Kỳ Hội Ngộ Khoa Học năm 2015 vừa qua và Kỳ Hội Ngộ lần thứ hai năm 2010 đã được tổ chức tại Sydney, Thủ Phủ của Tiểu Bang New South Wales, Úc Châu. Thầy Cô cùng bạn hữu từ khắp thế giới đến Sydney được nghỉ lại tại Meriton Serviced Apartments World Tower, trên đường Liverpool. Trong thời gian ở đây, ắt hẳn quý vị đã dạo quanh khu vực này. Nhưng không biết có vị nào để ý đến quán rượu Three Wise Monkeys Pub ở góc ngã tư đường Liverpool và đường George không? Khi ra cửa khách sạn trên đường Liverpool, rẽ sang trái, đi thẳng hướng về đường George, đến ngã tư, chưa băng qua đường, nhìn xéo sang góc đường bên kia thì thấy quán rượu này.

Mặt tiền của quán rượu, phía trên cửa ra vào có tượng Ba Con Khỉ, một con lấy hai tay bịt miệng, con thứ nhì hai tay bịt mắt, con thứ ba hai tay bịt hai lỗ tai.

(Góc đường Liverpool và George, Sydney)

Những tiệm bán đồ lưu niệm (có lẽ trên khắp thế giới) đều có bày bán những bộ tượng hoặc hình vẽ Ba Con Khỉ này (có khi là hình tượng ba chú tiểu hay ba con thú khác).

Chúng ta còn có thể tìm thấy những bộ tượng hoặc tranh vẽ gồm bốn con khỉ, con khỉ thứ tư cũng có cùng tư thế như ba con kia, nhưng nét mặt thản nhiên và hai tay thòng xuống tự nhiên, hoặc khoanh tay, hoặc hai tay che phần hạ bộ phía dưới.

Nguồn gốc và từ ngữ

Theo bài "Three Wise Monkeys" của Wikipedia thì biểu tượng Ba Con Khỉ này được điêu khắc gia Hidari Jingorochạm trổ vào Thế Kỷ thứ 17. Đây là tác phẩm điêu khắc thứ nhì trong số tám tác phẩm điêu khắc ở cửa Đền Tōshō-gū, Thành Phố Nikkō, thuộc vùng Kantō, Nhật Bản.

Biểu tượng Ba Con Khỉ thể hiện câu châm ngôn "Không thấy, không nghe, không nói" có thể có nguồn gốc từ Tông Phái Thiên Thai ở Trung Hoa đã được truyền bá vào Nhật Bản vào Thế Kỷ thứ 8.

Biểu tượng Ba Con Khỉ

trên tác phẩm điêu khắc ở cửa Đền Tōshō-gū, Thành Phố Nikkō, thuộc vùng Kantō, Nhật Bản

Tiếng Nhật, tên của 3 con khỉ trong biểu tượng này là:

1- Mizaru 見ざる: see not – không thấy

2- Kikazaru 聞かざる (Mikazaru): hear not – không nghe

3- Iwazaru 言わざる (Mazaru): speak not – không nói

Tên hai con khỉ "không nghe" Kikazaru và "không nói" Iwazaru còn được viết là “Mikazaru” và Mazaru.

4- Còn Con Khỉ Thứ Tư có tên Shizaru 四 猿

Theo phiên âm Hán Việt, tên Ba Con Khỉ là "kiến": thấy, "văn": nghe, và "ngôn": nói. Còn Con Khỉ Thứ Tư, chữ "shi " 四, phiên âm Hán Việt là "tứ" có nghĩa là thứ tư.

Cũng theo bài này thì có giả thuyết cho rằng đây là một lối chơi chữ vì câu châm ngôn "Không thấy, không nghe, không nói" không có liên quan gì đến con khỉ cả.

Tiếp vĩ ngữ -zaru dùng để chia động từ ở thể phủ định. Như trong trường hợp này, mizaru có nghĩa là không thấy (see not), kikazaru: không nghe (hear not), iwazaru: không nói (speak not).

Vì "zaru" phát âm tương tự như "saru" nghĩa là con khỉ, nên câu châm ngôn này được thể hiện bằng hình tượng những con khỉ.

Theo bài Japanese macaque (Wikipedia), thì saru là một loài khỉ rất phổ biến ở Nhật, sinh sống ở khắp nước Nhật, tên khoa học Macaca fuscata, có hai loài phụ là M. fuscata fuscata và M. fuscata yakui. Tiếng Anh là Japanese macaque, Tiếng Việt gọi đơn giản là khỉ Nhật Bản (vì chúng sinh sống ở Nhật), Tiếng Nhật: Nihonzaru, nghĩa là "khỉ Nhật Bản" (Nihon 日本: Nhật Bản ; saru 猿: khỉ) để phân biệt với những loài khỉ khác. Nhưng vì loài khỉ này rất phổ biến ở Nhật, nên đối với người Nhật "saru" có nghĩa là loài khỉ này.

Chữ "saru", viết "s", khi ghép chung với một chữ khác để thành một từ ngữ kép hay một danh từ riêng thì "s" viết thành "z", như trường hợp tên của loài khỉ Nhật Bản này: Nihonzaru

Loài khỉ Nihonzaru có thể sinh sống ở nhiều môi trường sống khác nhau, có điều kiện khí hậu khác nhau, từ những khu rừng miền Nam ấm áp cho tới những vùng băng giá tận miền cực Bắc. Chúng có thể chịu đựng được khí hậu rất khắc nghiệt ở những vùng cực Bắc, nhất là vào mùa đông băng giá và tuyết phủ khắp vùng, độ lạnh xuống đến -20oC, không có một loài thú nào thuộc Bộ Linh Trưởng (trừ loài người) chịu đựng nổi, do đó loài khỉ này còn có tên là "khỉ tuyết" (snow monkey),

Khỉ Nhật Bản Nihonzaru

(Macaca fuscata)

Ý nghĩa

Câu châm ngôn được thể hiện bởi biểu tượng Ba Con Khỉ cùng Con Khỉ Thứ Tư là những động từ ở thể phủ định (negative):

"Không thấy, không nghe, không nói, không làm"

"Không nhìn ngắm, không lắng nghe, không nói, không hành động"

"See not ; Hear not ; Speak not"

Trong tiếng Việt, những động từ này được dùng ở thể mệnh lệnh (Imperative) khi thêm chữ "đừng":

"Đừng nhìn ngắm! ; Đừng lắng nghe! ; Đừng nói! ; Đừng làm!, Đừng hành động!"

Trong câu tiếng Anh, bổ ngữ "evil" được thêm vào:

"See no evil ; Hear no evil ; Speak no evil ; Do no evil"

Đừng nhìn, đừng nghe, đừng nói ra và đừng làm những điều xấu xa về mặt đạo đức.

Câu này có ý nghĩa tương tự như câu trong Luận Ngữ 論 語 :

非 禮 勿 視; 非 禮 勿 聽 ; 非 禮 勿 言 ; 非 禮 勿 動

Phi lễ vật thị ; Phi lễ vật thính ; Phi lễ vật ngôn ; Phi lễ vật động

Xin tạm dịch:

Điều gì không phải Phép thì không nên ngắm nhìn ; Điều gì không phải Phép thì không nên lắng nghe ; Điều gì không phải Phép thì không nên nói ra ; Điều gì không phải Phép thì không nên làm.

Tiếng Anh:

"Look not at what is contrary to propriety; listen not to what is contrary to propriety; speak not what is contrary to propriety; make no movement which is contrary to propriety" (Wikipedia)

Có nhiều sự giải thích về ý nghĩa của biểu tượng Ba Con Khỉ cùng Con Khỉ Thứ Tư.

Châm ngôn "Không thấy, không nghe, không nói, không làm" không có nghĩa là "mắt điếc tai ngơ" hay "giả câm giả điếc", ... không quan tâm đến những gì cần quan tâm, cần làm hay cần phải hành động.

Biểu tượng Ba Con Khỉ cùng Con Khỉ Thứ Tư có những ý nghĩa sâu xa hơn về mặt triết lý, về Thiền định, về cái Tâm…

Những cử chỉ của Ba Con Khỉ dùng hai tay bịt mắt, bịt hai tai và bịt miệng diễn đạt sự tự kiềm chế thị giác, thính giác và bộc lộ ý tưởng qua lời nói.

Tuy nhiên, những cử chỉ này không thể kiềm chế được Tâm Ý, tức ý tưởng hay những suy nghĩ trong lòng.

- Tuy mắt đã bị bịt kín, nhưng lòng vẫn "thấy", trong tâm tưởng vẫn tưởng tượng hay hình dung được những hình ảnh mà từ trước trong Tâm có ý muốn ngắm nhìn.

- Tuy hai tai đã bị bịt kín, nhưng lòng vẫn nghe thấy, trong tâm tưởng vẫn "nghe" được những điều mà ý đã muốn nghe như vẫn hãy còn văng vẳng bên tai.

- Tuy miệng đã bị bịt kín, nhưng ý vẫn muốn nói ra những gì còn ấm ức, chất chứa trong lòng, nhưng vì đã tự kiềm chế (tự bịt miệng) nên không thể bộc lộ ra bằng lời nói, nhưng trong thâm tâm ý vẫn nói, như ta thường nghe: "nói trong bụng".

Biểu tượng Con Khỉ Thứ Tư diễn đạt cái Tâm, cái nội tâm tiềm ẩn. Những bộ tượng hay tranh vẽ tuy chỉ có hình tượng Ba Con Khỉ, nhưng hàm ý là vẫn có sự hiện diện của Con Khỉ Thứ Tư, nhưng vì là biểu tượng của Tâm tiềm ẩn nên ta không thấy được.

Những sự việc ta nhìn thấy và nghe được chung quanh tác động đến Tâm và chi phối Tâm, làm cho ta suy nghĩ và phát sinh tư tưởng... Rồi tư tưởng được truyền đạt hay bộc lộ bằng lời nói và hành động.

Biểu tượng Con Khỉ Thứ Tư diễn đạt sự "Không Hành Động", không làm những điều xấu, ác - Do no evil

Theo Amod Joshi trong bài "The Fourth Wise Monkey", biểu tượng Con Khỉ Thứ Tư còn diễn đạt "Ý không nghĩ đến" những điều ác, những việc xấu xa tội lỗi, những hành động trái đạo đức, v.v... - Think no evil

Có thể nói Con Khỉ Thứ Tư diễn đạt cả Ý lẫn Hành Động, vì hành động được phát sinh từ Ý. Thí dụ ta muốn làm một điều gì đó là do ta suy nghĩ, có ý muốn làm điều đó, tức "Ý". Từ những suy nghĩ và ý muốn, ta thực hiện việc làm điều đó, tức "Hành Động".

Con Khỉ Thứ Tư, không có những cử chỉ bịt mắt, bịt tai và bịt miệng, diễn đạt cái Tâm đã được chinh phục, đã được kiềm chế, cái Tâm an nhiên tự tại không bị tác động và chi phối bởi những sự kiện từ bên ngoài, thông qua các giác quan như mắt (nhìn thấy), tai (nghe thấy), do đó không dẫn đến lời nói và hành động.

- Tuy mắt vẫn mở nhưng Tâm "không thấy". Tâm không bị cám dỗ bởi những sự vật hay sự việc bên ngoài, thí dụ như những hình ảnh khêu gợi, … Từ đó, ý tưởng không suy nghĩ đến những sự vật hay sự việc bên ngoài, như những hình ảnh khêu gợi, những điều xấu, ác, trái với đạo đức, … Vì "Ý" không có ý nghĩ xấu ác nên những hành động xấu, ác, trái với đạo đức không được thực hiện.

- Tuy không bịt tai nhưng Tâm "không nghe" ("gác bỏ ngoài tai") những điều xấu ác, thí dụ như những lời cằn nhằn, chửi rủa, mắng mỏ, đâm thọc, v.v... cũng như những lời gièm pha, những lời khen chê, nịnh hót, hoặc những lời cám dỗ xúi dục làm những điều xấu ác,... Những điều này tác động đến cái Tâm, chi phối cái Tâm, phát sinh ra những suy nghĩ xấu ác, dẫn đến những lời nói và hành động xấu ác...

Khi Tâm "không nghe" những điều xấu ác này thì Ý sẽ không có những suy nghĩ xấu ác để được bộc lộ ra bằng những lời độc ác (như chửi bới, v.v...) hay bằng những hành động xấu ác.

- Tuy không bịt miệng, nhưng nếu Tâm không bị tác động và chi phối bởi những điều xấu ác đã thấy và nghe được - Tâm "không thấy" và "không nghe" - thì trong Tâm sẽ không có những suy nghĩ và những ý tưởng xấu ác để có thể bộc lộ ra bằng những lời nói xấu ác.

Thí dụ, vì một lý do nào đó, anh A quơ tay quơ chân, chỉ chỏ và mắng chửi anh B. Anh B nghe, thấy và tiếp nhận những lời chửi bới và những hành động xấu đó. Cái Tâm của anh B bị tác động và chi phối bởi giọng nói (thí dụ lớn tiếng, gằn giọng,...) cùng nội dung những lời của anh A (những lời độc ác, chửi thề, ...) – nghe qua thính giác là hai tai – và những hành động của anh A – thấy qua thị giác là hai mắt – làm anh B có những suy nghĩ sẽ được bộc lộ bằng những lời chửi bới và những hành động tương tự để đáp trả lại anh A. Đến lượt anh A cũng đáp trả lại anh B tương tự như vậy, rồi cứ tuần tự như thế,... sẽ đi đến sự cãi vã, lời qua tiếng lại, không ai nhịn ai, ... Cường độ sân hận của hai người càng lúc càng tăng, dẫn đến sự ẩu đả giữa hai người và những sự việc không hay có thể xảy ra như đâm chém, bắn giết, án mạng,...

Những chuyện này xảy ra thường xuyên ở khắp mọi nơi.

Nếu ngay từ lúc đầu anh A không có những lời nói và hành động xấu ác đối với anh B nhờ anh hiểu và thông cảm với anh B, thì anh đã không mắng chửi anh B rồi.

Hoặc giả anh B nhịn anh A, không phản ứng lại bằng những lời nói và những cử chỉ không hay, chịu khó bình tĩnh – tức kiềm chế cái Tâm, không để cái Tâm chịu tác động và chi phối bởi những lời nói và hành động của anh A, thì cơn nóng giận của anh A sẽ từ từ nguội dần, sau đó có thể anh A hiểu và thông cảm với anh B, rồi mọi việc sẽ được giải quyết êm đẹp... Ông bà ta có câu "Một câu nhịn chín câu lành" là vậy.

Con Khỉ Thứ Tư diễn đạt cái Tâm an nhiên tự tại, bình thản, đạt đến trình độ tự chủ, trình độ "Tối Thượng Thừa" trong Thiền định.

Thực hành Thiền định để tĩnh tâm, để đạt đến Tâm an nhiên tự tại như Con Khỉ Thứ Tư quả thật rất khó lắm vậy!

Nếu tất cả mọi người đều như Con Khỉ Thứ Tư thì đã có hòa bình trên thế giới từ lâu rồi!

Three Wise Monkeys (Wikipedia)

https://en.wikipedia.org/wiki/Three_wise_monkeys

The Fourth Wise Monkey (Joshi, Amod – 2012)

http://mylifepuzzle.com/2012/12/05/the-fourth-wise-monkey/

Japanese macaque (Wikipedia)

https://en.wikipedia.org/wiki/Japanese_macaque