Theo lệ thuờng, mỗi năm khi chuẩn bị viết bài cho các báo xuân, thì năm mới Âm lịch có con thú biểu trưng nào, thì các tác giả viết bài nói về con thú biểu trưng cho năm đó.


Năm 2022, năm Nhâm Dần, con thú biểu trưng là con Hổ hay con Cọp.


Trong tiếng Việt và trong Văn Học Việt Nam, có khá nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao, ... và nhiều văn thơ, truyện kể về con hổ.



1- Từ ngữ đồng nghĩa


Có nhiều từ ngữ đồng nghĩa chỉ con cọp:



- cọp: là tiếng Nôm, hình như được dùng ở miền Nam

- hổ : tiếng Hán Việt, được dùng ở miền Bắc, người miền Nam ít dùng

- hùm

- kễnh, hay ông Kễnh

- con khái

- ông Ba Mươi

- ông Thầy

- ông vằn

- chúa sơn lâm, chúa tể sơn lâm

- vua núi rừng

- sơn quân



Hình như hai từ ngữ ông Kễnh và ông Ba Mươi chỉ được dùng ở miền Nam.


Sở dĩ người ta gọi là “ông” có lẽ vì cử (kiêng) không dám kêu là “cọp”, sợ “ông” giận về bắt ăn thịt. Hình như khi viết trong sách báo thì các chữ “Kễnh”, “Ba Mươi” đều viết hoa, có ý kiêng dè, kính nể.



- Cũng có khi nghe kêu là “ông cọp”, “ông hùm”.


Vì hổ có sức mạnh và được coi là chúa tể sơn lâm, nên từ ngữ “hổ” thường được dùng để chỉ sức mạnh và sự oai dũng.


Thí dụ:


- hổ bảng 虎榜: Bảng kết quả tên của những vị đậu tiến sĩ ngày xưa

– “bảng hổ đề danh”

- hổ bộ 虎步: bước đi như cọp, chỉ sư oai nghi, uy vũ

- hổ bôn 虎賁: người dũng sĩ

- hổ cứ 虎踞: cọp ngồi, nghĩa bóng nói về một địa thế hiểm yếu

- hổ đầu 虎頭: đầu cọp, nghĩa bóng nói tướng mạo tốt

- hổ phù 虎符: phù hiệu, ấn tín trong quân đội

- hổ tướng 虎將: tướng quân, ví vị tướng quân mạnh như cọp

- hổ trướng 虎帳: trướng hổ, có vẽ hình con hổ, là chỗ quan võ, chỗ Nguyên

Soái đóng quân



2- Thành ngữ, tục ngữ


Người viết chỉ xin chép ra đây (không xếp theo thứ tự ABC) để tham khảo chứ không chú giải ý nghĩa và việc áp dụng những thành ngữ, tục ngữ trong những tình huống nào.


1- Dữ như cọp / Dữ như hùm / Dữ như cọp cái

Dữ như cọp, hỗn như gấu

2- Hùm mất thịt

3- Vuốt râu hùm

4- Xỉa răng cọp

5- Cọp thấy rừng

6- Sức hổ mưu hồ

7- Thở như cọp rống

8- Bán hổ mua hùm

9- Cọp ăn bù mắt / Cọp nhai bọ mắt

10- Cọp nhai đậu phộng

11- Như hổ thêm cánh / Vẽ hùm thêm cánh = Chắp cánh cho cọp

(Vị hổ phó dực 爲虎付翼)

12- Vẽ cọp giống chó – Họa hổ bất thành, phân loại cẩu dã

13- Cưỡi trên lưng cọp / Ngồi trên lưng hổ

(Kỵ hổ nan hạ 騎虎難下: cưỡi trên lưng hổ rồi thì khó mà xuống)

14- Cáo đội lớp cọp / Cáo mượn oai hùm

15- Cọp tha ma bắt = Quỷ tha ma bắt

16- Rừng nào cọp nấy

17- Thả hổ về rừng

18- Cô mèo cháu cọp

19- Cha rồng con cọp

20- Hổ già cao mưu

21- Oai như hổ giấy

22- Như cọp sổ chuồng

23- Miệng hùm gan sứa

24- Làm hùm làm hổ

25- Miệng hùm nọc rắn

26- Hổ lui lang tới

27- Tay long tay hổ

28- Vai hùm lưng gấu

29- Ăn như hổ đói

30- Tránh hùm mắc hổ = Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

31- Tránh ông cả, ngã phải ông Ba Mươi

32- Khóc như cọp mếu

33- Hổ cậy gần rừng

34- Cọp ăn có nòi

35- Chuột đất theo cọp vàng

36- Thấy hổ khổ ba năm (Kiến hổ khổ tam niên)

37- Ăn như hùm hổ đố

38- Đâm đầu vào hang hổ

39- Lùa dê vào miệng cọp

40- Hùm thiêng mắc bẫy mọi

41- Nghé non không sợ cọp

42- Hươu trùm lớp cọp

43- Hang hùm ai dám mó tay

44- Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận

45- Ma Vạn Hộ, cọp Đồng Giao

46- Cọp ngủ, lắm kẻ cầm dao

47- Sợ cọp sợ cả phân cọp

48- Ky cóp cho cọp nó xơi

49- Yếu như sên, mạnh như hổ

50- Được đầu voi, đòi đầu cọp

51- Chọc chi lang sói hùm beo

52- Răng khểnh ông kễnh phải gờm

53- Dựa hơi hùm, vểnh râu cáo

54- Cọp lẻ khôn cự cáo bầy (Mãnh hổ nan địch quần hồ)

55- Hổ dữ còn cữ thịt nhau

56- Quân vô tướng như hổ vô đầu

57- Mượn hơi hùm rung cây nhát khỉ

58- Lon ton như hùm con xuống núi

59- Nhảy như hổ gặp ổ kiến càng

60- Hổ nằm trong cũi vẫn còn oai

61- Gió đưa hơi cọp khiếp oai chồn

62- Hổ tịnh gốc đa, thần tọa hầm đá

63- Hổ sợ nhổ lông, rồng sợ bứt vảy

64- Vẽ hổ không thành mang họa vào thân

65- Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê

66- Hùm mất hươu, tiếc hơn mèo mất thịt

67- Những quân ác lắm, nhím bắn cọp tha

68- Cọp chết ba năm quay đầu về núi

69- Cọp chết để da, người ta chết để tiếng (Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh)

70- Cọp về làng như Thành Hoàng về miễu

71- Mỏ ác còn mềm, còn đeo vấu cọp (vấu: móng vuốt)

72- Đánh lằn da hổ, xõa ngọt vuốt miu

73- Cọp ba chân, người đi rừng còn sợ

74- Hổ về buông, làm buồn dân bản thượng

75- Mèo không cồ cũng làm cô ông hổ

76- Nhất ong vỡ tổ, nhì hổ ba chân

77- Cọp đực đánh dái, cọp cái đánh nây

78- Rừng rậm có hùm, sông sâu có sấu

79- Hùm hét la hà, bò đi đá nháy

80- Quan võ bình văn như ông vằn thổi sáo

81- Cọp kêu là cọp đói, cọp không nói là cọp no

82- Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi, da hổ

83- Nợ mười hùm chưa đủ, đâm một thỏ thấm chi

84- Trên rừng thì hổ lang, dưới làng thì mặt rỗ

85- Mặt rồng bộ hổ, văn không đỗ cũng võ quan

86- Hùm giết người hùm ngủ, người giết người thức đủ năm canh

87- Đủng đỉnh như cọp ăn no, rống to như hùm theo cái

88- Mây Hòn Heo, heo Đất Đỏ, gió Tu Hoa, cọp Ồ Lòa, ma Đồng Cháy


Một số thành ngữ, tục ngữ tiếng Hán Việt


1- Vị hổ phó dực 爲虎付翼 (Chắp cánh cho cọp)

2- Kỵ hổ nan hạ 騎虎難下 (cưỡi trên lưng hổ rồi thì khó mà xuống)

3- Dưỡng hổ di họa / hoạn / hại

4- Điệu hổ ly sơn (Dụ cọp rời núi)

5- Long hành hổ bộ (tướng đi như rồng, bước như cọp)

6- Hổ tử hùng tâm

7- Dã tượng kích hùm

8- Long đàm hổ huyệt (Đầm rồng hang cọp)

9- Hổ trục quần dương (Cọp đuổi bầy dê)

10- Hổ bảng danh đề

11- Hàng long phục hổ

12- Long hổ tranh châu

13- Long ngân hổ tiếu

14- Hổ khiếp long kinh

15- Nhục huyền hổ khấu

16- Hà chính ư mãnh hổ (Chính sách hà khắc hại còn hơn là hổ dữ)

17- Nhất sơn bất tàn nhị hổ (Một núi không thể có hai cọp)

18- Tróc hổ dị, phóng hổ nan

19- Vân tùng long, phong tùng hổ (Mây theo rồng, gió theo hổ)

20- Long ngộ vân, hổ ngộ phong (Rồng gặp mây, hổ gặp gió)

21- Quần hồ bất như độc hổ (Bầy chồn không bằng một con hổ)

22- Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm

23- Bất úy mãnh hổ nhi úy sàm ngôn (Chẳng sợ cọp dữ bằng lời gièm pha)

24- Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh (Cọp chết để da, người ta chết để tiếng)

25- Bạo hổ băng hà, tử nhi vô trối (Tay không đuổi cọp, không có thuyền

qua sông, chết đừng trách)

26- Tiền môn khước hổ, hậu hộ tiến lang (Cọp vừa rút lui, chó sói lại đến)

27- Dương chất hổ bì, hồ giả hổ uy (Cáo mượn oai hùm)

28- Lưỡng hổ tương đấu, tất hữu nhất thương

(Hai cọp tranh nhau, ắt có một con bị thương)

29- Hổ phụ sinh hổ tử, lân mẫu xuất lân nhi

30- Hổ ly sơn hổ bại, Tăng ly chúng Tăng tàn

31- Đả hổ đả tam tinh, trảm xà trảm lưỡng khúc

(Đánh hổ lựa chỗ giữa trán, chém rắn chém làm hai khúc)

32- Hổ ngạ phùng nhân thực, nhân cùng khởi đạo tâm

(Cọp đói gặp người thì ăn thịt, người túng quá sinh trộm cắp)

33- Nhập sơn cầm hổ dị, khai khẩu cốc nhân nan

34- Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử 不入虎穴, 焉得虎子

(Không vào hang cọp sao bắt được cọp con)

(Nghĩa bóng: Phải có gan mạo hiểm mới làm được việc khó)



3- Ca dao


1- Người đâu người lạ thế này

Nuốt như lão hổ, bước tày lão voi


2- Thái Nguyên nổi tiếng hổ cao

Biên Hòa bưởi ngọt, yến sào Nha Trang


3- Con là trai gái trong nhà

Phải như mãnh hổ và là bạch miêu


4- Đánh hổ mà đánh tay không

Thà về xó bếp giương cung bắn mèo


5- Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu

Đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn


6- Trời sinh hùm chẳng có vây

Hùm mà có cánh hùm bay lên trời


7- Đường rừng nhất ông Ba Mươi

Thứ hai rắn độc, đười ươi đời tàn


8- Chén hương chén nước tân xuân

Trước là Thượng Đế, sau Thần Ba Mươi


9- Mèo tha miếng thịt thì đòi

Kễnh tha con lợn, mắt coi chừng chừng


10- Mèo tha miếng thịt xôn xao

Kễnh tha con lợn thì nào thấy chi


11- Nhà bây chết lợn toi gà

Năm ba ông kễnh viếng nhà tối nay


12- Giàu sang ở bên nước Lào

Hùm tha rắn cắn tìm vào cho mau


13- Hùm thiêng khi đã sa cơ

Đành cho lũ chó lũ hồ vuốt đuôi


14- Đứa nào được Tấn quên Tần

Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha


15- Gan cọp thì thật là to

Nghe chuông nghe mõ chẳng co cũng chạy


16- Kiến bò miệng chén bao lâu

Phù du lướt gió ruồi bâu miệng hùm


17- Một mình thơ thẩn bên rừng

Mảng mê ong đóng, quên hùm bên tai


18- Dạy con, con chẳng nghe lời

Con nghe ông kễnh đi đời nhà con


19- Con gái mà lấy chồng xa

Cũng như thân phận cọp tha lên rừng


20- Con ơi con ngủ cho lâu

Để mẹ lên núi vuốt râu ông Thầy


21- Ba Mươi, kẹ, cọp vểnh râu

Mùng Một ông Kễnh đi đâu một mình


22- Mèo ngao cắn cả ông Thầy

Ông Thầy vật chết cả bầy mèo ngao


23- Mèo ngao cắn cổ ông Thầy

Thuốc đâu mà chạy cho đầy cổ ông


24- Rừng xanh con cọp nó gầm

Hỡi cô chồng đánh la rầm xóm kia


25- Giương cung rắp bắn hổ vàng

Chẳng may lại phải một đàn đười ươi


26- Ông Ba Mươi nhát đười ươi

Đười ươi vắt vẻo tươi cười cành cao


27- Nhác trông tưởng tượng tô vàng

Nhìn lâu mới biết hổ bằng giấy chơi


28- Lấy chồng thì phải theo chồng

Chồng vào miệng cọp đầm rồng cũng theo


29- Tuổi Dần con cọp chỉnh ghê

Bắt người cắn cổ tha về non cao


30- Hổ đói mới ăn thịt người

Người nghèo túng quá ắt thời trộm gian


31- Cọp kễnh mà sợ ễnh ương

Quân tử đường đường ngán mồm gái ...


32- Ai đua sông trước thì đua

Sông sau có miếu thờ vua núi rừng


33- Ba bốn năm anh ở tren rừng

Hổ gầm vượn hót anh nửa mừng nửa lo


34- Xấu hổ nhưng mà tốt lòng

Đến khi no lòng tốt cả long lẫn hổ


35- Hạc thời đối hổ, hạc đỗ nhành mai.

Hèn lâu gái mới gặp trai,

Chàng mà gặp thiếp như bài tiền pho!

Anh thương em núi chảy thành tro, biển cạn thành gò,

Sông sâu chín lạch, sao đò còn đưa.

Vái trời chồng cũ vợ xưa,

Kết duyên phu phụ, nắng mưa có trời.


36- Miễn bạn đành ừ, qua chẳng từ lao khổ

Dẫu đăng sơn cầm hổ, dẫu nhập hải tróc long ...


37- Thấy anh giỏi chữ, em hỏi thử đôi hàng

Tiết Đinh San sao dám giương dàn bắn cha

Tiết Nhơn Quý nằm dưới gốc đa

Hóa hình cọp bạch, Tiết Đinh San bắn lầm.


38- Lên rừng hóa hổ, về đồng hóa long

Trời xui đất khiến, hai đứa con dòng gặp nhau


39- Hổ hùm là vật ở rừng

Tuy là hùm dữ ít từng hại ai

Những e người dữ hơn hùm

Lòng sâu độc ác đã từng giết nhau


Chi Dần


1- Đầu Dần cuối Dậu


2-

Một năm là mấy tháng xuân

Một ngày là mấy giờ Dần sớm mai


Nói về tuổi hạp nhau hay không


3- Tuổi Dần cao số


4- Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung


5-

Lấy vợ chớ lấy tuổi Dần

Nếu mà hó hé nó dần mềm xương


6- Tam hung là Tỵ, Mẹo, Dần

Tam vui là Dậu cùng Thân với Mùi


7- Tuổi Mùi cùng với tuổi Dần

Chị em chớ lấy kẻo thân thiệt thòi



4- Câu đối


1-

Họa hổ họa bì nan họa cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm

2-

Long du thiển thủy tao hà hí

Hổ lạc bình dương bị khuyển khi

Nghĩa là

Rồng lạc xuống khe bị tôm chích

Cọp xuống đồng bằng bị chó khinh

3-

Hùm dữ nhờ nanh dài vuốt nhọn

Nước mạnh nhờ tướng giỏi tôi trung

4-

Chạy ù xuống bể lôi tàu lại

Dông tuốt lên non bắt cọp về




5- Vè


Bao giờ cho đến tháng ba

Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng

Hùm nằm cho lợn liếm lông

Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi.

Nắm xôi nuốt trẻ lên mười,

Con gà, be rượu (nậm rượu) nuốt người lao đao.

Lươn nằm cho trúm bò vào,

Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô.

Lúa mạ nhảy lên ăn bò,

Cỏ năn, cỏ lác rình mò bắt trâu.

Gà con đuổi bắt diều hâu,

Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.


Sau lưng ruộng khoai

Đôi vai ruộng đỡ

Trước lố cấy chiêm

Long Hổ đôi bên

Như liền vơ lại




6- Thơ


Xin chép lại bài một bài thơ nổi tiếng của Thế Lữ

(in lần đầu năm 1935, lần hai năm 1941)



Nhớ rừng

Thế Lữ

(Lời con hổ ở vườn Bách thú)

Tặng Nguyễn Tường Tam


Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,

Để trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,

Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,

Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta là chúa tể cả muôn loài,

Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm cảnh giang sơn ta đổi mới?

Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những buổi chiều lênh láng máu sau rừng.

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lẩy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,

Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:

Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng

Len dưới nách những mô gò thấp kém;

Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,

Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ!

Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị,

Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,

Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!



YEARNING FOR THE JUNGLE

(The voice of a tiger in captivity in a zoo)


In the iron cage my heart seething with anger,

I lie through long slow months,

Despising the gang of addle swaggerers

Who through tiny eyes dare to mock the jungle's majesty.

Now fallen and captive, I swallow my pride

To be a curiosity, a toy,

An equal to the despicable bears,

To the pair of clueless leopards next door.


I drag a life filled with longing and love

For good old days of mighty dominion,

In the jungle amidst huge old shade trees,

Mighty howling winds, and thundering falls,

Roaring my epic and powerful roar,

I strutted in commanding steps sure and proud,

My rhythmic wave-like body strong and stout,

Stalking silent 'mongst brambles and sharp grass.

In dark caves once I flashed my awesome eyes

All life lay quiet holding its hushed breath.

I basked in smugness, king of all creatures,

Roaming amidst the nameless plants and trees.


Now where are those moonlit nights by the stream

When hearty dinner done I savored the moonlight?

Where are those rainstorms that shook the jungle domain

When I quietly surveyed my revived kingdom?

Where are those daybreaks that bathed the lush trees

And birdsongs that riotously awakened me?

Where the blood-red rays that drowned the jungle

When I couldn't wait for the hot sun to die

So I could seize its secret for myself.

-- Oh, where have they all gone, those glory days?


I smother my deep perpetual anger

Hating the things that never ever change,

The spaces that were deceitfully built,

With tended blooms, mown grass, straight paths, grown trees,

A dark trickle that passed as forest streams

Lurking 'mongst phony low-lying hillocks

With docile foliage shorn of mystery,

Faking so miserably the wilderness

And its eternal life's solemnity.

O noble proud land of majesty

Where my valiant kind always holds firm sway,

The vast realm that I used to rule over,

Country that I will never see again!

Did you know in my days of dark despair

I still nurture lofty grandiose dreams

In my soul of being in your midst again,

O my dear old awesome jungle domain?


Translated by Thomas D. Le at http://thehuuvandan.org




7- Truyện ngắn, tiểu thuyết, …



Một số tác phẩm văn học


- Tích Võ Tòng đả hổ trong Truyện Thủy Hử


- Cọp ba móng, Tiểu thuyết phóng sự đường rừng, tác giả Sơn Linh, tên thật Dương Đại Tâm, bút hiệu Ngọc Linh (1030-2002).

Sách 222 trang, Nhà Xuất Bản Ánh Sáng phát hành tháng Tư năm 1974


- Một số truyện cọp trong

Quốc Văn Giáo Khoa Thư


Tác giả: Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận

Việt-Nam Tiểu-Học Tùng-Thư, Nha Học Chính Đông Pháp xuất bản 1935



Lớp Sơ-Đẳng, Bài 33, trang 40-41


33. CON HỔ VÀ CON CHUỘT NHẮT (LẮT)

Một hôm, con chuột nhắt (lắt) chạy qua gần con hổ. Hổ thò chân ra bắt. Chuột van lạy rằng: "Trăm lạy ông, thân con bé bỏng, ông tha cho làm phúc". Hổ bảo rằng: "Ừ, mày bé thế này tao chẳng thèm ăn thịt. Thôi, ta tha cho." Chuột được tha, nói rằng: "Cám ơn ông, cái ơn tái tạo ấy, con không dám quên. Chắc ông ở hiền rồi lại gặp lành!"

Được ít lâu, hổ bị mắc vào lưới. Hổ gầm, nhẩy hết sức cũng không thoát ra được, đành nằm ép một bề để đợi chết. May sao chuột nhắt ta đi qua đấy, trông thấy, chạy về gọi cả nhà chuột ra, cắn một lát đứt mắt lưới, hổ mới thoát được.

Xem như thế thì ở đời làm ơn không bao giờ thiệt, và nhiều khi những kẻ hèn mọn cũng có thể giúp được việc cho ta.

Giải nghĩa:

Tái tạo = tái là một lần nữa; tạo là dựng ra. Ý nói như đã chết rồi mà lại cho sống lại.



Lớp Dự-Bị, bài 119, trang 121


119. NGƯỜI KHÔN HƠN LOÀI VẬT


Ngày xưa, có một người đi cày đánh đập con trâu thế nào cũng phải chịu. Con cọp ngồi trên bờ, nom thấy, mới hỏi trâu rằng: "Trâu kia, mày to lớn nhường ấy, sao mày để nó đánh đập như thế?". - Trâu nói: "Nó bé nhưng trí-khôn nó lớn". Cọp lấy làm lạ, không biết cái trí-khôn ra thế nào, mới bảo người rằng: "Người kia, trí-khôn của mày đâu, cho tao xem?". - Người nói: "Trí-khôn tôi để ở nhà". - "Mày về lấy đi". - "Tôi về, rồi ông ăn mất trâu của tôi thì sao? Ông có thuận để cho tôi trói ông lại, rồi tôi về lấy cho ông xem".

Cọp muốn xem, thuận để cho trói. Trói xong, người lấy bắp cày (ỉnh cày) đánh mãi, bảo rằng: "Trí-khôn tao đây!". Vậy mới biết: mạnh chẳng tày khôn.



Giải nghĩa:

- Cọp = giống ác thú ở trên rừng, hay bắt người và các loài vật khác mà ăn. Người ta còn gọi là hổ, hùm, beo, kễnh, khái, v.v...

- Trí-khôn = cái trí để người ta biết cái hay, cái dở, cái phải, cái trái.

- Bắp cày = đoạn tre dài nối vào cái cày cho trâu bò kéo.

- Chẳng tày = không bằng.


Mạnh dùng sức, yếu dùng chước.


8- Lịch sử


Hùm Thiêng Yên Thế


Hoàng Hoa Thám, Biệt danh: Đề Dương, Đề Thám (1858-1913)

- Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp (1885 – 1913)

- Phủ Yên Thế thuộc tỉnh Bắc Giang


“Hùm Thiêng Yên Thế oai hung

Phất cờ khởi nghĩa ở vùng Lạng Giang

Khi mai phục, lúc trá hàng

Khiến quân giặc Pháp hoang mang điên đầu.”