Heinrich Heine-Thơ

ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Giọng nói trong rừng

Ta tạm dừng chân bên cạnh sân ga

Nơi khu rừng như tòa nhà nghỉ mát

Ta bỗng nghe từ nơi yên tĩnh nhất

Một tiếng nói ngân lên trong trẻo lạ thường

Sương phủ trắng khu rừng thưa buổi sáng

Từ cửa rừng chim gáy đón bình minh

Trong yên tĩnh lại ngân lên tiếng nói

Vừa trả lời vừa hỏi một mình chim

Con chim nhỏ cất lên hai tiếng nói

Chẳng làm cho ta chán nản, vui mừng

Mà như bảo một ngày mai đang đợi

Ở miền xa lại có một khu rừng

Người hành khất

Người hành khất trước nhà thờ khép nép

Thân gầy còm vì mang nặng khổ đau

Cổ khô bỏng và dạ dày lép kẹp

Gã run run van lạy khẩn cầu

Gã chỉ dám xin một mẩu bánh thừa

Trong ánh mắt bao tủi hờn chứa đựng

Trên bàn tay đang run rẩy đón chờ

Ai tàn nhẫn nhét vào viên đá cứng

Ta cầu khẩn tình yêu em cũng vậy

Tái tê lòng bao giọt lệ chua cay

Tình ta đó chân thành biết mấy

Cũng bị em tàn nhẫn gạt lừa

Trong tháng năm kỳ diệu

Trong tháng năm kỳ diệu

Khi mầm cây mở ra

Trong tim tôi cảm thấy

Tình yêu bỗng nở hoa

Trong tháng năm kỳ diệu

Run rẩy tiếng chim ca

Với bạn tình tôi gửi

Những nỗi niềm thiết tha

VC dịch

Anh và em (Người dịch: Thái Bá Tân)

Anh và em không hẹn,

Cùng đi chuyến xe đêm.

Hai đứa cười vui vẻ,

Chỉ mình anh với em.

Sáng ra ta kinh ngạc,

Thấy người khách thứ ba

Là tình yêu lậu vé

Lén vào ngồi bên ta.

Anh không tin (Người dịch: Thái Bá Tân)

Anh không tin trời cao,

Cả thánh kinh cũng vậy.

Anh chỉ tin mắt em,

Có bầu trời trong đấy.

Anh không tin Chúa Trời,

Cũng không tin kinh thánh.

Anh chỉ tin tim em,

Dù tim em giá lạnh.

Anh không tin quỷ thần,

Không sợ trời bắt tội.

Anh chỉ tin mắt em,

Dù mắt em giả dối.

Anh đã thấy (Người dịch: Tế Hanh)

Trong chiếc đồng hồ cat

Cát đã chảy hết rồi,

Người vợ hiền, em hỡi!

Anh sắp chết đến nơi.

Cái chết chia rẽ ta,

Có ích gì, chống lại?

Thân thể lìa linh hồn,

Linh hồn đầy sợ hãi.

Cái chết đuổi linh hồn,

Khỏi căn nhà quen thuộc.

Linh hồn run lẩy bẩy

Hỏi: Tôi sẽ đi đâu?

Ta chống cự được nào,

Vùng vẫy cũng vô ích,

Anh và em cuối cùng

Phải cùng nhau ly biệt.

Ai ngày xưa phát minh chiếc đồng hồ (Người dịch: Tế Hanh)

Ai ngày xưa phát minh chiếc đồng hồ

Chia thời gian, chia giờ, chia phút?

Có lẽ đó một người buồn, lạnh nhạt

Trong đêm đông suy nghĩ một mình,

Đếm từng tiếng kêu của lũ chuột rập rình

Từng tiếng côn trùng cắn vào khúc gỗ.

Ai ngày xưa phát minh chiếc hôn?

Có lẽ đó một con người sung sướng,

Đuợc yêu, được hôn không cần liên tưởng.

Trong tháng Năm đẹp đẽ, trong tháng Năm,

Hoa nở lên từ mặt đất âm thầm,

Trên cao mặt trời cười và bầy chim ca hát.

Về đôi mắt đẹp em (Người dịch: Tế Hanh (dịch phóng túng))

Về đôi mắt đẹp em

Anh làm thơ lục bát

Về cái miệng cười duyên

Anh làm thơ song thất

Nếu em có trái tim

Anh viết bài tứ tuyệt.

Trong tháng Năm kỳ diệu (Người dịch: Hoàng Trung Thông)

Trong tháng năm kỳ diệu

Khi mầm cây nẩy ra

Trong tim tôi cảm thấy

Tình yêu bỗng nở hoa.

Trong tháng năm kỳ diệu

Run rẩy tiếng chim ca

Với bạn tình tôi gửi

Những nỗi niềm thiết tha.

Đôi mắt xanh da trời (Người dịch: Quang Chiến)

Đôi mắt xanh da trời

Em nhìn tôi trìu mến,

Tôi mơ màng, xao xuyến

Không sao nói nên lời.

Đôi mắt xanh da trời

Tôi nhớ hoài năm tháng;

Tâm hồn tôi lai láng

Một biển ý nghĩ xanh.

Bị xua khỏi làn môi... (Người dịch: Quang Chiến)

Bị xua khỏi làn môi tươi đẹp

Khỏi cánh tay xinh từng ôm xiết không rời!

Tôi muốn ở bên em thêm ngày nữa,

Nhưng người đánh xe cùng ngựa đã tới nơi.

Đời là vậy, hỡi em! Là tiếng than bất tận

Là chia tay triền miên, là xa cách suốt đời!

Sao mắt em không giữ tôi ở lại?

Sao tim em không khoá chặt tim tôi!

Bên bãi biển thanh bình... (Người dịch: Quang Chiến)

Bên bãi biển thanh bình yên ả

Màn đêm buông bóng tối phủ dầy

Trăng lách mình ra khỏi đám mây

Và con sóng thì thầm to nhỏ:

Kìa có một con người đứng đó

Hắn đương yêu hay hắn đương điên

Trông hớn hở mà lại ưu phiền

Vừa ưu phiền lại vừa hớn hở?

Trăng bỗng phá lên cười rạng rỡ

Giọng sáng trong vọng xuống vu vơ:

Kẻ đó vừa yêu vừa gàn dở

Hắn lại còn là một nhà thơ

Bên mộ tôi (Người dịch: Liễu Nga Đoan)

Bên mộ tôi xin người đừng nhỏ lệ

Chẳng có tôi, chẳng giấc ngủ nào đâu

Tôi là ngàn cơn gió bay xa tắp

Lấp lánh kim cương trên tuyết trắng phơi màu

Tôi là nắng trên bạc vàng chín mọng

Là mưa thu nhè nhẹ lất phất bay

Tôi là ánh sao trời đêm lấp lánh

Khi bạn vừa thức dậy lúc ban mai

Đã đến lúc tôi phải nằm yên nghỉ

Là mặt trời sắp lặn lúc hoàng hôn

Là ngàn mây trên trời bay tám hướng

Để được nhìn xuống những kẻ thân thương

Bên mộ tôi xin người đừng nhỏ lệ

Chẳng có tôi, cũng chẳng chết được tôi

Hãy lắng nghe những lời tôi tâm sự

Tôi là tình thương dẫn dắt bạn đường đời

Em có kim cương, có ngọc ngà (Người dịch: Quang Chiến)

Em có kim cương, có ngọc ngà

Có mọi thứ người đời hằng khao khát,

Em lại có đôi mắt xinh đẹp nhất

Em yêu ơi, em còn muốn gì hơn?

Về đôi mắt của em đẹp xinh,

Anh đã làm hằng hà sa số

Những bài thơ ngợi ca bất tử-

Em yêu ơi, em còn muốn gì hơn?

Và bằng đôi mắt đẹp của em,

Em đã hành hạ anh thảm hại,

Đã biến anh thành thân tàn ma dại-

Em yêu ơi, em còn muốn gì hơn?

Em muốn gì, hỡi giọt lệ cô đơn ? (Người dịch: Quang Chiến)

Em muốn gì, hỡi giọt lệ cô đơn ?

Khiến mắt tôi vẫn ảm đạm, u buồn

Từ nhưng thời đã qua đi mãi mãi

Trong mắt tôi giọt lệ còn lưu lại.

Lệ có biết bao chị em rạng rỡ,

Đã tan rồi, tất cả không còn nữa

Cùng niềm vui và nỗi khổ đời tôi,

Tan trong đê, trong mưa gió cuộc đời.

Và như khói, như sương, tan biến hết

Cả những vì sao nhỏ xinh, xanh biếc,

Đã một thời mang đau khổ, niều vui,

Đã mỉm cười làm xao xuyến lòng tôi.

Hỡi em yêu, cả mối tình tôi nữa

Cũng tan rồi, như gió thoảng mây trôi!

Giọt lệ già, cô đơn, còn lưu mãi

Ngay bây giờ - tan biến nốt đi thôi!

Gửi mẹ (Người dịch: Tế Hanh)

I

Con thường sống ngẩn cao đầu mẹ ạ

Tính tình con hơi ngang bướng kiêu kỳ

Nếu có vị chúa nào nhìn con vào mắt

Con chẳng bao giờ cuối mặt trước uy nghi

Nhưng mẹ ơi-con xin thú thật

Trái tim con dù kiêu hãnh thế nào

Đứng trước mẹ dịu dàng chân chất

Con thấy mình bé nhỏ làm sao

Có phải tinh thần mẹ diệu kỳ soi thấu

Như bay lên vừng ánh sáng cao siêu

Hay bao nỗi buồn xưa nung nấu

Trái tim mẹ hiền đùm bọc đứa con yêu.

II

Trong cơn mê, con từ mẹ ra đi

Con muốn đi tận cùng trời đất

Để tìm kiếm tình yêu đệp nhất

Trong đôi cánh tay con sẽ ôm ghì

Con tìm tình yêu khắp nơi khắp nẻo

Con đập vào các cửa mỏi rời tay

Con đã van xin như một kẻ ăn mày

Nhưng chỉ nhận những cái nhìn lạnh lẽo

Tìm không thấy tình yêu con trở về bên mẹ

Tâm trí chán chê, thân thể rã rời

Con bỗng thấy một tình yêu chân thật

Trong đôi mắt dịu hiền của mẹ, mẹ ơi.

Giông tố (Người dịch: Đào Xuân Quý)

Giông tố gào vang

Quất vào lưng sóng

Sóng nổi giận, lồng lên, tung bọt trắng

Và dựng mình như những ngọn tháp cao,

Sóng dâng lên những núi nước bạc đầu

Cũng uốn lượn như bầy sinh vật

Chiếc tàu nhỏ vội vàng, khó nhọc

Vượt sóng cao

Nhưng phút chốc

Lại rơi

Xuống vực sâu trong lòng nước đen ngòm.

Ôi biển lớn! Chỗ ngọn nguồn vẻ đẹp,

Những nữ thần hiện lên từ bọt nước

Hãy về đây che chở cho ta!

Chim hải âu ngửi biết có thay ma

Đang lượn khắp như một con quỷ đói:

Nó ghé mỏ cột buồm, mong mỏi

Sớm đem ra xé vụn trái tim này

Một quả tim chỉ còn biết mê say

Đem tiếng hát ngợi ca thần Vệ Nữ,

Mà thần biển Eroxthơ dại

Đã từng đem làm thứ đồ chơi.

Ta van xin, cầu khẩn hết lời

Nhưng vô ích! Tiếng kêu vang chìm đắm

Trong cơn bão ào ào vang động,

Trong tiếng ồn những trận gió cuồng điên

Khi gào to, khi rít mạnh, khi gầm lên.

Bản hợp xướng của những tên rồ dại.

Nhưng đôi lúc, ta tưởng chừng nghe rõ

Tiếng đàn tranh say dắm mê li:

Tâm hồn ta như tan rã theo mây

Như vò xé khi nghe đàn lơi lả

Tiếng đàn kia, ta đã nhận ra rồi.

Trên bến bờ Êcôx xa xôi

Một nương tử đau thương, kiều diễm

Ngồi tựa cửa, trong ngôi lầu xám;

Chơi đàn tranh và cất tiếng hát ca.

Nàng có màu da trong trắng như ngà;

Cơn gió thổi cho tóc nàng rối loạn,

Và mang theo những tiếng ca buồn thảm

Đến tận ngoài kia, nơi biển sóng vô biên.

Hãy lên đường (Người dịch: Quang Chiến)

Nếu anh bị đàn bà phản bội,

Hãy mau yêu một người khác đi thôi;

Hoặc tốt nhất, anh giã từ thành phố -

Khăn gói sẵn sàng, nào! Cất bước vào đời!

Anh sẽ gặp một hồ xanh, nước biếc,

Hàng liễu buồn rủ bóng bốn xung quanh;

Và ở đây, hãy khóc cho bằng hết,

Những nỗi buồn bé nhỏ của lòng anh!

Rồi trèo lên núi cao, sườn dốc,

Anh tha hồ mệt nhọc, thở lấy hơi,

Nhưng sẽ nghe tiếng đại bàng vang đậy,

Khi anh lên tới đỉnh chót vót rồi.

Anh sẽ như đại bàng ở trên tầng cao ấy,

Anh sẽ như người vừa mới được sinh ra,

Những mất mát dưới kia, đâu có gì đáng kể!

Khi tung hoành giữa trời đất bao la.

Lời tuyên bố (Người dịch: Đào Xuận Quý)

Bức màn đêm toả rộng khắp nơi

Tiếng sóng vỗ lại càng dữ dội.

Ta một mình ngồi trên bờ bể

Nhìn sóng đang nhảy múa xôn xao,

Và lòng ta như biển lớn dâng trào

Một nỗi nhớ dày vò, day dứt

Ta nghĩ đến em, và thấy em bay khắp

Hình ảnh em hiền dịu làm sao;

Em gọi ta ở khắp mọi nơi

Nơi nào cũng có.

Trong tiếng biển và trong tiếng gió,

Trong cả lời than thở của lòng ta.

Ta bẻ một cành lau nhỏ mỏng manh

Vạch lên trên cát:

"Ta yêu em, hỡi em Anhét!"

Nhưng lũ sóng vô tình, ác nghiệt

Đã tràn lên

Và xoá sạch

Những lời kia.

Hỡi lau sậy mỏng manh

Hỡi cát trắng vô tình

Và sóng nước chảy trôi nhanh chóng

Ta không thể nào tin tưởng

Các người đâu!

Lòng ta thêm xao xuyến, bồi hồi

Khi trời đêm sụp tối.

Ta muốn đưa bàn tay vạm vỡ

Nhổ cây thông nào cao lớn nhất Na Uy

Đem nhúng ngay

Trong miệng núi Étna hừng hực đỏ,

Rồi, với ngòi bút khổng lồ kia, uống đầy mực lửa

Ta viết lên trên đen sẫm bầu trời:

"Ta yêu em, hỡi em Anhét!"

Những dòng chữ chói chang, bất diệt

Sẽ từng đêm sáng giữa trời cao

Và rồi đây, những thế hệ mai sau

Sẽ sung sướng đọc những lời tha thiết:

"Ta yêu em, hỡi em Anhét!"

Một anh chàng yêu một cô nàng (Người dịch: Thái Bá Tân)

Một chàng trai đem lòng yêu cô gái,

Nhưng cô ta yêu người khác, và rồi

Người khác ấy lại yêu cô gái khác,

Để nàng buồn và thất vọng khôn nguôi.

Và sau đó, vì thất tình, cô gái

Không mảy may kén chọn, đã lấy chồng,

Thành bất hạnh, cả chàng trai cũng vậy,

Phải suốt đời đau khổ, phải chờ mong...

Câu chuyện trên khồng có gì mới lạ.

Bao đời nay thường vẫn thế. Có điều,

Nếu xẩy ra với chúng ta, ta sẽ

Biết thế nào là cái giá tình yêu!

Mùa hè nồng cháy (Người dịch: Tế Hanh)

Mùa hè nồng cháy

Ở trên má em

Mùa đông lạnh lẽo

Ở trong tim em

Nhưng có một ngày

Hỡi em!

Mùa đông sẽ trên má

Mùa hè sẽ trong tim.

Mùa xuân buồn (Người dịch: Thái Bá Tân)

Mùa xuân buồn, đăm chiêu.

Hoa buồn trong khóm lá

Họa mi hót buổi chiều

Nghe lòng buồn khó tả.

Nào, em yêu của anh,

Đừng cười to, đừng hát

Thà em khóc để anh

Được hôn khô đôi mắt.

Nàng Lorelei (Người dịch: Quang Chiến)

Tôi không hiểu vì sao

Mà lòng buồn như vậy,

Câu chuyện cổ từ ngày xa xưa ấy,

Vấn vương hoài trong tâm trí, hồn tôi.

Đêm sắp xuống rồi, trời se lạnh

Dòng sông Ranh thầm lặng chảy về xa;

Đỉnh non cao bừng lên lấp lánh

Trong ánh dương vào lúc chiều tà.

Nàng Trinh nữ dung nhan tuyệt sắc,

Chốn non cao, ngồi đó rạng ngời,

Đồ nữ trang ánh vàng lên chói lọi,

Nàng nhẹ nhàng chải mái tóc vàng tươi.

Chiếc lược vàng nàng chải mái tóc vàng

Và hát lên một khúc ca tình tứ

Với giai điệu thật lạ kỳ quyến rũ,

Khiến lòng người xúc động xốn xang.

Người chèo thuyền trên chiếc thuyền bé nhỏ,

Bỗng thấy lòng khốn khổ, đớn đau;

Chẳng còn thấy bao đá ngầm hiểm trở,

Chỉ ngước nhìn mê đắm chốn non cao.

Tôi tin rằng cuối cùng muôn sóng biếc

Đã nhấn chìm thuyền lái với thuyền con;

Bởi nàng tiên Lôrơlây diễm tuyệt

Đã gây nên bằng tiếng hát mê hồn.

Năm tháng đến, năm tháng lại đi (Người dịch: Quang Chiến)

Năm tháng đến năm tháng lại đi

Các thế hệ theo nhau xuống mộ,

Nhưng tình yêu trong tim tôi gìn giữ,

Chẳng bao giờ héo úa, tàn phai

Muốn thấy em một lần nữa trong đời,

Muốn quỳ xuống trước chân em tha thiết,

Để vừa nói với em tôi vừa chết:

- "Thưa phu nhân, tôi rất yêu người!"

Người yêu dấu nhất ơi.... (Người dịch: Quang Chiến)

Người yêu dấu nhất ơi, hãy nói cho tôi biết:

Có phải chính em là hình ảnh mộng mơ,

Trong những ngày hè trời oi nồng, ngợp thở

Đã hiện lên từ tâm trí nhà thơ ?

Ồ, không đâu! Cái miệng tươi như thế,

Thứ ánh sáng mê hồn trong đôi mắt rạng ngời,

Ôi cô bé ngọt ngào và đáng yêu vô kể,

Một nhà thơ không thể hiến cho đời.

Rắn đầu gà cùng ma hút máu người,

Những con rồng mình giun và yêu quái,

Những con thú gớm ghê trong thần thoại,

Lửa hồn thơ có thể sáng tạo ra.

Nhưng mà em có mưu kế hiểm sâu,

Có gương mặt đẹp xinh kỳ lạ,

Có ánh mắt chiên lành dối trá -

Không nhà thơ nào sáng tạo nổi em đâu!

Những hoa hồng tái nhạt (Người dịch: Tế Hanh)

Những hoa hồng tái nhạt

Em có hiểu vì đâu ?

Những hoa tím im lặng

Trên cánh đồng xanh màu

Vì sao trên bầu trời

Chim sơn ca than khóc ?

Vì sao đoá hoa thơm

Toả một mùi chết chóc?

Vì sao trên cánh đồng?

Mặt trời buồn ảm đạm

Sao trái đất quạnh hiu

Mang một màu tang xám

Vì sao anh đau khổ?

Em hãy nói dùm anh

Em nói đi, em hỡi

Vì sao em bỏ anh?

Tôi thích (Người dịch: Thái Bá Tân)

Tôi thích bịt mắt nàng

Rồi hôn môi nhè nhẹ

Nàng bắt nói nàng nghe

Vì sao tôi thích thế.

Suốt từ sáng đến chiều

Nàng hỏi tôi gay gắt:

"Vì sao khi hôn em,

Anh bắt em nhắm mắt?"

Tôi cũng chẳng biết tôi

Vì sao thích làm thế.

Tôi lại bịt mắt nàng

Hôn lên môi nhè nhẹ.

Thơ gửi em (Người dịch: Quang Chiến)

Em mỉm cười với tôi, quá muộn rồi, em ạ,

Lời em thở than cũng đã quá muộn màng!

Đã chết lâu rồi, những cảm tình ngày ấy

Mà xưa kia em ruồng rẫy phủ phàng.

Cũng đã quá muộn màng, mối tình em đáp lại!

Mọi ánh mắt em nhìn rọi chiếu tới tim tôi,

Những ánh mắt yêu thương và cháy bỏng tình người,

Đều như tia nắng trời rọi chiếu vào nấm mộ!

Tôi chỉ muốn biết rằng:Khi tới ngày tận số,

Hồn hai ta sẽ trôi dạt về đâu?

Và sẽ ở đâu, ngọn lửa tàn ngày ấy?

Ngọn gió qua đời ta sẽ phiêu bạt phương nao.

Trong mơ anh đã khóc (Người dịch: Hoàng Trung Thông)

Trong mơ anh đã khóc

Thấy em trong áo quan,

Đến khi anh tỉnh giấc

Nước mắt cứ tuôn tràn

Trong mơ anh đã khóc,

Thấy em không trung thành,

Tỉnh dậy, anh, đôi mắt

Lệ đắng còn chảy quanh

Trong mơ anh đã khóc,

Thấy em vẫn dịu hiền.

Thế rồi anh tỉnh giấc

Nước mắt vẫn triền miên.

Trong mơ tôi thấy người yêu cũ (Người dịch: Quang Chiến)

Trong mơ tôi thấy người yêu cũ,

Một cô bà ủ rũ, ưu phiền,

Tấm thân nàng từng như hoa bừng nở,

Nay trông nàng rõ héo úa, hom hem.

Nàng bế trên tay một đứa con còn nhỏ,

Còn tay kia, một đứa khác, dắt theo

Nhìn ánh mắt, dáng đi, áo quần là đủ rõ

Nàng sống trong cảnh khốn khó, đói nghèo

Qua bãi chợ, nàng bước đi loạng choạng

Và ở đây nàng đã gặp tôi

Nàng nhìn tôi dửng dưng và bình thản

Lòng nhức đau, tôi bỗng thốt nên lời:

- Tôi xin em hãy về ở nhà tôi,

Em ốm rồi, em xanh xao quá đấy!

Tôi sẽ chuyên cần, chẳng việc gì ngần ngại

Để nuôi em được ăn uống đủ đầy

Những đứa con yêu quý của em đây

Tôi cũng xin được trông nom, dạy dỗ

Nhưng trước hết chăm sóc em đầy đủ

Ôi, cô em bất hạnh, tội nghiệp thay!

Không bao giờ tôi kể cho nàng biết

Tôi yêu nàng da diết thuở xa xưa

Và mai đây, nếu một khi nàng chết

Trên mộ nàng tôi sẽ khóc như mưa.

Christian Johann Heinrich Heine (tên khi sinh là Harry [tiếng Hebrew]: Chaim] Heine; 13 tháng 12 năm 1797 – 17 tháng 2 năm 1856) là một trong những nhà thơ nổi tiếng ở Đức.

Heine được sinh ra trong một gia đình Do Thái đã có sự biến đổi về văn hoá ở Düsseldorf, Đức. Bố của ông là một thương gia. Khi việc kinh doanh của ông bị thất bại, Heine được gửi tới Hamburg, ở nơi đó, ông chú giàu có Salomon đang làm chủ ngân hàng, đã khuyến khích ông tham gia công việc kinh doanh. Sau khi Heiner thất bại trong lĩnh vực này, ông quay sang nghiên cứu về luật tại các trường Đại học Göttingen, Đại học Bonn và Đại học Humboldt, nhưng ông đã nhận ra rằng mình thích văn học hơn luật, mặc dù ông đã nhận được bằng tốt nghiệp vào năm 1825, cùng thời gian đó, ông đã quyết định chuyển từ đạo Do Thái sang đạo Tin Lành. Việc này cần thiết do sự đối xử khắt khe những người Do Thái tại nhiều vùng nước Đức; nhiều trường hợp, họ còn bị cấm làm việc ở một số vị trí. Điều này bao gồm cả cho những bài giảng tại trường Đại học, là những tham vọng đặc biệt của Heine. Khi Heine tự biện minh cho mình trong cuộc đối thoại với người khác thì việc chuyển đổi đó là "cái vé cho việc được tham gia văn hoá châu Âu", mặc dù nó chẳng chứng minh được gì - và nhiều người khác ví dụ anh em họ và nhà soạn nhạc hảo tâm Giacomo Meyerbeer, thấy việc làm này không cần thiết để đạt được những điều đó. Phần lớn cuộc đời mình, Heine đấu tranh với những nhân tố không tương thích giữa con người Do Thái và Đức của ông.

Heine được biết đến với những lời thơ, phần lớn trong số đó (đặc biệt là những tác phẩm thời kỳ đầu của ông) đã được chuyển thành lời các bài hát, phần lớn được thực hiện bởi Robert Schumann. Những tác giả khác cũng đã dùng thơ của ông bao gồm Richard Wagner, Franz Schubert, Felix Mendelssohn, Fanny Mendelssohn, Hugo Wolf và Johannes Brahms; vào thế kỷ 20 thì là Hans Werner Henze và Lord Berners.

Bài thơ đầu tay của Heine là Gedichte ("Những bài thơ"), sáng tác vào năm 1821. Mối tình cuồng si đơn phương của Heine với người em họ Amalie và Therese sau này đã truyền cảm hứng cho ông viết nên những vần thơ hay nhất; Buch der Lieder ("quyển sách những lời hát", 1827) là tuyển tập đầu tiên có đầy đủ các bài thơ của ông.

Heine rời Đức và đến Paris, Pháp vào 1831. Ở đó, ông đã liên kết với nhóm chủ nghĩa xã hội không tưởng, bao gồm những người của Count Saint-Simon, người mà tuyên truyền một thiên đường theo chủ nghĩa quân bình không giai cấp dựa trên những người có tài thực sự.

Ông ở lại Paris đến cuối đời, ngoại trừ một lần quay lại Đức vào năm 1843. Tác phẩm của ông và những người khác mà bị coi như là có liên đới với cuộc cách mạng Young Germany vào năm 1835 đã bị cấm tại Đức.

Tuy nhiên, Heine vẫn tiếp tục viết về chính trị và xã hội của Đức. Heine viết Deutschland. Ein Wintermärchen (Nước Đức. Chuyện cổ tích mùa đông), một bản miêu tả chuyến tới Đức của ông năm trước và tình hình chính trị ở đó, vào năm 1844; người bạn của ông, Karl Marx, đã cho đăng bài này trong từ báo của ông Vorwärts ("Tiên tiến"). Heine cũng cchỉ trích về chính trị không tưởng ở Đức trong bài Atta Troll: Ein Sommernachtstraum ("Atta Troll: Một giấc mơ đêm hè") vào năm 1847.

Heine đã phải chịu đau ốm nằm giường trong tám năm cuối cuộc đời mình (vài người đoán rằng ông đã bị bệnh đa xơ cứng hoặc giang mai). Ông mất ở Paris và muốn được chôn cất ở nghĩa trang Cimetière de Montmartre.

Trong số những quyển sách đã bị đốt cháy ở Quảng trường Opern, Berlin vào năm 1933, sau khi Đức Quốc xã lùng sục Viện Tình dục học (Institut für Sexualwissenschaft), nơi những quyển sách của Heine - như là một điềm báo, một trrong những dòng thơ nổi tiếng, "Where they burn books, they will, in the end, burn human beings too" (Khi họ đốt những quyển sách thì chính là họ cũng đang đốt cả loài người) (Almansor, 1821) - bây giờ đã được khắc sâu trên đất nơi đó.

Thật là thú vị khi nhận ra rằng, mặc dù đây chỉ là những câu nói, là việc Heine ban đầu chỉ muốn nhắc đến việc đốt kinh Koran của Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha (Spanish Inquisition), trong nỗ lực để nhổ rễ đạo Hồi ở bán đảo Iberia, trung tâm chính của văn hoá đạo Hồi trung cổ.

Với gần 10.000 nhạc phẩm thuộc đủ mọi thể loại, Heinrich Heine còn là một nhà thơ duy nhất của mọi thời đại và mọi nước có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trên hành tinh này.