Bạn ta , un des notres, one of ours....
Post date: Mar 11, 2015 5:47:49 PM
Moi xem mot bai that hay do 1 nguoi ban viet trong do' co' anh moa
Lê Hoàng Vân ex yersinien (khong chiu sang Fap) o lai VN gui gin xu so.
Bạn ta ,
Tháng tư . Những sáng sớm lạnh cóng , những buổi trưa thấp trời , những ngày chiều rực nắng , những đêm tối gió ào . Tháng tư năm nay là như thế , ở Tây Âu ! Khuấy động bởi cái thời tiết bất thường này , người như mất đi cái định hướng của thời gian . Không biết khi nao sáng thu , khi nao tối hạ ? Bây giờ là tháng 12 đông xám hay tháng tư xuân hồng ? Người đến và đi như từng cơn mưa lạnh , như từng cụm nắng reo . Vội vã và bất ngờ , âm thầm và buồn bã , tháng tư xối lên phần đời xa xứ những muộn muộn phiền phiền . Làm sao tìm những nụ cười mất tích ?!
Tháng tư . Hết mặt trận này bỏ đến thành phố kia buông . Dân chạy theo lính , lính ngơ ngác tan hàng ! Đất nước co lại từng ngày một . Mỗi ngày có hàng trăm người chết , hàng ngàn kẻ « chạy giặc « . Miền Trung vọng tiếng nhưng không phải từ một Hương giang của Hội Trùng Dương « đêm đêm khua ánh trăng vàng « , mà là từ tận một hố sâu , từ cùng một vực thẳm , nơi quân và dân miền Nam đang chiến đấu với tử thần , khởi từ tháng 3 bắt đầu mất đất đến tháng tư tiếp tục lui dần . Nhưng lui đến đâu , xuôi về đâu nữa khi sau lưng là một Sài Gòn đang hấp hối ? Chỉ trong 1 tuần ( 21/4 à 28/4/75 ) đã có 2 tân Tổng Thống , một vị 7 ngày , một vị 3 ngày ! Lịch sử Việt Nam có 2 nguyên thủ , tuy cách nhau gần 10 thế kỷ , nhưng giống nhau ở chỗ « tại vị 3 ngày « : Lê Long Việt và Dương văn Minh . Ông thứ nhất bị em giết ( 1005 ) , ông thứ hai « chờ ( các ) anh tới để bàn giao « ( 1975 ) !
Tháng tư . Cái tên Thái Bình phải chăng do khách thương hồ đặt cho vùng biển đông châu á ? Khi tôi học tên nó ở nhà trường , nó là niềm kiêu hãnh của quê hương , một quê hương có hình cong chữ S , là bao lơn trông ra biển Thái Bình . Nên có một thời Hội An thương thuyền tấp nập , một thời Cam Ranh tàu chiến ra vào . Không có biển , Khái Hưng không " vẻ " ra đựợc Vọi , Tế Hanh không viết đựoc » những con cá tươi ngon thân bạc trắng " , Phạm Duy không có « Nha Trang ngày về « . Không có biển , » ngày mai em đi « , ai nhớ người , gọi tên trong « nhạc Trịnh « ? Không có biển , làm sao có nước-mắm để dân tộc ta trường tồn ? Từ 1975 tôi càng mang ơn biển . Biển cưu mang « nguời di tản buồn « , sanh ra « thuyền nhân « trong ngôn ngữ Việt Nam ( hay « boat people « trong tự điển nhân lọai ) ? Người ta ước đóan có 1 triệu người Việt vượt biển tìm tự do nhưng chỉ có phân nửa là đến được bến bờ . Nghĩa là có 500.000 thuyền nhân chết trên biển cả . Chết vì lạc hướng , vì bão tố , vì hải tặc , vì đói khát , chết như thế nào thì cũng là chết , những cái chết đớn đau không thể tưởng tượng đựoc , không thể hình dung nổi trong trí óc loài người . Cho đến khi đọc bài viết , nghe lời thuật của chính những nạn nhân , mới biết rằng « địa ngục không ở đâu xa , nó nằm ngay trên biển Thái Bình « . Và chém sâu trong tâm khảm người trong cuộc , và lụi vào trong trái tim nạn nhân những vết thương không bao giờ khép lại ! Như người đàn ông mất vợ , chết con Nguyễn Ngọc Ngạn . Như Nhật Tiến , Đỗ Phương Khanh , Dương Phục , Vũ Thanh Thủy những nhà văn , ký giả bị tàu Thái Lan kéo vào đảo Kra . Kra : một trong những hòn đảo kinh hoàng nhất của thuyền nhân Việt Nam ! Một cô bạn chung trường với tôi bị kéo vào đảo này năm 80 . Năm 2003 tôi đuợc biết cô sinh viên xuất thân trường « đầm « lanh chanh , nhí nhảnh năm xưa , bây giờ đã trở nên « khật khùng « !!! Thái Bình nào cho « người con gái da vàng « ấy ?
Tháng tư . Dường như , nói đến tháng tư người ta chỉ nhớ đến tháng 4-75 . Có ai còn nhớ tháng tư 3 năm trước đó : 4-1972 ? Ở mặt trận Tân Cảnh ( Kontum ) , 600 thiên thần mũ đỏ của tiểu đoàn 11 Dù đã nhảy xuống « Cải Cách « , cao độ 960 , ngày 2/4 . Cùng với 2 tiểu đoàn bạn 2 và 7 , 11 Dù được lệnh bảo vệ Tân Cảnh trước một đối phương chơi màn « lấy thịt đè người « bằng cái quân số đông gấp mấy lần gồm 2 sư đoàn Thép và Sao Vàng cùng 1 trung đoàn chiến xa đuợc yểm trợ bởi một trung đoàn pháo ( Phan Nhật Nam – Mùa Hè Đỏ Lửa ) . 14/4 , sau gần 2 tuần nằm chịu pháo và chiến thuật « biển người « thí quân của địch , 11 Dù bắt buộc phải rút , bắt buộc phải bỏ lại Charlie những chiến hữu đã nằm xuống ( điều tối kỵ của Nhảy Dù ! ) trong đó có con chim đầu đàn của tiểu đoàn : Cố Đại Tá Nguyễn đình Bảo . Cũng trong tháng tư 72 , ngày 21 , ở ngã ba Xa Cam , trên đường tiến quân giải vây An Lộc , Lê Hoàng Vân , Đại Đội Trưởng đại đội 3 , tiểu đoàn 8 Dù , đã vị quốc vong thân ! Nhớ , mùa hè năm 2003 , đến nhà bạn ta lần đầu , ngỡ ngàng tôi nghe bạn kể « Lúc đó moa đang học trên Đà Lạt , nghe điện thọai ông già kêu về : anh con mới tử trận « , rồi tôi cũng nghe chính chị H. , bã xã anh Vân , thuật lại về cái chết của anh ! Ôi tháng 4/1972 , bao nhiêu người đã ngã xuống để bảo vệ quê hương ? Làm sao mà quên ? Cách gì mà chẳng nhớ ? 41 năm sau , nhớ tháng tư , cũng là nhớ lại những ngày đầu mùa-hè-đỏ-lửa , nhớ Kontum , An Lộc , Huế , Quảng Trị , Bình Định , Tam Quan … 41 năm sau , cách quê hương nghìn dặm , có người » thành thị « miền nam thì thầm những câu hát Charlie thay cho tiếng kinh cầu .
Tháng tư bao giờ cũng là tháng tư dầu có tháng tư đen , tháng tư đỏ . Những lời ca Phạm Duy « Tháng tư đen / xin cúi đầu mình xuống . Khóc quê hương / trói trong tay bạo cường .. « , những thây người đỏ máu , từ mặt trận Phan Rang đến phát súng bắn vào đầu của những Trần Bình Trọng miền Nam ! Tháng tư « nếu có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn « . Đó là câu nói của ông Võ Văn Kiệt ở những ngày cuối đời . Câu nói đó chỉ có nửa phần đúng . Vâng, có một triệu người vui nhưng có đến mấy chục triệu người buồn , thưa ông . Chỉ nói đến người vượt biển không thôi thì đã là một triệu , thêm vào số quân nhân QLVNCH và gia đình của họ thì câu nói của Võ Thủ Tướng đã không đúng với thực tế . Dĩ nhiên ông Võ cũng biết ông nói gì và dĩ nhiên không ai vạch lá tìm sâu đi bắt bẻ câu nói đó . Ông Võ đã nói lên điều « không có chuyện CẢ nước hồ hỡi ăn mừng ngày 30/4 « , điều mà chưa có một nhân vật quan trọng nào trong Bắc Bộ Phủ công nhận !
Tháng tư , ngày cuối , năm nay . Từ phương trời xa , góc phố lạ , tôi thắp ngọn nến cho quê hương nghìn trùng , thắp nén nhang cho người nằm xuống trong đạn bom , trong lao tù hay trên đường vượt thóat . Nến lung linh thay lời khấn nguyện , nhang hương bay thơm tiếng kinh cầu . Bình an không chỉ cho những nguời « dưới thế « , xin bình an đến cả những linh hồn uổng tử oan khiên .
Tháng tư . Tôi ôm tháng tư vào lòng , thả từng bước hoang hè phố . Những tháng tư đã qua . Những người cũ đã xa . Những trí nhớ đã già . Những mặt người xa lạ .
Chỉ còn đó buồn tôi tơi tả .
Gió vô tình rắc kín bãi tha ma !
BP