Di tích Nguyễn Trung Trực

Di tích lịch sử: "Khu vực Xóm Nghề” - Quê hương anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

1./ Tên gọi di tích:

Khu vực Xóm Nghề thuộc Thôn Bình Nhựt – Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An nay là xã Thạnh Đức huyện Bến Lức tỉnh Long An. Người ta gọi khu vực này là Xóm Nghề vì khi xưa dân cư sống ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Nơi đây vào năm 1838 Nguyễn Trung Trực đã khóc tiếng khóc chào đời và cũng chính vị anh hùng này đã làm rạng danh cho Tổ quốc.

2. Địa điểm phân bố - đường đi đến di tích:

2.1/ Địa điểm phân bố:

Di tích tọa lạc tại (Thôn Bình Nhựt – Tổng Cửu Cư Hạ huyện Cửu An – Phủ Tân An) nay là ấp 1 xã Thạnh Đức – huyện Bến Lức tỉnh Long An. Năm 1698 Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lấy đất Nông Nại làm Phủ Gia Định gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình. Phần đất di tích ngày nay lúc ấy thuộc về huyện Tân Bình Phủ Gia Định. Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long đổi Phủ Gia Định thành Trấn Gia Định. Đến năm 1808 vua Gia Long đổi trấn Gia Định làm Thành Gia Định thống quản 5 trấn là: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên. Huyện Tân Bình thuộc Trấn Phiên An được nâng lên thành Phủ gồm 4 huyện Bình Dương, Tân Long, Thuận An, Phước Lộc. Lúc này làng Bình Nhựt thuộc huyện Thuận An Phủ Tân Bình.

Năm 1832 Vua Minh Mạng phân bố lại địa lý hành chính phía Nam, chia đất Gia Định làm 6 tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, cũng năm này hai huyện Thuận An, Phước Lộc được tách khỏi Phủ Tân Bình lập Phủ mới lấy tên là Tân An Phủ Lỵ đóng ở Thôn Bình Khuê gần chợ Cai Tài. Năm 1836 Vua Minh Mạng dẹp xong khởi nghĩa Lê Văn Khôi, đổi tên Tỉnh Phiên An thành tỉnh Gia Định. Năm 1837 huyện Thuận An được đổi thành huyện Cửu An thuộc Phủ Tân An tỉnh Gia Định.

Sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ 1867 thực dân Pháp lập Tham Biện (Inperteur) cai trị Phủ Tân An và dời phủ Lỵ về làng Nhơn Thạnh Trung, rồi sau đó dời về làng Bình Lập. Đến 1899 chế độ tham biện được thay thế bằng chế độ Tỉnh Trưởng. Tỉnh Tân An được thành lập phần lớn đất huyện Cửu An thành Thủ Thừa. Năm 1956 Tổng thống Ngụy Quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143/NV ngày 20/10 thành lập tỉnh Tân An trên cơ sở sát nhập hai tỉnh Tân An và Chợ Lớn, Bình Nhựt vẫn thuộc quận Thủ Thừa. Năm 1977 Thủ Thừa hợp nhất với Bến Lức thành huyện Bến Thủ. Nhưng đến năm 1983 lại tách ra làm hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa như trước, nay Bình Nhựt thuộc xã Thạnh Đức huyện Bến Lức.

2.2/ Đường đi đến di tích:

Du khách có thể đến di tích bằng các ngã đường sau:

- Đường bộ: du khách đến Thị xã Tân An theo quốc lộ I về phía TP.Hồ Chí Minh 12km đến ngã tư Bình Nhựt, đi tiếp 100m nữa quẹo trái theo con đường đất 800m thì đến di tích.

- Đường thủy: du khách theo dòng Vàm Cỏ Đông đến Thị trấn Bến Lức, từ đây đi tiếp theo quốc lộ I về phía Tây 1km thì đến ngõ rẽ vào di tích.

3./ Sự kiện và nhân vật lịch sử.

3.1/Vài nét về quê hương anh hùng Nguyễn Trung Trực:

Dãi đất dọc sông Thuận An (Vàm Cỏ Đông) nơi anh hùng Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên đã có một lịch sử lâu đời. Vào thế kỷ thứ VI khi Nam Bộ còn thuộc Vương quốc Chân Lạp, cư dân lúc ấy còn thưa thớt, rừng rậm mọc dày. Năm 1296 Châu Đạt Quan sứ thần nhà Nguyễn đi sứ Chân Lạp còn thấy: “…, những cửa của các con sông lớn chạy dài hàng trăm dặm, bóng mát um tùm của những cây cổ thụ và cây mây dài tạo thành chỗ trú xum xuê”. Từ thế kỷ 16 lưu dân người Việt từ Phương Bắc đã tiến vào khai phá đất hoang, lập thành làng xóm. Vào 1623 dưới thời chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên khi nhà Nguyễn vào lập đồn binh ở Praynokor (Sài Gòn) thì vùng đất phía Nam người Việt đã sinh sống thành làng đông đúc. Trong cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài gần 1 thế kỷ những người dân nghèo túng chán ghét cảnh cốt nhục tương tàn đã tiến vào Nam. Họ theo các cửa sông, ngược lên thượng lưu và khai phá đất đai màu mỡ ở hai bên bờ sông. Vùng đất dọc sông Thuận An đã được khai phá trong thời gian này. Cao tổ của Nguyễn Trung Trực, ông Nguyễn Văn Đạo là 1 trong những lưu dân đầu tiên khai phá làng Bình Nhựt. Đến 1705 khi Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân dẹp xong giặc Cao Miên rồi lập đồn điền ở Vũng Gù (Tân An), đào kênh Bảo Định nối sông Vũng Gù với sông Mỹ Tho thì vùng đất thuộc lưu vực hai con sông Vàm Cỏ đã được khai phá về cơ bản. Học giả Lê Quí Đôn 1776 vào Nam có viết Phủ Gia Định, xứ Đồng Nai từ các cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, Cửa Tiểu, cửa Đại toàn rừng rậm, họ Nguyễn mới chiêu mộ những dân có vật lực ở các Phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Qui Nhơn xứ Quảng Nam dời tới đây chặt phá mở mang hết thảy thành bằng phẳng, đất màu mỡ, do đó thóc rất nhiều. Người giàu ở địa phương hoặc 40, 50 nhà, hoặc 20, 30 nhà. Mỗi nhà điền nô 50, 60 người, trâu bò 300, 400 con cày bừa cấy gặt rộn ràng không rỗi. Hàng năm đến tháng 11, 12 thường giả thành gạo bán lấy tiền ăn tết. Sử liệu trên phản ánh phần nào mức độ phát triển kinh tế của Phủ Gia Định lúc bấy giờ, trong đó có vùng đất ven sông Vàm Cỏ Đông. Đầu thế kỷ 19 Trịnh Hoài Đức đã ghi nhận “Dọc theo sông Bến Lức, phố xá trù mật, có bán ghe nhỏ, than củi, dầu rái, bao lác và buồm ghe,…ở bờ Nam sông ấy, quán xá trù mật ghe thuyền đi lại tạm đình đợi nước lên sẽ đi vào Nam hay ra Bắc”. Thôn Bình Nhựt cách Chợ Phước Tú (Thị trấn Bến Lức ngày nay) Lỵ Sở của huyện Tân Long chưa đầy 100m chắc chắn là một nơi trù phú. Sông Thuận An tức sông Vàm Cỏ Đông là một thủy lộ quan trọng trong việc thông thương giữa Miền Đông và Miền Tây nhất là từ lúc đào con kênh Thủ Thừa nối liền hai con sông Vàm Cỏ. Tháng 2 năm Canh Tuất Chúa Nguyễn cho đắp quan lộ. “…từ Tân Thuận qua chùa Kim Chương do phố Sài Gòn đến cầu Bình An qua gò Tuyên Tự đến Bến Thủ Đoàn, qua sông Hưng Hòa (đoạn sông Vàm Cỏ Tây chảy qua Thị xã Tân An) đến Gò Trấn Định…Đường sông thẳng như tấm đá mài, gọi là đường thiên lý của Miền Nam”. Con đường này qua sông Vàm Cỏ Đông làm cho vùng đất ven sông có một vị trí chiến lược, là một trong những địa điểm xung yếu nhất trong vành đai bảo vệ Tỉnh Thành Gia Định về phía Tây, phía Nam, kiểm soát được khu vực này là kiểm soát cả 1 vùng đất từ biên giới Cao Miên đến Tây Ninh, Bến Lức, Gò Công, bởi thế vùng này đã xảy ra nhiều trận giao chiến khốc liệt giữa quân đội Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Người dân ở đây vốn là hậu duệ của những lưu dân buổi đầu dũng cảm vào “phá Sơn Lâm, đâm Hà Bá” mang trong huyết quản một truyền thống cần cù quật khởi. Họ mau chóng hòa nhập với thiên nhiên bao la hùng vĩ, tạo nên một phong cách hào sảng trọng nghĩa khinh tài, đặc trưng của Nam Bộ. Thời xa xưa Bến Lức cũng là nơi có nhiều làng võ và những thầy dạy võ nổi danh trong vùng. Chính vì vậy nơi đây cũng là chốn đi về của những người có tâm huyết, nghĩa khí, những nhà nho yêu nước. Nằm trong bối cảnh chung ấy những người dân Xóm Nghề, Bình Nhựt chắc chắn đã tiếp thu tinh thần thượng võ, tư tưởng nhân nghĩa, dám xả thân vì nghiệp lớn, mà người con anh hùng của họ: Nguyễn Trung Trực đã thể hiện sau này.

3.2/ Tiểu sử anh hùng Nguyễn Trung Trực:

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần… ”

Hai câu thơ của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã tổng kết được cuộc đời oanh liệt của Nguyễn Trung Trực với hai chiến công rực rỡ huy hoàng.

Cao tổ dòng họ Nguyễn là Nguyễn Văn Đạo quê gốc tại Xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định nhân khởi nghĩa Tây Sơn ông dắt gia quyến vào thôn Bình Nhựt, huyện Cửu An lánh nạn. Ở đây ông đã khai khẩn đất hoang, làm ruộng, sinh sống. Dòng họ Nguyễn còn ghi lại gia phả, theo đó Nguyễn Trung Trực là con của ông Nguyễn Văn Phụng, cháu nội ông Nguyễn Văn Đạo.

Nguyễn Trung Trực sinh năm 1838 tại làng Bình Nhựt, huyện Cửu An, Phủ Tân An, lúc nhỏ ông có tên là Chơn, rồi từ 1859 ông đổi tên là Lịch. Do tình hình ngay thẳng và có tên là Chơn nên thầy học đặt cho ông tên Nguyễn Trung Trực. Theo P.Vial một tên thực dân đã có mặt trong buổi đầu xâm lược nước ta Nguyễn Trung Trực có “thân hình vạm vỡ, lòng trung thực, đã qua nhiều phen thử thách, có diện mạo thông minh và thấy là có cảm tình”. Thuở nhỏ Nguyễn Trung Trực sống ở quê nhà bằng nghề làm ruộng và chài lưới.

Địa linh sinh nhân kiệt, vùng đất này hào khí ven bờ Vàm Cỏ Đông đã hun đúc nên “tính cách anh hùng, lý tưởng”. “Xá sinh nhi thủ nghĩa” của Nguyễn Trung Trực – ông là người chí hiếu với mẹ, sớm có lòng yêu nước, tài năng quân sự tuyệt vời.

Ngày 17/12/1859 liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Thành Gia Định đến 10 giờ thì chiếm được Thành. Triều đình Huế cử Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển vào Nam lo việc chống Pháp. Tướng Nguyễn Tri Phương bị thương ở tay phải về Phan Rí điều trị và chờ lệnh Triều đình. Chiến đấu cạnh quân Triều đình ở Chí Hòa còn có một đội quân đồn điền đứng đầu là người dân chài Nguyễn Trung Trực. Đại đồn thất thủ ông không theo quân triều đình lui về Biên Hòa mà rút về Gò Công theo Trương Định tiếp tục chống Pháp. Từ Kiếng Phước, Gò Công Nguyễn Trung Trực được Trương Định giao về hoạt động ở vùng đất Tân An. 10/4/1861 Trung tá Pháp Boudair theo lệnh Đô đốc Charner chỉ huy lính đổ bộ lên bờ sông Bảo Định, toan đánh tỉnh Định Tường. Quân Pháp bị nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chặn đánh, hơn 30 tên bị diệt Trung tá Bourdair chết tại trận. Bọn địch bị thua đau phải dừng lại một ngày để lấy xác đồng đội và hôm sau mới tập trung lực lượng đánh thành Định Tường. Ngày 14/4/1861 thành Định Tường thất thủ vì Tổng đốc Nguyễn Công Nhàn không đánh mà bỏ chạy. Đầu tháng 12/1861 giặc Pháp cho tàu Garonne tuần tiểu dọc sông Vàm Cỏ để kiểm soát vùng đất chiến lược này. Tàu Garonne đậu tại Vàm Nhựt Tảo, cho tiểu hạm L’Esperance chạy vào Rạch khủng bố tinh thần dân chúng. Cũng vào tháng này Nguyễn Trung Trực về Nhựt Tảo cùng nghĩa quân và dân làng bàn kế hoạch đánh tàu. Trưa ngày 10/12/1861 Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân nấp trong 5 chiếc ghe giả vờ là ghe buôn áp sát tàu L’Esperance để trình giấy thông hành. Lúc này thuyền trưởng Parfait mắc kế nghi binh đang đuổi theo một chiếc thuyền của nghĩa quân, viên thuyền phó trúng kế bị nghĩa quân giết chết, tiểu hạm L’ Esperance bị đốt cháy và chìm xuống Vàm Nhựt Tảo cùng với 17 lính Pháp. Người Pháp cho rằng đó là một sự kiện bi thảm đã khích lệ tâm trí người An Nam và gây ra một nỗi xúc động sâu xa cho những người Pháp.

Sau đó tàu trưởng Parfait đã trở lại và ra lệnh triệt hạ làng Nhựt Tảo. Tiếng tăm của Nguyễn Trung Trực vang cả nước làm cho thực dân Pháp hết sức kinh hoàng. Triều đình Huế đã ban thưởng tiền bạc cho ông và nghĩa quân. Bốn nghĩa sĩ tử trận cũng được số tiền phủ tuất gấp bội. Triều đình còn chuẩn tế cho dân chúng làng Nhựt Tảo.

Sau chiến thắng Nhựt Tảo 4/1862 ông đã tập kích và tiêu diệt 1 đồn Pháp ở Thủ Thừa rồi lui về Tây Ninh. Một tháng sau đồn Tân Uyên cũng bị tiêu diệt bởi 2 chiến thuật đột kích sở trường của ông. 16/12/1862 nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã tấn công 1 chiếc tàu kiểu Lorcha ở Rạch Tra giết chết Đại úy Thouroude và một số lính Pháp. Nghĩa quân hoạt động mạnh làm Trung tướng Bonard Tổng chỉ huy quân Viễn chinh Pháp phải vội vã ra lời kêu gọi quân sĩ dưới quyền động viên và trấn an tinh thần của bọn này đang hồi sa sút nghiêm trọng. Đồng thời Bonard treo giá thủ cấp ông 18 vạn quan tiền. 1863 Triều đình cử Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký hàng ước nhường 3 tỉnh Miền Đông cho Pháp, Nguyễn Trung Trực lui về Miền Tây lo việc phòng thủ phần đất còn lại của tổ quốc. Năm 1867 Triều đình Nguyễn cử ông giữ chức Thành Thủ ủy coi việc phòng thủ ở Hà Tiên. Ngày 24/6/1867 Thành Hà Tiên thất thủ Nguyễn Trung Trực lui quân về đóng ở Hòn Chông lấy tư cách Thành Thủ Ủy tập hợp quân lính đánh giặc. Đô đốc De Lagrandlere hay tin đem đại quân xuống đánh, ông phải lui về Rạch Giá. Ở đây Nguyễn Trung Trực tiến hành vận động nhân dân và mã tà chuẩn bị đánh đồn Kiên Giang. Đêm 16/6/1868 ông cùng 100 nghĩa quân tập kích Đồn giết chết tên chánh chủ tỉnh và Trung Úy Sauterne cùng 30 lính Pháp 37 lính mã tà. Tin Kiên Giang thất thủ làm bọn Pháp hết sức kinh hoàng. Đô đốc Pháp Thiếu tướng Ohier đem quân từ Vĩnh Long chiếm lại thành Kiên Giang vào ngày 21/6/1868. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực phải lui về Thất Sơn rồi rút ra đảo Phú Quốc. Đêm 18/9/1868 Việt gian Huỳnh Văn Tấn dẫn đầu Pháp bất ngờ bao vây Phú Quốc. Vì sức yếu thế cô Nguyễn Trung Trực bị bắt, sau những trận kháng cự quyết liệt. Pháp đem ông về Sài Gòn và ra sức khuyến dụ ông đầu hàng, hứa sẽ cho nhiều quyền tước. Ông đã trả lời bọn chúng bằng câu nói mà đến giờ dân chúng vẫn còn truyền tụng “Cho làm Chánh Soái, Phó Soái tôi cũng không thèm. Tôi chỉ muốn một chức thôi, chức gì mà tôi có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây”. Trong ngục tù của thực dân Pháp ông có làm một bài thơ bằng chữ Hán tỏ chí mình nguyên tác như sau:

“Thủ kiếm trùng nhung tự thiếu niên

Yêu gian đảm khí hữu long tuyền

Anh hùng nhược ngộ vô dung địa

Thử hận thâm cừu bất đái thiên.”

Nhà thơ Đông Hồ dịch như sau:

“Theo việc binh nhung thuở trẻ trai

Phong trần hăng hái tuốt gươm mài

Anh hùng gặp phải hồi không đất

Thù hận chan chan chẳng đội trời”.

Người Pháp rất kính trọng ông, Trung Úy Piquet đã nói về ông như sau: “Trực tỏ vẻ tự trọng mà có nhiều nghị lực”. Không mua được ông Pháp giải ông từ Sài Gòn về Kiên Giang xử tử. Ngày 27/10/1868 nhằm ngày 12/9 âm lịch là ngày tang tóc của dân chúng tỉnh Kiên Giang vì phải chứng kiến cảnh người anh hùng bước lên đoạn đầu đài trả nợ non sông. Pháp trường là bãi đất ở Sở Bưu điện Kiên Giang ngày nay. Nguyễn Trung Trực oanh liệt hy sinh để lại một tấm gương anh hùng bất khuất và một câu nói đã đi vào lịch sử: “Chừng nào Tây làm hết cỏ nước Nam, thì lúc đó mới hết người Nam đánh Tây”. Hiện nay lăng mộ và Miếu thờ của ông còn ở Rạch Giá tỉnh Kiên Giang.

Nhân dân ta, kể cả người Pháp đều khâm phục khí tiết của ông., xin đơn cử một câu chuyện cách ngày này 84 năm. Vào 1909, trong một buổi lễ cầu an ở làng Vĩnh Thanh Vân, có viên Chủ tỉnh người Pháp đến dự. Ông này biết chữ Hán và đến đọc câu đối ở khánh thờ cụ Nguyễn Trung Trực trong đình, y cho rằng Hương chức làng nuôi chí chống Pháp nên còn thờ phụng và hương khói cho quân phiến loạn. Trước sự đe dọa của viên Chủ tỉnh, Hương chức làng bèn nhờ ông Le Nestour là một viên chức hưu trí người Pháp can thiệp, ông này bèn đem linh vị và lư hương cụ Nguyễn về lập đền thờ phụng ở Tân Điền, tương truyền rất linh ứng. Chính Nguyễn Thông một sĩ phu yêu nước cùng thời với Nguyễn Trung Trực đã nhận định về ông như sau: “Nguyễn Lịch tính thâm trầm, nghiêm nghị và can đảm là một tấm gương chói lọi”. Thế mới hay hình ảnh Nguyễn Trung Trực vẫn sống mãi trong lòng những người yêu nước, có lương tri.

4./ Loại di tích.

Khu vực Xóm nghề thuộc loại di tích lịch sử (là di tích lưu niệm nhân vật lịch sử). Chính mảnh đất này đã cưu mang nuôi dưỡng Nguyễn Trung Trực thuở thiếu thời và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân nơi đây đã hun đúc nên một con người anh hùng làm rạng danh cho tổ quốc.

5./ Khảo tả di tích.

Khu vực Xóm Nghề nằm về phía Tây hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông đoạn gần Thị trấn Bến Lức. Những người dân gốc Trung Bộ, vốn làm nghề chài lưới khi tránh loạn lạc vào đây đã lập nên Xóm Nghề này. Chính Cao tổ họ Nguyễn là Nguyễn Văn Đạo cũng là người quê gốc ở Xóm Lưới, xã Vĩnh Hội, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đất đai khai phá và mồ mã của dòng họ Nguyễn giờ vẫn còn tại Xóm Nghề. Ngôi vườn xưa của ông Nguyễn Văn Phụng, nơi Nguyễn Trung Trực được sinh ra và lớn lên cũng nằm trong khu vực Xóm Nghề. Tiếc thay ngôi nhà không còn nữa và quan cảnh hiện nay cũng khác xưa nhiều.

Hiện nay ngôi vườn cũng bị bỏ hoang, bần và lá mọc um tùm rộng 900m2 nằm ven bờ Vàm Cỏ Đông.

Để ghi dấu quê hương của một người anh hùng dân tộc năm 1988 Sở VHTT kết hợp với huyện Bến Lức đã xây dựng một bia kỷ niệm tại Xóm Nghề cách quốc lộ I là 800m về phía Bắc. Bia được dựng trên mảnh đất dòng họ Nguyễn đã có công khai phá năm xưa trên con đường rẽ vào Xóm Nghề. Mặt bia quay về hướng chính Nam cách đường vào Xóm Nghề 11,8m.

Bia cao 3,3m được xây bằng xi măng, bên ngoài tô đá mài và đá rửa.

Nền bia là một khối hộp chữ nhật cao 0,5m, mặt nền dài 2,05m, rộng 1,42m được tô láng bằng cimen. Thân bia cao 2,8m có dạng phân nửa hình viên trụ mặt cong ở hướng chính Nam, được tô đá rửa. Thân bia rộng 1,3m, đường cao từ đỉnh sủa vòng cung đến dây cung dìa 0,3m.

Trên thân bia cách đỉnh bia 0,5m người ta gắn một tấm xi măng tô đá mài hình vuông mỗi cạnh 0,5m. Trên đó có dòng chữ : NGUYỄN TRUNG TRỰC (1839-1868).

Phía dưới người ta đắp xi măng lên thân bia tạo thành một mặt phẳng hình chữ nhật dài 1,2m, rộng 1m làm mặt bia. Mặt bia được tô đá rửa trên có ghi:

“Thôn Bình Nhựt, Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, Phủ Tân An, tỉnh Gia Định, thuộc xã Thạnh Đức huyện Bến Lức tỉnh Long An, nơi sinh ra và lớn lên của người dân chài Nguyễn Văn Lịch tức anh hùng Nguyễn Trung Trực đã cùng nhân dân ghi hai chiến công oanh liệt vào lịch sử chống Pháp thế kỷ 19.

“Lửa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm trắng Kiên Giang khốc quỷ thần”.

Dưới cùng người ta gắn 5 thanh xi măng quét vôi trắng trên thân bia, mỗi thanh dài 10cm, cao 45cm để trang trí, trên nền bia có một lư hương để nhân dân đến thắp nhang tưởng niệm vị anh hùng.

6./ Các hiện vật trong di tích:

Nguyễn Trung Trực hy sinh tính đến nay đã hơn một thế kỷ, đối với bọn xâm lược Pháp ông là tội phạm, nên những hiện vật có liên quan tới ông ở Thạnh Đức hiện nay không còn gì. Theo lời con cháu ông Sư Ông Thiện Nghiêm, tục danh Nguyễn Văn Cậy ở chùa Sùng Đức, đường Hùng Vương – TP. Hồ CHí Minh, có giữ một cái mão của Nguyễn Trung Trực. Tuy nhiên Sư ông đã viên tịch cách đây vài năm.

7./ Giá trị lịch sử của di tích.

Di tích lịch sử khu vực Xóm Nghề là địa điểm lưu niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người đã lập nên những chiến tích oai hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Mảnh đất quê hương Bình Nhựt đã gắn bó với Nguyễn Trung Trực thuở thiếu niên, thân thuộc từng ngọn rau tấc đất nơi đã hình thành cho ông những khái niệm đầu tiên của tình yêu quê hương đất nước.

Chính những người dân trên mảnh đất này đã bảo lưu truyền thống kiên cường quật khởi, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa của ông cha đã truyền lại cho anh hùng dân tộc Nguyễn trung Trực trọn vẹn những tinh hoa ấy. Chính từ tình yêu quê hương đất nước và những truyền thống hào hùng của dân tộc, người con của làng quê Bình Nhựt không thể khoanh tay nhìn bọn xâm lăng đang xéo dày tổ quốc, ông đã lập nên những chiến tích huy hoàng mà sử xanh phải ghi tạc muôn đời, thế hệ ngàn sau mãi còn noi dấu. Có thể nói Nguyễn Trung Trực là một người con anh hùng của đất phương Nam đầy hào khí.

Di tích khu vực Xóm Nghề gợi cho chúng ta nhớ về người con trung hiếu vẹn toàn Nguyễn Trung Trực cùng với những địc danh đã đi vào lịch sử và những chiến công của ông, chúng ta không thể nào quên làng quê Bình Nhựt nơi đã nuôi dưỡng hun đúc cho ông những phẩm chất tuyệt vời để rồi từ đó ông làm rạng danh cho xứ sở.

Di tích cũng gợi lại quá trình Nam tiến đầy gian khổ mà hết sức vinh quang của dân tộc ta, vì chính nội tổ của Nguyễn Trung Trực, ông Nguyễn Văn Đạo và những lưu dân thuở ấy là một trong những người đầu tiên vào Xóm Nghề khai hoang lập ấp, để hôm nay chúng ta còn thấy vườn ruộng xanh tươi bên cạnh dòng sông Vàm Cỏ hiền hòa.

Nguyễn Trung Trực đã yên nghĩ trong niềm tôn kính của dân tộc, quê hương ông với tên làng tên đất vẫn gợi nhớ cho những thế hệ tiếp sau bao truyền thống hào hùng niềm tự hào dân tộc bất diệt.

Với những giá trị trên, di tích lịch sử khu vực Xóm Nghề xứng đáng được bảo vệ, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống cho nhân dân.

8./ Trạng thái bảo quản di tích.

Khu vườn nơi Nguyễn Trung Trực sinh ra và lớn lên từ trước tới giờ không được bảo quản tôn tạo đã bị biến dạng bởi tự nhiên và bàn tay tác động của con người.

Bia tưởng niệm xây dựng năm 1988 còn nguyên vẹn, tuy nhiên đất nền bia quá nhỏ, đã sạt gần chân bia, con đường vào bia bằng đất mùa mưa bị xói mòn, khu vực bao quanh bia trơ trọi chưa được tôn tạo nghiêm túc.

9./ Các phương án bảo vệ và sử dụng di tích.

Để phát huy tác dụng của di tích trong viêc giáo dục truyền thống và phục vụ tham quan du lịch, chúng tôi đề nghị những phương án tôn tạo như sau:

- Bảo vệ khu vực vườn cũ của Nguyễn Trung Trực, sắp tới nguyên cứu tìm dữ liệu để phục nguyên về cảnh quan như trạng thái ban đầu để tôn tạo cho du khách có thể hình dung cụ thể về quê hương của vị anh hùng dân tộc. Cần mở rộng diện tích tiến đến đầu tư xây dựng Đền thờ Nguyễn Trung Trực để xứng đáng với tầm vóc của vị anh hùng.

- Bia tưởng niệm trước kia dự kiến quy hoạch trên mảnh đất 500m2 nhưng hiện nay chưa thực hiện. Cần đổ đất xung quanh bằng với diện tích đã quy hoạch, xung quanh trồng hoa kiểng, trồng cây lấy bóng mát để tạo nên một không khí đầm ấm nghiêm trang cho những người đến tham quan và thắp hương tưởng niệm vị anh hùng.

Con đường từ quốc lộ I dẫn vào bia đắp bằng đất mùa mưa sình lầy khó khăn trong việc đi lại, đề nghị nâng cấp con đường tạo điều kiện cho khách tham quan.

Về năm sinh của Nguyễn Trung Trực theo những tài liệu mới nhất mà cuộc hội thảo khoa học năm 1988 tại Kiên Giang công bố ông sinh 1838. Bia tưởng niệm ghi ông sinh 1939 đề nghị điều chỉnh lại để gần với sự thật hơn./