Nuôi lươn

Hiện nay bà con nông dân có nhiều cách nuôi lươn như là nuôi nhử ở ao, nuôi lươn với giun đất ở liếp, nuôi lươn ở bể xi măng hoặc ao bồn nylon... Trên miền núi trong các vùng khe sâu hoặc đầm lầy có nhiều giống lươn to và thịt ngon. Tuy vậy hiện nay những giống lươn đó vẫn chưa được khai thác. Với những cách nuôi lươn như hiện nay, thiếu nhi chúng ta cũng có thể cùng gia đình tận dụng được nguồn giống lươn tự nhiên đó. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn cách nuôi lươn phổ biến nhất hiện nay là nuôi nhử ở ao.

1. Chuẩn bị nơi nuôi lươn

Chọn ao đất thịt, bờ chắc ít hang hốc, rộng từ 4m trở lên. Dọn bớt cây cỏ um tùm ở ao và bờ, nện chặt các hang hốc nơi bờ xung yếu. Bờ ao phải cao hơn mức nước 0,5m, nạo vét các cây cỏ mục mùn bẩn ở đáy ao. Bón vôi 7-10kg tẩy trùng và tháo khô phơi nắng ao từ 5-7 ngày. Xung quanh ao nuôi có lưới chắn bao quanh.

Cho nước vào ao 0,3 - 0,5m. Dùng cỏ mực, cây và tàu lá chuối khô, rơm rạ mục chất đống ở đầu ao và 1 phần ở mé ao nếu nơi nuôi rộng.

Dùng phân gà, lợn 10 - 20kg rải lớp dày 0,1 - 0,2m trên dùng cỏ, lá cây, lá chuối khô phủ kín. Cho các loại giun đất, giống vào đống phân để tự chúng sinh sản để tạo thức ăn tại chỗ cho lươn.

2. Chuẩn bị lươn giống:

Nên chọn lươn có màu vàng sẫm, vì đây là loại lươn phát triển tốt nhất. Kích thước lươn giống thả nuôi tốt nhất 40 - 60 con/kg. Lươn giống thả nuôi phải cùng cỡ, khỏe mạnh. Mật độ thả nuôi tốt nhất từ 60 - 80 con/m2.

3. Chăm sóc lươn:

Lươn nuôi cần phải trải qua quá trình thuần hóa để quen với thức ăn. Giai đoạn từ 7 - 10 ngày đầu cho lươn ăn giun đất vào buổi tối. Sau đó, từ từ tập cho lươn ăn sớm hơn, khi lươn ăn mạnh, có thể cho ăn 2 lần/ngày.

Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, nên chuẩn bị các loại thức ăn cho lươn như là cá, ốc, cua tép, chuột... mang về xay ra cho lươn ăn. Không nên cho lươn ăn thức ăn bị hôi thối, thức ăn thừa cần được vớt bỏ ra ngoài, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường nước.

Cần tạo điều kiện cho lươn ăn đầy đủ, nhất là chất đạm, bổ sung cám, gạo, nông phẩm... Sau một thời gian phải bổ sung cây chuối khô, cỏ khô, phân chuồng vào ao nuôi. Lươn rất kỵ nước bẩn, vì thế nếu nước ao có mùi hôi thối, màu nước đậm thì phải thay nước mới

4. Phòng bệnh cho lươn:

Các chứng bệnh ở lươn thường gặp là bệnh sốt nóng, lở loét, bệnh nấm thủy mi, bệnh tuyến trùng, bệnh đĩa...

+ Bệnh lở loét ở lươn: Trước khi nuôi cần phải sát trùng ao nuôi bằng vôi hoặc phun thuốc Streptomycin. Cứ 50 kg lươn dùng 5g Oxytetra trộn vào thức ăn cho lươn ăn, có thể trộn kèm với vitamin C, thời gian điều trị 5 - 7 ngày. Trực tiếp bôi thuốc tím vào vết loét.

+ Bệnh tuyến trùng, có thể phòng trị bằng các sản phẩm diệt nội ký sinh trùng như Vemedim, Bayer, Annova... trộn vào thức ăn, cho lươn ăn liền trong 4 - 5 ngày.

- Bệnh sốt nóng: Bệnh do nuôi với mật độ dày, dịch nhầy lươn tiết ra, lên men và khi nhiệt độ nước tăng lên hàm lượng oxy giảm.

Lúc này cần giảm mật độ nuôi, thay nước, thả tạm vài con cá trê để chúng ăn thức ăn thừa đề phòng lươn cuốn vào nhau, bảo đảm tốt chất lượng nước. Khi phát hiện bệnh có thể dùng dung dịch Sulphate đồng 0,07%, mỗi mét khối nước, tưới 5ml dung dịch trên trong toàn bể.

- Bệnh đỉa: Do đỉa bám vào phần đầu lươn gây ra để phá hoại mô bì hút máu lươn gây viêm nhiễm, lươn yếu, chậm chạp, kém ăn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của lươn. Dùng các loại sản phẩm trị ngoại ký sinh để điều trị, nên dùng theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông

5. Thu hoạch lươn

Khi thu tỉa lươn lớn phải dùng dụng cụ có kẽ thưa vừa phải để thả mồi, khi đó lươn vào ăn mồi, lươn nhỏ sẽ lọt ra ao, còn lươn lớn còn ở lại. Ngoài ra còn có thể đặt trúm, đặt lờ bắt lươn.

Thiết kế bởi Khấu Vĩnh Công - Chịu trách nhiệm về nội dung: Khấu Vĩnh Công
Trường THCS Tân Bửu, địa chỉ: Ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Email:thcstanbuu.gddtbl@gmail.com - Điện thoại: 072. 3648.614