu học sinh trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa. Cảm ơn bạn Chánh đã chọn điểm hẹn cho ngày hội ngộ thầy trò, có cái tên gọi hết sức dễ thương và đầy ý nghĩa: café Viễn Xưa…

Tháng 08/2011

Diệp Hoàng Mai

Một số hình ảnh ngày họp mặt Thầy Trò ở Viễn Xưa:

Thầy Lâm Tấn Văn Thầy Nguyễn Thế Văn

Thầy Lâm Tấn Văn và nhà văn Thế Phong Thầy Nguyễn Thế Văn phát biểu cảm tưởng

Thầy Trịnh Hồng Hải và học trò Diệp Hoàng Mai và Thầy Nguyễn Thế Văn

Thầy Trịnh Hồng Hải và Dung Hai Thầy Văn và nhà văn Thế Phong

GIỜ TRIẾT HỌC GIỮA SÂN TRƯỜNG

Thầy giáo của tôi gầy gò ngồi trên chiếc xe đạp course cũ kỹ, đôi mắt thầy u uẩn sau cặp kính trắng dày. Học trò vây quanh thầy, hoang mang với những câu hỏi đại loại: “Thầy ơi, ngày mai rồi sẽ ra sao?...” Những tư tưởng triết học lúc đó như lời khuyên thầy dành cho trò, và có lẽ thầy cũng dành khuyên chính bản thân mình: “ làm thế nào để vượt cơn sóng cả…” Đó là buổi chiều ngày 23/04/1975, chỉ duy nhất lớp 12B3 tình cờ được học giờ Triết sau cùng với thầy Nguyễn Minh Lý. Để rồi hơn 36 năm sau, cũng hết sức tình cờ tôi tìm gặp lại thầy…

Tốt nghiệp ban Triết đại học sư phạm năm 1965, đến năm 1970 thầy Nguyễn Minh Lý mới bén duyên với trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa (TH.NQBH). Năm lớp mười hai, thầy Lý dạy chúng tôi môn Luận lý học và Đạo đức học. Chúng tôi bắt đầu “làm quen” với các trường phái triết học cổ đại và các triết gia Socrate, Aristote, Platon, Pytagore, Thales, Descatres… Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…

Hơn ba sáu năm, sau giờ học Triết kỳ lạ giữa sân trường tôi mới có dịp thăm lại thầy. Thầy không khác xưa, vẫn nhẹ nhàng và điềm đạm. Nhắc đến cái nghiệp dạy học của mình, thầy cười hiền lành: ”Sau năm bảy mươi lăm, tôi bị … rớt xuống cấp hai”. Khi môn Triết không còn đất dụng võ, thầy Lý chuyển sang dạy môn Anh Văn cho học sinh phổ thông cơ sở (trung học đệ nhất cấp).

Vợ của thầy là cô Huỳnh Thị Xuân Hoa, cựu học sinh khóa 1 TH. NQBH cũng là nhà giáo, cho biết: “Được đi dạy học lại là quí lắm rồi. Ngoài việc dạy học, thầy cô đâu còn công việc nào khác để mưu sinh….”. Thời đó hai vợ chồng cùng đi dạy học, thầy cô mới được ưu tiên có sổ gạo cho cả nhà. Cũng như những thầy cô giáo khác, thầy cô vất vả nuôi nấng đàn con nheo nhóc của mình. Nhưng trên tất cả, thầy cô đều thiết tha với nghề giáo đã chọn “Mỗi năm đến ngày khai trường, thầy và cô cảm thấy… nhớ học trò mình lắm!...”

Sau khi nghỉ hưu, thầy Lý sống khá ẩn dật. Thầy chuyên tâm dịch các tác phẩm triết học và cộng tác với các nhà xuất bản có uy tín. Một trong những tác phẩm dịch thuật của thầy Nguyễn Minh Lý được tái bản hiện nay là “Tự do đầu tiên và cuối cùng” (nguyên tác tiếng Anh: ”The First and Last Freedom” của tác giả Krishnamurti). Không hài lòng với một bản dịch trước đó, thầy đã bỏ nhiều thời gian và công sức để thể hiện lại một tác phẩm nòng cốt và tinh tường về đề tài “Tự do” của tác giả nổi tiếng Krishnamurti.

Thầy Nguyễn Minh Lý xúc động khi nghe tôi kể, rằng những cựu học sinh NQ vẫn hoài nhớ đến thầy trong Tuyển tập Ngô Quyền 2011.

Niềm vui lớn nhất của thầy cô hiện giờ là các con đã thành tài. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt. Thế nhưng nỗi buồn… không nhỏ của thầy cô, là không người con nào theo nghề giáo của ba mẹ. Bởi khi trưởng thành, các em từng chứng kiến ba mẹ quá cơ cực trong cuộc mưu sinh. Thầy cô luôn tôn trọng sự chọn lựa của các con mình. Mặc dù trong câu chuyện với chúng tôi, đôi lúc cô vẫn còn chút tiếc nuối: ”Đứa con trai đầu lòng của cô được đặc cách tuyển thẳng vào đại học sư phạm khoa Vật lý, nhưng nó quyết thi vào ngành kinh tế chứ nhất định không theo nghề của thầy cô…”

Thầy Nguyễn Minh Lý chỉ mỉm nụ cười hiền hòa, khi nghe phu nhân… phàn nàn về những đứa con có cá tính rất mạnh của mình…

Diệp Hoàng Mai

Tháng 11/2011

GẶP NGƯỜI BIÊN HÒA XƯA TRÊN XỨ SỞ KANGAROO

Không hề có trong dự tính của tôi lần đầu đến Úc, nhưng cái duyên hội ngộ người xưa cho tôi cơ hội gặp lại khá đông anh chị em cựu học sinh trường Ngô năm cũ. Hạnh phúc biết bao sau hơn 36 năm dài người Biên Hòa lưu lạc, chợt một ngày đẹp trời nơi xứ người ta hội ngộ bên nhau. Người đầu tiên tôi mong gặp lại nhất, là cựu huynh trưởng Hướng Đạo Phạm Phú Hòa, cựu học sinh trường trung học Ngô Quyền niên học đầu tiên.

Nhận cuộc gọi của tôi, anh Hòa la… chói lói: “Sao em ngẫu hứng dữ vậy Hoàng Mai? Ở nước Úc này, đi đâu và làm gì cũng phải có kế hoạch ít nhất từ sáu tháng đến một năm. Đùng một cái em gọi, làm sao anh đón em được? Anh chị đã có hẹn với nhóm người cao tuổi một chuyến nghỉ dưỡng trên đỉnh Cairns từ… nhiều năm trước đó rồi”. Tôi cười vang trong máy: “Sẽ có người khác đón em anh Hòa ơi! Dân Hướng Đạo mà, đi đâu cũng có anh chị em mình...”. Tôi chuyển hướng đi Adelaide thăm chị Hạnh Phạm (K.11 CHSNQ) trước, và cũng dự phòng sẵn địa chỉ của vài anh em Hướng Đạo khác. Nhưng may mắn quá, chị Hạnh đang trong kỳ nghỉ School holiday…

Chị Hạnh chuẩn bị món phở thật ngon đón em gái quê nhà, cùng món chè tự chế chị cam đoan… hỏng đụng hàng! Đậu hộp và sữa tươi trộn lẫn bột khoai ngâm nước nóng, trong tíc tắc hai chị em có ngay hai ly chè đậu thiệt độc đáo. Chị Hạnh rất thích ăn món Việt, nhưng trong số ba người con trai của chị, chỉ có cậu út là hảo món ăn quê mẹ mà thôi. Có bạn Việt Nam đến chơi, chị Hạnh vui lắm vì có đồng minh. Buổi chiều, chị Hạnh chở tôi thăm cầu cảng Noarlunga. Trời nắng gắt nhưng gió biển thổi lạnh buốt, hai chị em thả bộ dọc cầu cảng ngắm từng đợt sóng biển dập dềnh. Một du khách bất ngờ câu dính con… cá mập, hai chị em cùng mọi người ầm ĩ reo hò…

Ngày chủ nhật, tôi đi xe lửa từ Noarlunga Center đến Adelaide. Chị Hạnh cứ lo lắng tôi bị lạc đường, nhưng tôi tỏ ra tự tin “Hướng đạo mà chị, em hỏng bị lạc đâu. Lúc nào không… mò được đường về, em sẽ alo gọi chị…”. Đường phố Adelaide hiền hòa và yên ả, kể cả những khu phố thương mại trung tâm. Tôi rẽ vào Viện Bảo tàng Nam Úc, nơi trưng bày bộ sưu tập đồ cổ thổ dân lớn nhất thế giới, cùng những di sản văn hóa truyền thống các bộ tộc. Một mình lang thang xứ lạ, tuy đơn độc nhưng cũng có cái thú riêng. Trở lại nhà ga trung tâm mua vé đi chiều ngược lại, tôi quay trở lại Noarlunga. Sáng sớm hôm sau, chị Hạnh lái xe đưa tôi ra trạm xe buýt Adelaide. Hai chị em ôm chặt nhau, bịn rịn chia tay vì không biết bao giờ mới gặp lại nhau lần nữa…

Tại Adellaide

Đến phút 89,9 tôi vẫn mong manh hy vọng anh Hòa sẽ đến đón tôi ở trạm xe buýt Melbourne. Nhưng cuối cùng tôi được tin anh chị vẫn “mắc kẹt” trên đỉnh Cairns, do nghiệp đoàn hãng bay Quantas đình công. Tôi gọi điện cho Phương Khanh, bà xã của Đặng Vũ Giang (K.14 CHSNQ) nhờ trợ giúp. Khoảng 30 phút sau, bé Tơ - con gái của Khanh và Giang - một nữ thiếu sinh nhanh nhẹn và tháo vác xuất hiện đưa tôi về nhà bằng xe lửa. Tôi và Khanh thức chuyện trò đến nửa đêm, chờ Giang tan ca làm việc trở về nhà. Những ngày ở Melbourne, tôi tá túc tại nhà Giang. Vợ và các con của Giang đều là Hướng Đạo, nên tôi nhanh chóng trở thành người nhà thân thiết của gia đình.

Giang chở tôi đến thăm Nguyễn Văn Không mà không hề gọi điện báo trước. Không là con trai của Đạo Trưởng Trấn Biên Nguyễn Văn Thuyết, và là cháu nội của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hoài, giám đốc người Việt đầu tiên của bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Hơn 36 năm xa cách, Không vẫn nhận ra tôi: “Chị Diệp Hoàng Mai, phải không?..”. Ngay sau đó, ba chị em rủ nhau trực chỉ nhà anh Phạm Phú Hòa, cũng không gọi điện… đặt hẹn. Tôi dự tính ghi vài dòng “tình thư” cài khe cửa nhà anh Hòa, nếu như không gặp được anh. Nhưng may quá, anh chị đã kịp về trên chuyến bay giữa đêm qua. Thế là buổi chiều hôm đó, Giang và Không đều… nghỉ bệnh. Lâu lắm rồi, anh chị em Hướng Đạo Biên Hòa ở Melbourne mới có dịp hàn huyên tâm sự với nhau. Anh Hòa đưa chúng tôi thả bộ đến thăm nhà anh Đào Văn Sáu - cựu thiếu sinh Lam Sơn - chỉ cách nhà anh Hòa khoảng 100m. Lần này thì mấy anh em tôi đành viết thư gửi lại, bởi cả nhà anh Đào Văn Sáu đều đi vắng. Chúng tôi cũng ghé thăm gia đình anh Nguyễn Văn Huệ (Sỹ), cựu thiếu sinh Quang Trung (Trấn Biên) và là anh ruột của Nguyễn Văn Không. Anh Huệ đi làm ca đêm không về kịp, đã điện “ủy nhiệm” cho bà xã và con trai của anh tiếp phái đoàn. Sáng sớm hôm sau, tôi từ giã mọi người tiếp tục hành trình về lại Canberra.

Tại Melbourne

Giữa tháng mười, Canberra đang diễn ra hội hoa xuân Floriade truyền thống. Chị Huỳnh Thị Mộng Hoàn (K.12 CHSNQ) và phu quân của chị, anh Nguyễn Hữu Nhân (K.11 CHSNQ) từ Sidney đến Canberra cùng chúng tôi dự lễ hội hoa. Cựu HĐS Biên Hòa ở Canberra còn có anh Trịnh Quốc Huy (đạo Bửu Long). Con trai tôi và các bạn “di tản” nhường căn hộ chung cư nhỏ bé cho mẹ và các bác. Ôi thôi, lâu ngày gặp lại các… ông bà lão có dịp quậy tưng. Một ngày trong căn hộ chật hẹp, vẫn tốt chán so với lều trại hồi xưa mà. Hai ngày cuối tuần, các anh chị đưa tôi đi thăm Tòa nhà Nghị viện cũ - nay là Viện bảo tàng- Tòa nhà Nghị viện mới, Đài tưởng niệm chiến tranh, cả Lãnh sự quán Thổ dân, một nét văn hóa rất riêng của nước Úc…

Tại Canberra

Những ngày ở Sidney, tôi tạm trú tại nhà chị Mộng Hoàn. Chị Hoàn là thành viên Ban đại diện học sinh Ngô Quyền NK 1972-1973, cùng khối TDTT với anh Đinh Quang Bình. Cũng như Giang và Không, chị Hoàn xin nghỉ bệnh với lý do “có bạn từ quê nhà qua thăm, nên xin … bệnh” (?!!...). Anh Nhân và anh Huy rên rỉ: “Ôi Trời! Nó qua đây làm chi, cho thiên hạ rủ nhau… bệnh hàng loạt vậy nè ?...”. Những ngày ở Sidney, các anh chị tận dụng tối đa thời gian đưa tôi thăm thú khắp nơi. Tôi thỏa thích chụp hình Opera House, công trình nổi tiếng của Úc tôi từng ước mơ thăm viếng. Tòa nhà như những cánh buồm căng gió kiêu kỳ trên vịnh Sidney. Anh Nhân chị Hoàn cũng đưa tôi đến Blue Mountain, một khu đất của Thổ dân trước kia mà người da trắng phải mất hơn 25 năm mới tìm thấy lối vào. Từ điểm cao nhất của thành phố Sidney này, thật thú vị khi được thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của thung lũng Jamison và khối đá Ba chị em đầy huyền thoại…

Tại Sydney

Những tưởng tôi không còn cơ hội gặp lại anh Trương Đức Hoàng (K.11 CHSNQ), vì trong thời gian tôi ngao du trên xứ sở chuột túi, thì anh chị đang ở Việt Nam. Tôi rủ rê các anh chị... đột kích nhà anh Hoàng vào giờ chót. Và cũng lại gặp may, anh Hoàng đã trở về nhà. Từ sự ngộ nhận của chị Võ Thị Ngọc Dung, anh Hoàng đã tìm “gặp” lại tôi gần ba năm nay. Tháng 03/2009, tôi quyết định gửi cho Hội CHSNQ mấy tấm ảnh tư liệu của Ban đại diện HSNQ NK 1972-1973, tôi định ghi tên người gửi “Hoàng Mai” nhưng vừa gõ chữ Hoàng thì… èng èng, tay vướng phím enter e-mail chạy tuốt luốt. Chị Dung forward mấy bức ảnh cho anh Hoàng để check thông tin về người gửi. Qua e-mail add của tôi, anh Hoàng tìm lại “đứa em lưu lạc” của mình, bởi anh Hoàng cũng là cựu HĐS Kha đoàn Biên Giang (Đạo Bửu Long) Biên Hòa. Anh Hoàng đưa chúng tôi đến thăm chị Liên, em ruột của cô Phan Thị Tốt - cô giáo dạy Anh Văn của tôi năm lớp mười và lớp mười một - Trong câu chuyện dòn như pháo của cư dân Biên Hòa nơi ngôi nhà tuyệt đẹp của chị Liên, mọi người khám phá nhiều mối “dây mơ rễ má ” thật thú vị, nhưng tôi xin được chia sẻ vào một dịp khác.

Chưa bao giờ tôi có chuyến đi dài ngày tuyệt vời như thế này. Không hẹn hò, không xếp đặt và… đầy ngẫu hứng, những người Biên Hòa xưa đã tìm đến thăm nhau. Người Biên Hòa nay đã cho nhau niềm vui, những ân tình đồng hương mà có thể do bận rộn mưu sinh, từ lâu mọi người vô tình quên lãng. Một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi từng nhận xét: “Anh thấy gần đây em đi nhiều quá! Chiếu theo tử vi, thì cung Thiên Di của em tới thời kỳ… bị động đó nghen. Cứ vậy mà em được đi hoài!...”. Ái chà, hỏng biết cung Thiên Di của tôi bị hay được… động, nhưng một điều hết sức hạnh phúc cuối đời là, tôi có dịp gặp lại gần như tất cả anh chị em bạn hữu thân xưa - những người Biên Hòa tôi luôn thương mến - dù đã cách xa nhau hơn nửa đời người…

Tháng 12/ 2011

Diệp Hoàng Mai

NHỚ BÓNG MAI XƯA

1. Má tôi yêu nhất loài hoa mai. Yêu đến đỗi, má biến mảnh sân nhà thành vườn mai giữa phố. Má nói, Mai được xếp bậc thứ nhất trong “ tứ hữu” Mai – Lan – Cúc – Trúc. Bậc Thánh thơ ca Cao Bá Quát, người anh hùng chống chế độ phong kiến bạo tàn, bình sinh tâm đắc hai câu đối:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm,

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa…

(Mười năm bàn đạo giao du khó như tìm gươm cổ,

Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)

Má tôi bảo, ông này là người có lý tưởng sâu sắc, nhân cách sống cao thượng và chí khí quật cường. Cả cuộc đời, ông chỉ chịu cúi đầu khuất phục hoa mai. Chưa hết, má còn thi vị hoa mai bằng câu ca dao…

Bông mai vàng,

thuở nàng còn trẻ.

trên lối đi về,

Lắm kẻ đợi mong.

Bây giờ,

Tình đã sang sông.

Anh trèo cây khế,

Ngó mong đất trời.

Bớ em ơi!

Sao chẳng nói một lời…

Hiếm hoi lắm, má mới có chút thì giờ an nhiên như vậy. Công việc hàng ngày gần như nuốt chững má tôi. Bốn giờ khuya, má lẳng lặng ra đi khi các con chưa thức giấc. Nửa đêm má trở về nhà, các con say ngủ mất rồi. Sống chung nhà, mà ít khi tôi… gặp má. Vì vậy hôm nào má bệnh nằm nhà, tôi lẩn quẩn bên má hỏi han đủ chuyện. Nhưng vừa gượng dậy, má lại kéo tôi ra vườn chăm bẳm mấy gốc hoa mai:

- Chỉ cần một chậu mai ngày Tết, người ta đã có cả mùa xuân rồi. Nhà mình có cả vườn mai, con thích hôn?

Má càng “say” hoa mai, tôi càng tức tối nên hay phản đối:

- Con thấy bông thọ đẹp hơn!...

Má xoa đầu tôi, cười xòa:

- Bông tên thọ, nhưng bông không sống được lâu…

Tôi tự ái trẻ con, không bảy tỏ với má rằng tôi cần má. Tôi thích má quan tâm chỉ mỗi mình tôi. Tôi thèm kể kể má nghe, chuyện cô khen tôi làm luận văn giỏi. Hay chuyện thằng Tí xóm Chùa đạp xe lọc cọc đòi chở tôi về. Chà chà, bao nhiêu là chuyện con gái muốn kể má nghe. Vậy mà, má không quan tâm đến nỗi lòng con gái… Dần dà tôi đâm ra ghét hoa mai, ghét thậm tệ, ghét cực kỳ!... Lòng ghen tị khiến xui tôi hành động điên rồ. Rình rình cả nhà đi vắng, tôi lần lượt tạt… nước sôi luộc mấy gốc mai. “Thiên bất dung gian”, thiệt hỏng sai. Anh của tôi bất chợt về nhà, bắt quả tang tôi đang nghịch dại. Khỏi phải nói, tôi bị trận đòn đau quắn đít, nhưng bụng dạ tôi rất hả hê. Mùa xuân năm đó, mấy gốc mai bị tưới nước sôi… nụ đơm đầy đặc. Để sáng mùng một Tết, hoa nở vàng tươi rừng rực khắp sân nhà… Thiệt là, ông Trời hỏng chịu chiều lòng tôi tí tẹo nào…

Ông ngoại của tôi nhìn tướng đoán người không sai. Ba tôi quá đỗi hào hoa, nên ngay khi má sinh con đầu lòng, ba tôi có duyên tình mới. Ba vẫn về thăm nhà, vẫn đều đặn “gửi” má thêm mầm sống. Thế nhưng mười lần như một, từ lúc cưu mang đến khi sinh nở, má tôi chỉ có một mình. Con cái cả bầy, ba tôi chỉ nhớ tên đứa đầu tiên. Số đông còn lại, nhìn khuôn mặt giống đứa con đầu, ba tôi sẽ biết đứa đó con mình.

Chiều 30 tháng chạp hàng năm, cả nhà tôi đợi ba về cùng đón giao thừa. Sáng mùng một Tết, anh chị em tôi dậy sớm, quần áo tinh tươm… Đây là ngày duy nhất trong năm, gia đình tôi có đủ đầy quân số. Chúng tôi bắt chước ba má, nghiêm trang đốt nhang cúng bái tổ tiên. Lễ xong cả đám chen chúc xếp hàng, chờ ba phát phong bì lì xì màu đỏ, mà tối hôm qua má tôi xếp sẵn. Bữa cơm đoàn tụ năm mới qua nhanh, chúng tôi ì xèo gầy tụ đánh bài, không bị má la rầy chi hết. Má còn mang thức ăn, nước uống tiếp tế “cho mấy cha con có sức… ngồi sòng”. Má tất ba tất bật, nhưng khuôn mặt má rạng ngời khi nhìn cảnh cả nhà sum họp đông vui. Sang mùng hai Tết, khi chúng tôi còn say ngủ, thì ba tôi đã bỏ đi rồi.

Trong hoàn cảnh đó, má xoay trở đủ nghề nuôi con ăn học. Lúc con còn nhỏ, má đóng xe bán bánh mì gà ngay trước cổng. Khi chị của tôi có thể trông giữ các em, má tôi quyết định chuyển nghề buôn bán cây rừng. Lên rừng đủ thứ hiểm nguy, bệnh sốt rét rừng ai trải qua đều khiếp sợ. Kế đến, phải nộp thuế “hai đầu”: vô rừng mua cây phải “lo lót” cho VC, về thành bán cây thì “mãi lộ” kiểm lâm. Vẫn chưa hết, một phụ nữ nhan sắc như má tôi, rất vất vả đối phó với đám đàn ông xa vợ dài ngày. Má đã từng đành lòng bỏ những chuyến cây rừng quí hiếm, để giữ tròn đức hạnh của một phụ nữ Á đông. Trong giới làm ăn thuở đó, má tôi nổi tiếng khéo léo giỏi giang. Làm cái nghề mà ngay đến đàn ông còn kiêng dè, nhưng một tiểu thư “vóc hạc xương mai” như má tôi lại vô cùng thành đạt. Hồi đó tôi chưa biết ăn diện, nên vẫn là con ngoan của má. Chứ anh chị em tôi, bị má rầy hoài về tội tiêu hoang. Hàng tháng, má còn chu cấp tiền cho ba nuôi con của … vợ bé. Anh chị tôi bực tức cằn nhằn, má nhẹ nhàng giải thích:

- Người dưng má còn giúp được, huống chi tụi nó là con của… ba bây!

2. Mười tám tuổi, tôi đến nước Mỹ. Những tưởng, tôi chỉ tạm đi lánh nạn vài tuần. Nào ngờ thời cuộc đổi thay, tôi như cánh chim lạc mất đường về. Tự dưng sống không có má, tôi chơi vơi hụt hẫng tột cùng. Ở bên nhà, tôi đi học về có cơm canh dọn sẵn. Áo quần tôi mặc, có người giúp việc giặt ủi tinh tươm. Má hay cho tiền, và tôi mua sắm thoải mái những gì tôi thích.

Sang bên Mỹ, tôi đơn độc. Nhu cầu đời sống, tôi chỉ trông cậy vào đồng lương tháng ít oi. Ngôn ngữ Mỹ chưa thông, tôi đã lao đi tìm “job”. Quanh năm suốt tháng, tôi xoay tròn trong cái vòng lẩn quẩn “jobs và bills”. Ở nước Mỹ, tìm “job” và mất “job” đều… dễ ẹc. Và ai cũng nơm nớp nỗi lo thất nghiệp, vì thất nghiệp ở Mỹ thì sống cũng như… “chết mà biết thở” vậy thôi! Tôi trở thành nô lệ của chính mình trên đất khách. Tôi không có quyền ban phát thời gian cho tôi theo ý muốn chính mình. Ở xứ này, phải “ăn tốc hành, nói tốc độ, đi tốc … váy”, khó có chỗ cho “hồn thơ lai láng” chen chân.

Họa hoằn lắm, tôi mới gửi thư về quê thăm má. Biết má không vui và cũng chẳng cần, nhưng tôi chỉ biết gửi cho má những đồng dollars như phần nào chuộc lỗi. Má tôi là là một phụ nữ rất giỏi xoay sở, có bao giờ má cam chịu lâm cảnh túng thiếu đâu mà tôi lại gửi tiền? Tôi thương má, nhớ má nhiều lắm! Nhưng thời gian ngủ nghỉ lấy sức “đi cày” tôi còn chưa đủ, làm sao tôi có thể kể lể má nghe những chuyện tôi chắc má rất đau lòng? Mà thôi, má đừng biết chi nhiều về cuộc sống tha hương của con nghe má! Má không biết đâu, nhiều lúc con thèm có một buổi sáng thong dong trong vườn mai của má. Ở bên này, không có giống mai vàng mộc mạc má yêu thương. Những khi nhớ má, thì thật ngược đời, tôi lại khát khao được nâng niu một cánh mai vàng. Lúc ấy mà được ở bên nhà, tôi nhất định sẽ cùng má bón phân, tưới nước cho mai. Tôi sẽ lắng nghe má ngợi ca, về loài hoa từng làm đắm say tâm hồn của má. Rồi một ngày tôi nhận hung tin, má tôi qua đời sau cơn bạo bệnh. Tôi nghe chừng mặt đất sụp đổ ngay dưới chân mình. Thời gian đó, người Việt tha hương chưa được phép về lại quê hương. Tôi bật khóc tức tưởi, hệt đứa trẻ thơ uất ức đòi sữa mẹ…

Ngày cuối tuần, tôi đến chùa cầu siêu cho má. Tôi không thể tìm được một nhánh mai vàng. Quỳ bên chân Phật, tôi bồi hồi chiêm nghiệm về má, về hoa. Giờ đây tôi mới hiểu, tại sao má yêu thương loài hoa ấy. Là một phụ nữ nhân hậu, tâm hồn má đong đầy khát vọng yêu thương. Má vỗ về trái tim nhạy cảm của mình, bằng cách trải lòng nhân với mọi người. Nương tựa hồn mai, bởi tâm hồn má cô đơn quá! Một bầy con nhỏ, một gánh âu lo, một thân cò vạc… Má tôi kiên cường vượt qua số phận, không một lời trách phận than thân.

Phải đến mùa xuân thứ 28 ở Mỹ, tôi mới có được cành mai ngày Tết. Lần đầu đến xứ lạ, cánh mai gầy guộc mong manh. Bắt chước má, tôi chiết nhánh mai trồng ở sân nhà. Suốt mùa đông, mai âm thầm chịu đựng rét mướt. Để bước sang xuân, mai bất ngờ hóa thân mạnh mẽ, rực rỡ vàng tươi một cách diệu kỳ… Tôi giải thích với các con tôi: “Hoa là hiện thân của bà ngoại, một loài hoa thanh tao cao quí nhất đời…” Má đã dạy tôi một triết lý lớn ẩn trong hồn mai nhỏ, hoa cứ lặng lẽ cho đời trọn vẹn hương sắc lẫn niềm tin…

Ngày muộn, mẹ già hong tóc nắng,

Khác nào mây níu đỉnh Trường Sơn.

Mẹ ơi, giữ lấy vườn mai nhé!

Cho trải vàng xuân, đẹp bước con…

(trích thơ)

DIỆP HOÀNG MAI