Lấy gốc phôi trên máy tiện CNC

Lấy gốc phôi trên máy tiện CNC là bước thiết lập hệ thống tọa độ cho chương trình gia công, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo độ chính xác và hiệu quả cho toàn bộ quá trình. Tuy nhiên, với những người mới sử dụng máy tiện CNC, việc lấy gốc phôi có thể gặp nhiều khó khăn. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách lấy gốc phôi trên máy tiện CNC đơn giản và dễ thực hiện nhất, giúp bạn tự tin hơn trong quá trình vận hành máy móc và gia công sản phẩm.

Hệ trục tọa độ và các quy ước trên máy tiện CNC

Trước khi khám phá cách lấy gốc phôi trên máy tiện CNC, bạn hãy tìm hiểu hệ trục tọa độ và các quy ước trên máy đã nhé! Với máy tiện CNC, các trục tọa độ cho phép xác định chiều chuyển động của cơ cấu máy và dụng cụ cắt. Chiều dương của các trục X, Y và Z được xác định dựa theo quy tắc bàn tay phải. Cụ thể, ngón tay cái chỉ chiều dương của trục X, ngón tay giữa sẽ chỉ chiều dương của trục Z và ngón tay trỏ chỉ chiều dương của trục Y.

Trục Z song song với trục chính của máy tiện CNC và có chiều dương, tính từ mâm cặp đến dụng cụ hoặc chiều dương của trục Z (+Z), luôn chạy ra khỏi bề mặt gia công và chiều âm là chiều ăn sâu vào vật liệu.

Trục X vuông góc với trục máy tiện CNC và có chiều dương hướng về đài dao (hay còn gọi phía dụng cụ cắt). Vì thế, nếu đài dao ở phía trước trục chính thì chiều dương của trục X sẽ hướng vào người điều khiển. Còn đài dao ở phía sau trục chính thì chiều dương sẽ đi xa khỏi người điều khiển.

Các điểm gốc của phôi – các điểm chuẩn của máy tiện CNC

Các điểm chuẩn phải được xác định chính xác trong vùng làm việc của máy tiện CNC.

Điểm gốc của máy M

Điểm gốc tọa độ của máy M chính là điểm cố định do nhà sản xuất sáng lập ngay từ khi thiết kế máy. Nó là điểm chuẩn để xác định các vị trí của điểm khác như gốc tọa độ của chi tiết W. Điểm M thường được lựa chọn là điểm giao của trục Z với mặt phẳng đầu trục chính.

Điểm gốc của phôi W

Trước khi lập trình cần chọn điểm gốc của phôi W. Để xuất phát từ điểm gốc này mà xác định vị trí của các điểm gốc trên đường bao của chi tiết. Nhưng cần xác định sao cho kích thước trên bản vẽ gia công đồng thời chính là các giá trị tọa độ.

Điểm W của phôi có thể được chọn từ lập trình viên trong phạm vi không gian làm việc của máy tiện CNC và của chi tiết gia công. Sử dụng nhóm lệnh từ G54 – G59 và thay đổi điểm W trong quá trình viết chương trình.

G54 X0 Z330

G55 X0 Z240

G56 X0 Z150

G58 Z-90

G59 Z-180

Điểm gốc của chương trình P

Điểm gốc của chương trình P là điểm mà dụng cụ cắt ở sẽ ở đó có 1 khoảng cách an toàn so với điểm W trước khi bắt đầu thực hiện gia công. Nên chọn điểm P sao cho chi tiết gia công hoặc dụng cụ cắt có thể gá lắp hay thay đổi dễ dàng. Điểm này được khai báo ngay đầu chương trình.

Điểm chuẩn của máy R

Trong hệ thống máy tiện CNC, giá trị đo thực sẽ mất đi khi có sự cố mất điện. Nếu gặp trường hợp này, để đưa hệ thống đo trở lại trạng thái ban đầu thì cần đưa dụng cụ cắt đến điểm R. Điểm chuẩn R có 1 khoảng cách so với điểm gốc của máy.

Để giám sát và điều chỉnh kịp thời quỹ đạo chuyển động của dụng cụ thì cần phải bố trí 1 hệ thống đo lường nhằm xác định quãng đường thực tế so với tọa độ lập trình. Trên máy tiện CNC, người ta đặt các mốc để theo dõi các tọa độ thực của dụng cụ trong quá trình dịch chuyển. Vị trí của dụng cụ luôn được so sánh với gốc đo lường của máy M.

Khi đóng mạch điều khiển của máy tiện CNC thì tất cả các trục phải được chạy về 1 điểm chuẩn mà khi đó giá trị tọa độ của nó so với điểm gốc M phải luôn không đổi và do các nhà chế tạo quy định. Điểm đó chính là điểm chuẩn của máy R.

Vị trí của điểm chuẩn này được tính toán chính xác từ trước bởi 1 cữ chặn lắp trên bàn trượt và các công tắc giới hạn hành trình. Do độ chính xác vị trí của các máy tiện CNC rất cao nên khi dịch chuyển trở về điểm chuẩn của các trục thì ban đầu nó chạy nhanh đến khi gần đến vị trí thì chuyển sang chế độ chạy chậm để định vị 1 cách chính xác.

Điểm thay dụng cụ cắt N

Điểm thay dụng cụ cắt N chính là điểm mà dụng cụ cắt ở đó trước khi thay đổi dụng cụ cắt khác nhằm tránh va chạm chúng vào chi tiết.

Điểm điều chỉnh dụng cụ cắt E

Khi sử dụng nhiều dụng cụ cắt, thì kích thước của chúng phải được xác định trên thiết bị điều chỉnh để có được thông tin đưa vào hệ thống điều khiển. Điều này nhằm điều chỉnh tự động kích thước của dụng cụ cắt.

Cách gá phôi trên máy tiện CNC

Trong gia công máy tiện CNC, hầu hết phôi đều được lắp trên mâm cặp 3 chấu thủy lực tự định tâm. Trong khi gá phôi lên mâm cặp cần chú ý đến độ đảo của phôi khi quay. Nếu phôi quá đảo thì nên cân chỉnh phôi lại. Và phải chú ý đến áp lực kẹp của mâm cặp xem có hợp lý với vật liệu chi tiết hay không. Trường hợp xảy ra biến dạng trong quá trình kẹp thì phải hiệu chỉnh lại.