Tượng quan âm nghìn mắt

Đến tham quan phòng trưng bày mỹ nghệ mỹ thuật truyền thống của Bảo tàng tỉnh Long An, du khách gần xa đều thích chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay (Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát) - một hiện vật chạm khắc gỗ độc đáo được các nghệ nhân tỉnh nhà sao chép từ tượng nguyên bản ở Chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc).

Theo kinh Phật và những truyền thuyết dân gian thì Đức Quan Thế Âm Bồ Tát tu luyện được tất cả các phép thần thông quảng đại, thường hay biến hiện ra nhiều sắc tướng để trừ khổ ải cho chúng sinh. Trong các vị Quan Thế Âm Bồ Tát, theo danh hiệu và sắc tướng có một số danh hiệu sau đây: Quan Thế ÂmVô Úy, Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát, Chuẩn Đề Quan Âm, Phật Bà Quan Âm. Trong 5 vị trên Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Phật thần thông quảng đại hay ra tay cứu độ chúng sinh: không đâu Ngài không thấy, không việc gì Ngài không làm được. Do vậy Ngài có sắc tướng là vị Phật nghìn mắt nghìn tay. Vào viếng các ngôi chùa, ta thường thấy các tượng Phật đứng hay ngồi mà có nhiều tay, nhiều mắt... đó chính là những pho tượng thờ Ngài.Theo những nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam và lịch sử Phật giáo thì pho tượng bằng gỗ chạm, sơn son thếp vàng đầu tiên thờ Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát (dân gian quen gọi là là Quan Âm nghìn mắt nghìn tay) được nghệâ nhân Trương Văn Thọ chạm khắc vào năm Bính Thân (1656), cao 3,45, đặt thờ tại chùa Bút Tháp (tỉnh Hà Bắc) đến nay vẫn còn. Tượng thể hiện lòng tin tuyệt đối vào sự toàn năng của Phật Bà Quan Âm: nhìn thấy, xem xét được mọi sự việc, sự vật ở khắp mọi nơi, cứu vớt, cứu khổ mọi người trong mọi lúc... Nghệ nhân đã thành công trong cách bố cục và diễn tả để pho tượng được tự nhiên, cân đối giữa thân người và 21 đôi tay mềm mại xung quanh. Các đôi cánh tay lớn như đang múa, các cánh tay nhỏ được sắp xếp theo vầng hào quang tỏa sáng xung quanh. Trên mỗi lòng bàn tay đều có hình con mắt thể hiện ''nghìn mắt''. Phần bệ tượng thể hiện ''bể khổ trần gian'' với nhiều sóng gió. Con ác thú đội tòa sen và người đội bệ tượng là những kẻ ác bị trừng phạt và được Phật Bà thu phục làm đệ tử. Riêng hoa văn chạm khắc trên bệ tượng mang nét đặc sắc của hoa văn trang trí thời Lê như ''Lưỡng long chầu nhật'', ''Song lân chầu nhật'' - trong đó hình tượng Long (rồng) tượng trưng cho uy quyền của Vua và Lân là biểu tượng cho sự bền vững của triều đại, của quốc gia... Tượng này được xem là cổ vật quý của nước ta và là niềm tự hào to lớn của nền mỹ thuật điêu khắc dân gian Việt Nam trong tiến trình phát triển lịch sử Phật giáo dân tộc.

Vào tháng 9/1978, Côn g ty Mỹ nghệ Mỹ thuật Long An đã cử ông Nguyễn Đức Lưu là họa sĩ, nguyên Giám đốc Công ty, cùng 3 nghệ nhân Huỳnh Văn Định, Huỳnh Măng, Huỳnh Chính Đức trong dòng họ Huỳnh - một trong những dòng họ điêu khắc gỗ truyền thống của Long An, ra miền Bắc nghiên cứu và chép lại tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay từ tượng gốc với tỷ lệ thu nhỏ. Trải qua nhiều khó khăn tưởng chừng như ý định trên sẽ không thực hiện được, nhưng với lòng kiên trì học hỏi, sự yêu nghệ cộng với khối óc thông minh và đôi bàn tay khéo léo... sau 3 tháng 15 ngày tích cực miệt mài làm việc (từ tháng 10/1978 đến giữa tháng 1/1979), những nghệ nhân Long An đã hoàn thành việc sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay từ tượng tượng gốc ở chùa Bút Tháp bằng phương pháp đo đạc bằng dây và ước lượng thu nhỏ bằng mắt thường.

Tượng sao chép được làm bằng gỗ lát hoa, cao 0,69m, rộng 26cm, là bản sao thu nhỏ của tượng gốc với tỷ lệ 1/5. Tượng gồm 3 phần:

-Thân tượng và tay chính: do nghệ Huỳnh Văn Định đảm trách. Thân tượng có 3 đầu và 6 cánh tay liền nhau. Phần chóp có 9 đầu được lắp mão. Xung quanh được chạm 36 cánh tay rời (mỗi bên có 18 tay được chia làm 3 hàng lắp vào thân).

-Hào quang: do nghệ Huỳnh Chính Đức đảm trách. Hào quang tính từ đế lên đến điểm cao nhất có 958 cánh tay rời, mỗi tay được chạm trên đó một con mắt được sắp xếp cách đều nhau.

-Đế tượng (được tính từ tòa sen trở xuống): do nghệ Huỳnh Măng đảm trách. Đây là một khối gỗ chạm thủng không có lắp ghép. Phần đế tượng được chạm khắc nhiều hoa văn li ti rất công phu.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay của các nghệ nhân Long An sau khi hoàn thành đã gây tiếng vang lớn trong giới mỹ thuật miền Bắc lúc bấy giờ. Bộ Văn hóa - Thông tin đã tặng cho 3 nghệ nhân Huỳnh Văn Định, Huỳnh Măng, Huỳnh Chính Đức mỗi người một Bằng khen đột xuất (theo Quyết định số 36 ngày 19/1/1979 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu ký).

Lần đầu tiên ở nước ta mới có một đơn vị và nghệ nhân sao chép thành công tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay - mà đặc biệt là tượng thu nhỏ rất công phu. Đây là kết quả lao động miệt mài sáng tạo của các nghệ nhân Long An. Việc trưng bày, giới thiệu với khách tham quan Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được sao chép thành công từ tượng gốc ở chùa Bút Tháp (Hà Bắc) đã làm phong phú thêm số lượng hiện vật trưng bày của Bảo tàng Long An và làm tăng thêm lòng tự hào về nghề chạm khắc gỗ truyền thống của tỉnh nhà.

Thiết kế bởi Khấu Vĩnh Công - Chịu trách nhiệm về nội dung: Khấu Vĩnh Công
Trường THCS Tân Bửu, địa chỉ: Ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Email:thcstanbuu.gddtbl@gmail.com - Điện thoại: 072. 3648.614