Nhà họp Long Hiệp

Di tích lịch sử “Nhà họp Long Hiệp”- Địa điểm thành lập tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn

1. Tên gọi di tích:

Nhà Long hiệp là ngôi nhà ba gian có kiến trúc kiểu xưa thuộc ấp Long Bình xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trước đây là nhà của ông Nguyễn Văn Triều (thường gọi là thuộc Viên Triều hay Cai Tổng Chèo) xây nên để ở vào giữa thế kỷ XIX. Tháng 11 năm 1930 tình hình thuận lợi cho việc thành lập Tỉnh ủy thì ngôi nhà này đáp ứng được những điều kiện đển tiến hành cuộc họp bí mật. Đảng xét thấy đây là cơ sở địa phương, có nguồn gốc địa chủ là Hội đồng Chèo, lại là quan chức được giác ngộ cách mạng là ông xã Nguyễn Tấn Tảo nên địch sẽ không dòm ngó, chính vì thế Đảng đã lấy địa điểm này tiến hành cuộc họp. Thời Pháp thuộc chỉ những đồng chí lãnh đạo Đảng mới biết đây là nơi họp thành lập Tỉnh ủy Chợ Lớn. Nhân dân chỉ gọi là nhà Cai Tổng Chèo rồi nhà ông Xã Tảo.

Sau năm 1975 đất nước thống nhất, thì mọi người gọi là nhà Long Hiệp để ghi nhớ ngôi nhà này của địa phương Long Hiệp là nơi họp thành lập Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn tháng 11 năm 1930.

2. Địa điểm phân bố - Đường đi đến di tích.

2.1 Địa điểm phân bố: Nhà Long Hiệp nằm ở hướng Đông Bắc thị xã Tân An thuộc ấp Long Bình xã Long Hiệp huyện Bến Lức tỉnh Long An.

Theo sử cũ thì đầu thế kỷ XVII đã có những nhóm lưu dân người Việt đến định cư và khai phá vùng đất Đồng Nai và Sài Gòn của xứ Nông Nại, họ lập thành Nậu và thành Thuộc sống biệt lập với sự cai trị của nhà Nguyễn. Năm 1698 Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Kính vào và thiết lập bộ máy hành chính lúc này số người Việt lên đến 4 vạn. Nguyễn Hữu Kính lập đất Nông Nại thành Phủ Gia Định phân làm hai huyện Phước Long trên vùng đất Đồng Nai, Tân Bình trên xứ Sài Côn, Lỵ Sở là dinh Phiên Trấn. Đất Long An thuở ấy nằm trong huyện Tân Bình. Long Hiệp ngày nay lúc ấy giáp vùng Gò Đen (sở dĩ có tên gọi này do lưu dân người Việt đến khai khẩn vùng này họ đào giếng lấy nước ngọt thì gặp phải một lớp đất đen dày hàng mét. Các mũi khoang thăm dò địa chất sau này cũng đã xác nhận điều này). Đoạn giải thích trên chứng tỏ Long Hiệp bấy giờ cũng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định (1).

Năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi, đổi Phủ Gia Định thành trấn Gia Định. Năm 1808 lại đổi thành Thành Gia Định, tổ chức lại hành chính thống quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức trong mục “Cương vực toàn Thành Gia Định” thì lúc ấy thôn Long Hiệp là một trong 48 thôn thuộc Tổng Phước Điền, huyện Phước Lộc, Trấn Phiên An, thành Gia Định. Long Hiệp nằm trong địa giới hành chính này cho đến năm 1825.

Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13) Thành Gia Định được phân lại làm 6 tỉnh: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Lúc bấy giờ Phủ Tân An được thành lập gồm hai huyện Thuận An và Phước Lập, Lỵ Sở đóng ở chợ Cai Tài, thì thôn Long Hiệp lúc này thuộc Tổng Phước Điền, Phủ Tân An, tỉnh Phiên An, Thành Gia Định.

Ngày 5/6/1867 Pháp ra Nghị định lập 6 tỉnh Nam Kỳ thành 24 khu tham biện (Inpection) thì lúc đó thôn Long Hiệp thuộc Tổng Phước Điền, khu tham biện Tân An.

Ngày 7/6/1871 Pháp lại ra Nghị định quy định lại khu tham biện Chợ Lớn có cả ngoại ô Mỹ Tho của hai huyện Tân Long và Phước Lộc sáp nhập bao quanh gồm 12 Tổng, 215 làng thì Long Hiệp lúc này thuộc Tổng Long Hựu Hạ - Khu tham biện Chợ Lớn.

Ngày 20/12/1899 chế độ tham biện được thay thế bằng chế độ tỉnh trưởng, khu tham biện Chợ Lớn được đổi thành Tỉnh Chợ Lớn từ ngày 01/01/1900. Đến 1909 Pháp ra Nghị định chia tỉnh Chợ Lớn làm 4 đại lý (Delegation) sau gọi là quận thì làng Long Hiệp là một trong 4 quận của tỉnh Chợ Lớn.

Trong thời gian từ 1945 đến 1954

- Về phía ta: do tình hình kháng chiến, hai quận Đức Hòa và Trung Quận nhập với Gia Định và Tây Ninh thành tỉnh Gia Định Ninh. Long Hiệp lúc ấy về phía ta thuộc Tổng Long Hựu Hạ, Trung Quận, Tỉnh Gia Định Ninh.

- Về phía địch: 1953 đổi Trung Quận thành Gò Đen, như vậy về phía địch Long Hiệp vẫn thuộc quận Gò Đen, tỉnh Chợ Lớn.

Trong thời gian từ 1954 đến 1975

Ngày 22/10/1956 Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 143/NV sáp nhập phân đất còn lại của tỉnh Tân An với tỉnh Chợ Lớn thành tỉnh Long An thì xã Long Hiệp lúc này thuộc huyện Bến Lức (Trung Quận lúc này cũng đổi thành Bến Lức) tỉnh Long An.

Sau ngày Miền Nam giải phóng 1975 đến tháng 7/1977 huyện Bến Lức và Thủ Thừa nhập lại thành huyện Bến Thủ, xã Long Hiệp lúc này thuộc huyện Bến Thủ, tỉnh Long An. Tháng 4/1983 Bến Lức và Thủ Thừa tách ra, tái lập hai huyện như cũ. Hiện nay di tích Nhà Long Hiệp thuộc ấp Long Bình, xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

2.2) Đường đi đến di tích:

Di tích nhà Long Hiệp nằm về hướng Đông Bắc Tân An cách thị xã Tân An (Long An) 20 km, du khách cố thể đi đến di tích bằng phương tiện ô tô là thuận tiện nhất, theo con đường chính sau: từ Thị xã tân An theo Quốc lộ 1 về hướng Thành phố Hồ Chí Minh 18 km là đến ngã ba Long Hiệp (Cây số 1929) đi lên khoảng 600 mét là đến Ủy ban nhân dân xã Long Hiệp, đi tiếp khoảng 70 mét là đến Hương lộ Long Bình nằm bên trái. Theo Hương lộ Long Bình đi tiếp 1,3 km thì bên phải có Đài tưởng niệm và mộ của ông Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Tấn Đệ, rẽ vào gần 100 mét là đến di tích.

3./ Sự kiện và nhân vật lịch sử

Nói đến Long Hiệp, ai ai cũng nghĩ ngay đến Nhà Long Hiệp, niềm tự hào của nhân dân và Đảng bộ huyện Bến Lức nói riêng và tỉnh Long An nói chung, khi nơi này vào tháng 11 năm 1930 là nơi thành lập Tỉnh ủy đầu tiên tỉnh Chợ Lớn. Trung Quận là quận lớn của tỉnh Chợ Lớn, là cửa ngõ của Chợ Lớn Sài Gòn - Trung tâm đầu não kinh tế chính trị của thực dân Pháp. Với vị trí địa lý như thế và là một vùng có kinh tế phát triển kết hợp với truyền thống oanh liệt của ông cha thưở trước đã tạo cho Trung Quận - Chợ Lớn sớm có một phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng trong những ngày đầu kháng Pháp ngay từ khi chưa có Đảng, những phong trào yêu nước như Thiên Địa Hội, Phong trào Đông Du, Duy Tân, Hội kín Nguyễn An Ninh đều có sự góp mặt của Trung Quận - Chợ Lớn.

Ngày 23 - 24/3/1913 Thiên Địa Hội bạo động ở Sài Gòn, tuy cả hai lần bất thành nhưng đã gieo vào lòng người dân Trung Quận - Chợ lớn một ý thức mãnh liệt: Hãy dùng bạo lực mà chống Pháp. Rồi phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu, phong trào để tang Phan Châu Trinh đã cuốn hút người dân Trung Quận - Chợ Lớn hướng vào tinh thần đòi độc lập, biểu dương lòng yêu nước. Đến khi tổ chức Hội kín ra đời ở Trung Quận - Chợ Lớn cũng có những người đi đầu trong việc vận động, như thầy giáo Nguyễn Văn Tiếp. Phong trào hội kín tan rã, nhưng bước đầu tập hợp được đội ngũ yêu nước, hun đúc thêm ý chí tự cường chống Pháp của nhân dân Trung Quận - Chợ Lớn.

Sơ lược qua một số phong trào yêu nước ở Trung Quận - Chợ Lớn trong những năm trước 1930, ta thấy bối cảnh tổ chức đấu tranh và xu hướng chính trị thời bấy giờ khá phức tạp, chưa tìm được lối ra. Đại đa số nhân dân kể cả bộ phận giai cấp phong kiến và tư sản dân tộc tham gia vào các phong trào yêu nước trong giai đoạn này là mong mỏi phá ách đô hộ của thực dân Pháp đè nặng bao nhiêu năm. Tuy phần lớn là hành động trong đợi chờ, thiếu phương hướng, không có đường lối rõ ràng, chưa dược trang bị một lý luận chặt chẽ, nhưng những phong trào này đã tạo cho người dân Trung Quận - Chợ Lớn một ý thức giác ngộ cách mạng khá sớm, tuy sự giác ngộ ấy chưa có cơ sở vững vàng nhưng nó là tiền đề để quần chúng nhân dân Trung Quận - Chợ Lớn tiếp thu được Chủ nghĩa Mác - Lênin do các tổ chức Đảng Cộng Sản sau này truyền bá. Tháng 6/1925 Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCM ĐCH) ra đời. Đến năm 1929 thì Chủ nghĩa Mác - Lênin được tổ chức này truyền bá ở Trung Quận - Chợ Lớn đã góp phần vạch mặt bọn tay sai đồng thời đấu tranh chống các quan điểm sai lệch như cầu viện, cải lương chủ nghĩa. Vạch trần những tổ chức yêu nước giả hiệu như Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. VNTNCMĐCH ở Trung Quận - Chợ Lớn phát triển khá thuận lợi nhờ bắt rễ từ những người trung kiên của hội kín. Từ giữa 1929 tư bản thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến các thuộc địa, Thực dân Pháp lại khủng bố đàn áp mạnh làm mâu thuẩn trong nước phát triển gay gắt. VNTNCM ĐCH không còn đủ khả năng để lãnh đạo nhân dân vượt qua giai đoạn này. Vì tổ chức này chỉ mới lãnh đạo nhân dân ở mức độ tuyên truyền tư tưởng và phương pháp cách mạng cho quần chúng.

Hoàn cảnh bấy giờ đòi hỏi phải có một tổ chức đầu não lãnh đạo phong trào đấu tranh trực diện với thực dân Pháp, đòi dân sinh dân chủ. VNTNCM ĐCH đã hết vai trò lịch sử nhưng tổ chức này đã tạo một tiền đề lớn chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng: bước đầu truyền bá và trang bị tư tưởng Mác - Lênin, phương pháp bạo lực cách mạng. Đây là cơ sở vững chắc tạo một nền tảng để sau này Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, đã được sự ủng hộ mạnh mẽ của đại đa số quần chúng nhân dân Trung - Quận Chợ Lớn nói riêng và nhân dân ta nói chung.

Ngày 03/02/1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, tình hình đấu tranh cách mạng ở Trung Quận - Chợ Lớn bắt đầu có sự chuyển biến mạnh mẽ ở Trung Quận sự hợp nhất dược thực hiện trong tháng 4/1930 đó là Chi bộ các làng Long Phú, Long Hiệp, Tân Bửu, An Thạnh…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào cách mạng tại tỉnh Chợ Lớn ngày càng lên cao tiêu biểu là những cuộc biểu tình của quần chúng nhân dân lao động, có truyền đơn, biểu ngữ nổi dậy ở các nơi trong tỉnh đòi quyền lợi “Dân sinh dân chủ” trả ruộng đất cho người nghèo và ủng hộ Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời. Trong tình thế đó Đảng chủ trương phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong tỉnh nhằm ủng hộ ngày Quốc tế lao động 1/5. Lập tức quần chúng nhân dân Trung Quận đấu tranh đòităng mức công gặt lúa từ 12 bó ăn một xuống 10 bó ăn một. Ngoài ra bà con nông dân đòi gánh lúa, đập lúa cho chủ phải có cơm chiều, kết quả các yêu sách của nhân dân được chấp nhận. Các cuộc đấu tranh chống sưu cao thuế nặng nhân ngày 1/5 của nhân dân Trung Quận - Chợ Lớn đã làm nức lòng và tăng thêm niềm tin cho phong trào cách mạng trong những ngày đầu Đảng mới lãnh đạo.

Phong trào thực sự mạnh mẽ và dâng trào khi ngày 31/5/1930 đồng chí Ngô Gia Tự, Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ bị địch bắt. Trước tình hình này, Xứ Ủy Nam Kỳ cử đồng chí Lê Quang Sung (Xứ ủy viên) và đồng chí Nguyễn Thị Nhỏ về phụ trách phong trào cách mạng ở tỉnh Chợ Lớn.

Thời gian này dưới sự lãnh đạo của Đảng Nông dân toàn Nam Kỳ biểu tình khắp nơi làm thực dân Pháp rất hoang mang lo sợ. Bấy giờ đồng chí Châu Văn Liêm phụ trách liên Tỉnh Ủy Chợ Lớn nhất loạt cùng một ngày tổ chức ba cuộc biểu tình lớn Đức Hòa, Hóc Môn, Bà Hom để chia lửa với Long Xuyên, Cao Lãnh (nơi vừa diễn ra cuộc biểu tình 1000 người bị thực dân Pháp đàn áp dã man).

Đó là ngày 4/6/1930 cuộc biểu tình của hơn 5000 người dưới sự dẫn đầu của đồng chí Châu Văn Liêm kéo về đấu tranh tại quận Đức Hòa. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn chưa từng có cho đến lúc ấy ở Nam Kỳ nói chung và Chợ Lớn nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng với bao cuộc biểu tình ở Đức Hòa, Hóc Môn, Bà Hom cũng rạng ngày 4 và 5/6/1930 gần 5000 đồng bào ở các xã Tân Bửu, Mỹ Yên, Long Hiệp, Phước Lợi, Long Phú, An Thạnh, Thanh Hà của quận Trung Quận hăng hái tham gia dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ, phần đông là nông dân có cả phụ nữ và trẻ em với các thành phần khác nô nức xuống đường giương cờ đỏ búa liềm giăng khẩu hiệu “giảm thuế thân” kéo về chợ Bến Lức.

Ngoài 2 cuộc đấu tranh ở Đức Hòa và Trung Quận với qui mô hàng ngàn người, còn có những cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt do đồng chí Nguyễn Văn Thế lãnh đạo 500 người, của nhân dân An Phú Tây khoảng 150 người, nhân dân Bình Trị Đông và Tân Túc khoảng 400 người.

Đợt đấu tranh ngày 1/5 đòi giảm thuế tạm thời lắng xuống thì đến đầu tháng 7 những cuộc đấu tranh mới lại bùng nổ khắp nơi trong địa bàn Chợ Lớn.

Đêm 30/6/1930 cuộc diệt tề xảy ra ở Hựu Thạnh (Đức Hòa) và Thạnh Lợi (Thủ Thừa). Đoàn biểu tình chuẩn bị gậy và búa xông vào nhà việc Hựu Thạnh đập phá đốt sách rồi kéo thẳng đến nhà Hương Cả Nguyễn Văn Dương bao vây và bắt được tên này. Xong lại kéo đến bắt hương quản Võ Văn Mây đưa chúng trở lại nhà việc làng thì trừng trị của hai tên.

Đầu tháng 7/1730 được sự chỉ đạo của Tổng Ủy Long Hựu Hạ hơn 100 người được tự vệ thuộc các làng Long Hiệp, Long Phú, Phước Vân, Long Định phối hợp tổ chức mít tinh ở cầu tổng điêu (cầu ông tổng) kéo đến công sở Phước Vân, lần Này tổ chức ban đêm, bố trí sẵn sàng, hô vang khẩu hiệu “đã đảo thực dân Pháp, tịch ký ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày nghèo, đã đảo quan làng” tới công sở quần chúng xông vào đập phá bàn tủ, đốt sạch sổ sách, hồ sơ rồi rút lui êm gọn.

Hai lần thắng lợi trên dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ địa phương đã làm cho nhân dân hết sức phấn khởi, bọn địch hết sức hoang mang.

Để thực hiện lời kêu gọi của Đảng hướng về cách mạng tháng 10 Nga và ủng hộ nhân dân Nghệ An – Hà Tĩnh, các chi bộ Đảng ở tỉnh Chợ Lớn lại lãnh đạo quần chúng nhân dân xuống đường đấu tranh dưới nhiều hình thức phong phú mới. Cuộc biểu tình tháng 7/1930 thu được kết quả, Tổng Ủy Long Hựu hạ quyết định tổ chức cuộc biểu tình vào tháng 8/1930, thêm 200 người thuộc các làng Long Hiệp, Long Định, Long Phú kéo ra ngã ba Long Kim hô vang khẩu hiệu “đã đảo hội đồng cải cách của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long tay sai Pháp”. Đoàn đi đến cầu Long Kim ngang nhà tên cả Ngói - một ác ôn két tiếng thì càng hô dữ dội, hàng ngũ mỗi lúc càng đông có cả những người là tư sản và địa chủ.

Cuộc biểu tình trên vạch trần tổ chức yêu nước giả hiệu của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long đạt được kết quả.

Tháng 9/1930 nhiều nơi trong tỉnh Chợ Lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng quần chúng lại nổi lên diệt tề. Ở Đức Hòa bắn gãy tay hương cả Nam, làng Tân Túc (Bà Hom) giết chết hương quản Truột, làng Bình Trị Đông giết chết hương quản Trâu.

Đêm 7/11/1930 truyền đơn khẩu hiệu cách mạng Tháng 10 và các khẩu hiệu khác đòi tự do dân chủ lại xuất hiện trong các nẻo đường thuộc thị trấn Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn). Đặc biệt ngay trong đêm ấy bất chấp sự khủng bố của địch cờ đỏ búa liềm cũng đã xuất hiện trước cửa dinh phủ Tấn. Tin lá cờ đỏ búa liềm nhanh chóng truyền đi khắp nơi trong quận đem đến cho nhân dân sự phấn khởi và niềm tin tưởng lớn lao vào đường lối lãnh đạo của Đảng. Thực tế phong trào đấu tranh cho thấy Đảng Cộng Sản Việt nam vừa mới ra đời lại tổ chức và lãnh đạo những cuộc đấu tranh với hàng 5, 7 ngàn người. Điều đó cho thấy Đảng đã chứng tỏ được khả năng tập hợp quần chúng lớn lao, nhất là nông dân. Đây là điều kiện kiên quyết cho việc dùng bạo lực cách mạng cướp chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng sau này.

Đảng bộ các cấp ở tỉnh Chợ lớn đã lớn lên qua những phong trào đấu tranh đó. Chỉ trong vòng hơn nửa năm kể từ ngày Đảng được thành lập, phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân ở tỉnh Chợ Lớn, điển hình là những cuộc biểu tình hàng vạn người cho ta thấy bước đầu quần chúng đã lĩnh hội được tư tưởng và phương pháp cách mạng của Đảng. Bằng những cuộc đấu tranh đó phong trào dã hạ uy thế chính quyền thực dân phong kiến ở cấp làng, xã và cả cấp quận. Qua đó đã để lại sự tin tưởng hơn nữa của giai cấp nông dân vào khả năng lãnh đạo của Đảng.

Trong hoàn cảnh đó, mà thực tế phong trào đấu tranh đã phản ánh đến lúc đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng cấp tỉnh làm đầu não để lãnh đạo phong trào.

Thấy được tình hình chủ quan và khách quan thuận lợi trên, tháng 11/1930 thực hiện sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Lê Quang Sung từ Đức Hòa về Trung Quận triệu tập hội nghị thành lập Tỉnh ủy tỉnh Chợ Lớn.

Làng Long Hiệp được vinh dự lớn là đại phương được chọn làm nơi ra đời của Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn (nay là Long An). Sự kiện lịch sử trọng đại này xảy ra vào mùa lúa cuối tháng 11/1930 tại nhà ông Nguyễn Tấn Tảo (xã Tào, làng Long Hiệp Tổng Long Hựu Hạ Trung Quận Chợ Lớn (nay thuộc ấp Long Bình xã Long Hiệp huyện Bến Lức tỉnh Long An). Các đồng chí lãnh đạo Dảng chọn địa điểm này vì: Đây là cơ sở của địa phương, gia đình gốc là địa chủ là ông Nguyễn Văn Triều. Ông Nguyễn Tấn Tảo lại là quan chức chính quyền (Xã Tảo) là con thứ năm của ông Nguyễn Văn Triều. Do vậy làng lính sẽ không dòm ngó, mật thám không để ý nên ta dựa vào đó hoạt động bí mật, tổ chức hội họp. Vị trí gần ga xe lửa Gò Đen và lộ Đông Dương, vừa nằm trong nội đồng sầm uất bên cạnh con rạch Gò Đen rất thuận lợi cho việc quy tụ hội họp và dễ dàng rút lui nếu bị phát hiện. Nhà lại khá giả có khả năng chứa chấp nhiều người trong nhiều ngày. Vì những điều kiện thuận lợi trên các đồng chí chọn địa điểm này và quyết định cuộc họp chính thức.

Cuộc họp diễn ra như sau: đồng chí Nguyễn Xuân Luyện (cử Luyện) đại diện Xứ ủy Nam Kỳ chủ tọa cuộc họp, giới thiệu thành phần gồm các đồng chí trung kiên của Đảng:

1/ Ung Văn Khiêm (tức đồng chí Huân) Xứ ủy viên Nam Kỳ

2/ Nguyễn Xuân Luyện (Cử Luyện) Xứ ủy viên Nam Kỳ

3/ Lê Quang Sung (tức Huế Hoàng) Xứ ủy viên Nam Kỳ

4/ Nguyễn Thị Nhỏ (Sáu Điếc) người Long Hồ, Vĩnh Long

5/ Nguyễn Văn Tuôi (Sáu Tuôi) Long Phú - Trung Quận - Chợ Lớn

6/ Phạm Khương – Bình Nhựt – Tân An

7/ Nguyễn Văn Tốt – Cần Đước – Chợ Lớn

8/ Phan Văn Hảo, Trung Quận - Chợ Lớn

9/ Nguyễn Văn Nhâm, Trung Quận - Chợ Lớn và hai đồng chí ở Cần Giuộc và Đức Hòa chưa xác định được họ tên.

Đồng chí Ung Văn Khiêm thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ đọc lời khai mạc cuộc họp, sau đó các đồng chí nhận xét, đánh giá kết quả việc lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai đem đến những thắng lợi như thế nào khi được Đảng giao từ 01/5/1930 đến tháng 11/1930.

Khi từng đồng chí báo cáo xong, đồng chí Nguyễn Xuân Luyện nói lên đường lối và chủ trương của Đảng trong tình hình sắp tới và giới thiệu từng đồng chí có thành tích cao để bầu ra ban lâm thời Tỉnh ủy. Hội nghị chỉ định 5 đồng chí vào Ban thường vụ cấp ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn gồm:

1/ Lê Quang Sung – Bí thư Tỉnh ủy

2/ Nguyễn Thị Nhỏ - Phó Bí thư Tỉnh ủy

3/ Nguyễn Xuân Luyện – Tỉnh ủy viên

4/ Nguyễn Văn Nhâm – Tỉnh ủy viên

5/ Nguyễn Văn Tốt – Tỉnh ủy viên

Đồng chí Ung Văn Khiêm thay mặt Xứ Ủy Nam Kỳ phát biểu trước Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn các Nghị Quyết của Trung ương Đảng trong việc tổ chức xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh. Động viên tinh thần Đảng Bộ và Ban lâm thời Tỉnh Ủy thực hiện đúng đường lối của Đảng để ra để tạo khí thế vươn lên mạnh mẽ, đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai bán nước. Đảng và quần chúng nhân dân sẽ đấu tranh với khẩu hiệu “Đã đảo đế quốc Pháp” “Đã đảo phong kiến địa chủ” “Tịch ký ruộng đất chia cho dân nghèo” cuộc họp kết thúc thành công tốt đẹp trong bầu không khí phấn khởi từng đồng chí chia tay về cơ sở thực hiện nhiệm vụ Đảng giao.

Sau đó các quận thành lập Quận ủy, một số đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy:

1/ Nguyễn Văn Tuôi

2/ Phạm Khương

3/ Phan Văn Hảo.

Thế là Tỉnh ủy ra đời trong hoàn cảnh đấu tranh trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù. Quần chúng nhân dân tỉnh Chợ Lớn từ đây sẽ được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Kẻ thù thực dân trong những ngày đầu hãy còn mơ hồ cho rằng phong trào đấu tranh là do các tín đồ cao đài, những Hội viên Hội kín Nguyễn An Ninh có sự xúi giục của bọn mà chúng gọi là tay chân Mạc Tư Khoa gây nên. Nhưng rồi đây chúng sẽ sớm nhận thấy chúng đang dương đầu với một địch thủ mới không đội trời chung: Tỉnh ủy tỉnh Chợ Lớn nói riêng Đảng cộng sản Việt Nam nói chung.

Tổ chức Tỉnh ủy ở nhà Long Hiệp không lâu thì phải dời vào Chợ Lớn do địch khủng bố gắt gao, nhưng vẫn duy trì hoạt động như treo cờ Đảng, in và giao tài liệu, cử cán bộ về hoạt động tuyên truyền ở cơ sở.

Trong thời gian từ năm 1931 - 1932 thực dân Pháp rút kinh nghiệm trong cao trào 1930 - 1931 ở Nghệ-Tĩnh nên đàn áp dã man các phong trào đấu tranh và tiến hành khủng bố trắng các cơ sở Đảng. Xứ ủy Nam Kỳ cũng bị phá vỡ trong thời gian này. Giai đoạn thử thách khốc liệt này cũng là giai đoạn thể hiện sự đấu tranh kiên trì, bền bỉ đầy gian khổ và cũng đầy kỳ tích của Tỉnh ủy Chợ Lớn trong việc tái lập Xứ ủy Nam Kỳ mà Tỉnh ủy Chợ Lớn và Tân An đóng vai trò quyết định. Trong khoảng nửa cuối năm 1931, vào lúc Võ Văn Tần bị truy nã ở Đức Hòa phải trở qua Gia Định, Hồ Văn Long đã khôi phục lại Tỉnh ủy lâm thời Chợ Lớn và giữ trách nhiệm Bí thư Tỉnh ủy. Cơ sở Đảng dần dần phục hồi mạnh, khôi phục xong Tỉnh ủy Chợ Lớn, Hồ Văn Long tiếp tục tổ chức lập ban vận động khôi phục cơ sở Đảng với ý định tái lập Xứ ủy Nam Kỳ. Đến ngày 2/5/1932, đồng chí Hồ Văn Long chủ trì hội nghị cán bộ Đảng của các tỉnh về họp ở Bình Đăng (Chợ Lớn) quyết định Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí trực tiếp làm Bí thư. Cuộc họp quyết định nhiều chủ trương lớn, trong đó có việc chuẩn bị tạo điều kiện tiến tới tái lập Xứ ủy chính thức. Sau thời gian củng cố các tỉnh ủy, Hồ Văn Long triệu tập đại biểu Đảng trong toàn xứ về Thành phố Sài Gòn họp bầu ra Xứ ủy chính thức vào đêm 11/10/1932. Trong điều kiện địch toàn quyền kiểm soát và khủng bố, việc triệu tập lại 8 Tỉnh ủy để tái lập Xứ ủy Nam Kỳ là một kỳ tích lớn lao của những người cộng sản mà Tỉnh ủy Chợ Lớn đóng vai trò quyết định. Chính Mác-Ty, Giám đốc Sở mật thám Đông Dương phải thừa nhận “đây là sự phát triển của phong trào, tổ chức lại âm mưu tái lập Đảng Cộng Sản Đông Dương”.

Đây là một chiến tích lớn của Tỉnh ủy Chợ Lớn kể từ khi thành lập tháng 11/1930 cùng với sự hình thành và lớn lên đầy những bước thăng trầm của Đảng trong thời kỳ thoái trào đầu tiên ở những năm 1931 - 1932.

Việc góp phần tái lập Xứ ủy Nam Kỳ mà Tỉnh ủy Chợ Lớn đóng một vai trò then chốt càng khẳng định tầm quan trọng và giá trị lịch sử lớn lao của sự kiện thành lập Tỉnh ủy đầu tiên Chợ Lớn tháng 11/1930 ở Nhà Long Hiệp. Sự kiện ấy đánh dấu một bước ngoặt lịch sự trọng đại và khẳng định một điều không thể chối cải trong lịch sự đấu tranh cách mạng của quần chúng và nhân dân tỉnh Chợ Lớn: đây là cơ sở, là tiền đề cách mạng đển quần chúng nhân dân tỉnh Chợ Lớn (sau này là Long An) dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong vùng lên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa tháng 11/1940, rồi giành chính quyền từ tay thực dân Pháp, phát-xít Nhật trong Cách mạng Tháng 8/1945. Sau đó cũng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân tỉnh Chợ Lớn bước vào cuộc kháng chiến 9 năm thắng lợi. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm trường kỳ, Tỉnh ủy Long An tiếp tục lãnh đạo quân và dân Long An đi đến thắng lợi hoàn toàn năm 1975.

4./ Loại di tích.

Thuộc loại hình di tích lịch sử

“Nhà Long Hiệp” là di tích lịch sử ghi dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh của Đảng cộng sản và nhân dân tỉnh Chợ Lớn.

Nơi đây là địa điểm lưu niệm một địa danh lịch sử: “Nhà Long Hiệp, nơi thành lập Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn tháng 11/1930”.

5./ Khảo tả di tích.

Từ Quốc lộ I theo hương lộ Long Bình đi 1,3 km về phía tây phải có mộ Nguyễn Tấn Long, Nhà Long Hiệp cách đó gần 100 mét. Nằm giữa nội đồng, xung quanh và trước nhà là một vườn cây ăn trái. Ngôi nhà có hai mặt trước và sau có cổng vào nhà giống nhau. Mặt trước chiếm 2/3 diện tích ngôi nhà (mặt chính) quay về hướng rạch Gò Đen. Mặt sau chiếm 1/3 diện tích quay về hướng lộ Long Bình. Nhà có chiều dài là 17m, ngang là 14m. Có kiến trúc kiểu xưa mặt tiền có chạm 1 số hoa văn bằng xi măng. Trước nhà có vòng lan can bao xung quanh, sân xây bằng tường 20cm. Trước cổng vào nhà có hành lang dài 2m. Nhà xây kiểu ba gian, 2 chái và lợp bằng ngói đại tiểu, nền nhà lát gạch tàu. Móng được âm bằng đá xanh tường nhà là 40cm.

Mặt tiền 3 lối vào nhà, 3 bên lối vào nhà có 2 cửa sổ bằng gỗ có song sắt. hai bên hông nhà là hai chái có hai cửa bằng gỗ thông ra ngoài. Trong nhà có 4 hàng cột, mỗi hàng cột có 4 chia nhà thành 3 gian. Cạnh hai bên chái ngôi nhà đặt bộ ván gõ và 1 ghế bàn tròn, ở gian nhà giữa để một bộ ghế trường kỷ và một bàn thờ làm ngôi nhà tăng thêm vẻ đẹp và sự tôn nghiêm của ngôi nhà thờ. Về sau bộ ghế được dời về phía bên phải cạnh bộ ván. Dưới bộ ghế này là hầm bí mật, và chính bộ ván này là nơi ngồi họp của các đại biểu bầu ra Tỉnh ủy tỉnh Chợ Lớn tháng 11/1930.

Nối giữa ngôi nhà chính và ngôi nhà phụ phía sau là bức tường 20cm, có hai cửa lớn 71cm bằng gỗ thông ra nhà sau. Qua hai cửa là một phòng lớn có hai cửa sổ bằng gỗ cũng có song sắt, cạnh mỗi bên cửa sổ là một gian buồng lớn (Chính hai gian buồng này là nơi in ấn tài liệu truyền đơn lúc Tỉnh Ủy chọn nơi này làm cơ sở. Nhà phụ phía sau có đặt một bộ ván nhỏ và một bàn thờ, nhà sau cũng có hai cửa lớn thông ra ngoài và cũng có một hành lang dài 2m. Ngôi nhà này đến năm 1968 bị pháo bắn sập 1 góc. Sau năm 1975 không ai ở đến 1988 thì sụp đổ hư hỏng 95%.

Hiện nay chủ nhân tháo gỡ hoàn toàn, ngôi nhà chỉ còn lại một nền đất trống.

6. /Các hiện vật trong di tích.

Trải qua 63 năm (45 năm là chiến tranh) kể từ sự kiện thành lập Tỉnh ủy tháng 11/1930, các hiện vật trong di tích nhà Long Hiệp có liện quan đến sự kiện ấy đến nay không còn do hư hỏng và mất mát vì thời gian.

Nhưng do tính chất đây là ngôi nhà thờ nên con cháu còn giữ lại được một số làm kỷ niệm. Qua tìm hiểu chúng tôi ghi nhận được một số hiện vật sau:

- Bộ ván bằng gõ: nơi các đại biểu ngồi họp bầu ra Tỉnh ủy tháng 11/1930.

- Bộ trường kỷ

- Đồ thờ cúng trong nhà.

Hiện nay số hiện vật này được cô Ba Nhạn gìn giữ ở nhà số 15 Trưng Nữ Vương, Thị xã Tân An – Long An, cô Ba Nhạn là con gái của ông Nguyễn Tấn Long, là cháu nội của ông Nguyễn Tấn Tảo thừa kế ngôi nhà này. Cô Ba Nhạn hiện là chủ nhân ngôi nhà này.

7. Giá trị lịch sử của di tích.

Di tích lịch sử nhà Long Hiệp là nơi ghi dấu một sự kiện trọng đại trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Chợ Lớn lúc ấy nói riêng cũng như Đảng và dân tộc ta nói chung.

Đây là một điểm son trong trang sử vẻ vang của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Di tích lịch sử Nhà Long Hiệp là hiện thân sinh động chứng minh cho sự sáng suốt của Đảng khi quyết định thành lập Tỉnh Ủy Chợ Lớn vào tháng 11/1930 là hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh và đáp ứng được nhu cầu trước phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân tỉnh Chợ Lớn vào lúc ấy.

Nó là chứng tích để khẳng định cho sự truyền bá tư tưởng của Đảng và Bác Hồ trong nhân dân tỉnh Chợ Lớn.

Di tích nhà Long Hiệp với sự kiện thành lập Tỉnh Ủy tháng 11/1930 đánh dấu một bước ngoặc lịch sử: từ đây lịch sử của Đảng gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Chợ Lớn (Long An ngày nay).

Từ bước ngoặc này phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Chợ Lớn sẽ đặt dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Đây là nhân tố quan trọng quyết định để phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh đi đến thành công. Ngày nay trong công cuộc xây dựng tổ quốc, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là hết sức cần thiết, di tích lịch sử Nhà Long Hiệp với những giá trị lịch sử to lớn đó là một đối tượng lý tưởng để thực hiện công tác trên. Qua đó những quá khứ oai hùng của cha ông sẽ được thế hệ hiện tại và tương lai kế thừa và phát huy hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc./.

hiết kế bởi Khấu Vĩnh Công - Chịu trách nhiệm về nội dung: Khấu Vĩnh Công
Trường THCS Tân Bửu, địa chỉ: Ấp 2, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An - Email:thcstanbuu.gddtbl@gmail.com - Điện thoại: 072. 3648.614