Người Việt xa quê hương định cư trên vùng đất lạ tưởng như không còn biết Xuân, biết Tết, nhưng sau một thời gian những truyền thống cổ truyền nào là lễ nghi, phong tục, tập quán của ngày Xuân, ngày Tết Nguyên Đán lại được bà con duy trì và tổ chức phong phú còn hơn những ngày nào còn trong nước.

Người Việt tin rằng, ngày 23 tháng Chạp, Ông Táo lên trời trình báo với Ngọc Hoàng mọi việc xảy ra trong gia đình và sẽ trở lại trần gian tiếp tục công việc hàng ngày, coi sóc bếp lửa.

Ngày xưa, bếp là chiếc kiềng 3 chân tượng trưng cho ba người, hai ông (mũ cánh chuồn) một bà (mũ không có cánh chuồn) và không mặc quần (Dân Canada, khi tiễn ông Táo nhớ thêm cái quần, nếu không ông Táo không lết đến Thiên Đình, mùa Đông đấy nhá).

Cách thức về trời của ông Táo thay đổi từng vùng: miền Bắc có cá chép còn sống để hóa rồng, miền Trung thì cúng ngựa với yên cương đầy đủ, miền Nam thì chỉ cúng mũ, áo và đôi hia. Thường Táo miền Bắc về trời sớm hơn Táo miền Nam vì Táo miền Nam phải đi bộ. Vì mỗi nhà có một bếp cho nên thần Táo có số lượng đông nhất trong các vị thần ở thế gian. Người Việt đưa ông Táo ngày 23, người Tàu là ngày 24. Theo câu nói của dân gian là "Quan tam, dân tứ, thuyền gia ngũ", có nghĩa là: làm quan thì đưa ông Táo ngày 23, dân thì đưa ngày 24, còn những người đi ghe theo cuộc sống thương hồ thì đưa ông Táo ngày 25.

Ông Táo lên Thiên Đình trình báo mọi việc tốt xấu của từng nhà, vì vậy gia đình nào cũng chuẩn bị mâm cỗ đầy đủ. Ông Táo là thần cai quản và giúp gia đình thuận hòa, sung túc cho nên cúng tiễn ông Táo cũng phải hối lộ, một tập tục thông thường của người Việt:

送 竈 詩 TỐNG TÁO THI

麥芽糖餅餞行蹤, Mạch nha đường bính tiễn hành tung,

拜祝佯癡且作聾。 Bái chúc dương si thả tác lung.

只有一般應開口, Chỉ hữu nhất ban ưng khai khẩu,

煩君報我一年窮。 Phiền quân báo ngã nhất niên cùng !

THƠ TIỄN ÔNG TÁO

Mạch nha kẹo bánh tiễn chân ông,

Lên đó giả ngây giả điếc dùm.

Chỉ có một điều nên mở miệng,

Rằng ta nghèo suốt một năm ròng !

(Đỗ Chiêu Đức)

Trong tuần lễ ông Táo về trời ăn nhậu, nhà nhà không có người theo dõi kiểm soát, đây là thời gian mà người trần gian muốn bay bướm, ăn phở, ăn khế, đi cà phê ôm, cà phê lú thoải mái.

Cũng phong tục cuối năm theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ba ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình sẽ bị xui xẻo. Nhờ con hút bụi lau nhà mà dựa vào điễn tích Trung Hoa, dựa vào Sưu Thần Ký, rồi Âu Minh, rồi Hồ Thanh Thảo, rồi nàng hầu Như Nguyệt để giải thích cho tụi nhỏ là phải dồn rác vào góc nhà thì tụi nó không nghe đâu. Thần này trước kia được thờ trên tường nhưng từ ngày vua Càn Long của Tàu đại náo Giang Nam, cho mình là Thiên Tử cho nên bắt đưa Thần Tài xuống đất thờ, mà phải nằm trong góc kẹt. Nhưng khi “con cóc là cậu ông trời” nghiến răng thì thờ “Thần Tài” phải đưa ra góc nhà ở cửa ra vào.

Quét nhà phải có “chổi”. Có chổi là có sự tích: Ngày xưa ở trên trời có một người đàn bà nấu ăn hơn cả bà Quốc Việt được Ngọc Hoàng giao cho trông coi công việc nấu ăn ở Thiên Đình. Có tài thì lại có tật, tật hay ăn vụng và tật mê trai. Bà yêu một lão chăn ngựa cho Thiên Đình. Đã nhiều phen bà lấy cắp rượu thịt trong thiên trù giấu đưa ra cho lão và cũng nhiều phen bà dắt lão lẻn vào kho rượu, mặc sức cho lão phê.

Ngày các ông Táo về trời, Ngọc Hoàng mở tiệc khoản đãi. Giữa lúc đang chuẩn bị đưa thức ăn ra bàn tiệc thì từ đàng xa, bà đã nghe tiếng lão chăn ngựa hát. Bà biết lão tìm mình. Bà lật đật ra đón và đưa giấu lão vào phía góc bếp. Đang đói, lão dở trò ăn vụng, ngặt một nỗi là lão thử mỗi món một chút. Khi những mâm thức ăn được mang ra Ngọc Hoàng thấy bát nào bát nấy đều như đã có người nếm trước nên nổi cơn thịnh nộ, đày bà nấu bếp xuống trần, bắt làm cái “chổi”, làm việc liên tục không nghỉ, và đầu thai ở nhà càng giàu thì làm việc càng nhiều. Vì càng quét nhà nhiều thì chổi mau mòn, nhà nghèo không có tiền mua chổi mới thay liên tục cho nên đưa ra thuyết “ở bẩn sống lâu” để tiết kiệm tiền mua chổi. Về sau, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho nghỉ ba ngày trong một năm. Ba ngày đó là ba ngày Tết Nguyên Đán. Bởi vậy đời sau trong dịp Tết Nguyên Đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà để cho chổi được nghỉ ngơi.

Nói đến chuyện nhờ người đến xông nhà đạp đất đầu năm thì chắc trong nước vẫn còn chứ ra hải ngoại rất ít người theo. Theo phong tục này thì những người mang tên Quan, Tài, Phú, Lộc mà đến nhà thì năm đó sẽ thấy nhà cửa tiền tài vào như nước. Cách đây vài năm có hai gia đình họ Trần và họ Từ tổ chức đám cưới cho con nhằm vào ngày Tết. Sau một màn lã lướt ca tụng hai họ, anh MC (một nhà giáo) đã làm cho cả nhà hàng dở khóc dở cười:

- Kính xin mời hai họ “Từ Trần” cùng lên bục để bắt đầu làm lễ cưới cho hai cháu.

Sau phần ăn uống, đến phần ca nhạc, lại cũng ông MC này mời hai ca sĩ lên giúp vui, không biết sắp xếp như thế nào, ........?

- Để góp vui xin hai bạn “Quan, Tài” song ca bản “Ly Rượu Mừng

Nếu có người bạn tên Cần mà trước đây học Sinh Lý thì nhớ đầu năm đừng mời anh ta lại nhà xông đất. Già đụng trần nhà, già cúp bình thiết, già quắt cần câu ... mà đầu năm có bác Cần Sinh Lý đến thăm thì có chịu đời nổi không? Thế mà có vài ông chồng ở vào tuổi “cổ lai hy”, được các bà chăm sóc kỹ, thương yêu đùm bọc, sau khi qua Cali uống cà phê “lú”, về nhà cố tìm mấy người bạn đã ly dị vợ đến xông nhà đầu năm dùm với hy vọng năm tới được về quê thăm “chùm khế ngọt” mình ên.

Còn mâm ngũ quả thì sao? Hơn bốn mươi năm sống ở hải ngoại, mọi mặt hàng cho Tết không còn là điều lo nghĩ của các bà nội trợ, mâm ngũ quả không còn là “cầu vừa đủ xài” mà phải “cầu dư xài”. Thế là mâm trái cây rất ư phong phú, nào là vú sữa Nha Mân, bưởi Biên Hòa, bánh chưng, bánh ú, chôm chôm, măng cụt, cành mai, cành đào, chân dài, chân ngắn không thiếu thứ nào cả, chỉ sợ không đủ sức ăn, sức ngắm. Mấy mươi năm về trước, ngày Tết không thể thiếu cặp bánh chưng của vua Hùng, cặp dưa hấu của An Tiêm, nhưng bây giờ đi mua bánh trái về chưng bàn thờ là trách nhiệm của các ông, cho nên mâm ngũ quả có phần thay đổi, nào là vú sữa Nha Mân (loại vú sữa ruột trắng, sữa nhiều), dừa Bến Tre, cố tìm mua cho được trái “sung” vì ông già gân nghĩ rằng sung là sung sức chứ không phải sung túc, tìm sung không ra ông ta có sáng kiến là mua hai “củ hành” vì theo khoa học hiện đại hành có chứa chất “phừng phừng”. Thay thế bánh chưng là một cặp bánh ú hay cặp bánh bao cho chắc cú vì cũng làm từ nếp từ bột. Chịu khó làm một vòng Orange County, Houston, Toronto, Vancouver thì người ta thấy rằng chợ hoa Nguyễn Huệ, chợ bánh mứt Bến Thành, chợ dưa hấu Cầu Ông Lãnh, chợ cầy tơ Ngã Ba ông Tạ đã theo chân người tỵ nạn dọn qua đây buôn bán.

Một phong tục không nên bỏ qua, các ông bà nội ngoại phải nhớ đừng quên bỏ vài đồng trong bao giấy đỏ để lì xì cho các cháu, bù lại các cụ sẽ lời to vì cho các cháu một, con cho lại gấp trăm.

Năm nay ngày Tết nhằm vào cuối tuần cho nên đi nhà thờ, đi chùa rất thuận tiện, nhất là gần đây việc xây dựng chùa là phong trào đang lên ở hải ngoại, đi đâu cũng gặp chùa mới cho nên xin lộc, cầu may cũng ít bị chen lấn và xin điều gì cho năm mới cũng dễ được chấp nhận vì nhiều Thầy qua đây hà rầm mà người cầu xin thì ít. Sau màn Giao Thừa hái lộc, là đến màn chúc tụng nhau:

Chúc nhau sống khỏe như trâu

Sống dai như đĩa, sống lâu như rùa

Tiền tài danh vọng từa lưa

Gia đình đầm ấm cho vừa lòng nhau

Chúc người xa xứ bao lâu

Một mùa xuân mới thắm bầu quê hương

Dù cho cách trở đôi đường

Quê hương vẫn mãi ngọt đường mía lau

Mùa Đông Bắc Mỹ năm nay tương đối không lạnh như mọi năm, tháng Giêng mà chỉ có vài ngày nhiệt độ âm 20, tuyết cũng không nhiều cho nên việc đi lại và dự các hội chợ Tết là việc nên làm. Các hội đoàn, các show văn nghệ tổ chức liên tục, nếu vào cửa tự do thì nên vào vỗ tay tránh được một ngày tập tài chí. Vì tình hình an ninh thế giới, pháo lậu không nhập được cho nên những hội đoàn tổ chức Tết cắt tiết mục đốt pháo truyền thống.

Ngày Xuân cũng là dịp cho bà con nhăm nhi ba sợi:

CUNG kính mời nhau chén rượu nồng

CHÚC mừng năm Khỉ, tiễn năm Dê

TÂN niên phúc lộc cho vừa đủ

XUÂN mới tài danh với núi non

VẠN chuyện lo toan theo năm cũ

SỰ gì bế tắc được hanh thông

NHƯ anh, như chị, như bè bạn

Ý nguyện, duyên lành, đẹp ước mong

Đón Tết, mừng Xuân, thì cũng thêm phần đỏ đen, đàn ông con trai thì casino, canh xì, canh phé, đàn bà con gái thì diện áo dài Việt Nam để khoe hàng nội hàng ngoại mới đi Thái Lan tân trang, cũng là dịp khoe cặp môi mọng mới “bôm”, lông mày mới xâm hay da không vết nhăn nhờ căng da tận cổ.

Riêng năm nay, theo lịch Trần Đoàn là năm Bính Thân, đây là năm cũng được nói đến nhiều vì vào năm 1975, “khỉ” từ rừng tràn về thành phố thì những sinh viên của các trường đại học vào dự bị năm này phần lớn mang tuổi khỉ. Năm 1975 là năm “tủi thân” cho các sinh viên mới vào thì năm Bính Thân 2016 lại là năm “tuổi mệnh” cho các sinh viên này. Năm tuổi thường bạo phát hay bạo phá, là năm mà các sao Thái Tuế, Phục Thi, Địa Sát và Kiếm Phong chiếu vào mệnh mà lại thiếu các sao hóa giải. Mong rằng các bạn trong hạn tuổi này có một mùa Xuân đầm ấm vì các hạn tuổi của các bạn cũng còn có cung Di đã giúp cho các bạn giải hạn, thoát được ra hải ngoại, vận mệnh được hóa giải phần nào. Mùa Xuân mới, vận hạn mới, chúc các bạn và gia đình hưởng thái bình thạnh trị nơi xứ người và mong rằng năm Thân qua nhanh, năm dậu Dậu sẽ đến để nước nhà được thái bình.

“Mã đề dương cước anh hùng tận,

Thân Dậu niên lai kiến thái bình”.

LHCT-TSN 25-01-2016