Lời Thầy năm xưa

Thầy Phùng Trung Ngân vẫn còn ở Cali.

Tôi vô cùng xúc động, bồi hồi nhớ những ngày học Chứng Chỉ Vi Sinh Sinh Môi với Thầy. Cô Tuệ Quang từ Pháp trở về, đã mở thêm Chứng Chỉ Vi Sinh Sinh Môi, thuộc chuyên khoa Sinh Học thực nghiệm.

Tôi ghi tên học, và thấy mình bị cuốn hút ngay từ tên gọi của môn học này: Sinh Môi Học.

Lúc đó nước nhà vừa đổi chủ. Tôi nhớ mọi thứ còn ngổn ngang lắm. Chúng tôi vừa làm công tác xã hội, vừa tham gia lao động công ích.

Về công tác xã hội, chúng tôi phải dẹp sạch các hố rác khổng lồ, ngoài chuyện đem lại cảnh quang cho đường phố, còn giữ nét đẹp cho khu dân cư sinh sống.

Thầy Phùng Trung Ngân và Cô Tuệ Quang mở chứng chỉ Sinh Môi vào thời gian này là một đáp ứng vô cùng hữu hiệu trong tình trạng hỗn loạn của buổi giao thời.

Sinh viên chúng tôi là những người tiên phong trong mọi phong trào. Không phải chỉ dọn dẹp sạch sẽ đường phố, chúng tôi còn phải hướng dẫn mọi người ý thức việc tạo môi trường sống lành mạnh cho cả cộng đồng.

Chứng Chỉ Vi Sinh Sinh Môi ra đời đúng lúc cho hoàn cảnh xã hội buổi giao thời.

Ngay tên gọi đã nói lên tất cả: Môi trường để sinh sống. Tuy nhiên đề tài này có vẻ “thiếu sinh động”. Bằng cớ là dẹp được đống rác khổng lồ ở cuối đường, thì lác đác phía đường bên kia lại nhen nhúm vài khúm rác khác.

Mặc kệ, Thầy tôi vẫn một mực khuyến khích học trò hiểu tầm quan trọng của môi sinh.

Đề thi, Thầy không hỏi về chi tiết đã dạy (vì thầy dư biết, ai cũng đầy ắp các con số ảnh hưởng đến môi trường).

Thầy Ngân đã cho đề thi, như sự mong mỏi câu trả lời về những gì bạn đã học.

“Người ta thường cho rằng các nhà sinh môi học, là những người lo chuyện viển vông xa vời.”

“Đứng trên lập trường của một nhà Sinh Môi Học, trước các lập luận trên, bạn sẽ ứng xử ra sao?”

Cả một năm dài nhồi nhét các con số về kiến thức môi sinh. Giờ đề thi thật vô cùng thoải mái, chỉ cần bạn làm gì hữu hiệu cho môi trường.

Môi sinh gắn liền với cuộc sống của mọi con người, không phải chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia, mà là toàn thể nhân loại. Một đề tài đơn sơ, nhưng vô cùng phức tạp đòi hỏi ý thức của con người. Chỉ có con người là động vật có bộ não để hướng dẫn mọi tri thức.

Bảo vệ môi sinh là bảo vệ cho chính mình, sau mới cho thế hệ con cháu. Nhưng sự lười biếng là nguyên nhân chính gây ra mọi tác hại, ít có ai quan tâm. Cái lười biếng bất trị là xả rác vô tội vạ, mà không hề thấy chính quyền có biện pháp gì cụ thể. Toàn thấy rất nhiều dự án khổng lồ, xây cao tốc, xây đại hí viên biểu diễn nhạc giao hưởng, cổ điển, ...

Giáo dục xã hội là giáo dục cộng đồng, là trách nhiệm của tất cả mọi người. Tại sao cứ ra phương Tây chúng ta lại e dè không dám bỏ rác bừa bãi, còn ở quê nhà thì tự do phóng uế? Trẻ con ở các nước Âu Mỹ dù học mẫu giáo đã ý thức chuyện không xả rác bừa bãi. Ăn xong kẹo cao su là gói bã vào tờ giấy để tránh mọi rắc rối cho người khác. Còn học trò Việt Nam quái ác, dùng bã kẹo cao su dán vô mái tóc dài của cô nữ sinh ngồi phía trước. Tội nghiệp cho cô phải cắt đi lớp tóc dính cao su. Không dán vô tóc, thì cũng lén để vô ghế cho nạn nhân rên rỉ.

Thật vô lý tự mình hại mình. Quăng rác chỗ nào có nước cho khuất mắt. Không bao giờ nghĩ nguồn nước để ăn uống hàng ngày có từ đâu?

Dạo quanh thành phố, hễ chỗ nào có đông người thì cũng có đầy rác ngổn ngang. Vào công viên thì khỏi nói, sau khi vui chơi là bình thản ra về, coi như dọn rác là việc của người lao động.

Giữ gìn môi trường sống sạch đẹp là một vấn đề xã hội, đòi hỏi ý thức của mỗi cá nhân. Vậy mà trở thành nan giải không làm sao giải quyết.

Sau khi có kết quả thi viết. Mọi người phải đến gặp Thầy để thi phần phỏng vấn.

Tôi nhớ mãi khi gặp Thầy Ngân. Thầy chỉ nói vắn tắt: “Tôi không ngờ, chị đã hiểu hơn cả điều tôi mong đợi.”

Gần 50 năm từ ngày gặp Thầy cho đến ngày hôm nay, lòng em lúc nào cũng canh cánh lời Thầy dạy. Chúng ta đã lưu lạc nơi xứ người, nhìn lại quê nhà tất cả thầy lẫn trò đều mang nặng nỗi ưu tư: Môi trường sinh sống của đồng bào ta đang bị huỷ hoại bằng đủ mọi cách.

Ngay khi có Formosa làm bờ biển miền Trung bị nhiễm độc. Thủy sản chết trắng bờ, làm tôi nhớ lời Thầy nói: Các nhà Sinh Môi Học có lo chuyện viển vông không? Hay kết quả đang sờ sờ trước mắt.

“Lo bò trắng răng”, “Hết xôi rồi việc”.

Họp hành ồn ào, nhưng cá vẫn chết trắng bờ. Rồi chữ “sạch” được nhắc đến như biện pháp chữa cháy. Người ta trồng rau sạch trên sân thượng. Tư tưởng “ích kỷ” cá nhân đang len lỏi khắp nơi. Ích kỷ là bạn “đồng hành” với vô cảm.

Xin mọi người hãy cứu lấy môi trường, cho dân tôi còn có phương tiện kiếm sống.

“Lo bò trắng răng.”

Formosa không làm cho răng bò trắng thêm, mà Formosa làm cho tất cả chúng ta “trắng mắt” ra!

Môi trường sinh sống bị hủy hoại, kéo theo hàng loạt những mất mát khác. Người dân không còn kế sinh nhai, bán đất, cho con thành “người rơm” sống chui nhủi, để giúp gia đình con ở lại.

“Nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều.”

Thầy ơi! Những lời Thầy dạy năm xưa em vẫn mang canh cánh trong lòng. Bây giờ người ta “ăn xổi ở thì”. Rừng tàn phá làm cho nước lũ tràn xuống đồng bằng. Người ta chỉ lo cứu lụt, chứ không tìm hiểu nguyên nhân. Rác thải tràn ngập khắp nơi.

Thành phố bị lụt lội sau mỗi cơn mưa, kéo thêm rác rưởi tràn về.

Đã gần 50 năm quê nhà đổi chủ. Lời Thầy dạy năm xưa như những lời kêu cứu đã chẳng còn làm ai quan tâm. Học trò của Thầy vẫn nhớ hoài bài học năm xưa, nhưng không biết phải làm sao.

Rừng bị tàn phá. Biển bị nhiễm độc. Đất mất hết mầu mỡ, khô cằn nứt nẻ.

Người ta vẫn “ăn xổi ở thì”, chẳng thấy ai quan tâm cứu lấy môi trường.

Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi.”

Thầy ở đây, không phải là Thầy của chúng tôi. Bệnh vô cảm là căn bệnh bất trị vô cùng phổ biến ở Việt Nam hiện nay.

Con hy vọng Thầy vẫn còn nhớ tấm lòng chân thật của học trò, vẫn canh cánh trong lòng nỗi ưu tư của một nhà Sinh Môi Học.

Lại Thị Mơ