Thời gian chảy, đá mòn, sông núi lở.

Đâu có gì mãi mãi chẳng hề phai.

Bây giờ thì không thể nói, thầy “già” hơn trò, hay trò “già” hơn thầy. Khi tất cả đã qua ngưỡng cửa lục tuần, có khi thầy vẫn còn tinh tường, nhanh nhẹn (như Thầy Chi), nhưng trò thì lơ mơ nhớ nhớ quên quên (như tôi đây). Thế nhưng sau 40 năm gặp lại, họ bỗng dưng nhớ lại tất cả, nắm tay nhau mừng mừng tủi tủi: nét mặt rạng ngời, tiếng cười rộn rã.

Người ta thường nói “Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Trên sân khấu Thầy Ân xúc động tâm tình: “Hội Ngộ Úc Châu cho tôi gặp lại bạn cũ, trò xưa.” Cô Vượng vừa qua cơn hiểm nghèo, chúng tôi vui mừng cảm tạ ơn trên. Chuyến du hành nhiều ý nghĩa, biết thêm bao điều lạ của miền đất xa nhất địa cầu.

Tay bắt mặt mừng, người ta đùa giỡn chọc ghẹo nhau. Tiền Lạc Quan hồi xưa giống như cây tre miểu, sao giờ ... Còn bà …, tui nhớ rồi, nhờ bà phát biểu hăng say trong lúc thảo luận chính trị, nên tụi tôi mới chuồn ra được quán nước êm ru, không ai để ý.

Cô Vượng kể rằng, Cô lúng túng khi thấy nước sắp tràn từ sink rửa mặt. Bạn bè thân thiết mấy chục năm, dễ ai được nghe gọi bằng những tiếng thân thương: “cái đồ Mỹ cù lần” của Thầy Chi. Ở Mỹ, nên đâu biết cái nút cao su chận nước bên dưới.

Qua rồi thưở học trò, gặp thầy kính cẩn chào, tần số âm thanh xuống rất thấp “Dạ thưa thầy!” Còn bây giờ, volume vặn hơi lớn (hình như khi già, ai cũng cần hearingaid). Thầy Chu Ngọc Thủy đó các bạn, hỏi thăm Thầy đi. Nghe Lệ Chi nói, tôi mới chợt nhận ra, mình đã qua thời bảng đen phấn trắng. Gặp thầy, run run khép nép, lỡ gặp thì lí nhí dăm ba câu cho phải phép, rồi biến mất. Có đâu như bây giờ chọc ghẹo cả thầy, lẫn cô. Sau 40 năm, trong đám xuân xanh đó, cũng nhiều trò đã thành thầy. Ngày xưa trên bục giảng, sao thấy thầy uy nghi, hùng hồn quá. Nay sao thấy thầy ... nhỏ xíu, giọng thầy ngày xưa nghe rổn rảng, chứ đâu có “thì thào” như bây giờ. Ai cũng thấy người khác già, còn mình thì chưa, dù soi gương mỗi ngày. Mọi người cũng sẽ gặp nhau ở cuối con đường đi về miền miên viễn, thì bạn ơi, hãy xếp lại mọi lo toan để cười đùa ca hát như thưở còn cắp sách đến trường.

Mau lên chứ, vội vàng lên đi chứ.

Bạn bè ơi! Chúng ta sắp già rồi.

Mau lên chứ, thời gian không đứng đợi.

LC đã tổ chức Hội Ngộ nhiều lần. Nhưng sao lần này, dù là người đã tham gia nhiều như PM, sau khi về nhà, vẫn cứ xem đi xem lại các YouTube hình ảnh sinh hoạt, để thấy lòng thổn thức, bâng khuâng. Còn Lệ Chi thì tâm đắc nhất về các màn trình diễn văn nghệ, do Thầy Lương Vinh Quốc Bửu dàn dựng, cho kỳ Hội Ngộ này. Thật là may mắn, suốt cuộc hành trình mọi việc đều diễn ra “thuận buồm xuôi gió”, dù ngày đầu tiên nhóm của Lê Chí Hiếu, đạt danh hiệu xuất sắc: “chờ mút chỉ”. Nhưng tối hôm đó vẫn được ăn uống no say. Bà con Úc chu đáo, hiếu khách ghê. “Được ăn, được nói, được gói mang về”. Mỗi phòng lại có thức ăn mang về cho bữa điểm tâm hôm sau. Lệ Chi nấu xôi đủ loại, vẫn không quên mua cam, chuối, táo tráng miệng. Con gái Khoa Học đảm đang số một, tha hồ trổ tài nữ công gia chánh: Trần Thúy Nga với món bánh cuốn đổ chảo, Nguyễn Kim Loan thì nổi tiếng với món bánh su cream ngang ngửa bánh của Grival ngày xưa. Cả tâm tình bạn gói ghém mang theo, bao chăm chút bạn tỉ mỉ, cặm cụi để mừng ngày gặp bạn. Bốn mươi năm, bạn gói trọn trong hàng chữ: "Hold on to a true friend with both hands." trên món quà bạn tặng. Cắn miếng bánh bạn làm, mà tôi nghe tim mình thổn thức.

Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng.

Mới ngày nao tóc vẫn còn xanh.

Giờ gặp lại, bạn nhìn ta như nói.

Được mất bại thành rồi cũng hóa Hư Không.

Bạn tôi ơi, hãy cứ vui đi nhé.

Hãy tuân theo nguyên lý của muôn đời.

Hoàng hôn qua, để đón bình minh tới.

Khuôn viên ngày xưa của trường Khoa Học, là khu vườn cho cây tình yêu đơm hoa, kết trái. Từ thầy đến trò, Cô Vượng thì thỏ thẻ: “Hồi đó tôi là học trò của ổng”. Chị Kim và anh Vạn ngày xưa học chung MPC. Đừng tưởng dân Toán Lý “khô khan”, vì suốt ngày tiếp xúc với con số. Tỷ lệ cặp đôi của MPC là cao nhất trong Hội Ngộ Úc Châu 2015. Tìm trong lớp chưa đủ, dân Toán Lý còn ngó qua lớp bên cạnh, như trường hợp SLSH Nhàn và Lê Chí Hiếu MPC. Khoa Học Sài Gòn như một gia đình lớn, hôm nay ngoại trừ các “nàng dâu, chàng rể”, còn có thêm thế hệ con cháu: Thanh Tâm con gái Hiếu Nhàn, Khiêm con Phương Mai, Thiện con chị Mỹ An, và còn nhiều em nữa từ Việt Nam đã tháp tùng cha mẹ như một “cận vệ” (nhìn Khiêm thì biết), cha mẹ vô cùng an toànvà yên tâm.😃

Định mệnh đã tạo ra cái tên bất hủ “Cần Sinh Lý”. Người ta gọi tên, mà trong đầu thì trong veo, giọng nói rổn rảng, để cái tên đặc biệt đó gợi lại bao nhiêu kỷ niệm của những ngày học trên Chi Khoa Thủ Đức. Nhớ dáng mảnh mai, giọng nói nhỏ nhẹ của Cô Mai Trần Ngọc Tiếng. Bỗng dưng ký ức tràn về, sau ngày mất nước, đồng nghĩa với mất trường, mất tất cả. Các thầy cô bị tập trung vào một giảng đường để nghe thuyết giảng. Thầy Đinh Văn Hoàng ngồi bàn đầu, mọi người im lặng nghe “Giáo Sư” mới “giảng bài”. Trò đi ngang giảng đường, liếc nhìn lên bảng, thấy hàng chữ: “AMINO ACID là gì?”, lòng tự hỏi: “Không lẽ họ lầm đến thế sao?”

Bốn mươi năm dài lo cơm áo gạo tiền, những bồng bột sôi nổi ngày xưa đã lắng xuống. Chẳng còn e lệ làm duyên, chẳng còn bối rối thẹn thùng, dẫu gặp lại “người xưa” cũng chẳng thấy mảy may xúc động.

Thời gian còn lại không còn nhiều, “mau lên nhé, vội vàng mau lên nhé”. Mọi người đều phải tuân theo giờ giấc đã quy định, nếu không sẽ bị bỏ lại, rất may không ai cần nhờ tới Cảnh Sát để đi tìm “trẻ lạc”. Ai cũng hối hả ghi lại hình ảnh của những nơi ghé thăm bằng đủ loại máy hình, chưa kể “Bầu show” Lệ Chi còn cẩn thận quay phim tất cả. Kẻo không chàng rể Khoa Học Ngô Xứng cứ tiếc hùi hụi, không quay được pháo bông uổng quá. Tới khi nhận được YouTube của chị Giác Nguyện, tôi nói: “Đã có professional lo rồi.” Tôi dám cá với anh rằng, mấy máy lẻ tẻ không ăn thua gì đâu. Mọi khoảnh khắc quý báu đều được trân trọng ghi lại. Thật tuyệt vời, từng chi tiết đều được thu vào ống kính: vô cùng cám ơn ban tổ chức và chị Giác Nguyện, thật là lãng mạn, ghép vào cả những tấm ảnh của một thời “thơ ngây, chân chất”. Cái thưở mà “Tóc còn xanh, môi còn hồng, Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong.” Ôi đẹp làm sao tuổi học trò. Thời gian như thể thoi đưa, nó đi, đi mãi có chờ đợi ai.

Không ai nghĩ rằng chị Kim, anh Vạn đã rời trường từ lâu lắm, nhưng vẫn ồn ào với đám đàn em. Chị Kim cầm theo cái ba-toong, “chiến lợi phẩm” mang về từ chuyến đi Vạn Lý Trường Thành. Chị mang theo để giúp đi lại dễ dàng hơn, nhưng lại khiến chị Hạnh quan tâm, lo lắng:

- Chị có bị trặc chân không mà mang theo cây gậy? Em có dầu nóng, để em đưa chị dùng.

Không thấy trả lời trả vốn gì cả. Chị Hạnh lại hỏi tiếp. Lần này thì có câu trả lời, nhưng ngó qua hướng khác:

- Tôi không có bị trặc chân gì hết.

Người hỏi vẫn còn thắc mắc:

- Thế chị cầm theo cây gậy làm gì?

- Tôi mang vì tôi thích mang!!!!

Tôi và chị Hải Đường chứng kiến màn hài hước, cười ngất. Kể từ lúc đó, tôi phát giác ra tính tiếu lâm của chị Kim, và gửi mail xin làm “fan” của chị. Dù sao, tôi cũng có óc nhận xét. Sau đó, dù không đi New Zealand, nhưng xem hình, tôi có thể nói anh Vạn chị Kim là “đôi uyên ương…già”hạnh phúc. Chị Kim ơi! Em “ái mộ” câu trả lời “ngang như cua” của chị. Mấy ngày sau, chị Kim bỏ cây ba-toong ở nhà. Mọi người trong đoàn có ai để ý không?

Vì lần đầu tham gia Hội Ngộ nên tôi không biết cô bạn gái của Quang “dê”. Cô rất dễ thương, rất nhanh nhẹn phụ với mọi người bày biện thức ăn. Có điều các bà, các cô nói chuyện um sùm rộn rã, còn cô Greta không nói câu nào, toàn cười mỉm chi. Tôi ngờ ngợ, lại thấy cô trẻ quá. Tôi chỉ cô hỏi: “F2 generation?”, tôi cứ đinh ninh, con gái Khoa Học thường học Sinh Vật. Chắc cô là thế hệ thứ hai (con cháu) thường không biết tiếng Việt. Nhàn nghe vậy, nhắc: “Bồ của ông Quang đó!”. Không nói tiếng Việt, vì đơn giản cô không phải là người Việt. À thì ra thế, hèn chi chỉ có cười thôi, không nói đâu. Có điều sau đó, khi Quang “dê” kể chuyện vui về những lần đi trước, Greta có nghe và hiểu vài câu tiếng Việt.

Rất tiếc, vì quá tận dụng thời gian cho mọi chuyến tham quan. Buổi tối đầu tiên không đủ thời gian cho hàn huyên, chúng ta không có dịp ôn lại những kỷ niệm ngày xưa, khi còn ở trường cũ. Hỏi thăm bạn bè, ai còn ai mất. Hội Ngộ Úc Châu 2015, quả là món quà vô cùng ý nghĩa cho tất cả bạn bè tham dự. Mọi thứ sẽ qua đi, nhưng ký ức thì vẫn còn lưu lại kỷ niệm.

Đêm họp mặt, bất ngờ Diêu Huệ Yên nhận ra tôi: “Mơ nè!” Chỉ nhiêu đó thôi, mà làm tôi bồi hồi xúc động. Diêu Huệ Yên đã phải ngồi xe lăn, vì bị té ở phi trường khi bay từ Việt Nam qua dự họp mặt. Bạn cũ trường xưa, một phần quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người, đâu dễ nào quên.

Ngoài thầy cô và học trò cũ, tour Hội Ngộ Sydney kỳ này còn có thêm thân hữu, như Bác Sĩ Lễ. Ông xin nhập vô gia đình Khoa Học, vì thấy vui quá. Hoan hô Lệ Chi và toàn ban văn nghệ Úc Châu, hùng hậu quá, hát giúp vui cho mọi người. Thư đi tin lại, thấy ban văn nghệ tập luyện giữ quá (nghe nói chỗ tập cũng xa), mọi người vẫn đi làm, tối lại tập rất... khuya. Tinh thần (tương trợ) của bạn bè Khoa Học thiệt đáng quý (quý nhất là trình diễn “chùa”). Thầy Lê Vân Tú và Cô Phương Mai, thiệt là “danh bất hư truyền. Dù Cô nói rằng “lần đầu tiên” hát trên sân khấu. Đừng lo, bên em đã có ta. Có Nhạc Sĩ kế bên mà lo gì. Nhìn Thầy Cô trình diễn, ai nói cả hai đã qua tuổi thất thập cổ lai hy. Lại còn mấy ông Bác Sĩ cũng gác ống nghe, ống chích, lăng xăng bận với “ống nhòm”, ca hát chẳng thua dân chuyên nghiệp chút nào.

Người ở bên trời, ta ở đây.

Chờ mong phương nọ, ngóng phương này.

Hội Ngộ đưa ta về với bạn.

Cười đùa vang vọng cả trời mây.

Kỷ niệm Hội Ngộ Sydney, 2015.

Lại thị Mơ.