Nguyễn Quang Vinh-Hồi ức

Hồi ức 1

Blog này có cả năm, chẳng viết. Nay thấy mỗi ngày nên mần Blog một nhát, trước thư giãn, sau nữa, có ai đọc cũng cho người ta chút tủm tỉm, ha hả hoặc he hé cho thêm vui. Nghe nói Blog Nguyễn Quang Lập anh mình rất Hot. Hồi bé, Lập thường dương dương tự đắc với mình:" Cặc tau to hơn cặc mi", nay không có cơ hội đọ thì đọ Blog coi ai Hot hơn ai.

Nhà có 8 anh em, anh Lập thứ 7, tôi út.

Tôi đái dầm từ bé đến năm lơp 9 mới hạn chế đôi chút. Mỗi buỏi sáng, anh Lập lại kêu:" Mạ ơi. Thằng Vinh đấy ( đái) ướt quần con rồi". Và anh Lập nheo mắt:" Cặc mi nhỏ hơn cặc tau răng mi đái nhiều rứa?". Tôi kéo quần anh Lập xuống coi, đưa cặc tôi so với Lập, thấy Lập to hơn, dài hơn. Tức lắm. Sau này mới chói lòa một chân lý: Lập sinh trước tôi 3 năm lớn hơn thì cặc Lập phải to hơn là đúng, không cần đố kị.

Ngày sinh ra anh Lập. ba tôi đặt tên cho Lập trong giấy khai sinh là Nguyễn Quang Vinh. Sau vài ba tháng, nghĩ sao, ông lại thay giấy khai sinh, thay tên Nguyễn Quang Vinh thành Nguyễn Quang Lập. Ba năm sau sinh tôi ra, ba tôi đặt tên tôi là Nguyễn Quang Vinh. Nếu bây giờ tên Nguyễn Quang Lập là Nguyễn Quang Vinh và tên tôi là Nguyễn Quang Lập thì sao nhỉ? Thì tôi sẽ gánh họa thay Lập: què chân trái, liệt tay trái. Lập tài hơn tôi, Lập cần lành lặn, tôi ngu hơn, tôi gánh cái què của Lập cũng được.

....Hồi tôi 6 tuổi, Lập 9 tuổi, hai thằng thường xuyên mò đi xem văn công. Quảng Bình lúc ấy là trên bom dưới đạn, báo chí gọi là tuyến lửa. Vì là tuyến lửa nên Trung ương ưu tiên Quảng Bình được xem nhiều lần biẻu diễn của văn công. Đáng lẽ hồi ấy, người ta phải cho bọn tôi gạo, cá thịt, nhưng người ta cứ cho văn công nên rất nhiều lần hai thằng được coi văn công. Nhưng lại không phải coi văn công. Hai anh em lẻn ra sau sân khấu, trườn bò dưới cát rồi vén tấm vải bạt che chỗ các o văn công thay áo quần, chui đầu vào. Trời tối, mấy o không thấy hai cái đầu trọc của anh em tôi đang nhoài vào, mở mắt hoang hoác nhìn ngắm từng o thay áo quần. Vú vê, mông má các o nhìn rõ mòn một. Lập còn nói :" O hồi nãy bướm nhiều lông hơn hơn o vừa rồi". Tôi gật đầu. Tôi thấy mỗi lần có o văn công thay áo quần, Lập nuốt nước miếng. Tôi học theo cũng nuốt nước miếng. Lập hỏi :" Răng mi nuốt nước miếng?". Tôi hỏi:" Răng anh nuốt nước miếng?". Lập cười. Thấy hai anh em thường xuyên kéo nhau đi xem văn công, ông hàng xóm nói với ba tôi:" Hai cháu rất có năng khiếu. Tích cực đi xem văn công". Ba tôi gật đầu tự hào.

Thời chiến tranh, bệnh xá, trường học, cửa hàng đều hoạt động dưới nhà hầm. Một lần tôi và Lập kéo nhau đến gần một cửa hàng thì nghe tiếng cười rúc rích. Hai anh em rón rén chạy đến, khoét cát trên gờ đất nhà hầm, thò đầu vào xem. Trong cửa hàng o nhân viên đang ôm chú cửa hàng trưởng. Chú cửa hàng trưởng thấp lùn, phải đứng trên ghế mới hôn được o nhân viên. Mãi hôn, cái ghế đổ, chú cửa hàng trưởng ngả lăn quay. Tôi và Lập cười ha ha. O nhân viên chạy ra, kéo tay hai anh em đến một góc, dúi cho gói kẹo và thì thầm thì thầm rằng không được nói với ai chuyện này. Tôi không biết chuyện này là chuyện gì những cũng ngoan ngoãn gật đầu vì tôi là cháu ngoan Bác Hồ, người lớn nói gì là phải ngoan ngoãn gật đầu- cô giáo dạy thế. Lập cầm gói kẹo. Hai thằng chạy ra sau động cát. Chia đôi. Thừa một cái. Lập nói:" Tau to hơn mi, tau thêm cái này". Tôi không chịu. Lập cắn đôi cái kẹo, đưa tôi một nửa. Hồi đó, một năm bọn tôi mới ăn kẹo một lần vào ngày tết. Lập cầm gói kẹo, miệng nhai, cùng tôi bước nghêng ngang về làng, kiêu hãnh.

Hồi ức 2

19 giờ ngày 10.10.2008

Thời tôi học lớp 4, ở làng Đông thấy rộ lên phong trào dân quân đi bắt các đôi nam nữ hủ hóa. Anh Lập và tôi rất hào hứng chuyện này. Anh Lập hào hứng vì muốn biết hủ hóa như thế nào, muốn biết thằng đàn ông đè dí người đàn bà ra làm sao. Anh Lập nói, tao phải biết để sau này tao làm nhà văn. Tôi thì háo danh, muốn tận tay bắt quả tang một vụ hủ hóa để được cô giáo hiệu trưởng nêu gương dưới cờ vào sáng thứ 2. Nghe tôi nói thế, anh Lập hằm hằm:" Mi thích biểu dương thế, sau này mi sẽ Đảng viên". Tôi hỏi:" Đảng viên là răng?". Lập nói:" Tao cũng đéo biết. Nhưng làng mình ai lớn lên cũng đua nhau vô đảng. Chắc là rất hay. Khi mô lớn, tao và mi sẽ vô đảng nhé". Tôi sướng lắm. Nhưng bây giờ thì kể chuyện đi bắt hủ hóa đã.

Rình rập mãi cũng bắt gặp được một vụ. Tôi phát hiện đầu tiên. Tôi định lao lên hô hoán thì anh Lập giữ tay lại:" Ngu. Hai người đó đang ngồi tâm sự thì mắc chi mà hô hoán?". Tôi tròn mắt:" Chớ đàn ông ngồi cạnh đàn bà là được mà". Lập giải thích:" Thằng ngu. Nghe đây. Hủ hóa là gì? Một. Là khi và chỉ khi con cặc của người đàn ông đâm vào bướm đàn bà. Hai. Khi và chỉ khi, người đàn ông và người đàn không phải vợ chồng, không phải đã xin ý kiến chi bộ để được yêu nhau mà họ vẫn đâm vào nhau thì mới gọi là hủ hóa, mới bắt". Phức tạp. Nhưng vì để được cô giáo khen tôi lại phải nhớ trong đầu lời Lập " khi và chỉ khi...".

.....Anh Lập kéo tôi nằm xuống trên một đống cỏ. Nín thở. Anh Lập không cần bắt, chỉ cần nhìn thấy người đàn ông đâm người đàn bà như thế nào để biết sau này làm nhà văn. Còn tôi thì hau háu với thành tích. Cách chúng tôi khoảng 3 mét, đôi nam nữ vẫn ngồi bên nhau, rì rầm nói chuyện. Anh Lập yêu cầu tôi nằm im. Tôi thấy ở bụng mình ươn ướt. Hóa ra chúng tôi đang nằm trên bãi cứt. Tôi thì thần:" Chết. Cứt". Anh Lập thì thầm:" Biết rồi. Khả năng thằng kia sau khi ỉa xong thì bắt đầu tâm sự với cô này". Lâu quá. Gần một giờ sau thì tôi nghe oạch một cái. Người đàn ông đè người đàn bà lên cát. Tôi nói nhỏ:" Bắt ". Lập cản lại:" Thằng này. Chưa đâu. Giai đoạn 1 thôi. Khi nào thấy áo quần cởi ra thì lúc ấy mới...". Tôi nghe tiếng cô gái kêu lện một tiếng. Lại nghe tiếng hực. Rồi hai người nhấp nhổm trong ánh sáng mờ trên cát. Anh Lập dán mắt nhìn lẩm bẩm:" Đéo mẹ. Sao không ai cởi áo quần?". Ba mươi phút sau, nghe tiếng họ cười. Cả hai dắt tay nhau đi. Hai anh em nhìn nhau. Lập nói:" Sao vậy?". Tôi không biết. Sau này, mãi sau này, khi Lập thành nhà văn, Lập nói:" Hồi đó tao và mày ngu. Thằng cha đó nó không cần cởi áo quần, nó chỉ thò con chim của nó ra đâm thôi. Ngu thật". Tôi hỏi:" Sao anh biết. Anh cũng làm thế rồi à?". Lập ấp úng:" Nói chung là, khi cần thì vẫn phải thế. Chim mình như khẩu súng, lúc công khai, lúc bí mật, miễn là tiêu diệt được quân thù...". Tôi im.

HỒi ức 3

Sau nhà tôi ở làng Đông, trên cát, có cái chợ làng. Nói là chợ làng nhưng gần tết rất đông người. Mạ tôi bán cháo bánh canh. Ngày gần tết này, cháo bán hết sạch. Nhưng ngày thường, ít ai ăn, thừa nửa nồi, cả nhà xúm lại ăn. Những ngày đó tôi no. Dù mạ tôi bán ế buồn, nhưng tôi thích mạ bán ế, bán ế thì tôi no.

Ngày gần tết tôi hay lân la ra chợ. Anh Lập nói:" Mi ra kiếm mấy quả pháo đốt. Kiếm cá nướng ăn". Tôi hỏi:" Sao anh không đi ăn trộm cá và pháo, răng bắt tui đi?". Lập cáu:" Tau sắp kết nạp đoàn". Tôi ra chợ, ngồi gần mấy o bán cá. Tôi khèo tay lấy được ba con cá trích, chôn ngay xuống cát. Lại sang chỗ bán pháo tép, khèo được mấy quả pháo tép bỏ vào túi. Sẩm tối, Lập đi học về tìm tôi:" Răng?". Tôi hỏi:" Răng là răng?". Lập thì thầm thì thầm thì thầm. Tôi kéo Lập ra sau động cát. Bới lên ba con cá trích. Lập hô:" Nướng. Tau có mang muối đây. Thèm cá hè?". Tôi hỏi:" Răng mạ không mua cá cho anh em mình ăn?". Lập nói:" Muốn mua được cá phải có 2 điều kiện. Một là, khi và chỉ khi có tiền nhiều. Hai là, khi và chỉ khi nhà mình làm được cá".

Hai thằng nướng cá ăn. Cá cháy trong lửa, thơm lắm. Tôi cúi xuống thổi lửa. Mấy viên pháo tép rơi ra, gặp lửa nổ đì đùm. Mũi tôi bị lửa bắn lên, toét máu, sưng vù. Tôi ôm mũi khóc. Lập nhìn tôi lại nhìn ba con cá nướng thơm phức, nói:" Mi bị pháo nổ toét mũi, đau rồi, để cá tau ăn nhé". Tôi vừa khóc vừa gật gật đầu.

Hồi ức 4

Nhà tôi sơ tán ở làng Đông. Sau lưng làng là động cát. Trên cát là rừng trâm bầu. Trong rừng trâm bầu là một trận địa pháo của bộ đội. Hồi ấy cực lắm. Nhà tôi ăn toàn khoai, ăn cả cám, ăn cả xương rồng luộc. Cơm trắng là điều gì đó cao cả, sang trọng chất ngất mà bọn trẻ chúng tôi ngày đêm ao ước. Nhưng một hôm, tôi lân la chơi gần đơn vị các chú bộ đội. Giờ ăn cơm. Các chú ngồi quanh mâm cơm, cơm trắng. Tôi nuốt nước miếng. Ăn xong, còn thừa cơm, tôi thấy một chú bộ đội bưng cơm đi xa lên cát, đào cát chôn. Tôi chạy về hỏi ba tôi. Ba tôi giải thích:" Thừa cơm cũng phải chôn con ạ. Vì trong khi nhân dân đang khổ cực, không được phép cho nhân dân biết bộ đội ăn thừa cơm được. Thừa cơm cũng không được cho nhân dân, phải chôn để giữ quan điểm". Tôi không biết trong cụm từ nhân dân ba tôi nói có tôi và Lập không. Nhưng cơm chôn trong cát thì tiếc quá. Tôi thì thầm với Lập. Lập " thế à?" rồi kéo tôi chạy. Hai anh em rón rén đi rồi bò đến gần chỗ các chú bộ đội chôn cơm. Chúng tôi đào cơm lên. Hai thằng sướng hú mắt. Gạt cát một cách sơ sài, hai thằng chia nhau ăn, ăn no kềnh. Tôi nói:" Cơm ngon thiệt. Răng bộ đội lại được ăn cơm trắng?". Lập giải thích:" Ăn cơm trắng mới bắn rơi máy bay". Gần 6 tháng như vậy, hai anh em chuyên ăn cơm đào trong cát của bộ đội. Hai thằng béo tốt ra. Các chú bộ đội ăn cơm trắng như vậy nhưng tôi không thấy bắn rơi máy bay. Rồi một ngày tôi đi học về, anh Lập nói buồn rầu:" Từ nay tao và mi không được ăn cơm trắng nữa". Tôi hoảng hốt:" Răng rứa?"-"Máy bay vừa thả bom, các chú bộ đội chết hết rồi"-"Răng các chú ăn cơm trắng cả ngày mà không bắn rơi máy bay, lại để máy bay đến thả bom giết mình?". Lập cáu:" Hỏi ngu rứa? Hỏi rứa thì tau trả lời răng được?". Tôi ngơ ngác:" Anh nói ăn nhiều cơm trắng sẽ giỏi, sẽ thông minh, sẽ thành nhà văn mà, sao anh không trả lời được". Anh Lập đá chân vào cái nồi rách nhà tôi để chỏng chơ trên cát văng tục:" Nhà văn... Cặc".

Hồi ức 5

...Một buổi chiều, anh Lập hộc tốc về nhà, thì thầm:- Tau gặp một nhà văn ở tỉnh rồi. Tau vô hầm mần nhà văn đã. Tôi ngơ ngác:- Răng lại phải vô hầm mần nhà văn?. Anh Lập thì thầm:-Chú nhà văn ấy dặn rứa. Phải vô hầm ngồi trước trang giấy, miệng cắn bút, tư duy, chìm đắm trong ý nghĩ, đẩy cảm xúc lên thật nhiều, cảm xúc trào qua tim, trào qua đầu, trào xuống bàn tay cầm bút, viết ra chữ, rứa là mần nhà văn. Nói rồi, anh Lập bước xuống hầm, tay ôm tệp giấy. Tôi thòm thèm nhìn theo. Không chịu được, sau gần một tiếng, tôi rón rén bước xuống hầm. Tôi thấy anh Lập đang dùng dầu cùlà bôi lên mắt. Tôi thì thào:- Anh răng rứa. Răng anh bôi dầu lên mắt?. Anh Lập nhìn tôi, hai con mắt đỏ ngầu, nước mắt trào ra:

- Viết đến đoạn cảm động, khi o dân quân chết dưới làn bom Mỹ, nhà văn phải vừa viết vừa khóc. Chú nhà văn dặn rứa.

Tôi nhìn trang giấy Lập viết nhi nhít những chữ, kinh hoảng. Tôi tự hào ngắm Lập. Tôi thấy Lập không giống như mọi ngày. Bây giờ anh ấy đang mần nhà văn mà. Tôi kính cẩn:- Cho tui đọc một đoạn được không? Chưa khi nào tui thấy chữ nhà văn hết.

Anh Lập cười khà khà rồi đưa tay vuốt lên cái cằm trơn:

- Mần răng phải có râu nữa. Chú nhà văn nói, nhà văn phải có râu.

Tôi cũng đua tay lên cằm:-Có râu thì e khó thiệt…

Anh Lập đưa mấy trang giấy cho tôi đọc. Đọc xong tôi im lặng. Anh Lập nóng ruột:- Răng? Hay không?. Tôi lắc đầu:-O dân quân ni chết là do ỉa bậy trên động cát rồi bị bom, sao anh viết là o ni đang chiến đấu với máy bay Mỹ và hy sinh vì Tổ Quốc?. Tôi hỏi, anh Lập lúng ba lúng búng:- Tóm lại, nhà văn chỉ xây dựng được nhân vật khi và chỉ khi cần phải thêm bớt cho nhân vật hay lên, anh hùng lên. Tao đồng ý o dân quân ni chết khi đi ỉa trên động cát nhưng đi ỉa mà bị bom cũng là hy sinh vì Tổ Quốc. Tôi cãi:- Rứa anh và em bới cát lấy cơm bộ đội ăn, nếu trúng bom chết có gọi là hy sinh vì Tổ Quốc không?. Anh Lập ậm ờ:- Cái này ngày mai tao hỏi đã. Nhưng rứa là không hay à? Mần nhà văn khó hè?.

Anh Lập đọc tới đọc lui rồi vứt xếp giấy đi:- Nhà văn đéo chi mà khó thiệt.

Tôi hăng hái:-Để tui mần nhà văn cho.

Tôi lom khom viết. Lúc sau đưa cho anh Lập xem. Anh Lập kêu to:- Hay. Mi viết hay. Tau đọc thấy hay nhưng không hiểu chi.

Tôi im lặng.

Rồi sau một lúc bàn bạc, hai thằng kết luận: Nhà văn chẳng là cái đéo chi hết.

Sau này, cả hai anh em đều là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Câu này bây giờ vẫn đúng

Hồi ức 6

Tôi luôn khẳng định một cách đầy tự hào rằng, tôi không tài bằng anh Lập tôi. Nhưng chính vì vậy mà tôi càng tự hào rằng, tôi không bao giờ làm em anh Lập tôi về nghề. Tóm lại, tôi vẫn rất hãnh tiến và hiếu thắng. Lâu nay, anh Lập tôi làm được gì, tôi làm theo được hết: Viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, làm thơ, viết kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình, kịch bản điện ảnh. Anh Lập được giải thưởng phim quốc tế với phim Đời Cát thì tôi được giải thưởng phim quốc tế phim Ngã Ba Đồng Lộc. Anh Lập Hội viên Hội nhà văn, tôi cũng Hội viên. Anh ấy vào Hội sân khấu tôi cũng vào. Anh ấy vào Hội điện ảnh tôi cũng theo.

Tóm lại, dù có thể tôi kém tài Lập nhưng tôi không chịu thua Lập lĩnh vực nào hết.

Nhưng đêm nay Sài Gòn mưa quá, ngồi nhớ lại xem mình có thua Lập cái gì không nhỉ thì bật cười ha hả và nhớ lại rồi, chuyện này xảy ra từ rất lâu, rất lâu, hồi ấy anh Lập học lớp 5 tôi học lớp 2. Tôi đã thua Lập. Tôi rất cay cú vể chuyện thua này nhưng mãi mãi không bao giờ tôi bằng Lập được.

Hồi ấy, anh Lập theo ba tôi lên Cao Mại học. Vì khi đó ba tôi là hiệu phó Trường Sư phạm tỉnh sơ tán ở Cao Mại.

Một buổi chiều cuối tuần, anh Lập về nhà. Từ nơi sơ tán về nhà tôi cũng nơi sơ tán mất gần một ngày đi bộ.

Tôi vừa nhìn thấy anh Lập bước về đã mất hút, rất bí hiểm.

Tôi chạy ra ngõ tìm không thấy. Gọi khắp nơi không nghe hồi âm.

Sau đó, tôi nghe tiếng anh Lập gọi “ Vinh ơi. Vinh ơi” oai oái sau hồi nhà. Tôi lao tới liền. Tôi nhìn thấy anh Lập đang ngồi ỉa giữa vườn, cởi truồng, chim dái lòng thòng nhưng gương mặt anh ấy thì rạng ngời. Mãi mãi sau này, chưa bao giờ tôi còn nhìn thấy gương mặt anh Lập rạng ngời như vậy. Phải khẳng định lần nữa là gương mặt Lập vô cùng rạng ngời. Nhưng tôi vẫn rụt rè đứng ở xa. Lập cười ha ha vẫy tay:-Vinh lại đây. Lại đây coi. Tôi cau mặt:- Đi ỉa còn gọi lại coi…Anh Lập vẫn phơi phới:_ Lại đây nhanh lên. Hay lắm.

...Tôi rụt rè bước lại.

Anh Lập thì thầm:- Cẩn thận. Nhìn đi. Đã không?

Tôi nhìn xuống đất. Tôi phát hoảng vì rõ ràng là anh Lập đã ỉa ra được một đống giun.

Anh Lập cầm cái que tỉ mẫn khơi từng con và đếm rồi tổng kết:- 142 con. Tất cả còn sống nguyên. Tau uống thuốc xổ giun của người dân tộc đó. Đã không. Tau đố mi.

Tôi bặm miệng:- Đố chi?

Anh Lập:- Đó mi ỉa ra được 140 con giun như tao. Nếu hơn 1 con, tau thưởng cái bánh tráng.

Tôi lặng người.

Tối hôm đó tôi xin mạ tôi tiền đi mua thuốc xổ giun.

Hôm sau, tôi cho xuất được 5 con. Anh Lập ngồi chồm hổm bên tôi đếm rồi vỗ tay:- Ha ha. 5 con nhé. Hết rồi à?

Tôi đau đớn:- Hết rồi.

Anh Lập cao ngạo:- Thua tau nhé.

Tôi nhìn theo dáng anh Lập khệng khạng bước vào nhà mà bật khóc. Vì sao anh ấy lại có thể có được 140 con giun.

Nhiều năm sau nữa tôi vẫn cố uống thuốc giun để cho thắng được anh Lập nhưng bó tay.

Tôi thua anh Lập không phương cứu vãn. Bây giờ ngồi nhớ lại cảm giác ngày xưa ấy, mũi vẫn nóng.

Hồi ức 7

Ba tôi nói: Ngày mai chủ nhật, các con sẽ được ăn lòng.

Thông tin đó chấn động nhà tôi.

Thời chiến tranh, nhà tôi trông nhờ vào tem phiếu gạo và thực phẩm của ba. Ba không mua thịt theo tiêu chuẩn, thỉnh thoảng, ba dồn tiêu chuẩn thịt mua mấy ký lòng heo cho cả nhà được láng miệng. Tôi háo hức suốt đêm đó. Thịt, lòng heo là những loại thức ăn mà thời chiến tranh lũ trẻ chúng tôi luôn mơ ước. Nếu nhà đứa nào có việc gì quan trọng,trong bữa ăn có thịt, thì chắc chắn, thằng đó cũng kiếm được một miếng, ngậm một nửa trong miệng, đi ra ngõ, nhử thèm lũ chúng tôi. Chúng tôi nhìn nó ngậm miếng thịt, ngưỡng mộ vô cùng và nươc miếng chảy ướt cả cằm.

Bây giờ thì tôi đang nằm bên ba tôi, nước miếng cũng chảy ướt cằm:-Ba ạ. Mấy giờ ba đi cửa hàng mua lòng? Ba tôi lật người:-Ngủ đi con. Sáng mai 2 giờ sáng ba đi.

Hồi đêm anh Lập thì thầm với tôi:- Để sáng mai mua được lòng, ba phải đến nhà chú cửa hàng trưởng biếu một gói trà và hai trái mướp đó.

Tôi vùng dậy khi ba tôi cựa mình. Tôi khẩn khoản xin ba tôi theo cùng.

2 giờ sáng. Cửa hàng thịt đã rất đông người. Sau này tôi biết số người đến mua thịt đều như ba tôi: cán bộ, đảng viên hết. Họ chào nhau nhưng không ai nhường chỗ cho ai hết. Tôi thấy dòng người xếp hàng rất dài đã thấy hoảng.

Ba tôi rón rén đến bên cửa phòng chú cửa hàng trưởng, khẽ gõ cửa. Tiếng làu bàu chửi thề:- Thằng nào rứa. Tau đang ngủ. Không biết à. Ba giờ sáng chớ mấy. Ngu như lợn.

Tôi nóng mặt định nhào vào cãi:-Chú mới là con lợn. Chú là cục cứt. Ba cháu là đảng viên, là Hiệu trưởng trường Sư phạm tỉnh, chú dám chửi ba cháu là con lợn à?

Nhưng đó mới chỉ là ý nghĩ, ba tôi kéo tôi lại, nhẫn nhục bước lên sát cửa hơn, thì thào:- Anh ạ. Đạng đây mà...

-Ai? Thằng nào?

-Đạng đây anh ạ...

Cửa kẹt mở, một gói ni lòng rất lớn vứt xoạc ra chân ba tôi cùng với tiếng nói nhanh, rất trầm:-Khổ lắm. Em dặn anh rồi, đến chỉ cần gõ cửa 4 tiếng là em biết. Anh cứ xướng lên thế người ta biết, chết. Đó. Lòng của anh em mua hộ rồi đấy. Về đi. Ngày mai gặp nhau.

Ba tôi định nói gì đó, nhưng cánh cửa đã đóng ập lại.

Ba tôi vội vàng ôm lấy túi ni lông nhoe nhoét máu đỏ, bùng nhùng lòng lợn, mùi cứt lợn bốc lên hôi hám rồi với gương mặt rạng ngời, ba tôi nháy mắt với tôi và hai cha con chui qua hàng rào để tránh những con mắt nhòm ngó và ghen tị rồi vội vã đi bộ về. Ba tôi bước thoăn thoắt. Tôi đi sau cùng. Máu đỏ từ bao ni long đựng lòng lợn nhỏ từng giọt loằng ngoằng trên cát trắng.

...Mạ tôi đang đun nước sôi để luộc lòng. Anh Lập đang ngủ. Thực ra tôi biết thừa là anh Lập thức rồi, nhưng anh tôi có tính thế, biết là thèm lắm nhưng ra vẻ cóc cần với lý luận:-Lòng lợn chỉ cần cho ta khi và chỉ khi có người mang đến biếu. Còn không nên hệ lụy, nịnh bợ ông cửa hàng trưởng chỉ để mua được vài cân lòng. Khi và chỉ khi như vậy.

Còn tôi thì không thể đợi khi và chỉ khi. Tôi nhảy tót xuống bếp. Ngồi cạnh ba tôi. Ba tôi thả đống lòng vào chậu, tìm bới trong thau nước đỏ lòm máu rồi kêu lên:- Ơ kìa. Sao không có lấy chút gan, chút cật, toàn lòng già thế này. Mạ tôi nói:- Mình nhờ người ta, người ta mua cho cái gì thì chịu cái đó thôi. Lão cửa hàng trưởng này tham lắm, lão cứ lợi dụng mua hộ để ăn bớt.

Ba tôi im lặng, nhưng mắt ông rất buồn.

Mờ sáng. Mạ tôi đã luộc lòng xong. Hôm nay tôi sẽ được ăn một bữa lòng nhức răng. Tôi sướng ra mặt. Nuốt nước miếng mãi. Mùi lòng luộc bốc lên thơm nưng nức.

Mạ tôi còn nấu thêm nồi cháo nữa.

Cả nhà đang chuẩn bị dọn ăn thì nghe tiếng cười nói xôn xao. Nhìn ra, bốn năm người cùng quê tôi bước vào.

Ba tôi chào họ niềm nở, tay bắt mặt mừng. Mạ tôi cũng niềm nở:- Mấy bác mới lên. Đã ăn uống gì chưa?

Một người trong số họ hân hoan:

-Dạ chưa. Bọn em đi dân công hỏa tuyến, tiện đường ghé thăm anh chị, cũng chưa ăn uống gì. Chị nấu cháo lòng đấy à. Em ngửi mùi là biết ngay cháo lòng. Ba năm nay chưa biết cháo lòng là chi.

Một người khác:

-Chị nấu cháo lòng chắc ngon lắm. Nào các ông, ngồi xuống ăn chút cháo rồi đi nào.

Mạ tôi chưa kịp múc cháo dành riêng cho tôi và anh Lập thì chỉ một lúc sau, mấy người đàn ông cùng quê ăn hết. Niềm hy vọng cuối cùng là ở đĩa lòng luộc nhưng không ngờ họ cũng ăn xong.

Xong, tất cảt niềm nở chào ba mạ tôi lên đường nói là " bọn em đi bảo vệ Tổ Quốc", lại còn vuốt đầu tôi:-Cu Vinh phải học giỏi, phải là cháu ngoan Bác Hồ nhé.

Họ đi. Tôi lao vào nhà. Nồi cháo hết sạch. Đĩa lòng hết sạch.

Tôi òa lên khóc. Anh Lập đi thẳng ra ngõ không nói gì. Ba tôi kéo tôi vào lòng vỗ vỗ vào đầu. Mạ tôi ngồi cô độc trước mâm cháo sạch bóng.

Tôi bỗng gào lên:- Sau này lớn lên, con sẽ phấn đấu làm cửa hàng trưởng cửa hàng bán thịt ba ạ.

Anh Lập nhào vào ủng hộ:

-Khi và chỉ khi như vậy thì nỗi thèm khát ăn lòng lợn của nhà ta mới thực hiện một cách an toàn mà không còn sợ khách đến chơi nhà như hồi nay

Hồi ức 8

Tôi nhó, có lẽ tôi là người đầu tiên trên miền Bắc tự viết kịch bản phim, tự huy động tiền để sản xuât. Tôi không nhằm vào việc kiếm tiền hay nghĩa đến lời lãi. Tôi chỉ tha thiết rằng, cần phải đưa kịch bản của mình vào sản xuất phim.Thế là sau khi viết xong kịch bản phim truyện nhựa" Chuyện tình bên dòng sông", tôi mở chiến dịch tìm kiếm đủ mọi nguồn tiền để làm phim này. Trong đó, anh Trâm đầu tư 120 triệu ( số tiền này so với bây giờ là ngang 1 tỷ). Chị Đức Hoàn đạo diễn. Hai diễn viên chính là Lê Khanh và Trần Lực. Phim xong,. có tiếng vang, tham gia Liên hoan phim toàn quốc được Bông sen Bạc. Hai diễn viên Lê Khanh và Trần Lực lần đầu tiên vào sự nghiệp diễn viên điện ảnh đều nhận được giải thưởng diễn viên xuất sắc, đó là cơ hội cho hai người này sau đó được tham gia rất nhiều phim. Mừng cho họ. Còn tôi, cũng vì phim này mà vỡ mặt. Nhưng chuyện vỡ mặt nói sau, vào lúc khác vì dài loằng ngoằng.

Phim xong, tôi, với tư cách tác giả kịch bản và giám đốc sảm xuất- quá oách- lần đầu tiên ở miền Bắc xuất hiện một ông chủ- Một ông chủ như tôi trên răng dưới chim, đi xoay từng đồng thóp tim cho phim, vãy lãi suất cao để phim hoàn thành và mang ra công chiếu.

Tôi ngày đó còn rất trẻ, hãnh tiến, cao ngạo với chức danh ông chủ, được nhiều báo phỏng vấn, được truyền hình phỏng vấn, ngỡ đi đâu ai cũng biết mình. Nhớ lại những ngày đó thấy mình rất tởm.

Hôm chiếu ở thành phố Vinh Nghệ An, tôi mang quần kaki trắng, dày đen, áo sơ mi cộc tay trắng, tóc chải bóng mượt, tay xách túi da, bước giữa thành phô Vinh, ngẩng cao đầu, thấy nhiều người nhìn mình lại nghĩ chắc họ đọc báo, xem ti vi mới nhận ra một tác giả trẻ, một nhà sản xuất phim trẻ nổi tiếng đang đi trên thành phố của họ, và chắc chắn ngừoi dân thành phố Vinh đang ngắm tôi vì họ thấy rất tự hào vì tôi đang có mặt trên thành phố của họ - rất tởm.

Tôi bước đi. Thong dong suốt dọc hè phố. Khi đi qua công viên Tam giác quỷ ở trung tâm thành phố, tôi thấy hai em rất xinh, ăn mạc váy xống rộn ràng, nép người bên một gốc cây se sẽ gọi: -Anh...

Tôi thầm nghĩ, lại gặp những khán giả yêu quý phim mình, nhận ra mình để xin chữ ký đây. Tôi làm bộ như không nghe thấy, nhưng bước chân chậm lại.

-Anh ạ...Anh răng rứa...Không thấy nhà em à?

Tôi dừng bước. Nhìn hai cô gái đang cười chúm chím. Tay trái tôi đã bắt đầu đưa lên cây bút dắt một cách điệu nghệ ở túi áo để chuẩn bị rút ra ký cho hai cô gái kia.

-Anh này...

Tôi nghiêm mặt:

-Các em nói đi, cần gì?

Hai cô gái cười toe toe nhìn nhau. Một cô tiến lên. Tôi đinh ninh thế nào cũng vang lên câu nói chân thành:" Anh cho tụi em xin chữ ký...". Nhưng không ngờ, cô gái nói rõ ràng từng tiếng một:- Trong hai đứa tụi em, anh thích ai chọn rồi vô trong nớ lẹo hè.

Một cô kéo tay:

-Lẹo nhau đi anh. Kia kìa. Giá rẻ mà...

Cô gái vừa nói vừa thò tay xuống đũng quần tôi, bóp một cái khen:- Chim anh to ri, lẹo nhau sướng hè.

Tôi bước thẳng. Nhục nhã. Bất giác tôi rút ngay cái bút dắt điệu nghệ ở túi áo vứt xuống lòng đường.

Hồi ức 9

Năm đó hình như là vào khoảng năm 1986.

Tôi đã là tác giả kịch bản của mấy kịch bản phim truyền hình như " Dòng sông vàng", "Chỉ một người còn sống" và có trong tay được hai cuốn tiểu thuyết :" Đêm thức " NXB Lao động và "Người thất bại trở về" NXB Đà Nẵng. Liệt kê thế để tôi muốn nói rằng, tại thời điểm này, theo cách nghĩ cao ngạo của tôi, Bảo Ninh chã là gì. Tôi ghé trường viết văn Nguyễn Du thăm Thùy Linh, thăm anh Nguyễn Khắc Thạch, làm quen được với Thu Nguyệt ở Đồng Tháp. Ngoài Nguyễn Khắc Thạc có làm một số thơ in ở tạp chí Sông Hương và Thùy Linh bạn tôi giành gải nhất truyện ngắn báo Văn Nghệ:" Mặt trời bé con của tôi", thì Thu Nguyệt, Bảo Ninh với tôi chã là cái gì, không tên tuổi, không tác phẩm.

Những ngày đó tất cả nghèo lắm.

Tôi ở nhờ Thùy Linh tại phòng trọ Thùy Linh trong trường Nguyễn Du. Linh về nhà mình ở Ngọc Hà.

Tôi ra, hào hứng khoe với Linh và Bảo Ninh ( lúc này hình như hai lão đang yêu dau), rằng, tôi sẽ ở Hà Nội viết cho xong tiểu thuyết " Người và dã thú".

Bảo Ninh nhìn tôi, mắt ti hí, cười cười, chẳng biết hắn coi thường hay khâm phục.

Nhưng cho dù biết hắn coi thường thì tôi vẫn cao ngạo, tôi vẫn coi hắn chã là gì. Chấp gì cái thằng râu ria xồm xoàm, áo quần bẩn nát ấy. Mình đã là tác giả hai tiểu thuyết cơ mà.

...Hai thằng đều viết. Bảo Ninh bắt đầu viết những dòng đầu tiên của tiêu thuyết " Nỗi buồn chiến tranhy". Tôi thì ép hắn ngồi nghe hàng chục trang bản thao của mình. Còn hắn, hắn không hề cho tôi xem một trang nào. Lúc ấy tôi nghĩ, thằng cha này thấy mình viết nhanh quá, hay quá, nên sợ.

Một hôm tôi nhìn thấy mấy trang bản thảo. Trời đất,. gần một tháng trời mà hắn viét chưa xong trang thứ nhất của chương thứ nhất tiểu thuyết" Nỗi buồn chiến tranh". Ngu. Kém thế mà cũng a dua đòi làm nhà văn. Thế mà cũng mang tiếng con trai giáo sư Hoàng Tuệ. Mà tại sao một thằng dốt nát thế này mà Thùy Linh lại yêu được nhỉ. Vì trong ý nghĩ cao ngạo như vậy nên những trang đầu của cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh tôi đọc thấy dở òm, chữ dày kin kít, lời thoại cũng không xuống dòng. Vớ vẩn. Ngay cả kỹ thuật viết tiểu thuyết hắn cũng chẳng biết. Tội nghiệp.

Sáng. Tôi và Bảo Ninh đi uống cà phê, ăn kẹo lạc, hút thuốc tại một quán quen trong trường. Suốt một tháng hai thằng không dám ra mua kẹo thuốc ngoài phố vì đơn giản là trong túi hai thằng không có một đồng nào. Tôi hút thuốc Zet, Bảo Ninh chơi thuốc Du lịch. Vài ngày ký nợ, Thùy linh lại ra thanh toán một lần. Gần một tháng sau, Thùy Linh cũng không moi đâu ra tiền để nuôi báo cô hai nhà tiểu thuyết, Linh không do dự bán ngay cái máy chữ của mình để đi chợ ngày ngày nuôi cơm chúng tôi.

Tiểu thuyết tôi được xuất bản ở NXB Hội nhà văn. Sách ra trước sách Bảo Ninh. Tôi háo hức tặng Bảo Ninh, tặng Thùy Linh. Bảo Ninh ngắm sách:"Đẹp ấy chứ nhỉ?". Vài chục ngày sau, tôi hỏi Bảo Ninh đọc chưa, Bảo Ninh gật gù:"- Sách ông in đẹp ấy chứ nhỉ?". Mãi vẫn không thấy sách Bảo Ninh ra, tôi chua chát hỏi:- Ông gửi chỗ nào mà mãi đéo thấy in?. Bảo Ninh gật gật đầu:-Chã biết thế đéo nào...

Rồi lại nhìn tôi:- Sách ông in đẹp đáy chứ nhỉ?

Sách tôi tất nhiên cuối cùng mất hút vì...dở.

Còn sách Bảo Ninh thì thôi, khỏi nói nữa...càng nhắc lại càng nóng mặt bỏ mẹ.

Nhưng thằng cha này đểu, nó không nhận xét sách mình hay dở, cứ khen:- In đẹp đấy chứ nhỉ.

Bây giờ nghĩ lại vẫn tức.

Hồi ức 10

Tôi nghe bà con trong cư dân Blog nói nhiều về chuyện nhà văn Xuân Đức suýt cõng anh Lập tôi ra tòa vì viết Blog xúc phạm anh ấy. Tôi không đọc được bài Blog của Lập viết về Xuân Đức. Nhưng với anh Xuân Đức thì anh em tôi gắn bó lắm, dù nhỡ ra tức quá đưa nhau ra tòa thì trước khi tòa tuyên án vẫn có thể ôm ghì lấy nhau thắm thiết. Tôi cam đoan, nhà văn Xuân Đức không chơi với ai thân thiết, mặn mà và hết lòng như từng chơi với hai anh chúng tôi. Và riêng với nhà văn Xuân Đức, trong chừng mực nào đó, chúng tôi còn xem anh như là người thầy đầu tiên về tiểu thuyết và sân khấu.

Nghĩ đến việc nhà văn Xuân Đức tức lộn ruột khi anh Lập viết gì đó, tôi hơi run run...Nhưng rồi, không thể không viết về những kỷ niệm về nhà văn Xuân Đức được. Không thể được.

Ba lần tôi ngồi vào máy tính rồi...xua tay đứng lên.

Còn lần này thì...Một.Hai.Ba...Anh Xuân Đức muôn năm, cho em viết...

Những năm 90, mấy anh em nghèo lắm. Lập ở Sở văn hóa. Tôi ở ngành thương nghiệp, anh Xuân Đức là tác giả kịch bản đoàn kịch Quân đội nhưng được thường trú tại gia ở Hồ Xá, Vĩnh Linh.

3 thàng một lần anh ấy ra Hà Nội họp chi bộ. Mỗi lần họp về,anh Xuân Đức càu nhàu nhưng lại hớn hở:- Nước này phải tặng cho tao huân chương về thành tích họp chi bộ. Chã có thằng đảng viên nào đi họp chi bộ như tao, tốn cả nửa tháng lương.

Viết được cài gì hay,anh nhảy xe đò từ Vĩnh Linh vào đọc cho anh em tôi. Tôi nhớ hôm đó anh Xuân Đức vào, đưa tiền cho tôi mua một gói thuốc Bông Sen, mấy lạng chè và đi chợ mua cá khô về kho, nấu cơm,. ăn xong, ba anh em nằm giữa sàn nhà. Anh Xuân Đức đọc tiểu thuyết "Cây người". Anh ấy thì thầm:" Tao viết về Tố Hữu đấy. Chúng mày thấy ghê không?". Anh Lập cười, Tôi hơi run run. Xuân Đức viết bản thảo bằng tay, trang bản thảo chữ đều tăm tắp, đẹp lắm. Giọng đọc của anh ấy cũng rất tuyệt. Anh ấy đọc cả cuốn tiểu thuyết một lèo, không nghỉ lấy sức. "Hay không. Đây là cuốn ghê. Rất ghê"., Chúng tôi ngơ ngác nhìn anh như nhìn một vĩ nhân. Đến bay giờ hình như " Cây người" chưa in thì phải.

Hôm Xuân Đức mua được chiếc xe Ba-bet-nhè, anh chạy vào. Anh chống hai chân kẹp lấy con xe nheo mắt nhìn hai thằng em khố rách áo ôm cười khì khì. Tôi xung phong lau xe cho anh cũng chỉ xin anh thêm gói thuốc. Hôm đó, tôi thấy anh Xuân Đức rất hả hê. Anh đang vui. Sau khi trà thuốc chán chê, anh Xuân Đức nghiêm giọng nhin hai chúng tôi như nhìn hai thằng học trò ngu ngốc. Tôi hồi hộp nhìn anh, nghe như nuốt lấy từng lời:

-Đời người ta có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là làm kiệt sức,lòi mắt, méo mặt, gãy lưng vẫn không đủ ăn. Giai đoạn 2 là làm cực nhọc gian truân nhưng no. Giai đoạn 3, làm nhàn nhã nhưng vẫn thừa thãi. Giai đoạn bốn là đéo làm gì mà vẫn thừa tiền.

Vào lúc anh Xuân Đức làm giám đốc Sở Văn hóa Quảng Trị, tôi nghe nói anh rất nhiều tiền, thu nhập rất cao mà vô cùng nhàn nhã. Tôi nghĩ, thôi đúng rồi, anh ấy đang vào giai đoạn thứ 4 là đéo làm gì vẫn dư dã. Làm giám đốc thì cũng là đéo làm gì chứ gì nữa. Thế mà khi ấy anh Xuân Đức ơi, em vẫn trầy trật chưa vượt qua giai đoạn 1 anh ạ.

Nhưng chuyện này mới đáng kể: Anh Xuân Đức tiếng to tiếng nhỏ với chúng tôi về việc anh ấy chuẩn bị giàu. Tôi nhích lại anh nghe cho rõ,còn Lập thì há hốc mồm. Anh Xuân Đức thong thả:- Tao bắt đầu nấu bia khổ. Siêu lợi nhuận. Cả cộng đồng xã hội đang chúi mặt vào uống bia khổ, rẻ, say, tiện. Tao đã sắp xếp hết rồi, với khả năng tiêu thụ hiện nay, 6 tháng sau thừa tiền.

Tôi nuốt nước bọt.

Anh Xuân Đức chỉ tay vào mặt tôi:- Thằng này kinh doanh được. Tao sẽ cho mày làm tổng đại lý phân phối bia nhà tao ở Huế. Chỉ cần ăn hoa hồng, một năm sau, mày sẽ mua được Babétta. Còn thằng này( chỉ Lập) mày ngu lắm, đéo biết kinh doanh, ở ngoài động viên. Cuối năm bọn tao sẽ tặng cho mày một chiếc xe đạp Phaphơrit.

Lập ngả vật ra chiếu, sướng mê.

Đêm đó,ba anh em không thể ngủ được, mọi chuyện xoáy quanh việc sản xuất bia khổ và việc sắp làm giàu. Tôi nhìn anh Xuân Đức khi đó như nhìn một vị thần linh tràn đầy sức mạnh.

Một tuần sau, anh Xuân Đức vào. Buồn. Thở dài. Tôi rón rén lại gần. Anh Xuân Đức kể:- Nếu không may mắn, tao sẽ dính vào công an...Hôm qua, rất nhiều người uống bia khổ nhà tao bị ngộ độc. Họ vu cho tao làm bia giả. Có người quen mật báo công an sẽ điều tra. Tao hoảng quá. Đêm qua phi tang dụng cụ nấu bia rồi. Hôm nay vào Huế xoay xở chút. Dính vào tụi công an trong chuyện này rách việc lắm.

Tôi im lặng. Giấc mộng làm tổng đại lý bia để thừa tiền tan tành. Anh Lập xuýt xoa vì sẽ không thể có chiếc xe đạp.

May sao mọi chuyện qua đi, yên ổn, nhưng từ đó không thấy anh Xuận Đức nói về bia nữa.

Rồi anh lao vào dàn dựng các tiêt mục văn nghệ quần chúng cho các địa phương,cơ quan, xí nghiệp. Hóa ra anh kiếm được khá tiền. Chương trình nào đi Hội diễn cũng nhất, cũng vàng mới ghê. Tên tuổi, uy tín anh Xuân Đức vang dội trong toàn tỉnh. Hội diễn nào đến, các cơ quan, địa phương cũng mời anh Xuân Đức làm tiết mục. Tôi có xem vài chương tình anh làm. Thèm khát nghe vang vang tiếng giới thiệu:" Chương trình tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc của Công ty công nghệ phẩm Bình Trị Thiên xin phép được bắt đầu. Tác giả kịch bản: Xuân Đức. Đạo diễn: Xuân Đức. Biên đạo múa: Xuân Đức. Phối âm phối khí: Xuân Đức. Ánh sáng: Xuân Đức. Xử lý âm nhạc : Xuân Đức. Và tất nhiên là huy chương vàng. Nhuận bút người ta trả cho anh bằng tiền cũng có, bằng vải vóc cũng có, đường sữa cũng có, đài rađiô cũng có và cả những gánh chè xanh...

Một kỷ niệm nhỏ: Hàm răng anh Xuân Đức rất dở, dài, đen xỉn và muốn rụng lúc nào là rụng. Anh thường đau răng. Mỗi lần đau, mặt anh sưng húp lên, khi nào cũng xuýt xoa, rất thương. Có hôm tôi nấu cơm đãi gạo không kỹ, anh Xuân Đức ăn, cắn phải sạn, rơi ngay một cái răng trong bát, tôi ân hận đến giờ.

Đã lâu không gặp anh. Bất ngờ thấy anh trên ti vi. Tôi không nhận ra được. Thế mà vợ tôi lại nhận ra mới tài:"-Anh Xuân Đức". Tôi cãi:- Làm gì có. Anh Xuân Đức sao lại thế.

Từ ngày làm giám đốc Sở văn hóa, anh Xuân Đức đã thay răng mới, má không hóp nữa, gương mặt bầu bĩnh, đều đặn...nhưng tôi vẫn không tin trên ti vi là anh Xuân Đức thân yêu của tôi, đã gắn bó với tôi: gương mặt gầy,xương xóc và đáng nhớ.

Tôi nói vơi vợ tôi, hình như trên ti vi là anh Xuân Đức giả.

Hồi ức 11

Trong Hội nhà văn, có nghe nhiều người chửi Hữu Thỉnh. Lại nghe nói, nhiệm kỳ vừa rồi, nhiều người cố gắng tụ tập để lật đổ Hữu Thỉnh. Lại nghe nói có cuốn tiểu thuyết nào đó viết ra nhằm chửi mắng Hữu Thỉnh. Tôi ở xa Hội,. chuyện gì cũng toàn nghe nói, không biết đúng sai, nhưng buồn.

Còn tôi, tôi thấy thích Hữu Thỉnh. Có thể mình không gần, không biết được tính xấu của ông ấy, nhưng mà trời ơi, thằng đéo nào mà không đầy tính xấu: Không gian dối thì háu ăn, không lừa bịp thì máu gái, không ngoa ngoắt thì háo danh, cơ hội, nịnh bợ, thậm chí có người hội tụ đủ thứ xấu xa trên trong họ mà họ vẫn cứ sống, thậm chí còn lên chức thì sao nào.

Tôi mê Hữu Thỉnh từ những bài thơ của anh, hay lắm, rất hay, vào lòng người nhẹ như không.

Tôi mê Hữu Thỉnh vì khiếu ăn nói của anh, ăn nói nhiệt tình, dù nhiều lúc tôi cũng biết anh hay đãi bôi cho vui bạn, nhưng mà công việc bận bịu, ai mà chẳng đôi lần đãi bôi. Nhưng đãi bôi mà làm vui lòng người khác cũng tôt.

Hồi tôi mới biêt Hữu Thỉnh, mới ậm ọe mưu toan vào Hội nhà văn, tôi mang cuốn tiểu thuyết tặng Hữu Thỉnh để ít ra thì muốn vào Hội nhà văn, ông chủ tịch Hội cũng phải biết là thằng này nó viết được gì, nó viết văn hay làm thơ. Tôi tặng sách và rất hồi hộp. Ba tháng sau ra Hà Nội, gặp Hữu Thỉnh, chưa kịp chào anh- mà đáng ra tôi phải chào anh trước, thì Hữu Thỉnh bước nhanh tới, rạng rỡ, bắt tay, khen:- Vinh đấy à. Tốt. Viết thế rât tốt. Thơ của chú dạo này lên tay hẳn, mình đọc rất cảm động. Thế nhé, lên báo Văn Nghệ chơi với anh em, mình họp Quốc Hội đã nghe, nhất định là ngày mai gặp nhau em nhé.

Tôi cười nhìn anh đi, chân bủn rủn. Anh có nhầm không nhỉ? Tôi tặng anh tiểu thuyết sao anh lại khen thơ tôi ngày càng viết lên tay?

Nhắc lại chuyện này, dù Hữu Thỉnh đọc thấy cũng cười hơ hơ thôi, hoặc là:- Ôi giời, tớ bận qúa,. thỉnh thoảng cũng lẩn thẩn, đãng trí chú em ạ. Thông cảm nhé.

Chuyện này nữa, lại chỉ nghe kể, không biết đúng sai thế nào nhưng vui.

Năm đó, Trần Quang Đạo nhậu tới nhậu lui chuẩn bị dần việc ăn mừng vào Hội nhà văn nhưng hóa ra năm đó trượt, Đạo không đủ số phiếu để kết nạp Hội nhà văn. Đạo hẫng hụt. Sau một cuộc nhậu trên tinh thần tự ái cao độ, Đạo đến Hội nhà văn, thấy Hữu Thỉnh đứng trên hành lang, Đạo hét lên-:Loại như tao mà không vào được Hội nhà văn thì kết nạp thằng nào hả? Tao đéo vào Hội nhà văn nữa. Hội nhà văn là cái L...

...Hữu Thỉnh nghe thấy thế, không nói gì nhưng chắc là rất buồn,. Buồn chứ không giận. Hữu Thỉnh buồn vì Trần Quang Đạo không được kết nạp đợt này thôi chứ không phải buồn vì câu chửi tục của Đạo., Mấy thằng nhà văn chấp làm gì, uống say, ăn nói bạt mạng như vậy quen rồi. Tỉnh rượu lại hớn hở ôm nhau cười hơ hớ thôi mà.

Nhưng Hữu Thỉnh vẫn tâm sự với một người bạn văn:- Ông ạ. Hôm qua thằng Đạo nó say quá, nó đến đây, nó chửi Hội nhà văn là cái L. đấy. Kinh nhỉ?

Anh bạn văn cau mặt:- Em sẽ về mắng thằng này một trận. Không thể được.

Hữu Thỉnh gật gù:- Ông nhắc Đạo chút xíu nhé...Không nên..

Anh bạn văn hàm hồ:- Em sẽ chửi nó rằng, nó ngu lắm, nó muốn chửi Hội nhà văn mà lại đem so Hội nhà văn với cái L. là làm sang Hội nhà văn. Thằng này không thể chấp nhận được.

Hữu Thỉnh suýt đánh rơi cốc trà.

Năm sau Đạo là Hội viên Hội nhà văn. Gặp Trần Quang Đạo, nhắc lại chuyện cũ, Đạo há hốc mồm:-Thế à? Thế à? Hay nhỉ? Tại sao tao đéo nhớ nhỉ? Thế cơ à? Ghê nhỉ.

Hồi ức 12:

MỘT NGÀY 2 VÚ

Dượng tôi năm nay đã ngoài 70. Mỗi lần về thăm dượng, tôi nhìn thân xác dượng yếu ớt ngồi trên giường, nói cũng bé, thở cũng bé, thì tôi lại nhớ chuyện dượng tôi thời trai trẻ, thời chiến tranh.

Ngày ấy, dượng tôi béo tốt, khỏe mạnh không đẹp trai nhưng mồm miệng liến thoắng. Dượng là một trong vài ba cây tán gái nổi tiếng một thời ở thị trấn tôi.

Nghề của dượng trong chiến tranh là may mặc.

Chiếc bàn máy cũ, dượng đạp xoành xoạch suốt ngày,. Nhưng hãy quan sát mà xem, dượng may rất điệu. Đôi bàn chân trắng đạp vào máy rất nhịp, lại thêm bàn tay mủm mỉm, đưa, kéo tấm vải nhìn thích mắt. Dượng vừa may vừa nói, vừa cười, vừa liếc chị em.

Đói tượng dượng phục vụ nhiều nhất ngày ấy là các o thanh niên xung phong.

Vì thời bom đạn, dượng phải may dưới hầm.

Các o thành niên xung phong ở Trường Sơn có việc xuống đồng bằng, thể nào cũng ghé dượng. Khi thì may cái áo sơ mi, khi thì may chiếc quần lụa, nhưng đa phần là may áo ngực - hồi đó dân ở quê gọi là cúcsê.

Cúcsê hồi ấy được thiết kế như sau: Trong cùng là một lớp bìa các tông.. Bọc vào bìa các tông là vải bạt cứng, dày càng tốt. Những đường chỉ may rất dày. Cái cúcsê vút nhọn, như hình núm vú và cứng ngăn ngắc. Mang áo ngực này, ngồi sau xe đạp cho ai đó chở, chỉ cần đường xấu, xe nẩy, cô gái xát ngực vào lưng chàng trai vài lần có thể xây xát da lưng.

Nhiều cô mang cúcsê nhọn quá, ở mặt áo chỗ nhô lên hai đỉnh nhọn của cúc sê rách, các cô vá lại hai núm nhỏ, có cô nghịch ngợm, vá thành hình trái tim.

Tôi không giải thích được vì sao thời đó, áo ngực lại may thật cứng, thật nhọn như vậy. Chịu. Hỏi ai cũng cười,. Chịu. Nhưng ai cũng phải may áo ngực nhọn hoắt và cứng ngắc như thế.

Trở lại chuyện của dượng. Dượng may dưới hầm. Ai muốn may áo quần đều phải xuống hầm cho dượng đo.

Các o thanh niên xung phong xuống hầm cho dượng đo may áo ngực.

Dượng đo thế nào mà o nào cũng bủn rủn bồi hồi, cũng cứ nhảy đú lên ôm thít lấy dượng.

Sau này hỏi dượng chuyện ấy, dượng cười cười và nói bâng quơ:- Mỗi ngày tao chơi hai vú. Vài ba ngày làm được một nhát. Có khi tao sợ dì bắt được, không dám, nhưng mấy o ấy máu cực kỳ, có o còn gạ tao. Mấy o thanh niên xung phong cả năm ở trên rừng, khi được xuống tới đồng bằng, máu lắm. Nhưng tổng kết lại, đời tao, rứa là thỏa mãn.

Cũng sau này, tôi có hỏi một o TNXP đã từng may cúcsê trong hầm của dượng tôi có phải là chính các o ép dượng tôi không. O thanh niên xung phong già ấy cười hơ hơ:- Lão dượng mày dê bỏ mẹ. Nhưng mà mất chi. Lão vừa giả vờ đo đo vừa dùng mấy ngón tay dê của lão xoi xoi, đứa nào mà không nổi sướng lên chớ. Dượng mi bảo mỗi ngày hai vú a? Láo. Hai chục vú ấy. Thiệt.

Hồi ức 13

Gái Đồ Sơn một cặp ba chục

Khi tôi trở thành phóng viên báo Lao Động thì anh Nguyễn An Định ( tên bút danh là Chu Thượng chuyên giữ mục Sự kiện bình luận) đã là một nhà báo lừng lững, lừng lững với cả nghĩa bóng và nghĩa thực về thân xác.

Lần nào ra Hầ Nội tôi cũng ghé phòng nhỏ của ông ở 51 Hàng Bồ. Lần nào cũng thấy ông đang hý hoáy viết. Ổng ngẩng lên, nhướn đôi mắt sau chiếc kính trắng hỏi nhạt phèo:- Bọ đấy à. Ra lúc nào hả mày.

Rồi cũng những động tác được coi là rất nhạt phèo, ông gấp giấy tờ, nhìn tôi, lại những câu hỏi nhạt phèo và tiếng cười khùng khụng:- Đéo mẹ. Chú mày vào ra liên tục ấy nhỉ.

Nhưng sau đó, tiếng ông bỗng ấm áp hẳn lại:

-Này. Chú mày sướng nhỉ. Chơi gái miền cát chán lại ra chơi gái Hà Nội. Trông ấy, một nhát bao nhiêu ấy nhỉ? Phải rồi, tao nghe chúng nó kháo nhau, mày quảng bá rằng, trong quê mày, 500 ngàn làm được gái nửa làng. Hục Hục Hục..

Ông cười trong cổ họng.

-Rượu nhá.

Ông coi tôi như em, có khi như đồng nghiệp ngang bằng phải lứa. Có hôm ông hỏi:

--Mày thấy tao mần Sự kiện bình luận thế nào? Mỗi ngày một nhát trông được đấy chứ.nhẩy?

Tôi nói tỉnh queo:

-Cũng là hóng hớt thế sự.

Anh Chu Thượng phì một tiếng:

-Đéo mẹ. Báo nước mình thế thôi. Phục vụ tuyên truyền mà, nói theo ý mình răng được? Mà thằng Hoàn ( Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn) nhát bỏ mẹ. Đọc của tao xong, gọi :- Định ơi, hãm cái mồm mày xuống chút đi. Bài này in nguyên xi, ngày mai nó đâm tao thủng mặt.

Anh Định cười:-Cái thằng Hoàn mặt rỗ nhằng rỗ nhịt, lại còn sợ đâm cho rỗ thêm...Uống đi chú. Rượu này lão Duyệt ( Ông Phạm Thế Duyệt khi đó đang là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị) bạn rượu của tao, hôm qua cho đấy. Lão Duyệt này giỏi lắm, vụ nào khó gỡ, Trung ương cử lão đi, êm ả ngay. Như vụ nổi loạn ở Thái Bình, không có lão xuống, ăn cứt. Tao muốn viết chân dung về lão, một vị lãnh đạo cao cấp nhưng đến với dân rất ngọt, rất chân thành mày ạ. Hôm nào tao đưa mày đến nhà lão uống rượu.

Có bữa ông dẫn tôi về nhà, cho lên gác hai.Ông mang ra từng tập báo Lao Động dày cộp lưu trữ nhiều năm rồi,lần giở cho tôi xem những bài ông viết. Lần đầu tiên tôi ngồi với ông cả buổi để nghe ông khoe về nghề. "Mày thấy tao viết thế nào?". Tôi gật gù:" Bác là một cây bút lớn'. Ông nheo mắt nhìn tôi:"Mày học cái lối nói ấy từ bao giờ. Tao không thích."Tôi cười:" Trong những cái bác viết, em thích nhất là Tản mạn...". Ông đăm chiều:" Ừ..Tản mạn là viết cho mình mày ạ...".Ông hẹn tôi sẽ vào Quảng Bình chơi."Trong đó ăn cái gì là ngon hả mày?". Tôi khoe, nếu ông vào, tôi sẽ mời ông lên thuyền , đi ngược sông Son, nướng cá chình trên thuyền, nhậu. Ông hất mặt lên:"Chúng mày biết đéo gì món ăn. Miền Trung tao quý mày và thằng Trần Đăng. Nhưng cả hai thằng chúng mày lại đếch biết nhậu. Chán chết. Nhẩy?". Rồi cuối buổi chia tay, tôi xịu mặt với ông:"Anh chẳng khen bài em viết bao giờ...". Ông nhìn khói thuôc đang bay lòng vòng trong phòng, lẩm bẩm:"Viết cho mình chứ viết cho ai mà đòi người khác phải khen mới có hứng. Đừng cơ hội".

Một lần khác, tôi ra, anh Định kéo vào phòng, chốt cửa cẩn thận. Tôi chột dạ. Bỏ mẹ, Chắc là có đứa thối mồm nào trong cơ quan nói xấu tôi rồi.

Anh Định rót rượu, im lặng nhìn tôi:

-Mày năm nay bao nhiêu tuổi Vinh?

-Dạ em 45

-Tuổi này, hồi đó, tao đánh chết tươi tay Hải Bộ trưởng Bộ công nghiệp vì tham ô, sau đó tao lại đứng ra chỉ huy đánh tiếp vụ lão Ngô Xuân Lộc phó Thủ tướng, cứ là giãy đành đạch. Mày biết vụ đó chứ, nhẩy.

-Dạ biết chứ.

-Bây giờ chúng mày hèn bỏ mẹ. Thằng nào cũng hèn. Điều tra đéo gì toàn mấy vụ lẻ tẻ. Phóng viên đéo gì gặp mấy lão chức to tham nhũng lại thưa anh là sao. Phải đập bàn với chúng nó, trợn mắt trợn mũi với chúng nó. Sợ đéo gì. Nó sai, phải vạch mặt. Cùng lắm nó trù mình, nó cho mình rời cơ quan thì mình cứ viết, ngon. Chúng nó rời khỏi ghế, làm được đéo gì mà sống.

Tôi ngờ ngợ hôm nay anh Định có vẻ nói hơi hơi bất mãn. Anh hạ giọng:

-Tao sắp chết. Thằng Tôn Thất Bách nói tao sống khoảng 2 năm nữa. Ung thư rồi mày ạ. Buồn nhỉ.

Tôi thấy miệng đắng chát. Giọng tôi run bắn:

-Không cách gì chữa được sao anh. Rồi chết à?

-Đéo mẹ. Thằng này hỏi ngu thế. Ung thư thì chữa thế chó nào được.

Im lặng.

Rồi anh bật lên một tiếng:

-Buồn nhỉ.

Một năm sau.

Tôi đang lặn lội giữa vùng lũ quét huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh thì nghe anh gọi điện thoại:

-Bọ đấy à. Mày viết gì viết kinh thế. Vào vùng lũ, ngày nào cũng có bài, kinh nhỉ? Xong việc chưa. Ngày mai sinh nhật tao 60. Đéo gì đâu, chẳng qua anh em thấy tao sắp chết nên quyết định tổ chức sinh nhật cũng là chia tay tao về hưu. Mày ra được không?

Tôi như chực khóc:

-Em ra...

-Tao ăn chơi cả đời, món nào cũng xơi, nhưng vẫn chưa nghe con lợn rừng khi chọc tiết nó kêu thế nào mày ạ...Một bát tiết canh lợn rừng cũng hay, nhỉ.

-Em sẽ xách lợn rừng còn sống ra.

-Đéo mẹ. Nói thế thôi, đem cả con lợn rừng ra thì cực lắm mày ạ.

Tôi nhảy xe đò vào Đồng Hới. Mua vé tàu xong, tôi tìm đến quán thịt rừng. May quá, vẫn còn một con lợn rừng chừng 20 kg nhốt trong chuồng. Tôi mua, cho vào bao tải, lên xe ôm đến ga.

Tàu SE đến.

Tôi xách cái bao đựng con lợn lên tàu. Từ khi bắt lợn đến khi ra sân ga, con lợn ngủ im. Nhưng chẳng hiểu sao, khi bước vào dãy toa sáng boong, con lợn bắt đầu kêu rú lên. Tôi hoảng hốt và ngượng. Thôi kệ. Nhưng sau đó nhân viên lái tàu kéo cổ tôi xuống, cùng với câu chửi:

-Địt mẹ mày... Tàu du lịch chứ có phải tàu chợ đâu mà mày xách cả lợn lên hả.

Tôi nhẹ nhàng:

-Anh ạ. Anh thông cảm. Em sẽ đưa xuống toa ăn cũng được. Anh thông cảm cho em.

-Thông cảm con cặc.

-Anh ạ. Em là Nguyễn Quang Vinh.

-Vinh Vinh con cặc. Biến

-Dạ. Em là phóng viên báo Lao Động.

Nhân viên sững lại nhìn tôi rồi nhảy vào toa ngay. Chưa đến một phút, trưởng tàu xuống. Tôi nói luôn:

-Thưa anh. Tôi quá biết tàu du lịch không thể đưa lợn lên được. Nhưng anh có biết tác giả Chu Thượng ở mục Sự kiện bình luận không?

-Biết. Thằng này trẻ mà. Em nó năm nay bao nhiêu tuổi ấy nhỉ? Em mày à?

-Dạ không. Bác Chu Thương năm nay 60.

-Úi giời

-Bác ấy bị ung thư. Ngày mai là ngày sinh nhật cuối cùng của bác ấy, tròn 60...Bác ấy rất muốn được nhìn thấy con lợn rừng bị chọc tiết. Em là phóng viện lớp sau, em thương bác ấy, em đề nghị...

Trưởng tàu nói to với nhân viên:

-Mang con lợn này xuống toa ăn. Quà cho bác Chu Thượng thì con voi cũng chở. Chúng mày không biết Chu Thương à.

Một nhân viên láu táu:

-Dạ biết. Bác ấy chuyên làm thơ châm biếm phải không ạ.

Thoát. Con lợn nằm trong bếp tàu du lịch. Còn tôi thì lẻn ngay vào toa lét tàu, cởi bộ áo quần đang mang trong người vì con lợn đái ướt từ thân người xuống chân, hôi òm.

Hôm sau, anh Định đã nghe tiếng lợn rừng kêu khi bị chọc tiết, đã ăn bát tiết canh lợn rừng nóng hổi cùng anh em trong cơ quan.

Anh Định nheo nheo mắt nhìn tôi, lại đưa cho tôi điếu xì gà:

-Đéo mẹ, thằng Bọ này, ngu thế, lại mang cả lợn rừng ra cho tao...

Anh nói vậy nhưng ánh mắt anh vui đáo để.

Bữa nhậu đó chúng tôi ăn nhậu với anh Định, hát hò với anh Định, rồi ôm anh Định khóc như mưa. Tôi lại nghe tiếng anh Định chửi:

-Đéo mẹ chúng mày, khóc chó gì khóc lắm thế...Sinh-nhật-tao-cơ-mà ...

Nhưng lần này thì tiếng anh nghẹn lại.

Anh Định về hưu nhưng hàng ngày vẫn đến tòa soạn tiếp tục chuyên mục Sự kiện bình luận. Anh giữ chuyên mục này cho đến ngày ra đi mãi mãi.

Trước ngày anh mất khoảng một tháng, tôi ra.

Anh nhìn tôi cười khù khụ. Tôi thì thấy buồn vì trông anh hốc hác vô cùng.

-Tao vừa đi nghỉ Đồ Sơn lên mày ạ. Gái dưới đó nhiều lắm. Sắp chết rồi, đéo làm gì được nhưng vẫn hỏi giá. Hóa ra rất rẻ. Chúng mày nói thế nào, làm đéo gì có chuyện một nhát trăm này trăm nọ. Tao vừa khoe với thằng Chính Béo ( tức Nguyễn Đức Chính- Bút danh Lý Sinh Sự- Phó tổng biên tập Lao Động), tao bảo thằng Chính Béo khi nào xuống Đồ Sơn thì cứ mạnh dạn chơi gái, rẻ lắm, gái dưới đó một cặp có ba chục mày ạ.

Rồi anh cười khùng khục.

Đó là tiếng cười cuối cùng tôi nghe thấy ở anh.

Tháng sau anh đi. Tôi không kịp ra với anh.

Mỗi lần nhớ anh tôi lại tự nói với mình:-Phải viết đến lúc chết như anh Định.

Nhưng lại nghe anh nói bên tai:

-Chết thế đéo nào được, chúng mày hèn lắm.

Hồi ức 14: RỨA ĐÓ ANH CHIẾN Ạ

Rứa là xong một phiên tòa. Anh thì cực khổ vì bị điều tra thẩm vấn. Ngủ ngáy, ăn uống cực. Tâm cực. Tuổi cực. Bọn em thì tốn không biết bao nhiêu trà thuốc bàn bạc, phỏng đoán, hy vọng...

Rứa là xong đi một phiên tòa. Thằng Hải đang ở cùng anh em bạn bè, thoắt cái, nhảy tót sang bên lề. Thôi kệ nó anh nhé.

Anh phải phê bình bà xã. Tù tội nhiều cách. Tù như anh coi như tù vinh, không nhục. Em không thích chị khóc to thế, bật ngửa người ra như thế. Anh phải phê bình nghiêm khắc.

Em cũng bị bắt tạm giam 10 tháng. Cuối cùng người ta trao cho anh Lập quyết định thưởng cho em 10 triệu vì có công ( thời giá năm 1991), nhưng người ta vẫn xử 10 tháng, bằng thời gian bắt giam. Về. Về, gặp lão Dương Kỳ Anh. Lão hỏi:- Vinh sắp đi Châu Âu công tác à?-Vâng-Nghe nói mày có 10 tháng tạm giam hay lắm, viết mẹ nó cho tao dài kỳ được không? Tao in Tiền phong chủ nhật.

Em viết 10 kỳ, mỗi kỳ 1 trang với tên bài: "300 ngày khác". Em còn nhớ Sapo bài viết báo Tiền Phong chạy thế này: Khán giả và độc giả cả nước đã quá quen với tên nhà văn nguyễn Quang Vinh qua tiểu thuyết, truyện ngắn , kịch bản sân khấu, tác phẩm điện ảnh. Nhưng hôm nay Tiền Phong muốn giới thiệu với độc giả về 300 ngày khác của Nguyễn Quang Vinh, 300 ngày không bình thường, 300 ngày anh mất quyền công dân...

Rứa đó anh Chiến ạ.

10 kỳ báo Tiền Phong ra, những đồng chí cảnh sát điều tra yêu quý rất hồi hộp, săm soi từng chữ, từng kỳ, xem cha Vinh có chửi mình không? Có chửi cảnh sát điều tra làm oan hắn không? Tuyệt nhiên không. Em chửi nhiều nhưng chỉ chửi em thôi. Viên trung tá phụ trách phòng điều tra gặp em nói:" Vinh chẳng viết một chữ nào chửi bọn anh nhưng mà bọn anh đọc xong 10 kỳ báo, đau thật, xấu hổ nữa. Là cũng vì phải làm theo lệnh trên thôi em ạ...".

Rứa đó anh Chiến ạ.

Sau này về, gặp bà Chánh án, bà ấy bảo:" Tòa xử Vinh có tội cũng được, không có tội cũng được, có chi mô". Em nghẹn đắng, muốn uống hết một thùng rượu để gào lên giữa quê hương yêu dấu: Pháp luật ơi, pháp luật là chi mà nói có tội cũng được, không có tội cũng được. Nhưng rồi em cũng không say, không chửi bậy, không chán đời, không bất mãn. Lại lao vào viết say sưa thôi. Không viết lấy chi để sống anh?

Rứa đó anh Chiến ạ.

Em ngờ ngợ là người ta xử anh tạm giam vì thái độ cương trực, mạnh mẽ của anh. Ô hay. Nếu đúng như dư luận đoán định, thì hóa ra đến khi xử, chương hồi, điều khoản luật lệ đi đâu, lại theo dõi thái độ của bị cáo để xử nặng nhẹ a? Ngoan ngoãn nhận tội bừa như Hải thì tha. Còn mạnh mẽ đấu tranh như anh Chiến thì giam a? Nhưng đâu phải mỗi vụ anh người ta xử như vậy. Tại Quảng Bình, có tay thẩm phán chuyên xử các vụ án trọng điểm, vụ nào lão cũng xử án treo và vô tội hết. Cảnh sát điều tra, viện kiểm sát tức lộn ruột mà chẳng biết làm sao.

Rứa đó anh Chiến ạ.

Em ngồi 10 tháng trong phòng giam lạnh, có mấy mét vuông. Ngày nào em cũng ngồi sau cửa song sắt, nhìn ra. Em từng theo dõi một con gà con, lớn dần, lớn dần thành con gà mẹ, rồi gặp chú gà trống, nhảy nhót làm tình với nhau, rồi con gà mẹ ấy đẻ trứng, ấp nở ra con, con lại lớn lên thành gà mẹ...

Em cũng đã nhìn thấy một con gà mẹ, là gà nuôi của cảnh sát bảo vệ trại giam, khi nó đẻ trứng, nó bay vút qua hàng rào. Nó đẻ bên ngoài hàng rào trại giam, rồi ấp con nở ngay bên ngoài trại giam. Khi con lớn, nó dắt con đi mất hút không đưa con vào trại giam nữa.

Rứa đó anh Chiến ạ.

Anh ạ. Anh chú ý phải cố gắng uống nhiều trà anh nhé. Trong phòng tù, uống trà nhiều sẽ không bị phù thủng, không bị táo bón. Nói chị đưa vào cho tệp giấy, mấy cái bút chì ( họ chỉ cho viết bút chì thôi), lúc rảnh rang làm thơ anh ạ. Bây giờ anh đã là bị can rồi, anh phải lao động cải tạo. Người ta dạy, phải cho phạm nhân lao động cải tạo để hiểu thế nào là giá trị lao động...v...v Nhưng ở quê, mấy thằng bạn em có con ăn cắp vặt vào tù. Ra tù, chúng nó thành ăn cắp chuyên nghiệp. Anh đã có tuổi, chắc người ta sẽ bố trí cho anh làm công việc nhẹ thôi. Anh nên cố làm. Trước tòa, anh dũng mảnh, em kính trọng, nhưng khi đã có án, anh chịu khó chút anh nhé, chịu khó chút để nhanh về. Em đoán, tết này anh tự do thôi. Nhưng chỉ cần một thằng thối mồm làm anh vạ lây, nếu anh nhỡ nói một câu không thuộc quy định của phạm nhân, nhỡ ông cấp trên nào đó ghé qua Trại giam, rỉ tai ông giám thị trại, là anh cũng chẳng được về trước hạn.

Rứa đó anh Chiến ạ.

Rồi khi anh tự do, nếu anh vào thăm trại nơi anh đã chịu khổ đau, anh lại gặp cảnh các giám thị đón anh tưng bừng, bia rượu từng bừng hả hê. Như em vậy. Có lần em vào thăm cái phòng giam số 9 của em, Cả trại đón tiếp tưng bừng, Phạm nhân vui mừng gặp lại em mà các đồng chí công an giám thị đều vui mừng. Uống bía, hả hê. Ông giám thị khoe:- Vinh tưởng mỗi tuần bên ngoài gửi vào cho Vinh 1 kg chè móc câu là người nhà Vinh đấy à?. Không có đâu. Của tớ đấy. Vợ tớ nói, thằng Vinh nhà văn bị giam, chẳng biết tội tình thế nào nhưng thằng này nghiện chè nặng, anh giúp cho nó mỗi tuần một cân, tạo điều kiện cho nó pha chè uống. Tội. Rồi ông cười. Lại có mấy anh em vỗ vai:- Này. Anh Vinh biết không. Đọc hồ sơ của anh là bọn em biết ngay anh không có tội. Nhưng mà chẳng qua mấy cha làm theo ý trên.

Rứa đó anh Chiến ạ.

Em thương anh vì anh chính là người đã không thể nói ra điều mà người khác ép mình phải nói- ý câu cụ Huỳnh.

Em mong, đến ngày anh tự do, cánh nhà báo bọn em, xe máy,ô tô, kéo rồng kéo rắn lên trại giam đón anh về. Rồi hàng mấy trăm nhà báo chúng mình tấp vào quán bia hơi thật lớn, uống với nhau một ngày cho đã. Chắc là làm được. Bữa bia đó nên mời thằng Hải.

Mời để cậu ấy biết rằng, ngồi trong đội hình dễ lắm mà cũng khó lắm. Dù chúng ta có khi chỉ như thân cỏ thôi, nhưng cả một rừng cỏ bên nhau xanh ngắt và ấm êm vẫn tràn trề hạnh phúc.

Em nghĩ rứa đó anh Chiến ạ.

Hồi ức 15; NGÀY GIỖ BA

Mỗi lần về, tôi lại ngồi bên Ba, trên cát....

19 âm tháng 9 là ngày giỗ ba tôi. Tròn 20 năm. Năm nào đi đâu tôi cũng về, mang bộ ấm chè pha sẵn, chiếc chiếu, lên mộ ba, nằm ngửa bên ấm chè, trên nền mộ, nói chuyện với ba. Tôi kể với ba tôi không sót chuyện gì: công việc, gia đình, bạn bè, cả chuyện tán gái. Chuyện nào ba tôi cũng ưng nghe, như ngày ba tôi còn sống...

Năm nay kẹt việc ở Sài Gòn không ra được. Buồn.

Ba tôi là một đảng viên.

Một đêm, chừng 3 giờ sáng, tôi nghe có tiếng khóc ngoài vườn. Chạy ra, thấy ba đang ngồi dưới gốc ổi, khóc thút thít, đôi vai gầy rung lên dưới ánh trăng.

-Chuyện chi ba khóc? -Tôi hỏi.

Ba tôi kéo tay tôi lại bên, nói trong tiếng nức nở:

-Nhà mình thành chi bộ rồi con ạ.

Tôi ngơ ngác.

-Anh Lập con vào đảng rồi. Rứa là nhà mình thành chi bộ. Còn con nữa, Vinh ạ...

Tôi đưa ba vào nhà.

Mấy ngày sau anh Lập về. Ba tôi ríu rít, cười nói phấn khởi lắm. Tối, uống trà với nhau, ba tôi vẫn hoan hỉ việc anh Lập vào đảng.

Anh Lập cười khẹc khẹc ( kiểu cười trong Blog bây giờ):

-Vô đảng khó chi ba. Là do thằng cha Văn Lợi ( Lúc đó anh Lập công tác ở phòng xuất bản Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, nhà thơ Văn Lợi làm trưởng phòng) cứ xúi con. Anh ấy nói:" Lập ơi, mi thương tau với, cứu tau với. Mi không giúp tau thì thành tích cả phòng năm nay vứt. Lấy cứt ra tiền thưởng".

Hóa ra Văn lợi hăng hái đăng ký với Đảng bộ cơ quan chỉ tiêu kết nạp đảng trong năm ở phòng xuất bản là 1. Gần cuối năm, bế tắc quá, túm lấy Lập." Nhé. Em nhé. Vào Đảng cho anh nhé...". Bình thường, mỗi lần bình xét thi đua, anh Lập lúc nào cũng bét: đi chậm, về sớm, ăn nói vô tổ chức, hay làm thơ tình, thường xuyên say...Nhưng năm nay, vì thành tích cả phòng,vì tiền thưởng cuối năm, vì chỉ tiêu kết nạp đảng phòng đã đăng ký, tất cả ồn ào tán thành Lập vào đảng. Có người trong cơ quan biết vậy kêu lên:- Thế là quần chúng trong cơ quan sẽ bình yên vì không có Lập nữa.

Ba tôi nghe Lập nói, vẫn cười:- Con vô đảng ba mừng lắm...Trong nhà này, ba sợ nhất là mi với thằng Vinh. Nhà văn cả. Nhưng ăn nói cứ như phản động...Bây chừ con vô đảng, ba yên tâm.

Ba không biết, anh Lập giờ uống vô, ăn nói còn siêu hơn lũ phản động. Thế hệ như ba tôi nghe kiểu nói của tôi và Lập đều giật thót, cho như vậy là phản động. Nhưng vì chúng tôi nói thật thôi. Sau này anh Lập lý luận:" Cứ nói thật thì họ cho rằng mình phản động". Lũ phản động vì nó phản dộng nên nói câu gì có vẻ căng căng ngược ngạo là nói dấu diếm như mèo dấu cứt. Còn mình, mình không phản động nên mình nói phơi phơi. Rứa thôi.

Ba gọi anh Lập trìu mến:- Chúc mừng đồng chí Lập

Tôi cự nự:- Thế con không được gọi là đồng chí à?

Anh Lập nheo mắt:- Mi ngoài đảng, gọi là thằng Vinh

Nhà tôi suốt cuộc chiến tranh, bị bom cháy nhà 7 lần. Tài sản duy nhất còn lại tôi nhớ là một cái chum nước. Cái chum nước bị bom đánh vỡ tới cả trăm mảnh. Ba tôi xin xi măng, tẩn mẩn hai ngày ghép lại, hàn lại, vẫn đựng nước được.

Sau hòa bình, các anh chị trong nhà đi xa hết. Anh Lập học đại học ở Hà Nội,. Nhà còn mỗi tôi và ba mạ. Hết chiến tranh, theo phong trào, cả thị trấn làm nhà, thì nhà tôi cũng thế. Tiền không có, tôi đi đào đá, ngày ngày gánh về chất đống. Cả tháng trời như vậy đã tha về được mấy chục khối đá. Số đá chắc, to dùng làm móng. Số đá nhỏ hơn tôi dùng búa đập nhỏ, đúc táplô. Rồi ba tôi vô Sài Gòn, bà dì cho được 1000 đồng ( thời giá năm 1977). Đá móng, táp lô, cộng với số tiền dì cho, thế là đủ xây một căn nhà ngói ba gian.

Ngày đang làm nhà tôi đã đi bộ đội hải quân lục chiến, ở đại đội trinh sát đóng quân ở Căm Pu Chia. Tôi nhận được thư của ba:" Con ơi, nhờ ơn Đảng và Nhà nước, gia đình mình có nhà ngói ở rồi". Tôi nghĩ lại mấy tháng trời còng lưng gánh đá xây nhà, nhìn vào thư ba, ứa nước mắt.

Đêm đó đơn vị hành quân nghỉ lại giữa rừng. Đói, Mưa ướt lạnh. Không ngủ được. Ngồi ôm cái ba lô trong mưa, trong bóng đêm, trong đói, thấy tủi cực. Nhớ nhà lắm thôi. Lại nhìn thấy cảnh ba lom khom vun cây ổi, nhặt cái lá rơi. Lại nhớ ngày mới chuyển từ nơi sơ tán về, cái mảnh đất ba nhận để làm nhà này là ao ruộng. Tôi và anh Lập gánh đất từ ngoài đồng về để đắp nền nhà. Trưa nắng chang chang, hai anh em gánh đất vào còn ba thì ngồi xổm, quần cộc lồi ra hai bắp đùi gầy tóp, nổi đầy gân xanh. Ba ngồi trước đống đất, đưa từng cục đất lên trên tay và dùng cái dùi cui đập nhỏ ra. Thỉnh thoảng, ba tôi lại kêu lên:- Bom bi này. Trong những cục đất chúng tôi gánh vào, có cả những quả bom bi thời chiến tranh sót lại. Nước mắt tôi chảy ra trên ba lô, lẫn vào cả nước mưa. Định tâm sự với thằng bạn cùng tiểu đội nhưng liếc sang bên cạnh, thấy thằng Bê dùng đèn pin hí húi viết thư cho người yêu. Tôi quờ tay lấy lá thư của nó xem:" Em thương yêu. Giờ này em đã ngủ chưa. Anh nhớ em lắm. Em biết không, giờ này anh và đồng đội đang trên con tàu tuần tiễu rẽ sóng ra khơi...". Tôi xé toạc lá thư:" Rẽ sóng cục cứt. Nói láo vừa thôi..". Thằng Bê không giận, lại cười:- Viết thế cho cô em ở nhà tự hào. Mình là lính Hải Quân, trong thư phải viết là rẽ sóng chứ..."

Một hôm, tôi thấy cả buổi chiều ba tôi đi ra đi vô, quét dọn nhà, rửa ấm chén. Tôi chưa kịp hỏi, ba tôi đã nói giọng nghiêm trang:

- Tối nay đồng chí bí thư chi bộ xóm đến nhà chơi.

Tôi im lặng.

Trước ngày ba tôi mất, ba tôi nói với mạ tôi:- Tui còn ăn nợ ở quán cháo mệ Mạnh gần 500 đồng. Mệ trả cho tui nghe.

Mạ tôi cười:- Thì khi mô nhận lương hưu, ông trả.

Ba tôi im lặng.

Sáng hôm sau, như thói quen mỗi khi tôi về nhà, ba tôi đun nước, pha trà, thức tôi dậy cùng uống trà.

Ba tôi hỏi có viết vở kịch nào mới không.

Tôi đọc cảnh 1 của kịch bản " Của hồi môn" kể về chuyện nhà nọ, khi bố mẹ mất, mấy anh em nghi ngờ hình như bố mẹ còn cất giữ một tài sản lớn, không kịp chia cho các con. Người giành xé nhau, đào bới cả khu vườn. Hóa ra, của hồi môn là có thật, nhưng đó là một cái hộp thiếc,. đựng cuống rốn của mấy anh em...

Ba tôi gật gù. Rồi ba kêu muốn đi toalet.

Ba bước ra vườn. Mấy phút tôi chột dạ chay ra theo thì thấy ba tôi đang ngả quỵ xuống. Người ta gọi đó là dấu hiệu " hạ thổ".

Chiều hôm đó ( 19.9 âm lịch) ba tôi mất.