Đà Lạt: Bức Tranh Thủy Mặc
Post date: Jul 22, 2018 7:45:6 PM
Đà Lạt có khí hậu và phong cảnh giống như bên châu Âu. Những căn nhà, những biệt thự từ xưa hầu như đều được xây dựng theo kiến trúc Pháp với mái ngói đỏ, trong nhà có lò sưởi, trên nóc có ống khói. Thế nhưng những ngôi biệt thự ở Đà Lạt không có cái nào giống nhau cả. Vì thế thành phố mới đẹp! Nhưng còn hơn thế nữa, nhà ở Đà Lạt được xây dựng trên những sườn đồi với vị trí cao thấp khác nhau, những căn biệt thự nằm rải rác, cái cao, cái thấp, cái lớn, cái nhỏ đã hình thành một bức tranh ngoạn mục vừa sinh động, vừa độc đáo.
Nhà thơ QUÁCH TẤN khoảng trước năm 1940 đã đặt bút viết những vần thơ tả “Phong cảnh Đà Lạt”:
Thị thành pha lẫn thú lâm tuyền,
Dẫu chẳng bồng lai thế cũng tiên.
Hoa cỏ vẽ vời tranh thủy mặc,
Lâu đài tô điểm cảnh thiên nhiên.
Ngày vui non gió thơ đầy túi,
Đêm thưởng hồ trăng rượu nặng thuyền.
Qua lại bốn mùa xuân cả bốn,
Người đây cảnh ấy hẳn nhân duyên.
KHÁNH GIANG, đóng vai một du khách đến Đà Lạt vào năm 1959 đã ghi lại một số nhận xét của mình:
Thành phố hình tròn nằm nghiêng cả về phía Tây hồ Lớn (hồ Xuân Hương). Đường sá phần nhiều đổ dốc ngoằn ngoèo, hai bên các biệt thự nằm rời rạc, im lìm, khuất tận trong xa. Vào những buổi chiều gió lạnh, bạn tha thẩn trên đường, sẽ có cảm tưởng rằng mình đang ở giữa một thành phố ma. Đà Lạt chỉ hợp với những tâm hồn nghệ sĩ. Bạn tìm vẻ của muôn ngàn mây nước, cỏ hoa, ý nhạc trong tiếng vi vu của gió ngàn, tiếng rộn ràng của thác đổ, bài thơ trong vẻ thi vị của núi rừng bao la, hay vẻ vắng lặng trầm ngâm của cảnh vật. Bạn có nhiều dịp để mặc cho tâm hồn rung cảm triền miên…
… Đà Lạt hoạt động hơn về phía chợ, con tim của thành phố, nằm trên ngọn đồi cao, ngôi chợ là nơi tổng hợp một số cư dân từ bốn phương đổ về: các nhà trồng rau cải ngoại thành, các nhà lái buôn từ những vùng xa đem hàng đến, cả những người Thượng từ núi rừng đem thổ cẩm ra bán. Hai bên chợ san sát phố buôn bán của Hoa kiều, Pháp, Việt. Cạnh đấy một vùng đất thấp hơn ngôi chợ mới đồ sộ đang được hoàn thành. Chợ cất hai tầng, mặt tiền hình vòng cung hướng ra hồ Lớn. Người ta trù định ngân khoản xây cất lên đến 30 triệu đồng. Nếu việc tiến triển đều hòa thì năm 1960 dân Đà thành sẽ ăn tết với một ngôi chợ mới. Lúc này chợ cũ sẽ được dùng làm hí viện… Ồn ào nhất là những dịp lễ, du khách từ bốn phương đổ đến mang một không khí náo nức nhộn nhịp cho Đà Lạt, hai bên phố các tà áo màu rực rỡ khoe tươi, như ganh đua với mấy nụ hoa tươi bán trên vỉa hè…
Nhà thơ TRÚC TIÊN ghi lại cảm tưởng của mình khi ghé thăm Đà Lạt vào năm 1962:
Tới thành phố Đà Lạt, lâu đài trang nhã ẩn hiện, những biệt thự cổ kính trang nghiêm sừng sững giữa trái núi bao quanh, nơi nơi đầy cả kỳ hoa dị thảo, thật là non Bồng lẫn với nhân gian. Bóng đã chiều, nền trời đục mây tím, màn sương mỏng xa mờ, không gió mà mát dịu, cảnh thanh tao có vẻ ảm đạm u buồn, giục lòng du khách bâng khuâng, không biết nhớ thương ai mà ngơ ngác, cũng không biết mình đang sống ở nơi nào đây! Một cảm khái thê nhiên khó tả.
Lần lượt đi qua những nơi mà ai cũng ca tụng nữ sĩ viết lại đôi dòng thơ. Suối Cam Ly, không đẹp lắm nhưng buồn:
Suối reo như tiếng thở dài
Sầu ai dòng lệ láng lai không ngừng!
Hồ Than Thở, tên đã buồn, cảnh lại đẹp quá càng buồn:
Hồ thủy như hà trường thán tức
Phong sương thiên tải vị tiêu sầu
Bóng ai lỗi hẹn hồ Than Thở
Dưới bóng tà huy nước nghẹn ngào!
Mặt nước lặng như tờ, hàng cây soi bóng, lớp hoàng hôn phủ xuống, gió chiều thổi lạnh buốt cả tâm hồn. Bức tranh thủy mặc thiên thanh đầy thơ mộng, khiến cho du khách bàng hoàng giữa không gian u tịch, không muốn trở về.
Sáng hôm sau là ngày 10 tháng 6, đi Suối Vàng. Đường vào Suối Vàng đặc biệt đẹp, đường quanh queo khó đi. Du khách tưởng tượng như theo lối đi tới huỳnh tuyền và có cái cảm giác lạ kỳ, tưởng chừng như đi tới đó sẽ gặp người mà ta mong nhớ từ lâu. Tới đây chúng tôi xuống xe, đi bộ để dạo quanh đồi để lịch quan phong cảnh của thiên nhiên. Rừng này tên gọi Tùng Lâm, nhưng chỉ rải rác đôi khóm cây trên chót núi bơ phờ, vẻ đượm buồn như người sương phụ cô đơn… Lúc nầy vào khoảng mười giờ sáng, mưa phùn rắc bụi, êm dịu như buổi chiều thu. Bên chân trời lại hiện lên một áng mây hồng rất đẹp…
Mang danh là Suối Vàng nên du khách đã lầm tưởng tới đó chắc gặp được người xưa, thì ra thất vọng, vẫn là nhân gian trần thế. (Tìm đâu cho thấy cố nhân!). Gần đấy chỉ có một túp lều tranh xiêu vẹo ven chân núi, có hai mẹ con ở đó bán hàng hoa sơ sài ít ỏi, cảnh sinh nhai đạm bạc thật đáng thương! Từ giã nơi u tịch ra về, du khách mang theo một mối buồn man mác.
Nữ sĩ cảm tác, viết xuống ít vần thơ:
Đà Lạt đi chơi khắp cảnh xinh
Núi đèo chồng chất cỏ hoa tình,
Những màn sương bụi rơi xa tít
Mấy lớp thông già đứng lặng thinh.
Tiếng thác Cam Ly sầu bát ngát
Mặt hồ Than Thở lệ lung linh.
Suối Vàng ngỡ tới tìm thăm bạn
Ngảnh lại trần gian chỉ thấy mình.
Sau đó nữ sĩ lại sáng tác tiếp một bài thơ tả cảnh Đà Lạt bằng chữ Hán và được chính nữ sĩ dịch ra như sau:
Lầu các nguy nga giữa núi rừng
Hoa thơm cỏ lạ đẹp màu xuân.
Gió qua trúc chuyển chim kêu rộn
Mây thấp thông reo vượn hú rân.
Đá rụi ngồi trơ nhìn mấy kỷ,
Suối buồn đổ lệ đã bao lần!
Trải xem Đà Lạt thần tiên cảnh
Muôn trượng trông vời khói cố nhân.
Có dịp ngồi trên một ngọn đồi ngắm nhìn phong cảnh Đà Lạt nhạc sĩ LÊ UYÊN PHƯƠNG nhớ lại hình ảnh bức tranh này:
… chúng tôi đang ngồi trên một ngọn đồi thấp gần ngôi trường tiểu học nằm giữa Thị Xã, trước mặt là con đường dốc dẫn xuống Hồ Xuân Hương, dọc theo hai bên đường những cây mai hồng nở rộ, trông như những khóm bông gòn màu hồng nhạt, lúc nào cũng tưởng chừng như sắp rời ra từng mảnh nhỏ dưới cơn gió chiều hiu hiu của Đà Lạt. Mặt hồ phẳng lặng như mặt gương, xa xa ngọn tháp nhọn của Lycée Yersin nổi bật lên trên nền trời đầy những ráng vàng của buổi hoàng hôn… Cái tuyệt vời nhất của Đà Lạt là có thể nhìn cảnh vật chung quanh ta ở nhiều cao độ khác nhau. Những ngôi nhà, những con đường dọc theo sườn đồi, những con đường xuyên qua thung lũng, những con dốc. Đó là đặc điểm thú vị nhất của Đà Lạt.
Trên sườn của một ngọn đồi giữa đường Hàm Nghi - đường nhà tôi ở - mọc lên một ngôi nhà thờ Tin Lành, ngôi nhà thờ ở một vị trí cao tuyệt đẹp, từ đó ta có thể nhìn thấy những căn nhà nằm san sát dưới thung lũng trên con đường Phan Đình Phùng, phía xa hơn là những căn nhà nằm dọc theo sườn đồi của đường Hai Bà Trưng, xa hơn nữa, ở chỗ cao nhất là nhà tu của các Soeur áo trắng - Domaine De Marie - và cách một thung lũng xa bên phía tay trái của Domaine De Marie là nghĩa trang thành phố.
Nhà thơ PHAN THÁI, người sống lâu năm tại thành phố Đà Lạt thời luôn cảm thấy thân tâm an lạc, coi cảnh Đà Lạt như một bức tranh tuyệt đẹp và tả bằng những vần thơ nhẹ nhàng thanh thoát:
Bức tranh thủy mặc vốn lừng danh
Phố thị lưng trời ẩn núi xanh
Nắng sớm đồi cao sương ướp mộng
Trăng khuya lũng thấp gió ru tình
Hoa tươi điểm thắm màu thông biếc
Thác bạc hòa vui tiếng suối thanh
Hồ cũ sóng vang lòng lữ khách
Hằng đêm vỗ giấc mộng an lành.
Nhà văn, nhà thơ NGUYỄN THỊ NGỌC DUNG (Virginia) khi ghé thăm Đà Lạt lần đầu lại có những nhận xét rất lãng mạn nên nảy ra tứ thơ và đặt bút viết xuống những cảm nghĩ riêng tư:
Đà Lạt vào mùa hè dịu mát, sáng chiều một chút lạnh ngọt ngào, chỉ cần khoác thêm cái áo len là đủ ấm. Mùi phân hóa học pha lẫn mùi gỗ thông đốt lò sưởi tạo thành một hương nhớ rất đặc biệt Đà Lạt. Mấy cô gái Sài Gòn mới lên vùng cao nguyên vài hôm đã có má đỏ hây hây. Nàng thơ trong tôi tâm sự:
“Mưa rừng, khói núi, anh buồn không,
Có nhớ người em má vẫn hồng?
Dan díu môi chưa hôn nụ nhỏ,
Tóc còn xanh biếc mãi chờ trông.
(Mãi chờ trông, Tình Thơ học trò, 1957)
Đồi dốc thông xanh khắp ngả đường. Thung lũng rau tươi khắp mọi nẻo. Đôi chân miên man đi như không chạm đất. Tâm hồn lãng đãng theo mây. Đây là lần đầu tiên đi chơi Đà Lạt, chúng tôi sững sờ trước những biệt thự xinh đẹp với hoa tầm xuân, hoa ớt leo quấn quít. Chúng tôi ngẩn ngơ mê mải ngắm hoa hồng, hoa cúc, thược dược đua nhau khoe màu sắc trong mọi vườn. Thời tiết ấm áp như mùa xuân Hà Nội một thuở trẻ thơ, vô tư, chưa biết buồn và chưa trông ngóng một hình bóng xa xôi nào.
Chợ Hoà Bình sầm uất ba tầng lầu. Mơ, mận, đào và trăm thứ trái cây khác bầy cao ngất. Vòng đồng, xuyến bạc, vải áo thượng, mứt khoai trong dẻo của Đà Lạt được xếp đầy một va-li. Hoa bất diệt đủ màu, hoa mimosa vàng lá bạc, mùi hắc đến nhức đầu cũng đem về đầy giỏ tặng người Sài Gòn. Từ chợ Đà Lạt xuống mấy chục thang sâu đi sang Hồ Xuân Hương êm đềm, thơ mộng, thong dong vài du thuyền nhàn hạ. Suối vàng êm đềm, bình lặng. Thác Prenn, Camly, Pongour hùng vĩ, dăm ba con nai vàng ngơ ngác bờ rừng. Ngọn Lang Bian xanh biếc như cồn ngực thiếu nữ thiêm thiếp mơ màng, mây lụa vờn bay…
Và cứ thế, phong cảnh Đà Lạt mãi mãi in đậm nét trong tâm tư tình cảm không những của người Đà Lạt mà còn của du khách và tuôn trào thành những dòng văn thơ trữ tình lai láng, những nhạc điệu du dương trầm bổng! Nhưng ở đời có hợp sẽ có tan. Có lúc vui sẽ có lúc buồn. Cái thành phố tưởng là “thần tiên” ấy có khi lại trở nên ảm đạm thê lương, tùy theo lòng người. Tâm trạng này được nhạc sĩ LAM PHƯƠNG diễn tả trong bản “Thành phố buồn”:
Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm. Thành phố nào vừa đi đã mỏi. Đường quanh co quyện gốc thông già. Chiều đan tay nghe nắng chan hòa. Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em. Mắt em buồn trong sương chiều. Anh thấy đẹp hơn.
Một sáng nào nhớ không em? Ngày chủ nhật ngày của riêng mình. Thành phố buồn nằm nghe khói tỏa. Người lưa thưa chìm dưới sương mù. Qùy bên nhau trong góc giáo đường. Tiếng kinh cầu dệt mộng yêu đương. Chúa thương tình, sẽ cho mình mãi mãi gần nhau.
Rồi từ đó vì cách xa duyên tình thêm nhạt nhòa. Rồi từ đó chốn phong ba, em làm dâu nhà người. Âm thầm anh tiếc thương đời. Đau buồn em khóc chia phôi. Anh về gom góp kỷ niệm tìm vui.
Thành phố buồn, lắm tơ vương. Cơn gió chiều lạnh buốt tâm hồn và con đường ngày xưa lá đổ. Giờ không em sỏi đá u buồn. Giờ không em hoang vắng phố phường. Tiếng chuông chiều chậm chậm thê lương. Tiễn đưa người quên núi đồi, quên cả tình yêu.
Nhà giáo NGUYỄN SỸ TẾ có dịp viếng thăm thành phố cũng ngơ ngẩn trước khung cảnh nhà cửa chập chùng ẩn hiện cao thấp giữa trời mây như một bức tranh nên cảm hứng viết bài thơ “Thành phố lạ” (9-2000):
Phố xá dìu nhau leo dốc núi,
Cài hồng, trổ tía giữa màn xanh.
Một con suối bạc rời u tối,
Hai chú nai vàng ngó quẩn quanh.
Mây lãng đãng khơi tình lãng đãng,
Trời thanh thanh gợi ý thanh thanh.
Ngẩn ngơ lữ khách so chân bước,
Tưởng lạc đường vào một bức tranh!
Thành phố Đà Lạt không nằm trên một mặt bằng đồng nhất như ta thường gặp ở các thành phố vùng đồng bằng. Thành phố được xây dựng thành tầng, thành lớp trên những quả đồi nhấp nhô ở những độ cao khác nhau. Trừ một số ít đoạn đường thẳng còn đi ô tô trong thành phố du khách có cảm giác như đi dạo trong công viên vì đường phố quanh co, vòng lên lộn xuống. Từ hồ Xuân Hương có thể coi là đáy thung lũng chạy dài vào trung tâm thành phố, các đường phố, các dãy nhà, các tòa biệt thự cứ xa dần, cao dần, càng xa càng cao. Du khách muốn chuyển đường nhanh từ dãy phố nọ sang dãy phố kia ở tầng cao chỉ có cách đi bộ và leo những bậc thang xây bằng đá, leo những con dốc. Những con dốc, những khúc quanh đón gót thi nhân lên xuống biết bao lần, quá thân thuộc, khiến nhà thơ CAM LĨNH (Thái Em) khó quên mà phải đặt bút viết bài “Ai lên Hoàng Diệu”:
Ai lên Hoàng Diệu nhắn nhe cùng
Đường ấy và ta quá mặn nồng
Đã lắm đi về trong nắng hạ
Lại nhiều lặn lội giữa mưa đông
Những con dốc ngược đều quen bước
Mấy khúc quanh co vẫn thuộc lòng
Xa vắng lâu rồi không ghé tới
Nhớ người, nhớ cảnh, nhớ tình chung.
Những con dốc thơ mộng từng đưa đón bước chân những kẻ yêu nhau quấn quít trong men tình nồng ấm giữa trời giá lạnh. Dốc đưa lên khu chợ Hòa Bình tại trung tâm thành phố, dốc đưa lên qua Đồi Cù dẫn tới Viện Đại Học Đà Lạt, dốc đưa lên rạp chiếu bóng Ngọc Lan và biết bao con dốc không tên khác… Một trong những con dốc bất ngờ được nhiều người nhắc tới là con dốc “Nhà Làng” đưa người đi tắt từ khu Hòa Bình xuống phía khách sạn Cẩm Đô đường Phan Đình Phùng. Nơi đây đã hội tụ một số người yêu văn thơ tự xưng là nhóm Trà Sơn, ngay nơi quán “Ngọc Trâm”, một quán nhỏ cất ven đường dốc bên vườn hoa lan thơm ngát vị Thiền. Cạnh vườn hoa là hiên “Duyệt Ứng” chất chứa bao sách vở văn chương, thi phú..
Hãy nghe nhà thơ VIỆT TRANG giới thiệu đôi nét về chốn này:
Giờ đây, Đà Lạt cùng ta vui chân xuôi về một con đường quê huyền sử, nép bình yên bên lòng thành phố. Con đường thoai thoải đi lên, nghiêng nghiêng chảy xuống, có đá ngủ triệu năm, có hoa Trạng Nguyên hồng lên chào đón. Con đường còn mang tên một danh nhân ái quốc Việt Nam - Nguyễn Biểu - dài sâu hun hút, chưa tròn trăm thước rộng vừa sải tay người mà thế nhân lại chưa đi trọn cuộc đời đạo hạnh. Con đường còn mang tên Dốc Nhà Làng, không vương gió bụi, không có ngựa xe qua mà bồng bềnh sương khói. Con đường đưa dần ta vào huyền thoại, ngược lên 4.000 năm lịch sử vinh quang để bắt gặp hình dáng quê hương nguyên thủy. Mai chiều, bốn mùa qua lại, thân thuộc với đường xưa, ta bồi hồi, hơn một lần gởi gắm ít nhiều tâm sự.
Thư sinh LAN HINH (Nguyễn Ngọc Dĩnh), chủ nhân quán “Ngọc Trâm” và hiên “Duyệt Ứng”, với tâm hồn lãng mạn, với tình cảm tha thiết, khó quên những buổi họp mặt của mình cùng các thi hữu vong niên lai rai bên chén rượu đưa cay gợi hứng nên cũng hạ bút viết bài thơ “Dốc Nhà Làng”:
Cái tên gần gũi - Dốc Nhà Làng
Nối tiếp xưa nay những bậc thang
Ngõ sâu ẩm thấp đong dâu bể
Thành dựng rêu phong dãi nắng sương
Nhịp đời chồng chất trong bình dị
Mạch sống khơi trào giữa luyến thương
Trăm hướng nằm trong lòng phố nhỏ
Rộn ràng nhịp gót gõ trên đường.
Thi hữu cao niên CAM LĨNH cũng nhiều dịp tản bộ lên xuống những bậc đá của con dốc, đi ngang qua quán “Ngọc Trâm”, ghé vườn hoa lan và hiên thơ “Duyệt Ứng” nên cũng cảm hứng viết bài thơ mang tên “Dốc Nhà Làng” để gửi gắm ít nhiều tâm sự:
Mỗi bước cho hay mỗi ý dè
Thị thành mà cũng có đường quê
Sáng chiều không ngớt người qua lại
Hôm sớm nào in dấu ngựa xe.
Nắng khó hong khô lòng sỏi đá
Mưa nào ngập được lối đi về
Từ lâu chân chửa mòn con dốc
Tiện ngõ ngang qua ghé bạn bè.
Thư sinh LAN HINH lòng luôn tràn thi hứng bèn xin phép “họa vận” bài thơ theo cung cách xướng họa của Đường thi (1989):
Lối đá đường quanh há dặt dè
Nhà Làng thân thiết ủ lòng quê
Kìa nơi ngun ngút hồn lau cỏ
Đâu cảnh xô bồ bóng ngựa xe
Ngõ cũ chứa chan niềm hẹn ước
Tình xưa ăm ắp lối đi về
Dốc ơi! Xin gửi lời đa tạ
Đưa đón giùm ta những bạn bè.
Nhà thơ TÂM MINH ghé thăm vườn hoa lan, cùng chủ quán gật gù nhấp chén “mai quế lộ”. Hơi men nồng nàn. Thi hứng tuôn trào. Thầm nghĩ trước khi phải rời xa Đà Lạt quá đỗi thân thương này và phải rời xa quê hương yêu dấu để dấn bước vào con đường viễn du biển sóng chập chùng vô định có lẽ phải viết “tặng lại ít vần thơ” chứ! Giấy bút sẵn đó. Bài thơ làm để tặng quán. Bài thơ cuối cùng làm tại Đà Lạt. Mà nghe sao như những lời ngậm ngùi nhỏ lệ từ biệt thành phố cao nguyên yêu dấu! Bài thơ mang tên “Dừng chân quán nhỏ” (1-1988):
Ngọc Trâm quán nhỏ xinh xinh
Cỏ cây hoa lá diễm tình điểm trang
Ẩn mình bên dốc Nhà Làng
Lặng nhìn nhân thế rộn ràng ngược xuôi
Dòng đời trôi nổi buồn vui
Đá mòn in dấu đầy vơi nỗi niềm
Sang mùa mưa nắng vương thềm
Lao xao gió thổi, êm đềm sương bay.
Lãng du ghé quán một ngày
Khách thơ lưu tặng tỉnh say đôi vần
Rồi mai tiếp bước chân trần
Đường đời vạn nẻo trắng ngần bóng mây
Cười pha lê vỡ phút giây
Tình thơ bàng bạc, hao gầy nhớ nhung.
Nhưng rồi cũng đến một ngày thư sinh chủ nhân phải rời con dốc “Nhà Làng”, rời xa Đà Lạt. Một khách thơ cao niên ghé quán, cảnh cũ còn đấy, nào thấy người xưa, ngậm ngùi viết tặng lại ít vần thơ bằng chữ Hán. Nhà thơ TRẦN VẤN LỆ cảm khái phỏng dịch thành bài thơ mang tên “Cảm xúc khi đi qua dốc Nhà Làng”:
Chiều xuống. Hoàng hôn. Ngang Duyệt Ứng
Hiên xưa, chủ cũ, những năm nào…
Ai thăm từng để niềm vui lại
Ta ghé bây giờ thương nhớ sao!
Lá rụng đầy sân che hết đất
Then cài kín cửa nắng đi đâu?
Trước thềm, vẫn đó: hòn Non Bộ
Rời rạc mây trời, thấy muốn đau!
Hình ảnh bức tranh thủy mạc của thành phố sương mù cũng phảng phất trên những dòng “hồi ký” của nhà văn TÚY HỒNG ghi lại cuộc hò hẹn tình cảm của mình nhân khi lên Đà Lạt chấm thi:
Tối hôm trước: Chúng tôi đi đêm dưới trăng mờ Đà Lạt. Vườn nhà ai, những búp hoa Quỳnh màu bạch ngọc đã uốn cong cánh từ chiều muộn để sẽ nở bung cánh ra khi màn đêm dần xuống. Mỗi bước đi của chúng tôi là mỗi nhịp đời nhẹ êm, mỗi hé nở âm thầm của quỳnh hoa, mỗi hơi thở dài sâu của câm lặng tình cảm. Bóng tối chụp lên cảnh vật, nhưng ánh trăng cũng sáng soi chiếu xuống vòm cây cành lá. Đêm nhẹ êm, thế giới về khuya tĩnh lặng, hương Quỳnh-Tương thơm dịu trời mây. Trong thời gian và không gian này, quỳnh hoa sẽ bung nở với trăng, với khoảng không bao la và với bóng tối lan tràn để khi đêm hết, quỳnh hoa sẽ tàn vì mặt trời chói sáng, quỳnh hoa sẽ chết đúng vào ngày mai với ánh thái dương nóng cay…
Sáng hôm sau: Đà Lạt hôm ấy thật đẹp. Sau mấy ngày âm u, hôm nay nắng hồi sinh.. Trời bao la nắng hanh vàng, tôi hôn nắng, tôi hôn ánh sáng… Lên tới đỉnh cao trên lũng đồi thông, chúng tôi yên lặng ngồi xuống. Chiều tắt nắng. Thời tiết lười biếng. Gió thở từng hơi dài mát dịu. Trời đất hòa đồng với ngàn hoa muôn lá. Trời trên cao và đồi thông Đà Lạt dưới thấp hiểu lòng nhau, xích lại gần nhau hơn. Hoa Lilac màu tím biếc bông cà. Hoa đừng-quên-em màu hồng sẫm. Tình yêu đột xuất trong xác thịt tôi…
LS Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(Trích: ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ
Của Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Xuất bản 2010-Tái bản 2016)