Kinh nghiệm xây nhà từ móng tới hoàn thiện

Không ít các cặp vợ chồng trẻ lần đầu tiên xây nhà cảm thấy bối rối vì không biết phải bắt đầu từ đâu, cần làm những công việc gì để có được một ngôi nhà hoàn thiện. Quá trình thi công gồm nhiều công đoạn & liên quan tới nhiều người nhưng nếu nắm được quy trình xây nhà, bạn sẽ thấy cũng không đến nỗi qúa khó khăn và phức tạp.

Thủ tục pháp lý khi xây nhà

Chuẩn bị xây nhà cần lưu tâm tới các thủ tục pháp lý để tuân thủ đúng với quy hoạch và quy định của nhà nước.

Những thông tin cần tìm hiểu trước khi lên kế hoạch xây dựng:

+ Tìm hiểu quy hoạch, lộ giới, chiều cao, số tầng… cho phép trước khi thiết kế.

+ Lối đi chung, vách chung, hố ga, cây xanh… và các vấn đề liên quan tới hàng xóm, nhà liền kề.

2 thủ tục chính trong quá trình xây nhà:

+ Thứ 1: xin cấp giấy phép xây dựng, thông báo trước ngày bắt đầu khởi công xây dựng với chính quyền địa phương. Ngoài ra, chủ nhà cần liên hệ với cơ quan điện nước để di dời công tơ, đồng hồ nước phục vụ cho thi công.

+ Thứ 2: thực hiện thủ tục hoàn công nhà ở sau khi nhà thầu bàn giao công trình cho chủ nhà.

Quy trình xây nhà gồm các bước sau:

Bước 1: Xác định nhu cầu sử dụng và khả năng tài chính

+ Mục đích: xây nhà để ở hay để kinh doanh, cho thuê…

+ Nhu cầu của gia đình: Số tầng, số phòng ngủ, số phòng wc, diện tích các phòng ngủ, diện tích bếp, phòng khách, các công trình phụ trợ (sân phơi, gara, vườn…)

+ Khả năng tài chính của gia đình là bao nhiêu

Những thông tin này sẽ là cơ sở để lên thiết kế và tính toán chi phí xây dựng một cách hợp lý

Bước 2: Chuẩn bị bản vẽ thiết kế

+ Nhiều gia đình tự thiết kế nhà theo sở thích sau đó làm việc trực tiếp với thợ thi công. Tuy nhiên để có được thiết kế đẹp, công năng phù hợp, nên tìm đến các công ty kiến trúc để được tư vấn thiết kế một cách chuyên nghiệp. Bản thiết kế này cũng được dùng làm cơ sở cho bản vẽ hoàn công sau này.

+ Trao đổi với kiến trúc sư về ý tưởng xây dựng, bên cạnh đó là những thông tin về tuổi tác, phong thủy… theo ý của gia chủ

+ Tham khảo những lời khuyên của kiến trúc sư và tìm phương án phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. 

Bước 3: Dự trù tài chính và lựa chọn vật liệu xây dựng

+ Khảo giá thị trường, lựa chọn các loại vật liệu xây dựng phù hợp với yêu cầu của công trình, vật liệu đắt tiền chưa chắc đã đẹp và phù hợp, nhưng cũng không nên tiết kiệm mà ảnh hưởng tới chất lượng công trình.

+ Chi phí xây dựng bao gồm: phần xây thô, thiết bị điện nước, wc, gạch lát, trần thạch cao…

+ Hoạch định các hạng mục chi phí xây dựng và bám sát theo đó để tránh phát sinh chi phí vào các hạng mục không cần thiết.

+ Ngoài ra, sau khi hoàn thiện nếu gia đình cần mua sắm thêm các đồ gia dụng, nội thất thì nên dự trù trước 

Đối với người mới xây nhà lần đầu, những công việc này có thể mất đôi chút thời gian khảo giá, so sánh, nhưng đây là điều cần thiết để có được kế hoạch tài chính sát với thực tế, tránh tình trạng thiếu hụt ngân sách vì những phát sinh sau này.

Tham khảo » Cách tính chi phí xây nhà đơn giản

Bước 4: Lựa chọn nhà thầu, giám sát thi công

Sau những sự lựa chọn về vật tư là sự sắp xếp công việc liên quan tới con người. 

+ Chọn đơn vị thi công ưu tiên những nhà thầu có kinh nghiệm, nhận được những nhận xét tốt từ những khách hàng trước (có thể tìm nhà thầu thông qua người quen, họ hàng hoặc các đơn vị uy tín đã được khách hàng công nhận)

+ Khi thỏa thuận hợp đồng, cần tìm hiểu kỹ các điều khoản, công việc và chi phí thi công trong hợp đồng trước khi ký kết.

+ Ngoài ra, cần tìm một người giám sát thi công để trông nom công việc tại hiện trường nếu gia chủ không có thời gian hoặc chuyên môn về xây dựng. (có thể thuê giám sát hoặc nhờ người nhà có kinh nghiệm xây dựng)

Tham khảo » Có nên xây nhà trọn gói hay không ?

Bước 5: Tìm hiểu trình tự thi công để phân bổ ngân sách theo từng giai đoạn

1. Chuẩn bị mặt bằng xây dựng:

+ Phá dỡ công trình cũ, hút hầm cầu, dọn dẹp mặt bằng, đổ xà bần (nếu như có nhà cũ)

+ Tập kết vật liệu, chuẩn bị kho bãi, lán trại

+ Chuẩn bị điện nước phục vụ xây dựng

+ Che chắn, phủ bạt khu vực thi công nếu cần thiết

2. Phần xây thô:

+ Đào móng, gia cố móng (nếu cần), đổ bê tông móng

+ Xây bể ngầm

+ Đổ khung dầm, cột, xây tường bao, cầu thang, đổ mái

3. Phần hoàn thiện:

+ Lắp khung bao cửa, lắp đặt hệ thống điện, cấp thoát nước, hệ thống cáp, chống sét…

+ Trát tường, láng sàn, ốp gạch, sơn

+ Lắp đặt hệ thống cửa, cầu thang, lan can, trần thạch cao…

+ Thiết bị wc, nhà tắm, nhà bếp…

+ Hệ thống chiếu sáng, quạt, điều hòa…

Lưu ý:

Sau mỗi giai đoạn thi công thường sẽ có một đợt nghiệm thu công việc về thời gian và chất lượng thi công. Sau khi nghiệm thu sẽ tiến hành thanh toán. Các đợt thanh toán bạn có thể tham khảo như sau:

+ Sau khi khởi công

+ Sau khi đổ bê tông móng

+ Sau khi đổ bê tông tầng 1 / tầng 2 / tầng 3…

+ Sau khi đổ mái.

+ Sau khi trát (xây tô)

+ Sau khi bàn giao đưa công trình vào sử dụng.

+ Sau 3-6 tháng bàn giao.