Năm Tháng Nhuận Dương Lịch và Âm Lịch - Nguyễn Thúc Soạn

Chuyển động của mặt trăng và mặt trời là cơ sở để tính âm lịch và dương lịch.

Năm nhuận của dương lịch chỉ thêm 1 ngày, tức tháng Hai có 29 ngày, năm nhuận theo Âm lịch thì thêm một tháng. Có năm nhuận dương lịch nhưng không nhuận âm lịch (thí dụ năm 2008), có năm nhuận âm lịch nhưng không nhuận dương lịch (thí dụ năm 2014), có năm nhuận cả dương lịch và âm lịch (thí dụ năm 2012). Năm nhuận dương lịch có 366 ngày. Năm nhuận âm lịch có 13 tháng (383 hoặc 384 ngày).

DƯƠNG LỊCH: Dương lịch là cách tính theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời.

Trái đất quay quanh mặt trời là 365 + 1/4 ngày (hay 6 giờ). Nhưng theo quy ước thì mỗi năm chỉ có 365 ngày, nên năm dương lịch sẽ lệch với thời gian thực là 1/4 ngày. Điều này cũng có nghĩa sau 4 năm thì dương lịch sẽ dư một ngày. Do vậy, cứ 4 năm sẽ có một năm 366 ngày, gọi là năm nhuận. Năm nhuận này theo quy ước rơi vào tháng Hai (tức là tháng có 29 ngày). Độ dài trung bình của năm dương lịch hiện nay (còn gọi là Tân lịch hay lịch Gregorius) là 365,2425 chứ không phải 365,25 (365 + 1/4), độ dài 365 + 1/4 là độ dài của Cựu lịch (lịch Julius), lịch này không còn được sử dụng trên thế giới từ năm 1582 khi Giáo Hoàng Gregorius XIII ban hành sắc lệch cải cách lịch. Dương lịch của người La Mã cổ đại, vì không biết là trái đất quay xung quanh mặt trời, một năm của họ chỉ có 304 ngày (được chia thành 10 tháng chứ không phải 12 tháng). Khi nhận ra lịch của họ có thiếu sót (thiếu 60 ngày), Hoàng Đế Pompilius đã thêm hai tháng có tên là January và February. Cho tới lúc này, lịch của Pompilius đã tương đối chính xác (có 365 ngày) và chỉ thiếu mất 1/4 ngày một năm. Khi Julius Caesar lên nắm quyền thì lịch đã bị lệch mất 80 ngày so với mặt trời (lệch mùa). Do vậy, nhà bác học có tên là Sosigenes ở Ai Cập đã xác định lại chính xác phần thiếu của lịch hiện tại (1/4 ngày cho mỗi năm) và đồng thời xếp lại thứ tự các tháng. Nhà bác học này cũng là người đặt ra quy định tháng Hai có 28 ngày và cứ 4 năm một lần thì tháng Hai sẽ có 29 ngày để bù cho 1/4 ngày bị dư ra của một năm. Sau này, lịch này lại được sửa đổi thêm một lần nữa khi quy định rằng vào các năm chia hết cho 400 thì là năm nhuận. Thí dụ các năm 1964, 1980, 1992, 1600, 2000 là các năm nhuận dương lich, các năm 1700, 1800, 1900, 2100 không phải năm nhuận dương lịch.

ÂM LỊCH: Âm lịch tính theo chu kỳ mặt trăng quay quanh trái đất.

Để âm lịch vừa chỉ được tuần trăng, vừa không sai lệch nhiều với thời tiết 4 mùa, người xưa đưa vào lịch cả các yếu tố liên quan đến vị trí của trái đất trên quỹ đạo quanh mặt trời. Người tính lịch sẽ tính liên tiếp các thời điểm thẳng hàng hay thời điểm Sóc (hay vị trí của mặt trời di chuyển trên Hoàng đạo nếu nhìn từ trái đất). Ngày Mồng Một âmlịch là ngày mà trái đất, mặt trăng và mặt trời theo thứ tự nằm thẳng hàng, mặt trăng quay nửa tối về phía trái đất (nên người ta thường nói tối như đêm 30), thời điểm này gọi là thời điểm không trăng, hay thời điểm Sóc. Nếu hai thời điểm Sóc kế tiếp cách nhau 29 ngày thì tháng đó thiếu, còn cách nhau 30 ngày thì là tháng đủ. Tháng mặt trăng trung bình có 29,5 ngày. Một năm âm lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày. Cứ 3 năm lại ngắn hơn 33 ngày (hơn 1 tháng) tức là ba năm âm lịch sẽ nhuận một tháng chứ không nhuận một ngày như dương lịch. Cứ mỗi 3 năm âm lịch người ta phải cho thêm một tháng nhuận để năm âm lịch và dương lịch không sai nhau nhiều. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, năm âm lịch vẫn chậm hơn so với năm dương lịch. Người ta khắc phục tình trạng trên bằng cách cứ 19 năm lại có một lần cách 2 năm thêm một tháng nhuận. Trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch, tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với năm dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng trước đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9 hoặc 8, 11, 14, 17, 19 của chu kỳ 19 năm. Thí dụ các năm 2004, 2006, 2012, 2014 đều là các năm nhuận nhưng chỉ cách nhau 2 năm. Âm lịch của chúng ta không thuần túy tuân theo tuần trăng. Âm lịch mà chúng ta đang sử dụng phải gọi chính xác là lịch âm dương, vì nó vừa tuân theo chuyển động của mặt trăng, vừa theo chuyển động của mặt trời.

Muốn biết năm âm lịch nào nhuận, người ta phải dựa vào ngày Đông Chí (khoảng 21 tháng 12 dương lịch) năm này và năm sau có bao nhiêu điểm Sóc. Nếu có 12 điểm Sóc thì năm đó có 12 tháng. Nếu có 13 điểm Sóc thì cần phải thêm tháng nhuận vào. Như vậy, ta xác định được năm nào là năm nhuận.

Để biết tháng nhuận là tháng mấy thì phải tính thêm các trung khí. Trong năm nhuận tháng không có trung khí là tháng nhuận, tháng này đánh số trùng với tháng trước nó (thêm chữ nhuận). Nếu trong năm nhuận có hai tháng không có trung khí thì tháng đầu tiên sau Đông Chí được coi là tháng nhuận. Trong một tháng âm lịch luôn có ngày Sóc và ngày trăng tròn nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra nhật thực hay nguyệt thực vì mặt phẳng chuyển động của mặt trăng (gọi là Bạch đạo) nghiêng hơn 5 độ so với mặt phẳng chuyển động của trái đất (Hoàng đạo). Nhật thực hay nguyệt thực chỉ xảy ra khi các vị trí Sóc và trăng tròn nằm cạnh một trong hai điểm giao nhau giữa Bạch đạo và Hoàng đạo, gọi là Tiết điểm.

Trong âm lịch năm nhuận là năm chia cho 19 có số dư là 0, 3, 6, 8, 11, 14, 17, nghĩa là trong 19 năm liên tiếp có 7 năm nhuận, là các năm thứ 3, 6, 8, 11, 14, 17 và 19. Quy tắc này cũng có khi sai nhưng không nhiều (có khi năm thứ 8 không nhuận mà năm thứ 9 mới nhuận), nhưng nói chung trong 19 năm phải có 7 năm nhuận. Thí dụ các năm 1900, 1917, 1941, 1990, 2012 là các năm nhuận âm lịch.

Thí dụ: 1995/19 = 105+0; 1998/19 = 105+3; 2001/19 = 105+6; ...; 2031/19 = 106+17

TAM NGUYÊN CỬU VẬN

Người Trung Quốc cổ đại cách đây hơn mấy ngàn năm đã có kiến thức về lịch. Theo văn bản cổ nhất ở Viễn Đông bàn đến lịch pháp là chương Nghiêu điển mở đầu Kinh thư, lịch Trung Quốc hàm ẩn một triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc. Ta biết quỹ đạo vận chuyển của mặt trời trên thiên cầu gọi là “Hoàng đạo”. Quỹ đạo vận chuyển của mặt trăng xung quanh trái đất gọi là “Bạch đạo”. Dùng mặt trăng để tính tháng thì rất tiện, vì tháng biểu hiện theo tuần trăng rất rõ ràng, nhưng dùng để tính năm thì lại không chính xác, thời tiết bị sai lệch vì cứ 3 năm lại có một tháng nhuận, 5 năm có 2 tháng nhuận, trong 19 năm có 7 tháng nhuận. Như vậy chu kỳ của năm nhuận nảy sinh ra nhiều điều rắc rối.

Căn cứ theo “Lục Thập Giáp Tý Can Chi” để tính lịch. Một chu kỳ từ Giáp Tý trở lại Giáp Tý gọi là một hoa giáp, mỗi hoa giáp gồm 60 năm, cứ 60 năm gọi là một nguyên, cứ 3 nguyên gọi là chính nguyên có (60 năm x 3 = 180 năm). Trong mỗi chính nguyên (180 năm) có 3 đơn nguyên là: Thượng nguyên, Trung nguyên, và Hạ nguyên. Mỗi đơn nguyên có 3 vận, mỗi vận là 20 năm. Cứ 3 chính nguyên (180 năm x 3 = 540 năm) là một đại nguyên. Có chính nguyên đầu, chính nguyên giữa và chính nguyên cuối. Hiện tại chúng ta đang ở trong chính nguyên cuối cùng (từ năm 1864 Giáp Tý đến năm 2043 Quý Hợi). Và tiếp đến là chính nguyên đầu của đại nguyên sau (kể từ năm 2044) đến năm 2224). Trong chính nguyên (180 năm) có 67 năm nhuận âm lịch, trong đó có 19 lần cách 2 năm có năm nhuận. Số còn lại cách 3 năm mới có năm nhuận.

Số năm nhuận âm lịch được tính như sau:

Ở Thượng nguyên và Trung nguyên: cứ 3 lần: cách 3 năm có năm nhuận, đến 1 lần: cách 2 năm có năm nhuận, rồi 2 lần: cách 3 năm có năm nhuận, đến 1 lần: cách 2 năm có năm nhuận. Liên tục như vậy 6 lần: (3-2).

Đến Hạ nguyên: nghịch đảo một lần: (2-3), rồi lại trở về 2 lần: (3-2), cuối cùng cách 3 năm có năm nhuận 3 lần, rồi hết.

Qua chính nguyên kế tiếp được tính y như chính nguyên trên.

Tháng Giêng (01) không bao giờ có là tháng nhuận. Riêng tháng 9, 10, 11 trong chính nguyên có duy nhất 1 tháng nhuận mà đều nằm ở Hạ nguyên. Điểm khác biệt cơ bản giữa dương lịch và âm lịch là: trong âm lịch tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu chỉ có 29 ngày.

Căn cứ qua Tam nguyên cửu vận ta xác định được các năm nhuận của âm lịch như sau:

BẢNG TAM NGUYÊN CỬU VẬN

Lệnh Hồ Công Tử (sưu tầm và biên soạn) Canada 10 February 2016