Hải Đăng-Truyện ngắn

HỦI TRĂNG

Truyện ngắn mini của HẢI ĐĂNG

Đã lâu lắm rồi, từ khi trái đất mới bằng nắm tay, quả bưởi và cho đến tận ngày nay, ở tộc người Kikikhu của làng Nahudiphu thuộc vùng đất Đobababo vẫn còn lưu truyền câu chuyện về một căn bệnh từ trăng. Bệnh hủi trăng.

Chuyện kể rằng: Từ ngày xửa ngày xưa, có thể một năm, hai năm, năm năm, thậm chí hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, năm mươi năm và có thể còn lâu hơn nữa lại xuất hiện một lần. Ấy là một đêm trăng rất sáng. Trăng sáng đến mức mà các bà, các mẹ còn mang quần áo rách ra vá, nếu nhỡ tay đánh rơi cái kim vẫn còn nhìn thấy. Nhỏ như con kiến gió, chỉ bé bằng đầu cái tóc lại có mầu nâu đất mà vào những đêm trăng như thế còn nhìn thấy. Vào những đêm như thế, bao giờ trăng cao lên đến đỉnh đầu, lúc sáng nhất cũng có một đám mây đen xuất hiện, cứ ăn dần, ăn dần vào trăng. Ngước nhìn, từ trăng những giọt máu đỏ đòng đọc, nhểu rơi xuống trần gian, từng giọt, từng giọt loang lổ. Vết máu trông chả khác gì người bị bệnh hủi lở loét. Người làng thường gọi những đêm trăng như thế là trăng hủi. Nếu đứa trẻ nào mà sinh vào đêm như thế thì thường là quái nhân, nghịch thần tặc tử, là nỗi đau đớn và khổ sở của cả dòng tộc, làng mạc. Cũng chính vì thế, nhiều nam thanh nữ tú của làng cứ lớn lên đến đâu lại tìm đường bỏ làng ra đi. Họ sợ khi có con, chẳng may sinh ra vào đêm trăng như thế thì không còn cái khổ nào hơn. Dân số của làng ngày một ít. Xóm làng xơ xác tiêu điều. Đêm đêm chỉ có tiếng cú rúc ngoài bờ xa vọng lại.

Và cũng vào một đêm như thế, có một người đàn bà của làng trở dạ. Đứa trẻ sinh ra trông kháu khỉnh và xinh xắn. Năm tháng cứ qua đi. Đứa trẻ sinh vào đêm trăng hủi cũng lớn lên. Biết đứa trẻ sinh vào đêm trăng hủi nhưng nhìn mặt đứa trẻ ai cũng mừng thầm vì có lẽ sự linh ứng của những đêm trăng hủi sẽ không còn đúng, báo ứng với làng.

Hi vọng của người làng vào sự tốt đẹp bao nhiêu thì sự linh nghiệm càng làm cho đau lòng bấy nhiêu. Càng lớn đứa trẻ sinh vào đêm trăng hủi càng trở thành gánh nặng của làng. Ai hở cái gì là nó chôm chỉa của người ta cái đó. Ai sơ suất cái gì là nó nhăm nhe vào đó mà bôi xấu. Lúc nó nấp cánh bếp, lúc nó nhìn trộm qua cửa sổ, khi nó ở bụi ở bờ nên người ta không biết nó ở đâu để mà tránh, mà giữ gìn. Nó khinh bỉ bạn bè vì nó cứ cho mình là giỏi nhất. Nó núp dưới cái bóng của trăng để vấy bẩn lên mọi người. Nó dựng chuyện cho làng nước xích mích, gây bất hoà trong láng giềng. Nó đi đến đâu là mang cho người dân ở đấy bệnh tật ốm đau. Người già bảo: Nó muốn truyền căn bệnh của trăng hủi vào cái đêm sinh ra nó cho cả bàn dân thiên hạ. Người làng biết, người làng hiểu và người làng thương nó lắm nhưng nó cứ tự cao tự đại, dương dương tự đắc với việc nó làm. Nhất là ai mà vướng vào dây tình của nó thì khổ nạn một đời. Nó đòi hỏi, nó dằn vặt, nó cong cớn nếu như nó không được thoả mãn. Người làng chỉ mong sao nó đi đâu cho xa để khuất mắt mà làm ăn.

Thế rồi ước mong ấy cũng đạt được. Nó đi xa lắm, đến một nơi xa lắc xa lơ mà người làng chưa bao giờ nghe tên hay nghe ai kể. Người làng mừng lắm vì vắng nó làng nước lại thanh bình, yên ả. Tối lửa tắt đèn có nhau, mọi hiềm khích đều được bỏ qua cho vào dĩ vãng. Mặc dù làng buồn vì nó lắm nhưng tấm lòng của làng vẫn dõi theo nó từng ngày nơi đất khách quê người. Người làng cũng có hay tin, mặc dù nó ở đất khách quê người nhưng nó cũng làm cho nơi ấy chia năm sẻ bẩy, tan đàn xẻ nghé. Thương nó người làng chỉ biết thở ngắn than dài, cầu trời khấn phật cho nó tai qua nạn khỏi.

Nhưng rồi, chả biết trời cao đất dày thế nào mà đùng một cái lại đưa nó từ cái nơi xa lắc xa lơ ấy về. Những tưởng những năm đi dày gót chân, ăn cơm thiên hạ, thời gian làm nó tu tỉnh ra mà bớt cái thói xấu đi. Nhưng không. Nó ăn mòn bát đũa của người nhưng cái tính nó lại xem ra có chiều tác oai, tác quái hơn trước. Nó gặp ai, nó đi đến đâu là y như rằng gieo hoạ đến cho người ấy, nơi ấy. Thấy chuyện xưa không chuyển, người già của làng chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than. Ai bạo nói lắm thì cũng chỉ nói được một câu: Phí phạm cơm gạo nhà giời. Thật lòng người làng chẳng sợ nó nhưng các cụ xưa vẫn dạy: Trâu lấm vẩy quàng nên tránh voi nào có xấu hổ. Dây với hủi thì có sung sướng cái nỗi gì.

Đêm nó về làng cũng là một đêm trăng sáng lắm. Sáng đến nỗi người ta còn nhìn thấy cả màu vàng vàng của chiếc lá tre cao tít trên ngọn cây sắp rụng. Mấy bà sồn sồn còn kéo nhau ra đầu hè ngồi nhổ tóc sâu, tỉa lông mày làm dáng.

Khi thấy trăng hủi lại xuất hiện, người làng đánh trống, gõ thúng mủng, nong nia, dần sàng, có người còn mang cả mâm đồng, chậu thau để khua. Người làng có quan niệm, nếu làm như thế là sẽ xua đuổi được mọi cái đen đủi, không may do đêm trăng hủi mang lại. Đứa trẻ sinh vào đêm trăng hủi ngày xưa thấy thế, nó nghểnh cái mặt lên cho trăng soi vào nó. Nhưng nó đâu biết, những đứa trẻ nào mà sinh ra vào cái đêm trăng hủi ấy, khi trăng hủi xuất hiện, ngửa mặt lên nhìn vào trăng thì tất gặp nạn. Nạn này người làng gọi là nạn đời.

Sau đêm ấy nó lại đi. Nó đi những đâu người làng không ai biết. Nó cứ ẩn vào trăng về ám người làng. Cũng sau hôm nó đi, có thầy địa lý qua làng. Nhìn thế đất của làng ông phán: Đất có nghịch tặc. Đất này mà không yểm thì nó còn hành cho khổ.

Rồi vào một đêm, làng nghe phong thanh nó đã chết. Có người cho rằng, nó sống thế thì trời quả báo. Lại có người nói rằng, nó làm nhiều chuyện thất nhân thất đức nên nghẹn mà chết. Cũng có người cho rằng, những điều nó đầu độc thiên hạ nay lại đầu độc chính nó. Lời đồn thổi về chuyện nó nhiều lắm, không biết đâu là thật là giả. Người làng nơi nó sinh ra vẫn thương nó lắm cũng đành phải bảo: Đời ác giả ác báo. Nhưng thực hư về chuyện của nó ra sao thì người làng đâu có biết. Mà cũng phải nói thật là người làng đã không còn để ý đến nó từ lâu lắm rồi.

Những tưởng nó không còn thì mọi chuyện xấu xa cũng sẽ chấm dứt. Vào một đêm trăng khác, ánh trăng chỉ mờ mờ, đùng đục, người làng thấy một đám mây có hình đàn kền kền từ đâu bay vụt lên. Tiếng kêu phả vào không gian mùi thôi thối, khăn khẳn. Đám mây ấy cứ liếm dần, liếm dần vào trăng. Những giọt máu tanh nồng nhểu từng giọt, từng giọt xuống trần gian.

Sáng sau, mấy cụ già trong làng, người khoác tay nải gạo, người quấn bao tượng lầm lũi rời làng đi rất sớm. Các cụ đi đâu không ai dám hỏi. Một số người biết chuyện kháo nhau: Các cụ đi tìm thày địa lý. Nghe thế các bà, các mẹ trong làng thở phào. Đám trai trẻ trong làng lại tý tởn muốn lấy vợ. Rồi không ai bảo ai, cả làng chắp tay đưa lên trời cùng vái.

Vào đêm trăng mới đây, người làng không còn nhìn thấy đám mây đen hay đàn kền kền nữa. Đám mây ăn vào trăng giống hình cái bào tử thai chuột. Đám mây ấy bay, rất chậm, rất chậm. Trên vệt bay của đám mây để lại một mầu đỏ như máu, vung vãi, tung toé ra bốn phương, tám hướng. Khi các vệt mầu máu ấy loang đến đâu, chạm vào cái gì thì nơi đó biến thành một con quỷ. Con quỷ nhe răng, ngoác miệng, thè lưỡi đỏ ngoe ngoét, phun ra một thứ nước nhờn nhờn, sanh sánh như tiết gà, tiết dê. Bào tử thai chuột và các con quỷ cứ tranh nhau ăn dần, ăn dần vào trăng ngoe ngoét và lờm lợm nước. Khi cái bào tử thai chuột và các con quỷ ăn hết trăng thì chúng nhập vào nhau, mang hình một vầng trăng lúc mờ, lúc tỏ, trong trẻo và thơ mộng.

Chuyến đi của các bô lão trong làng ngày đó đến nay vừa mới có tin về. Thì ra, quả là các cụ mấy tháng nay lo đi tìm thầy địa lý xin kế sách ngăn ngừa hậu họa.

MA XÓ

Truyện ngắn mini: Hải Đăng

Mấy ngày gần đây trong làng Vư Lộc lại xuất hiện con ma xó. Hình thù nó ra sao, tóc tai nó thế nào, mắt mũi chân tay dài hay ngắn. Nghĩa là hình dáng nó ra làm sao có người rõ, có người chưa hay. Nhưng mọi người đều biết con ma xó thuộc giống cái.

Chuyện con ma xó vẩy quàng vẩy xiên chả có mấy người để ý, nhưng trong lòng cũng thấy khó chịu. Cái lối khó chịu như ngồi xem ti vi thỉnh thoảng có con muỗi cứ vo ve bay quanh chân. Đập nó thì đau tay, mà không đập nó thì quả là khó chịu. Nhưng vì cái đại thể, mọi người bảo nhau: Không chấp. Tốt nhất là đuổi cổ nó ra khỏi làng. Khổ thế. Làng không chấp nhưng nó lại cứ tưởng thế mà vênh vang được nước làm quàng.

Hôm đó, có một người làng bên dắt con lợn rẻo đi qua. Ma xó trông thấy hai quả cà của rẻo to quá, to hết cỡ. Mà ma xó cứ cái gì to là thích, là sướng. Chả thế mà, nhà to ma xó cũng thích, người to ma xó cũng ham, chức to ma xó cũng nghiện. Ấy đấy. Ma xó tự phong cho mình cái chức giám đốc một công ty tự lập thì thử hỏi ma xó có phải là người như thế không. Thích nhưng mồm ma xó lúc nào cũng cứ leo lẻo, leo lẻo: Em chả thiết, em chả thích. Miệng ma xó vẫn thế. Nói một đằng nhưng ma xó thường làm một nẻo.

Thì đấy. Đi đâu làm gì, ngồi với ai, ma xó cũng rất lớn tiếng cho rằng ma xó là kẻ chung tình. Hỏi. Chung tình với bao nhiêu người. Chịu. Ma xó nhớ không nổi. Chỉ nhìn cái kiểu giao tiếp, đi đứng của Ma xó thì người đời cũng biết. Ma xó chỉ cho của Ma xó là to, là đẹp. Nhất thốn dị thường. Người xưa vẫn dậy thế quả chả sai.

Vì thích rẻo nên ma xó theo rẻo đi khắp bàn dân thiên hạ. Tất nhiên là Ma xó bám vào hai cái quả cà của rẻo mà lang thang chứ Ma xó không đi bằng chân cho mỏi rồi. Vì sướng, thích cái quả cà của rẻo nên Ma xó đã bám vào đấy rồi lại cứ thỉnh thoảng lấy tay vân vê làm cho rẻo rất khó chịu. Nhưng vì đi đường mệt, lại thường đi xa nên rẻo đành phải chấp nhận để có bạn đường.

Vì bám được vào cái của quý của rẻo mà Ma xó được đi thập phương tam đạo. Xó nhà góc bếp, gầm giường kẽ chạn, chuồng tiêu hay bãi rác, có nghĩa là không chỗ nào là Ma xó không có mặt. Vì thế mà Ma xó biết nhiều, nghe nhiều, ngửi nhiều, nhìn nhiều và măm cũng nhiều. Nhưng cái việc nhiều của Ma xó là những cái Ma xó không thích hoặc giả có thích nhưng lại có hiềm khích gì với Ma xó theo suy nghĩ ấu trĩ nông choèn choẹt của Ma xó. Và như vậy, đương nhiên Ma xó phải đưa cái ý kiến của Ma xó vào cho bõ tức.

Còn chuyện Ma xó làm mình làm mẩy chẳng qua là có một vị tai to mặt nhớn đỡ giúp thành ra cái gỉ cái gì cũng che cũng đậy. Khổ quá. Che vậy chứ che nữa thì khi nó đã toang hoác ra rồi thì biết che chắn sao đây. Chẳng trách được, mỗi khi ngồi bên nó, nghe cái miệng nó dẻo quẹo, đến bún đã mềm còn mềm thêm thì làm sao mà không mềm cho được.

Mới đây, Ma xó đi lang thang khắp mọi nhà trong làng. Vào nhà ai, Ma xó cũng lục rương lục tủ. Sau khi chôm được những cái Ma xó thích, Ma xó ị ra đấy. Ma xó cứ nghĩ làm thế chả ai biết. Ma xó mắc tội hợm mình mà. Ngọn gió bay qua để lại hương, người đi qua để lại vết, chim bay qua để lại tiếng kêu và ma xó đi qua để lại mùi xú uế. Và lần này thì cả làng nói với nhau: Đập chết nó đi, chứ để thế này khổ quá.

Quen thói xó xỉnh, hôm ấy Ma xó mới mò vào nhà của bác nguoilangque. Bác đi vắng, chỉ có thằng cò ở nhà. Để có thể lấy được những thứ trong nhà của bác nên Ma xó ẩn mình vào thân xác con nhặng xanh. Sau khi đã chôm chỉa và ị bậy ra nhà, Ma xó tí tởn bay vo ve thị sát lần cuối để vét cho sạch. Vốn thằng cò lại là đứa chúa ghét các loại có cánh. Nó phục sẵn. Khi Ma xó vo ve đến gần, thằng cò đưa cái vợt bắt muỗi Trung Quốc mà bác nguoilangque mới đi sắm về, tạt cái tẹt. Tách. Tách. Tách. Tiếng nổ các hạt nước trong người con nhặng làm một tràng dài. Nghe tiếng nổ lách tách, cò sướng lắm. Nhìn vào lòng vợt. Nhặng xanh đã không còn để lại dấu vết gì. Thằng cò buột mồm.

- Tổ sư mi. Tau tưởng mi giỏi lắm ta. Chết mất xác nghe con.

Thằng cò tiện tay, lẳng cái vợt lên chiếc ghế sa lông. Nó đâu có biết. Từ trong lòng vợt, Ma xó đã lại thành con muỗi, bay vụt đi. Nó sợ lại bị cái vợt kia làm cho nổ lách tách, lách tách thì thật khốn nạn. Ma xó bay về bậu vào bờ vai ông tai to mặt nhớn. Nó rủ rỉ cái gì chỉ có ông tai to mặt nhớn biết. Sáng sau, người làng đã nghe ông la lối om xòm về cái chuyện bác nguoilangque bắt nạt nó. Trong khi ông tai to mặt nhớn đang lớn tiếng này khác, Ma xó lại đã lượn lờ cùng rẻo đi thập phương tam đạo để làm cái việc trai gái sung sướng rồi.

Ma xó cũng không biết từ bao giờ, nó nghiện cái ấy lắm. Nghiện nặng. Cực nặng nữa là đằng khác. Và cũng từ cái ngày bị vợt của thằng cò con bác nguoilangque đến nay, Ma xó cứ nhìn thấy cái vợt là chạy. Chạy mất dép. Thậm chí chỉ nghe thấy tiếng lép bép, lép bép là nó đã chạy. Chạy như đồ ma xó.