V. Tiền giấy

VI. Giấy cắt (Paper cut)



Dưới đây là một số các hình cắt giấy truyền thống của Trung Quốc nói về “Ông ba mươi”.


Không thề hiểu nổi với một tờ giấy mỏng te như “pơ-lua” (pelure paper, papier pelure) mà phần lớn các nghệ nhân là … bà già có thể hoàn thành các tác phẩm nghệ thuật rất tinh xảo và đẹp mắt như vậy, đó là chưa nói tới phần chấm màu ... thần sầu trên tác phẩm.


Để ý các đường cắt (lá tre, vằn lưng, râu ...) và ngay mộc ký tên, y chang như trên tranh thật.

Có dịp, sẽ trở lại “Chinese paper cut” cùng quý Thầy Cô cùng các bạn hữu.


Sau đây là hai “giấy cắt” xưa của Thuỵ Sĩ mà tôi có được. Thường được cắt trên giấy màu đen, tả phong cảnh, đời sống, tập quán, ... Tuy không chi tiết và sống động như của “anh Ba” nhưng giá trị của nó hơn gấp chục lẩn.


Hai hình này sỉu cũng 4-5 chục quan Thụy Sĩ / tấm (30 cm x 40cm) và chưa chắc có để mà thỉnh được nó.


VII. Tranh Cọp của Hoạ sĩ Wu Cho-Bun


Chữ ký trên các bức tranh: 薄斌 (bo bin)

Phiên âm Hán Việt: Bạc Bân (Họ Bạc; Bân: lịch thiệp)


Ông chuyên vẽ tranh cọp và nổi tiếng về những tranh này.

Và tranh cọp của một họa sĩ Trung Quốc khác.


VIII. Kỳ Lân



Xin được nói ké vào năm con cọp, đó là “con Lân” (không có trong “Thập nhị Con Giáp”).


Con Lân có họ hàng với “Ông Ba Mươi” (hổ hoặc cọp) là một trong “Tứ Linh” hay “Tứ Thụy”, gồm có : Long - Lân – Quy - Phụng hay Rồng - Kỳ Lân (Nghê) - Rùa - Phuợng Hoàng.


Lân rất thịnh hành trong dân gian Việt Nam và một số nước Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ...


Trong truyền thuyết thì Kỳ Lân được xem như một loài giống Hổ. Riêng ở Việt Nam Kỳ Lân có đầu nửa rồng nửa sư tử, có mắt và mũi to, mõm ngắn và đặc biệt có đuôi rẽ quạt, có vẻ bên ngoài thân thiện (chớ không chễm chệ, dọa nạt như Kỳ Lân Trung Quốc).


Những hình minh họa trong bài là những Kỳ Lân mà tôi “thỉnh” được do may mắn và có duyên, xin cống hiến quý Thầy Cô và bạn hữu khắp mọi phương được tường lãm.



Lân Việt Nam

(1)

Con này nặng khoảng trên 3 ký (10,5 cm x 13,5 cm x 22 cm) được chạm khắc từ đá Ninh Bình. Đặc biệt ở con Lân này là cả hai chân đều “bận” : một chân đạp quả cầu và một chân vịn Lân “baby”.


Các tượng Lân chưng ở các đền, chùa, gia trang thường là một cặp được để hai bên, trong đó một con đạp cầu và một con vịn bé Lân.


Được nhập kho từ một cuộc triển lãm “Hội Chợ Việt Nam” tổ chức tại Genève cách đây hơn hai chục năm.



(2)

Tiếp theo là hình một vị thánh cỡi Lân bằng gỗ (4 cm x 10 cm x 12 cm) thường được thấy trong các chùa chiềng ở miền Bắc Việt Nam.


Có được từ một tiệm bán đồ xưa ở Thụy Sĩ.



Lân Hồng Kông

(3)(4)(5)


Tôi “thỉnh” được trong một kỳ nghỉ dài ngày, 5 tuần năm 1989. Năm này tôi dự định viếng luôn Trung Quốc, nhưng vì xảy ra sự kiện “Thiên An Môn” nên Hồng Kông tẩy chay các tours đi qua “anh Ba”, nên đành dậm chân tại chỗ.


Con này cũng khá đặc biệt, bằng men đất sét trắng được tô màu sặc sỡ (9 cm x 13 cm x 10,5 cm).


Lân có 4 chân là chân của 4 con vật khác nhau, thoạt đầu cứ tưởng là của “Tứ Linh”, nhưng coi kỹ thì thấy giống từa tựa 2 con : hổ và Phượng hoàng. Còn hai chân còn lại thuộc bộ chân móng đề.


Vì chưa biết ý nghĩ thực sự của tác giả về sản phẩm này, chỉ thấy đẹp, lạ nên thỉnh đại. Không dám nói bừa nên xin nhường lại cho các bạn đọc “uyên thâm bác vật” đoán ... mò thử dùm.




Lân Trung Hoa Lục Địa

(6)

- Con này bằng đất sét trắng phủ men xanh lam, ngồi trên một bệ (10 cm x 15 cm x 32 cm), khá nặng : khoảng hơn 2 ký.


Tuổi đời chưa đoán được (Chưa đủ $tiền để mua được máy ... đo “đồng vị phóng xạ”.


(7)

- Con tiếp theo, bằng đất sứ cũng ngồi trên bệ, có con đeo bên chân phải, tráng men nhiều màu. Tuổi ước chừng hơn trăm ngoài (cuối Thế Kỷ thứ 19?). Của gia bảo.


(8)

- Con Lân này hơn nửa ký (10 cm x 18 cm x 18 cm), mặt mày trông rất bặm trợn, hai tai to và dài, bờm lông đầu - mình nhiều, chồm đuôi dựng đứng và toàn người phủ màu men “lu” nâu, đang ngồi chồm hổm , hai chân trước chụm lại (không vịn con và cũng không đạp cầu), trông rất oai.


Nguồn: chợ trời (hiếm lắm mới thấy được một vật như con Lân này).


(9)

- Đây là một cặp Lân (4,5 cm x 10 cm x 12 cm), gốm sứ, bệ đen, toàn thân xanh lam, môi son đỏ. Truyền thống với một con đạp cầu và một con vịn bé Lân. Trên trăm tuổi.


(10)

- Tương đối có tuổi đời, dạng đứng (9 cm x 13 cm x 10,5 cm), nặng 150 grams, đầu có 2 sừng nhỏ (rất hiếm thấy), bằng đất nung, một màu nâu điểm chấm trắng trên bờm đầu. Không đoán được của nước nào và độ tuổi (có lẽ không dưới 1 thế kỷ).


(11)

- Dạng nằm (4 cm x 7 cm x 4,5 cm), mắt to mũi bự, môi trề và đuôi ... cụp, nhưng trông rất dữ dằn nên bù trất, không đoán được là của nước nào (không lẽ của Viêt Nam?)


(12)

- Con này, có râu, mắt lộ, miệng móm, phủ men trắng “Blanc de chine” (4,5 cm x 3,5 cm x 7 cm)


(13)

- Đây là một con triện đuơng thời (4,5 cm x 3,5 cm x 7 cm)

Phần trên có hình con Lân đạp cầu được khắc chạm trên đá đen tuyền.

Phần dưới là bệ có đáy là phần được khắc tên dùng để đóng trên tranh, sách vở, giấy tờ, ... thay chữ ký.


Còn ba bốn con khác nữa, nhưng tôi thấy không có gì đặc biệt nên miễn đưa vào.




Tem con niêm có hình Kỳ Lân

Nhân dịp nói về năm “ông Ba Mươi”, trong đó có lồng vào Phần Kỳ Lân, tôi xin được chia sẻ đến bạn đọc về 3 bộ tem con niêm có hình Kỳ Lân:


1.


Bộ 5 con niêm (Chifre taxe), sống có răng thời Indochine (Đông Dương), có hình nguyên con Kỳ Lân thường thấy ở trước (trên bia) các đền chùa, miếu ở miền Nam. Các con tem này còn mới cáo chỉ dù rằng tuổi đời nó đã hơn trăm năm.

2.

Bộ 39 con niêm thời Indo-chine (chú ý có gạch nối trong chữ Indo-Chine), sống có răng. Hình con Lân ... Campuchia thì phải?


Gồm:


- 13 con giá từ 2 xu đến 5 đồng (2c - 5f)

- 13 con có giá in đè 4/6 xu đến 2 đồng (4/6c - 2 piastres) lấy từ 13 con trên.

- 13 con có giá từ 2/5 xu đến 1 đồng (2/5c - 1 piastre)

3.

Sau cùng là bộ con niêm Việt Nam (Đệ Nhất Cộng Hòa), 15 con gồm 7 con tem hình Lân và 8 con tem hình rồng.


Ở đây xin được trình báo 7 con có hình Lân, sống không răng (xin đừng hiểu nhầm là sống nhăn răng!) và sống có răng.

Các bộ tem con niêm trên (thường dùng trong các giấy tờ hành chánh như sao lục, biên nhận, giấy tờ … từ chính quyền sở tại cấp, thuế từ tem, ...) là đầy đủ, trọn gói, thuộc vào hàng hiếm (nếu sưu tập đủ).


Tem chết (có đóng mộc bưu chính) thì dễ tìm, còn tem sống thì rất khó tìm, nhất là các con tem không răng. Người chơi phải có đủ nghį lực, thời gian, kiên nhẫn và còn tùy có gặp vận may hay không (chưa kể đến chuyện “đầu tiên”).


Số người chơi đầy đủ về tem Indochine và Việt Nam Cộng Hòa gồm épreuves de lux - Không răng - có răng - variétés - FDC (First Day Cover), ..., chắc hiện nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay!

“Từ từ cháo mới nhừ”, khi có dịp và có cơ hội tôi sẽ chia sẻ cùng bạn đọc về tem thư.


IX. Huy Chương, Huân Chương, Bội Tinh

Việt Nam Cộng Hòa


Đến thời điểm hiện tại tôi chưa tìm được một cuốn sách nào nói về các huy chương và bằng tưởng thưởng thời Việt Nam Cộng Hòa (Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa)

Dưới đây là một số huy chương Quân-Cán-Chánh Việt Nam Cộng Hòa mà tôi gom góp được, làm thành một bảng treo trong nhà


Nghe qua không bằng tận mắt thấy được các Huân chương ngoài đời thật.


Xin cáo lỗi quý Thầy Cô và bằng hữu vì hiện nay một số các Huân chương không được giữ nguyên trạng và đầy đủ qua thời gian và bể dâu của thời cuộc.

Riêng về huy chương có chữ VBD này (16):


Có thể đây là một huy chương của quân đội “Phật Giáo Hòa Hảo”

Lực lượng này được thành lâp năm 1948, sau năm Đức thấy Huỳnh Phú Sổ “đi xa” (thực tế là bị Việt Minh ám toán) và đến năm 1950 là kỷ niệm 2 năm. VBD vẫn chưa biết viết tắt từ chữ gì.


Nhằm giúp cho quý Thầy Cô và bạn hữu hiểu rõ, tôi có vào tìm trên mạng và sau đây xin được đính kèm một số hình ảnh và tài liệu về huy chương của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.


Bộ Huy chương “Bội Tinh” của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Từ cao tới thấp


Xin Coi lại (phần minh họa):

- Chỉ Đạo Bội Tinh

- Chiến Dịch Bội Tinh

- Chiến Thương Bội Tinh

- Chiến Trường Ngoại Biên Bội Tinh

- Danh Dự Hạng I Bội Tinh


Xin coi lại (phần minh họa):

- Hải Vụ Bội Tinh (có điều hơi lạ là khác với hình trên, mặc dầu chữ khắc sau huy chương đúng là “Hải Vụ Bội Tinh”)

- Huấn Vụ Bội Tinh

- Kỹ Thuật Bội Tinh

- Nhân Dũng Bội Tinh


Xin coi lại (phần minh họa):

- Quân Công Bội Tinh

- Phi Dũng Bội Tinh

- Tham Mưu Bội Tinh


Nhìn qua tư liệu, đối chiếu các loại huy chương mà tôi đã gom góp được, mừng là thấy có được khá nhiều, nhưng xét về thực tiển là thì như... một trời một vực!


Ngày nay ở Mỹ có cơ sở chuyên sao chép lại các huân chương của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhằm phục vụ cho các cựu quân nhân, sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong các buổi lễ tưởng niệm hằng năm.


Nhưng mà dù nó ... có trơ gan cùng tuế nguyệt và xuống sắc cách mấy do thời cuộc bể dâu đi chăng nữa, đối với tôi nó luôn có hồn, vô cùng đẹp đẽ và tự hào vì nó là nhân chứng sống của lịch sử Việt Nam hào hùng, luôn sống mãi với thời gian.

X. Hộp quẹt máy ZIPPO - Việt Nam 1967-1974


Trong thời gian Quân Đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam (1965-1974), đã xuất hiện những Zippos có khắc tên về những địa danh, những khẩu hiệu về cuộc chiến được các binh sĩ Mỹ ưa chuộng mua dùng và được giữ như một kỷ vật bên mình (Lính nào mà không hút thuốc trong quân đội?).


Xuất phát từ cách khắc tên trên bút máy theo phương pháp vị tự (dĩ nhiên có nhiều chi tiết phải khắc bằng tay), các nghệ nhân đã theo xu hướng thời thể, chuyển qua khắc trên các quẹt máy Zippo, rất thịnh hành trong quân đội Mỹ và ngay cả trong một số sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. “Đơ dèm cùi bắp” (binh nhì) khó lòng mà sở hữu được quẹt máy “xịn” này trong túi.


Bản thân, trong một lần đi nghỉ hè ở Hàn Quốc cách đây 6-7 năm, thấy họ bày bán trong một gian hàng đồ xưa một “Zippo thời chiến Việt Nam” duy nhất, để giá 500 $US!


Sau đây là hình chi tiết 7 cái Zippos mà tôi tích cốp được (phải rán chụp rõ rõ cho mọi người coi ... cho đã!):

Mặt trước Mặt sau

1. Việt Nam – Huế

(1967-1968)

“Đừng bao giờ hẹn ngày mai những gì mình có thể làm được hôm nay.”

Mặt trước Mặt sau

2. Việt Nam – Đà Nẵng

(1966-1967)

“Dù có gặp người mình không thích, cứ cư xử tự nhiên như là người mình thích.”

Mặt trước Mặt sau

3. Việt Nam – Cần Thơ

(1969-1970)

“Khi tôi rời cõi tạm, hãy chôn tôi … nằm sắp sao cho cả Thế Giới có thể dành nụ hôn cho … phần cuối cùng của tôi.”

Mặt trước Mặt sau

4. Việt Nam – Kontum

(1969-1970)

Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - Pleiku - An Khê - Qui Nhơn - Biên Hòa - Sài Gòn - Cà Mau

Mặt trước Mặt sau

5. Việt Nam – Chu Lai

(1971-1972)

“Tử tế là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn chính là mình thể hiện được điều đó.”

Mặt trước Mặt sau

6. Việt Nam – An Khê

(1973-1974)

“Bộ não ta làm việc suốt ngày đêm, hãy cho nó chút nghỉ ngơi luôn cả ăn ... chút đỉnh.”

Mặt trước Mặt sau

7. Việt Nam – Pleiku

(1973-1974)

“Đời người chỉ sống có 2 lần : lúc chào đời và lúc đối diện với lưỡi hái tử thần.”

8. Hộp quẹt Zippo Việt Nam Saigon 1968-1969


Hộp quẹt Zippo thân yêu của quân nhân Mỹ thời chinh chiến Việt Nam

(Mạng Facebook mạng trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn)


“Quá trẻ để được bầu cử nhưng không phải để ra đi. Quá trẻ để được quyền yêu nhưng lại quá già khi phải khóc.”

Ngày nay Zippo được sản xuất với chất liệu “típ-tóp” với nhiều chủ đề, nhìn là mê … tít thò lò! Giá cả cũng thay đổi tùy theo túi tiền người mua, từ 49 cho đến ... khoảng 200 USD/cái.


Nhưng bảo họ làm lại những Zippos 50-60 năm về trước như trên, chưa chắc gì họ làm nổi!

Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu khi xưa còn trong Quân Đội và sau khi lên chức lãnh đạo thấy có hút thuốc, không biết người có dùng hộp quẹt máy zippo và luôn có trong túi loại hộp quẹt máy này?

Zippo trong hình này không biết người đã tặng cho vị tướng lãnh hay binh sĩ đã lập công trạng nào?


Lần đầu mới thấy hình Zippo này, lại là cái Zippo khắc tiếng Việt và là quà tặng của của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Đây là vật chứng lịch sử một thời của Việt Nam Cộng Hòa.


Hình Zippo Tổng Thống V.N.C.H. Nguyễn-Văn-Thiệu Thân Tặng


(Trích từ FB Miền Nam trước 1975)




XI. Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia


Để chấm dứt mục “Sưu Tẩm, Lượm Lặt” năm Nhâm Dần 2022, xin được trở lại với mục “Vé số” đã có lần nói trong những năm … (quên mất tiêu rồi!) trước đây.


Không ai trong chúng ta mà quên được bài hát của quái kiệt Trần Văn Trạch trước khi mở màn Xổ Số Kiến Thiết Quốc Gia phát sóng trên radio và trực tiếp trên màn ảnh nhỏ TV thời Việt Nam Cộng Hòa.



Một số tờ giấy số Châu Âu năm xưa


XII. Xổ Số Tombola (các tổ chức từ thiện)


Trở về Việt Nam, như đã có lần nói về đề tài này, nên nay xin được trích lượt các Tombola (các quỹ được gây của các tỉnh thành, hội đoàn, tôn giáo, … dưới hình thức xổ số như vé số “Kiến Thiết Quốc Gia”) hoặc sổ trúng thưởng ở Hội Chợ, Công Ty, ... thời Indochine và Việt Nam Cộng Hòa.


Việt Nam, Đệ Nhất Cộng Hòa

PHẦN KẾT


Tài liệu minh hoạ thì còn nhiều, chỉ sợ bạn đọc coi nhiều quá ... phát ngán! Vả lại năm nay là Trang Xuân Khoa Học Sài Gòn (“mỏng” hơn báo Xuân) nên tôi xin được tốp lại, nhường chỗ cho các ... đại sư ca, sư tỷ và các sư huynh khác với nhiều tiết mục, bài vở đặc sắc đang đứng chào hàng ...


Do ôm đồm nhiều thứ quá, chơi mà không giải thích được cặn kẽ nguồn cơn, lai lịch các món. Chỉ xin được làm một người gìn giữ “a-ma-tơ” (amateure = nghiệp dư) những sách hay, vật lạ, đồ xưa, ... có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử các nước (hạn chế trong tầm ngắm của ... “anh hai” [$]).


Dĩ nhiên, được chú trọng nhiều nhất vẫn luôn là Việt Nam quê hương tôi, và ... có còn hơn không.


Với ước mong rằng mục “Sưu tầm, lượm lặt” vừa kể trên, ít nhất cũng đã đem đến cho quý Thầy Cô và bạn hữu những giây phút giải trí ... “sương sương” bổ ích, một món ăn tinh thần, nhân dịp đầu Xuân.


Cũng không quên cám ơn Ban Biên Tập, nhất là Tiền đại ca, đã không quản ngại thời giờ, công sức, thức hôm dậy sớm để bắt sâu, tỉa sửa và upload sao cho Trang Xuân Khoa Học Sài Gòn Xuân Nhâm Dần kịp thời đến với quý Thầy Cô, bạn hữu khắp năm châu bốn bể trong những ngày sát nút ấm áp của Tết Âm lịch.


Xin tạm dừng với câu “Đến hẹn lại lên” ... sang năm.


Người lượm lặt,

Huy-kha-Ti