Ăn thịt, ăn rau, nhất là rau muống, cải bẹ xanh, ... các sớ thịt, các xơ rau cải vướng ở các kẽ răng khó chịu lắm. Phải lấy “xà beng” khựi ra, kêu là xỉa răng. Người ta chế tăm xỉa răng, có loại tăm tre, chuốt từ tre trúc, có loại tăm bằng cây (không rõ gỗ gì), máy cắt đều thiệt đều, có loại giẹp một đầu lớn một đầu nhỏ, có loại thân tròn hai đầu nhọn. Bây giờ có loại tăm thân tròn hai đầu nhọn làm bằng ny-lông hay bằng bột bắp. Ở quê, nhà vách lá dừa nước, bẻ một cọng sóng dừa nước hoặc rút một cọng chưn nhang trên bàn thờ xỉa răng được rồi.



Bây giờ các dentists chế ra khá nhiều sản phẩm cho việc vệ sinh răng cỏ như kem đánh răng, nước súc miệng, … có các chất calcium phosphate, sodium fluoride, … cùng nhiều sản phẩm để làm sạch các kẽ răng như dental floss, cuộn chỉ chà răng có mùi mint, lại có dental floss stick là cây xỉa răng bằng nhựa có hình như cái đuôi chồn để súc chai, nhưng nhỏ xíu, đường kính đoạn bàn chải có nhiều cỡ, có colour codes cho mỗi cỡ, tùy theo kẽ răng thưa hay khít, răng thưa cỡ lớn, răng khít cỡ nhỏ …, lại có loại có hình cây cung có sợi dây dental floss, đằng đuôi chỗ cầm là cái móc nhọn dùng để khều đồ ăn dính ở các kẽ răng.



Cái răng cái tóc là gốc con người”, đau răng một chút khó chịu lắm, ăn uống không ngon, ăn không được thì làm sao khỏe mạnh. Con người nhờ có nha sĩ khám và chăm sóc răng cỏ, tuy mỗi lần đi, hả họng ra phó thác cho dentist làm gì thì làm, mở miệng mà không hó hé gì được nên lời! Lại phải tốn tiền bộn bạc, nhổ mất cái răng mà còn mất tiền nữa!



Lại nghĩ tội nghiệp cho mấy con thú trong rừng đau răng thì làm sao?



Năm Con Cọp, nhớ tới con cọp ăn toàn thịt sống, chắc chắn các sớ thịt sẽ vướng ở các kẽ răng chắc khó chịu lắm! Bị đau răng, sâu răng, gãy răng ăn không được chắc chết thôi!



Những thú ăn thịt khác như beo, sư tử, cá sấu, chắc cũng vậy, các sớ thịt, đồ ăn dính ở các kẽ răng ắt là khó chịu lắm!



Các sớ thịt vướng vào các kẽ răng của cọp, cá sấu hay những thú ăn thịt, chứa rất nhiều protein, nếu không được xỉa sạch, vi khuẩn sẽ sinh sôi nẩy nở rất nhanh làm hư răng của cọp, cá sấu và các thú ăn thịt.



Trong rừng ắt là không có dentist cọp beo, dentist sư tử, dentist cá sấu, ... như dental clinics của loài người.



Nhưng trong thiên nhiên, trời sanh các thú vật hay và ngộ lắm!



Cọp, beo, sư tử, ... tuy ăn thịt hầu hết tất cả các động vật từ cóc nhái, chim chóc, hươu nai, trâu bò, ... nhưng duy nhất chỉ có các loài chim “xỉa rang” là không bị chúng ăn thịt, vì những loài chim đó là “dentists” chuyên phục vụ chăm sóc hàm răng cho chúng.



Khi ăn xong no nê rồi thì cọp beo, cá sấu nằm nghỉ, há mồm thật to (như chúng ta hả họng cho dentist khám răng). Các loài “chim xỉa răng” sẽ đến moi và ăn sạch các sớ thịt dính ở các kẽ răng của các loài thú ăn thịt đó. Chúng cùng hợp tác giúp đỡ nhau để sống còn, “hai bên cùng có lợi”.



Trong thiên nhiên, đây là mối quan hệ hợp tác (symbiotic relationship) giữa các loài động vật.



Chim xỉa răng cọp, loài chim “nha sĩ” chuyên “xỉa răng” cho cọp, tên tiếng Anh là rufous treepie hay Indian tree pie, thường được gọi là “tiger's dentist”, tên khoa học Dendrocitta vagabunda hay D. rufa, thuộc Họ Corvidae (cùng Họ với con quạ), Bộ Passeriformes (Bộ chim sẻ).



Vùng phân bố của loài chim này khá rộng lớn, từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đến Miến Điện, Lào, Thái Lan, ...



Đây là loài chim ăn tạp (omnivore), ăn các loại trái cây, các loại hạt, các loài động vật không xương sống, các loài bò sát, trứng, và xác chết các động vật, có thể hút mật hoa cây gạo (Bombax ceiba), ...



Loài chim này không chỉ “xỉa răng” cho cọp mà còn “phục vụ” cho một số loài thú ăn thịt khác như beo, sư tử, ...



Người dân tộc thiểu số gần biên giới Lào gọi là chim K'Bẻo, tiếng chim kêu “bép bép bép ...!” báo tin cọp đang đi tới. Họ cho rằng cọp đi đến đâu thì chim K'Bẻo đi đến đấy.



Truyền thuyết dân gian cho rằng loài chim này là loài “chim gọi hồn”, đó là hiện thân của những oan hồn đã bị cọp ăn thịt. Những oan hồn này, kéo người sống đi theo để bị rơi vào nanh vuốt cọp để “thế mạng”.


Cá sấu cũng không thể tự xỉa răng được vì thân hình to lớn, hai chi trước to và ngắn nên cũng cần loài chim chuyên “xỉa răng” cho chúng. Khi ăn no rồi nằm phơi nắng, cá sấu há mồm rộng ra để chim “xỉa răng”, moi sạch hết các sớ thịt vướng ở các kẽ răng.

Loài chim này tiếng Việt gọi là chim tăm hay chim cánh cụt Ai Cập, tiếng Anh gọi là nôm na là “toothpick” (cây tăm xỉa răng), tên thông thường là, Egyptian plover bird, hay còn gọi là “crocodile bird”, tên khoa học Pluvianus aegyptius, thuộc Họ Pluvianidae, Bộ Charadriiformes.



Thức ăn chính là côn trùng, sâu bọ và những động vật thủy sinh.

Đầu năm Tết nhất, nói tản mạn về răng cỏ cho vui và ăn ngon, Tết thì chắc phải ăn ngon và ăn nhiều, người ta nói “ăn Tết” mà! Đau răng thì làm sao ăn ngon được!



Năm Con Cọp, cũng xin chúc các vị chúa sơn lâm ăn ngon miệng, không bị khó chịu vì các sớ thịt dính lại ở các kẽ răng, nhờ có các “dentist”, chim “xỉa răng cọp” phục vụ, chăm sóc hàm răng rồi.