Lò gạch Võ Công Tồn

Nhà và Lò gạch của ông Võ Công Tồn - nơi ghi dấu hoạt động cách mạng của các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn An Ninh

1. Tên gọi di tích.

Di tích có tên gọi “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” bởi vì đó là một tổng thể kiến trúc gồm 2 địa điểm: nhà Võ Công Tồn và lò gạch Võ Công Tồn.

Ngoài tên gọi trên “Nhà và lò gạch Võ Gạch Võ Công tồn” còn có tên gọi lúc bấy giờ là “Nhà và lò gạch Hội đồng Tồn”. Đây là tên gọi theo chức danh của Võ Công Tồn (Hội đồng địa hạt khu vực Chợ Lớn vào năm 1935 và 1939). Hiện nay “Nhà Võ Công Tồn” còn gọi là nhà Sáu Đức (Võ Công Đức –cháu nội Võ Công Tồn – người thừa kế), còn khu Lò gạch Võ Công Tồn thì gọi là vườn nhà bà Phan Thị Sáu (cháu dâu của Võ Công Tồn thừa kế).

Đây là nơi ghi dấu một số hoạt động của những nhà yêu nước và lãnh đạo Đảng Công sản như Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng và Nguyễn Thị Minh Khai. Là cơ sở đáng tin cậy của Đảng bộ Chợ Lớn, Xứ ủy Nam Kỳ và các phong trào yêu nước trước năm 1945.

Ngoài ra, di tích còn là nơi lưu niệm về ông Võ Công Tồn – một điền chủ tư sản, trí thức yêu nước – người đã cống hiến nhiều công của và cả tính mệnh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

2. Địa điểm phân bồ - Đường đi đến di tích.

2.1 Địa điểm phân bố:

Vùng này, xưa kia theo sử cũ thì đầu thế kỷ thứ XVII đã có những nhóm người Việt đến định cư khai phá vùng đất Đồng Nai. Họ tụ họp nhau lập thành “Nậu”, thành “Thuộc” và gần như sống biệt lập với sự cai trị của Chúa Nguyễn.

Năm 1698, Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam và thiết lập bộ máy hành chánh. Lúc này, số người Việt ở đây đã lên 4 vạn hộ. Nguyễn Hữu Cảnh lập đất Nông Nại thành phủ Gia Định và phân làm hai huyện:

Phước Long trên vùng đất Đồng Nai, có lỵ sở là dinh Trấn Biên.

Tân Bình trên vùng đất Sài Côn, có lỵ sở là dinh Phiên Trấn.

Đất Long An thuở ấy nằm lọt trong huyện Tân Bình. Xã Long Hiệp lúc ấy giáp vùng Gò Đen.

Năm 1802, Gia Long lên ngôi đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định.

Năm 1808, lại đổi trấn Gia Định làm thành Gia Định gồm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.

Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức trong mục “Cương Vực Toàn Thành Gia Định”, thì lúc ấy thôn Long Hiệp là một trong 48 thôn thuộc tổng Phước Điền, huyện Phước Lộc, trấn Phiên An, thành Gia Định. Long Hiệp nằm trong địa giới hành chánh này cho đến năm 1825.

Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13), thành Gia Định được cải tổ và phân chia lại thành 6 tỉnh:

1. Phiên An tỉnh thành (Trấn Phiên An cũ )

2. Tỉnh Biên Hòa (trấn Biên Hòa cũ)

3. Tỉnh Định Tường (Trấn Định Tường cũ)

4. Tỉnh Vĩnh Long (Trấn Vĩnh Thanh cũ)

5. Tỉnh An Giang.

6. Tỉnh Hà Tiên.

Lúc bấy giờ, phủ Tân An được thành lập gồm 2 huyện Thuận An và Phước Lộc, phủ lỵ đặt ở thôn Bình Khuê, gần chợ Cai Tài, bên bờ rạch Châu Phê. Thôn Long Hiệp thuộc tổng Phước Điền – phủ Tân An, tỉnh Phiên An- thành Gia Định.

Ngày 5/6/1867, Pháp ra Nghị định lập 6 tỉnh Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (Inspection), thôn Long Hiệp thuộc tổng Phước Điền khu tham biện Chợ Lớn.

Ngày 20/12/1899, chế độ tham biện được thay bằng chế độ tỉnh trưởng. Khu tham biện Chợ Lớn được đổi thành tỉnh Chợ Lớn vào ngày 1/1//1900.

Năm 1909, Pháp ra Nghị định chia tỉnh Chợ Lớn ra làm 4 đại lý (Delegation) sau gọi là quận. Long Hiệp là một trong 6 làng thuộc tổng Long Hưng Hạ- Quận Trung Quận (một trong 4 quận của tỉnh Chợ Lớn: Đức Hòa, Trung Quận, Cần Đước, Cần Giuộc).

Từ năm 1945 đến năm 1954:

Về phía ta: 1951 do tình hình kháng chiến, hai quận Đức Hòa và Trung Quận nhập với Gia Định và Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh, Long Hiệp thuộc tổng Long Hưng Hạ, huyện Trung Quận, tỉnh Gia Định Ninh.

Về phía địch: năm 1953, đổi Trung Quận thành Gò Đen. Như vậy, về phía địch, Long Hiệp thuộc quận Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn.

Từ năm 1954 đến năm 1975:

Ngày 22/10/1956, tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm ký sắc lệng 143/NV sáp nhập phần đất còn lại của tỉnh Tân An với Chợ Lớn, lấy tên chung là tỉnh Long An. Xã Long Hiệp thuộc huyện Bến Lức (Trung Quận lúc này cũng đổi thành Bến Lức), tỉnh Long An.

Sau ngày Miền Nam giải phóng:

Năm 1975 hai huyện Bến Lức và Thủ Thừa nhập lại thành huyện Bến Thủ. Xã Long Hiệp thuộc huyện Bến Thủ, tỉnh Long An.

Tháng 4/1983, Bến Lức và Thủ Thừa tách ra làm hai huyện như cũ. Hiện nay, di tích “Nhà Võ Công Tồn” thuộc ấp Lò Gạch, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

2.2. Đường đi đến di tích:

Du khách có thể đến thăm di tích bằng 2 hướng chính sau:

Từ Thị xã Tân An theo quốc lộ I ngược về hướng Đông (Hướng Tp.Hồ Chí Minh) đến khoảng giữa cây số 17 và 18 thuộc khu vực xã Long Hiệp (huyện Bến Lức). Rẽ phải theo con đường làng (đường vào ấp Lò Gạch), đi khoảng 1000m tiếp tục rẽ phải 800m di tích Nhà Võ Công Tồn nằm bên trái, khu lò gạch Võ Công Tồn nằm về phía Đông Nam Nhà Võ Công Tồn, khoảng 1km đường chim bay.

Từ Tp.Hồ Chí Minh (bến xe Miền Tây) đến cây số 17 rẽ trái vào con đường làng đi tiếp như hướng dẫn trên.

3. Sự kiện và nhân vật lịch sử.

3.1/ “Nhà Võ Công Tồn” – nơi ghi dấu một số hoạt động của những nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng như: Tôn Đức Thắng, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai.

Long Hiệp là một xã trong huyện Bến Lức (Long An), thuộc vùng Đồng bằng Nam Bộ. Xã Long Hiệp nằm trên quốc lộ I – là quốc lộ xuyên suốt nước ta từ Bắc chí Nam – con đường giao thông chiến lược của các chế độ thuộc Pháp, Mỹ trước kia, cũng như của chúng ta hiện nay.

Long Hiệp là một xã nhỏ, đất không rộng, người không đông, với nghề làm ruộng là nguồn sống chính. Xã Long Hiệp ở cách thành phố Sài Gòn – Trung tâm đầu não của chế độ Mỹ Ngụy thời tạm chiếm 26km, là cửa ngõ từ Sài Gòn về các tỉnh Miền Tây. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Long Hiệp là địa bàn trọng yếu của cả hai phía ta và địch lúc phòng ngự cũng như tiến công.

Tháng 11/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn được thành lập tại nhà ông Bộ Tảo-ấp Long Bình, xã Long Hiệp. Nhân dân Long Hiệp với truyền thống yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, sớm được Đảng giác ngộ về quyền lợi dân tộc và giai cấp, vững tin vào thắng lợi cuối cùng, nên sẵn sàng dốc hết sức người, sức của cho cuộc kháng chiến giành độc lập cho tổ quốc, tự do cho dân tộc. Võ Công Tồn là một điển hình cho sự đóng góp ấy.

a. Lẫm lúa nhà Võ Công Tồn – nơi Bác Tôn mở lớp học truyền bá tư tưởng cách mạng chống thực dân Pháp năm 1928.

Cuối năm 1926, tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ra đời. Sau khi tiếp nhận tổ chức Công hội của Tôn Đức Thắng thì tổ chức Thanh Niên phát triển nhanh chóng tại thành phố và lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Kỳ. Cùng với sự phát triển và lan rộng của tổ chức này, sự truyền bá Chủ nghĩa Mac-Lênin vào thành phố và các khu vực lân cận cũng vô cùng mạnh mẽ.

Giữa năm 1928, bác Tôn Đức Thắng (1888-1980) – nhà hoạt động chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (1960-1980) đã đến mở lớp học ngắn hạn tại lẫm lúa nhà Võ Công Tồn- một địa điểm có rất nhiều ưu thế.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, cũng như biết bao đồng bào lao động nghèo khổ trên cả nước, nhân dân Long Hiệp cũng bị áp bức, bóc lột thậm tệ bởi chính quyền thực dân phong kiến. Nhân dân Long Hiệp vốn có truyền thống yêu nước, lòng tự hào về dân tộc của người Việt Nam nên trước cảnh nước mất nhà tan không thể không đứng lên giành quyền sống cho mình. Bấy giờ, các tổ chức yêu nước lần lượt xuất hiện, nhất là từ khi Đảng Công Sản ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng, khát khao đó. Chính vì thế, họ rất sẵn lòng che chở, đùm bọc những nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng.

Có thể nói nhà Võ Công Tồn là một địa điểm có nhiều thuận lợi: cây cối rậm rạp bao quanh, ngoài cùng là vòng rào rồi đến hào sâu hơn 2m. Ngõ vào luôn khép kín. Muốn vào vườn nhà phải qua cầu (cầu bắt qua hào), tối đến cầu được rút đi. Đứng bất cứ nơi đâu trong vườn nhà, ta cũng có thể quan sát chung quanh; nhưng bên ngoài thì không thể thấy rõ bên trong vườn và nhà; ngoài ra, còn có đàn chó tinh khôn canh gác nên rất dễ dàng phát hiện nếu có kẻ địch.

Năm 1928, sau một lần đến nhà Võ Công Tồn, Bác Tôn quyết định chọn lẫm lúa làm nơi mở lớp dạy học. Chương trình dạy của Bác là chữ Hán nhưng chủ yếu nhằm truyền bá tư tưởng cách mạng chống thực dân Pháp cho một số học trò tiêu biểu như: các cô Nhựt, Nguyệt (người của Hương trưởng Hoài), Chín, Mười (con của Hương trưởng Hoài), Chi, Tâm, Giao…Buổi tối, Bác Tôn còn dạy võ thuật các học trò rèn luyện thân thể. Thời gian này, trong buồng kín của nhà Võ Công Tồn thường xuyên có các cuộc họp bàn “quốc sự” kéo dài suốt buổi tối giữa Bác Tôn, Trần Trương, thầy đồ Nam và Võ Công Tồn. Mặc dù bọn mật thám ngày đêm rình rập, lớp học giữ bí mật được 3 tháng. Sau đó, bọn chúng phát giác nên Bác Tôn cho giải tán lớp học. Trở về Sài Gòn, và không lâu sau Bác Tôn bị địch bắt.

b. Khu Lò gạch Võ Công Tồn- nơi Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thị Minh Khai tuyên truyền vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin.

Năm 1927, Nguyễn An Ninh –nhà cách mạng, nhà văn, nhà báo đã sáng lập tổ chức yêu nước “Thanh niên Cao vọng Đảng” (sau là Hội kín Nguyễn An Ninh). Nhưng năm 1923, Võ Công Tồn đã sát cánh cùng Nguyễn An Ninh trong công tác làm báo, mở trường lớp để nâng cao dân trí, tuyên truyền, thức tỉnh tinh thần quốc gia dân tộc cho quần chúng nhân dân để tham gia thành lập tổ chức nói trên. Các trường học do ông tổ chức được thành lập tại Long Can, Long Hiệp, Long Định (thuộc chi nhánh “Khuyến học hội Nam Kỳ” ở Gò Đen). Đặc biệt các lớp học ngắn ngày thường xuyên được tổ chức tại khu lò gạch của Võ Công Tồn do Nguyễn An Ninh trực tiếp giảng huấn, thu hút đông đảo công nhân lò gạch.

Khu lò gạch nằm cách nhà Võ Công Tồn khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Về địa thế khu lò gạch có hướng Đông Bắc giáp con rạch khá lớn các mặt còn lại tiếp giáp đồng trống, cây cối bên trong rậm rạp thuận lợi cho việc nghi trang và rút lui khi có địch. Công nhân lò gạch làm việc tại đây có lúc lên đến 300 người nên việc tập hợp anh em công nhân tham dự các lớp học tại đây khá dễ dàng.

Năm 1936, Nguyễn Thị Minh Khai – nữ chiến sĩ cách mạng nguyên là Bí thư Thành Ủy Sài Gòn – Chợ Lớn ( năm 1937-1940) từ Sài Gòn đến khu lò gạch của Võ Công Tồn kết hợp cùng Nguyễn An Ninh mở lớp học ngắn ngày (20 ngày) nhằm tuyên truyền vận động cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mac-Lênin cho đông đảo công nhân lò gạch. Cũng từ thời gian này, công nhân lò gạch Võ Công Tồn đã hăng hái tham gia các cuộc biểu tình thị uy tại Sài Gòn-Chợ Lớn do Võ Công Tồn tổ chức. Một số người thực sự giác ngộ và đã cùng Võ Công Tồn tích cực hoạt động cách mạng như: Nguyễn Văn Thành, Hồ Thị Vi, Nguyễn Văn Chác, Nguyễn Bá Lộc…

Khu lò gạch của Võ Công Tồn còn là nơi lưu trú, chở che cho Nguyễn An Ninh trong những ngày bị thực dân Pháp truy đuổi gắt gao. Đây cũng là nơi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nguyễn An Ninh viết báo và gởi các bài một cách an toàn về toàn soạn để đăng trên những tờ báo công khai của Đảng lúc bấy giờ.

c. Ngoài ra “Nhà và lò gạch Võ Công Tồn” còn là cơ sở tin cậy của Đảng và các phong trào yêu nước trước năm 1945.

Năm 1913, Nguyễn Hữu Trí lập “Hội kín” ở khắp các tỉnh Miền Nam thành một hệ thống có tổ chức rất chặt chẽ. Trong số các cơ sở đó, nhà Võ Công Tồn là một trong những địa điểm hoạt động của Thiên Địa Hội. Sân nhà ông là nơi tập luyện võ nghệ (đánh quyền, múa roi,…) chờ ngày khởi nghĩa. Ngày 12/12/1916 Võ Công Tồn đã cùng nghĩa quân Thiên Địa Hội tham gia cuộc phá Khám Lớn-Sài Gòn. Tuy nhiên khởi nghĩa không thành, Nguyễn Hữu Trí và một số nghĩa binh hy sinh, phong trào Thiên Địa Hội tan rã.

Bên cạnh địa điểm nhà Võ Công Tồn – nơi Bác Tôn dạy học thì khu lò gạch của ông cũng là nơi hội họp, gặp gỡ thường xuyên của những nhà yêu nước như: Hương Quản Bồ, Tám Lợi (Hóc Môn), Giáo Hậu (Củ Chi), Hương trưởng Hoài, Hương hào Voi (Tân Bửu), Xã Thời (Bà Quẹo), Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Tuôi, Nguyễn Văn Chác… và đặc biệt là cá nhà lãnh đạo cách mạng: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thị Minh Khai đã chọn nơi dây làm nơi mở lớp tuyên truyền vận động cách mạng.

Năm 1935, Chi bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại Lò gạch Võ Công Tồn. Mọi sinh hoạt, hội họp của Chi bộ đều diễn ra tại đây.

Năm 1937, 40.000 truyền đơn phản đối toàn quyền Brevie và thanh tra lao động J.Godart sang Việt Nam cũng được in ra tại khu lò gạch của Võ Công Tồn. Trong năm này, những truyền đơn in từ lò gạch được rãi khắp nơi từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến Tân An, Mỹ Tho.

Khu lò gạch là nơi Võ Công Tồn trực tiếp sản xuất và kinh doanh – có lúc lên đến hơn 300 công nhân, nơi đây chính là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho Đảng và các nhà yêu nước hoạt động trong những năm đầu Đảng còn non trẻ.

3.2/ Nhà và Lò gạch của Võ Công Tồn – nơi lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn – người đã cống hiến rất nhiều công của và cả tính mệnh cho Đảng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa (1930-1945).

Võ Công Tồn sinh năm 1891, tại làng Long Hiệp tổng Long Hưng Hạ - quận Trung Quận – tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Võ Công Tồn có tên khai sinh là Võ Văn Tồn. Cha mẹ ông là người hào hiệp, còn ông lại ưa chuộng công bằng chính trực nên ông được cha thay chữ lót ở họ tên, đổi thành Võ Công Tồn. Gia đình Võ Công Tồn vốn có nguồn gốc từ Phan Thiết, đến đời ông nội của Võ Công Tồn thì chuyển vào Nam định cư, khai phá vùng đất mới bên bờ sông Rạch Chanh. Thân sinh của Võ Công Tồn là ông Võ Văn Suốt và bà Nguyễn Thị Hâm, mưu sinh bằng nghề hát bội, sau đó định cư, làm ruộng tại ấp Cá Trê (nay là ấp Lò Gạch) và xây dựng lò sản xuất gạch ngói. Nhờ lao động, cần cù, việc kinh doanh của ông bà ngày càng phát đạt. Riêng ông Võ Văn Suốt rất được nhân dân tín nhiệm, từng làm làng đến chức Hương Cả. Ông Cả Suốt còn dùng lẫm lúa của gia đình dạy chữ nho và quốc ngữ để mở mang trí tuệ cho con em trong vùng.

Võ Công Tồn chào đời đúng vào thời kỳ các tổ chức yêu nước hình thành và hoạt động sôi nổi khắp nơi trong cả nước như: Thiên Địa Hội, Thanh niên Cao vọng Đảng (sau là “Hội kín” Nguyễn An Ninh), Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội… điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của ông.

Bên cạnh đó, sống và lớn lên trong một gia đình nề nếp, có truyền thống yêu nước, lại là người con duy nhất, Võ Công Tồn rất được cha mẹ thương yêu, chăm sóc và dạy dỗ kỹ lưỡng. Bản thân ông còn được tiếp thu những kiến thức tiến bộ thời đại, nhất là của nền văn hóa phương Tây. Thuở nhỏ, ông học lớp nhất (Cours Superieur) ở trường Trung học cơ sở Bến Lức ngày nay. Sau đó, ông học tiếp 6 năm Trung học ở trường nội trú Taberd (Sài Gòn). Vì là con duy nhất nên ông không học tiếp nữa mà trở về phụng dưỡng song thân và lập gia đình. Năm 1907, ông kết hôn cùng cô Đào Thị Nhã (con gái của ông Đào Văn Thung – một thầy thuốc nổi tiếng ở ấp Tri Lộc- xã Phước Vân –quận Cần Đước – tỉnh Chợ Lớn). Phần lớn cuộc đời Võ Công Tồn sống với làng xóm quê hương, nơi bảo lưu những nét văn hóa truyền thống dân tộc, luôn ưa chuộng những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa vì thế ông cũng là người con rất mực hiếu thảo.

Với tính tình “ưa cải lẻ và ham đấu tranh”, yêu chuộng công bình chính trực, Võ Công Tồn sớm nhận rõ nổi nhục mất nước, thân phận của đồng bào,.. nên ông thường đề xuất việc mở ra trường học, bênh vực kẻ yếu và được tiếng “Dân ưa quan ghét”. Trong khoảng những năm 1925 đến 1939, ông tham gia chính quyền tay sai Pháp, lần lượt giữ các chức vụ như: Hương hào, Xã trưởng, Hương cả, và Hội đồng Quản hạt thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Chính trong thời gian này, lợi dụng thế hoạt động công khai của mình ông đã hết lòng giúp đỡ cách mạng. Võ Công Tồn rất hâm mộ thể thao, văn nghệ, thích giao du với nhiều người và kết thân với những bạn bè, đồng chí có đạo đức, yêu nước, danh thơm của ông lúc ấy lan ra khắp Nam Kỳ.

Từ khi được tiếp xúc với Nguyễn An Ninh, được dự các cuộc diễn thuyết ở Vườn Lài về đạo đức, luân lý Đông, Tây; về tư tưởng văn hóa “dân ước, dân quyền, dân đạo” của Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn đã sớm giác ngộ và hành động cứu nước theo con đường cách mạng tư sản dân quyền. Năm 1923, ông gia nhập “Thanh niên Cao vọng Đảng” sau này là “Hội Kín” Nguyễn An Ninh.

Năm 1925, Võ Công Tồn đắc cử chức Hương hào trong làng. Với ông đây là điều kiện thuận lợi để bênh vực cho dân “thấp cổ, bé miệng”. Ông rất nổi danh là người bặt thiệp, chánh trực, công bình.

Năm 1926, Võ Công Tồn cùng Trần Huy Liệu mở cuộc vận động đón tiếp Bùi Quang Chiêu từ Pháp về. Đồng thời, ông cũng tích cực quyên góp tiền, cổ động cho đám tang nhà ái quốc Phan Chu Trinh và là một trong 12 thành viên của Ban tổ chức tang lễ. Vì việc này, ông bị ghi vào sổ bìa đen của thực dân Pháp.

Ngay từ năm 1923, Võ Công Tồn đã ủng hộ tài chính cho Nguyễn An Ninh thành lập và duy trì hoạt động tờ báo La Cloche Felee (Tiếng chuông rè). Dây là tờ báo tiến bộ công khai, lần đầu tiên đăng “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” ở Sài Gòn vào năm 1926.

Năm 1927, Võ Công Tồn đã tổ chức thành công cho Nguyễn Văn Tạo và một số thanh niên yêu nước ở Gò Đen như: Phạm Văn Phấn (Cù Là Phấn), Nguyễn Văn Bích, Lại Thành Hưng, Võ Công Phụng (con ông Võ Công Tồn), … sang Pháp du học.

Tại Gò Đen, Võ Công Tồn đã cổ động, tổ chức thành lập chi nhánh “Khuyến học hội Nam Kỳ” do thầy giáo Dương Văn Gấm là người trực tiếp điều hành, còn ông ủng hộ về tài chính. Ba trường học ở Long Hiệp, Long Can, Long Định được hình thành ngay sau đó. Hội có một tủ sách đầy đủ của “Tự lực văn đoàn” và những quyển sách quốc cấm của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh,… cũng được bí mật lưu hành tại đây. Hàng tháng Hội tổ chức mời diễn giả từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến, diễn thuyết nhiều đề tài, thu hút được nhiều lớp người trong vùng đến nghe. Mục đích của Hội là tổ chức học tập, nâng cao dân trí, tuyên truyền, thức tỉnh tinh thần quốc gia dân tộc cho quần chúng nhân dân.

Cũng trong năm này, Võ Công Tồn đã đem phần lớn tài sản của mình mua một chiếc tàu có tên “Đại phúc kinh” của Hoa Kỳ về sửa chữa, làm phương tiện vượt biển cho một số thanh niên Nam Bộ sang Quảng Châu (Trung Quốc), tham gia lớp đào tạo cán bộ cho các tổ chức tiền thân của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng huấn.

Cuối năm 1927, Võ Công Tồn sang Pháp thăm con là Võ Công Phụng, đồng thời kết hợp du lịch và quan sát tình hình chính trị ở nước ngoài. Ở Pháp ông được tiếp xúc với các nhà yêu nước như: Nguyễn Văn Tạo, Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và một số kiều bào yêu nước khác. Chuyến đi này đã làm ông mở mang hơn về tình hình chính trị và nó ảnh hưởng rất lớn trong việc chuyển hướng tư tưởng yêu nước của ông theo con đường Chủ nghĩa Xã hội và Cộng Sản.

Từ Pháp về, ông bị chính quyền Pháp “mời” lên Sài Gòn tạm giam, nhưng không có chứng cứ gì và được gia đình lo lót nên 25 ngày sau ông được thả. Lúc này, ông được cha giao cho quản lý 2 lò gạch và 2 trại cưa. Ông sắp xếp việc lò gạch và thực hiện một số cải cách đã được học hỏi ở Pháp như: trả thêm lương cho công nhân, thực hiện 8 giờ lao động 1 ngày và tiếp tục ủng hộ tài chính cho các trường học.

Bấy giờ, “Hội kín” Nguyễn An Ninh hoạt động rất mạnh, tập trung ở vùng Hóc Môn, Đức Hòa, Bình Chánh và Bến Lức. Võ Công Tồn rất tâm đồng với Nguyễn An Ninh. Vì thế ông luôn giành mọi thuận lợi để Nguyễn An ninh lãnh đạo “Hội kín”. Khu lò gạch của ông là nơi cư trú thường xuyên của Nguyễn An Ninh trong những ngày bị thực dân Pháp truy đuổi gắt gao.

Cuối năm 1928, sau cuộc khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp với tổ chức yêu nước Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Kỳ, Nguyễn Ngọc Sơn được tồ chức này bí mật phái vào Nam để gây dựng thêm cơ sở và thành lập Tỉnh bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Sài Gòn. Võ Công Tồn được Nguyễn Phương Thảo (sau này là Trung tướng Nguyễn Bình) hâm mộ mời cùng đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Nam Kỳ. Tổ chức dự định gồm: Trần Huy Liệu làm tỉnh bộ trưởng, Hà Thuận Hồng – trưởng ban tài chính, Nguyễn Phương Thảo – Trưởng ban cảnh bị và tổ chức; và mời Võ Công Tồn làm trưởng ban tuyên truyền… cùng các ông như: Nguyễn Hòa Hiệp, Cao Hữu Tạo, Đỗ Văn Viên, Nguyễn Thanh Lương, …Võ Công Tồn đã giúp vào sổ lạc quyên, đồng thời trở thành đại diện của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Nam Kỳ (bấy giờ tổ chức này chưa phản động). Đến đầu năm 1929, tổ chức này gầy dựng được một số chi bộ ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho. Tuy nhiên, đây là tổ chức chưa có chân rết trong quần chúng cơ sở.

Năm 1929, thực dân Pháp truy quét giam cầm hàng loạt thành viên các tổ chức: Hội kín Nguyễn An Ninh, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, Đảng Tân Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, … Võ Công Tồn cũng bị bắt. Pháp đưa ông ra tòa xét xử cùng với Trần Huy Liệu, Nguyễn Phương Thảo, Hà Thuận Hồng,…Tại tòa đại hình Sài Gòn, ngày 14 và 15/7/1930, ông bị kết án 5 năm tù vì tội chứa chấp những thành phần “quốc sự”. Vì được lo lót tiền nên bản án của ông giảm xuống còn 18 tháng và bị đày đi Hà Tiên cùng lượt với Nguyễn An Ninh.

Thời gian ở Hà Tiên, Võ Công Tồn đã có điều kiện giác ngộ đấu tranh giai cấp, ngã theo đường lối Đảng Cộng Sản, ông cùng các tù nhân Cộng sản lao động khổ sai có hành động tích cực trong đấu tranh chống địch và được Bí thư chi bộ nhà tù – Nguyễn Chánh Nhì nhận xét tốt.

Sau khi ra tù, Võ Công Tồn về quê cũng cố lại hoạt động kinh doanh lò gạch. Bấy giờ, cơ sở sản xuất gạch ngói của ông có trên 300 công nhân.

Càng về sau, gia đình Võ Công Tồn càng trở nên là cơ sở, chỗ dựa đáng tin cậy của Đảng và những người yêu nước. Ông trực tiếp cung cấp tiền cho Đảng hoạt động thông qua nhiều đồng chí như: Cử Luyện, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuôi, Nguyễn Văn Chác…Ông đã giúp đỡ và kết hợp chặt chẽ với Nguyễn An Ninh. Ngoài ra, các nhà hoạt động cách mạng trong “Hội kín” Nguyễn An Ninh như Hương quản Bồ, Tám Lợi (Hóc Môn), Giáo Hậu (Củ Chi), Hương trưởng Hoài (Chợ Gạo), Ba Phèn (Bình Lý) đều có đôi lần đến hoặc ở lại nhà ông, được ông sẵn sàng giúp đỡ tiền bạc với một tinh thần hết sức hào hiệp.

Năm 1935, cho bộ Đảng của ấp Lò Gạch ra đời tại lò gạch của Võ Công Tồn gồm: Nguyễn Văn Chác (Ba Trương) – Bí thư, Nguyễn Bá Lộc và Nguyễn Văn Thành. Chi bộ này mỗi tháng họp 2 lần, tại nhà Võ Công Tồn và mỗi lần họp ông đều tham gia canh gác.

Suốt từ năm 1932 đến 1935, có nhiều người hay bán thuốc “cao đơn hoàn tán” thường hay đến nhà Võ Công Tồn gọi mời. Ông cho mời vào, giả vờ mua thuốc rồi giữ lại mời cơm, đôi lúc nghĩ trưa. Đây chính là những nhà hoạt động yêu nước cải trang như Hương trưởng Hoài, Hương hào Voi (Tân Bửu, xã Thời (Bà Quẹo), thầy giáo Mông (Hóc Môn). Sau khi vào nhà, họ được đưa vào buồng kín để họp bàn “quốc sự”.

Từ khi ấp Cá Trê có lò gạch của cụ Võ Văn Suốt và nổi tiếng với người thừa kế Võ Công Tồn, địa danh Cá Trê tự nhiên lùi về dĩ vãng và có tên mới là ấp Lò Gạch. Ấp Lò Gạch đã đi vào văn tự, là điểm hẹn, là danh xưng để những người yêu nước tìm đến với Võ Công Tồn.

Ngày 3 tháng 5 năm 1935, Võ Công Tồn được các nhà yêu nước khuyến khích ra tranh cử và đắc cử chức Hội đồng địa hạt Chợ Lớn. Mục đích cốt lõi của ông trong việc này là tìm cách tranh thủ thực hiện “tự do, dân chủ”, mang lợi ích cho dân, cho Đảng.

Ngày 26/7/1936, nhờ Võ Công Tồn hết lòng ủng hộ, Nguyễn An Ninh đã thành công trong việc đăng đàn diễn thuyết và trình bày trước công chúng “Quyết định lấy công nông làm nền tảng nhưng có thể bao gồm cả giai cấp tư sản nhằm giành quyền tự quyết dân tộc”. Đồng thời, Nguyễn An Ninh cho đăng trên tờ báo La Lutte bài “Tiến tới một cuộc đại hội Đông Dương”.

Ngay sau việc này, Võ Công Tồn mua một căn phố ở Gò Đen làm trụ sở “Hội khuyến học” để tạo điều kiện cho con em trong làng khỏi đi học xa tốn kém. Sau đó bảng hiệu được đổi thành “Thân dân thư xã” tức cơ sở của “Đông Dương đại hội”. Thỉnh thoảng Nguyễn An Ninh từ Sài Gòn đến trọ ở nhà Võ Công Tồn và bí mật đến ngôi trường này kêu gọi sự đoàn kết của công nông. Võ Công Tồn cũng vài lần đứng lớp.

Tháng 10/1936 vì có chân trong Đại Hội Đông Dương, Nguyễn An Ninh bị Pháp bắt cùng Nguyễn Văn Tạo và Tạ Thu Thâu. Nhờ cương quyết đấu tranh tuyệt thực phản đối và được nhân dân bên ngoài ủng hộ nên Pháp đã buộc phải thả cả ba ông. Nguyễn An Ninh đoán biết rồi Pháp cũng bắt lại, nên “tị địa” tại nhà Võ Công Tồn đến khoảng giữa năm 1937 – cũng là lúc Sài Gòn có nhiều cuộc xuống đường rầm rộ nhằm phản đối tên toàn quyền J.Brevie (mới nhậm chức).

Tháng 8/1936, Võ Công Tồn được Đảng tín nhiệm cử vào Ủy ban lâm thời Nam Kỳ (còn gọi là Lâm Ủy). Lâm ủy có cơ cấu: 7 dân biểu, 4 nhà báo, 3 lao động, 3 nông dân (Nguyễn Văn Trân – Võ Công Tồn- Trần Văn Hiến), 2 phụ nữ và Ủy ban còn cử ra các tiểu ban như chính trị, hành chánh, kinh tế, dân quê và làm ruộng. Võ Công Tồn cùng Nguyễn An Ninh và Nguyễn Văn Trân tham gia trong tiểu ban dân quê và làm ruộng, nhưng công việc chính của ông là làm liên lạc cho Xứ ủy, đưa đón nuôi dưỡng cán bộ, cung cấp tài chính cho Đảng hoạt động.

Với tư cách là nhà hoạt động xã hội và Hội trưởng hội khuyến học Gò Đen, Võ Công Tồn thường xuyên quan hệ cộng tác với các đồng chí Cộng sản hoạt động công khai tại Sài Gòn như Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Văn Tạo, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Văn Trấn,…

Khi Justin Godart từ Pháp sang thành phố Sài Gòn để thanh tra tình hình ở Đông Dương, Võ Công Tồn được Đảng phân công vận động tuyên truyền và tổ chức cho đông đảo đồng bào trong vùng đi đón… đồng thời nhằm nêu lên yêu cầu, đòi hỏi của người Việt Nam, biểu dương lực lượng lao động và công nhân. Trước tình hình tài chính để di chuyển quần chúng đến thành phố đúng theo quy định của các cơ quan ngôn luận công khai của Đảng đang rất khó khăn, Võ Công Tồn đã tích cực ủng hộ. Riêng đối với công nhân lò gạch, ông đã thuê xe đưa anh em đến địa điểm tập trung.

Theo kế hoạch Trung ương Đảng, Võ Công Tồn đã cùng Nguyễn Văn Lộc in 40.000 tờ truyền đơn phản đối toàn quyền Brevie và thanh tra lao động J.Godart sang Việt Nam, tại một gia đình trong khu lò gạch của mình. Trong tác phẩm “Chúng tôi làm báo” Nguyễn Văn Trấn có ghi về hành xử của Võ Công Tồn “Ơn ấy như núi nặng ngàn cân”. (NXB văn nghệ 1981 tr.177).

Trong lần đón Bộ trưởng Martius Moutet sau đó, Võ Công Tồn cũng tham gia tích cực như lần đón J.Godart.

Năm 1937, Võ Công Tồn được Đảng xem là một cán bộ công khai và được cử ra làm Phó Chủ tịch “Hội cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ”.

Lúc này, Nguyễn An Ninh bị mật thám truy lùng ráo riết, đến ẩn tránh ở 1 chòi lá nằm lẫn lộn trong đám dừa nước tại khu lò gạch của Võ Công Tồn. Mọi sinh hoạt, liên lạc đều có người do Võ Công Tồn tin cậy, chọn lựa, phục vụ nên các bài viết của Nguyễn An Ninh vẫn được gởi về đăng trên báo của Đảng.

Võ Công Tồn đã có sự đóng góp rất tích cực về tài chánh cho nhiều tờ báo của Đảng như: tờ L’Avant Garde (Tiên Phong)- tờ báo tiếng Pháp đầu tiên, công khai ở Nam Bộ, do Đảng Cộng Sản Đông Dương chủ trương xuất bản năm 1937, đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo, Nguyễn Văn Nguyễn –thư ký tòa soạn, ở 43 Hamelin, Sài Gòn; cùng nhiều tờ báo công khai khác của phong trào Mặt Trận Dân Chủ như: Le Peuple (Dân Chúng) 1938, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ -Tổng Bí thư Trung ương Đảng sáng lập xuất bản tại Sài Gòn; tờ Lao Động, cơ quan của phong trào nghiệp đoàn và lao động thành phố, do đồng chí Nguyễn Thành A phụ trách; Đông Dương tạp chí xuất bản 1939 tại Mỹ Tho, do đồng chí Nguyễn Thanh Sơn phụ trách; và một số tờ báo ở Miền Bắc, Miền Trung như Bạn Dân, Thế Giới Mới (do Trần Đình Chi và Đào Duy Kỳ phụ trách).

Từ 1937 đến 1939 nổ ra phong trào đấu tranh sôi nổi và kịch liệt của những người cộng sản chống quan điểm phản động của nhóm Trotskyste (Tạ Thu Thâu),Võ Công Tồn tỏ rõ lập trường đứng hẳn về phía Đảng Cộng Sản. Ông ủng hộ đường lối Đệ Tam quốc tế do Lênin lãnh đạo và các chủ trương của Đảng.

Năm 1938, Miền Tây Nam Kỳ xảy ra thiên tai lũ lụt lớn, nhân dân Cà Mau lâm vào cảnh đói rét nhiều nhất. Họ đấu tranh yêu cầu nhà cầm quyền trợ cấp nhưng không được giải quyết mà còn bị chúng khủng bố trắng trợn. Võ Công Tồn tích cực cùng các nhà từ thiện, hảo tâm vận động thành lập “Ủy Ban cứu tế dân đói Cà Mau”, Ủy ban này do luật sư Loye làm Chủ tịch, Nguyễn Thị Huỳnh – phó Chủ tịch, Võ Công Tồn với tư cách một điền chủ và thành viên Hội đồng địa hạt Chợ Lớn, làm ủy viên cùng các vị như: Võ Thành Mông, Trần Quang Khánh, Lê Thị Bảy,…với hành động thiết thực là tổ chức một đoàn đại biểu đặc biệt ở Sài Gòn – Chợ Lớn, gởi kiến nghị lên Thống đốc Nam Kỳ - Bagiet đòi giải quyết tình hình trên, đồng thời phản đối tên chủ quận Viala đã có hành động đàn áp đồng bào ở Cà Mau. Kế đến, Võ Công Tồn tự trích của cải trong gia đình, cùng một số nhà từ thiện mang đi cứu trợ. Nghĩa cử đng1 phục ấy của Võ Công Tồn, người dân Cà Mau mãi mãi vẫn không quên.

Ở khu lò gạch của Võ Công Tồn, công việc in truyền đơn vẫn được bí mật tiến hành trong suốt năm 1937, thoạt đầu in bằng xu xoa sau chuyển sang in bột. Những trợ thủ đắc lực cho Võ Công Tồn trong việc in ấn này là những Đảng viên như: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Tuôi, Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Văn Chác, Hồ Thị Vi…Truyền đơn được trực tiếp nhận bởi các đồng chí như: Nguyễn Văn Tuôi, Sáu Tây (cả hai là người hoạt động cách mạng tại địa phương), thầy giáo Hiển (người Cai Lậy), ông Hai Hảo (nguyên Tỉnh ủy viên Long An); sau đó được rãi khắp Sài Gòn –Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho.

Năm 1939, theo chỉ thị mật của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, nhà in bí mật của Trung ương Đảng mang tên công khai hóa “Văn hóa thư cuộc” được thành lập. Danh sách sáng lập viên công khai đứng đầu là Phạm Văn Bạch, Nguyễn Thanh Sơn, Võ Công Tồn và các ông Huỳnh Thiện Kim, Từ Bá Tước… Võ Công Tồn đã tích cực góp tài chánh cho nhà in sớm hình thành và hoạt động tốt. Đây là tờ báo Dân Chúng công khai (không xin phép chính quyền thực dân), in bằng chữ Việt của Đảng Cộng sản ở Sài Gòn.

Thời gian này, một số Đảng viên muốn Võ Công Tồn vào Đảng, nhưng ông từ chối. Theo ông, ở ngoài Đảng, sẽ làm được nhiều việc có lợi hơn cho Đảng.

Năm 1939, trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt thành phố, Võ Công Tồn là ứng cử viên do Đảng cử ra và cũng là một nhân sĩ được tín nhiệm cao trong Nam Kỳ khởi nghĩa.

Thời gian này, toàn quyền Catroux ra chỉ thị nghiêm cấm mọi hoạt động có tính chất tuyên truyền Cộng sản, giải tán các hội, quần chúng của Đảng, đóng cửa hàng loạt tờ báo. Tuy vậy, những bài phản bác chống lại các nghị định, chỉ thị của bọn thực dân do Nguyễn An Ninh viết vẫn xuất hiện. Bọn Pháp ráo riết điều tra và cuối cùng chúng phát hiện và bắt được Nguyễn An Ninh ở ấp Lò Gạch. Một tuần sau, Võ Công Tồn cũng bị bắt về tội chứa chấp Nguyễn An Ninh. Ông bị giam tại Tà Lài cùng với các nhà hoạt động cách mạng như: Dương Quang Đông, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Tô Ký,…Ngày 16/4/1940, tòa tiểu hình Sài Gòn dưới quyền chủ tọa của chánh tòa Pierre tuyên án gần 100 người trong đó có Võ Công Tồn 4 năm tù, 10 năm biệt xứ. Sau đó, chúng đưa ông và nhiều nhà cách mạng ra Côn Đảo. Võ Công Tồn bị giam ở Banh II-là nơi giành riêng cho các nhà “Đại cách mạng” – thành phần nguy hiểm nhất của thực dân cùng Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Sữu, Trần Ngọc Danh,…Võ Công Tồn hy sinh tại nhà tù Côn Đảo ngày 16/6/1942, trong niềm thương tiếc vô hạn của anh em đồng chí. Sau khi Võ Công Tồn bị bắt, tại ấp Lò Gạch, hai chi bộ vẫn tiếp tục hoạt động một do Nguyễn Văn Cương –Bí thư và một do Nguyễn Văn Chác- Bí thư (gọi là chi bộ sản xuất, đặt tại lò gạch). Hai chi bộ này nhận lệnh rèn luyện võ thuật, tinh thần chờ ngày khởi nghĩa. Nam Kỳ khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp đàn áp, khủng bố khắp nơi. Lò gạch ông Võ Công Tồn bị thiêu hủy, 20 công nhân làm việc tại đây bị bắt.

Nói về Võ Công Tồn, giáo sư Trần Văn Giàu đã phát biểu: “Võ Công Tồn cùng với Nguyễn An Ninh là hình ảnh của “núi Hai Vì” hai tấm gương lớn về hoạt động cách mạng ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX”. Ghi nhận công ơn to lớn đó của Võ Công Tồn, ngày 4/6/1986 Hội đồng Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ra quyết định tặng thưởng ông Huân chương kháng chiến hạng ba; tên của ông cũng được đặt cho một con đường tại tỉnh lỵ Long An (theo quyết định số 2554/QĐ-UB ngày 18/10/1997 của UBND tỉnh Long An).

Võ Công Tồn là một điền chủ tư sản, có học thức và có tinh thần yêu nước, giác ngộ cách mạng. Ông đã hoạt động tích cực cùng nhiều đồng chí gây dựng cơ sở cách mạng, ủng hộ cuộc đấu tranh của quần chúng chống lại ách thống trị tàn bạo của bọn Pháp và tay sai. Võ Công Tồn và căn nhà tại ấp Lò Gạch đi vào lịch sử cách mạng vẻ vang của huyện Bến Lức – tỉnh Long An, thành phố Hồ Chí Minh và cũng như của nước ta thời kỳ trước năm 1945. Ngôi nhà của ông là một di tích lịch sử ghi dấu quá trình hoạt động của những nhà yêu nước và lãnh đạo Đảng Cộng sản như: Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai. Nơi đây chính là cơ sở tin cậy và phục vụ đắc lực cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Nam Kỳ trước năm 1945. Ngoài ra nó còn là địa điểm lưu niệm về Võ Công Tồn – một điền chủ tư sản trí thức yêu nước – người đã cống hiến nhiều công lao, tiền của cho sự nghiệp cách mạng.

Võ Công Tồn xuất thân từ gia đình địa chủ tư sản với hơn 200 mẫu ruộng, 3 lò gạch, 2 trại cưa, từng giữ chức Hội đồng quản hạt Sài Gòn – Chợ Lớn. Tuy vậy, ông rất ý thức về tình yêu quê hương đất nước, về cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và thủ đoạn của chúng đối với dân tộc Việt Nam. Thế nên ngay từ khi có các tổ chức yêu nước ra đời ông đã sẵn sàng tham gia vào để góp phần cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhất là từ khi gặp Nguyễn An Ninh, tiếp xúc với các nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng, Võ Công Tồn đã giác ngộ và đi theo con đường mà Đảng đã vạch ra. Ông không vào Đảng vì muốn lợi dụng địa vị xã hội của mình lúc bấy giờ giúp Đảng ở thế công khai. Cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Võ Công Tồn làm sáng lên quan điểm tư tưởng của Bác Hồ: tư tưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc” (Mọi tầng lớp đều đánh giặc) đồng thời thể hiện rất rõ phương châm hoạt động của Đảng ta là tổ chức các hình thức hoạt động công khai phục vụ lợi ích cách mạng. Phương châm này được phát huy mạnh mẽ trong suốt hai thời kỳ chống Pháp và Mỹ. Chính các hình thức tổ chức hoạt động công khai giúp cho nhiều người đi từ chủ nghĩa yêu nước đến giác ngộ cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Võ Công Tồn là trường hợp điển hình.

Các hậu duệ của Võ Công Tồn đã kế thừa xứng đáng truyền thống cách mạng của ông tiêu biểu như: bà Võ Thúy Liên (con gái thứ 8 của Võ Công Tồn, sinh năm 1922) đã tham gia cách mạng suốt hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Và bà từng là cán bộ hoạt động nội thành dưới sự lãnh đạo của Trần Bạch Đằng và Nguyễn Văn Nguyệt (Ba Nguyệt), với nhiệm vụ in ấn tài liệu báo chí và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chồng bà là liệt sỹ Nguyễn Thành Luông, ủy viên Thường vụ xứ Đoàn Thanh niên cứu quốc Nam Bộ, phụ trách tuyên huấn, bị đích bắt giam cầm tra tấn và ở tù không án. Ông Võ Công Danh (con trai thứ 9 của Võ Công Tồn, sinh năm 1923) tham gia bộ đội 8 năm tại khu VIII Nam Bộ, tập kết ra Bắc đến năm 1973 về Nam là nhân viên Cục An Ninh ở R, rồi Cục Binh vận, năm 1975 tham gia tiếp quản Tổng Cục vật tư khu 8, sau đó chuyển về Sở giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh, hưu trí năm 1980. Ông Võ Công Hiền (con trai thứ 10 của Võ Công Tồn, sinh năm 1926) tham gia cách mạng và công tác tại địa phương ở Mặt trận Việt Minh, Liên Việt. Năm 1960, ông tham gia Ủy ban Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tỉnh Long An và phụ trách thể thao-văn nghệ, ông bị Mỹ-Diệm bắt và đày đi Côn Đảo với 15 năm tù không án. Sau ngày Miền Nam giải phóng (1975) ông được ra tù và tiếp tục làm việc ở Ban lịch sử Cách mạng xã Long Hiệp đến năm 1992.

4. Loại di tích.

Di tích lịch sử “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” –địa điểm lưu niệm các sự kiện lịch sử thời kỳ tiền cách mạng Tháng 8/1945 (nơi ghi dấu hoạt động cách mạng của các đồng chí Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn An Ninh và là địa điểm lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn).

5. Khảo tả di tích.

Di tích gồm có 2 phần:

- Nhà Võ Công Tồn: là nơi thờ cúng gia tiên, nơi Võ Công Tồn sinh ra và lớn lên và đặc biệt nơi đây ghi dấu sự kiện Bác Tôn đến mở lớp dạy học, đồng thời truyền bá tư tưởng cách mạng chống thực dân Pháp.

- Khu lò gạch: là nơi ở và sản xuất, kinh doanh gạch ngói của Võ Công Tồn. Chính tại nơi đây, Võ Công Tồn đã nuôi giấu Nguyễn An Ninh và năm 1936, Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn An Ninh đã mở lớp truyền bá chủ nghĩa Mac-Lênin cho một số thanh niên Long Hiệp, công nhân lò gạch và một số phụ nữ do Võ Công Tồn tổ chức.

- Ngoài ra “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” còn là địa điểm lui tới thường xuyên của các nhà yêu nước và Lãnh đạo cách mạng.

5.1./ Nhà Võ Công Tồn:

Căn cứ vào hình ảnh, những kiến trúc còn lại của di tích, và lời kể một số nhân chứng ta có thể khảo tả sơ bộ phần di tích “Nhà Võ Công Tồn” như sau:

- Ngôi nhà tọa lạc trên khu đất có diện tích bằng diện tích hiện nay =7414m2, có hình chữ nhật. Khu đất này được trồng cây rậm rạp, bên ngoài được bao bởi lớp vòng rào cây xanh, kế đến là lớp hào đào sâu hơn 2m vì thế muốn vào nhà phải qua một cây cầu duy nhất. Tối đến, cầu được rút đi. Từ trong sân nhà, ta có thể quan sát bên ngoài rất rõ và ngược lại từ ngoài không thể quan sát bên trong. Ngoài ra, còn có đàn chó tinh khôn hỗ trợ nhanh chóng cho việc phát hiện kẻ địch nếu chúng đến rình mò. Đây chính là lợi điểm của di tích, so với hiện nay cảnh quan di tích vẫn không thay đổi nhiều, tuy vậy theo thời gian một số cây bị chết đi đã được trồng lại, hào thì cạn hơn, còn lại được một số loại cây lâu năm như: mít, mai, nhãn, khế…

Ngõ vào nằm về hướng Tây (hướng chính diện của ngôi nhà) luôn được khép kín. Vào ngõ, qua cầu đi khoảng 20m là đến sân nhà. Đứng ở đây, ta có thể quan sát được tương đối rõ ngôi nhà di tích. Bên phải ở góc sân là cây mít cao, cành lá sum xuê, bên trái ở góc sân là cây nhãn có góc rất to và trước sân trồng vài loại hoa kiểng và đây chính là sân trước của ngôi nhà có diện tích: 160m2, lát gạch thẻ. Mép bên trái của sân này nối với một sân rộng chạy dọc theo hông nhà, cũng được lát bằng gạch thẻ có diện tích rất rộng = 145m2 lúc bấy giờ nó là sân chơi quần vợt của gia đình. Ngôi nhà hiện nay mặt quay về hướng Đông nên sân trước của ngôi nhà di tích trở thành sân sau. Cả hai sân này vẫn còn nguyên hiện trạng nhưng bị xuống cấp không còn sử dụng được nữa.

Ngôi nhà do ông bà Võ Văn Suốt xây dựng vào những năm trước 1910, theo kiểu hình chữ “Công” ba gian, hai chái với chất liệu bê tông, mái ngói.

Nền nhà được đúc bằng gạch thẻ xử lý đứng và ốp đá hộc rất kiên cố cao 0,9m so với mặt đất và có diện tích 12x15 = 180m2.

Hai lối vào nhà là 2 tam cấp bằng gạch thẻ xử lý đứng, hai tam cấp này dẫn vào 2 cửa bên trái và phải cửa giữa. Khoảng cách giữa hai tam cấp là một tấm chắn được trang trí theo lối chắn song với chất liệu bê tông.

Hành lang được tạo bởi 6 cột bê tông trang trí đơn giản tạo nên 5 vòng cung ứng với 5 cánh cửa vào nhà. Cánh cửa làm bằng gỗ theo kiểu lá sách. Bên trong nhà trang trí theo lối truyền thống của ngôi nhà khá giả lúc bấy giờ: nền bằng gạch tàu, cột gỗ tròn với đôi câu đối, hoành phi, bao lam, khánh thờ, bàn ghế, ván, tủ,…được chạm trổ, trang trí theo đề tài tứ quí, tứ linh. Khoảng không gian trong ngôi nhà tính từ cột hàng ba trước đến hàng nhì sau được dùng làm nơi thờ tự và tiếp khách sang trọng. Ngoài ra, trên trần của khoảng không gian này còn treo ba cây đèn dây có chụp bằng đồng tahu.

Hành lang và cửa vào mặt sau của ngôi nhà cũng có nét kiến trúc như mặt trước, riêng lối vào nhà là một tam cấp dài bằng đá xanh (Andesite) và lối vào cửa giữa cũng bị ngăn bởi một lan can. Những lan can mặt sau của ngôi nhà cũng được trang trí theo lối chấn song.

Năm 1984, ngôi nhà này bị xuống cấp, cần được xây dựng lại, vì thế ông Võ Công Đức – cháu nội Võ Công Tồn đã phá bỏ nó đi, đồng thời tận dụng lại móng, nền, ngói cua nó để kết hợp dựng lại một ngôi nhà mới có diện tích = (9,2x14)=128m2. Ngôi nhà mới xây trên nền móng của ngôi nhà cũ và quay mặt về hướng Đông với kết cấu 3 gian đơn giản: mái ngói, vách và cột bằng bê tông, nền lát gạch tàu (lục giác). Nhà chỉ có 1 cửa vào, 2 cửa hông, không có cửa sau và 1 bường nằm ở góc cuối nhà về phía trái có diện tích = (2,5x2,5)m2.

Cửa vào nhà theo kiểu bánh ú và là cửa vào duy nhất nên để có đủ ánh sáng bên trong nhà có rất nhiều cửa sổ: mặt trước 2 cửa sổ, 2 bên hông mỗi bên có 3 cửa sổ và mặt sau có 3 cửa sổ. Tất cả cửa của ngôi nhà bằng gỗ và được làm theo kiểu lá sách.

Vì chủ yếu để thờ tự và họp mặt gia đình vào ngày cúng giỗ nên chiếm phần lớn ngôi nhà là khoảng không gian thờ tự và tiếp khách. Bên trong trang trí theo lối truyền thống.

Gian giữa từ cửa vào đặt 1 bàn tròn bằng gỗ cẩn xà cừ có đường kính mặt 0,9m, cao 0,9m. Kế đến là bàn dài bằng gỗ gõ có kích thước = 1,6m x 0,9m x 0,9m. Tiếp theo là 1 bàn mặt đá cẩm thạch đặt ngang dùng làm bàn thờ có kích thước = 0,6m x 1,2m x 0,8m. Và tiếp theo bàn này là một bàn độc bằng gỗ cẩn xà cừ, chân cao dùng làm bàn thờ kích thước = 0,65m x 1,2m x 1,4m, nối tiếp cuối cùng là 1 bàn bằng gỗ có kích thước = 0,8m x 1,5m x 1,4m dùng làm nơi đặt thang và thức cúng – tất cả các bàn thờ đặt ngang và sát nhau, sát đến vách sau.

Phía trên bàn thờ, sát vách sau, cách mặt đất khoảng 2m đặt một khánh thờ 0,5m x 1,2m x 1,2m.

Hai gian bên phải và trái tính từ cửa vào, mỗi bên đặt 1 bàn tròn gỗ có kích thước bằng nhau, đường kính mặt bàn = 1,2m, cao 1,2m. Kế tiếp 2 bàn tròn gỗ và song song bàn dài giữa nhà là 2 bộ ván gõ: Gỗ mặt ván dày 0,00m (1 bộ gồm 3 tấm ván ghép lại, 1 bộ 2 tấm). Kế tiếp 2 bộ ván là 2 bàn mặt đá cẩm thạch màu trắng ngà nằm dọc sát 2 vách hông: 1 bàn có mặt chữ nhật có kích thước 0,8m x 0,5m x 0,8m; 1 bàn có mặt hình chữ nhật khuyết 4 góc có kích thước 0,65 x 0,8m x 0,8m. Kế tiếp bàn này là một bàn gỗ có nhiều hộc kích thước 0,7 x 0,8m x 1,4m. Cuối cùng là 2 tủ bằng gỗ mun đặt sát hông bên phải gần cuối nhà: 1 tủ có 2 mặt gương dày, trên đỉnh mặt trước có trang trí hình chim phượng; 1 tủ trang trí tiện khắc trông rất đẹp và vững chắc. Hai tủ bằng nhau có kích thước: 2,20m x 0,5m x 1,15m.

Những gì còn lại ở nhà Võ Công Tồn đáng chú ý nhất là những sản phẩm chạm gỗ mà nổi bật là 3 bao lam và các khung chạm có hình ô hộc và đôi câu đối. Qua các di tích này, chúng ta có thể hình dung được quy mô của kiến trúc và trang trí ở nội thất của nhà Võ Công Tồn xưa như thế nào. Ba bao lam chạm lộng công phu được bố trí tại 3 gian thờ của 4 hàng cột giữa. Hai bao lam hai bên, phía trên chạm hoa hồng và chim sẽ, giữa chạm cây tùng và chim công, phía dưới là hoa cúc và chim hoàng anh, dưới cùng là mô típ bướm.

Bao lam trung tâm, phía trên chạm cây tùng và chim trĩ, hoa cúc và chim hoàng anh phía dưới, ở phía trên nơi trung tâm chạm dơi cách điệu. Ba bao lam đã thể hiện một thủ pháp tả thực sinh động bằng kỹ thuật chạm lộng tài tình, khéo léo của nghệ nhân có trình độ điêu luyện. Các đề tài được khắc hoa tỉ mỉ qua các lát đục sắc, gọn; những đường vuốt công phu; tỉa tách uyển chuyển, từ những cội tùng sấn sùi góc cạnh cho đến những chân chim, những cọng râu mảnh mai của bướm…

Cả ba bao lam tuy đồ án có hơi khác biệt nhưng điều hàm chứa ngụ ý cầu mong cuộc sống bình an (mô típ công), hạnh phúc (mô típ dơi), phú quý (mô típ chim) và trường thọ (mô típ tùng).

Khung dọc tại bốn cột gắn bao lam, các đề tài trang trí được thể hiện dạng cặp đôi, cảnh vật cẩn ốc xà cừ như: tùng lộc, mai hạc, ngoài ra còn có gà và bướm. Ở phía dưới và góc trên của khung chạm nổi mô típ dây lá. Phần chân các khung dọc của bao lam chạm nổi hình chân đôn.

Phía trên bao lam cho đến mái nhà là những khung chạm hình “ô hộc” chia làm bốn lớp ở giữa và hai lớp ở bao lam hai bên. Bố cục các khung “ô hộc” được sắp xếp đan xen rất hài hòa giữa các ô chữ nhật đứng, ô vuông, ô chữ nhật nằm ngang, khung lớn, khung nhỏ.

Ở các khung ô hộc, ngoài các đồ án trang trí dạng hình cọc như chấn song (dạng hình khối tròn), hồi văn chữ vạn, chạm lộng còn có các khung cẩn ốc xà cừ đề tài mai, lan, cúc, trúc, bầu rượu, …Nổi bật nhất ở các khung ô hộc là đề tài cây trái như khế, măng cục, bí,…được thể hiện rất công phu qua kỹ thuật chạm nổi trên nền chạm lộng hồi văn chữ vạn.

Chạm gỗ ở nhà Võ Công Tồn còn thể hiện trên bao lam khánh thờ qua các đề tài truyền thống như lưỡng long tranh châu ở trên, long ẩn vân ở hai bên và dơi ở giữa.

Các hiện vật như bàn tròn chân tiện kiềng ba chân được chạm nổi hoa văn dây lá cách điệu phương Tây.

Tóm lại, chạm gỗ ở nhà Võ Công Tồn mà nổi bật là các bao lam đã thể hiện một trình độ khá điêu luyện của các nghệ nhân. Đề tài đa dạng, được thể hiện rất sinh động bằng các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, cẩn ốc xà cừ rất công phu. Ở đây, ngoài các yều tố truyền thống như “tứ thời” yếu tố dân gian cũng được đưa vào khá nhiều như khế, bí, bướm, gà,…bên cạnh phong cách mỹ thuật phương Tây như dây, lá, hoa hồng, song tiện. Sự phong phú và đa dạng về đề tài trên các sản phẩm chạm gỗ ở nhà Võ Công Tồn đã phản ánh khá rõ nét xu hướng thẩm mỹ vào thời kỳ này ở Nam Bộ trong điêu khắc, trang trí mỹ thuật đã vượt ra khỏi những ràng buộc bởi những qui phạm khắc khe của mỹ thuật phong kiến, sản phẩm của những nghệ nhân điêu khắc tài ba tiền bối còn lại ở di tích nhà Võ Công Tồn thật sự là những hiện vật, những tư liệu quí.

Sân sau (của ngôi nhà cũ) có diện tích (10x15)m2 lát gạch lục giác đây là nơi luyện tập võ nghệ, chuẩn bị khởi nghĩa của nghĩa binh Thiên địa hội từ năm 1913-1916 (nhà Võ Công Tồn lúc này là một cơ sở của tổ chức “Thiên địa hội”). Năm 1927, sau giờ học chữ Bác Tôn dạy học trò rèn luyện thân thể bằng cách múa quyền, đi roi. Hiện nay, sân được tráng bê tông để làm sân phơi.

Bên phải của sân sau là nhà ăn, bên trái là lẫm lúa. Nhà ăn và lẫm lúa quay mặt ra sân, 3 gian 2 chái lòng trính, với mái ngói móc tường gạch. Năm 1978, nhà ăn được xây dựng lại 3 gian 2 chái và nối đôi. Nhà có vách bê tông, mái ngói âm dương, nền lát gạch tàu và hiện nay dùng để ở.

Lẫm lúa: trước năm 1927, ông Võ Văn Suốt đã dùng 1 gian trong 3 gian của lẫm lúa để dạy chữ Hán cho con em trong làng. Đến năm 1927, Bác Tôn Đức Thắng dùng lớp học này dạy một số học trò học chữ Hán và truyền bá tư tưởng cách mạng. Hiện nay, lẫm lúa không còn lại gì ngoài phần nền (diện tích 25,5m x 5,7m = 145,35m2) và trên đó còn dựng lên 3 gian nhà đơn giản với mái tôn cột gỗ, không vách, dùng làm nơi chứa nông cụ.

Tóm lại, nhà Võ Công Tồn không những là nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi thờ cúng gia tộc của gia đình ông, mà còn là nơi cơ sở của Thiên địa hội, nơi Bác Tôn có lần về dạy học, tuyên truyền tư tưởng cách mạng chống thực dân Pháp và cũng là nơi lui tới của những nhà yêu nước…nay chỉ còn lại nền móng, sân, và những hiện vật bên trong.

5.2./ Khu lò gạch:

Là nơi Võ Công Tồn sản xuất kinh doanh gạch ngói, nơi đây, trước đây gồm có các ngôi nhà như: nhà ở của Võ Công Tồn, nhà ở công nhân, nhà công xi, nhà phơi gạch, 3 lò gạch…Hiện nay, những nơi này chỉ còn lại vài dấu tích nền móng.

Nhà ở của Võ Công Tồn:

Là một ngôi nhà được xây bằng gỗ theo kiểu nhà sàn, dân gian gọi là nhà cao cẳng nóc bánh ít vuông vức, nơi gia đình Võ Công Tồn ở trông nom lò gạch nhưng khoảng năm 1930 bị sét đánh sập không còn dấu tích gì. Sau đó ông ở tại một ngôi nhà của người thân cũng tại khu lò gạch của ông. Ngôi nhà này hiện nay chỉ còn nền móng, có diện tích là: (7,6m x 7,5m) + (2,1m x 3,3m) = 63,93m2, nền còn lại cao 0,8m được xây bằng gạch thẻ xử lý đứng.

Các nhà khác như: nhà ở công nhân, nhà công xi, nhà phơi gạch chỉ còn nền móng bằng bê tông có diện tích:

+ Nhà công nhân ở có diện tích: 16,3m x 15,7m = 255,91m2

+ Nhà công xi có diện tích: 8,1m x 3,5 m = 28,35m2

+ Nhà phơi gạch có diện tích: 6,6m x 9,2m = 60,72m2

Lò gạch chỉ còn lại một cửa lò gạch hình vòm cung được xây bằng gạch thẻ cao 4-7m, đường kính lớn nhất 9m và diện tích nền còn lại: (4,5m)2 x 3,14 = 63,59m2

Tất cả nằm trên khu đất rộng có diện tích 15.973m2 trong vườn cây ăn trái xanh um, hiện là sở hữu của bà Phan Thị Sáu (cháu dâu của Võ Công Tồn).

Chính tại khu lò gạch này là cơ sở tin cậy của Đảng, nhiều nhà yêu nước đã đến đây và nhất là Nguyễn An Ninh. Đặc biệt năm 1936 đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn An Ninh đã mở lớp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hiện nay, trên khu đất ló gạch có nhà của bà Phan Thị Sáu gồm 3 gian xây bằng bê tông, mái ngói ở sau nền nhà của Võ Công Tồn.

Nhìn chung, những kiến trúc nhà ở, lò gạch, nhà của khu lò gạch hiện nay đã hoàn toàn sụp đổ, chỉ còn lại những dấu tích như nền móng phần còn lại của lò gạch và cảnh quan…kết hợp với nội dung của di tích chỉ phần nào gợi tưởng lại qui mô kiến trúc, về một cơ sở cách mạng tin cậy cũng như về nơi lưu niệm điền chủ yêu nước Võ Công Tồn. Vì thế, để phát huy hết tác dụng của một di tích cách mạng, làm toát lên được nội dung của nó thì di tích “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” – Cơ sở cách mạng thời kỳ trước cách mạng Tháng Tám 1945 ở Nam Bộ này cần được đăng ký bảo vệ, phục dựng.

Với những giá trị trên di tích lịch sử “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” đã được UBND tỉnh Long An ra quyết định đăng ký tại số 3639/QĐ-UB ngày 18 tháng 12 năm 2000. Di tích này xứng đáng là di tích lịch sử cấp quốc gia để tạo nền tảng pháp lý cho việc gìn giữ, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị, nhất là về mặt giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ mai sau.

6. Các hiện vật bên trong di tích.

- Hiện vật gỗ:

+ 3 bao lam

+ 3 bộ ô hộc trên bao lam

+ Đôi câu đối

+ 2 bộ ván

+ 2 tủ lớn

+ 2 bàn thờ

+ 1 khánh thờ

+ 2 chò

+ 1 tủ rượu

+ 1 bàn dài

+ 3 bàn tròn

+ 1 bàn trang điểm.

- Hiện vật đá:

+ 3 bàn mặt đá cẩm thạch trắng.

- Hiện vật bằng đồng:

+ 1 lư (đỉnh)

+ 1 lư hương

+ 4 chân đèn.

+ 1 đèn có dây chụp.

Các hiện vật trên là những hiện vật có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là những hiện vật còn lưu lại của di tích hiện nay được mô tả trong phần khảo tả.

* Ghi chú: Do chúng ta không có chính sách thỏa đáng kịp thời và biện pháp bảo quản thích hợp nên các hiện vật trên đã dần không còn nữa.

7. Giá trị lịch sử.

“Nhà và lò gạch Võ Công Tồn” là một di tích lịch sử cách mạng ghi dấu một cơ sở tin cậy của Đảng và các phong trào yêu nước trước năm 1945; là nơi ghi dấu một số hoạt động của những nhà yêu nước và lãnh đạo cách mạng như Nguyễn An Ninh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai; là một bằng chứng cho việc truyền bá chủ nghĩa Mac-Lênin của Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai,… trên đất Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngoài ra, nó còn là nơi lưu niệm nhà yêu nước Võ Công Tồn – người đã cống hiến rất nhiều công của và cả tính mệnh cho Đảng trong thời kỳ Đảng còn non trẻ.

Thân thế và sự nghiệp Võ Công Tồn được ghi dấu qua di tích hiện nay là bằng chứng cho tư tưởng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc trân trọng, khơi dậy và phát huy ngọn lửa yêu nước của dân tộc, từ giác ngộ chủ nghĩa yêu nước đi đến giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản.

Di tích nhà Võ Công Tồn, nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông là một trong những bằng chứng góp phần làm bừng sáng tư tưởng “Đại đoàn kết toàn dân” của Bác Hồ. Nó khẳng định tính tất yếu lịch sử: chủ nghĩa thực dân dù lớn mạnh đến đâu cũng bị sụp đổ trước sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Lịch sử Việt Nam đã trãi qua bao cuộc thăng trầm nhưng cuối cùng vẫn mãi trường tồn đó là nhờ tinh thần đoàn kết của toàn dân và cống hiến của những nhà yêu nước. Ngôi nhà của Võ Công Tồn nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông, nơi lưu dấu của những nhà yêu nước và lãnh đạo Cộng sản là chứng nhân của sự hội tụ tinh thần yêu nước nồng nàn ấy. Ngót bảy mươi năm trước, nơi đây đã từng là trường học truyền bá chủ nghĩa Mac-Lênin, hôm nay và mai sau giá trị lịch sử lớn lao ấy sẽ càng sâu đậm thêm trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng ở tỉnh nhà.

Bên cạnh những giá trị lịch sử cơ bản trên, nhà Võ Công Tồn còn chứa đựng những hiện vật gốc, những hiện vật này ngoài ý nghĩa gắn liền với cuộc đời của Võ Công Tồn nó còn có giá trị về nghệ thuật điêu khắc chạm gỗ.

Những tác phẩm chạm gỗ ở đây như bao lam, khung chạm hình ô hộc, khánh thờ,… thể hiện một trình độ điêu luyện của các bậc nghệ nhân tiền bối từ bố cục đến xử lý kỹ thuật, đề tài đa dạng phong phú, cách trình bày sinh động.

Đây thực sự là những vốn văn hóa quý báu được lưu giữ qua các thời kỳ.

Về kỹ thuật những tác phẩm chạm gỗ ở nhà Võ Công Tồn là một tập hợp các kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm nổi trên nền chạm lộng, cẩn ốc xà cừ rất điêu luyện và tinh xảo.

Những sản phẩm chạm gỗ ở nhà Võ Công Tồn thực sự là những tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu mỹ thuật, điêu khắc giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Với những giá trị nêu trên, di tích “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” cần được xếp hạng cấp quốc gia để nó sớm trở thành nơi học tập và giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

8. Tình trạng bảo quản di tích.

Hiện nay di tích chỉ còn lại những phần kiến trúc như nền móng bê tông như: nền nhà ở, nền phơi gạch, nền tường nhà công xi, một cửa lò gạch đang sắp bị sụp đổ và phủ lấp theo thời gian và một số hiện vật điêu khắc chạm gỗ đang bị mối mọt hủy hoại.

Hiện nay di tích chưa được đầu tư để trùng tu, tôn tạo.

9. Các phương án bảo vệ và sử dụng di tích.

Di tích lịch sử “Nhà và Lò gạch Võ Công Tồn” hiện nay đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ và đã được Bộ Văn Hóa xếp hạng di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia.

Trước mắt, đề nghị đặt bảng giới thiệu di tích, mở rộng và nâng cấp đường vào di tích.

Trong tương lai gần rất cần đầu tư tôn tạo cảnh quan: Như vườn cây ăn trái nhằm tạo cảnh quan và huê lợi cho người trông coi, gắn lợi ích gia đình với việc bảo quản di tích; Phục dựng lại Lẫm lúa và xây bia tại nền Lò gạch, cuối cùng là làm hàng rào bảo vệ di tích.

Di tích là một nơi giáo dục tốt về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, với cảnh quan nơi đây phù hợp cho những buổi cắm trại về nguồn, giải trí cho sinh viên, học sinh và du khách…

Thiết kế bởi Khấu Vĩnh Công - Chịu trách nhiệm về nội dung: Khấu Vĩnh Công
Trường THCS Tân Bửu, địa chỉ: Ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Email:thcstanbuu.gddtbl@gmail.com - Điện thoại: 072. 3648.614