Switzerland

Xuống thung lũng thiên thần Engelberg

BÀI VÀ ẢNH: LAM PHONG

SGTT.VN - Lọt thỏm giữa Trung Âu, Thuỵ Sĩ được mệnh danh là miền đất hoà bình nhất thế giới, nơi đáng sống nhất thế giới, và cũng là nước có những thành phố với mức sống đắt nhất thế giới… Những cái nhất đầy tự hào của đất nước này đang cuốn hút lữ khách từ các nước châu Á.

Engelberg là điểm khởi đầu hành trình khám phá Thuỵ Sĩ, nơi đưa tôi ngược dòng thời gian trở về sự hình thành ngôi làng cổ từ thế kỷ 12 và đắm chìm trong vẻ đẹp ở núi tuyết Titlis – thiên đường hạ giới của những người yêu thích mạo hiểm và khám phá.

Ngôi làng cổ Engelberg nhìn từ đỉnh Titlis.

Engelberg, ngôi làng nhỏ nằm hẻo lánh dưới thung lũng, bao quanh bởi dãy núi lớn và dài nhất châu Âu – Apls ở miền trung Thuỵ Sĩ, từ thế kỷ 18 đã là điểm đến của lữ khách khắp châu Âu và nay là cả thế giới.

Mất 16 tiếng di chuyển từ TP.HCM đến Engelberg*, kể cả thời gian quá cảnh và chuyển tàu, nhưng bao mệt nhọc tan biến ngay khi rời khỏi ga Engelberg. Bởi tôi như đang lạc vào miền cổ tích, bên là đỉnh Titlis tuyết trắng, bên là ngôi làng Engelberg dọc theo sườn núi, đẹp như bức tranh phảng phất nét cổ kính từ thời trung cổ.

Làng cổ có từ thế kỷ thứ 12

Những kiến trúc nhà đặc trưng kiểu Thuỵ Sĩ của Engelberg khiến tôi và những người bạn đồng hành thực sự bị ấn tượng. Đi khắp đường làng, góc nào cũng là góc đẹp, từ phiến đá lót đường, cửa sổ lãng mạn phủ đầy hoa, đến cả vạt rừng xanh trải dài, điểm xuyết những ngôi nhà cheo leo bên sườn núi. Matter – cư dân Engelberg, giám đốc kinh doanh khách sạn và hệ thống cáp treo núi Titlis, không giấu niềm tự hào giới thiệu: “Cả làng chúng tôi hầu hết đều làm dịch vụ du lịch, dân số khoảng 5.000 người nhưng đón đến gần 1 triệu du khách hàng năm. Ngoài người bản xứ, những ngôi nhà còn lại là của giới giàu có ở các thành phố lớn, họ mua nhà và trở về đây dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ để thư giãn”.

Kiến trúc đồ sộ, cổ xưa và nổi bật nhất ở Engelberg nằm cuối con đường làng, đấy chính là tu viện Biển Đức (Benedictine) nơi hình thành tên gọi của Engelberg. Xưa kia vị sáng lập tu viện Konrad von Sellenburen được thiên thần mách bảo hãy tìm một nơi tôn vinh thượng đế, ông chọn địa điểm xây tu viện. Và sau khi tu viện hình thành năm 1120, vị sáng lập nhìn lên núi Hennenberg và nghĩ đến chuyện đặt tên, lúc ấy âm thanh một dàn đồng ca hát mừng thượng đế vẳng lại trong không gian, ông nghĩ ngay đến tên gọi “núi thiên thần” và định danh là Engelberg. Từ đó về sau, vùng thung lũng này có tên Engelberg, cư dân Engelberg gọi mình là “người núi thiên thần”.

Vào hang băng trên đỉnh Titlis

Vẻ đẹp đầy huyền ảo của hang băng vĩnh cửu trên đỉnh Titlis.

Đỉnh Titlis cao 3.239m được chinh phục lần đầu tiên vào năm 1744 với mô tả là “một ngọn núi đáng sợ”. Nhưng hôm nay, Titlis trở nên rất gần với lữ khách khắp thế giới nhờ những đường cáp treo hiện đại, cùng hệ thống đại lý quảng bá du lịch nhắm vào các nước châu Á**.

Người Engelberg khéo hài hước khi vận dụng một câu trích từ Kinh thánh để miêu tả về hệ thống cáp treo (có từ năm 1912), lên – xuống trên núi Titlis của họ rằng: “… hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên”. Còn ở góc độ kinh tế, cư dân Engelberg không thể phủ nhận: “Nếu cáp treo lên đỉnh Titlis ngừng hoạt động, nền kinh tế Engelberg đóng băng ngay lập tức”.

Mất 45 phút từ chân núi, qua ba loại cáp treo, trong đó có cáp treo lồng xoay đặc biệt Titlis Rotair vận chuyển trung bình 100 du khách một lượt và tự xoay vòng để nhìn toàn cảnh trong hành trình lên đỉnh núi ở độ cao 3.020m; 80% lãnh thổ của Thuỵ Sĩ có thể nhìn thấy ở độ cao này. Cuối cùng tôi cũng đặt chân lên lớp tuyết trắng dù đang giữa nắng hè trên đỉnh Titlis, bao quanh là hầu hết du khách đến từ châu Á.

Đỉnh Titlis còn có một báu vật khác, đó là hang băng khởi công từ năm 1974 và hoàn thiện bốn năm sau đó. Lòng hang luôn ở nhiệt độ âm, ánh sáng mang lại cảm giác huyền ảo, với những hình tượng nghệ thuật tạc từ băng giống như một bảo tàng băng thu nhỏ. Được biết, để xây dựng hang băng này, công nhân đã dành 18.000 giờ lao động để kiến thiết từ 3.000m khối băng thành một hang băng vĩnh cửu dài 150m, và hàng năm phải mất 800 – 1.000 giờ làm việc để bảo tồn.

Trở về độ cao 1.800m để qua đêm ở khách sạn Truebsee ở lưng chừng dãy Apls. 7 giờ tối mà trời vẫn sáng bừng, bỗng mây mù che phủ, cơn mưa đá bất chợt đổ xuống, đá li ti bằng đầu ngón tay cái rơi lả tả ngoài hiên. Rồi trời quang, mây tạnh, vầng cầu vồng thắm một góc trời khép lại một ngày đầy thú vị trên đỉnh Titlis. Ngày mai, hành trình của tôi tiếp tục đến thành phố nổi tiếng bên hồ đầy thơ mộng – Lucerne.

Cáp treo lồng xoay đầu tiên trên thế giới ở núi Titlis.

hệ thống cáp treo có từ năm 1912 đưa du khách khám phá miền thiên đường băng tuyết núi Titlis.

*Bay từ TP.HCM và quá cảnh ở Thái Lan và Frankfurt (Đức), rồi đến Zurich – thành phố sầm uất và náo nhiệt thứ hai của Thuỵ Sĩ sau Geneva. Đi 95km xe lửa nữa mới đến Engelberg.

**Hãng lữ hành núi tuyết Titlis đã đặt đại lý ở công ty lữ hành Blue Sky Travel tại TP.HCM.

Ở đời, ai mang bệnh tương tư, đến Lucerne sẽ biết rằng căn bệnh của mình là vô phương cứu chữa! Lời khẳng định này được một hiệu thuốc trong khu phố cổ Lucerne ghi lại từ năm 1530. Đó là câu chào duyên dáng, ấn tượng và thú vị nhất đối với tôi khi lần đầu đặt chân đến Lucerne.

Toàn cảnh phố cổ và kiến trúc cầu Chapel nổi tiếng.

Ra khỏi nhà ga chính của Lucerne, cây cầu Chapel – một trong mười kiến trúc cầu nổi tiếng nhất thế giới khiến tôi mê hoặc bởi vẻ đẹp kiêu kỳ, công năng độc đáo, cùng câu chuyện lịch sử đầy thăng trầm và sự tồn tại phi diệu của kiến trúc cầu gỗ cổ nhất châu Âu trước phát triển của thời đại. Thêm chục phút tản bộ, mảng điêu khắc “Sư tử buồn” – một tượng đài kiêu hùng của chiến binh Thuỵ Sĩ, giọt nước mắt của nghệ thuật điêu khắc vương trên nền đá thời gian, đủ hớp hồn những người đang đối diện với nó. Lucerne còn có những toà lâu đài cổ kính, những thánh đường nguy nga. Nhưng điểm cuốn hút tôi hơn cả là khu phố cổ, cảm nhận khi bước qua từng viên đá như được ngược dòng lịch sử để khám phá vẻ đẹp của Lucerne bao năm chưa hề thay đổi.

Không có thuốc chữa bệnh tương tư!

Khác với bích hoạ kiểu châu Âu, thường được trang trí trong nội thất của các đền đài, cung điện, ở đất nước Trung Âu Thuỵ Sĩ, cụ thể là Lucerne, tranh tường thể hiện ra mặt tiền ngôi nhà, với những tích truyện độc đáo ghi lại lịch sử phát triển của thành phố, hay miêu tả những trận chiến ác liệt… Mỗi bức tranh hiện trên các khối kiến trúc qua 5 – 6 thế kỷ vẫn tồn tại, nguyên vẹn vẻ đẹp như thuở ban đầu.

Con phố cổ tập trung nhiều tranh tường nhất ở Lucerne, là chợ rượu vang của toàn vùng từ thế kỷ 15, các loại vang thượng hạng đều có thể tìm thấy ở khu chợ này. Bởi Lucerne nằm trên trục giao thương chính của Trung Âu ra các vùng lân cận. Ở toà kiến trúc cuối quảng trường trung tâm phố cổ, có bức bích hoạ phủ trọn phần mặt tiền ngôi nhà, miêu tả lại tích truyện quen thuộc trong kinh thánh của thánh John về việc hoá nước thành rượu ở tiệc cưới Cana. Bức vẽ ở Lucerne chỉ đơn giản với những mảng màu lớn, không nhiều chi tiết như bức sơn dầu cùng tích truyện của hoạ sĩ người Ý Paolo Veronese vẽ năm 1563 trưng bày ở bảo tàng Louvre, Paris. Nhưng mối liên tưởng giữa khu chợ vang nổi tiếng với tích truyện hoá nước thành rượu hẳn phù hợp với lịch sử của chợ rượu này. Hơn nữa, lịch sử Lucerne từ ngày là một làng chài nhỏ bé bên hồ Lucerne đã gắn liền với sự phát triển của công giáo, với việc xây dựng và hình thành Lucerne của các giáo sĩ dòng Biển Đức (Benedictine).

Trong phố cổ, có mảng tranh tường của một hiệu thuốc từ thế kỷ 16 gây chú ý với tôi và những lữ khách hơn cả, không chỉ bởi lối vẽ cách điệu tích truyện Adam – Eva trong vườn địa đàng cùng con rắn đang cuốn mình lên cây trái cấm; mà là nội dung của dòng chữ Amor Medicabilis Nuliis Herbis (tạm dịch: không có loại thuốc nào chữa được bệnh tương tư). Chẳng biết câu ấy có “thôi miên” ai không mà quán xá dưới quảng trường này lúc nào cũng đông nghẹt khách, họ ngồi tán gẫu, ngắm nghía phong cảnh, và ít nhiều bàn tán về cái bệnh tương tư, trong đó có kẻ lữ hành như tôi.

Đồng hồ Thuỵ Sĩ giá nào cũng có

Nếu như người châu Á kinh doanh sừng sỏ là Trung Quốc, thì ở châu Âu, tôi cho rằng chính là người Thuỵ Sĩ. Ghé vào khu mua sắm đồng hồ của nhà Bucherer với lịch sử hình thành từ năm 1888, nơi thật khó mà cưỡng lại lòng thèm muốn khi nhìn những “cỗ máy thời gian” mức giá 55.000 franc, tương đương 1,1 tỉ tiền Việt, đến cái chỉ có 20 franc. Và, dù ở tầng lớp nào, ai cũng ra về hả hê trong tay vài ba cái đồng hồ làm quà.

Những ngày ở Lucerne đến đâu cũng gặp khách châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam, theo hãng lữ hành Blue Sky Travel tại TP.HCM thì du lịch Thuỵ Sĩ đang là tiềm năng lớn với khách Việt, đặc biệt là những người trẻ ưa thích du lịch khám phá. Đi khắp Thuỵ Sĩ, chỗ nào tôi cũng bị nhận nhầm là người Trung Quốc và những cửa hàng đồng hồ lớn ở Lucerne đều có nhân viên người Hoa đứng bán.

Ngay hôm ghé tiệm ăn ở tầng hai khách sạn Falken, cô nhân viên kinh doanh Lucia Lang sau khi chào hỏi bằng tiếng Quan Thoại, liền rủ tôi ở lại bởi rằng công việc dành cho người nói tiếng Hoa ở Lucerne đang phát triển rất nhanh, hiện không đủ nguồn cung cấp hướng dẫn, phiên dịch. Lang nói: “Chỉ nói được tiếng, lo dịch vụ cho khách du lịch Trung Quốc là có thể kiếm sống thoải mái được rồi”. Thấy có vẻ chưa phải lúc, Lang dặn dò, rảnh nhớ viết mail bởi công ty cô ấy đang rất cần người. Lời đề nghị không thể níu tôi ở lại, bởi hành trình khám phá thiên đường Trung Âu – Thuỵ Sĩ của tôi chưa được nửa chặng với bao hấp dẫn phía trước.

Lạc vào thành Bern 800 năm tuổi

SGTT.VN - Một nhịp sống rộn ràng, mang phong cách hiện đại nằm trong một quần thể kiến trúc cổ hơn 800 năm tuổi, đẹp và hoàn hảo như một tác phẩm nghệ thuật đắt giá. Đó là Bern, thành phố cổ đẹp nhất trên đất nước Thuỵ Sĩ và cả vùng Trung Âu.

Trung tâm phố cổ Lucerne. Ảnh:

Bị khoá giữa núi và đất liền, không có biển, nhưng Thuỵ Sĩ lại được thiên nhiên ban tặng cho những hồ lớn khổng lồ, với 550km đường sông và 12 tuyến tàu trên các hồ lớn. Năm 2012 được Thuỵ Sĩ chọn là “năm của nước”, bởi đi bất kỳ đâu trong đất nước Thuỵ Sĩ, chỉ trong bán kính 15km là sẽ đến một dòng sông hoặc một hồ nước đẹp. Lucerne là một trong bốn hồ nước lớn và đẹp nhất của Thuỵ Sĩ. Năm 2012 cũng là năm kỷ niệm 175 năm chuyến tàu hơi nước đầu tiên hạ thuỷ ở hồ Lucerne.

Vẻ đẹp cổ kính của Bern nhìn từ khu vườn hồng.

Dù đã có nhiều hình dung về vẻ đẹp của một đô thị thời Trung cổ với sự hoà trộn những lối kiến trúc đặc trưng như La Mã, Gothic, Phục hưng, Baroque…; cũng có vài ý tưởng so sánh Bern với những đô thị cổ được công nhận là Di sản thế giới ở châu Á và châu Âu. Nhưng trước vẻ đẹp của Bern, tất cả những so sánh, hình dung ấy trở thành vô nghĩa, thay vào đó là cảm giác choáng ngợp trước một “Di sản văn hoá nhân loại” với nhà cổ, phố cổ được bảo tồn nguyên vẹn. Tôi tự do khám phá điều mà người thành Bern luôn tự hào rằng: “Từng góc nhỏ của Bern đủ đẹp để hấp dẫn mọi người đến ngoạn cảnh, tìm hiểu và cảm nhận dòng chảy lịch sử của thành phố”.

Thành phố của đài phun nước

Hoạt cảnh của những nghệ sĩ dưới chân tháp đồng hồ thiên văn cổ Zytglogge – một trong ba đồng hồ cổ nhất Thuỵ Sĩ – cũng là cổng thành phía tây của Bern, được xây dựng (1191 – 1256) và miêu tả lại câu chuyện toà tháp nổi tiếng của thành Bern. Sự biểu diễn chính xác của cỗ máy thời gian đúng với thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ khi vang tiếng nhạc chuông độc đáo, cùng màn trình diễn của nghệ thuật chế tác cơ khí trong đồng hồ gồm chú gà trống, chàng hiệp sĩ, con sư tử, gấu, rượt đuổi nhau điểm 12 giờ trưa.

Từ chân tháp đồng hồ Zytglogge, tiếp tục xuôi theo con đường mua sắm về hướng đông trên đường Kramgasse, tôi được chạm vào một góc lịch sử đầy thú vị khác của Bern – những đài phun nước với tuổi đời hơn năm thế kỷ. Ở Bern có đến hơn 100 đài phun nước – biểu tượng cho sự thịnh vượng của thành phố, trong đó có 11 tượng đài mô phỏng các nhân vật ngụ ngôn thời kỳ Phục hưng, gắn với từng câu chuyện lịch sử. Tên gọi của thành Bern tái hiện khi tôi đứng trước bức tượng của đài phun nước đầu tiên tên Zahringerbrunnen được xây từ năm 1535 mang hình một con gấu dữ tợn trong bộ áo giáp chiến binh. Đài nước này tưởng nhớ người sáng lập thành Bern – Berchtold von Zahringer, con vật đầu tiên ông bắn được trong chuyến đi săn trên bán đảo Aare là con gấu và ông lấy tên Gấu đặt cho thành phố. Bern ra đời là vậy.

Không xa Zahringerbrunnen, ngay cạnh nhà số 49 của thiên tài Albert Einstein, nơi ra đời thuyết tương đối nổi tiếng, là một đài phun nước khác tên gọi Simsonbrunnen (xây năm 1544), mô tả tích truyện Samson giết chết con sư tử, trong kinh thánh Cựu ước. Đi tiếp ra hướng bờ sông Aare là đài phun nước Gerechtigkeitsbrunnen nữ thần công lý bịt mắt, tay cầm thanh kiếm, dưới chân là cán cân công lý đại diện cho chế độ thần quyền, quân chủ, chuyên chế, và cộng hoà. Tượng đài này rất đặc biệt, bởi nó chính là khuôn mẫu để sao chép ra hơn mười bức tượng đặt tại các đài phun nước ở những thành phố khác trong đất nước Thuỵ Sĩ.

Vẻ đẹp Bern bên dòng Aare

Ở Bern, tôi có hai điểm yêu thích nhất về vẻ đẹp của thành cổ này, đó là đứng trên cầu Nydegg, được kiến trúc sư Karl Emanuel Muller chỉ huy khởi công xây dựng từ 1840, hoàn tất bốn năm sau đó với kiến trúc ba vòm cong bắc qua sông Aare. Từ độ cao này, tôi có cái nhìn toàn cảnh xuống công viên gấu được xây dựng từ thế kỷ 16. Nơi những chú gấu – biểu tượng của Bern đang tung tăng vui đùa trong không gian sống hơn 6.000m2. Hay ngắm dòng Aare xanh biếc màu ngọc bích, là thiên đường của dân bơi lội pha lẫn chút mạo hiểm khi buông mình cho dòng chảy của Aare cuốn trôi. Thoả chí ngoạn cảnh phố cổ bao lấy khúc quanh hình chữ U của dòng sông tinh khiết đến độ nước có thể uống được.

Điểm yêu thích thứ hai chính là khu vườn hồng Kirchenfeldbrucke, nơi có thể nhìn toàn cảnh Bern ở góc diễm lệ nhất. Từ công viên gấu, băng lên ngọn đồi cao đối diện phố cổ Bern là vườn hồng, nơi có bộ sưu tập hơn 220 giống hoa hồng mang màu sắc khác nhau từ khắp thế giới. Ở đó, bao mệt nhọc của hành trình sẽ tan biến khi đứng trước vẻ đẹp của thành Bern. Phố cổ với mái ngói đỏ đều tăm tắp ở đường chân trời, dòng Aare bao quanh như che chở, điểm xuyết cho Bern thêm long lanh hơn bao giờ hết. Điểm nhấn của bức tranh toàn cảnh là tháp chuông cao nhất Thuỵ Sĩ của nhà thờ Munster mang phong cách Gothic ở phía nam thành phố.

Đứng trước vẻ đẹp của một thành phố thời Trung cổ có quy hoạch đẹp nhất châu Âu, tôi cảm giác như mình đang lạc vào thiên đàng hạ giới. Tiếng chuông ngân nga từ thánh đường Munster đưa tôi trở về thực tại. Có lẽ ít ai để ý rằng tiếng chuông ấy vọng ra từ một đại hồng chung lớn nhất Thuỵ Sĩ, với trọng lượng hơn 10 tấn, được đúc từ năm 1611 vẫn hoạt động đều đặn hàng ngày. Sự đồng điệu của thành Bern từ kiến trúc cổ, từ nhịp sống đa dạng của một phố thị, từ những câu chuyện lịch sử trăm năm, hoà với vẻ đẹp diễm lệ bao trăm năm qua chẳng hề thay đổi. Chính sự đồng điệu ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc trong những ngày ở Bern, để rồi vương một chút tiếc nuối: Bern, biết ngày nào quay trở lại?

Phố cổ Kramgasse với đài phun nước Simsonbrunnen ở phía xa.