Nuôi cá rô

Cá rô đồng phân bố tự nhiên trong các vùng nước tĩnh lặng như ao, hồ, đầm, ruộng ở cả hai miền Nam Bắc; trên cả vùng miền núi và vùng đồng bằng. Cá rô đồng ăn tạp và rất dễ nuôi, đó là loài cá có khả năng sử dụng nhiều loại thức ăn khác nhau như: Cám, tấm và cả các loại chất thải của chăn nuôi.

1. Đặc điểm sinh học của cá rô đồng

- Sinh trưởng:

Cá rô đồng lớn nhất có thể đạt 4 lạng/1 con, còn loại cá thường gặp chỉ nặng từ nửa lạng cho đến 1 lạng. Trong tự nhiên tuổi thọ của cá rô đồng có thể đạt từ 5-6 năm. Cá rô đồng lớn chậm, năm đầu tiên chiều dài của cá đạt từ 9cm đến10cm, năm thứ 2 chiều dài đạt từ 12cm đến 13cm, năm thứ 3 chiều dài từ 16 cm đến 17cm. Trong quần thể cá ở đồng ruộng và các ao đầm, cá từ 2 đến 3 tuổi thường chiếm ưu thế (60-70%).

- Dinh dưỡng:

Cá rô đồng là loại cá ăn tạp, thiên về ăn các loại động vật nhỏ. Thành phần ăn của cá cũng rất đa dạng.

+ Động vật gồm: Giun, dế, tôm, tép, trứng cá, cá con, trứng ếch nhái, cào cào...

+Thực vật gồm: Lá rong, bèo, hạt cỏ, lúa, cùng với mùn bã hữu cơ.

+Cá rất tích cực tìm mồi và phàm ăn. Cá sẽ rất béo sau mùa sinh sản.

- Sinh sản:

Cá rô đồng 1 năm tuổi đã thành thục các hoạt động bảo tồn nòi giống, cá đực thân thấp và dài hơn cá cái. Sức sinh sản của cá khá lớn: Cỡ cá từ 15cm - 17 cm có số lượng trứng từ 90.000 - 130.000 trứng. Trứng hình bầu dục nổi, mùa cá đẻ từ tháng 4 - tháng 6, thường đẻ rộ vào mùa mưa rào.

2. Chọn ao nuôi cá

Ao có sẵn hay ao mới đào đều có thể cải tạo để nuôi cá. Diện tích ao tuỳ thuộc vào điều kiện của từng gia đình, có thể từ vài trăm mét vuông đến vài mẫu, nhưng tốt nhất diện tích nên lớn hơn 500m2, độ sâu từ 1,5-2m.

Bờ phải cao hơn mực nước cao nhất trong ao 0,3-0,5m bao lưới xung quanh ao, chiều cao lưới 0.5m để tránh nước tràn bờ, cá thoát ra ngoài. Không quá rợp để ao tiếp nhận nhiều ánh nắng mặt trời giúp cho các sinh vật là thức ăn cho cá phát triển tốt.

Trước khi thả cá, cần phải xử lý ao thật kỹ:

- Tháo cạn nước ao và dọn sạch rác, bắt hết cá tạp và địch hại như (rắn, cua, ếch, ba ba, chão chuộc...) Vét hết lớp bùn thối lâu ngày ở dưới đáy ao, chỉ đế lại một lớp bùn mới khoảng 10cm.

- Rải vôi bột đáy ao và bờ ao để diệt khuẩn và điều chỉnh độ PH, liều lượng sử dụng: 7-10kg/100 m2. Sau đó phơi nắng đáy ao từ 2-3 ngày.

- Bón lót phân chuồng (25-30kg/100m2 ao) và lá dầm (30-35kg/100 m2 ao) để gây màu nước.

- Lấy nước vào ao khoảng 20-30 cm, ngâm khoảng 5 ngày rồi lấy thêm nước cho đạt mức quy định. Lưu ý nước lấy vào ao phải qua lưới lọc để ngăn chặn rác và cá tạp.

3. Con giống

- Giống: Chọn giống khỏe mạnh, không xây xát, dị tật, dị hình, kích cỡ đồng đều.

- Mật độ thả: 30 - 50 con/m2 cỡ giống 500con/kg. Tuỳ theo mức độ đầu tư thức ăn và chế độ thay nước mà có thể chọn mật độ thích hợp.

Thả cá vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

4. Thức ăn - chăm sóc:

- Thức ăn: Dựa vào đặc tính ăn tạp và dễ chuyển đổi thức ăn của cá rô đồng, người nuôi có thể sử dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như tấm, cám, rau xanh, bột cá, cá tạp, cơm dừa... để chế biến cho cá ăn.

Ngoài thức ăn tự chế biến, người nuôi có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên có bán trên thị trường.

- Chăm sóc:

+ Thông qua sàng ăn để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh dư thừa.

+ Cần giữ nước ao luôn sạch bằng cách quản lý thức ăn tốt, khi thấy nước bẩn, cần thay nước từ 20-30% lượng nước ao. Để nuôi cá đạt giá trị thơm, ngon, không có mùi hôi, người nuôi không nên đưa chất thải chăn nuôi xuống ao hay bắc cầu....

5) Thu hoạch:

Sau 4 - 5 tháng nuôi có thể thu hoạch, lúc này cá đạt cỡ từ 80g-100g/ con. Cá rô đồng nếu đầu tư chăm sóc tốt tỉ lệ sống đạt cao, trên 80% và có thể cho năng suất 20-25 tấn/ha/vụ.

Thiết kế bởi Khấu Vĩnh Công - Chịu trách nhiệm về nội dung: Khấu Vĩnh Công
Trường THCS Tân Bửu, địa chỉ: Ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Email:thcstanbuu.gddtbl@gmail.com - Điện thoại: 072. 3648.614