Washington DC, June 2010

Washington, D.C. là thủ đô của Hoa Kỳ, được thành lập vào ngày 16 tháng 7 năm 1790. Mang tên chính thức District of Columbia (viết tắt D.C.), có nghĩa Đặc khu Columbia, thành phố này còn thường được gọi là Washington, the District, hoặc đơn giản hơn D.C. Trong tiếng Việt, District of Columbia cũng được dịch là Quận Columbia nhưng dễ nhầm lẫn vì có đến 8 quận tại Hoa Kỳ mang tên Columbia, đặt biệt nhất là quận Columbia, Washington, một quận nằm trong tiểu bang Washington. Về địa vị chính trị thì Washington, D.C. được xem là tương đương với các tiểu bang của Hoa Kỳ. Thành phố Washington ban đầu là một đô thị tự quản riêng biệt bên trong Lãnh thổ Columbia cho đến khi một đạo luật của Quốc hội Hoa Kỳ năm 1871 có hiệu lực kết hợp thành phố và lãnh thổ này thành một thực thể duy nhất được gọi là Đặc khu Columbia. Đó là lý do tại sao thành phố này trong khi có tên gọi chính thức là Đặc khu Columbia lại được biết với tên gọi là Washington, D.C., có nghĩa là thành phố Washington, Đặc khu Columbia. Thành phố nằm bên bờ bắc sông Potomac và có ranh giới với tiểu bang Virginia ở phía tây nam và tiểu bang Maryland ở các phía còn lại. Tuy đặc khu này có dân số 591.833 người nhưng do nhiều người di chuyển ra vào từ các vùng ngoại ô lân cận nên dân số thực tế lên đến trên 1 triệu người trong suốt tuần làm việc. Vùng đô thị Washington, bao gồm cả thành phố, có dân số 5,3 triệu người là vùng đô thị lớn thứ 8 tại Hoa Kỳ. Điều một trong Hiến pháp Hoa Kỳ có nói đến việc lập ra một đặc khu liên bang, không phụ thuộc vào bất cứ tiểu bang nào, để phục vụ như thủ đô vĩnh viễn của quốc gia. Các trung tâm của ba ngành trong chính phủ liên bang Hoa Kỳ cùng nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng quốc gia đều nằm trong đặc khu. Washington, D.C. là nơi tiếp nhận 173 đại sứ quán ngoại quốc cũng như các tổng hành dinh của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, và Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO).

Thành phố Washington có một kiến trúc rất đa dạng. Sáu trong số mười tòa nhà xếp hạng đầu trong danh sách kiến trúc yêu thích nhất năm 2007 của Viện Kiến trúc sư Mỹ nằm trong Đặc khu Columbia, trong đó có: Tòa Bạch Ốc; Thánh đường Quốc gia Washington; Nhà tưởng niệm Thomas Jefferson; Tòa Quốc hội Hoa Kỳ; Nhà tưởng niệm Lincoln; và Đài tưởng niệm Cựu chiến binh tại Việt Nam. Các hình thái kiến trúc tân cổ điển, george, gothic, và hiện đại, tất cả được phản ánh trong sáu công trình kiến trúc đó và trong nhiều công trình kiến trúc nổi bật khác tại Washington. Những hình thái kiến trúc ngoại lệ nổi bật gồm có các tòa nhà được xây theo kiểu Đệ nhị đế chế Pháp như Tòa Cựu văn phòng Hành chánh (Old Executive Office Building) và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Trong trung tâm thành phố, khu công viên National Mall, có nghĩa Khu dạo chơi Quốc gia, mở rộng với Tượng đài Washington giữa. Cũng nằm trong khu vực này còn có Nhà tưởng niệm Lincoln, Đài tưởng niệm Quốc gia Đệ nhị Thế chiến nằm ở cuối phía đông Hồ phản chiếu Tưởng niệm Lincoln, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Triều Tiên, Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, và Đài tưởng niệm Albert Einstein.

Nằm ngay phía nam khu dạo chơi National Mall là Tidal Basin, một vịnh nước nhỏ, một phần do nhân tạo, có trồng những hàng cây hoa anh đào do Nhật Bản tặng cho thành phố. Khu tưởng niệm Franklin Delano Roosevelt, Nhà tưởng niệm Jefferson, và Đài tưởng niệm Chiến tranh Đặc khu Columbia nằm gần Tidal Basin.

Nhà Trắng hay Tòa Bạch Ốc (tiếng Anh: White House) là nơi ở chính thức và là nơi làm việc chính của Tổng thống Hoa Kỳ. Nhà Trắng là một biệt thự sơn màu trắng và được xây bằng sa thạch theo kiểu tân cổ điển, số nhà 1600 Đại lộ Pennsylvania NW tại Washington, D.C..

Toà Bạch Ốc được xây dựng sau khi Quốc hội quyết định thành lập Đặc khu Columbia và chọn nơi này làm thủ đô Hoa Kỳ ngày 16 tháng 7 năm 1790. Tổng thống George Washington cùng với Pierre L’Enfant, người chịu trách nhiệm qui hoạch thành phố, giúp chọn địa điểm này.

Kiến trúc sư được chọn qua một cuộc thi với chín đề án gởi đến dự thi. James Hoban, người Ireland, là người thắng cuộc; toà nhà được khởi công xây dựng với lễ đặt viên đá đầu tiên vào ngày 13 tháng 10 năm 1792. Toà nhà theo thiết kế của Hoban mô phỏng tầng trệt và lầu một của toà nhà Leinster House, dinh thự của một công tước toạ lạc ở Dubin, Ireland, ngày nay là toà nhà Quốc hội Ireland.

Trái với những điều người ta thường biết về Toà Bạch Ốc, cổng Bắc của toà nhà không được thiết kế mô phỏng theo cổng của một dinh thự khác tại Dublin, Viceregal Lodge (nay là Aras an Uachtarain, nơi ở của Tổng thống Ireland). Trong thực tế, chiếc cổng này chỉ được xây dựng sau này. Quyết định đặt thủ đô trên nhượng địa của hai tiểu bang chủ trương sở hữu nô lệ - Virginia và Maryland – gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng nhân công xây dựng cho các toà nhà chính phủ. Các uỷ viên thành phố D.C., được Quốc hội giao nhiệm vụ kiến thiết thành phố mới dưới sự hướng dẫn của tổng thống, lúc đầu dự định sử dụng nhân công tuyển dụng từ Âu châu; nhưng vì những đáp ứng từ châu lục là tiêu cực nên họ phải quay trở lại tìm kiếm nhân công người Mỹ gốc Phi, cả nô lệ và người tự do. Những người này chiếm phần lớn lực lượng lao động xây dựng Toà Bạch Ốc.

Công cuộc kiến thiết Toà Bạch Ốc hoàn tất ngày 1 tháng 11 năm 1800. Tiến độ thi công cực kỳ chậm, phải mất 8 năm và tiêu tốn 232.371,83 USD, tương đương với 2,4 triệu USD theo trị giá ngày nay tính cả mức lạm phát.

Cổng trước và sau chỉ được thêm vào kiến trúc toà nhà cho đến năm 1825.

Toà nhà lúc đầu được gọi là Dinh Tổng thống (Presidential Palace hoặc Presidential Mansion). Dolley Madison gọi nó là “Lâu đài Tổng thống”. Tuy vậy, có chứng cớ cho thấy trong năm 1811, toà nhà này lần đầu tiên được gọi là “Nhà Trắng”, vì mặt ngoài của nó được sơn trắng. Tên gọi Dinh Hành pháp cũng thường được dùng đến trong các văn kiện chính thức cho đến khi Tổng thống Roosevelt thiết lập tên chính thức của nó là “Toà Bạch Ốc”, tên này được khắc lên các vật dụng văn phòng của tổng thống năm 1901.

Ngày 19 tháng 12 năm 1960, Toà Bạch Ốc được công nhận Danh thắng Lịch sử Quốc gia.

Chỉ có ít người có thể nhận ra Toà Bạch Ốc rộng đến mức nào, bởi vì phần lớn cấu trúc của nó ẩn dưới mặt đất và vì nó trông nhỏ bé hơn kích thước thật khi so sánh với khung cảnh chung quanh. Bên trong Nhà Trắng có:

    • 6 tầng với diện tích sàn tổng cộng là 5.100 m² (55.000 ft²)

    • 132 phòng và 35 phòng tắm

    • 412 cửa ra vào

    • 147 cửa sổ

    • 28 lò sưởi

    • 8 cầu thang

    • 3 thang máy

    • 5 đầu bếp làm việc trọn thời gian

    • 5.000 khách viếng thăm mỗi ngày

    • 1 sân quần vợt

    • 1 đường băng bowling

    • 1 rạp chiếu phim

    • 1 đường chạy

    • 1 hồ bơi

Tượng đài Washington (tiếng Anh: Washington Monument) là một đài kỷ niệm lớn màu trắng tại phía cạnh phía Tây của khu National Mall ở thủ đô Washington, D.C. của Hoa Kỳ. Đây là một đài tưởng niệm tổng thống được xây dựng để tượng niệm tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ George Washington. Tượng đài là cấu trúc công trình nề cao nhất trên thế giới, cao 169,29 m và được xây bằng cẩm thạch, granite và sa thạch. Người thiết kế tượng đài này là Robert Mills, một kiến trúc sư tài danh nổi bật của Hoa Kỳ cuối thập niên 1840. Việc xây dựng tượng đài thực tế được bắt đầu năm 1848 nhưng đến năm 1884 - gần 30 năm sau khi vị kiến trúc sư này mất vẫn chưa hoàn tất. Việc gián đoạn xây dựng này là do thiếu ngân quỹ và sự can thiệp của Nội chiến Mỹ. Một sự khác biệt về độ đánh bóng đá cẩm thạch, có thể thấy từ khoản 45 m trở lên đã phác họa việc xây dựng ban đầu từ khi bắt đầu xây lại năm 1876. Viên đá đặt nền móng được đặt ngày 6/12/1884 và tượng đài được xem như hoàn thành ngày 21/2/1885. Tượng đài được chính thức mở cửa cho công chúng ngày 9/10/1888. Vào thời điểm hoàn thành, tượng đài này là cấu trúc cao nhất, một danh hiệu nó được thừa hưởng từ Đại giáo đường Cologne và giữ kỷ lục đến năm 1889 khi Tháp Eiffel được hoàn tất ở Paris. Tượng đài Washington phản chiếu xuống Hồ phản chiếu hình vuông vươn về phía Tây, phía Nhà tưởng niệm Lincoln.

Điện Capitol Hoa Kỳ hay Tòa Quốc hội Hoa Kỳ là trụ sở của Quốc hội, cơ quan lập pháp của chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Nó được xây tại Washington, D.C., trên Đồi Capitol ở cuối phía đông của National Mall. Tuy nó không nằm tại trung tâm địa lý của Đặc khu Columbia, Điện Capitol là tiêu điểm của quy hoạch thành phố, cho nên các phần tư của địa hạt bắt đầu từ chỗ này.

Điện này nổi tiếng về mái vòm lớn đứng trên rotunda. Nó có một cánh cho mỗi viện Quốc hội: cánh phía bắc của Thượng Nghị viện và cánh phía nam của Hạ Nghị viện. Ở trong mỗi cánh này có phòng chính của viện, trên đó có phòng để người thường có thể coi những hành động của Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện.

Điện Capitol hiện hành là công trình thứ tư được sử dụng bởi Quốc hội, trước đó là Trụ sở Nghị viện Maryland tại Annapolis, Maryland (1783–1784), Liên Bang Phủ (Federal Hall) tại Thành phố New York (1789–1790), và Hội trường Độc lập (Independence Hall; lúc đó là Congress Hall, "Hội trường Quốc hội") tại Philadelphia, Pennsylvania (1790–1800).

Điện Capitol bắt đầu được xây dựng vào năm 1793. George Washington đặt xuống viên đá góc, nhưng chúng ta không biết đá đó còn ở đâu. Điện Capitol được xây dựng và được mở rộng sau đó vào thập niên 1850.

Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Veterans Memorial), là đài tưởng niệm có hình một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá, khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bức tường nằm trong Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam tại trung tâm thủ đô Washington D.C. và được khánh thành ngày 13 tháng 9 năm 1982 với diện tích 8.100 m². Đây là nơi đón tiếp hơn 3 triệu người tới thăm viếng mỗi năm. Được chọn lựa từ hơn 1.000 bức mẫu, bức tường ngày nay do cô Maya Ying Lin, một nữ sinh viên kiến trúc người Mỹ gốc Hoa của Đại học Yale và sống tại Athens, Ohio, thiết kế mẫu.

Được làm từ hai tấm đá hoa cương đen mang về từ thành phố Bangalore ở Ấn Độ. Trên thế giới chỉ có ba nơi có nhiều loại đá hoa cương đen và lớn như vậy là Ấn Độ, Thụy Điển và Nam Phi. Chiều dài bức tường là 75 m, cao 3 m.

Bức tường không có ghi tên tuổi của một nhân viên dân sự nào, và cũng không phải quân nhân nào bị thiệt mạng cũng được khắc tên trên bức tường này. Chỉ khi nào một cá nhân bị thiệt mạng hoặc bị mất tích được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xem là do Chiến tranh Việt Nam, dựa theo các tiêu chuẩn đã được qui định, thì tên của cá nhân đó mới được khắc trên bức tường này. Với sự thêm tên mới đây nhất của 10 người nữa trong năm 2004, bức tường này có tất cả 58.245 tên của các quân nhân nam nữ, trong số đó có khoảng 1.200 người nằm trong danh sách quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam.