Kế Hoạch Đổi mới phương pháp dạy học

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BẾN LỨC

TRƯỜNG THCS TÂN BỬU

Số: 73/KH-THCSTB

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Tân Bửu, ngày 15 tháng 10 năm 2011

KẾ HOẠCH

Đổi mới phương pháp dạy học chống kiểu dạy học “Đọc chép”

Năm học 2011-2012

Năm học 2011-2012 là năm học quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ IX, Nghị quyết Đại hộ Huyện Đảng bộ lần thứ X với mục tiêu là Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước và của huyện nhà.

Thực hiện Kế hoạch số 561/GDTrH ngày 29/08/2011 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Bến Lức về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Bửu xây dựng Kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học chống kiểu dạy học “Đọc chép” năm học 2011-2012 như sau :

I. Đặc diểm tình hình:

Năm học 2011-2012, nhà trường có tổng số cán bộ, giáo viên và nhân viên là 32, trong đó có 27 giáo viên trực tiếp giảng dạy được chia thành 4 tổ chuyên môn. 100 % giáo viên có trình độ đạt chuẩn trong đó có 14 thầy cô có trình độ trên chuẩn, 2 thầy cô đang học Đại học tại chức. Số học sinh là 438 em chia thành 13 lớp; trong đó khối 6 có 140 học sinh, khối 7 có 106 học sinh, khối 8 có 91 học sinh và khối 9 có 101 học sinh.

Nhà trường có tổ chức chi bộ Đảng gồm 8 Đảng viên, đạt cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo trong toàn bộ hoạt động của nhà trường. Các tổ chức: Công đoàn, Đội thiếu niên, Hội cha mẹ học sinh đều hoạt động tích cực, góp phần cùng nhà trường hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học.

Về sơ sở vật chất, nhà trường có hàng rào kiên cố, có cây xanh và nhà vệ sinh sạch, nguồn rác được xử lí hàng ngày, có hệ thống nước sạch phục vụ cho giáo viên và học sinh. Số phòng học là 10 phòng và 6 phòng chức năng (1 phòng thiết bị, 3 phòng thí nghiệm, 1 phòng phục vụ cho thư viện và 1 phòng máy tính với 20 máy có nối mạng Internet phục vụ dạy Tin học cho học sinh) và 1 văn phòng.

1. Thuận lợi:

- Trường THCS Tân Bửu được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Hội Cha mẹ học sinh và các cấp quản lí giáo dục.

- Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giáo viên ổn định, đạt chuẩn về trình độ, vững về tay nghề, an tâm công tác.

- Đa số giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng và khai thác hiệu quả mạng Internet.

- Cơ sở vật chất nhà trường bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

- Đa số cha mẹ học sinh quan tâm đến công việc học tập của con em.

2. Khó khăn:

- Học sinh địa bàn phân bố rộng, đa số thuộc vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn nên gặp nhiều khó khăn trong việc giáo dục của nhà trường và học tập của các em.

- Môi trường xã hội xung quanh còn nhiều phức tạp nên ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường.

- Một số cha mẹ học sinh do phải đi làm ở các xí nghiệp nên việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục các em còn hạn chế.

- Một số học sinh do chưa có ý thức thái độ học tập đúng đắn, còn ham chơi, chán học, thiếu sự quan tâm chặt chẽ của gia đình.

- Đội ngũ giáo viên đủ nhưng chưa đồng bộ, có môn thừa giáo viên nhưng có môn chưa có giáo viên chính quy (Âm nhạc).

- Việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường thực hiện chưa triệt để, chưa phân loại tốt mức độ đổi mới phương pháp của từng giáo viên. Thi đổi mới phương pháp dạy học cấp trường chưa tổ chức đánh giá hết 100% số giáo viên của trường.

II. Mục đích yêu cầu thực hiện đổi mới PPDH chống kiểu dạy học “Đọc chép”

1. Mục đích:

- Đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, phát huy hiệu quả việc sử dụng thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục;

- Đánh giá mức độ thực hiện đổi mới phương pháp của từng giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng, giúp đỡ giáo viên chưa thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học.

2. Yêu cầu:

Những yêu cầu quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là:

- Bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình (căn cứ chuẩn của chương trình cấp THCS và đối chiếu với hướng dẫn thực hiện của Bộ GDĐT);

- Phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của HS và vai trò chủ đạo của GV;

- Thiết kế bài giảng khoa học, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh, thiết kế hệ thống câu hỏi hợp lý, tập trung vào trọng tâm, tránh nặng nề quá tải (nhất là đối với bài dài, bài khó, nhiều kiến thức mới); bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc không nắm vững bản chất;

- Sử dụng hợp lý sách giáo khoa khi giảng bài trên lớp, tránh tình trạng yêu cầu học sinh ghi chép quá nhiều theo lối đọc - chép;

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện nghe nhìn, thực hiện đầy đủ thí nghiệm, thực hành, liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài học;

- Giáo viên sử dụng ngôn ngữ chuẩn xác, trong sáng, sinh động, dễ hiểu, tác phong thân thiện, khuyến khích, động viên học sinh học tập, tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm;

- Dạy học sát đối tượng, coi trọng bồi dưỡng học sinh khá giỏi và giúp đỡ học sinh học lực yếu kém.

- Đối với các môn học đòi hỏi năng khiếu như: Mĩ thuật, Âm nhạc, Thể dục cần coi trọng truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ năng, bồi dưỡng hứng thú học tập, không quá thiên về đánh giá thành tích theo yêu cầu đào tạo chuyên ngành hoạ sỹ, nhạc sỹ, vận động viên.

- Tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, thông qua công tác bồi dưỡng giáo viên và dự giờ thăm lớp của giáo viên, tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn, hội thảo cấp trường, cụm trường, địa phương, hội thi giáo viên giỏi các cấp.

III. Nội dung thực hiện đổi mới PPDH chống kiểu dạy học “Đọc chép”

1. Tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp pháp dạy học ở các bộ môn.

- Tổ chức hội thảo đổi mới phương pháp dạy học cấp THCS ở một số môn học trong các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn.

- Hiệu trưởng tổ chức đánh giá cụ thể mức độ thực hiện đổi mới phương pháp của từng giáo viên trong nhà trường để xếp loại, phân loại.

2. Thực hiện bồi dưỡng cho cán bộ quản lí, giáo viên một số chuyên đề về :

- Tin học: ứng dụng các phần mềm vào giảng dạy, quản lí nhà trường. Các tổ chuyên môn tổ chức trao đổi soạn bài giảng điện tử, ứng dụng phần mềm vẽ bản đồ tư duy trong thiết kế bài giảng.

- Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên các chuyên đề chuyên môn và triển khai giới thiệu các phương pháp dạy học tích cực cho giáo viên.

- Đẩy mạnh phong trào thi đua làm đồ dùng dạy học và tham dự hội thi ĐDDH cấp trường, cấp huyện .

3. Đối với giáo viên bộ môn:

Để thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học chống kiểu dạy học “Đọc chép” cần thực hiện linh hoạt các nội dung sau:

- Đổi mới việc thiết kế và chuẩn bị bài dạy học.

- Cải tiến các phương pháp dạy học truyền thống.

- Kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học.

- Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin trong dạy học.

- Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh.

- Tăng cường các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn.

- Bồi dưỡng phương pháp học tập cho học sinh.

- Cải tiến việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

IV. Tổ chức thực hiện :

a. Nhà trường:

- Xây dựng kế hoạch và triển khai đến các tổ chuyên môn.

- Tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch của các tổ chuyên môn để nắm tình hình hoạt động, uốn nắn nhắc nhở các tổ chuyên môn thực hiện chưa tốt, phát huy những tổ thực hiện tốt kế hoạch .

- Thực hiện cáo báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

b. Các tổ trưởng chuyên môn:

Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và báo cáo hàng tháng cho Hiệu trưởng về công việc thực hiện trong tháng (gửi báo cáo vào đầu tháng) và báo cáo tổng kết công tác Đổi mới phương pháp dạy học chống kiểu dạy học “Đọc chép” theo nội dung kế hoạch đề ra.

c. Giáo viên bộ môn:

Mỗi giáo viên thực hiện một sáng kiến đúc kết kinh nghiệm về việc thực hiện một đổi mới phương pháp dạy học phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh nộp cho trường (Dù không đăng kí chiến sĩ thi đua cơ sở), trên cơ sở đó Hiệu trưởng xem và đánh giá việc thực hiện đổi mới phương pháp của giáo viên .

Trên đây Kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học chống kiểu dạy học “Đọc chép” năm học 2011-2012 của Trường THCS Tân Bửu. Các bộ phận sẽ cụ thể hoá kế hoạch hoạt động bằng những giải pháp cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tình hình thực tế của trường./.

Nơi nhận:

- Phòng GD-ĐT Bến Lức (để báo cáo)

- Phó Hiệu trưởng (để chỉ đạo);

- Các Tổ trưởng Chuyên môn (để thực hiện);

- Các Đoàn thể (để phối hợp);

- Website:thcstanbuu.schoolofficelive.com

- Lưu VP.

HIỆU TRƯỞNG

Khấu Vĩnh Công

PHỤ LỤC

Kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học chống kiểu dạy học “Đọc chép”

Năm học 2011-2012