Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là vùng Ông Tạ Sài Gòn đã để lại trong đầu tôi hai câu chuyện khó quên.

Sân thượng phía sau nhà tôi rất rộng khoảng mười mét, kéo dài đụng tới mái tôn nhà hàng xóm phía sau của xóm trong. Ba kêu thợ làm thành một phòng học tuyệt đẹp, rộng rãi mát mẻ ngay cả khi trời rất nóng. Mấy anh em tôi tha hồ thoải mái bày biện. Năm tôi học luyện thi Đệ Thất, lúc đó đồng hồ trên tường chỉ 1 giờ đêm, bên ngoài trăng thanh gió mát lôi cuốn tôi rời khỏi bàn học ra hành lang tựa ban công nhìn vu vơ lên trời ngắm trăng. Trước mặt là hai căn nhà, bên trái nhà lầu của thằng Định, nhà trệt lợp tôn của thằng Dũng Đại Hàn (Ba người Đại Hàn) xoay lưng dính sát ban công nhà tôi. Cả hai thằng học chung lớp với tôi. Đứng vươn vai giơ tay duỗi chân lên xuống vài ba cái và ngước mặt nhìn trăng chưa được bao nhiêu phút, tôi giựt mình khựng lại khi thấy em út thằng Định đứng ngay giữa nóc nhà Dũng Đại Hàn, hai tay buông thõng, mặt hướng về cánh cửa sổ bên hông nhà của nó với dáng vẻ rất buồn bã.

Tôi lật đật lên tiếng:

- Tân! Tân, đêm rồi sao còn leo ra đó chi vậy!?

Nó vẫn đứng bất động. Trăng rằm to tròn sáng tỏa màu trắng bạc soi rõ khoảng cách trên dưới năm sáu mét từ chỗ tôi tới nó, nên tôi nhìn rõ bóng nó như đang khóc đưa tay quẹt nước mắt làm tôi xót xa chỉ muốn nhảy ra khỏi ban công chạy tới bên nó. Thằng Tân là đứa trẻ thông minh và đẹp trai nhất trong năm anh em nó, tuy nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng tôi và nó nô đùa thường xuyên hơn cả thằng anh.

Tôi nhảy nhảy vài bước để gây chú ý và đập tay vô hành lang ban công cho nó phát ra tiếng động. Nó bắt đầu di chuyển nhưng rất là nhẹ, làm tôi thấy nó trông thật cô đơn trong tiếng thở dài của nó, khi nó quay nhè nhẹ sang nhìn tôi! Không tin nên tôi đã giụi mắt vài lần và còn nhón hai chân lên chồm về phía trước mở mắt thật to, nhìn kỹ hơn nữa để xem thằng nhóc này sao bữa nay kỳ lạ vậy! Người tôi bắt đầu rờn rợn nổi da gà khi nghĩ đó là ma, ngay lập tức vía tôi lìa khỏi xác làm hai chân nhũn chi chi, tay xụi lơ nguyên cả người sụm xuống sàn hành lang, run lẩy bẩy từ bò tới lết vô trong phòng lồm cồm cố đứng lên chạy xuống cầu thang miệng ú ớ cố kêu thật to:

- M-m-e...mẹ...ơi!

Tôi trợt chân té lê té lết mài mông được hết những nấc thang nằm trên thành bể nước thì dừng lại, quên cả đau tôi đứng dậy lao đầu chạy xuống cầu thang. Tiếng động lớn và tiếng khóc của tôi đã đánh thức được Ba Mẹ trong nhà. Ba Mẹ lật đật chạy ra mở đèn ôm tôi săm soi thương tích:

- Không sao, không sao, Mẹ xoa lưng tôi vỗ về trấn an.

Ngay lúc đó tiếng khóc như gào thét trong đêm của Mẹ thằng Tân và những âm thanh hỗn độn vang dội qua nhà tôi.

- Chúa ơi! Con ơi! Tân ơi! Tân ơi!....

Ba Mẹ tôi đều giựt mình đưa mắt nhìn nhau rồi lặng lẽ dìu tôi vào trong nhà.

Bố Mẹ thằng Tân đầu tắt mặt tối lo làm ăn không còn giờ để ý những cơn đau đầu của nó.

Chuyện tôi nhìn thấy hồn thằng Tân trên nóc nhà ám ảnh tôi mấy năm liền, làm tôi không dám thò đầu ra ngoài hành lang khi trời chạng vạng tối.

*****

Năm 1969, tôi còn nhớ chuyện xảy ra như thuộc bản cửu chương hai lần hai là bốn khi mắt thấy tai nghe.

Trong xóm tôi từ già tới trẻ, nhất là cánh đàn ông bấy giờ ai ai cũng không ưa lão Cận cả! Vợ chết từ ngoài Bắc. Lão rất khỏe mạnh lanh lẹ ở cái tuổi 72. Người ta không ưa lão chẳng phải vì tướng cao to lù khù thô kệch, khệnh khạng đi hai hàng hay khuôn mặt đanh ác xấu xí của lão, mà bởi vì cái tính gian và hung ác của lão, hay ức hiếp, đánh đập cô con dâu trưởng là cô giáo Hương. Sợ nhất là đôi mắt cú vọ của lão nhìn vô là rùng mình, làm mọi người đều sợ và xa lánh. Cũng bởi vì thế bao nhiêu sự hằn học lão đều trút hết lên người con dâu.

Chú Huy một vợ bốn con là lính tráng nay đây mai đó hiếm khi ở nhà, nên cô giáo Hương phải nghỉ dạy học để chăm sóc cho bố chồng và con thơ. Đứa lớn nhất là con Hoa 6 tuổi, mới chập chững vào lớp mẫu giáo, con Hồng 4 tuổi, thằng Hiền 2 tuổi, và đứa nhỏ nhất, con trai 4 tháng tuổi.

Nhìn cái cảnh cô quần quật lên xuống cây cầu thang gỗ trước cửa nhà cho dù trời có đổ mưa to gió lớn hoặc nắng gay nắng gắt cỡ nào đi nữa, cô vẫn phải đúng giờ, ngày ba bữa cơm, bưng nước rót dâng lên cho bố chồng. Ngày nào lão cũng bới chuyện ra sỉ vả cô. Hôm nào lão ăn ngon miệng thì nhà cửa bình yên. Vô phước lão khó chịu trong người, ăn không ngon miệng, thì tất cả những món ăn đó nó sẽ tẩm hết từ đầu chí cuối lên người cô giáo. Trong tay lão luôn cầm cây gậy dành cho người già sẵn sàng quơ lên bổ thẳng tay xuống bất cứ chỗ nào lên tấm thân gầy gò của cô giáo Hương. Có đôi lúc tưởng chừng như cô sẽ không sống nổi sau trận đòn đó. Nhưng không, cô vẫn phải sống và cam chịu để nuôi ngần ấy đứa con. Lúc nào trên khuôn mặt đẹp của cô cũng bị thâm bầm tím bật, thân xác thì in hằn những dấu vết mới cũ của cây gậy. Có những hôm cô đi khập khiễng, đầu chụp nón lá cúi gằm mặt xuống đất, lưng đeo gùi con thơ, cố lết đi chợ sau những trận đòn thập tử nhất sinh! Nhìn cô vẫn toát ra vẻ cao sang của nét đẹp thanh tú với nụ cười thật đôn hậu luôn vui vẻ với mọi người, những người trong xóm chỉ biết thở dài xót xa đứng nhìn cô từ đàng xa. Cô sẽ bị đánh đập tàn tệ hơn nếu chẳng may lão thấy cô đứng nói chuyện với bất cứ người nào. Từ xóm trên xuống xóm dưới mọi người đều nguyền rủa và cầu cho lão Cận cả bị sét đánh hay trúng gió hoặc té cầu thang mà chết quách đi cho rồi đời kẻ gian ác.

Hôm đó vừa đi học về tới đầu đường, đã thấy người lớn trẻ con đều nhốn nháo đứng đầy ngõ, tôi chen chân bước nhanh thì thấy mọi người đang gạt qua một bên để nhường chỗ cho xe Taxi của Ba tôi chuyển bánh chạy, nhìn băng ghế phía sau là người đàn bà nằm co quặp! Bấy giờ tôi mới biết được câu chuyện cô giáo Hương uống thuốc rầy tự tử.

Cô đã chết trên đường tới bệnh viện khoảng 1 giờ trưa.

Hơn hai giờ, khi đám trẻ con kéo nhau đi học vẫn còn một số người đứng tụ tập buôn chuyện. Bỗng dưng một chiếc Taxi xuất hiện và dừng ngay trước đám đông! Người đàn ông nho nhã tuổi khoảng 70 mở cửa xe bước vội vã vô nhà lão Cận cả làm mọi người ngạc nhiên.

Lão Cận cả ở trên lầu nhất định không chịu xuống nhà dưới. Mấy đứa nhỏ khóc đứng khóc ngồi dựa vào nhau. Nhờ có bác Hướng gái nhà kế bên tan chợ về sớm chạy qua thay tã và pha sữa cho thằng bé nhất uống.

Nguời đàn ông bước vô ôm cả ba đứa cháu ngoại vào lòng mà khóc. Quá ngạc nhiên bác Hướng hỏi:

- Ai báo tin cho ông thế?!

- Tôi ở Thị Nghè, đang nằm ngủ trưa trên võng, con Hương nó đánh thức dậy và khóc nói rằng "Ba ơi, con chết rồi!"

Ông khóc rung người lên vì đau đớn thương cho đứa con bất hạnh.

- Tôi không kịp rửa mặt lao ra ngoài đường nhảy lên Taxi tới đây hy vọng đó chỉ là giấc mơ. Nhưng bà ơi con tôi chết thật rồi sao?

Và ông mang xác con gái về nhà lo mai táng.

Sau ngày cô giáo Hương chết, như mọi khi, cứ khoảng 4 giờ sáng bác Hướng gái phải dậy sớm để chuẩn bị quang gánh lên chợ bán hàng.

Vừa mới mở cửa bước ra ngoài, bác giựt mình đứng chết trân khi bóng cô giáo Hương như lướt nhẹ qua mặt bác, đi thoăn thoắt tới đầu ngõ rồi biến mất, sợ quá bác làm dấu thánh giá kêu tên Chúa!

Bác kể cho Mẹ tôi và các bạn hàng nhưng chẳng ai tin. Một tuần liên tiếp bác đều nhìn thấy y như vậy. Hàng xóm bắt đầu tin bác, bởi trong tuần lễ đó bé Hoa, bé Hồng tóc tai chúng ngày nào cũng kết bím gọn gàng, cả bốn đứa nhỏ được tắm rửa sạch sẽ thay đổi quần áo mỗi ngày như khi mẹ chúng còn sống!

Bác Hướng gái qua nhà lo cho đám nhỏ mới để ý thấy nhà cửa rất ngăn nắp gọn gàng thì nghĩ rằng lão Cận cả đang hối lỗi và thương cháu nội nên mới thu dọn.

Trẻ thơ không biết nói dối, Bác hỏi bé Hoa:

- Ai bím tóc cho các cháu đẹp thế?

- Mẹ đấy, tối nào mẹ cũng về làm hết!

Đám trẻ ngây thơ hồn nhiên tranh nhau nói về mẹ chúng làm bác Hướng gái rơm rớm nước mắt, gáy thì lạnh toát, miệng lẩm bẩm cầu khấn cô giáo linh thiêng đừng làm bác sợ.

*****

Năm 1982 gia đình tôi dọn vô căn nhà 108 Chaper Rd Bankstown, bốn phòng ngủ, rộng rãi và khang trang. Tôi là đứa vô tư hồn nhiên ăn no ngủ kỹ, đặt lưng xuống giường chỉ dăm ba phút là ngáy khò thẳng cẳng 8 - 9 tiếng mới dậy.

Ở được ba ngày. Hôm sau đi làm về thấy con em kế mặt mày phờ phạc đang ngồi thì thầm bên cạnh Mẹ. Tôi hồn nhiên ngồi ngay lên lòng nó và trêu:

- Bộ mày thất tình hả?

Nó đẩy tôi ra thật mạnh nói như hét:

- Nè! Người gì mà ngủ như trâu, tôi nói cho chị biết!

- Ưm, ừm...

Mẹ tằng hắng làm tôi ngạc nhiên khi thấy con em im ru, quay ngay qua nhìn Mẹ, tôi bắt gặp bà vừa mới nheo mắt nháy! Tôi thấy bất ổn:

- Chuyện gì vậy Mẹ?

- Không có gì hết. Đi tắm đi rồi ăn cơm. Mẹ đứng lên về phòng. Em tôi uể oải đứng dậy bước ra sau nhà.

Đêm đó thay vì ngủ liền, tôi nằm suy nghĩ về thái độ của Mẹ và nét mặt bơ phờ của con em.

Trong phòng hai cái gường single kê theo hình chữ L, chị em tôi nằm xoay đầu vào nhau, cuối chân giường của tôi là tủ quần áo kê xoay lưng lại. Quay qua con em:

- Nè, chuyện gì? Nói tao nghe đi!

Nó im ru giống như đã ngủ. Tôi hỏi ba lần không động đậy. Bực bội trong đầu làm tôi suy nghĩ mông lung và linh cảm chắc chắn Mẹ và em đang giấu tôi chuyện gì, chính vì như vậy nên tôi lại nóng lòng muốn ngồi bật dậy, ngồi đè lên người nó hỏi cho bằng được, nhưng tiếng thở đều đều của em đã ngủ làm tôi ngưng lại. Không có câu trả lời làm tôi khó ngủ.

Quay người ra nhìn đồng hồ trên bàn thấy kim chỉ số 2, như vậy mình chỉ ngủ được 4 tiếng, 6 giờ hơn phải dậy chuẩn bị đi làm. Mới ngoạc miệng ra ngáp xong quay người lại nằm cho thẳng, tôi giựt thóp tim lại hết hồn khi thấy bóng một người đàn ông, tuy chỉ là bóng trông giống như sương khói, nhưng tôi nhìn thấu được chân dung da trắng tóc vàng cao lớn sừng sững đứng dưới chân tôi tự lúc nào, ông từ từ di chuyển lên người tôi nhẹ hều như tơ, mang theo làn gió làm tóc tôi bay và rùng mình ớn lạnh mặc dù cửa phòng, cửa sổ đóng kín phủ màn. Ông dừng lại trên bụng tôi, không thấy rõ phần chân, tôi nằm sợ nổi gai óc, trố hai mắt nhìn thẳng vô mặt ông, ông còn khá trẻ, mọi nét rất đẹp và hiền hòa. Trong đầu nghĩ nhanh tới lời Mẹ dặn khi còn ở Việt Nam, mỗi khi nhìn thấy gì mà sợ thì phải bình tĩnh để nhận thức hư hay thực, tôi véo thật mạnh vào đùi non, ông thở dài não nuột và khom người cúi xuống nhìn ... làm tôi hét lên thật to quăng thật mạnh nguyên người xuống thảm, bò nhanh ra cửa, ngay lập tức con em tôi đã nhanh chân phóng ra khỏi giường, nhảy qua người tôi chạy trước.

Bên kia phòng, Mẹ tôi chạy qua ôm tôi, con em thì đứng ôm chặt sau lưng Mẹ, hoảng sợ không thua tôi.

Qua ngày hôm sau Ba tôi có mời cha Đồi vùng Lakemba tới làm phép nhà và cầu nguyện.

Kể từ hôm đó, khi màn đêm buông xuống là trái tim tôi nhảy loạn sợ hãi, tôi không còn vô tư và ngủ say nữa. Có nhiều đêm ngủ chỉ được 3 tới 4 tiếng nên người cứ hụt hơi đang lúc làm việc. Mặt mày móp lại, hai mắt thì quầng lên rồi mọng nước dưới mắt to dần khi chứng mất ngủ trở nên trầm trọng.

Tình cờ bà Úc già hàng xóm kế bên dắt chó đi ngang qua gặp chị em tôi đứng trước cổng nhà:

- Hey, today the weather was nice too, right? Do you like the house there?

Tôi ngạc nhiên khi nghe bà nhắc đến căn nhà liền hỏi:

- You know anything about this house’s owner?

- Of course, because that's my oldest neighbors!

Rồi bà kể ra một hơi về người bạn lối xóm bị Stroke nửa người, đã bán tống bán tháo căn nhà để vô Nursing Home nằm, sau khi nghe tin con trai bà là Pilot rớt máy bay chết năm ngoái. Bà còn cho biết căn phòng tôi đang ở chính là phòng của người Pilot đó. Trước đây đã có hai gia đình dọn vào ở nhưng họ chỉ ở chừng một tuần là ùn ùn dọn ra ngay. Còn gia đình tôi mệt mỏi về chuyện dọn nhà nên còn chần chừ ở được 6 tháng.

Mặc dù không còn nhìn thấy ông Pilot đó nữa, nhưng tôi luôn hồi hộp và mất ngủ triền miên. Ngày con em tôi chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng, cũng là ngày chị Hai tôi hạ sinh được bé trai đầu lòng. Tôi lôi ngay cái giường của baby thế vô chỗ giường con em cho tôi bớt sợ, và xung phong trông chừng baby về đêm cho chị. Nhưng chỉ vài ba tháng sau vợ chồng chị Hai dọn ra căn nhà mới mua của họ. Ba Mẹ lo sợ tôi sinh bệnh tim nên dứt khoát ra Agent House kiếm nhà khác để thuê.

Qua hai năm không còn nghĩ gì đến ma quái nữa, thì một hôm tôi nằm ngủ mơ thấy bà chị dâu của Ba chết hồi ngoái bên Việt Nam, mặt bà tươi rói đưa tôi quyển sổ khá dầy và to cỡ A3:

- Cháu mở ra xem có tên anh Minh (con trai trưởng của bà) không cho bác biết?

Tôi bỡ ngỡ cầm cuốn sổ trên tay, chưa kịp mở ra xem thì người chị họ tên Băng, con gái út của bác chết cách đây mười năm bỗng dưng xuất hiện! Vẫn đặc điểm hai bên mép sủi bọt mỗi khi chị nói chuyện:

- Má kỳ quá hà, sao lại bắt anh ấy đi theo.

Tôi giựt mình mở choàng mắt ra, 5 giờ sáng thức luôn, dậy pha cà phê kể cho mẹ ngay và chuẩn bị đi làm.

Đúng ba hôm sau điện tín bên Việt Nam báo anh Minh đã chết vì uống rượu quá nhiều.

Gần một năm sau, tôi lại nằm mơ đang ngồi ăn tiệc chung với người thân, cô chú bác anh chị đầy đủ, tất cả thì thầm và nhìn tôi với ánh mắt hiền hòa và cười cười! Tôi cảm thấy là lạ khi người chị ruột của Ba (cô tôi) đưa tôi xấp giấy nói rằng:

- Hãy đưa 40 ngàn đô Mỹ này cho bác Chương dùm cô nhé? (bác Chương là chị dâu của Ba, ở gần nhà tôi).

Tôi chợt nhận ra những người nơi bàn tiệc hoàn toàn là những người đã chết rồi nên giựt mình thức dậy.

Thói quen tôi luôn kể những giấc mơ lạ cho Mẹ tôi nghe, mỗi lần như vậy bà đăm chiêu suy nghĩ tin vào những giấc mơ của tôi.

Qua ngày hôm sau khi đi làm về, con dâu của bác Chương, bỗng dưng phone cho tôi kể lể, nói xấu về chồng của chị, nói chưa đã miệng chị còn chửi anh thậm tệ làm tôi bực quá cúp phone.

10 giờ tối chị Hai tôi phone báo tin hai cha con anh Hợp chết đuối bên Mỹ. Anh Hợp là người con duy nhất của bác Chương đã qua bên Mỹ được ba ngày thăm đứa con trai duy nhất đang học nội trú bên đó. Cả hai cha con đi câu cá, con rớt xuống nước, cha không biết bơi cũng nhảy ùm xuống cứu, nên chết thê thảm cả hai. Người bạn của anh làm Mục Sư bên Mỹ đứng ra lo đưa di quan của hai cha con về đến Úc chi phí hết đúng 40 ngàn đô Mỹ! Giấc mơ của tôi đã được giải mã.

Năm 2002, Ba tôi đi Mỹ thăm ông cậu và anh em bà con của Ba. Mẹ tôi thì đi Việt Nam thăm ông anh ruột. Sau đó Ba bay qua Việt Nam 2 tuần để về cùng với Mẹ. Sáng ngày hôm sau Ba Mẹ tôi có mặt tại phi trường Sydney.

Đang đi shopping khu Old Town B'town, bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng gọi:

- Vân, Vân...!

Ngạc nhiên, bên kia đường bác Giao, anh ruột của Ba tôi, đang vẫy tay lia lịa với nụ cười thật tươi, tôi mừng quá đứng chờ cho ngớt xe để băng qua đường với bác, hỏi vói qua:

- Bác qua đây khi nào vậy?

- Ờ, mới qua và đang đi tìm Ba cháu đây!

Tôi vội hét lên và bật khóc thật to, khóc thảm thiết hơn khi nhớ ra bác Giao đã chết hồi năm ngoái:

- Không, không, bác đừng đưa Ba đi, cháu lạy Bác, đừng...

- Ờ, ờ... được rồi, đừng khóc nữa bác đi đây.

Tôi choàng tỉnh, vẫn còn nấc lên vài cái, gối và mặt ướt đẫm nước mắt.

Đêm hôm đó tôi vật vã không ngủ yên được vì lo cho Ba rất nhiều.

Sáng hôm sau Ba Mẹ tôi bình an về tới nhà. Nhưng đến chiều tôi lại nghe tin xấu! Ba đang ở bệnh viện, trong phòng cấp cứu. Ông bất chấp mệt mỏi lái xe đi thăm con và đám cháu nội nên tự ông tông xe vô cột đèn gẫy xương sườn và trầy trụa nhiều chỗ.

*****

Sự thật tôi sống tại Úc mấy chục năm nên chỉ biết đón nhận tiếng pháo nổ tạch đùng... đì đạch... đùng... và mắt thì mê say nhìn pháo bông muôn màu, muôn vẻ, sáng rực mấy góc trời là biết rằng tôi già đi một tuổi.

Còn nói về Tết Việt Nam, tôi chẳng bao giờ nhớ được ngày nào là Tết.

Điểm duy nhất tôi chỉ nhận ra ngày nhập học của các con trùng với ngày Tết Việt Nam nên lấy ngày đó làm điểm móc.

Kể từ năm 2007, đêm Giao Thừa Việt Nam trở thành vết sẹo vĩnh viễn trong lòng tôi! Là nỗi đau cào xé bóp nát trái tim tôi, và cũng là cái đêm làm tôi đau đớn, tức tưởi nhất, nó luôn làm tôi nhớ đến hình ảnh trong đêm đen, nước mắt đầm đìa, người run rẩy muốn đổ quỵ theo cơn đau của chồng, tôi lao vào ôm anh, cố gồng người để dìu anh vô xe đưa đến bệnh viện Bankstown tại phòng Emergency, xin cầu cứu nơi những khuôn mặt lạnh tanh của y tá. Đêm đó đã khắc ghi đậm nét vào tận xương tận tủy của tôi, mặc dù tôi biết rằng không phải lỗi hoàn toàn của họ, nhưng một số ít những ả y tá đó cũng đã để lộ ra những dòng máu lạnh bên trong con người của họ. Đêm đó chúng bỏ đi không thèm ngó ngàng tới chồng tôi, một người cao lớn khóc thành tiếng trong cơn đau vật lên đổ xuống trên nền nhà và ngay trên ghế ngồi tại phòng Emergency chờ từ 1 giờ đêm đến 8 giờ sáng ngày hôm sau.

Đúng ra, tôi phải phone cho Ambulance, nhưng kẹt một nỗi phone nhà đã bị cắt. Nhìn chồng thân yêu bị đốn gục, tôi không chịu nổi nên đành phải chở anh bằng chiếc xe nhà.

Trước đó anh đã đau bụng rêm rêm. Nhiều lần gặp Bác Sĩ Phan Văn Chí, chuyên khoa bao tử tại Cabramatta. Anh uống thuốc đau bao tử do toa của Bác Sĩ Phan Văn Chí, kéo dài gần cả năm cho tới đêm Giao Thừa.

48 tiếng sau nghe tin sét đánh anh mắc bệnh ung thư bao tử. Bác sĩ bó tay vì ung thư lan xuống ruột không ăn không uống được. Chỉ một tuần lễ sau, căn bệnh biến anh thành một xác khô cao lênh khênh và Morphine làm anh đi như quả bóng bay. Mười ngày sau anh bỏ lại bốn mẹ con tôi tự mà lo cho nhau.

Trưa hôm sau kiệt sức quá, cộng thêm hai mắt khóc sưng vù cay xé nên tôi đã lả người ngủ thiếp đi. Anh đứng nhìn tôi buồn bã thở dài quay lưng nói:

- Đừng buồn em à!

Tôi ngồi bật dậy kêu lên:

- Anh !

Nhưng không có anh. Cảm giác hồn anh đứng ngay trước mặt tôi, trong khi thân xác anh đang nằm trong phòng đông đá tại nhà quàn.

Ngày thứ Hai, Mẹ con tôi "Farewell" anh.

Đúng 11 giờ đêm bốn mẹ con tôi thắp đèn cầy và nhang đọc kinh cầu nguyện cho anh. Nghẹn ngào đọc được bài kinh lạy cha, cả ba đứa con kinh ngạc trố mắt nhìn tôi và cùng một động tác chỉ tay vô hướng nhà tắm:

- Mum! Ba đang mở nước tắm!

Tôi nghe và ra dấu cho các con tiếp tục đọc kinh.

Mười mấy năm nay, khi đổi ca chiều, thói quen của anh cứ đúng 11 giờ đêm về đến nhà là vô mở nước tắm.

Đêm ngồi vò võ trước computer xem photos của anh, nước mắt nhòe nhoẹt làm tôi phải gục mặt xuống bàn khóc ngất. Tiếng thở dài lẫn tiếng chân bước nhẹ, kèm theo tiếng ọp ẹp của tấm ván sàn nhà trong phòng làm tôi ngưng khóc quay lại thật nhanh:

- Anh !

Tất cả chỉ là sự yên tĩnh trong đêm.

Ngày thứ Ba, đưa các con đến trường. Về nhà dọn dẹp đủ thứ, nhìn đâu cũng in dấu vết bóng dáng anh, làm cái gì cũng có nước mắt chạy quanh, chịu không nổi, tôi lại nằm vật ra phòng khách khóc lóc tỉ tê với photo anh trên bàn thờ rồi ngủ lúc nào không hay. Anh lại cúi xuống lắc chân tôi gọi:

- Em à, dậy đi đón con! Nhớ lái xe cẩn thận!

Mở bừng mắt nhìn thấy khuôn mặt của anh vụt biến mất trong chớp nhoáng, tôi ngồi bật dậy như chiếc lò so:

- Anh!

Căn nhà vắng ngắt chỉ có mình tôi. Nhìn đồng hồ giựt mình tới giờ đón con.

Đón con gái nhỏ trước khi đón hai thằng anh. Không có chỗ để xe tôi luôn dặn con bé phải đứng đợi ở điểm cố định mỗi khi xe tôi lướt tới. Như mọi khi xe tôi vừa tắp vô lề, tiếng "rộop... roạp..." khô khan va chạm mạnh vào nhau lắc lư cả xe, tôi điếng người tái mặt biết ngay rằng xe tôi đã quẹt vào chiếc xe FordWheel của ai đó đậu bên lề, sợ quá tôi vội de lại thì nó lại kêu răng rắc làm tôi hoảng tam tinh hơn, con gái tôi đứng nhìn hét lên với hai con mắt trợn thật to:

- OMG, Mum!

Lật đật nhảy lên xe, hai mẹ con đạp ga chạy mất. Bảo hiểm xe đã hết hạn trong những ngày tang gia bối rối, nên chưa đóng, tôi đành phải "du côn" một lần.

Điều lạ lung, sinh hoạt chung quanh vẫn xe ông chạy qua, xe bà chạy lại liên tục, phụ huynh đưa đón con trước mặt và kế bên xe tôi vài ba mét, tất cả bình thản như không nghe, không nhìn, không thấy, mặc dù tiếng va chạm kêu khá lớn! Cách chỗ tôi quẹt xe gần chục mét, the Lollipop Man cũng thản nhiên đưa học sinh qua đường!

Ngày thứ Tư, nằm lạc lỏng cô đơn trên chiếc giường king size còn nguyên mùi hơi hướm của chồng nước mắt tôi đong tràn trên gối:

- Anh à, hãy ru em ngủ! Cho em được ôm anh đi!

Trong giấc ngủ thật sâu tôi thấy mình nằm gọn trong vòng tay ấm áp của chồng cho tới khi mở choàng mắt vẫn tiếc nuối "cảm ơn anh đã cho em một giấc ngủ ngon kéo dài 7 tiếng".

Rất nhiều lần ngủ say được anh ôm và đánh thức đúng giờ dậy đưa đón các con. Cảm giác ấm áp rất thật, trong phòng thoảng mùi dầu thơm anh thường dùng hàng ngày! Những giấc mơ tuyệt đẹp bên anh tựa như thật trong khi ngủ kéo dài hơn nửa năm trời thì thưa dần, đã cho tôi học được hai chữ "chấp nhận" đứng vững để tiếp tục làm việc nuôi con. Tin hay không tùy các bạn. Và chỉ thấm thía cho những ai đã bị mất người mình yêu thương nhất.

Chồng chết được sáu tháng thì Mẹ tôi bị Stroke, bất toại toàn thân nằm trong bệnh viện. Mẹ tôi rất sợ bệnh viện, khóc đòi về nhà, nhưng luật không cho chết ở nhà.

Con thì một nách 7 đứa, mỗi người mỗi hoàn cảnh với lý do riêng nên chúng tôi thay phiên nhau ở bên Mẹ cả đêm lẫn ngày cho bà yên tâm.

Bởi vì tôi bị bệnh mất ngủ nên phải trực đêm bên Mẹ từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng.

Hai mí mắt của Mẹ cố hé mở, động đậy mỗi khi nghe thấy tiếng tôi.

Cứ đúng 11 giờ đêm con em kế hết giờ trực, cô nàng có mặt đứng lấp ló bên trong đẩy cửa bước ra và giữ cánh cửa cho tôi lọt vào bên trong.

Về đêm, bệnh viện Canterbury tiết kiệm điện nên mỗi lần tôi đến đều phải đi lần mò trong ánh đèn lờ mờ từ bên ngoài hắt vào, làm tôi thấy lạnh lẽo co người lại sờ sợ, tim đập thình thịch. Không một bóng người nơi hành lang âm u dài hun hút, tận cuối đường quẹo phải mới tới dãy phòng dành riêng cho những người cuối đời, theo tôi nghĩ chắc nhà xác cũng nằm kế đâu đó. Miệng tôi luôn lẩm bẩm kêu chồng "Anh! Phải che chở cho em, đừng để em sợ đứng tim chết thì lấy ai nuôi con cho anh".

Phòng trực đèn sáng trưng, chắc hai y tá nhát gan nên đóng cửa lại.

Tôi mang theo máy portable DVD để xem phim cho qua đêm dài. Kê hai cái ghế vào nhau ngồi duỗi chân lên xem phim bên cạnh Mẹ, lâu lâu quay lại trấn an:

- Con thức tới sáng cho Mẹ yên tâm ngủ nhé!

Trong lúc say sưa xem phim Hàn bỗng dưng "RẦM!" một phát âm thanh, cánh cửa đập mạnh như bị gió tốc ngay mang tai làm tôi giựt bắn người hất tung cái máy rơi xuống đất xém bể!

Tim tôi đập loạn xà cào như muốn nhảy tung ra ngoài, bực mình vô cùng, trong đầu tôi rủa mấy ả y tá. Vừa ngồi xuống xem tiếp chưa được bao lâu thì "RẦM!", thêm một phát nổ lớn hơn nữa ngay lỗ tai, lần này tôi giựt bắn người ra khỏi ghế xém té, máy coi phim banh xác luôn.

Tôi thở hổn hển như bị đứt hơi, quay qua nhìn, Mẹ vẫn nằm ngủ say, tay bấm nút kêu y tá ba lần và chờ cũng không thấy ả nào xuất hiện. Tôi tức điên người ra khỏi phòng nhìn quanh hành lang u ám mà rùng mình, nhất là không thấy bất cứ cánh cửa nào quanh đó! Ngó vô phòng số 8 kế bên, tôi quay phắt người chạy ào đến bên Mẹ đứng run! Mới đây thôi đi ngang phòng còn thấy ông Úc già ngồi trên giường nhìn mông lung ra ngoài cửa, giờ đã nằm phủ khăn trắng toát lên người.

vânnam 26 - 01 - 2016