Tiếng Việt là tiếng đơn âm có 6 tones mang 6 nghĩa khác biệt. Trong khi người Mỹ có thể nói “I don’t know” theo nhiều cách như “Ai đông nô, ai đồng nô, ai đống nổ…” mà ý nghĩa không thay đổi, người Việt không thể lẫn lộn “đống tiền” với “đồng tiến” hay “động tiên”. Một câu nói đơn giản nhưng chắc khó hiểu với người ngoại quốc muốn học tiếng Việt: MÁ trồng MẠ, đi ngang MẢ, thấy hình vàng MÃ MÀ MÁ tưởng MA.

Những dấu tiếng Việt cũng làm việc đặt lời nhạc Việt khó hơn nhiều ngôn ngữ khác. Hai nhạc sĩ đặt lời điêu luyện nhất là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn thỉnh thoảng cũng có những câu nghe không thuận tai như “nằm ngủ mơ thấy tiền” hoặc “ừ thối em về”. Tuy nhiên, đa số các nhạc sĩ nổi tiếng như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Y Vân, Cung Tiến, Nguyễn Văn Đông, Nhật Trường, Bảo Thu. Đỗ Lễ, Lam Phương, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, … đều có khả năng phối hợp các dấu tiếng Việt với các nốt nhạc một cách chính xác và đầy nghệ thuật. Thi sĩ Hà Huyền Chi khi đặt lời bài “Lệ Đá” cho nhạc sĩ Trần Trịnh cũng dùng tiếng Việt rất điêu luyện và phù hợp với những thăng trầm của dòng nhạc.

Nhạc hiện đại Việt Nam cũng có nhiều chữ không hợp với nốt nhạc, nhưng nhạc bây giờ hát nhanh hơn hồi trước nên những lỗi về dấu dễ được thông qua. Khi nghe nhạc hay đọc sách, óc người có khuynh hướng tự điều chỉnh một số sai lầm để nhanh chóng tiếp thu các ý nghĩa. Người đọc nhanh thường không nhận ra những lỗi nhỏ, nhất là khi đọc văn của chính mình, cho nên muốn sửa lỗi thì tốt hơn là nhờ người khác edit cho mình. Trong một chương trình đố vui ở Montreal, người MC cho bốn người xem một tấm bảng viết một câu tiếng Pháp, trong đó có thừa một chữ DE (một chữ DE cuối dòng trên và một chữ DE đầu dòng dưới). Ông đưa tấm bảng lên trong vài giây rồi hạ xuống, sau đó hỏi họ câu này có lỗi gì không? Cả bốn người cùng nói là không có lỗi. Khi người MC cho họ xem lại, họ đều ngạc nhiên không hiểu sao mình không nhận ra một lỗi sơ đẳng khi đọc tiếng mẹ đẻ. Thật ra chuyện này rất đơn giản: khi đọc nhanh, óc họ đã tự động bỏ bớt một chữ DE để cho câu có nghĩa.

Trở lại vấn đề nhạc Việt Nam: nhạc thời xưa thường chậm và hòa âm đơn giản nên dễ bộc lộ những sai sót về lời, còn nhạc bây giờ hát nhanh hơn và hòa âm phức tạp hơn nên người nghe cũng tự động thông qua những âm bị sai dấu. Các ca sĩ hiện nay nhiều người hát nhanh mà không rõ lời, nhiều lúc nghe chỉ hiểu đại ý chứ không nhận ra chữ sai dấu hay không. Thính giả Việt Nam đa số cũng dễ tính. thường chú ý đến phong cách ca sĩ, giọng ca và những tiếng nhạc “xập xình” hơn là giá trị nghệ thuật của lời nhạc.

Người đặt lời nhạc nên để ý chọn từ những chữ cuối câu, vì người nghe dễ nhận ra sai lạc của những chữ này, còn những chữ giữa câu thường ít bị chú ý. Hai lỗi thông thường nhất là (1) chữ dấu hỏi đặt ở nốt cao nên nghe thành dấu ngã (nổi thành nỗi, lẻ thành lẽ, …), đôi khi thành dấu sắc (trở về thành chớ về) và (2) chữ không dấu đặt ở nốt thấp nên nghe thành dấu huyền (mây thành mầy, đêm thành đềm, tiên thành tiền, …). Đôi khi có những cái sai chấp nhận được, thí dụ trong bài “Cánh Hồng Phai” – một bài hát hay của nhạc Việt hiện đại – chữ “rụng rơi” nghe ra “rụng rời”, nhưng khi nói về những cánh hoa tàn thì cả hai chữ đều thích hợp.

Có những bài hát không có vấn đề về dấu, nhưng lại có vấn đề về ý nghĩa. Thí dụ như bài “Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi” của Lam Phương nói về tâm sự của một phụ nữ nhớ người yêu cũ khi sống chung với một người chồng lạnh nhạt, giống như trường hợp T.T.KH. Tuy nhiên, tác giả đã viết một câu không thích hợp, “Nhiều đêm chăn gối bên người không quen biết, sao tim em vẫn thấy như cô đơn.” Đúng ra nên viết “người không yêu mến” để chỉ người chồng hờ hững, còn “chăn gối bên người không quen biết” thì đó là tâm sự của một nàng hooker.

Trong bài hát “Đường Xưa Lối Cũ” có câu “Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón tôi về, nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn…” nghe cũng hơi tức cười. Tại sao lại nào ngờ? Muốn sang ngang thì cần làm lúc xuân chưa tàn, chờ đến lúc xuân đã tàn rồi thì làm sao sang ngang được nữa? Có một câu “ranh ngôn” bên xứ Mỹ: “It’s easier to be killed by a terrorist than it is to get married over the age of forty” (Bị khủng bố giết chết còn dễ hơn là kiếm được chồng khi tuổi đã ngoài bốn mươi).

Bài “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” có một câu nghe vui vui: “Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.” Thật là mơ mộng vớ vẩn của tuổi đôi mươi, nghe cũng dễ thương nhưng hoàn toàn không thực tế. Muốn làm “bằng chứng yêu em” thì nên có nhiều “vàng lá” chứ không thể dùng “lá vàng”. Đã qua lâu rồi cái thời của thi sĩ Xuân Diệu, “Tôi khờ dại lắm ngu ngơ lắm, chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì.”

Trong bài “Trả Lại Anh”, một bài hát dễ thương nói lên tâm sự của một thiếu nữ bị người yêu phụ bạc, có câu “Yêu anh em đâu ngờ duyên kiếp ba sinh.” Thực ra, duyên kiếp ba sinh là mối duyên ba đời liên tiếp – đã có từ kiếp trước, kiếp này thành vợ chồng và có thể tiếp tục kiếp sau. Từ này có nghĩa là lương duyên tiền định chứ không phải nói đến tình duyên tan vỡ. Có lẽ tác giả nghĩ chữ BA theo tiếng Hán Việt có nghĩa là sóng (phong ba, ba đào, …) nên cho rằng “duyên kiếp ba sinh” là duyên kiếp phát sinh nhiều sóng gió. Dù sao thì thính giả khi nghe bài này đều hiếu ý tác giả muốn nói gì, và thường không quan tâm đến điển tích có chính xác hay không.

XXX

Nhạc Tây phương có 7 nốt chính Do Re Mi Fa Sol La Si, và có thêm 5 nốt thăng Do#, Re#, Fa#, Sol#, La#. Giữa Mi Fa và giữa Si Do chỉ có nửa nốt nên không có nốt thăng hay giáng. Đàn piano có các nhóm 7 phím trắng cho những nốt chính và các nhóm 5 phím đen cho những nốt thăng. Trong khi đó, nhạc truyền thống Trung Hoa đơn giản hơn, chỉ có 5 nốt (ngũ âm) tương đương với nhóm Sol La Do Re Mi (thiếu hai nốt Si và Fa), hoặc là nhóm Do Re Fa Sol La (thiếu hai nốt Mi và Si). Người Hoa cho rằng con số 5 tương hợp với những vận hành trong vũ trụ, ngũ âm Thương-Giốc-Vũ-Chủy-Cung tương ứng với ngũ hành Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ.

Một điều thú vị là nhóm nhạc ngũ âm Trung Hoa tương hợp với nhóm 5 phím đen piano. Như vậy, hai nền nhạc Đông Tây bổ túc cho nhau: chơi nhạc Âu Mỹ dùng nhiều phím trắng hơn phím đen, trong khi chơi nhạc Hoa có thể dùng 90-100% phím đen và thỉnh thoảng mới gõ thêm một phím trắng. Người Hoa vẫn trung thành với nhạc truyền thống của họ, nhiều bài hát Hoa được người Việt ưa thích như “Mùa Thu Lá Bay”, “Bến Thượng Hải”, “Nữ Nhi Tình” (trong phim “Tây Du Ký”), “Người Tình Mùa Đông”, “Ánh Trăng Lẻ Loi”, “Say You Will”, … vẫn theo hệ thống ngũ âm.

Nhạc Tây Phương rất phong phú và đa dạng, còn nhạc Hoa đơn giản hơn nhiều và thường dùng để diễn tả tình yêu và cảm xúc. Đôi khi, để diễn tả những tình cảm tự nhiên, người Âu Mỹ cũng dùng hệ thống ngũ âm, thí dụ như điệu nhạc chính trong phim “Titanic”: Do Re Mi Re Do Re Sol, Mi Re Do La Sol… Bài nhạc cổ điển dùng để đón giao thừa lúc nửa đêm ngày 31-12 của người Mỹ là “Auld Lang Syne” (tiếng Anh hiện đại viết là “Old Long Since”) cũng hoàn toàn ngũ âm giống nhạc Hoa. Ai không tin cứ thử gõ 5 phím đen piano, chỉ cần dùng các phím đen (hoặc chỉ dùng 5 nốt Do Re Fa Sol La) là có thể đánh toàn bộ bài này: “Should old acquaintance be forgot and never brought to mind… We’ll take a cup of kindness yet for auld lang syne.”

Nhạc Việt truyền thống thời xưa cũng theo hệ thống ngũ âm và gọi là Ngũ Cung, có thể thêm ít nốt thăng giáng nhưng không dùng khoảng nửa nốt giữa Si Do. Từ khi người Pháp chiếm Đông Dương thì các nhạc sĩ Việt chuyển sang đặt nhạc theo giai điệu Tây Phương, nhưng vẫn còn một số bài hát theo giai điệu Ngũ Cung và được nhiều người yêu thích như bài “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh, hoặc là một bài nhạc Giáng Sinh quen thuộc “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…” Nói chung thì nhạc tiền chiến và nhạc miền Nam trước 1975 đã gắn liền với những kỷ niệm tuổi trẻ của tôi, cho nên đó là những giai điệu đã cho tôi nhiều cảm xúc nhất trong đời.

Sau 1975, đa số nhạc miền Nam bị cấm, chỉ có nhạc cách mạng được cho phép hát – sự phát triển âm nhạc Việt Nam bị ngưng lại một thời gian. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tác giả bài “Dư Âm” nổi tiếng, đã ở lại miền Bắc sau 1954 và phải tự kiểm thảo vì đã làm một bài hát “lãng mạn tiểu tư sản”. Sau đó ông chuyển sang đặt nhạc cách mạng: “Em ở nông trường về thăm lại thành phố, gặp nhau không bày tỏ ai đâu biết em đi xa…” Cuộc sống Saigon lúc đó rất khó khăn, nhạc cách mạng nhàm chán và trái ngược với thực tế đến nỗi dân gian truyền tụng những câu nhạc sửa lời cho hợp với thời thế: “Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá, từ giải phóng đến nay, ta ăn độn bằng mười…”, “Mùa xuân trên thành phố mẹ xuống đây thăm con, trông mày ốm nhom xanh xao gầy còm…” Bài “Tình Nhớ” của Trịnh Công Sơn cũng được sửa lời thành “Tình Nhớ” của dân nghèo nhớ lại một thời sung túc:

Buổi sáng nấu khoai lang, buổi chiều nấu khoai mì, rồi hấp chút bo bo, ăn vào cũng hơi no

Ôi xót xa dạ dầy, ăn vô lại càng đầy, nhưng đành ăn chút vậy, để còn làm việc đây.

Mình ngỡ bán khoai ngon, ai ngờ bán khoai sùng, mẹ cha lũ con buôn, khoai sùng cũng cân luôn!

Ôi xót xa tình đời, bán buôn cần nhiều lời, nhưng đừng buôn bán vậy, khiến nhà nghèo khổ lây…

Khi bo bo một ngàn, mình còn ăn chưa chán,

Bo bo lên hai ngàn thì mình chán không mua.

Gạo càng ngày càng cao, sức khỏe dần mòn hao,

Nhìn như một thằng lao khi nó đang cai thuốc lào!

Ngồi nhớ tháng năm qua, trên đường phố chiều tà, dìu em chiếc Honda, ta dạo phố mua hoa.

Trông tóc em mượt mà, trông dáng em nuột nà, ta nhìn em bắt thèm, như thèm một chầu kem.

Ngồi nhớ tháng năm xưa, cơm sườn với thịt gà, rượu ngon với la de, tôm hùm với chim quay.

Ba số năm đầu lọc và Capstan thì đều đều, ôi còn đâu kiếm được những ngày vàng son.

Khi tôi bị bắt vì vượt biên và ở tù ở trại giam Châu Thành năm 1982, tôi có nghe những bạn tù hát các bài nhạc miền Nam được sửa lời thành nhạc vượt biên. Các bài này đa số do những người tù “sáng tác” và truyền tụng trong trại giam, đánh dấu giai đoạn “phong trào vượt biên toàn quốc” thời hậu chiến Bắc Nam (1976-1986). Thí dụ như nhạc bài “Diễm Xưa” được đặt lời thành bài “Hai Chú Canh Me”:

Hai chú canh me đêm nằm không ngủ, ngoài khuya mưa xuống muỗi cắn lung tung.

Hai chú canh me âm thầm mong đợi, chờ cho ghe tới chú liền xáp vô.

Lậy trời làm mưa, mưa to lên nào, có ghe kia đang tiến vào, chà ghe lớn ghê, nhìn trông thấy mê! Bước chân ta mau rời đê…

Bài “Kiếp Nghèo” của Lam Phương cũng khá tức cười nên tôi vẫn còn nhớ:

Đường về đêm nay vắng tanh, rạt rào hạt mưa rớt nhanh… tình cờ đi qua mái tranh nghe chủ ghe với khách chuyện trò.

“Ba cây mắc quá anh ơi, anh liệu chừng mà cho bớt đi. Thêm hai chú bé lên năm, tôi xin chịu một phần nữa thôi. Xin anh tính bớt cho tôi, giờ này vàng đã cao rồi. Một đầu người hai cây thôi…”

“Xin anh chớ nói lôi thôi, anh không chịu tìm ghe khác đi. Canh me bến bãi tôi lo, bao nhiêu việc phải làm trước sau. Anh mau đóng nốt cho tôi, giờ khởi hành đến nơi rồi. Nhà nghèo thì đừng có mơ vượt biên!”

Trời cao bát ngát, đến bây giờ trên bến không còn ai. Cơn gió heo may đưa chiếc thuyền lướt sóng ra ngoài khơi. Chỉ còn mình tôi chơi vơi trên bến khuya không người. Ôi số kiếp nghèo, biết đời nào mới đến Singapore!”

Tới năm 1991 mới có cuộc thi Tiếng Hát Truyền Hình lần đầu tiên, nhưng thí sinh vẫn phải hát nhạc cách mạng. Ca sĩ trẻ Lê Lâm Quỳnh Như được giải nhất với bài “Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh”. Sau đó, Quỳnh Như và một ca sĩ trẻ khác là Thế Sơn thường xuất hiện trên TV, cả hai cùng có ngoại hình dễ mến và giọng hát hay cho nên làm nhạc cách mạng đỡ nhàm chán. Khi sang Mỹ, Quỳnh Như đổi tên là Như Quỳnh và trở thành một ngôi sao hải ngoại, Thế Sơn sau khi qua Mỹ cũng tiếp tục hát và khá thành công. Trong lúc đó, Việt Nam bắt đầu đổi mới, âm nhạc Việt từ từ được giải phóng, nhạc cũ đươc cho phép hát và các nhạc sĩ Việt bắt đầu sáng tác những giai điệu hiện đại, khởi đầu thế hệ mới của các nhạc sĩ và ca sĩ Việt Nam.

XXX

Tôi vẫn theo dõi sự tiến hóa của nhạc Việt, nhưng tôi không phải là chuyên gia về âm nhạc nên không thể phân tích rõ ràng và chính xác. Theo cảm tính của một người yêu nhạc, thích chơi guitar và có chút hiểu biết về nhạc lý, tôi thấy nhạc Việt hiện đại chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc Hàn quốc và nhạc Âu Mỹ, kể cả nhạc rap theo phong cách người Mỹ da đen. Một trong những bản nhạc ăn khách nhất hiện nay là “Em Gái Mưa” do Hương Tràm hát (147 trìệu views trên YouTube) nghe không có gì đặc biệt, nhưng lồng vào một clip diễn tả cuộc tình lãng mạn học trò giống như phim Hàn cho nên được giới trẻ Việt rất yêu thích. Nhiều bài hát mới nghe sôi động hơn hồi trước, hai bài nhạc rap Việt ăn khách là “Người Lạ Ơi” (212 triệu views) và “Bánh Mì Không” (93 triệu views), nghe khá hay nhưng không hợp với lứa tuổi 70 như tôi.

Nhiều ca sĩ thế hệ mới thành công nhờ phong cách biểu diễn và ngoại hình thu hút hơn là nhờ giọng hát: Tóc Tiên, Hồ Ngọc Hà, Mi Jun, Miu Lê, Chi Pu, … Những ca sĩ như Mỹ Linh, Thanh Lam, Hồng Nhung, Lam Trường, Quang Dũng, Thu Minh, Mỹ Tâm, Trần Thu Hà, … hát nhiều bài hay nhưng ít có bài thực sự xuất sắc. Tới thập niên 2020, giọng Mỹ Tâm đã mất nhiều sự truyền cảm lúc ban đầu, nhưng Mỹ Tâm vẫn còn rất nhiều fans và có một số bài mới đáng chú ý, nhất là bài “Đừng Hỏi Em” được 87 triệu views. Có một nam ca sĩ trẻ hóa trang giống thuyền trưởng Jack Sparrow trong phim “Pirates of the Caribbean”, anh lấy tên là Jack Vietnam – giọng hát anh khá độc đáo và có phong cách trình diễn gây ấn tượng.

Nói chung, làn hơi người châu Á yếu hơn người da đen, Hispanic và Caucasians – tôi chưa bao giờ thấy một nữ ca sĩ Việt Hoa nào có chất giọng 3-4 octaves và có làn hơi mạnh mẽ như Christina Aguilera, Diana Ross, Whitney Houston, Céline Dion, Ariana Grande, Demi Lovato, và nhiều ca sĩ Âu Mỹ khác. Người Spanish nhỏ con như người Việt nhưng thể lực của họ rất sung mãn. Hai cầu thủ xuất sắc nhất thế giới là Maradona và Messi đều lùn thấp (chưa tới 1 mét 70) nhưng họ chạy nhanh như ngựa và nhảy cao đánh đầu hiệu quả hơn nhiều cầu thủ Âu Mỹ, kể cả những cầu thủ giỏi nhất thi đấu trong các đội tuyển quốc gia. Vì vậy, không có gì lạ khi thấy người Spanish ca hát nhảy múa giỏi hơn người Việt Nam. Điểm mạnh của người Việt không phải là thể thao múa hát mà là sự nhẫn nại, chuyên cần học hỏi, khả năng thích ứng cao, can đảm khi chiến đấu trên chiến trường, và kiên trì khi phải đối phó với nghịch cảnh.

Một điều làm tôi hơi ngạc nhiên là dòng nhạc bolero & rumba vẫn được nhiều người Việt yêu thích. Những cuộc thi Thần Tượng Bolero được nhiều giới trẻ theo dõi, các bài hát thời 1960-1970 tới hơn năm mươi năm sau vẫn được nhiều ca sĩ trẻ hát lại và vẫn thu hút hàng triệu người xem trên YouTube. Lúc còn sinh viên, tôi có thành kiến với nhạc bolero và coi đó là nhạc sến, nhưng tôi phải thú nhận là nhiều bài bolero đã nhập tâm tôi rất nhanh, mấy chục năm vẫn không quên. Hình như nhạc bolero có cái gì đó hợp với tâm hồn Việt Nam. Bây giờ nghe lại nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn tôi không còn hứng thú như hồi xưa, nhưng nhạc bolero vẫn cho tôi những cảm xúc như hồi trẻ. Tuy nhiên, nhạc bolero thường diễn tả tình cảm ủy mị, hợp với nữ ca sĩ hơn là nam ca sĩ. Ngoài ra, các ca sĩ thường lạm dụng kỹ thuật luyến láy để gây ấn tượng, cho nên nếu nghe mấy bài liên tiếp có thể cảm thấy nhàm chán.

Thời nay có một số ca sĩ trẻ xinh xắn và hát bolero & rumba truyền cảm như Giang Hổng Ngọc, Tố My, Ý Linh, Như Ý, Hellen Thủy, Ngọc Diệu, Sa Huỳnh, Ánh Bùi, Thúy Anh, Hồ Phương Liên, … Có ca sĩ trẻ như Bích Lê hát nhạc cũ theo phong cách gợi cảm hiện đại, nhưng đa số vẫn theo phong cách bolero truyền thống. Tôi thích hai chị em Phương Anh, Phương Ý có phong thái trang nhã đứng đắn, giọng hát mượt mà không cường điệu, và có lối ngân nhẹ nhàng điêu luyện. Phương Ý được gọi là “nàng thơ” vì có chất giọng ngọt ngào, sắc đẹp dịu dàng, cách diễn tả tế nhị phù hợp với bài vui hay buồn, hát được cả nhạc lính miền Nam thời xưa, nhạc hải ngoại, nhạc ngoại quốc lời Việt và một số nhạc hiện đại. Bài “Cánh Hồng Phai” do Phương Ý hát tôi đã nghe lại nhiều lần, và nhiều người cũng thích nghe bài này giống như tôi – năm ngoái có 14 triệu views mà bây giờ đã thành hơn 40 triệu views, con số này vẫn tiếp tục gia tăng.

Vì đa số nhạc Việt thường chậm (nhất là nhạc trước 1975) với các giai điệu đơn giản lập đi lập lại, ca sĩ Việt lại không có làn hơi mạnh mẽ, cho nên người ngoại quốc khi nghe nhạc Việt thường cảm thấy chán và buồn ngủ. Giá trị của nhạc Việt là ở lời hát hơn là điệu nhạc, nhưng ý nghĩa lời hát chỉ thích hợp với tâm lý Việt Nam – người ngoại quốc dù hiểu lời cũng chẳng thấy thú vị, thậm chí họ còn có thể thấy lố bịch hoặc ngây ngô. Thí dụ như bài nhạc lính lãng mạn “Ai Nói Với Em” của Châu Kỳ: “Khi lính đã yêu bướm ghen tình thắm, muôn kiếp vẫn yêu nói chi ngàn năm…”, nghe Xuân Thu và Trúc Mai hát thời 1970 hay Sa Huỳnh và Phương Ý hát thời 2020 đều thấy thơ mộng dễ thương, nhưng dịch sang tiếng Anh lại thấy phóng đại quá lố: “When a soldier falls in love, the butterflies are jealous of his passionate feelings; he will be loving for thousands of lives, let alone a thousand years!”

Trước thời Internet, muốn nghe nhạc phải xem trên TV hoặc mua đĩa hát và tapes, CDs và DVDs, tốn khá nhiều tiền và số lượng bài nhạc nghe rất giới hạn. Bây giờ, ai cũng có thể xem online miễn phí đủ loại nhạc trên thế giới trong mọi thời đại, lại có phụ đề Anh, Pháp, Hoa để hiều lời nhạc quốc tế rất tiện lợi. Bản thân tôi thích nghe nhiều loại nhạc khác nhau: nhạc cổ điển và bán cổ điển Tây Phương, nhạc flamenco, nhạc thời 1970, và cả nhạc hiện đại Âu Mỹ, Hoa, Việt. Tuy nhiên, tiếng mẹ đẻ luôn luôn đi thẳng vào trái tim và thường có ảnh hưởng sâu đậm nhất – khi nghe những bài hát Việt với những ca sĩ Việt tôi ưa thích, tôi có cảm giác nhẹ nhàng thoải mái mà tôi ít khi cảm nhận được khi nghe nhạc ngoại quốc.